Cha Flor Mecarthy kể rằng: “Vào ngày Lễ Vọng giáng sinh năm 1914, những quân lính Đức và Anh đối đầu với nhau, tại các hào chứa đầy bùn lầy và chuột cống. Tại các hào của quân Anh, những lá thư và tấm thiệp được gửi đến từ gia đình, và anh em binh lính khá vui vẻ. Đến nửa đêm, một số người trong bọn họ bắt đầu ca hát. Thế rồi đột nhiên, một người lính gác la lên một cách đầy phấn khích: “Anh em hãy lắng nghe đi!”. Họ lắng nghe và nhận thấy những lính Đức cũng đang ca hát. Một lúc sau, hai người lính can đảm, do mỗi phe cử một người, đến gặp nhau tại bãi Đất Trống. Thêm nhiều quân lính khác đi theo họ. Theo quan điểm quân đội, điều này không có ý nghĩa gì cả. Với tư cách là những người lính, người ta nghĩ rằng họ đến đánh nhau, đột nhiên ngừng lại và trở nên bạn bè, không tạo nên ý nghĩa. Nhưng trong đêm hôm đó, so sức mạnh còn lớn lao hơn cả quân đội tại nơi chiến trường. Khi ngày lễ Giáng Sinh bắt đầu ló rạng, với những gương mặt tươi cười, các binh lính đi dạo xung quanh Vùng Đất Không Người. Người ta không nhận thấy dấu vết nào của sự hận thù. Họ trao đổi với nhau lương thực, đồ kỷ niệm và thuốc lá. Khoảng giữa trưa, khi tình hình thân thiện đang gia tăng, thì bắt đầu có một trận bóng đá giữa hai phe. Nhưng trận bóng không kéo dài lâu. Tin này đã lan tới tai các vị tướng, và họ ban bố những mệnh lệnh gay gắt phải chấm dứt tất cả mọi chuyện. Các sĩ quan dồn binh lính trở lại vào hào. Tất cả mọi chuyện đều kết thúc. Trong đêm lễ Giáng Sinh, cuộc giao chiến bắt đầu trở lại”.[1]
Tình thân thiện diệu kỳ nối kết những kẻ đối đầu trên chiến tuyến sinh tử chính là ân huệ tuyệt hảo mà thiên thần đã hào hứng loan báo: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14).
Cảnh thái bình thịnh trị này đã được tiên tri Isaia loan báo trước Chúa Cứu Thế 8 thế kỷ: “Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra như ngày chiến thắng Madian. Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thẫm máu đào, sẽ bị đốt đi và nên mồi nên lửa (Is 9, 2)”. Sức mạnh vạn năng kỳ diệu phát xuất từ đâu vậy? Nhà tiên tri giải thích: “Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã ban cho chúng tôi. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên người là “Cố Vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, người cha muôn thuở, ông vua thái bình”. Người sẽ mở rộng vương quyền và cảnh thái bình sẽ vô tận” (Is 9,3-6a).
