CHÚA NHẬT XIII MÙA THƯỜNG NIÊN
Kn 1,13-15.2,23-25; 2 Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về một chủ đề không ai thích, nhưng lại có ích, đó là sự chết. Trong bài đọc I, chúng ta nghe lời khẳng định này:
“Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong… Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt… Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 1,13.2,25).
Những lời này cho chúng ta chìa khóa để hiểu tại sao chết là nỗi ám ảnh và sợ hãi lớn nhất của con người. Lý do chính yếu là chúng ta không được dựng nên để chết, nhưng để sống mãi mãi. Thiên Chúa không muốn con người phải chết. Người cũng không sáng tạo nên cái chết. Nhưng nó là kết quả của “sự ghen tương của ma quỷ.” Vì thế, chúng ta tìm mọi cách để thoát khỏi cái chết và được sống mãi.
Trong bài Tin Mừng, chúng ta tìm thấy một chứng tá cụ thể cho lời khẳng định rằng Thiên Chúa không muốn sự chết và định mệnh cuối cùng của con người là “sự bất tử” hay được sống đời đời. Đó là phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện khi làm cho đứa con gái của ông trưởng hội đường Giaia đã chết được sống lại. Đây là một trình thuật rất đặc biệt với các sự kiện diễn ra một cách tuần tự và liên tục, trong những địa điểm khác nhau.
Trước hết đó là cảnh ở trên mặt biển hồ. Chúa Giêsu xuống thuyền, sang bờ bên kia, đám đông lại tụ lại quanh người. Có một ông tên là Giaia đến sụp xuống dưới chân người và nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngày đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống” (Mc 5,23). Nghe thế, Chúa Giêsu liền đi với ông.
Cảnh tượng thứ hai là ở trên đường. Một người đàn bà bị bệnh băng huyết đã mười hai năm. Nghe đồn về Chúa Giêsu, bà tìm cách tới gần Chúa để đụng vào áo của Người. Sau khi sờ vào áo Người, bà được khỏi bệnh. Khi Chúa Giêsu đang nói với bà, người nhà ông Giaia đến đến nói với ông rằng: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” (Mc 5,35). Nghe thế, Chúa Giêsu liền nói với viên trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!” Đây là lời mà Chúa Giêsu thường nhắc lại nhiều lần trên miệng Người. Cả người đàn bà vừa được chữa lành khỏi bệnh rong huyết, Người cũng nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
Cảnh tượng cuối cùng là một bi kịch, diễn ra tại nhà ông Giaia. Một cảnh tang tóc đè nặng tang quyến, người ta khóc than người chết. Chúa Giêsu vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Họ chế nhạo Người, nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những ai theo Người vào nơi đứa bé nằm. Chúa cầm lấy tay nó và nói: “Talità kum, nghĩa là: Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Lập tức, đứa bé trỗi dậy và đi lại được. Vì nó đã mười hai tuổi. Mọi người ngạc nhiên và sững sờ. Chúa Giêsu nghiêm cấm họ không được để ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn. Trình thuật này là một trình thuật “siêu phàm,” vì nó trình thuật với những lời rất đơn giản, bình thường, nhưng nói lên những sự kiện siêu việt, những phép lạ mà Chúa thực hiện để cứu con người khỏi cái chết. Đó là những phép lạ vì con người và minh chứng quyền năng của Người vượt trên cái chết và bệnh tật. Những hành vi và lời nói của Chúa Giêsu quả thực phát xuất từ quyền năng cứu độ của Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng, một điều đặc biệt mà chúng ta cần biết đó là Chúa Giêsu là Đấng có quyền năng thực hiện những điềm thiêng dấu lạ, nhưng khi đối diện với đau khổ và cái chết, nhiều lần Người cũng xúc động, đồng cảm và chia sẻ nỗi đau với những ai đang phải than khóc. Chúa Giêsu đã khóc với người khóc. Người đã khóc khi chứng kiến nỗi đau bà góa thành Nain mất đứa con trai duy nhất. Người đã khóc với Mácta và Maria khi họ mất người em Ladarô. Điều này nhắc nhở chúng ta luôn nhớ lời ở trên: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13). Thiên Chúa đau khổ khi chúng ta đau khổ. Người không đứng ở đằng xa mà nhìn chúng ta đau khổ. Nhưng Người đã đến làm người, ở với chúng ta, để chia sẻ đau khổ với chúng ta và đã chết vì chúng ta.
Đối diện với đau khổ và cái chết, Lời Chúa hôm nay mang đến cho chúng ta một chìa khóa để trả lời cho những vấn vạn về sự dữ và mang lại ánh sáng khi chúng ta ở trong bóng tối của đau khổ, đó là: “đức tin.” Đức tin là điều kiện cần thiết để Chúa Giêsu thực hiện phép lạ. Bởi thế, bất cứ ai đến xin Chúa làm phép lạ, Người đều đòi hỏi họ phải có đức tin. Nhưng đức tin ở đây không phải là một thứ đức tin chung chung, nhưng là đức tin vào chính Chúa Giêsu. Tin Mừng phân biệt rõ ràng hai dạng tin: tin cái gì và tin vào ai. Tin vào Ai (viết hoa) chính là tin vào Thiên Chúa. Ở đây, tin vào Thiên Chúa cũng là tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế.
Cuộc đối thoại giữa Giêsu với người chị của Ladarô là một chứng tá hùng hồn cho những gì vừa nói. Mácta nói với Chúa Giêsu:
“Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy” (Ga 11,21-22).
Có lẽ có rất nhiều cha mẹ và vợ chồng của người bệnh cũng cầu nguyện với Chúa Giêsu như thế: “Lạy Chúa, nếu Ngài ở đây, hay nếu chúng con sống ở Palestina, chúng con sẽ chạy đến với Ngài… Nhưng lúc này, chúng con xin Chúa, nếu Chúa muốn, xin làm một phép lạ cho con…”
Chúa Giêsu trả lời với Mácta: “Em chị sẽ sống lại!” Nhưng cô Mácta không hài lòng với lời hứa này vì phải chờ lâu quá. “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết” (Ga 11,24). Như thế không đủ, con muốn ngay bây giờ. Và lời quả quyết của Chúa Giêsu với Mácta và với tất cả chúng ta:
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” (Ga 11,25-26).
Ở đây, Chúa Giêsu cho thấy phép lạ lớn nhất là tin vào Người. Với niềm tin đó, mọi sự đều có thể.
Chúng ta cần nói về khía cạnh khác của bài Tin Mừng là Chúa Giêsu không chỉ nói về cái chết thể lý, còn muốn nói đến cái chết của con tim và linh hồn. Chết linh hồn khi chúng ta sống trong tội lỗi, cái chết của con tim khi chúng ta sống trong buồn phiền, thất vọng và chán nản. Lời Chúa Giêsu: “Talità kum, hỡi con, hãy trỗi dậy!” Những lời không chỉ dành cho đứa trẻ đã chết, nhưng cả những người đang sống.
Như thế, Lời Chúa hôm nay minh chứng cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không muốn con người phải chết, nhưng được sống mãi. Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa, Người đến để giải thoát con người khỏi đau khổ và cái chết. Điều kiện để được Chúa Giêsu cứu độ là tin vào Người. Chúng ta hãy làm như thế để được sống đời đời. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Phó GĐ. ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê