Niềm Vui Trong Chúa - Suy Niệm Chúa Nhật III TN C

Thu,23/01/2025
Lượt xem: 786

Niềm Vui Trong Chúa

(Nkm 8,2-14.5-6.8-10; Tv 18,8.9.10.15; 1Cr 12,12-30; Lc 1,1-4; 4,11-21)

“Niềm vui của Tin mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh” (Gaudium Evangelii, 1).Toàn bộ chương trình cứu độ là tình yêu của Thiên Chúa, đó là niềm vui lớn lao, niềm vui ơn cứu độ. Niềm vui Thiên Chúa đến gặp gỡ con người. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay trình bày niềm vui bao trùm: niềm vui của dân hồi hương, tái thiết thánh điện và được nghe thánh Luật; niềm vui thời đại của Thần Khí, thời của Mêsia; niềm vui sống trong nhiệm thể Chúa Kitô.

1. Niềm vui được nghe thánh Luật

Trở về quê cha đất tổ sau những tháng ngày sống kiếp nô lệ Babylon: không đền thờ, không lễ tế, không được nghe thánh Luật, Dân Chúa bước vào cuộc tái thiết đền thờ. Cuộc tái thiết thánh điện được thực hiện bởi đức tin vào Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ cũng được phục hồi. Toàn dân sống trong bầu không khí thánh thiện quy tập trước trong quảng trường thánh Điện để nghe thánh Luật: Tư tế Étra đem sách Luật ra đọc trước đại hội Israel, “trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả trẻ em tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng nghe sách Luật” (Nkm 8,2-4). Họ được nghe lại thánh Luật, tức Ngũ thư. Việc này được thực hiện với sự trang trọng. Quả thực, nghi thức đọc Sách thánh rất trang trọng, cung kính. Trước khi đọc thì chúc tụng tung hô và thờ lạy Thiên Chúa. Trên bục gỗ có mười ba người nữa đứng với ông Étra, sáu người bên phải và bảy người bên trái. Ở giữa dân chúng thì có mười ba thầy Levi giải thích cho dân. Tác giả đề cao vai trò của Levi là những người giải thích Luật (x. cc 4-8).

Được lắng nghe thánh luật, dân chúng phát khóc vì cảm thấy mình đã bất trung, không tuân hành Luật Chúa và những lời đe doạ như được trích trong Lv 26 và Đnl 27-28, làm cho họ khiếp sợ, nhất là khi họ kinh nghiệm qua lịch sử mình. Giosigia cũng đã phản ứng như vậy khi nghe sách Luật được tìm thấy trong Đền thờ (2V 22,11). Đó là tâm thái của tấm lòng tan nát dày vò vì sự bất trung. Tuy nhiên, Étra và các Levi cho họ thấy đây là ngày vui, ngày họ được nghe thánh Luật Chúa truyền ban, nghĩa là được Chúa yêu thương. Đó là niềm vui ơn cứu độ, niềm vui có Chúa ở cùng bảo vệ chỡ che: “Niềm vui của của Chúa là thành lũy bảo vệ anh chị em” (Nkm 8,10).

“Niềm vui của Đức Chúa…” là sự hiện diện của Đức Giêsu giữa dân Người. Dân Chúa không chỉ được nghe Luật mà còn được nghe chính môi miệng Thiên Chúa thành nhân nói với họ. Niềm vui trong Chúa là tất cả cuộc hiện sinh của chúng ta, những kitô hữu. Đó là niềm vui mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ, niềm vui không ai lấy mất được (x. Ga 16,22; 20,20).

2. Niềm vui thời Thiên Sai – hồng ân cứu độ

Niềm vui của Dân Chúa ngày xưa trong ngày nghe Thánh luật, niềm vui của những người thiện tâm tìm kiếm Chúa không chỉ là tâm thái của kẻ lòng ngay, của người có Chúa mà hơn hết là niềm vui đó là một Con người, Đức Giêsu Kitô. Luca ghi trình thuật biến cố Đức Giêsu khai mạc sứ vụ Thiên sai của Người tại hội đường Nazareth, nơi Dân Chúa nghe Thánh luật trong ngày Hưuu lễ, nơi Đức Giêsu trịnh trong công bố “Đức Giêsu công bố Tin mừng cứu độ …” và niềm vui ngỡ ngàng của Dân Chúa.

Đức Giêsu khai mạc sứ vụ Thiên Sai của Người với những lời trịnh trọng được Isaia 61,1-2 loan báo:

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan tin mừng cho người nghèo, cho kẻ giam cầm được tha, người mù được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.

Đức Giêsu được xức dầu Thánh Thần để trở nên Messia, Đấng được xức dầu để hoàn thành lời loan báo của Isaia. Trích đoạn trên Isaia nói tới việc xức dầu tấn phong một vị ngôn sứ (x. 1V 19,16). Còn Đức Giêsu nói tới Thánh Thần mà Người lãnh nhận ngày chịu phép rửa và coi đó là nguồn mạch phát sinh thông điệp và hoạt động cứu độ của Người. Đó là thời của hồng ân trong đại, “Vầng Hồng từ chốn trời cao viếng thăm Dân Người” (Lc, 1,78). “Năm hồng ân” - thời cứu độ - sự hiện diện của Đức Giêsu làm ứng nghiệm lời tiên báo của các ngôn sứ, Người khai mở thời hồng phúc, Tin mừng trọng đại (x. Lc 2,11; 3,22; 5,26; 13,32; 19,9; 23,43).

Sứ điệp Đưc Giêsu thông truyền chính là sự hiện diện của Người – “Lời ân sủng”, “Ngôn sứ vĩ đại xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16). Đó là niềm vui thời Thiên Sai mà Dân Chúa được hoan hưởng. Đối diện với Đức Giêsu và sứ điệp của Người, dân thành Nazareth và từng người chúng ta đều “chăm chút nhìn Người”, “mọi người đều tán thành và thán phúc những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4,22). Niềm vui được lắng nghe những lời tốt đẹp, lời cứu độ thốt ra từ miệng Đấng Công Chính.

3. Niềm vui sống trong nhiệm thể Chúa Kitô

Niềm vui được nghe Lời Chúa, niềm vui ơn cứu độ, niềm vui được yêu thương và sống tình yêu, phẩm tính của con cái Chúa. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai dùng hình ảnh các chi thể trong thân thể để nói tới mầu nhiệm Giáo hội, Thân thể Chúa Kitô: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là môt thân thể thì Đức Kitô cũng vậy” (1Cr 12,12). Thân thể nói tới cả con người trong sự kết dính, liên hệ giữa mọi chỉ thể trong sự lệ thuộc nhau tạo nên sự sinh động của thân thể. Các chi thể thông dự vào nhau vui mừng và hy vọng, âu sầu và lo lắng với nhau. Đó là niềm vui căn bản, niềm vui của sự liên kết, thông hiệp với nhau. Từ ảnh thân thể, thánh Phaolô nói tới Thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô: “Tất cả chúng ta, dẫu Do thái hay Hi lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn cùng một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13-14).

Thánh Phaolô nhấn mạnh tới “một thân thể” để diễn tả chúng ta chỉ là một, là một trong Chúa. Các cơ phận khác nhau tối cần cho thân thể, nghĩa là cho các chi thể khác.  Đó là các đặc sủng khác nhau, phục vụ cho thiện ích của toàn bộ thân thể. Niềm vui được thông dự vào sự sống của thân thể và không ai, không đặc sủng nào là vô dụng, thiếu quan trọng, và cũng không cơ phận, đặc sủng nào là độc hữu, và các cơ phận được coi là quan trọng vì chúng gắn liền với toàn thân thể, cho thân thể. Vậy nên, chỉ là đặc sủng, là cơ phận khi đặt trong mối liên hệ với các chi thể thể vì lợi ích của toàn thân thể.

Anh em là thân thể Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là Tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. Chẳng lẽ ái cũng tông đồ? Chẳng lễ ai cũng ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao?” (1Cr 12,27-30).

Thánh Thần của Đức Giêsu, Đấng liên kết chúng ta trong một thân thể, linh hoạt hoá và trao ban niềm vui cho chúng ta để sống ơn gọi của mình trong mầu nhiệm Chúa Kitô.

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin:
Tags :