Đây quả là một Tin mừng, một “Tin mừng đặc biệt”, đúng như các Thiên Thần loan báo. Là Tin mừng đặc biệt vì con người luôn khao khát độc lập, khao khát tự do. Bởi lẽ không có thương vong nào nhiều như chiến tranh; không có chia ly nào nghiệt ngã như chiến tranh; không có thù hận nào dai dẳng như chiến tranh; không có cuộc sống nào bị xáo trộn và bấp bênh như trong thời chiến; bởi lẽ không gì phá hoại nhiều như chiến tranh; chiến tranh cướp đi cả mạng sống của trẻ thơ lẫn giấc ngủ của tuổi già; bởi lẽ chiến tranh làm cho người ta quen với bạo lực và giải quyết mọi sự bằng bạo lực, chiến tranh làm cho bàn tay người ta buộc lòng phải vấy máu. Tôi còn nhớ câu hát mà các đồng đội của tôi một thời vẫn thuộc lòng: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Chiến tranh buộc người ta phải trang bị cho mình thú tính hơn là nhân tính. Người ta thề quyết “xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù”; người ta buộc phải đạp quân thù xuống đất đen”. Chẳng ai muốn thế nhưng “thời đã thế, thế thời phải thế!” Nếu chiến tranh là một tai họa đáng ghét thì tin vui hòa bình quả là tin mừng trọng đại nhất. Nhưng thử hỏi trong thế chiến thứ nhất có bao nhiêu mặt trận đã có được giờ khắc ngắn ngủi quý báu như mặt trận giữa Anh và Đức? Rồi còn những năm khác thì sao? Các lễ Giáng Sinh khác thì sao? Đã mấy năm có được ngưng chiến trong ngày trọng đại đó? Và kể cả mặt trận Anh-Đức này, các vị chỉ huy của họ cũng đã lạnh lùng cắt ngang không thương tiếc niềm hạnh phúc hiếm hoi của họ; vội xua đi xuống hầm để tiếp tục cuộc chiến. Những người trưa nay tay bắt mặt mừng, thế mà đêm đến, họ lại lao vào cuộc chiến một mất một còn. Vậy thì sao? Lời tuyên bố của sứ thần có giá trị gì không? Lời sấm của tiên tri Isaia có giá trị gì không? Phải chăng lời hứa của Thiên Chúa là hứa nhăng hứa cuội? hay là Thiên Chúa bất lực?
Hơn hai ngàn năm Kitô giáo, chiến tranh vẫn tồn tại và chưa có dấu hiệu chấm dứt, thậm chí còn biến tướng khó lường. Thiên hạ đã có phen mừng hụt. Vào những năm cuối của thiên niên kỷ thứ hai, khi bức tường Berlin sụp đổ, người ta những tưởng thiên hạ sẽ bước vào thiên niên kỷ thứ ba một cách an bình hạnh phúc. Nào ngờ hết chiến tranh lạnh lại tới hòa bình nóng. Những kho vũ khí hạt nhân khổng lồ được cam kết giảm thiểu thì lại có những mưu mô chạy đua vũ trang kiểu mới. Hết đối đầu hai khối Đông-Tây thì đến xung đột khu vực. Hết những điểm nóng khu vực lại đến nội chiến kéo dài. Thế giới bước vào thiên niên kỷ thứ ba, nhân loại đang phải đối đầu với một loạt phi nhân, bẩn thỉu và khó lường nhất, nguy hiểm nhất, đó là chiến tranh khủng bố. Bọn khủng bố điên cuồng, thầm chí có lúc tấn công vào các nhà thờ, vào các nơi vui chơi giải trí, vào chợ búa và vào chính ngày lễ Giáng Sinh để hòng giết được nhiều người nhất. Đó là chưa kể nạn thủ tiêu chính trị, thanh lọc nội bộ, vv.... Ngày hôm nay, người ta lại phải lo đến một nguy cơ bùng nổ chiến tranh kiểu mới: Trong các hội nghị bàn về biến đổi khí hậu, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đưa lời cảnh báo là nhiệt độ Trái Đất tăng lên, các khối băng tan dần, nhấn chìm nhiều khu vực rộng lớn, nhất là tại Á Châu. Lúc này sẽ xuất hiện tình trạng di dân ồ ạt với quy mô rộng lớn, gây xáo trộn thế giới và có nguy cơ bùng nổ chiến tranh toàn cầu. Rồi hiện tượng nước biển dâng cao, nhiễm mặn nhiều vùng, cùng với nạn khô nóng sẽ dẫn tới thảm họa thiếu nước ngọt trầm trọng, và có nguy cơ xảy ra xung đột dữ dội để tranh giành nguồn nước.
Ngay cạnh chúng, Trung Quốc hết thành lập thành phố Tam Sa đến đường lưỡi bò để quản lý các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều này làm cho người ta nhớ lại những vụ xâm lấn và nạn đô hộ triền miên của người anh em khổng lồ quý hóa ở phương Bắc.
Hòa bình trọn vẹn cho thế giới vẫn đang là một viễn ảnh xa mờ. Một mặt chúng ta phải hiểu là lời tiên báo về cảnh thái bình thịnh trị này chỉ được thực hiện cách trọn vẹn trong ngày tận thế. Mặt khác, “chiến tranh là một sự thất bại của hòa bình”. Điều này đòi buộc con người phải tự vấn lương tâm. Để có hòa bình trước tiên con người cần phải có công lý và bác ái. Học thuyết xã hội của GHCG dạy rằng: “Hòa bình không phải chỉ là không có chiến tranh, cũng không phải hạ thấp xuống tới mức chỉ là giữ cho các bên thù địch cân bằng nhau về quyền lực, mà đúng hơn, hoà bình được xây dựng trên việc hiểu đúng về con người và đòi hỏi phải thiết lập được một trật tự dựa trên nền tảng công lý và bác ái”.
Hòa bình là kết quả của công lý được hiểu theo nghĩa rộng là tôn trọng sự cân bằng giữa mọi chiều hướng của con người. Hòa bình bị đe dọa khi con người không được trao cho tất cả những gì phải là của mình, xét như một con người hay khi phẩm giá con người không được tôn trọng và khi đời sống dân sự không được quy hướng về công ích. Bảo vệ và phát huy các quyền con người là điều kiện cần thiết để xây dựng một xã hội hòa bình và để phát triển toàn diện các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia.[2]
Thật vậy, bao nhiêu xáo trộn trên thế giới, bao cuộc chiến tranh tương tàn, bao nhiêu vụ khủng bố đẫm máu đều phát xuất do công lý không được coi trọng; lòng tham và sự hận thù xem ra lấn lướt công lý; áp đặt cách bất công và phi lý, coi thường quyền lợi chính đáng của những quốc gia nhược tiểu và chà đạp nhân quyền. Những áp bức bất công và tệ bất bình đẳng không chỉ xảy ra trên bình diện quốc tế, hay giữa các quốc gia, các dân tộc với nhau mà ngay trong một quốc gia cũng vậy. Một nguyên tắc căn bản bất di bất dịch, “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh” là điều mà các nhà chính trị chẳng nên xem thường. Và dù người ta có dùng mọi biện pháp, kể cả những biện pháp phi nhân để áp đặt cái gọi là ổn định, thì đó cũng chỉ là một tình trạng an ninh giả tạo, một thứ hòa bình theo kiểu bánh vẽ mà thôi.
“Hòa bình là kết quả của tình yêu: Hòa bình đích thực và bền vững là việc của tình yêu hơn là công lý, vì vai trò của công lý chỉ là loại bỏ những trở ngại đặt ra cho hòa bình: đó là những thương tổn hay những thiệt hại đã gây ra. Còn hòa bình tự chính bản thân là một hành động và là những thành quả chỉ xuất phát từ tình yêu”.[3]
Quả vậy, thiếu bác ái đâm ra chèn ép nhau, thiếu bác ái dẫn tới thiếu tôn trọng nhân quyền, thiếu bác ái dẫn tới bất công và bóc lột. Cơ chế mua tận gốc bán tận ngọn cách lạnh lùng hà khắc đã làm điêu đứng các quốc gia nhược tiểu và kém phát triển. Nạn thao túng, lũng đoạn thị trường, cơ chế bao thầu trái phép, những ê kíp ép giá, những khâu trung gian cò mồi ma quỷ đang làm khánh tận bao người. Điều chúng ta dễ thấy nhất là cuộc sống của những người nông dân chân bùn tay lấm, giá nông sản có tăng bao nhiêu cũng không bù kịp đà tăng giá cách thảm hại của các loại giống (giống ngày nay người ta chỉ để sản xuất có một vụ) rồi phân bón, thuốc trừ sâu và các dịch vụ ăn theo khác, lại thêm đủ thứ thuế má và đầu tư, kết quả, tuy được mùa nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Và điều trớ trêu là khi giá gạo cao nhất thì cũng chính là lúc một bộ phận rất lớn nông dân ăn gạo đong. Một ngày kia, tôi