Tha Thứ Bảy Mươi Lần Bảy

Fri,13/08/2021
Lượt xem: 1520

THA THỨ BẢY MƯƠI LẦN BẢY

(Mt 18, 21 – 19, 1)

                                               

Hilario Trần Văn Thành O.Cist.

 

Tha thứ là ngôn từ gần gũi và dễ khơi gợi tính hòa nhập nhất trong cảm xúc của con người. Tha thứ gần gũi vì con người luôn phải tiếp nhận hành vi này từ đồng loại cách liên tục với ý thức mình hữu hạn. Thật vậy, bản chất con người tiềm ẩn một sức mạnh của xung năng bóng tối luôn chống lại tinh thần cao quý. Vì thế, sự tha thứ luôn được lặp lại nhiều lần trong các mối tương quan xã hội, như là cách để mỗi chúng ta tiếp tục hòa nhập với đồng loại trên hành trình hoàn thiện chính mình.

Khởi đi từ kinh thánh, tính hiệu lực của tha thứ bắt đầu khi các tương quan rạn nứt trong vườn địa đàng: Thiên Chúa và con người, con người với đồng loại và con người với chính mình.

Trong chiều kích đối thần, con người cựu ước sợ hãi trước uy lực siêu việt của Thiên Chúa. Họ nhìn nhận Ngài như một vị thẩm phán công minh và mặc nhiên ghét bỏ những người tội lỗi. Những cảm thức tâm linh này được nối tiếp qua nhiều thế hệ như thể nó là một tàn tích trong vườn địa đàng. Nghĩa là, trong ý niệm của họ, Thiên Chúa vẫn chưa tha thứ cho con người tội bất tuân. Những lời tuyên án của Thiên Chúa giáng xuống trên nguyên tổ loài người vẫn hằn vết trong tâm khảm con cháu sau này. Chính vì lẽ đó, dân thánh trong sấm truyền cũ luôn run rẫy quy phục Thiên Chúa với ý thức các nô lệ gồng mình trả nợ của tiền nhân cho chủ nô là thiên Chúa. Ngày nay, vị trí này đã hoàn toàn bị đảo ngược. Con người là chủ và Thiên Chúa là nô lệ. Thiên Chúa bị o ép vào vai trò một quản lý phân chia của cải, một quan tòa thờ ơ trước các hành động bất công đang diễn ra, hay phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh, tai ương. Khi những yêu sách này bị đẩy lên cực điểm vào một khoảnh khắc nào đó, con người chỉ tay lên trời với thái độ thù oán Thiên Chúa. Nếu con người cổ xưa mang mặc cảm Thiên Chúa không tha thứ cho họ, thì con người ngày nay lại không tha thứ cho Thiên Chúa, vì Ngài cướp mất sự tự do ít ỏi của họ, làm tha hóa ý chí con người, và biến những con người tôn giáo trở nên nổi loạn.

Với tương quan liên vị giữa người với người, việc tha thứ là cầu nối giữa ốc đảo này với ốc đảo kia. Qua đó, tội nhân được cứu vãn giá trị nhân phẩm của mình, thứ mà họ đã đánh đổi không cân nhắc, đồng thời, cả chủ thể lẫn đối tượng đều tìm thấy mối dây ràng buộc linh thiêng như hai con nợ dưới cánh một chủ nợ là Thiên Chúa, vì người chính trực không hề vô tội trước hành động của kẻ ác.

Chúng ta biết rằng, “cả những người chính trực và thánh thiện cũng không vượt quá mức phần cao cả nhất trong con người. Mặt khác, kẻ ác và người yếu nhược cũng không sa sút thấp hơn phần đê hèn của con người” (Kahlil Gibran). Vậy, nếu thay việc tha thứ bằng hình phạt thì trước hết ta hãy nhìn vào tinh thần của người đó, tựa như ta đốn cây dại mà lưu tâm đến rễ cây, lúc đó ta sẽ nhận ra giữa thiện và ác, giữa rễ cây cằn cỗi và đất đai màu mỡ hòa quyện vào nhau. Khi thấu triệt được yếu đuối của tha nhân, thì ta sẽ rõ mục đích của việc tha thứ. Và chỉ khi đó ta mới thực sự hiểu rằng, kẻ ngay lành và tội nhân chẳng qua chỉ là một con người chạng vạng trên con đường, bên này là đêm tối của bản ngã và bên kia là ánh sáng của Thiên Chúa. Trong đám rước về trời, có người sẽ vấp ngã để người sau biết mà né tránh và họ cũng vấp ngã cho kẻ đi trước, những người dù đi nhanh hơn nhưng vẫn chưa gạt bỏ hòn đá đi.

Cường độ của việc tha thứ luôn là vô hạn trong cách tính giới hạn của con người. Nếu chỉ bảy lần thôi, con số đó sẽ biến thành thảm họa: loại trừ, đổ vỡ, chia rẽ, đoạn tuyệt. Bởi lẽ, sự xúc phạm đến người khác vô cùng tinh vi, không chỉ hành động, lời nói mà còn là ánh mắt, thái độ, suy nghĩ. Như vậy, con số bảy quá ít so với những vấp phạm của ta. Con số bảy mươi lần bảy hàm chứa sự yếu đuối của con người sâu thăm thẳm, và cũng đồng nghĩa với việc đó là con số tha thứ vô hạn.

Xin Chúa cho mỗi chúng ta luôn biết sẵn lòng tha thứ cho nhau, đừng mắc nợ gì nhau ngoài lòng tương thân tương ái. Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước, bằng việc treo mình giữa trời và đất để giao hòa trần tục và thánh thiêng. Người Kitô hữu chỉ có một món nợ mà thôi, món nợ hằng ngày phải trả, đó là ân sủng của Chúa. Amen.

Nguồn tin:
Tags :
tha thứ