Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng

Fri,27/09/2024
Lượt xem: 99

 

Ngay nay, chúng ta thấy xuất hiện tình trạng lợi ích nhóm trong môi trường sống rất nhiều: từ trong thôn xóm, giáo họ, giáo xứ đến các công ty, xí nghiệp cũng như ngay cả trong các cơ quan nhà nước. Thay vì lập nhóm để phục vụ lợi ích cho mọi người, thì họ đã lập nên nhóm riêng rẽ chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích của nhóm mình để rồi nói xấu, loại trừ, hoặc ghen ghét các cá nhân, tập thể hoặc nhóm khác không thuộc về nhóm mình. Tình trạng này không phải hôm nay chúng ta mới thấy, mới phát hiện ra đâu. Đây là tình trạng đã có cách đây hàng ngàn năm rồi: cụ thể nơi Bài đọc 1 (Ds 11,25-29) và Tin Mừng (Mc 9,38-43.45.47-48) Chúa nhật 26 mà chúng ta vừa nghe xong. Thông qua thái độ chia bè, chia nhóm, loại trừ đó, chúng ta được mời gọi sống tình huynh đệ, tình nối kết và hiệp nhất để loan báo Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô trong mọi nơi và mọi lúc. 

 

1. Chúng ta phải đi ngược lại với lối sống chia bè, phân biệt và loại trừ

Quả thật, như chúng ta biết tổng số dân chúng ra khỏi Ai-cập cả gần triệu người. Họ tiếp tục đòi hỏi, than phiền, và trách mắng ông Mô-sê về việc thiếu bánh ăn, nước uống, thịt, rau cải,…Ông Mô-sê đã quá mệt mỏi khi nghe những lời than phiền của dân chúng, nên ông tâm sự với Chúa, ông không chấp thể tiếp tục gánh vác gánh nặng từ dân nữa. Thiên Chúa hiểu nỗi đau khổ và gánh nặng của ông Mô-sê, nên Ngài bảo ông chọn 70 kỳ mục (những người lớn tuổi trong dân) để họ cùng chia sẻ gánh nặng với ông (x. Ds 11,7). Trình thuật hôm nay tường thuật “ “Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Moses. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục.”. Tuy nhiên, Thánh Thần của Thiên Chúa không chỉ hoạt động trên 70 kỳ-mục; nhưng bấy giờ có hai người ở lại trong trại, một người tên là Eldad, một người tên là Medad. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều. Thánh Thần đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại. Khi thấy những điều này xảy ra. Một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Mô-sê rằng: “Ông Endad và ông Medad đang phát ngôn trong trại!”. Sự ghen tỵ của ông Joshua con ông Nun nổi lên và nói với ông Mô-sê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!”. Ông Mô-sê hiểu Thánh Thần, cũng giống như Thiên Chúa, hoạt động và điều khiển mọi người trong mọi nơi, chứ không phải chỉ trên những người Moses đã chọn; nên ông trả lời ông Joshua: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thánh Thần trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!”

Nơi Phúc âm, Thánh Mác-cô cũng miêu tả thái độ sống ích kỷ và loại trừ của một số anh em Tông đồ. “Một hôm, ông Gioan nói với Đức Giêsu:“Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Sở dĩ, môn đệ Gioan nói những lời này, vì ông muốn đặc quyền trừ quỉ chỉ giới hạn trong thành phần môn đệ của Chúa Giêsu; vì nếu bất cứ ai cũng làm được, nhóm môn đệ của Chúa Giêsu sẽ không còn gì đặc biệt nữa.” Đứng trước thái độ đó, Đức Giê-su muốn dạy cho các Tông Đồ nói riêng và mọi người chúng ta nói chung rằng cần có thái độ đại lượng bao dung; cần loại bỏ đi tính độc tài – phe đảng. Vì chúng ta đều là anh em với nhau và là con cái của Thiên Chúa. 

 

2. Cùng nhau loan báo Tin mừng là điều kiện tiên quyết và cần thiết

Chúng ta nên biết rằng việc loan báo Tin mừng cần sự đoàn kết, hiệp nhất và bao dung. Như các chi thể tuy khác nhau nhưng đã làm nên thân xác của chúng ta, thì mỗi người tuy khác nhau về màu da, về trình độ, về bậc sống, … cũng là những chi thể làm nên Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Giê-su Ki-tô. Chi thể nào cũng có bổn phận và trách nhiệm tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa và phải cùng nhau làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến và Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Quả thật, người ta thường nói ‘một cây chẳng làm nên non’, một người chẳng làm nên chuyện lớn. Chúng ta được kêu gọi sống trong sự hiệp nhất, cùng nhau chung tay để lan tỏa tình yêu và ánh sáng của Chúa. Vì không ai là một hòn đảo, nên mỗi người cần cộng tác với nhau, cùng với nhau để trao ban những điều hay ý đẹp đã được đón nhận từ Tin mừng Giê-su Ki-tô, Tin mừng của niềm vui và sự sống. Hơn nữa, chúng ta phải ý thức rằng sứ vụ loan báo Tin Mừng không phải là công việc của riêng một ai, mà là của cả cộng đoàn, của tất cả mọi người đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Do vậy, chỉ khi chúng ta cùng nhau góp sức, sự hiện diện của Thiên Chúa mới được mọi người cảm nhận mạnh mẽ trong mọi ngóc ngách của cuộc sống.

Ngoài ra, mỗi người chúng ta cũng phải ý thức rằng Bí tích Thánh Thể là Bí tích hiệp thông. Vì thế, chúng ta không thể hiệp thông với Chúa nơi nhà thờ, nơi nhà tạm mà lại không hiệp thông với nhau nơi gia đình, nơi chợ búa, nơi đồng ruộng, nơi công ty, nơi học đường. Hoặc nói rõ hơn, chúng ta không thể rước lấy Thiên Chúa tình thương, đầy lòng thương xót nơi đời sống thiêng liêng, mà khi bước vào đời sống thường ngày chúng ta lại trở nên ích kỷ, ghen tương, đố kỵ, hiềm khích, nói xấu, nhạo báng, thù ghét, chửi tục, chém giết và khử trừ nhau. Mặt khác, như các ngón tay trên một bàn tay, chúng ta cần sự liên kết với nhau trong gia đình nhân loại để nâng đỡ và thực hiện những công việc lớn lao, công việc mang lại bình an, mang lại niềm vui và sự sống. 

 

3. Đâu là hành động cụ thể để việc loan báo Tin mừng đạt kết quả?

Trước tiên, phải chăng để loan báo Tin mừng đạt hiệu quả và làm cho nhiều người được mau nhận ra tình thương của Chúa, Chúa Giê-su muốn chúng ta phải biết chia cơm sẻ áo cho mọi người: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Thật vậy, đạo của Chúa Giêsu là đạo bác ái yêu thương. Người môn đệ của Chúa không thể mến Chúa mà không yêu người. Tiêu chuẩn Chúa dùng để phán xét người môn đệ là đức bác ái (x. Mt 25). Sự quảng đại, sự trao ban và đức thương người nơi “kinh thương người có 14 mối” mà chúng ta đọc mỗi ngày Chúa nhật phải được thực hành liên lỉ nơi môi trường sống của chúng ta. Và nhiều khi Chúa muốn chúng ta đi ra khỏi cái tôi ích kỷ của bản thân để đến với tha nhân, nhất là với những hoàn cảnh khó khăn và gian nan nhằm đem cho họ niềm vui, tình yêu, lòng thương xót, lời an ủi, sự cảm thông xuất phát từ Thiên Chúa là Tình Yêu.

Tiếp theo, để phương cách loan báo Tin mừng đem lại hoa thơm quả ngọt, chúng ta phải làm gương lành cho người khác thay vì sống gương mù gương xấu: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” Quả thật, câu nói “lời nói lung lay, gương lành lôi kéo” hay “hữu xạ tư nhiên hương” phải là câu nằm lòng và gây ý thức cho chúng ta từng giây phút trong cuộc đời để ngang qua đời sống tốt lành thánh thiện của chúng ta, mọi người sẽ nhận ra Chúa cách đích thật.

Thật vậy, Chúa đã tạo dựng nên tất cả chúng ta thành một gia đình nên chúng ta phải yêu thương nhau. Chúng ta không được loại trừ và chia rẽ nhau nhưng cần nối kết, hiệp nhất và cùng nắm tay nhau chung xây Nước Thiên Chúa ngay tại trần thế này bằng những hành động bác ái yêu và can đảm dứt khoát với những cám dỗ của 3 thù là thế gian, ma quỷ và xác thịt. Amen.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Nguồn tin:
Tags :