đi thăm bà con bị thiên tai ở một vùng miền núi nọ, người ta nói tới tình trạng “ba giảm một tang”. Tôi không hiểu, người ta phải giải thích. Số là những người nông dân ở đây sống chết với rừng trồng, bây giờ tan hoang do bão. Bao nhiêu cây cối gãy đổ ngổn ngang chua xót! Công ty lớn giảm giá, công ty nhỏ giảm giá, khối lượng giảm thê thảm vì cây để khô mới nhập được, và một số để lâu có khả năng hư hỏng, không nhập được. Trong lúc đó giá vận chuyển lại tăng cách quá thể mà cũng phải cắn răng chịu đựng. Nếu chạy xe khác giá rẻ hơn, đến bến người ta không nhập hàng cho thì lại càng chết nữa. Người ta chẳng giúp đỡ gì cho các nông dân trong lúc khốn đốn ma lại tha hồ chèn ép họ. Những bất công và bất bình đẳng như thế ai giám chắc là chỉ có bấy nhiêu thôi, khi mà hằng ngày người ta vấn nói tới những thủ đoạn gian dối bất công lừa đảo đủ loại, kể cả bòn rút cách thậm tệ của các nạn nhân thiên tai đang gặp điêu đứng. Những điều tồi tệ này đang gây nên một sự ấm ức, bằng mặt nhưng không bằng lòng, mà nếu không khắc phục được, để cho đến lúc “giọt nước làm tràn ly” thì khó có thể nói gì với sự hòa bình ổn định. Vì thật ra hòa bình không chỉ đơn giản là vắng bóng chiến tranh, không phải chỉ hệ tại ở sự cân bằng lực lượng, hòa bình phải là “hòa thuận có trật tự”. Tướng Đờ Gôn nhận định rằng: “Nền hòa bình thế giới rất mong manh bao lâu hơn hai tỷ người trên hành tinh này đang phải sống trong cảnh nghèo khổ bên cạnh những người anh em giàu có của họ!”. Nhà cầm quyền Trung Quốc lâu nay đã gióng lên hồi chuông báo động rằng nạn tham nhũng đang làm mất ổn định xã hội, điều này ảnh hướng đến sự tồn vong của chế độ. Ở Việt Nam chúng ta, người ta cũng cho rằng tham nhũng đang là quốc nạn. Mong sao các nhà lãnh đạo có được những việc làm cụ thể phù hợp với nhận thức đúng đắn điều này!
“Hòa bình được xây dựng dần dần khi người ta theo đuổi một trật tự như Chúa muốn.[4] Bao nhiêu xáo trộn, như kiểu ngang nhiên đem quân xâm chiếm nước khác cách trái phép, thôn tính, phong tỏa cách nọ cách kia thể hiện một sự xáo trộn trầm trọng, đảo lộn mọi giá trị, bởi con người hành động theo ý mình hơn là ý Chúa. Con người mọi thời vẫn thích gây chiến, thích giết chóc, không chỉ là chiến tranh giữa các vì sao, không chỉ là xung đột trong khu vực, quốc gia hay dân tộc mà chiến tranh tàn sát xảy ra ngay trong cả gia đình. Nạn bạo lực trong gia đình vẫn đang khá phổ biến. Gia đình như thế thì hỏi hòa bình ở đâu? Phép tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đang bị chính người trong cuộc xâm chiếm. Người cha, người mẹ ngang nhiên giết hại con cái qua tệ nạn phá thai là một tội ác quái gỡ, một sự gây chiến trầm trọng còn hơn là nồi da nấu thịt, người ta tàn sát người ruột thịt trong các nạn nhân vô phương tự vệ. Hỏi có cuộc chiến tranh nào bẩn thỉu hơn không?
Vậy làm sao để có hòa bình đích thực?
Thưa: “hòa bình trước hết là căn tính Thiên Chúa”. Và chỉ trong Thiên Chúa, người ta mới có được nền hòa bình đích thực. Vậy mà đáng buồn thay, Chúa Kitô _ Hoàng tử hòa bình đã xuống trần gian hơn hai mươi thế kỷ, nhưng nền hòa bình đích thực vẫn chưa được vãn hồi. Tại sao? Thưa, vì như Thánh Gioan nói: “Sự sáng đã chiếu soi trong u tối nhưng u tối đã không tiếp nhận Sự Sáng...Người ta đến các gia nhân Người, nhưng các gia nhân đã không tiếp nhận Người” (Ga 1, 5.11).
Sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại New York và Oasinton, một ký giả phỏng vấn cô thiếu nữ, con của một thuyết trình viên nổi tiếng nước Mỹ rằng: “Nếu có Thiên Chúa thì tại sao Ngài để cho những điều khủng khiếp như thế xảy ra”. Theo tôi nghĩ thì phóng viên này muốn lập luận theo kiểu: một là Thiên Chúa bất lực, hoặc là không có Thiên Chúa; hai là Ngài đồng hóa với sự ác, như thế thì Ngài có đáng được gọi là Thiên Chúa nữa không? Cô thiếu nữ điềm tĩnh trả lời: “Tôi nghĩ rằng trước sự kiện này Thiên Chúa buồn lắm – ít ra là buồn bằng chúng ta – còn tại sao Ngài lại để nó xảy ra thì phải hỏi chúng ta. Chúng ta đã mời Thiên Chúa ra khỏi Quốc hội, khỏi chính trị, chúng ta đã mời Thiên Chúa ra khỏi trường học, khỏi chợ chúa, khỏi công sở, chúng ta đã mời Thiên Chúa ra khỏi gia đình. Khi được mời như thế thì Ngài buộc lòng phải lịch sự làm theo lời mời của chúng ta. Và chúng ta đang tự do tạo một môi trường không có Thiên Chúa. Trong môi trường không có Thiên Chúa thì mọi điều xấu xa, tồi tệ có thể tự do xảy đến”.[5]
Thưa anh chị em, đêm mừng lễ Giáng Sinh, chắc ai trong chúng ta cũng muốn hưởng lời chúc của Thiên Thần: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Muốn được như vậy, chúng ta không thể loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của bản thân, gia đình, môi trường và cộng đoàn mình đang sống. Có người nói rằng: chúng tôi muốn hòa bình, chúng ta muốn yên ổn, nhưng người ta ức hiếp chúng tôi. Trong Thánh vịnh cũng có những lời phàn nàn: “Tấm thân này trải bao năm tháng, sống cùng những kẻ ghét hòa bình. Tôi vốn chuộng hòa bình. Nhưng hễ tôi nói tới, thì phe họ lại muốn chiến tranh” (Tv 120, 6.7). Lời than thở khác rằng: “Kìa quân gian ác đã giương nỏ lắp tên, núp trong bóng tối nhằm bắn người ngay thẳng. Khi nền móng cương thường đổ nát, người công chính còn làm được chuyện gì?” (Tv 11, 2.3). Đây quả là một sự bế tắc và là một cám dỗ buông xuôi bỏ cuộc. Nhưng thật ra hòa bình trước hết là: “Hòa bình trong tâm hồn, hoa bình trong gia đình, hòa bình trong tổ quốc, hòa bình giữa các dân tộc” (Kinh Hoà Bình). Một cánh én tuy không làm nên mùa xuân, nhưng một tàn lửa cũng có thể làm cháy cả khu rừng. Nếu chúng ta nghi ngờ rằng những thiện chí nhỏ mọn của tôi rồi chẳng giải quyết được chuyện gì, thì cũng không bao giờ được quên là một việc làm xấu xa tồi tệ của tôi, dù rất nhỏ, cũng có thể gây họa cho thế giới. Thà thắp lên một ngọn nến, hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối là vậy! Nếu tôi và bạn chưa làm gì được cho thế giới, chúng ta vẫn có thể xây dựng hòa bình trong tâm hồn mình, trong gia đình mình, điều đó góp phần làm cho cuộc sống xã hội tươi đẹp hơn, ổn định hơn, an lành hơn. Tôi nghĩ rằng Chúa sẽ chúc lành cho mọi sự nỗ lực của chúng ta, và chúng ta đáng hưởng niềm hạnh phúc dành cho người thiện tâm và cũng là mối phúc thứ bảy trong phúc thật tám mối: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.
BÀI GIẢNG LỄ GIÁNG SINH NĂM 2007
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Vinh
Giám đốc ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê