Mừng Xuân Ất Tỵ, Nói Chuyện Con Rắn

Fri,24/01/2025
Lượt xem: 933

Theo phong tục Á Châu, một số nước tính năm tháng theo lịch Trung Quốc, nghĩa là theo lịch chuyển động vừa mặt trăng vừa mặt trời, lịch này có từ thời Tần Thủy Hoàng và mỗi năm lấy tên một con vật làm biểu tượng.

Ví dụ: Tý (năm con chuột)

Sửu (năm con Trâu)

Dần (năm con Hổ)

Mão (năm con Mèo)

Thìn (năm con Rồng)

Tỵ (năm con Rắn)

Ngọ (năm con Ngựa)

Mùi (năm con Dê)

Thân (năm con Khỉ)

Dậu (năm con Gà)

Tuất (năm con Chó)

Hợi (năm con Lợn) và cứ hết mười hai năm lại quay trở lại.

Năm Giáp Thìn đã dần qua, quê hương Việt Nam chúng ta đang nao nức đón tết Ất Tỵ, tết con Rắn. Rồng rắn nối kết nhau, hỗ trợ và bổ túc cho nhau vì cùng một họ.

Mặc dù những ngày cuối đông năm nay, tại Miền Bắc, trời thật rét lạnh, nhưng không khí tết vẫn rộn ràng. Ai ai cũng nao nức đón tết với những chuẩn bị, lo toan sao cho ngày tết không thiếu hương vị đậm đà: Cây nêu, bánh chưng xanh, thịt mỡ, hành dưa, câu đối đỏ…Rồi cành đào, cành mai, khóm cúc, chậu quất và đủ loại bánh mứt, đủ mọi thứ hoa quả từ đâu cứ ùn ùn kéo về trông thật vui mắt, ấm lòng giữa cảnh trời đông tiết giá. Thật Tạo Hóa cũng khéo chiều ý con người!

Mừng xuân Ất Tỵ

Mừng tết con rắn, đối với chúng ta những người công giáo, chúng ta cùng hòa mình với dân tộc đón một cái tết trong Năm Thánh Hy Vọng. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu đôi chút về con vật đã được Thiên Chúa làm ra và được lấy làm biểu tượng cho năm nay với chủ đề: Kinh Thánh nói gì về con Rắn.

I. Rắn trong Cựu Ước

Bình thường Rắn cho ta một cảm giác ớn lạnh, không mấy có cảm tình, đôi khi còn khiếp sợ gớm ghét nữa. Tại sao vậy? Rắn đã chẳng là một con vật Thiên Chúa đã làm ra và được chúc phúc như các con vật khác đó sao?

“Thiên Chúa phán: Đất phải sinh các vật tùy theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tùy theo loại, liền có như vậy… Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1,24). Thế nhưng, ngay sau đó trong những trang đầu sách Sáng Thế, Kinh Thánh đã nói:

– Rắn xảo quyệt:

” Rắn là một loài xảo quyệt trong mọi giống vật ngoài đồng mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra” (St 3,1)

– Rắn có nọc độc:”Bọn ác nhân lạc lối từ khi lọt lòng mẹ, phường gian dối lầm đường ngay từ thuở mới sinh ra, nọc của chúng khác nào nọc rắn, chúng như hổ mang điếc bịt tai”(Tv 58,4); (Cn 23,32).

– Lưỡi nhọn của Rắn:

Người Do Thái tin là từ đó sinh ra nọc độc:

“Lòng chúng bầy chước độc mưu thâm, cả ngày chỉ biết gây xung đột. Chúng mài lưỡi nhọn như lưỡi rắn, chứa đầy mồm nọc độc hổ mang (Tv 140,3)

“Nó đã bú nọc độc, thì lưỡi rắn sẽ giết nó chết” (G 20, 16)

– Rượu như rắn cắn:

“Nhưng rốt cuộc, rượu như rắn cắn, như nọc độc hổ mang” (Cn 23, 32)

Hoặc:”Người đào hố có thể rơi xuống hố, kẻ phá tường e bị rắn cắn cho”(Gv 10,8)

– Thày dụ rắn (Thày pháp):

“Làm thày dụ rắn mà không đủ cao tay, để cho rắn cắn, thì nào được lợi lộc gì” (Gv 10,11)

– Rắn độc trong sa mạc:

“Bấy giờ Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ khiến nhiều người It-ra-en phải chết” (Ds 21,6)

– Con Rắn đồng trong sa mạc:

Trong sa mạc Chúa phạt dân Do Thái bị Rắn cắn chết. Nhưng lúc họ ăn năn thì Chúa truyền Môsê treo con Rắn đồng để dân nhìn thấy được khỏi (Ds 21,4-9; Gl 3, 14).

