Tiếng Chuông Thánh Đường Trong Nếp Sống Xóm Đạo Ngày Xưa

Tue,17/12/2019
Lượt xem: 1995

Việt Nam là dân tộc có cảm thức tôn giáo rất mạnh. Chính vì vậy, những biểu tượng vật thể lẫn phi vật thể của các tôn giáo thường mang vai trò quan trọng, hoặc để lại dấu ấn rất đậm trong đời sống tinh thần của người dân. Cùng với tiếng chuông chùa, tiếng chuông giáo đường là một trong các đại diện đặc trưng của những biểu tượng đó; nó góp phần định hình nên những nét đẹp và giá trị, không chỉ trong đời sống thiêng liêng, mà còn trong đời sống văn hoá hay tinh thần nói chung của cộng đồng, đặc biệt trong nếp sống ngày xưa của các xóm đạo.

Trong truyền thống của người Công Giáo, các nhà thờ rung chuông ba lẫn mỗi ngày vào các giờ cố định: đầu buổi sáng, giữa buổi trưa và cuối buổi chiều, vốn ứng với ba lần báo giờ Kinh Truyền Tin (Angelus). Truyền thống này có từ thời Trung Cổ, xuất phát từ việc các tu sỹ họp nhau nhiều lần trong ngày theo tiếng chuông để cầu nguyện, và vốn mang tính gợi hứng thần học từ Cựu Ước, như lời Thánh Vịnh: “Sớm trưa chiều, tôi than sầu rên rỉ, Người sẽ nghe tiếng tôi.” (Tv 54, 18)

Tuy nhiên, nhịp chuông đó đã nhanh chóng vươn xa hơn phạm vi đời sống đức tin, để trở thành ‘chiếc đồng hồ chung’ của một cộng đồng, gắn liền với con người trong nhịp sống thường nhật. Điều này đặc biệt đúng với người Việt Nam – cả Lương lẫn Giáo – nhất là những ai sống ở thôn quê. Vào sáng sớm tinh sương, chẳng cần để đồng hồ báo thức, nghe tiếng chuông giáo đường vang lên là mọi người hiểu một ngày mới đã bắt đầu. Kẻ thức dậy đi lễ, người bắt đầu thổi lửa nấu cơm. Rồi vào giờ Chính Ngọ, tiếng chuông vang lên là mọi người ngừng tay để ăn uống, nghỉ ngơi sau nửa ngày công. Và vào cuối chiều, một tiếng chuông khác báo cho cả xóm về điểm kết của một ngày làm việc vất vả.

Tiếng chuông nhà thờ không chỉ mang vai trò giữ giờ cho nhịp sống thường nhật, mà còn là tiếng loan báo của những biến cố ngoại thường cho dân làng. Khi tiếng chuông vang lên ngoài những thời khắc cố định, mọi người nhận ra ngay rằng một biến cố nào đó đang xảy ra. Ví dụ, có người vừa qua đời, có nhà nào đó bị cháy, hoặc một sự kiện khẩn cấp nào đó. Tất cả mọi người xa gần đều nhanh chóng quy tụ về nơi xảy ra sự kiện, để chia sẻ với nhau khi có niềm vui, và giúp nhau khi gặp biến cố hoạn nạn. Vì thế, tiếng chuông trở thành lời mời gọi tinh thần đoàn kết và hiệp thông trong mỗi xóm đạo.

Với nhiều người, tiếng chuông giáo đường cũng là điểm quy chiếu trong tâm thức về quê nhà. Đặc điểm của tiếng chuông là vang rất xa. Ở miền quê, tiếng của một quả chuông tốt có thể vang tới hàng mấy cây số. Khi một người đi xa, người ta có thể hình dung được mình đã rời khỏi mảnh đất quê hương hay chưa dựa vào việc tiếng chuông nhà thờ còn vọng tới tai mình hay không. Và ngược lại, khi họ trở về, họ sẽ cảm nhận rằng mình đã đặt chân lên cố hương khi từ xa đã nghe được âm thanh thân thuộc đó. Thế nên, có thể nói, trong truyền thống, tiếng chuông cũng là biểu tượng cho căn tính và cảm thức của chúng ta về quê nhà.

Và thật thiếu sót nếu chúng ta nói về tiếng chuông thánh đường mà không nhắc đến vai trò và nét đẹp của nó trong ngày Chủ Nhật! Có thể bây giờ chúng ta khó bắt gặp được những khoảnh khắc đẹp tuyệt vời trong khung cảnh ngày Chủ Nhật ở các xóm đạo, mà chỉ còn thấy phảng phất đâu đó trên phim ảnh. Tuy vậy, trong nếp sống ngày xưa, hình ảnh giáo dân di lễ ngày Chủ Nhật có thể là khoảnh khắc đẹp nhất, không chỉ đối với người Công Giáo, mà cả trong mắt Lương dân. Những bộ áo dài giản dị nhưng nền nã, những khuôn mặt mang đầy nét bình an và vui tươi, những bước chân rộn ràng tiến về Thánh Đường, vv., tất cả làm nên một khung cảnh tuyệt vời và một bầu khí linh thiêng, sống động. Cái khung cảnh đó được khởi động và được hoạt hoá bởi chính tiếng chuông ngân vang: tiếng chuông báo xa (thường khoảng 1 tiếng trước giờ lễ), tiếng chuông báo gần (thường khoảng 30 phút trước giờ lễ), và tiếng chuông điểm giờ bắt đầu của thánh lễ. Chính tiếng chuông thúc dục lòng người, trở thành lời mời gọi hân hoan, như những khúc ca Lên Đền của dân Do Thái ngày xưa:

“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
‘ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa!’
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,
cửa nội thành, ta đã dừng chân” 
(Tv. 122).

Tiếng chuông thánh đường, một âm thanh rất cao sang và có xuất xứ từ Phương Tây, nhưng đã trở nên gần gũi với người dân Việt, đã đồng hành với nếp sống đơn sơ, đặc biệt nơi các xứ đạo ở miền thôn quê, hệt như tinh thần nhập thể của Ngôi Lời vậy! Mỗi tiếng chuông là một lời mời gọi và nhắc nhở về nét đạo hạnh, về tính thánh thiêng và về nhu cầu phụng vụ của con người. Tiếng chuông trở thành quả tim giữ nhịp đập cho đời sống tâm linh của người tín hữu nói riêng, và đồng thời, mỗi tiếng chuông cũng trở thành công cụ giữ nhịp cuộc sống nơi các quê nghèo nói chung, để cho tình người, tình làng xóm được thắt chặt, và để cho cảm thức hoà hợp giữa người Lương và người Giáo được thâm sâu.

Ngày nay, vì những biến chuyển của thời đại, với lối sống ồn ào và vội vã, chúng ta khó cảm nhận được những giá trị và nét đẹp đó của tiếng chuông giáo đường, dù là ở đô thị hay nơi thôn quê. Thậm chí, nhiều người chẳng thể nghe được tiếng chuông nữa, dẫu họ ở sát ngay cạnh nhà thờ, đơn giản là vì họ đang có nhiều âm thanh khác chi phối, tâm trí họ đủ thứ bận rộn, và não trạng của họ đã thuộc về nếp sống máy móc của thời đại, vốn cài đặt mọi giờ giấc sít sao vào trong chiếc điện thoại rồi. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta bi quan, hay thở dài mà cho rằng những nét đẹp của tiếng chuông chỉ còn trong hoài niệm, nếu chúng ta biết dành riêng cho tâm trí mình một không gian – thời gian tự do, một ‘khoảng trống’ bỏ ngỏ nào đó, thay vì lấp đầy chúng với mọi toan tính và lịch trình. Ví dụ, nếu bất chợt nghe được tiếng chuông nhà thờ, chúng ta có thể để cho tâm trí mình một vài phút tự do và thảnh thơi để tiếng chuông đó thấm vào lòng, để cho mình được cảm nghiệm những thúc đẩy, những lời mời gọi nào đó. Việc tự tạo ‘khoảng trống’ để cho phép mình đón nhận những điều ngạc nhiên và bất ngờ như thế chính là phương cách để chúng ta mở ra với những khía cạnh phong phú và thâm sâu khác của đời sống, trong đó có những giá trị và nét đẹp của tiếng chuông giáo đường.

 Trong Mùa Vọng này, ước gì những tiếng chuông giáo đường đụng chạm đến tâm hồn chúng ta, mời gọi chúng ta cùng nhau mở rộng lòng mình trong hân hoan và vui sướng, vì Con Thiên Chúa đang ngự đến giữa gian trần, để trở nên quà tặng bình an và cứu độ, không chỉ cho một cộng đồng xóm đạo, mà cho toàn thể thế giới.

Khắc Bá, SJ

Nguồn tin: http://giaophanhatinh.com
Tags :