Phục Vụ Theo Tinh Thần Giêsu - Suy Niệm Chúa Nhật XXV TN B

Sat,21/09/2024
Lượt xem: 427

Ngày nay, nói đến tinh thần phục vụ sao thật sự rất khó khăn. Vì nhìn vào tình trạng chung, chúng ta thấy các ‘bậc lãnh đạo’ được tuyển chọn, được bầu cử lên để lãnh đạo, để phục vụ dân nhưng xem ra họ đã đi ngược lại. Thay vì được đặt để, được chọn lựa là để giúp đỡ và phục vụ dân, thì họ lại bắt dân phục vụ và cung phụng mình. Họ ăn trên ngồi trốc, họ chỉ tay năm ngón, họ ăn sung mặc sướng, họ đi xe sang, họ xây nhà to, họ có nhiều biệt thự,… Họ được mệnh danh là đầy tớ của dân nhưng lối sống, hành vi và cung cách của họ hoàn toàn trái ngược. Họ sống hách dịch, họ hô hào ngoài môi chót lưỡi, họ tham ô hàng nghìn tỷ khi có cơ hội lên chức.

Được xem là ‘chủ’ của họ, thay vì được đón nhận sự giúp đỡ, đồng hành và hưởng lợi, người dân lại phải tiếp tục đóng góp, đóng thuế, phải chịu nhiều khoản thu chi vô tội vạ. Sướng đâu chưa biết, nhưng thật ra người dân hôm nay đang phải đối diện với nhiều sự khổ sở, thiệt thòi về nhiều mặt. Có thể nói ngay rằng ngày nay người dân đang phải đối mặt với lũ tham quan, những lãnh đạo bất tài, không muốn nói thiếu cả đức cả tài mà họ vẫn ung dung tự tại ngồi trên những vị trí ‘xem ra béo bớ’ để có cơ hội vơ vét và trục lợi. Bên cạnh cái nhân tai vừa nêu, người dân còn phải gánh chịu với nhiều thiệt hại do thiên tai như bão, lũ lụt, sập cầu, động đất, lở núi, tai nạn,… đúng là ‘Phúc bất trùng lai - họa vô đơn chí’ đối với người dân hôm nay. Đứng trước trạng huống đó, hôm nay, dưới ánh sáng Tin mừng Chúa nhật 25 thường niên B theo Thánh Mác-cô 9, 30-37, chúng ta được hướng dẫn và soi sáng về vai trò và cung cách phục vụ theo tinh thần Giê-su Ki-tô.

Như chúng ta đã biết Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người để yêu thương và phục vụ con người nhằm để cứu độ con người. Ngài là hiện thân Thương Xót của Thiên Chúa đối với nhân loại. Ngài hiện diện là thi thố và trao ban tình yêu. Ngài hiện diện là chạnh lòng thương đối với tất cả mọi người, nhất là đối với những ai bị đau khổ - bệnh tật, những người tội lỗi, những người bị loại trừ và xa cách,… Ngài không chỉ giảng dạy những điều hay lẽ phải cách có uy quyền cho con người, mà Ngài đã kết hợp khăng khít giữa lời Ngài nói đi đôi với những hành động yêu thương của Ngài. Ngài không chỉ sống, hành động mà còn để lại mẫu gương phục vụ cho các Tông Đồ ngang qua việc cúi mình xuống để rửa chân cho các Ông. Qua đó, Ngài dạy cho các Ông và mọi người về cung cách khiêm tốn phục vụ. Ngài yêu nhân loại đến nói chấp nhận trở nên tấm bánh bẻ ra để ở với mọi người cho đến tận thế. Quả thật, Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài… thì được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Như vậy, yêu là chết cho người mình yêu. Phục vụ là chấp nhận hy sinh tính mạng vì tha nhân. Phục vụ vô vị lợi, phục vụ không đòi đền đáp. Đức Giê-su đã thật sự sống chứng tá điều đó cách rõ ràng và cụ thể. Ngài đã làm gương cho hết thảy chúng ta về tinh thần hy sinh phục vụ. Cách đặc biệt nhất, cái chết của Ngài trên thập giá đã minh chứng tình yêu hy sinh cho tha nhân, cho con người cách mạnh liệt và vô điều kiện. Vì thế,

Theo Đức Giê-su, ai muốn là môn đệ đích thực của Ngài thì phải sống phục vụ như Ngài, yêu thương như Ngài, dấn thân cho người khác như Ngài. Cũng vậy, muốn trở nên người lãnh đạo phục vụ theo tinh thần Giê-su, các Ki-tô hữu phải trở nên nhỏ bé và khiêm tốn trước anh chị em đồng loại, cách riêng phải biết cách đón nhận những ai bé nhỏ, những ai già cả neo đơn, những ai buồn phiền thất vọng, những nạn nhân của bão lực – của nhân tai – của thiên tai.

Hơn nữa, là người phục vụ theo tinh thần Giê-su, chúng ta cần biết lắng nghe – thấu hiểu anh chị em; biết đón nhận họ với tấm lòng thành chứ không phân biệt loại trừ; đón nhận sự hiệp nhất trong đa dạng: dù họ là ai? Da đen ư – da màu ư – khác tôn giáo ư – bất đồng ngôn ngữ chăng? Tất cả đều là anh chị em của chúng ta mà chúng ta phải yêu thương và phục vụ họ. Hãy đến với họ qua việc viếng thăm, chăm sóc. Hãy cười với họ khi họ có niềm vui và hãy khóc với họ khi họ gặp nỗi đau và nỗi buồn. Chúng ta hãy trao ban cho họ niềm vui, niềm hy vọng mà chính Đức Ki-tô đã đem lại chúng ta. Họ cũng là hình ảnh Thiên Chúa với chúng ta. Tất cả là anh chị em trong ngôi nhà trái đất này. Là môn đệ, là người đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, thay vì đi trệch đường – trệch hướng, chúng ta hãy đi theo ‘Con Đường Giê-su’ đã đi: đó là con đường yêu thương – hy sinh và phục vụ. Amen.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Nguồn tin: