Giáo Hội Có Thể Đối Thoại Liên Tôn Bằng Cách Nào?

Fri,08/10/2021
Lượt xem: 3166

Trong những thập niên gần đây, đối thoại đã trở thành danh từ thời thượng, một cách thế sống và một lối giải quyết vấn đề được đề cao trong xã hội. Có thể coi đây là một trong những thành công lớn của nhân loại khi quyết định dùng trí tuệ thay thế cho bạo lực và bom đạn, nhằm giải quyết bất đồng quan điểm, tranh chấp, xung đột ... giữa người với người, cũng như giữa các tổ chức, quốc gia với nhau. Trong lĩnh vực tôn giáo, đối thoại đóng một vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Chính vì vậy, Giáo hội Công giáo từ sau Công đồng Vatican II đã chuyển từ thế cô lập, vươn mình ra với thế giới, một Giáo hội mở cửa và đi ra chứ không phải đóng khung khép kín, giáo điều, kết án, độc tôn và thượng tôn về chân lý cứu độ như trước nữa. Giáo hội cũng đã nhận thức và có thái độ cởi mở chân thành với các tôn giáo bạn trong tinh thần đối thoại, liên đới để nhờ đó có thể hàn gắn lại những vết thương bởi sự chia ly của một số anh em ly giáo, đem lại sự hiệp nhất trong gia đình con cái Thiên Chúa và tìm được sự hòa hợp giữa Công giáo với các tôn giáo khác cũng như giữa các tôn giáo với nhau. Đối thoại với các tôn giáo khác là một nhiệm vụ như là bn phận và thách đố mà Công đồng Vatican II giao cho toàn thể Giáo hội[1], không trừ một ai:

Mỗi thành viên và tất cả cộng đồng Kitô hữu được mời gọi để tham gia đối thoại, dù không luôn luôn ở cùng một trình độ hoặc cùng một phương thức. Sự đóng góp của họ thực sự cần thiết trong lãnh vực này, bởi vì họ có thể cải thiện các mối quan hệ giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau, qua gương sáng của họ trong những hoàn cảnh họ sống và trong những hoạt động của họ. Một số người trong họ cũng có thể đóng góp qua việc tìm tòi nghiên cứu”.[2]

Trong giới hạn cho phép, người viết xin trình bày ngắn gọn yêu cầu của vấn đề với những điểm sau: 1/ Đối thoại và đối thoại tôn giáo là gì? 2/ Tầm quan trọng của đối thoại tôn giáo. 3/ Những thách đố trong vấn đề đối thoại với các tôn giáo khác. 4/ Phương thế đối thoại tôn giáo.

1. Đối thoại và đối thoại tôn giáo là gì?

Trong tiếng Anh hay tiếng Pháp, chữ ‘dialogue’ xuất phát từ hai từ Hy Lạp ‘dia – logein’ cũng có nghĩa tương tự như hai từ ‘đối thoại’. Khi nói đến đối thoại thì phải có sự đối lập, hay ít ra sự khác biệt. Đối thoại là đi đến một sự thật, chứ không phải đi đến một sự thỏa hiệp. Tiến sĩ tâm lý Norman Wright định nghĩa đối thoại là “tiến trình chia sẻ chính mình với người khác, bằng lời nói, cử chỉ và thái độ, với mục đích để người đó có thể tiếp nhận và hiểu rõ những điều ta muốn chia sẻ.”[3] 

Theo quan điểm của Giáo Hội, đối thoại không phải là một cách giải quyết mâu thuẫn, mà là chia sẻ một quà tặng. Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu (EA=Ecclesia in Asia) nêu lên như sau: “Vấn đề lớn đang đặt ra cho Giáo Hội Á Châu hiện nay là làm sao chia sẻ với anh chị em người Á Châu của mình cái mà chúng ta cho là một quà tặng bao gồm hết mọi quà tặng, tức Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô”. Điều Giáo Hội muốn chia sẻ chỉ vẻn vẹn là một Tin Mừng: ấy là Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương chúng ta bằng một tình yêu cứu độ, và thể hiện tình yêu ấy qua Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất. Trong chiều hướng đó, ngày 5/2/1986, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ với những vị lãnh đạo các tôn giáo ngoài Kitô tại Madras, Ấn Độ: “Qua đối thoại, chúng ta để cho Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta; vì chúng ta mở lòng ra đối thoại với nhau thế nào thì chúng ta cũng mở lòng ra với Thiên Chúa như vậy”[4].

Văn kiện về “Đối Thoại Và Truyền Giáo xác định:

“Đối thoại tôn giáo là một hình thức truyền giáo đặc biệt và quan trọng trong thời đại chúng ta, trong đó, người Ki-tô hữu gặp gỡ các tín đồ tôn giáo khác để cùng đồng hành đi đến chân lý, và cùng cộng tác với nhau trong những dự án thực hiện những quan tâm chung. Như vậy, đối thoại chính là truyền giáo.[5] 

Ủy ban Đối Thoại Liên Tôn trực thuộc Hội Đồng Á Châu (BIRA, 1979) mô tả đối thoại liên tôn như là “tiến trình nói và nghe, cho và nhận, tìm kiếm và học hỏi, nhằm đào sâu, làm giàu niềm tin và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.”[6] Theo Edmund Chia, thần học gia cộng tác lâu năm với Hội Đồng Giám Mục Á Châu, đội thoại liên tôn là “cuộc đàm luận giữa những người với não trạng khác nhau, nơi mà các thành viên đối thoại học hỏi nhau, bày tỏ lập trường quan điểm của mình cũng như lôi cuốn nhau về niềm tin của mình.”[7] Như thế, đối thoại tôn giáo không phải là một tác vụ đơn lẻ, mà là tác vụ đa chiều, cùng nhiều hoạt động, quảng diễn và hàm ý khác nhau liên quan đến tất cả các thành viên tham dự.

2. Tầm quan trọng của đối thoại tôn giáo

Để hiểu rõ tầm quan trọng của đối thoại tôn giáo như thế nào, ta cùng tìm hiểu một vài nét về ý nghĩa, vai trò và mục đích của nó.

Hạn từ đối thoại mới du nhập vào, nhưng thực tế hành động đối thoại đã diễn ra ngay chính trong môi trường Thiên Chúa và trong buổi bình minh lịch sử của môi trường nhân loại. Thật vậy, khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa nói: “Chúng ta hãy tạo nên con người giống hình ảnh ta... (St 1,26a), như thế là đã có sự ‘bàn bạc’ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, tức đã có sự đối thoại; khi con người được dựng nên Thiên Chúa đã đối thoại với con người, thể hiện qua việc chiều chiều Thiên Chúa đi dạo với con người trong vườn địa đàng (x. St 3,8). Đặc biệt, khi con người sa ngã, Thiên Chúa đã đối thoại với con người và hứa ban Đấng Cứu Thế là Lời của Thiên Chúa sẽ đến để cứu độ con người, ...Khi Đức Giêsu Kitô – Lời của Thiên Chúa nhập thể làm người là đỉnh cao của đối thoại Thiên Chúa với con người. Có thể nói lịch sử Cứu độ là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người và được thể hiện rõ ràng nhất nơi con người Đức Giêsu Kitô – Lời của Thiên Chúa: “Mặc khải là mối liên hệ siêu nhiên mà chính Thiên Chúa đã chọn để giao tiếp với con người. Mặc khải ấy có thể được giới thiệu qua đối thoại, qua Lời mà Thiên Chúa nói trong mầu nhiệm Nhập Thể và rồi trong Tin Mừng ... Lịch sử cứu độ là bản tường thuật cuộc đối thoại khác biệt và lâu dài này. Nó xuất phát từ Thiên Chúa và Ngài sáng tạo ra một cuộc đàm thoại độc đáo và tuyệt diệu với con người[8]. Như thế, sự hiệp thông trong Tình Yêu của Ba Ngôi là nền tảng cho sự hiệp thông và đối thoại của dân Chúa, đồng thời Ba Ngôi cũng là cứu cánh và là ‘tấm gương vô cùng nổi bật’ cho hiệp thông và đối thoại. Chính tính yêu đó đem lại ý nghĩa cho sự đối thoại.

Thiên Chúa dựng nên con người không ai giống ai, h đã có con người là có mối tương quan, có khác biệt ắt sẽ phải có đối thoại. Do đó, việc đối thoại là điều hiển nhiên trong xã hi loài người. Trong mối quan hệ bình thường giữa cá nhân với nhau đến những mối quan hệ rộng lớn hơn như giữa các tổ chức; các dân tộc và các tôn giáo trong cùng một quốc gia; giữa các quốc gia với nhau; giữa các tôn giáo lớn trên thế giới với nhau, giữa các nền văn hóa với nhau và ngay cả đối với môi trường thụ tạo nữa. Nếu không có đối thoại, gia đình nhân loại sẽ chẳng thể tìm ra tiếng nói chung, chẳng th phát triển bền vững và ổn định được. Trong vấn đề tôn giáo, đối thoi liên tôn không phải là đối thoại giữa các tôn giáo mà là đối thoại giữa các tín hữu. Khi các tín hữu nắm vững niềm tin của mình, qua đối thoại họ sẽ nhận ra điều gì đã ngăn cách, điều gì kết hợp để cảm thông và phục vụ cho lợi ích của toàn xã hội. Đối thoại liên tôn là để xây dựng và phục vụ lợi ích xã hội chứ không phải triệt tiêu cộng đồng.[9]

Trong thời đại chúng ta, nhân loại ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn, các mối liên lạc giữa các dân tộc cũng gia tăng, nên Giáo hội đặc biệt chú tâm đến việc liên lạc với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.[10] Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ quan điểm của mình về tầm quan trọng của đối thoại là chữa lành và hiệp nhất để sống hòa hợp với nhau:

“Điều cần thiết bây giờ là chữa lành và hợp nhất, chứ không phải xung khắc và chia rẽ. Chắc chắn là, sự thúc đẩy việc chữa lành và hợp nhất là một sứ mệnh quan trọng của những người luôn chất chứa trong tim mình thiện ích của quốc gia, và thực sự là thiện ích của toàn thể gia đình nhân loại. Tôi hy vọng hợp tác liên tôn và đại kết sẽ cho thấy rằng những người nam và người nữ không cần phải từ bỏ căn tính của mình, bất kể chủng tộc và tôn giáo, để chung sống hòa hợp với anh chị em”[11].

Mục đích của đối thoại không phải là cải đạo, tìm mọi cách để bắt ép các tín đồ của các tôn giáo khác từ bỏ tôn giáo của mình để cải đạo sang tôn giáo ‘ta’. Mục đích của đối thoại tôn giáo cho phép các tín hữu không cùng niềm tin xây dựng bầu khí hòa hợp nơi họ sinh sống và hoạt động. Đối thoại tôn giáo cho phép lịch sử, kinh nghiệm và thực hành niềm tin Kitô giáo gặp gỡ lịch sử, kinh nghiệm và thực hành niềm tin của các tôn giáo khác. Sự gặp gỡ này giúp các Kitô hữu và các tin đồ của các tôn giáo khác tái khám phá nội dung niềm tin của mình. Đối thoại tôn giáo thực sự không phải là chuyện tìm kiếm sự đồng lòng thỏa hiệp, mà là tìm kiếm sự hòa hợp.[12]

Như vậy, đối thoại tôn giáo rất cần thiết và bắt buộc phải có. Đối thoại tôn giáo có ý nghĩa, mục đích và nắm giữ vai trò rất quan trọng. Tuy vậy, việc đối thoại tôn giáo lại gặp rất nhiều khó khăn và thách đố.

3. Những thách đố trong việc đối thoại tôn giáo[13]

Kitô giáo đang gặp phải nhiều khó khăn và chướng ngại của ý thức hệ: chủ nghĩa bất khả tri, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa duy vật cũng như những đe dọa về bất khoan dung tôn giáo. Sự nảy sinh ra các tôn giáo cực đoan đã đưa đến nhiều chia rẽ cho xã hội và đau khổ cho con người tại một số quốc gia, nhất là tại Á Châu; bên cạnh đó là những khó khăn tiềm tàng phần nào đó đã biểu lộ: cuồng tín tôn giáo, lãnh đạm tôn giáo và khủng bố.

Hầu như tất cả mọi người trong các tôn giáo chứ không riêng gì tín hữu Công giáo đều nhận ra sự cần thiết của đối thoại liên tôn. Tuy nhiên, không có một tôn giáo nào có đủ thẩm quyền để chi phối tất cả các tín đồ của họ trên phạm vi hoàn vũ. Nếu đối thoại được thực hiện bởi một số thành viên đại diện cho các tôn giáo thì kết quả cũng rất giới hạn, bởi vì những cuộc đối thoại như thế khó có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi thành phần của các tôn giáo.

Điểm khó khăn dễ thấy là các Kitô hữu cũng như các tín đồ của tôn giáo khác đều có một cám dỗ về sự thượng tôn tôn giáo mình, luôn cho tôn giáo mình là ‘chuẩn’ so với các tôn giáo khác. Do đó, dễ dẫn đến thái độ chỉ trích, lên án những điểm khác biệt nơi tôn giáo khác.

Vấn đề tự do tôn giáo cũng là một thách đố cho công cuộc đối thoại liên tôn, nhất là tại các nước Á châu và các quốc gia chủ trương bài tôn giáo, phân biệt tôn giáo, khai trừ Kitô như ở một số nước vô thần Cộng sản. Khi sống trong một cơ chế, người ta chủ trương bóp nghẹt hoặc gây chia rẽ và hiểu lầm giữa các tôn giáo thì thật là một thách đố lớn cho vấn đề đối thoại tôn giáo.

Kiến thức không đầy đủ về các tôn giáo, cả giáo lý và thực hành cũng đặt ra nhiều thách đố trong vấn đề đối thoại. Kitô hữu chưa nắm vững giáo lý, chưa nghiên cứu, học hỏi sâu rộng về Thánh Kinh, chưa xác tín vững chắc và kiên vững trong niềm tin của mình; chưa hiểu biết đầy đủ về niềm tin và các việc thực hành tôn giáo của các tôn giáo khác; từ đó có thể dẫn đến hiểu lầm, hiểu sai lạc, đánh giá thấp và giải thích sai lạc về các tôn giáo khác; kể cả việc nắm vững về kiến thức tôn giáo khác cũng khó hiểu hết căn tính của tôn giáo họ. Do đó, đối thoại tôn giáo gặp một rủi ro đó là lấy ‘lý tưởng của tôn giáo mình’ để so sánh với ‘thực hành’ của tôn giáo khác.

Khó khăn lớn nhất trong đối thoại liên tôn đó là câu hỏi về chân lý, vai trò duy nhất của Đức Giêsu Kitô trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa? Phải chăng các tôn giáo trung thành với ‘đường’ của mình hay các tôn Giáo hội tụ nơi Đường Duy Nhất, Đức Giêsu Kitô? Khó khăn khác là vai trò của các vị sáng lập các tôn giáo trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Nói như thế, không có nghĩa là không thể có việc đối thoại tôn giáo hay tiếng nói “đối thoại” đã im bặt và bị bóp nghẹt trước những ‘tiếng nói’ quá ln của những thách đố đó? Không phải thế, Giáo hội vẫn dùng mọi phương thế để mở ra những con đường trong nỗ lực của mình để đối thoại với các tôn giáo.

4. Phương thế đối thoại với các tôn giáo khác

Đứng trước những thách đố trong vấn đề đối thoại với các tôn giáo như đã nói ở trên, Giáo hội đã dùng nhiều phương thế để trả lời cho câu hỏi: ‘Bằng cách nào các Kitô hữu thực hành đối thoại với các tôn giáo khác cách hiệu quả nhất?’ Thật vậy, trước hết, Giáo hội đã bày tỏ cái nhìn về các tôn giáo khác một cách rõ ràng và tôn trọng:

“Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo khác. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác nhau với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên, Giáo hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là "đường, sự thật và sự sống" (Ga 14,6), nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình.”[14]

Do đó, khi đối thoại liên tôn, các Kitô hữu cần quan tâm hai điểm chính yếu: cần luôn trung thành với nội dung đức tin Kitô giáo mà họ được loan báo, tiếp nhận và thực hành; đồng thời họ cần mở lòng trí để lắng nghe tiếng nói của những người từ các tôn giáo khác. Giáo hội đã kêu gọi con cái mình: người Công giáo phải tìm cách cộng tác với tất cả mọi người thiện chí để cổ động cho những gì là chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng yêu quí (x. Pl 4,8). Người Công giáo hãy đối thoại với họ, đến với họ cách khôn ngoan và tế nhị, hãy tìm cách kiện toàn những cơ cấu xã hội và quốc gia theo tinh thần Phúc Âm. Trong tinh thần ấy, Giáo hội đã có những nỗ lực cụ thể về lý thuyết cũng như thực hành để xúc tiến việc đối thoại tôn giáo này.

Trên phương diện lý thuyết, từ Công đồng Vatican II về sau, có nhiều văn kiện đề cập nhiều đến đối thoại tôn giáo như: Sắc lệnh “Hoạt động Truyền giáo” (Ad Gentes) và Tuyên ngôn “Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo” (Nostra Aetate) của Công đồng Vatican II. Tông thư “Sứ vụ Đấng Cứu Thế” (Missio Redemptoris) (1990) của Đức Gioan-Phaolô II và Tông huấn “Giáo hội tại châu Á” (Ecclesia in Asia) của Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu (1999). Đặc biệt hai tông thư “Đối thoại và truyền giáo” (Dialogue and Mission) (1984) và “Đối thoại và công bố Tin Mừng” (Dialogue and Proclamation) (1991) của Đức Gioan-Phaolô II nói về những thái độ mà Giáo hội phải có đối với các tín đồ tôn giáo khác.[15]

Trên phương diện thực hành, Đức Phaolô VI thành lập trong Tòa Thánh “Văn phòng cho những người ngoài Kitô giáo” năm 1964, nay đổi là “Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Tôn giáo”. Cuộc gặp gỡ tại Assisi (27/10/1986) giữa Giáo hội Công giáo và đại biểu các tôn giáo khác trên thế giới để cầu cho hòa bình thế giới, do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng. Ngoài ra, hàng năm hoặc nhiều năm một lần, để tiếp nối truyền thống Assisi, trong Giáo hội vẫn tổ chức những buổi gặp gỡ giao lưu giữa Công giáo và các tôn giáo bạn ở cấp cao trong một số quốc gia và Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn đề cao tinh thần ra đi, đối thoại, bất cứ ở chuyến tông du hay gặp gỡ các quốc gia hay các tôn giáo bạn, ngài đều nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại. Đó mới chỉ là những bước sơ khởi còn rất khiêm nhường so với những gì cần phải làm, hay so với những nỗ lực đối thoại của thế giới.[16]

Văn kiện “Đối thoại và truyền giáo” xác định: Đối thoại tôn giáo là một hình thức truyền giáo đặc biệt và quan trọng trong thời đại chúng ta, trong đó, người Kitô hữu gặp gỡ các tín đồ tôn giáo khác để cùng đồng hành đi đến chân lý, và cùng cộng tác với nhau trong những dự án thực hiện những quan tâm chung. Đối thoại liên vị (giữa người với người) phải đi đến sự hiệp thông liên vị, nghĩa là phải có sự hiểu nhau, thông cảm lẫn nhau, và yêu thương nhau, để có thể đi đến đồng hành và cộng tác với nhau. Các thành viên đối thoại phải ý thức được giới hạn của mình và có khả năng vượt lên giới hạn ấy. Đừng ai nghĩ rằng mình nắm được chân lý một cách hoàn toàn và trọn vẹn. Nhưng hãy nghĩ rằng mọi người có thể cùng đồng hành với nhau để đạt đến mục đích ấy. Việc đối thoại tôn giáo có thể làm cho những kinh nghiệm tôn giáo của mỗi thành viên đối thoại được tinh luyện và phong phú hơn. Khi đối thoại với các tín đồ tôn giáo khác, người Kitô hữu cần yêu thương và tôn trọng họ, lắng nghe và cố gắng thấu hiểu những gì mà họ muốn thông truyền cho mình, coi đó là những món quà Thiên Chúa ban cho để đem lại lợi ích thiêng liêng cho mình. Như Công đồng Vatican II xác định: trong các tôn giáo khác vẫn có những điều “chân thật và thánh thiện”, “thường có ánh sáng của Chân Lý vốn hằng chiếu soi cho hết mọi người” (NK 22), “những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong họ” (TG 11,2). Người Kitô hữu cần khám phá những điều ấy nơi họ để làm phong phú hóa kinh nghiệm và hiểu biết của mình, không chỉ trong những tương đồng, mà cả trong những dị biệt nữa.[17]

Văn kiện còn đề cập đến những hình thức đối thoại khác nhau: Đối thoại bằng đời sống, đối thoại bằng việc làm, đối thoại bằng lý thuyết và đối thoại về những kinh nghiệm tôn giáo. Đối thoại bằng đời sống là mọi Kitô hữu đều được mời gọi sống tinh thần đối thoại trong đời sống của mình, đem tinh thần Tin Mừng vào trong môi trường sống và làm việc của mình. Đối thoại bằng việc làm là cùng hợp tác với người khác cho những mục đích nhân đạo, xã hội, kinh tế, chính trị để giải phóng và phát triển con người. Đối thoại về lý thuyết  là đào sâu và làm phong phú hiểu biết của đôi bên về các tôn giáo được đề cập. Đối thoại về những kinh nghiệm tôn giáo là chia sẻ kinh nghiệm về cầu nguyện, chiêm niệm, đức tin, bổn phận, cách diễn tả Tuyệt Đối hay phương cách tìm kiếm Tuyệt Đối, nhất là những cảm nghiệm về Tuyệt Đối. Đây là kiểu đối thoại làm phong phú đời sống tâm linh của nhau, thăng tiến và duy trì những giá trị cao cả nhất và những lý tưởng tâm linh.[18]

Tông huấn “Giáo hội tại Á Châu” cho biết: Đối thoại cần phải “diễn ra trong sự thật, lương thiện, khiêm tốn và kính trọng”(21§3). “Phải đối thoại bằng cuộc sống và bằng con tim. Khi gặp gỡ và đối thoại, người môn đệ Đức Kitô phải có con tim dịu dàng và khiêm tốn của Thầy mình, đừng bao giờ tự phụ, cũng đừng bao giờ tỏ vẻ trịch thượng” (31§3). “Đứng trên quan điểm Kitô giáo, đối thoại liên tôn giáo không phải chỉ là một cách để giúp các bên hiểu biết nhau và làm giàu cho nhau nhưng còn là một phần trong chính sứ mạng Phúc Âm hóa của Giáo hội, là một cách biểu hiện sứ mạng “đến với lương dân” (31§1). “Khi tham gia đối thoại liên tôn giáo, các Kitô hữu xác tín rằng chỉ có Đức Kitô mới đem lại sự cứu độ trọn vẹn và cộng đoàn Giáo hội mà họ đang thuộc về là phương thế thông thường để được ơn cứu độ” (31§1).[19]

Nếu không có sự đối thoại liên tôn chân thành, Kitô giáo sẽ không bao giờ có sự quan tâm đúng mức đến các tôn giáo khác. Ngôn ngữ của đối thoại liên tôn là ngôn ngữ của sự hòa hợp. Qua đó, Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã đưa ra đường hướng đối thoại liên tôn được tóm tắt trong năm điểm chính sau: (1) suy tư về sự bất hòa hợp giữa các tôn giáo, (2) nhận ra sự khác biệt giữa các tôn giáo, (3) tái khám phá gia sản của các tôn giáo, (4) tôn trọng niềm tin và thực hành của các tôn giáo khác, (5) tái định dạng các tương quan giữa các tôn giáo, đặc biệt, quan tâm đến việc xây dựng bầu khí hòa hợp giữa các tôn giáo và xã hội.[20] Và điều đó cũng đúng cho Giáo hội hoàn vũ.

Qua đó, ta thấy đối thoại với các tôn giáo khác không nằm ngoài hoặc là xem như phần tách biệt hoặc cộng thêm vào căn tính, đời sống và sứ mạng của Giáo hội mà là gắn liền với bản tính của Giáo hội, vì Giáo hội là bí tích của Thiên Chúa, ‘Thiên Chúa của đối thoại liên lỉ’. Đối thoài tôn giáo là điều kiện để đi đến hiệp nhất của một tôn giáo đa tôn giáo, đa văn hóa…, đối thoại tôn giáo là cơ hội để Giáo hội tiếp cận với tất cả mọi người thuộc mọi trạng huống khác nhau, đối thoại tôn giáo là cơ hội để Giáo hội diễn tả căn tính, đồi sống và sứ mệnh của mình. Trong đối thoại tôn giáo không có khái niệm ‘loại trừ’ mà là ‘bao gồm’, ‘ôm lấy nhau’ trong tinh thần tôn trọng, lắng nghe chân thành để đi đến sự hòa hơp giữa các tôn giáo cũng như thế giới thụ tạo và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội cũng như hết thảy mọi người. Đối thoại tôn giáo là bổn phận, trách nhiệm của hết thảy mọi Kitô hữu, không miễn trừ một ai. Khi đối thoại qua đời sống, việc làm, lý luận, thực hành tôn giáo, kinh nghiệm đức tin, chúng ta vừa diễn tả căn tính, đời sống, sứ mệnh của Giáo hội; đồng thời quãng diễn căn tính, đời sống và sứ mệnh người môn đệ Chúa Kitô. Trong mọi trường hợp, khi đối thoại với các tôn giáo khác, “mỗi người cần tạo cho mình khả năng nghe hơn khả năng nói, khả năng học hơn khả năng dạy, khả năng chấp nhận hơn khả năng bất đồng và khả năng đóng góp hơn khả năng loại trừ.”[21] Để nhờ đó, Vương Quốc của Thiên Chúa được hiện tại hóa một cách sống động ngay trên trần gian này, cũng như hướng tới Vương Quốc vĩnh hằng trong cuộc sống mai hậu, nơi đó chỉ có một đoàn chiên quanh một chủ chiên duy nhất là Đức Giêsu Kitô.  

Paul Sương, K.12

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 12


[1] Công đồng Vatican II, Ecclesia in Asia, Số 31

[2] Công đồng Vatican II,  Redemptoris Missio, Số 57

[3] Trần Duy Nhiên, “Đòi Hỏi Và Ý Nghĩa Của Đối Thoại Theo Quan Điểm Của Giáo Hội”, http://www.diendangiaodan.com, Truy cập ngày 24/ 05/2018

[4] Ibidem

[5] Nguyễn Chính Kết, “Đối Thoại Tôn Giáo”, http://simonhoadalat.com,  Truy cập ngày 22/5/2018

[6] ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa Và Đối Thoại Liên Tôn, 102

[7] Ibidem

[8]  Đức Phaolô VI, Ecclesiam suam, số 41

[9] Theo Đức Hồng Y Tauran trả lời trong cuộc phỏng vấn trên trang mạng Chicago Tribune Manya A. Brachear, ( Fx.Nguyễn, “Giá Trị Của Đối Thoại Liên Tôn”, 2013,  http://lamhong.org,  truy cập 22/5/2018)

[10] Công đồng Vatican II,  Nostra Aetate, Số 1

[11] Jos. Nguyễn Huy Mai, “Đức Thánh Cha Nhấn  Mạnh Tầm Quan Trọng Của Đối Thoại Liên Tôn Tại Siri Lanka”, 2015, http://dongten.net, truy cập ngày 22/5/2018

[12] ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa Và Đối Thoại Liên Tôn, 112-116

[13] Ibidem, 118-124

[14] Công đồng Vatican II,  Nostra Aetate, Số 4

[15] Nguyễn Chính Kết, “Đối Thoại Tôn Giáo”, http://simonhoadalat.com,  Truy cập ngày 24/5/2018

[16] Ibidem

[17] Ibidem

[18] Ibidem

[19] Ibidem

[20] ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa Và Đối Thoại Liên Tôn, 113

[21] Ibidem, 112

Nguồn tin: