ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ, NGÀI NHƯ THẾ ĐÓ!

Fri,22/04/2022
Lượt xem: 1297

 ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ, NGÀI NHƯ THẾ ĐÓ! 

 

       * TIN MỪNG: Ga 20,19-31 - Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ: (19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.(24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. (25) Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. (26) Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. (27) Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. (28) Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (29) Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (30) Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

I.- KINH NGHIỆM CỦA THÁNH TÔ-MA TÔNG ĐỒ VỀ ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH

Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).

 Sự phục sinh của Đức Giê-su đã thực sự thách thức lòng tin của Tô-ma. Xem ra ông cứng tin nhất trong nhóm Mười Hai. Tuy nhiên xét cho cùng sự cứng tin ấy cũng dễ hiểu. Các tông đồ, trong đó có Tô-ma, đã từng sống với Thầy nên họ biết chính xác con-người-Giêsu bằng xương bằng thịt. Vậy mà bây giờ sau cái chết rõ mồn một của Đức Giê-su, lại xảy ra việc Ngài đã sống lại và đang sống. Sự kiện bất ngờ và lạ lùng ấy đã được chính bà Ma-ri-a Mác-đa-la, người được tiếp cận với Đức Ki-tô phục sinh,  loan báo: “Tôi đã thấy Chúa” (x. Ga 20, 18).

Đức Giê-su rất hiểu tâm trạng của Tô-ma nên đã chiều lòng ông. “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20, 27). Lập tức Tô-ma đã mau mắn làm theo lời đề nghị đầy cảm thông của Thầy mình. Và ông đã được toại nguyện hoàn toàn.

Sau sự kiện này, Tô-ma đã được củng cố thêm kinh nghiệm quý báu về Đức Giê-su Na-gia-rét. Ngài là một con-người như mọi người nhưng Ngài cũng là Con-Thiên-Chúa. Ngài đã vâng phục Cha đành lòng chịu chết để hoàn tất công trình cứu độ nhân loại. Và Ngài đã sống lại sau ba ngày chôn trong mồ. Thân xác phục sinh của Ngài vẫn là thân xác của một con-người với các dấu đinh…nhưng giờ đây Ngài đã biến đổi. Sự biến đổi này là do quyền năng Thánh Thần và vĩnh viễn Ngài là Chúa (x. Pl 2, 11).

Đó không phải là một cuộc biến hình như đã xảy ra trên núi Tabor với Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, nhưng chính là một sự phục-sinh-từ-kẻ-chết. Điều lạ lùng chưa từng có trong lịch sử nhân loại và trong lịch sử dân Is-ra-el. Chính vì sự lạ ấy mà Tô-ma đã choáng ngợp trước một Đấng-phục-sinh thần thiêng tuyệt vời chưa từng thấy. Ông đã thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

Cũng như các tông đồ khác, Tô-ma đã nhận ra rằng sự phục sinh của Đức Giê-su là một biến cố cực kỳ quan trọng, đó được xem là cột mốc đáng ghi nhớ nhất trong cuộc sống tại thế và trong sứ vụ rao giảng của Đức Giê-su. Qua đó các ông đã thức tỉnh khỏi sự tăm tối của ước vọng về một vương quốc trần gian, về một vị vua thế tục và về một chiến thắng binh đội, quyền lực.

Đức Giê-su sống lại, là Chúa, là Thần Khí, đã vượt trên tất cả tạo thành cũ. Ngài khai mở Vương Quốc của thiên giới, Ngài là chủ trời-đất-con-người. Ngài là Adam-mới của tạo thành mới được tái sinh trong Thần Khí.

Thánh sử Mat-thêu kể lại: “Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: ‘Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế’.” (Mt 28, 16-20)

Tô-ma và các bạn của ông đã hiểu rằng kể từ sau biến cố sống lại từ cõi chết, Đức Giê-su đã chiến thắng tất cả:

- Ngài đã chiến thắng sự chết một cách oanh liệt;

- Ngài đã chiến thắng ma quỷ và tội lỗi trong nhân loại;

- Ngài đã vượt thắng sự giới hạn của không gian, thời gian;

- Ngài đã chiến thắng sự bất trung bất hiếu vì Ngài là trưởng tử trong nhân loại được Chúa Cha tha thứ và chúc phúc;

- Ngài đã chiến thắng lịch sử và làm cho nó trở nên “con-đường-dẫn-vào-sự-sống”. Vì Ngài là Alpha và Omêga, là tất cả trong mọi sự.

Đức Kitô Giê-su phục sinh, Ngài như thế đó. Tô-ma và các bạn tông đồ của ông cũng đã kinh nghiệm về Thầy Giê-su như thế đó…“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28).

II.- CẢM NGHIỆM ĐỨC TIN CỦA KI-TÔ HỮU VỀ SỰ HIỆN DIỆN SỐNG ĐỘNG CỦA ĐỨC KITÔ TRONG HỘI THÁNH

 “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, 29). Khởi sự từ kinh nghiệm “cứng tin” của các tông đồ, lòng tin của các tín hữu Chúa hôm nay cũng bị thách thức về một Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, về một Đấng Ki-tô hằng sống, về một Hội thánh là Thân Thể huyền nhiệm của Chúa Ki-tô, về sự hiện diện của Ngài trong vũ trụ, trong thế giới, trong mỗi con người, trong các Bí Tích.

Phúc cho ai không thấy mà tin”. Khởi điểm của đời sống Ki-tô hữu là Đức Tin. Và chúng ta phải cầu xin để có được đức tin. Đức tin là một ân huệ thiên giới. Tin không là nỗ lực của lý trí, ý chí mà là một ơn thiêng từ Thiên Chúa. Người dự tòng, ngay khi bước vào nghi thức tiếp nhận trong lễ Rửa tội, đã được thẩm vấn về việc có muốn “xin Đức Tin” cùng Hội thánh hay không. 

Vậy thì thách đố đầu tiên của chúng ta là “Tin”. Tin không vì do tôi biết nhưng là ân huệ mà tôi xin mới có được. Xin vì Đức Tin (một trong ba nhân đức đối thần Tin-Cậy-Mến) là một hồng ân đến từ Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta mới “thấy” được những “điều-không-thấy”, mới “biết” được những “điều-không-học”, mới “tin” được những “điều-không-thể-chứng-minh”…

Xem ra lòng tin của Tô-ma ít bị thử thách hơn Đức tin của chúng ta hôm nay. Chính vì thế Chúa mới nói: “... Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, 29).

Sau khi về trời, không ai còn thấy Đức Giê-su nữa, một Đức Giê-su Na-gia-rét rong ruổi khắp các miền xứ Ga-li-lê-a để rao giảng Tin Mừng, làm phép lạ, thu nhận môn đồ…không ai còn được “nghe” Ngài giảng hay được “chứng kiến” Ngài thực hiện những dấu lạ nữa. Nhưng chúng ta vẫn có thể gặp được Ngài vì chúng ta tin vào những lời Ngài đã nói:

Đức Giê-su phục sinh vẫn còn hiện diện sống động trong Cộng đoàn Đức tin của Ngài. “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Đức Giê-su phục sinh vẫn còn hiện diện trong Bí Tích mầu nhiệm Thánh Thể để trở nên thần lương cho khách lữ hành trần gian. “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26, 26). “Tôi là bánh hằng sống từ trời  xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi  sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống ” (Ga 6, 51).

       Đức Giê-su phục sinh vẫn điều hành các hoạt động trong Hội thánh của Ngài, thông qua các anh em của Ngài. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21) và “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ…” (Ga 20, 22-23).

       Đức Giê-su phục sinh bây giờ là một Đức Ki-tô toàn thể. Ngài là đầu và anh em Ngài là các chi thể trong cùng một thân thể. Yêu thương anh em là yêu Chúa. Giúp đỡ anh em là giúp Chúa. Làm cho một người anh em phải hư hỏng là xúc phạm đến Chúa…(x. Mt 25, 31-46).

       Đức Giê-su phục sinh bây giờ là một Tin Mừng mà chúng ta phải đón nhận và rao giảng. Ngài là đường (Đạo) mà chúng ta đi theo và giới thiệu cho người khác. Bao lâu chúng ta còn dửng dưng với Tin Mừng thì bấy lâu chúng ta chưa thực sự tin Ngài. Bao lâu chúng ta chưa thao thức việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người, thì bấy lâu chúng ta chưa là môn đệ của Đấng Phục Sinh. Thánh Phao-lô đã xác quyết: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cor 9, 16).  

Chúng ta tự hỏi, “Liệu ngày hôm nay chúng ta có được hưởng lời chúc phúc của Chúa Giê-su bởi đã tin những-gì-không-thấy không?”.  Câu trả lời sẽ tùy thuộc mối tương quan giữa của mỗi người chúng ta đối với Đức Giê-su Ki-tô “hôm nay và tại đây”.

Nhưng dù chúng ta tin hay không tin, tin nhiều hay tin ít…thì Đức Giê-su Ki-tô, Ngài như thế đó!...

 

Aug. Trần Cao Khải

Nguồn tin:
Tags :