(Ml 3,1-4; Tv 23; Lc 2,22-40)
Ánh sáng thánh cung
Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ hay còn gọi là lễ Nến. Tục lệ đạo đức Lễ Nến ăn sâu trong cuộc sống người tín hữu. Ở nhiều nơi, giáo dân tín hữu mang nến đến nhà thờ để được làm phép trong ngày này. Họ mang nến đã làm phép về thắp lên mỗi khi đọc kinh gia đình, khấn nguyện khi có người ốm đau hoặc trẩy đi xa, trong những dịp vui mừng cưới hỏi hay tang chế. Đâu là ý nghĩa đích thực của Lễ Nến hay Lễ Mẹ Dâng Chúa vào đền thờ?
1. Để chu toàn luật buộc
Theo luật Môse (x. Xh 13,11-16; Lv 12,1-8) có chép: trẻ em sơ sinh trong thời hạn luật định phải mang đến đền thờ dâng hiến cho Thiên Chúa; sản phụ sau khi sinh con được 40 ngày phải mang lễ vật vào đền thờ Thiên Chúa, để được thanh tẩy; người con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa. Vì thế có tục lệ dâng con và lễ vật cho Thiên Chúa để chuộc người con. Bởi thế, Luca đã viết: “Khi đủ ngày thanh tẩy theo luật Môse, cha mẹ Chúa Giêsu đưa Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa” (c.1).
Đức Giêsu khi mạc lấy thân phận con người trong xã hội Do thái, đã thi hành những gì luật dạy, để trở nên khuôn mẫu cho chúng ta. Năm Sự Vui, thứ tư thì ngắm: ‘Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy’ là vậy. Vậy nên thánh Phaolô trong viết trong thư gửi tín hữu Galata: “Khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa sai con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (4,4-5).
2. Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người
Không chỉ là việc thi hành luật buộc, việc dâng Chúa Giêsu trong đền thánh trở nên cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa cứu độ và Dân của Người, những người nghèo, công chính, sống trong niềm hy vọng của Israel, mà đại diện là ông cụ Simeon và bà Anna. Hai thế hệ con người gặp gỡ nhau. Già trẻ gặp nhau. Hai vị trưởng lão Simeon và Anna gặp gỡ trẻ Giêsu. Cựu ước gặp Tân ước, hình ảnh đối diện với thực tại. Qua cuộc tương ngộ này, họ đã nhận ra Hài nhi Giêsu là “ánh sáng cho mọi dân tộc” ( Lc 2,22-40).
Chúa được dâng vào đền thờ, nơi mà con người gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm tự hủy, Thiên Chúa đến gặp gỡ Dân của Người. Đó là cuộc tương ngộ trời - đất. Thiên Chúa trở nên người, trong cuộc trò chuyện và mang lại cho con người niềm vui hạnh ngộ, thỏa khát mong đợi chờ. Đền thờ, nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, cuộc gặp gỡ không phải trong một nơi chốn được xây cất bằng gỗ đá mà trong một con người, trong chính con người Đức Giêsu Kitô. Người là Đền thờ đích thực, nơi con người thực hiện việc tôn thờ, hiến dâng cho Thiên Chúa trọn vẹn.
3. Ánh sáng thật được khải thị
Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng bởi ánh sáng, là “Vầng Hồng từ chốn cao vời viếng thăm, soi sáng những ai ngồi trong bóng tối tử thần”. Đó là vinh quang của Israel. Và đây là ý nghĩa của mầu nhiệm: Nơi Trẻ Giêsu, niềm hy vọng của Dân Chúa đã thành hiện thực, “vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ”, cụ Simeon đã thốt lên như vậy, và không chỉ cho Dân Chúa mà là “dành sẵn cho muôn dân”.
Lễ Nến, người ta mang theo nến như là dấu chỉ của Ánh sáng được thắp lên, được thông dự vào Đấng là ánh sáng thật. Chúng ta cầm nến trong tay để cho mọi người thấy vẻ huy hoàng thần thiêng của Đấng đã đến và đang đến. Người đẩy lùi bóng tối tội lỗi, làm cho hoàn vũ nên rực rỡ huy hoàng và ngập tràn ánh sáng vĩnh cửu. Thánh thi Kinh sáng lễ Mẹ dâng Chúa vào Đền thờ diễn tả thực tại này:
Lạy Đức Kitô, thiều quang xán lạn,
Chúc tụng Ngài là ánh sáng thiên thu
Đến xua tan màn đêm tối mịt mù
Khắp thiên hạ bừng lên ngày sáng chói.
Đây Cứu Chúa, Đấng ở cùng nhân loại
Đã bước vào đền thánh tiến dâng Cha
Lễ hy sinh là Thánh Thể chói lòa
Nhân thế rõ lòng Cha yêu trọn vẹn.
Lạy Đức Kitô, thiều quang bất biến
Tán dương Ngài là Ánh sáng muôn dân,
Vị Cứu Tinh đem lửa xuống cõi trần,
Ngài thắp sáng niềm tin trong vũ trụ.
Mỗi chúng ta, qua phép rửa, được xức dầu Thánh Thần để trở nên đền thờ sống động, thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1Cr 6,19). Vì thế, “anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1).