Chúa Giêsu Và Sứ Mạng Làm Người

Sat,21/09/2024
Lượt xem: 355

Một câu hỏi được đặt ra cho tất cả mọi Kitô hữu, rằng Chúa Giêsu là ai? Ngài đã làm gì và sống như thế nào? Khiến lòng người sợ hãi, khiến nhiều người kéo nhau đi tìm, xem, ở lại và biến đổi? Kể cả những người đui mù, què quặt, tội lỗi…đến nổi người ta bất chấp cái đói, cái khát và khoảng cách không gian để đến với Ngài.

Trong mỗi chúng ta, khi tìm hiểu về con người Đức Giêsu, chắc ai cũng đã từng nghĩ rằng Chúa Giêsu là một người không bình thường, không bình thường khi lựa chọn xuống thế làm người, không bình thường khi một vị Thiên Chúa Toàn Năng lại có cuộc sống bần hèn ở trần gian. Từ lúc sinh hạ đến lúc chết trên thập giá, Ngài sống trong sự nghèo khó, bị bỏ rơi, sĩ nhục, chỉ để “vâng phục” Chúa Cha (Ga 4,34) và thi hành sứ mệnh cứu chuộc con người (1Tm 2,1-8; Dt 9,11-15). Tại sao vậy? Con người có thể hiểu được không? Một vị Thiên Chúa lại nhập thể làm người, để sống kiếp phàm nhân ư? Phải chăng cuộc sống làm Thiên Chúa quá nhàn hạ, thiếu niềm vui để rồi Ngài muốn thử sống đời con người xem nó khác gì với địa vị Thiên Chúa sao?

Những câu hỏi ấy được đặt ra cho tất cả chúng ta, không phải để chúng ta chất vấn rằng: niềm tin của ta thật sự có và an toàn không? Thiên Chúa có thật không? Nhưng để chúng ta nhận thấy một tấm gương phản chiếu trong cuộc sống, một con người khác thường với lối sống khác thường. Chúa Giêsu là con người thực, đã Nhập Thể vào thế gian và Ngài sống giá trị chuẩn mực của con người một cách tuyệt đối. Qua đó, Ngài đã trở nên Đấng trung gian hoà giải giữa Thiên Chúa và con người (Dt 9,11-15). Đồng thời, Ngài cũng trở nên nguồn mạch công chính hoá và ơn cứu độ cho muôn dân (Rm 5,19; 1Cr 15,22. Chính qua Ngài mà lề luật được kiện toàn trong tình yêu (Mt 5,17) và con người có một mẫu gương đích thực về sự vâng phục hướng về sự vĩnh cửu (Lc 2,51). Dù chúng ta tin hay không tin thì sự thật, lịch sử đã diễn ra như thế.

Quả thế, nhìn lại lịch sử cứu độ, người ta mới thấy cái giá trị của sự hạ mình, Chúa Giêsu một mẫu gương của sự tự hạ. Ngài đã tự hạ thân phận mình từ địa vị Thiên Chúa xuống làm một con người, cũng mang trong mình những yếu đuối, sự mỏng mênh, để rồi người đời đã treo chính Ngài lên thân gỗ mà giết đi, vì thù ghét, vì không chấp nhận lối sống và giáo huấn của Ngài.

Thế nhưng, dẫu con đường làm người có những gai nhọn, có những chông chênh và thập giá, những Chúa Giêsu đã vui nhận tất cả để hoàn thành sứ mạng cứu độ, để làm mẫu gương sống động cho con người noi theo, để hoán cải con người, để giúp con người trở nên hiền hậu và hoàn thiện như cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện (x. Mt 5,48), nhưng hơn hết là để “vâng lời” (Pl 2,8).

Trong suốt ba mươi ba năm sống nơi trần thế, Chúa Giêsu đã thực sự trở nên rất người, rất người vì cung cách sống, vì cách ứng xử với mọi người, cách Ngài tiếp đón người tội lỗi, cách Ngài biểu lộ những cảm xúc hay cách Ngài im lặng hoặc đối thoại với quan quyền.

 Lật về từng trang Kinh Thánh, người ta thấy nơi Chúa Giêsu một sự một sự thân thiện đến lạ lùng “này Giakêu ngày hôm nay tôi phải trọ lại nhà anh” (Lc 19,10), một cuộc gặp gỡ tưởng chừng như rất thân quen, nhưng lại là chưa từng gặp gỡ. Nơi Ngài có một năng lực kỳ diệu, hễ gặp là không muốn xa rời (Mc 10,52). Chúa Giêsu còn thể hiện một tình yêu vượt qua mọi biên giới khi dành cho người bệnh tật, bất hạnh: “Anh muốn tôi làm gì cho anh” (Mc 10,51); “Này chị tội của chị đã được tha, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (x. Ga 8,11). Hay một sự kiên nhẫn đến lạ lùng cho người bán rẽ Con Người “người chấm chung một đĩa với Thầy chính là kẻ nộp Thầy…Này anh Giuda con ông Itcariot, anh muốn làm gì thì làm nhanh đi” (Ga 13, 22-27). Và đôi khi, Ngài cũng thể hiện một sự nóng giận đáng yêu, khi nhìn thấy nhà Cha Ngài bị biến thành chợ, Chúa Giêsu đùng đùng nỗi giận “đừng biến nhà Cha Ta thành cái chợ” (x. Ga 2,13-25). Một khả năng chịu đựng đòn roi và sĩ nhục đến tận cùng đau khổ (Mt 27,33-36). Một sự trách móc yêu thương “Sa tan hãy lùi lại đằng sau Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng Thiên Chúa” (Mc 8,33). Chúa Giêsu cũng như bào người có trái tim ấm áp, Ngài chìa cánh tay đủ dài và mở rộng trái tim ôm trọn hết mọi người, từ em bé “hãy để trẻ em đến với thầy” (Mc 10, 14) đến cụ già “ai vừa đụng vào áo choàng của tôi” (Mt 9 18,26) giữa một đoàn người đông đảo Người vẫn cố tìm cho kỳ được con người khao khát gặp được Chúa; từ người nghèo rách nát Lazarô (Lc 16,19-31) đến người người giàu có, quan quyền “xin Thầy hãy chữa người đầy tớ của tôi” (Mt 8,5-17)…

Chưa dừng lại ở những điểm bình dị này mà Chúa Giêsu mới trở nên hiền dịu, Ngài còn thể hiện tinh thần rất mới của tình yêu “Nếu anh em yêu thương người yêu thương mình thì còn gì là ân với nghĩa” (Lc 6,32); “nếu có ai vả má anh bên này thì giơ cả má bên kia nữa” (Mt 5,39); “rồi nếu ai chiếm đoạt chiếc áo ngoài của anh thì đừng cản nó lấy áo trong” (Lc 6,29). Một giáo huấn khiến người ta phải thổn thức và đặt dấu hỏi về chính mình.

Đứng trước án bất công, trước những con người sắp xử tử mình, Chúa Giêsu vẫn không hề nao núng, hay sợ hãi. Ngài thinh lặng trong sự chiến thắng và vinh quang. Ngài không lên án họ, không trách họ, không thù hằn họ, không khô khan với họ, người lại càng không xua đuổi, chống trả với họ…Ngài vẫn tôn trọng và yêu thương họ. Ngài xem họ là những con người được sai đến để Ngài hoàn tất chương trình cứu độ. Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm (x. Lc 23,33-43).

Tuy dẫu, Chúa Giêsu đã sống hết tình với con người, nhưng khi đứng trước những bất công và đứng trước những điều thiếu bác ái. Chúa Giêsu vẫn sẵn sàng đấu tranh, bảo vệ cho những người yếu thế. Lần nọ, khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi qua cánh đồng. Các môn đệ đã bứt lúa trong ngày sa bát để ăn (Lc 6,1-5). Tuy nhiên, hình ảnh này của họ đã bị những người Phariseu lên án gay gắt. Chúa Giêsu vì thương các tông đồ, Ngài đã đứng ra bảo vệ cho các môn đệ. Ngài lấy ví dụ dẫn chứng Vua Đavit cùng với thuộc hạ khi đói đã ăn bánh tiến trong đền thờ thế nào (Lc 6,15)? Các môn đệ cũng có thể làm như thế trong ngày Sabát, liệu có tội chăng? Luật sáng tạo là vì con người.

Tất cả mọi điều trên, Chúa Giêsu đều đã trải qua để chứng minh một điều rằng, Người vâng lời Chúa Cha. Người không để sót một con chiên nào ngoài vòng tay của người. Người sẵn sàng để 99 con chiên ngoài đồng, để đi tìm cho kì được con chiên lạc kia mà. Dẫu biêt rằng, lựa chọn của Ngài là một sự mạo hiểm, là một sự đánh đổi đau khổ lấy tình yêu. Ôi, tình yêu Thiên Chúa quá nhiệm mầu, con người làm sao hiểu thấu được. nhưng phải chăng, chúng ta chưa thể góp nhặt, gặm nhấm được một chút tình yêu nơi Người.

Chúa Giêsu đã trở nên một con người thực và Ngài cũng trở nên nhân chứng của Tình yêu Thiên Chúa, khi đã hạ mình, hạ mình đến tận nơi sâu thẳm bần hèn nhất của con người. Có vị vua nào lại chọn nơi sinh của mình là hàng lừa máng cỏ, có ai chọn nệm êm mình nằm là cây thập giá, có ai chọn con đường vinh quang là trải qua đau khổ…thực sự  “Đức Kitô vốn giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em, để anh chị em được nên giàu sang nhờ cái nghèo của người” như lời của Thánh Phao lô.

Kinh Thánh không một lần cho thấy Chúa Giêsu nở một nụ cười, nhưng người đã khóc như một đứa trẻ khi thấy cảnh anh Lazaro chết thương đau, người còn khóc cho cả thành thánh Giêrusalem sắp tàn, rồi đây nó không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào. Cuộc đời của một vị Thiên Chúa làm người cũng không tệ đúng không? Người đến không để bải bỏ luật Môsê nhưng là để kiện toàn nó trong tình yêu. Những cảm xúc rất người và rất đời ấy của Chúa Giêsu, nó mang lại một cảm giác an toàn và năng lượng cho ai đến gần Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đến thế gian không phải để làm vua theo kiểu người đời ban tặng, nhưng là vị vua của tình yêu. Người đến không phải để cổ vũ cho tinh thần “mắt đền mắt, răng đền răng” mà để kiện toàn giá trị con người rằng : “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) và “anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Thế đó, cuộc đời làm người của Thiên Chúa đã trở nên một sự kỳ diệu cho nhân loại. Người không chỉ là tấm gương phản chiếu giữa cuộc đời tăm tối, không chỉ là con đường, sự thật và chân lý cho người yếu thế. Nhưng trên hết, Chúa Giêsu đã mở ra cánh cửa Thiên Đàng đã khép kín từ lâu, khi Adong - Evà phạm tội. Ngang qua cái chết và sự phục sinh của Người, chúng ta tìm lại được nguồn vui đã đánh rơi và chôn vùi trong quá khứ. Nơi Chúa Giêsu, con người tìm thấy sự an toàn, bình an, thanh thản, sự dịu hiền. Người không bỏ rơi chúng ta “Khi Ta được nâng lên, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” (Ga 12,32), dù là đau yếu, bất toàn, nghèo hèn, tội lỗi…Người sẽ không để một con chiên nào của Thiên Chúa phải đi lạc khỏi cánh tay của Ngài.

Lạy Chúa, con là ai để Ngài thương đến. Vâng, con chỉ là một thụ thạo thấp hèn,bé nhỏ, bất toàn. Đâu xứng với những gì cao quý phát xuất từ Thiên Chúa. Con xin lỗi vì đã không sống xứng đáng với ơn gọi mà Ngài đã ban cho con, không xứng đáng với lòng thương xót vô biên của Ngài. Con xin lỗi vì không sống được một phần nhỏ giá trị của Người. 

GB. XUÂN LỊNH, K. XVI

Nguồn tin: