“Muôn Ngàn Đời Chúa Trọn Thương” (Suy Niệm Chúa Nhật 2 Phục Sinh C)

Thu,24/04/2025
Lượt xem: 253

“Muôn Ngàn Đời Chúa Trọn Thương”

(Cv 5,12-16; Tv 117; Kh 1,9-11a.12-13.17-19; Ga 20,19-31)

Chúng ta đang hoan hưởng niềm vui Phục sinh. Chúa nhật II hôm nay là Ngày thứ tám lễ Phục sinh, Tuần lễ Áo trắng, lễ kính Lòng thương xót Chúa. Các bài đọc Lời Chúa mời gọi chúng ta sống niềm vui ơn cứu độ của những người cảm mến được tình yêu của Thiên Chúa, Đấng “muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương”.

1.    Tình yêu phá tan nỗi sự hãi kiến tạo bình an

Biến cố chiều thứ sáu dường nhấn chìm cuộc sống và niềm hy vọng của những môn đệ Chúa Kitô. Người chối bỏ chân tính môn đệ, kẻ thì đào tẩu, hồi hương, kẻ thì rời vào tuyệt vọng… họ rơi vào nỗi sợ hãi, khép kín tâm can, giam mình trong căn phòng đóng kín, vì nỗi sợ hãi bủa vây lấy họ. Họ sợ hãi vì sự kiện Thầy của mình bị hành hình, họ mất niềm hy vọng, không còn hướng đi. Trái tim họ khép kín trước khi những cánh cửa nhà đóng chặt vì “sợ người Do thái”. Dường như mọi thứ và cả tương lai cũng khép lại đối với họ cùng với cái chết của Thầy mình. Tuy nhiên, đêm tối tâm can của họ được thắp sáng, niềm hy vọng của họ được vãn hồi bởi Đấng Phục Sinh.

Thần Khí của Đấng Phục Sinh, Thần Khí của bình an hoan lạc, phá tan những cánh cửa đóng kín, vãn hồi nơi họ niềm vui môn đệ, niềm vui chứng nhân, niềm vui trong Thần Khí: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại tình yêu hoàn hảo loại trừ nỗi sợ hãi” (1Ga 4,18). Chính tình yêu của Đấng “yêu cho đến cùng”, “hiến mạng cho người mình yêu” để giải thoát họ khỏi nỗi sợ hãi.

Cũng như các môn đệ của Chúa Giêsu, hành trình của mỗi chúng ta ít nhiều bước đi trong những nỗi sợ hãi của cuộc nhân sinh của hành trình môn đệ. Tuy nhiên, đó là những bước ngoặt để giúp chúng ta đi tới chỗ thâm tín vào niềm hy vọng nhờ Đấng là niềm vui của chúng ta, Đấng Phục Sinh: Bà Maria được cất khỏ u phiền, “lau sạch dòng lệ” sau khi giáp mặt Rabbi của mình và nhanh chân hỷ hoan loan báo Tin vui Phục sinh (x. Ga 20,11-18); hai môn đệ Emmaus bước ra khỏi sự thất thểu, u sầu trong chuyến hồi hương nhờ được “khai trí”, “mở lòng” và “mở mắt” bởi Vị khách bộ hành với họ, giúp họ vui mừng loan báo tin vui Phục sinh (x. Lc 24,13-35). Và hôm nay, tâm điểm của việc các Tông đồ được giải thoát khởi sợ hãi và khép kín. Tin mừng diễn tả: “Vào ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín… Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em’. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,19-20).

Niềm vui, bình an của Đấng Phục Sinh đã phá tung những cánh cửa khép kín của các môn đệ. Đó là niềm vui trong Thần Khí mà Đấng Phục Sinh trao ban cho các Tông đồ, niềm vui trào tràn, sung mãn, “bình an, hoan lạc trong Thần Khí” trong ngày các ông nhận lãnh Thánh Thần (x. Cv 2,1-4). Chính niềm vui Thần Khí giúp cộng đoàn môn đệ trở thành chứng nhân niềm hy vọng hồng phúc. Niềm vui, niềm hy vọng làm cho các ông trở nên những con người mãnh mẽ và vui mừng để “chịu đau khổ vì danh Cháu Kitô”, “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời” (Cv 4,19).

2.    Tình yêu kiến tạo sự “đồng tâm nhất trí”

“Ước chi ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em”, thánh Phaolô nhắn gửi giáo đoàn Colosse. Chính bình an của Đức Kitô đã phá tan bóng tối, xua đuổi nỗi sợ hãi để thực hiện việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô. Ơn bình an của Đức Kitô là Thần Khí của sự hợp nhất các môn đệ nên một, để trở nên nền nóng của toà nhà Giáo hội: hợp nhất những người phân tán, chạy trốn thành những chứng nhân kiên cường của Đức Kitô; liên kết những khác biệt thành sự đa dạng; hợp nhất những sự bất đồng về ngôn ngữ, văn hoá thành những người có khả năng lắng nghe cùng một Thần Khí. Đó là bầu khí được kiến tạo bởi Thánh Thần được ban tặng cho Hội thánh trong ngày Lễ Ngụ Tuần:

“Mọi tín hữu đều đồng tâm nhất trí, thường hội họp tại hành lang Salômon. Không một ai khác dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì lại ca tụng họ. Càng ngày càng có nhiều người tin theo Chúa: Cả đàn ông lẫn đàn bà rất đông” (Cv 5,12-14).

Hiệp nhất nên một trong cùng một thần khí là kết quả của cuộc quy tập trong biến cố Thương khó và Phục sinh của Đức Kitô (x. Ga 11,51-52), nghĩa là cuộc thánh hiến của Người cho toàn thể Hội thánh (x. Ga 17,12-19). Chính tình yêu của Thiên Chúa, Đấng hiến mình vì Hội thánh là nguyên lý để kiến tạo sự hiệp nhất nên một. Vậy nên, đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, Đấng “muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương” là mối dây liên kết các tín hữu nên một. Thánh Phaolô khẳng định:

“Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngữ trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người”. Bởi vậy, “anh em hãy tha thiết duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (Ep 4,4-6.4).

Tình yêu phá vỡ mọi ngăn cách, “mối dây liên kết tuyệt hảo” của những sự khác biệt nên một: “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả là một trong Đức Kitô” (Gl 3,26-29).

3.    Muôn ngàn đời, Chúa trọn thương

Là những “người không thấy mà tin”, chúng ta được sinh ra, được nuôi dưỡng và được tăng trưởng bởi tình yêu của Đấng “muôn ngàn đời luôn trọn thương”. Đức tin dẫn chúng ta tới việc tuyên nhận tình yêu của Thiên Chúa:

“Xin cho anh em nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu; và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy, anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3,17-19).

“Tình yêu vượt quá sự hiêu biết” là “tình yêu hiến mạng vì người mình người”, “yêu cho đến cùng”, “muôn ngàn đời” “trọn yêu”, “trọn thương”; là tình yêu tín trung: “tất cả đường lối Chúa là thánh tín và yêu thương”; là “Apha và Omega”; một tình yêu thường hằng, vĩnh cửu, luôn có đó; luôn từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”.

 Chúng ta là con cái Thiên Chúa, được Người yêu và thương xót một cách cá vị với một tình yêu duy nhất. Đó là đá tảng, là sự diệu vời của hiện hữu chúng ta. Nhờ cảm nhận và tuyên nhận tình yêu, chúng ta được mời gọi “loan truyền những kỳ công của Đấng đã kêu mời chúng ta ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền… xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em được xót thương” (1Pr 2,9-10).

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin:
Tags :