Có Chúa Đi Cùng, Niềm Hy Vọng Vươn Lên - Suy Niệm Chúa Nhật III Phục Sinh A

Fri,21/04/2023
Lượt xem: 17168


Có Chúa đi cùng, niềm hy vọng vươn lên

(Cv 2.14.22b-33; 1Pr1,17-21; Lc 24,13-35)

Thập giá đã trở nên chướng ngại, phủ bóng mây mù đối với tương lai của nhiêu môn đệ Chúa Kitô. Bao nhiêu dự phóng, bao nhiều điều kỳ vọng nơi Tôn sư người Nazareth nay sụp đổ cùng với chiều tím Calve tử nạn. Tuy nhiên, niềm hy vọng của họ không bị chôn vùi vì có Chúa Phục sinh luôn đồng hành với họ, phục hồi nơi họ niềm vui của người môn đệ. Đó là hành trình của hai môn đệ Emmaus cũng là hành trình của chúng ta, “những người cùng nhau cất bước” với Đức Kitô, Đấng “khai mở và kiện toàn” niềm vui đức tin, Đấng luôn có đó trên hành trình của chúng ta.

1. Chiều tím Emmaus và hoàng hôn hành trình chúng ta

Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nghĩa là chiều ngày Phục sinh, Luca ghi chú việc hồi hương của hai môn đệ Chúa Giêsu. Họ trở về quê nhà Emmaus sau hành trình theo Chúa với nhiều kỳ vọng, song đã bị chôn vùi cùng với biến cố thập giá chiều thứ sáu. Họ hồi hương trong vẻ thiếu não của kẻ mất niềm hy vọng: “Họ trò chuyện với nhau về những việc mới xảy ra” (c.14). Đó là vụ án của Chúa Giêsu, Tôn sư của họ, một “vị ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình và đóng đinh Người vào thập giá” (c.20).

Hóa ra, hành trình Emmaus phủ đầy màu tím buồn không phải bởi ánh nhạt nhòa của buổi hoàng hôn nhưng là màu ảm đạm của mất niềm hy vọng: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn tin rằng trước đây Người chính là Đấng cứu chuộc Israel” (c.21). Họ thất thiếu cất bước hồi hương. Họ đánh mất niềm hy vọng vào vị Tôn sư mà họ truy tầm bấy lâu nay, và họ cũng mất luôn niềm hy vọng nơi những đồng môn. Một nhà chú giải đã bình luận: “họ bỏ lại thanh nơi mà Thầy của họ bị hành hình, và chính việc này đã là hồi chuông báo tử cho niềm hy vọng của họ” (Hugues Cousin).

Sự thất thiểu lê bước vào chiều tà theo hướng mặt trời lặn của hai môn đệ cũng có thể là bước chân nặng trĩu của chúng ta trong suốt dọc dài của cuộc nhân sinh với những mệt nhoài của lao tác và những ảm đạm, mất niềm tin, niềm hy vọng sống vào bối cảnh, vào những con người, thậm chí vào Thiên Chúa.

2. Niềm hy vọng vươn lên từ Vị khách bộ hành

Tưởng chừng như chiều tím của hành trình Emmaus chỉ có đôi bạn thất thểu cất bước, và quê nhà sẽ là bến đậu cho những ngày tháng tới của họ, nhưng kìa Ai đó đã nhận ra họ và chủ động gợi ý trò chuyện với họ. Câu chuyện của hai môn đệ Emmaus được đặt trọng tâm từ đây với sự xuất hiện của người thứ ba này, người bộ hành ấy chính là Đức Kitô. Người xuất hiện như một vị khách hành hương đã đến Giêrusalem dự lễ Vượt Qua. Còn hai người bộ hành, một người là Cleopa và người kia không được nêu tên. Theo Perrot, người kia là tên của người kitô hữu, của bất cứ ai trong mỗi chúng ta.

Dưới dáng dấp một người khách lạ, Chúa Giêsu Phục sinh đến với hai môn đệ Emmaus. Người chủ động đến với họ: “Người tiến đến gần và cùng đi với họ” (c.15). Người xuất hiện đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc, quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua (cc. 14.19-21). Người đi cùng, đi gần bên họ, khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành. Người gợi chuyện, đúng hơn, Người thông dự vào câu chuyện dở dang của họ.

Đức Kitô Phục sinh cũng đang chủ động đến bên tôi, bên mỗi người chúng ta, và Người đang đồng hành với chúng ta, nhất trong trong những biến cảnh bi thương, đau buồn của hành trình môn đệ, của những khúc quanh tăm tối trên nẻo đường theo Chúa, của con đường hẹp thập giá: “Ngài có đó khi con tưởng mình đang cô đơn, Ngài nghe con khi chẳng ai đáp lời. Ngài yêu con khi mọi người lìa bỏ xa con, khi tình đời là mối dây oan, ân tình Ngài hằng luôn chan chứa”.

Người có đó, hiện diện bên hai lữ khách, bên mỗi chúng ta, nhưng chúng ta không nhận ra Người chứ không phải là không thấy. Họ không nhận ra vì nỗi thất vọng đang bủa vây lấy họ, vì sự trống không đang xâm chiếm tâm hồn họ, vì họ tối dạ chậm tin (c.25). Nói một cách khác, với con mắt xác thịt, với cái logic của phàm nhân không thể nhận ra được Đấng Phục sinh, Đấng đang sống và cất bước cùng chúng ta. Nhiều khi chúng ta lấy cái logic “mịt mù” của con người để trách cứ sự vô tình vị khách đồng hành như Cleopa: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay” (c.18). Họ nói về vụ án ngôn sứ Giêsu, về cuộc thụ nạn mà không có phục sinh, không có niềm hy vọng, dẫu rằng những lời đồn về ngôi mộ trống (cc.23-24) được họ nhắc tới, những đó không phải là dấu chỉ của hy vọng đối với họ. Nói chung, thập giá đã phủ lấp tương lai của họ.

Có thể nói, hành trình chiều tối Emmaus, hành trình đen tối của người môn đệ, hành trình của chúng ta, nhất là trong bối cảnh thế giới hôm nay, cần ánh sáng đức tin rọi chiếu, để mở mắt (c.31), khai trí (c.24,45) và mở lòng (Cv 16,14). Ở đây, Luca muốn nhấn mạnh rằng người môn đệ tìm lại được niềm tin trong cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh nhờ thông hiểu Lời Chúa (cc.25-27.32), và nhất là việc đồng bàn và bẻ bánh (cc.30-31). Nói cách khác, chính trong Giáo hội, trong các cử hành mà chúng ta nhận ra Đức Giêsu hiện diện, thông dự và làm sống niềm hy vọng của chúng ta.

3. Nghe Lời & việc đồng bàn, bẻ bánh: dấu chỉ nhận ra Chúa

Trình thuật hai môn đệ của hành trình Emmaus có mục đích chứng minh rằng: sau cuộc chuyện vãn với Chúa trên hành trình (cc.23-27) “lòng họ bừng lên” (c.32), và qua việc “đồng bàn và bẻ bánh”, “mắt họ mở ra và họ nhận ra Chúa.” Luca đã nhấn mạnh tới yếu tố này, không chỉ với trình thuật Chúa Phục sinh hiện ra với hai môn đệ Emmaus và với nhóm 11 cũng vậy(24,36-48). Chính Chúa sẽ vén mở bức màn che phủ mắt các ông bằng việc giải thích Thánh kinh, nhất là việc bẻ bánh.

Do sáng kiến của Chúa Giêsu, đã có một cuộc trao đổi trên đường đi (cc.17-27) với hai môn đệ, điều mà chúng ta sẽ được lặp lại nhiều lần trong diễn từ truyền giáo của Sứ đồ (Cv 2-13), nghĩa là lời rao giảng của các Tông Đồ được nối kết trực tiếp với Chúa Giêsu Phục sinh – gọi là Kerygma. Trong cuộc trao đổi này, Chúa Giêsu chủ động lên tiếng, và Người quở trách các môn đệ không phải là không nhận ra Người mà vì họ chậm tin (c.25) vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được loan báo trong Sách thánh.

Nếu như sự soi dẫn của Lời đem lại cho các môn đệ cái nhìn thống nhất, thấu suốt ý định trong mầu nhiệm cứu độ, làm cho “lòng họ bừng cháy lên” (c.32), thì việc đồng bàn và bẻ bánh trở nên điểm mở nút cho tương quan của vị khách bộ hành với hai môn đệ, mở nút cho chuỗi thất thểu sầu não của họ. Quả vậy, qua việc giải thích Kinh thánh cho thấy ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu và bày tỏ mối tương quan của cái chết ấy với vinh quang, nhưng việc ấy chỉ hoàn tất khi bẻ bánh. Đây là điều mà Luca nhấn mạnh: “Đời sống Giáo hội với các cuộc hội họp phụng tự trong đó có giải nghĩa Thánh kinh và bẻ bánh, là nơi người tín hữu có thể nhận ra vào ngày hôm nay sự hiện diện của Đấng Phục Sinh”.

Chúa Giêsu đi bên chúng ta không phải là một khách lạ, nhưng trong tư cách là chủ nhà, chủ bữa tiệc và, Người làm những cử chỉ quen thuộc: làm phép bánh, bẻ bánh giúp môn đệ nhận ra Người. Qua việc đồng bàn và bẻ bánh, qua Thánh Thể, tạo ra thế đảo ngược: mắt họ mở ra và họ nhận ra Người (c.31). Qua đó, tác giả nói với chúng ta qua nhiệm tích Thánh Thể, “dù ta không thấy bằng con mắt thịt, Đấng Phục sinh luôn hiện diện.

4.      Ơn gọi môn đệ, ơn gọi lên đường làm chứng

Niềm vui phục sinh không bao giờ là sự thủ đắc của riêng ai, nhưng phải được trao ban, được thông truyền. Bởi thế các chứng nhận Phục sinh đều lên đường để nói cho người khác rằng: “Chúng tôi đã thấy Chúa”, đã nhận ra Người”. Gặp gỡ Đấng Phục sinh đã làm thay đổi cái nhìn, thay đổi cuộc hành trình của họ. Tin mừng viết: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy”. Ngay lập tức, do dự, họ đứng dậy, đứng lên khỏi tình trạng con người cũ, con người thất vọng, u buồn, để mang lấy niềm vui của người môn đệ, niềm vui của chứng nhân.

Nếu như hành trình về Emmaus là hành trình của não nề, thất vọng, của việc tách thập giá khỏi vinh quang phục sinh, khỏi cộng đoàn môn đệ thì niềm vui trở lại Giêrusalem là niềm vui của vinh quang tỏ rạng nơi thập giá, niềm vui được sum họp với cộng đoàn môn đệ, cộng đoàn chứng nhân.

Chúa Giêsu lệnh cho các môn đệ “chính anh em là chứng nhân về những điều ấy”. Thừa lệnh truyền đó, Tông đồ trưởng Phêrô trong bài giảng tại Giêrusalem mà chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất, ngỏ với cộng đồng Do thái về Chúa Giêsu là Đấng được tuyển chọn, Đấng đã chịu tử nạn và đã phục sinh. Chính Đức Giêsu, để làm sống lại đức tin đã bị lung lay, người môn đệ, của mỗi chúng ta, cần có ba yếu tố: “Thánh Kinh, bí tích Thánh Thể, cộng đoàn sống đức tin... Khi đức tin của chúng ta bị lung lay, bị thử thách, chúng ta cần kiểm điểm lại xem chúng ta có thái độ nào đối với Lời Chúa, chúng ta sống bí tích Thánh Thể ra sao, chúng ta hợp nhất với cộng đoàn tuyên xưng đức tin thế nào” (“Mỗi ngày một tin vui”).

Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmaus cũng là kinh nghiệm của chúng ta. Lúc ta tưởng Người vắng mặt, thì Người lại đang ở gần bên. Lúc ta nhận ra Người ở gần bên, thì Người lại biến mất rồi. Nhưng chính lúc Người biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Người. Đó là kinh nghiệm đức tin vào “bửu huyết của Con chiên vô tì tích là Đức Kitô mà thánh Phêrô loan báo trong bài đọc thứ hai. “Nhớ Người, thánh Phêrô khẳng định, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (1Pr 1,21).

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin:
Tags :