Suy Niệm Chúa Nhật XXV Thường Niên B - Phục Vụ, Cốt Cách Môn Đệ Chúa Kitô

Fri,20/09/2024
Lượt xem: 830

Phục vụ, cốt cách môn đệ Chúa Kitô 

(Kh 2,12.17-20; Tv 53; Gc 3,16-4,3; Mc 9,29-36)

Lịch sử thế giới đã chứng kiến bao đau thương bởi lòng tham của con người. Người ta mãi mê đi tìm danh vọng, chỗ đứng, quyền lợi để rồi gạt bỏ tình nhân loại, thậm chí tàn sát, khử trừ lẫn nhau. Chiến tranh, hận thù, tranh dành làm cho nhân loại phủ màu mây đen, nhân phẩm bị lợi dụng, phục vụ cho những kẻ tiếm quyền, lạm quyền. Khát vọng hòa bình, hướng tới một sự phục vụ con người đích thực luôn là khắc khoải của nhân loại. Người ta thốt lên hãy chấm dứt chiến tranh, nghĩa là hãy chấm dứt việc tranh dành quyền lực, danh vọng, nhưng xem ra cơm cám dỗ về danh vọng, quyền lợi mãi đeo đuổi con người, và nó cũng chẳng tha đối với nhưng ai muốn làm môn đệ của Đấng “đã trút bỏ vinh quang để mặc lấy thân nô lệ”. Câu chuyện Tin mừng hôm nay cho thấy khía cạnh này, qua đó, sứ điệp Lời Chúa cũng đưa chúng ta tới điểm căn bản của đức tin Kitô giáo: khiêm tốn phục vụ, bí mật Thiên sai và là con đường của người môn đệ Chúa Kitô.

1.    Khiêm tốn phục vụ, con đường của bí mật Thiên sai

Chúa nhật trước, chúng ta được chiêm ngắm dung nhan của Người Tôi tớ, và hôm nay, Lời Chúa phác họa khuôn mặt khiêm nhường của Đấng Công chính, của Đấng Thiên sai. Lần thứ hai Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ con đường Người sẽ đi, con đường tự hủy, khiêm tốn của Người Công chính mà tác giả Sách Khôn ngoan trong bài đọc thứ nhất nói cho chúng ta: người “bị hạ nhục, bị làm khổ, bị kết án” như chính lời tiên báo của Đức Giêsu trong bài Tin mừng. Đó là đường thập giá, đường của cây gỗ sần sùi, đường bé mọn, khiêm tốn, và đối với cái nhìn của người đời, là sự điên rồ, là sự ô nhục, nhưng đối với những ai tin, đó lại là con đường mà Thiên Chúa biểu lộ sức mạnh và quyền năng của Người. Con đường của Cứu Chúa, của Messia.

Mặc dầu được chính Thiên Chúa mặc khải trong Cựu ước và được chính Đấng là Lời mạc khải loan báo, nhưng đó luôn là một bí mật đối với các môn đệ xưa, và với chúng ta hôm nay. Với các môn đệ xưa, nghĩa với quan niệm của Do thái giáo, họ không thể hiểu được một Mêssia như thế, và do đó, Macô, trong những lần tiên báo khổ nạn, đã thêm vào câu: “Người nghiêm cấm họ không được nói về Danh tính của Người (8,30), hay “Đức Giêsu không muốn cho ai biết” (9,30), hoặc “Người kéo riêng họ ra” (10, 32). Macô muốn nói tới “bí mật Thiên sai”, bí mật mà chỉ nhưng ai đi cùng với Chúa trên con đường hẹp, con đường khiêm tốn phục vụ mới có thể hiểu được. Xem ra bí mật ấy luôn là một chướng ngại, một ẩn tàng cả với chúng ta hôm nay? Vậy chúng ta phải làm gì?

2.    Khiêm tốn phục vụ, sự khai mở bí mật Thiên sai, con đường của người môn đệ

Nếu chúng ta tuyên xưng là môn đệ của Đức Kitô, nếu chúng ta nói rằng biết Người, nếu chúng ta nói đang tiến bước trên con đường của Người mà chúng ta chưa biết cúi mình xuống để phục vụ, chúng ta chưa là môn đệ chính danh. Chúng ta đang “tranh luận ai là người lớn nhất”, chúng ta đang xin Đấng vác thập giá, “cho anh em chúng con được ngồi bên tả và bên hữu Người” (Mc 10,37). Nếu chúng ta cứ mãi dại khở trên con đường môn đệ như thế, chúng ta mãi không hiểu được thập giá, chẳng bao giờ cảm mến được vị ngọt của trái đắng đường tình Giêsu.

Để có chỗ đứng trong vương quốc Giêsu, để là người lớn nhất, Đức Giêsu mời gọi: “Hãy làm người rốt hết, làm đầy tớ mọi người”. Đó là người khiêm tốn đi vào con đường hẹp, con đường buông bỏ những cái làm cho mình công kềnh trong ý nghĩ, trong cách sống, và khiêm tốn đón nhận những giá trị trong cuộc sống, nơi những người anh chị em của mình, để phục vụ tình liên đới trong gia đình con cái Chúa, phục vụ ơn cứu độ nhân loại, theo mẫu gương của Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mc 10,45).

Khiêm tốn phục vụ là con đường của người môn đệ, con đường mà Thánh Giacôbê giáo huấn chúng ta trong bài đọc thứ hai: “Trong trắng, ôn hòa, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng từ tâm và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối” (Gc 3,17). Khiêm tốn phục vụ là cách thế kiến tạo hòa bình, việc xây dựng vương quốc Thiên Chúa. Còn ở đâu có cãi cọ, tranh dành, ganh tỵ, ở đó có mọi thứ tệ đoan, là biểu hiện của tinh thần thế tục, của ác thần. Đây là vùng đất của tên kiêu ngạo, “phường vô đạo”, “xảo trá” như tác giả sách Khôn ngoan trong bài đọc thứ nhất trình bày, những kẻ hiến kế thâm độc để hại người công chính.

Là kitô hữu, và hơn nữa là môn đệ của Chúa trong ơn gọi thánh hiến, chúng ta đã chận nhận con đường mình đi như thế nào? Theo dấu chân của Đấng bước đi trên con đường thập giá, phục vụ ơn cứu độ hay theo tinh thần thế tục?

Lạy Chúa Giêsu khiên nhường và hiền lành trong lòng. Xin uốn lòng chún con nên giống trái tim Chúa.

Hoa Thập Tự

 

 

Nguồn tin: