Gợi Ý Sám Hối

Thu,28/11/2024
Lượt xem: 32

 

Gợi Ý Sám Hối

1Ga 1, 5-10; 2, 1-2

Thưa anh em linh mục,

Trong thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ, chương 1, từ câu 5 đến câu 10 và chương 2, câu 1 đến câu 2, Thánh ký đặt ra trước mắt chúng ta một sự lựa chọn mang tính sống còn bởi từ “nếu” thật oái oăm khó đỡ.

Nếu chúng ta không “hiệp thông với Người” thì sao? Nếu linh mục mà không hiệp thông với Chúa thì chẳng còn gì để nói, chẳng còn gì để hy vọng cả, người lâm vào tình trạng này còn tệ hơn cả thứ “muối đã lạt” chỉ đáng “vứt ra ngoài cho người ta chà đạp” mà thôi (x. Mt 5,13-14). Tôi không phải như thế chứ? Trong trường hợp tôi tự cho là mình không rơi vào tình trạng bi thảm đó, thì từ “nếu” lại đặt tôi trước những thách thức to lớn phải vượt qua, bởi:

“Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật” (c. 6). Đó là phép thử không khoan nhượng: Tôi có phải là người nói dối không? Tôi có hành động theo sự thật không? Chẳng lẽ một linh mục mà lại nói dối? Chẳng lẽ một linh mục mà lại “không hành động theo sự thật?” Người giáo dân tốt lành vẫn thường nghĩ linh mục không nói dối, linh mục luôn hành động theo sự thật! Nhưng có đúng là tôi không nói dối không? Có đúng là tôi đang hành động theo sự thật không? Lấy đâu ra bằng chứng? Bằng chứng là tôi không “đi trong bóng tối”. Tôi đang “đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng” (c. 7).

Có lẽ không ai tự nhận là mình đang đi trong bóng tối. Cũng không ai lúc này có chức năng đối chiếu người ngồi bên cạnh xem cha này có thật đi trong ánh sáng không? Ngài có hành động theo sự thật không? Bởi đó là việc riêng của từng người, là nghĩa vụ của từng linh mục, nhất là trong kỳ tĩnh tâm, mỗi người trong chúng ta đều có đủ phương tiện, có đủ thì giờ và đủ khả năng để làm công việc này. Vậy nếu tôi không đi trong bóng tối thì tại sao giữa chúng tôi vẫn có những mối bất đồng, thậm chí bất hoà và chia rẽ mà không tài nào giải quyết? Nếu tôi đi trong ánh sáng thì tại sao tôi vẫn lỗi đức công bằng, vẫn làm sai Thiên luật và Giáo luật? Nếu tôi đi trong ánh sáng thì tại sao tôi vẫn làm điều mà rõ ràng linh mục không được làm? Nếu tôi không đi trong bóng tối thì tại sao tôi có những hành vi không thể chấp nhận được, thậm chí được lặp đi lặp lại và kéo dài?

Khi tôi làm những điều sai trái tỏ tường mà không có chút ân hận và càng ngày càng dấn bước trên con đường sai lạc, đó chính là điều mà thánh Gioan nói:

Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. (c.8). Có lúc nào tôi cố chấp sống trong sai lạc mà tự lừa dối mình không? Nếu tôi cố chấp trong sai lạc, bất chấp mọi lời góp ý, tự coi mình như người duy nhất đúng, thì không những đã lừa dối mình, mà còn tệ hại hơn bởi tôi đã rơi vào tình trạng mà thánh Gioan cảnh báo: “Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (c. 10).  Nếu tôi coi Chúa là “kẻ nói dối” thì thử hỏi ai có thể nói thật hơn tôi, và tôi có thể tin vào ai ngoài việc tín thác vào cái tôi bệnh hoạn của mình? Nếu Lời của Chúa không ở trong tôi thì tôi sẽ còn lại cái gì ngoài sự tự phụ kiêu căng và độc đoán của mình?

Tôi có thể biện hộ rằng, tôi có bao giờ lừa dối chính mình đâu, tôi không khước từ Thiên Chúa, tôi đang cố gắng làm điều tốt đó thôi, nhưng thực tế cuộc sống và việc làm của tôi bộc lộ điều hoàn toàn trái ngược. Điều đó chứng tỏ rằng tôi đang mắc sai lầm tai hại, bởi thứ ánh sáng mà tôi đang quy chiếu không phải là ánh sáng của Chúa, thần khí đang sai khiến tôi không phải là Thần khí của Thiên Chúa mà là tinh thần của xác thịt, là sứ giả của bóng tối. Tôi đã để cho mình bị:

Lợi dụng tối tăm, thần quỷ quyệt

Phóng tên ác độc giết tâm hồn (Thánh Thi Kinh Chiều thứ Ba, tuần IV).

Để tránh mưu ma chước quỷ, không còn cách nào khác, tôi phải thật lòng thống hối ăn năn. Bởi vì “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (c. 9). Lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa là bảo chứng cho chúng ta mỗi khi chúng ta có lòng thống hối ăn năn chạy đến cùng Ngài: “Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.”(Ga 2,1-2).

Bởi vậy, ngoài việc lo cho phần rỗi của mình, chúng ta còn mang trên vai sứ mạng lo cho phần rỗi của những người mình có trách nhiệm như lời trích Phúc âm theo thánh Luca chúng ta vừa nghe:  “Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24,46-48).

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Vinh

Giám đốc ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê

 

Nguồn tin:
Tags :