Một Giáo Hoàng Dám Bình Thường

Fri,27/05/2022
Lượt xem: 1327

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến các giáo sư và sinh viên của Đại học Giáo hoàng Thánh Anselmo nhân kỷ niệm 60 năm thành lập
ngày thứ Bảy, 
7 tháng 5 tại dinh tông tòa Vatican.

Một ít thời gian sau khi hồng y Jorge Mario Bergoglio được chọn làm giám mục giáo phận Rôma tháng 3 năm 2013, các nhà quan sát bắt đầu nói triều giáo hoàng của ngài sẽ đánh dấu một “sự trở lại bình thường”.

Có thể các hồng y đồng hữu của ngài chưa thấy ngay người tu sĩ Dòng Tên Argentina, con của một gia đình  nhập cư Ý sẵn sàng làm nhiều việc hơn là chỉ dọn dẹp Vatican, như họ xin ngài làm.

Họ hẳn cũng nhanh chóng nhận ra tân giáo hoàng lấy tên là Phanxicô cũng đang muốn giải huyền thoại và cải tổ lại chức vụ giáo hoàng.

Ngài đã bắt đầu làm với một số hành động và cử chỉ mang tính biểu tượng nhằm cho Giáo triều la-mã và cho người công giáo trên thế giới thấy việc trở thành giáo hoàng không làm cho ngài thánh hơn, gần Chúa hơn các tín hữu, các giám mục khác trong hàng ngũ giám mục.

Ngài từ chối mặc các trang phục mà theo truyền thống được may, được trang trí công phu chỉ dành riêng cho giáo hoàng; ngài dùng chiếc xe nhỏ đơn giản thay vì chiếc xe sang trọng tiện nghi như các vị tiền nhiệm; thậm chí ngài còn tự tay đi trả tiền nhà khách, nơi ngài ở trước mật nghị.

“Rốt cùng thì tôi cũng chỉ là một người!”

Ngài không muốn giáo dân quỳ gối hôn nhẫn, ngài chận lại. Ngài như muốn nói với mọi người như, giống như Thánh Phêrô đã nói với ông đại đội trưởng Co-nê-li-ô: “Xin ông đứng dậy, vì bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm!” (Cv 10, 26)

Một trong những điều rất con người, đó là ngay từ đầu triều, ngài đã suy nghĩ để làm sao sắp xếp cuộc sống của mình.

Những vị tiền nhiệm trong khoảng hơn trăm năm trước ở các căn hộ giáo hoàng bên trong dinh tông tòa, nhưng Đức Phanxicô quyết định ở Nhà Thánh Marta, nơi ngài và các hồng y khác đã ở trong thời gian mật nghị.

Sự lựa chọn được xem như là dấu hiệu của một người thích đơn giản, một hành động biểu tượng tình đoàn kết với người nghèo. Và có lẽ đó là một ví dụ khác về mong muốn trở lại đời sống bình thường của ngài.

Có lẽ. Nhưng trên hết, đó là quyết định chiến thuật, cho đến bây giờ vẫn là một trong những quyết định quan trọng nhất triều giáo hoàng của ngài.

Một cơ hội để được tự do hơn và bình thường hơn

Sống tại Nhà Thánh Marta – nơi không phải là nhà trọ hạng hai như một số tác giả viết tiểu sử ngài tô hồng – nơi đây cho ngài tự do hơn để làm công việc, để gặp mọi người, đến và đi sẽ cực kỳ khó và bị xem xét kỹ lưỡng nếu ngài ở dinh tông tòa.

Ở đây cũng làm cho ngài hiện diện và dễ nhìn thấy hơn – và có vẻ bình thường – với các người thường trú khác (chủ yếu là các linh mục làm việc trong Giáo triều la-mã) và với số khách mời quen biết ngài có thể cùng ăn cơm và cử hành thánh lễ hàng ngày.

“Gần chùa gọi bụt bằng anh”, quen quá thì xem nhẹ, như ngạn ngữ chúng ta hay nói. Và có rất nhiều người trong hàng ngũ giáo sĩ ở Rôma vẫn còn bị xáo trộn sâu xa vì tất cả những gì được gọi là bình thường này.

Trong số họ có một số nhân vật nắm giữ các địa vị quan trọng ở Vatican, họ nghĩ rằng Đức Phanxicô đã làm mất uy tín giáo hoàng khi từ chối tuân theo các nghi thức thứ trật.

Các quan chức này thực sự khó chịu vì họ không còn là người có đặc quyền và gần như độc quyền với giáo hoàng.

Đặc điểm chung của Đức Gioan-Phaolô II

Công bằng mà nói, Đức Gioan-Phaolô II cũng đã cố gắng giải huyền thoại quyền giáo hoàng.

Trước khi Đức Jorge Bergoglio xuất hiện trên ban công Đền thờ Thánh Phêrô, tự nhận mình là “giám mục giáo phận Rôma” người “đến từ tận cùng trái đất”, thì 30 năm trước, Đức Karol Wojtyla cũng đã xuất hiện cũng tại đây và lưu ý rằng, các hồng y vừa bầu “một tân giám mục cho Rôma đến từ một đất nước xa xôi”.

Đức Gioan-Phaolô II tìm cách trở thành một giáo hoàng giữa người dân, ngài thường xuyên đi thăm các giáo xứ Rôma và không mệt mỏi đi khắp thế giới, thường ở nước ngoài vài ngày có khi đến hai tuần một lần.