Xưa Môsê treo con Rắn trên nơi đồng vắng thế nào thì Con Người cũng phải treo lên dường ấy, hầu cho những ai tin đến Ngài đều được sống đời đời.

Môsê tỏ ra hình con Rắn mất quyền làm hại, treo như một chiến lợi phẩm của kẻ đắc thắng. Đó là xưng ra sự dữ về xác thịt và thuộc tâm linh đã bị đánh bại và do đó giúp thêm sức mạnh cho Đức Tin yếu đuối của dân Do Thái.

– Thói quen của Rắn:

Rắn có thói quen nằm ở hàng rào hay vách tường.

“Cũng giống như người chạy trốn sư tử lại gặp phải gấu, người ấy về đến nhà, chống tay lên tường lại bị rắn cắn” (Am 5, 19)

– Lốt Rắn bò là 1 trong 3 điều kỳ diệu:

Có 3 điều quá kỳ diệu đối với tôi và 4 chuyện tôi không sao hiểu nổi: Đó là đường diều hâu bay lượn trên trời; đường rắn bò trên đá; đường thuyền bè đi lại giữa biển khơi và đường của chàng thanh niên tìm đến cô thiếu nữ. (Cn 30,19).

– Nơi Rắn ở:

“Ngài đã dẫn anh em đi trong sa mạc mênh mông, khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp” (Đnl 8,15).

– Hình phạt:

“Vì vậy, Ta sẽ cho loài Rắn, loài Rắn độc, đến làm hại các ngươi, mà không phù phép nào ngăn nổi, chúng sẽ cắn chết các ngươi”. (Gr 17)

– Quỷ mượn hình Rắn:

Ma quỷ mượn hình con Rắn đến cám dỗ nguyên tổ, Kinh Thánh gọi là: “Con Rắn xưa”. “Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó” (Kh 12,9).

– Án phạt Rắn:

Có người cho trước khi nguyên tổ sa ngã rắn đi thẳng. Từ khi loài người sa ngã thì coi vết bò của nó là một cách gớm ghiếc và ghét nữa vì đã bị rủa sả trong các loài súc vật và có dấu sự đoán phạt ghi trên mãi mãi.

“Đức Chúa phán với con Rắn: Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong các loài súc vật và mọi loài dã thú, mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà. Giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy. Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St3, 14).

Kinh Thánh nói nó ăn đất vì khi nó bắt mồi cũng cuốn theo một ít đất cát. Cả đông phương coi nó là hình bóng sự dữ, là tinh thần bất phục và ngạo mạn.

– Rắn lục:

Sách Gióp 20,16 nói: “Nó đã bú nọc độc, thì lưỡi Rắn sẽ giết nó chết”; Còn Isaia 30,6 nói: “Trong miền đất hiểm nghèo và khốn quẫn, miền đất của sư tử đực và sư tử cái, miền đất của rắn độc và rồng bay”.

Sách Dân Số 21,6-8 nói về Rắn Lửa nhưng người Do Thái thường lầm Rắn lửa này với “Rắn Lửa bay” của Ezekiel. Lửa ở đây có nghĩa là đốt cháy ngụ ý cảm giác khi bị Rắn cắn. Có mấy thứ Rắn lửa bay ở sa mạc Arập, còn Rắn lửa của Isaia không có (chỉ là ý bóng mà thôi). Trên các tường chạm trổ ở Ai Cập có nhiều hình Rắn và những cánh chim quái gở.

Tiếng Eph’eh trong Gióp 20,16 có nghĩa là Rắn lục còn Isaia không nói Rắn đó là Rắn nào.

– Rắn là sự kinh khiếp:

“Rắn cũng là sự kinh khiếp trong đồng vắng” (Đnl 8,15; Is 30,6)

– Rắn trong thời gian bình an:

“Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang” (Is 11,8)

– Rắn trước thời gian bị rủa sả:

” Thiên Chúa phán: Đất phải sinh ra các vật tùy theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tùy theo loại.” Liền có như vậy…Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” (St 1,24,25)

– Rắn trong thời gian bị rủa sả:

“Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi” (St 3,14)

II. Rắn trong Tân Ước

– Gioan Tẩy Giả dùng “loài Rắn lục” chỉ người Pha-ri-sêu và Xa-đốc:

“Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” (Mt 3,7)

– Ông cũng chỉ dân đến nghe mình:

“Đám đông lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa; ông nói với họ: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” (Lc 3,7).

– Chính Chúa Giê su cũng dùng loài rắn lục để chỉ về các thầy thông luật:

“Loài rắn độc kia, xấu như các người, thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy miệng mới nói ra.” (Mt 12,34)

– Mác-cô thì nói về ân sủng người Ki tô hữu được Chúa ban như sau:

“Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe” (Mc 16,18)

Bạn đọc thân mến,

Sau khi đã lần giở những trang Kinh Thánh để tìm hiểu về con Rắn, chắc chúng ta đã rút ra được những kiến thức và suy tư, cũng như những bài học Chúa tỏ ra cho mỗi người chúng ta biết về loài thụ tạo này. Tôi chỉ xin chia sẻ một cảm nghĩ của tôi như một bông hoa nhỏ gửi tặng các bạn dịp đầu xuân Quý Tỵ cũng là mùa xuân rộng lớn của đại gia đình Hội Thánh toàn cầu trong Năm Đức Tin.

Xưa kia lúc đất trời còn trinh nguyên. Rắn là một tạo vật được Thiên Chúa làm ra với nhiều ưu thế: Thân mình mềm mại, uyển chuyển, chiếc đầu thon nhỏ và đặc biệt đôi mắt thật tinh khôi, nhiều con còn được Tạo Hóa khoác cho những chiếc áo sắc mầu sặc sỡ rất đẹp, có người nói trước khi làm cho Nguyên Tổ sa ngã Rắn còn đi thẳng.

Quả thật Rắn đã được Thiên Chúa quan tâm ưu ái và chúc phúc như mọi tạo vật khác (St 1,24). Sau này chính Đức Ki-Tô cũng ghi nhận bản chất nguyên thủy của rắn và trả lại giá trị của nó cách công bằng khi Ngài bảo các môn đệ phải khôn ngoan như rắn với lời căn dặn:

“Này,Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy sói vậy anh em hãy khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.”(Mt10,16)

Thế thì vì sao sau đó Rắn lại nên nông nỗi như những trang Kinh Thánh đã mô tả trên, nhất là bị Thiên Chúa chúc dữ và nguyền rủa? (St 3,14)

Theo tôi, những trang Kinh Thánh trên có một ngụ ý biểu tượng, ngầm diễn tả một bí ẩn sâu xa thuộc tâm linh, đụng chạm đến sự tự do, một hồng ân cao quý Thiên Chúa đã chỉ dành riêng cho 2 loài thụ tạo Ngài đặc biệt yêu thương là Thiên Thần và Loài người.

Thiên Thần sau khi lạm dụng tự do đã trở thành Thần dữ. Nó ngạo mạn chống lại Đấng đã tạo nên mình và xảo quyệt mượn hình con rắn như một chiêu bài hiểm độc thật quyến rũ để đánh gục nguyên tổ chúng ta và nó đã thành công.

Ngày nay, Sa tan vẫn theo đường lối gian dối đó, chúng sử dụng những phương thế còn tinh xảo gấp bội để làm hại con người thời đại. Vì thế chúng ta hãy tỉnh táo như lời Đức Kitô đã phán dạy:

“Hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ vì tinh thần thì hăng say nhưng thể xác lại yếu hèn”. (Mt 26,41). )

Hơn nữa, Lời Chúa còn phán dạy chúng ta trong sách Dân số 21,49 như sau: “Trong sa mạc Chúa phạt dân Do Thái bị rắn cắn chết. Nhưng lúc họ ăn năn, Chúa truyền cho Môsê treo con rắn đồng để dân nhìn thấy được khỏi. Môsê đã làm theo lời Chúa dạy và tỏ ra hình con rắn mất quyền làm hại, ông treo con rắn lên cột cao như một chiến lợi phẩm của kẻ đắc thắng. Ông muốn khẳng định rằng: sự dữ đã bị đánh bại rồi. Do đó đã giúp thêm sức mạnh cho đức tin yếu đuối của dân. Họ tin tưởng từ bỏ tà thần tội lỗi để quyết tâm phụng thờ Giavê và được cứu thoát.

Hình ảnh con rắn đồng trên được áp dụng cho Đức Kitô lúc Ngài bị treo trên Thập Giá như chính Ngài đã phán: ” Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).

Hay ở nơi khác, thánh Phaolô đã viết trong thư gửi giáo đoàn Galata rằng:: “Đức Ki tô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta, chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: “Đấng bị nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ”. Như thế là để nhờ Đức Kitô các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho Apraham và để nhờ đức tin chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí.”(Gl 3,14)

Ước mong Thần Khí của Thiên Chúa như một làn gió xuân thơm mát tràn vào tâm hồn các bạn, sẽ củng cố đức tin của các bạn vào Đức Kitô, Đấng cứu độ duy nhất có thể đem lại hạnh phúc thật và vĩnh viễn cho chúng ta, để với lòng tin tưởng chúng ta hân hoan đón chào Năm Mới Quý Tỵ với đầy phấn khởi, lạc quan và niềm vui an bình.

Xin Đức Trinh Nữ Maria Mẹ của mùa xuân vĩnh cửu, Đấng đã chiến thắng Sa tan ở cùng và phù giúp các bạn luôn mãi.

 

Nguồn tin: tonggiaophanhanoi.org
Tags :