Tìm Hiểu Ý Nghĩa Thừa Tác Vụ Đọc Sách Và Giúp Lễ Trong Giáo Hội

Wed,22/03/2023
Lượt xem: 3391


Trong suốt dòng lịch sử, Giáo Hội đã trải qua 21 công đồng với bao thăng trầm biến thiên cùng lịch sử. Nếu trước đây, trong truyền thống cổ xưa của Giáo Hội, chúng ta có rất nhiều “các chức nhỏ” để dọn đường cho việc tiến chức Linh mục. Thì nay,sau Công đồng Vatican II, Giáo Hội đã bỏ một số chức xét thấy không cần thiết, và chỉ còn giữ lại chức Đọc sách và Giúp lễ. Sẽ có vấn đề về việc dùng hạn từ “chức” hay “thừa tác vụ” Đọc sách và Giúp lễ, nhưng người viết xin không bàn đến trong bài này.[1] Để phần nào hiểu đúng các cử hành Phụng vụ trong Giáo Hội liên quan đến thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ, chúng ta lần lượt tìm hiểu tên gọi của chúng trong cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội. Tiếp đến, chúng ta sẽ mon men qua những lối nhỏ của ý nghĩa thần học mà Giáo Hội muốn nói đến trong hai thừa tác vụ đó. Qua đó để thấy được điểm nổi bật và đáng lưu tâm của chúng ta phải là ý nghĩa của các bổn phận cần chu toàn, hầu sinh ích lợi như ước mong Giáo Hội muốn trao ban.

1.   TÊN GỌI THỪA TÁC VỤ.

Như đã trình bày trên, các thừa tác vụ xuất hiện với nhiều tên gọi khác nhau trong lịch sử. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhất là sau Công đồng Vatican II, chúng ta thấy nổi lên hạn từ “thừa tác vụ” được dùng nhiều hơn hết. Trong tiếng Latinh, từ “ministerium” do gốc từ Hy Lạp “diakonia” và được dịch “thừa tác vụ”. Do đó, chúng ta sẽ hiểu “ministerium”, “diakonia” hay “thừa tác vụ”, tức dùng chỉ những công việc được thực hiện trong Giáo Hội để phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn. Vd: cử hành các bí tích, rao giảng Lời Chúa.[2]

Từ đó, chúng ta phần nào hiểu được ý nghĩa của các thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ cũng không nằm ngoài ý nghĩa căn cốt kể trên. Thật thế, công việc của hai thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ là chu toàn công việc trong bổn phận công bố Lời Chúa trong Thánh Lễ ( trừ Phúc Âm) và trong các buổi cử hành phụng vụ khác[3], cũng như giúp đỡ hàng giáo sĩ trong việc phục vụ bàn thờ.[4]

Đến đây, chúng ta phần nào, thấy rõ bản chất của các thừa tác vụ trong Giáo Hội không ngoài mục đích nào hơn là phục vụ cộng đoàn. Thế nhưng, các thừa tác vụ đó mang ý nghĩa gì khác hơn ngoài bổn phận phục vụ hay không? Chính thao thức đó, phần nào mang đến cho người lãnh tác vụ một ý nghĩa thần học, để thấy Giáo Hội luôn dành những cái quý nhất cho con cái mình.

2.   Ý NGHĨA THẦN HỌC.

Để có cái nhìn thần học về thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ, chúng ta sẽ len lỏi qua những ngõ ngách trong Kinh Thánh, để thấy nguồn gốc của các thừa tác vụ. Bên cạnh đó, thiết nghĩ, trong các Giáo huấn chính thức của Giáo Hội, đâu đó chúng ta sẽ gặp thấy ý nghĩa sâu đậm của các thừa tác vụ mà chúng ta sẽ lãnh nhận .

2.1 Kinh Thánh

Lấy lại tư tưởng của Thánh Augustinô, kinh Tiền tụng khẳng định Ngôi Lời vốn là Thiên Chúa, Đấng “được sinh ra trước mọi thời gian, nay bắt đầu hiện hữu trong thời gian”. Như thế, Ngôi Lời vốn vượt trên thời gian thì nay lại chịu sự giới hạn của thời gian qua việc đảm nhận một bản tính nhân loại vào mình. Không những thế, chính Đức Giêsu Kitô, đã tự nguyện nhân lấy “thân nô lệ” (Pl 2,7) để “được phục vụ”(x.Mc 10,45) vì tội nhân loại. Do đó, chính Đức Kitô là Đấng thiết lập, là nguồn mạch các thừa tác vụ cũng như trao ban thẩm quyền đó cho Giáo Hội.[5] Ngõ hầu, dân Thiên Chúa được chăn dắt và luôn được tăng trưởng mà đạt tới ơn cứu độ.[6]

Trong sứ vụ công khai rao giảng Nước Trời của mình, Đức Giêsu Kitô đã tuyển chọn các Tông Đồ để phụ giúp mình. Sau khi đã ở với Thầy và được Thầy huấn giáo, Đức Giêsu đã ban cho các Tông Đồ năng quyền để thực hiện sứ mệnh, thành thừa tác viên của Giao Ước Mới (x.2Cr 3,6).

Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, chúng ta đã thấy xuất hiện những thừa tác vụ để chuyên tâm phục vụ cộng đoàn các tín hữu lúc bấy giờ (x. Cv 6,1-8).

Như đã nói ở trên, đặc tính của các thừa tác vụ trong Giáo Hội là đặc tính phục vụ. Nên chúng ta được kêu gọi phục vụ cho người khác chứ không phải vì lợi ích bản thân. Vì bắt nguồn từ chính Đức Kitô, nên chúng ta tự nguyện trở nên nô lệ của mọi người.(x. 1Cr 9,19).

2.2 Giáo huấn của Giáo Hội.

Nhờ hiệu năng của Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được trở thành những tư tế phổ quát, nên chúng ta đều được mời gọi trở nên một lời chúc lành và để chúc lành. Do đó, thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ mà chúng ta lãnh nhận đều có thể chủ sự một số việc chúc lành[7].

Song song đó, việc nhận lãnh thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ, là để giúp các phận vụ của chức tư tế thừa tác, và “nhiệm vụ này phải được Giám mục quy định theo truyền thống phụng vụ và các nhu cầu mục vụ[8]

2.2.1 Các bổn phận liên quan đến thừa tác vụ Đọc sách.

Thừa tác vụ đọc sách là tác vụ chính thức mà Giáo Hội trao ban cho một giáo dân nam để phục vụ bàn tiệc Lời Chúa trong Thánh Lễ ( trừ Phúc Âm) và các buổi phụng vụ khác, nên bổn phận của tác vụ đó gồm: hát xướng ca nhập lễ, Thánh Vịnh, ca hiệp lễ, đọc Lời nguyện Tín Hữu, và rước sách Phúc Âm ra bàn thờ trong trường hợp không có phó tế.[9]

Thông thường, những ứng sinh Phó tế, buộc phải lãnh nhận và thi hành Thừa tác vụ đọc sách ít nhất sáu tháng.[10]

2.2.2 Các bổn phận liên quan đến thừa tác vụ Giúp lễ.

Thừa tác vụ Giúp lễ là tác vụ chính thức mà Giáo Hội trao ban cho một giáo dân nam để giúp hàng giáo sĩ trong việc phục vụ bàn thờ  và các buổi phụng vụ khác, nên bổn phận của tác vụ đó gồm: chuẩn bị bàn thờ và các bình thánh, khăn thánh; cầm Thánh Giá và nến đi đầu đoàn rước, xông hương cho Linh mục và cộng đoàn khi không có Phó tế, cho tín hữu rước lễ, tráng và lau các bình thánh; đặt và cất Mình Thánh Chúa trong giờ Chầu Thánh Thể ( không có quyền ban phép lành Thánh Thể).[11]

Thông thường, những ứng sinh Phó tế, buộc phải lãnh nhận và thi hành Thừa tác vụ Giúp lễ ít nhất sáu tháng.[12]

Đến đây, chúng ta đã tạm có cái nhìn tổng quát về các thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ. Khởi đi từ tên gọi của nó, chúng ta đã hiểu phần nào mục đích của thừa tác vụ là phục vụ cộng đoàn. Chính điều đó được gợi hứng nơi khuôn mẫu Đức Giêsu Kitô như trong các trình thuật Kinh Thánh và qua những Giáo huấn chính thức của Giáo Hội.

Với ý thức, việc lãnh nhận này không nhắm đến cấp bậc, chức tước nhưng là mốc khởi đầu trong hành trình ơn gọi theo Chúa. Tuy việc đọc sách và giúp lễ không chỉ dành riêng cho các ứng sinh Phó tế và Linh mục, nhưng khi lãnh nhận tác vụ này, người tu sĩ được thực hành cách chính thức các công việc phụng vụ mà Giáo Hội ban cho. 

“Hồng ân và trách nhiệm” là  hai đặc ân luôn song hành nhau khi được công bố Lời Chúa và phục vụ Bàn thờ. Chính trong bổn phận đó, mà chúng ta có trách nhiệm đào sâu hiểu biết về những gì được lãnh nhận, để khi nhân danh Giáo Hội, làm việc vì lợi ích của Giáo Hội, chúng ta thấm nhập con tim, tâm hồn khi xướng lên Lời Chúa và khi hiện diện bên cạnh bàn thờ để của hành Bí tích Thánh Thể.

 Petrus Tài, CSC

 

[1] Trong Giáo Hội đã có lúc dùng hạn từ “chức” cho người lãnh phận vụ Đọc sách và Giúp lễ. Trong bài này chỉ dùng hạn từ “thừa tác vụ”.

[2] x.Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, Nxb. Tôn giáo, Tp.Hồ Chí Minh, 2016, tr870.

[3] x.Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, Nxb. Tôn giáo, Tp.Hồ Chí Minh, 2016, tr870

[4] x.Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, Nxb. Tôn giáo, Tp.Hồ Chí Minh, 2016, tr871

[5] x.Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, (Uỷ Ban Giáo lý đức tin, trực thuộc HDDGMVN dịch), Nxb Tôn Giáo, Sài Gòn, 2010, số 874.

[6] x.CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, Uỷ Ban Giáo lý đức tin, trực thuộc HDDGMVN dịch), Nxb Tôn Giáo, Sài Gòn, 2019, số 18.

[7] x.Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, (Uỷ Ban Giáo lý đức tin, trực thuộc HDDGMVN dịch), Nxb Tôn Giáo, Sài Gòn, 2010, số 1669.

[8] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, (Uỷ Ban Giáo lý đức tin, trực thuộc HDDGMVN dịch), Nxb Tôn Giáo, Sài Gòn, 2010, số 1143.

[9] x. Quy chế tổng quát sách lễ Rôma, số 194

[10] x.Giáo Luật 1983, số 1035.

[11] x.Quy chế tổng quát sách lễ Rôma, số 98;187-193.

[12] x.Giáo Luật 1983, số 1035.

 

Nguồn tin: dongthanhtamhue.net
Tags :