Giống như Đức Phanxicô, ngài cũng tránh xa hầu hết các trang phục truyền thống trong tủ y phục giáo hoàng. Một ngoại lệ là ngài hay mặc chiếc áo chùng dài màu đỏ mà các giáo hoàng lấy từ truyền thống của các hoàng đế la-mã. (Phải thừa nhận là nó chạy việc hơn chiếc áo chùng trắng “rước lễ lần đầu” Đức Phanxicô thích mặc.)

Ngoài ra, giáo hoàng Ba Lan mời các nhóm “người bình thường” đến dự thánh lễ buổi sáng ngài cử hành tại nhà nguyện riêng và sau đó mời những người vị vọng trong số họ dùng điểm tâm với ngài. Dù mong muốn được ở giữa mọi người nhưng Đức Gioan-Phaolô II đã cho phép những người bảo vệ ngài giữ một khoảng cách giữa ngài với đám đông và họ làm việc này rất giỏi.

 Tạo một loại sùng bái nhân cách

Đức Gioan-Phaolô II có một nhân cách phi thường và một sự hiện diện đáng kể. Những người quản lý tại Vatican – đặc biệt là “phát ngôn viên” lâu năm của ngài, ông Joaquin Navarro-Valls thuộc Hội Opus Dei đã dùng đặc sủng thu hút và chức giáo hoàng cao cả của ngài như chất liệu quý giá để tạo ra một nhân cách sùng bái chung quanh ngài.

Ông Navarro đưa ra một ý nghĩa mới cho thuật ngữ “tô màu cho hoa huệ”, một kiểu hữu xạ vì hoa huệ không cần tô màu. Ông đã giúp để tạo ra kịch bản cho những gì đã thành cách của một triều giáo hoàng được quản lý theo từng giai đoạn, đặc biệt là trong những năm cuối của một triều giáo hoàng dài lâu của Đức Gioan-Phaolô II.

Vì căn bệnh Parkinson đã quá nặng, làm cho một giáo hoàng đầy năng lực gần như không còn cử động hoặc nói được. Và, rất có thể trước sự khăng khăng của ngài, các phụ tá của ngài đã cố gắng tìm cách che giấu khiếm khuyết của ngài để ngài có thể tiếp tục chủ trì các buổi lễ và tổ chức các buổi tiếp kiến hàng ngày với các nhóm và cá nhân.

Mỗi lần có người khuyên ngài nên từ bỏ một số công việc nào đó, ngài trả lời: “Tôi sẽ có cả một cõi vĩnh hằng để yên nghỉ.”

Và khi ngài không thể đi được, “chiếc ghế giáo hoàng” được gắn thường xuyên trên một bục nhỏ có bánh xe. Nó như chiếc ngai nhỏ di động.

 Một chiếc xe lăn

Việc dùng chiếc xe lăn bình thường – như Đức Phanxicô bắt đầu dùng tuần trước – không có trong đầu của những người thời đó. Giáo hoàng, cho đến cùng, không phải là người bình thường.

Và cũng đã có người gợi ý có ngày giáo hoàng Ba Lan sẽ được gọi là Gioan-Phaolô Đại đế. Thật vậy, ngài là người đã phá sập Bức tường Berlin và còn làm nhiều chuyện hơn thế nữa.

Tất nhiên, đó là suy nghĩ của nhiều người ở chung quanh ngài. Nhưng người ta tự hỏi liệu có lúc nào, giáo hoàng quá lớn tuổi bắt đầu tin những chuyện này và bất cứ chuyện gì những người chung quanh ngài thì thầm vào tai ngài không.

Cả khi các hồng y, giám mục, các quan chức cao cấp khác của Giáo hội bắt đầu cởi mở nói liệu Đức Gioan-Phaolô II có từ chức giáo hoàng hay không, ngài thốt lên: “Chúa Kitô đã không xuống khỏi thập giá!”

Nguy cơ bị nhiễm bởi mặc cảm thiên sai

Ngoài ra, thực tế một trong những tước hiệu truyền thống của giáo hoàng là “Đại diện Chúa Giêsu Kitô”, nên ai ở ghế Thánh Phêrô đều có nguy cơ nhiễm mặc cảm thiên sai, đặc biệt là khi những người giúp đỡ chung quanh hoặc những kẻ xu nịnh có ý tưởng phóng đại về những gì ngài có thể làm hoặc hiện hữu.

Giáo hoàng hiện nay không có một miễn nhiễm siêu nhiên nào với mối nguy hiểm tương tự này. Đức Phanxicô cũng có các phụ tá, bạn bè và “nhóm giáo hoàng”, những người  đặt ngài vào bệ dù bệ đỡ này rất khác với bệ đỡ nâng cao mà những người khác đã cố gắng đặt Đức Gioan Phaolô II vào.

Giáo hoàng Dòng Tên phải tiếp tục không để ý đến các lời  tung hô và từ chối cố gắng của bất cứ ai nghĩ rằng ngài có quyền lực và khả năng mà đơn giản ngài không có.

Đức Phanxicô đã là nhà lãnh đạo thiêng liêng dễ chịu và đáng khích lệ cho thời đại chúng ta, chính xác vì ngài dám chỉ là một người bình thường và một tín hữu bình thường.

Vì lợi ích cho tất cả chúng ta, chúng ta cùng cầu nguyện để ngài tiếp tục như vậy.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: phanxico.vn