Tĩnh vọng - dọn lòng, mở lối

Sun,05/12/2021
Lượt xem: 1566

 CHÚA NHẬT II MV C

(Br 5,1-9; TV 125; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1 – 6)

“TĨNH VỌNG – DỌN LÒNG, MỞ LỐI”

Lm. Hoa Thập Tự

Để có thế hướng vọng và tiếp bước trên con đường đón “Ngày của Đức Chúa, chúng ta cần “dọn lòng”, “mở quan lộ đời mình” cho Chúa đi vào. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thực hiện bước “tĩnh vọng” – “sửa lối, dọn lòng” để nghênh đón Đức Chúa ngự đến và để hoan hưởng niềm vui vinh quang của Người.

1. Mùa Vọng, mùa loan báo niềm vui cứu độ

Mùa vọng là mùa của những lời loan báo: Loan báo Chúa Giêsu sinh ra, loan báo thời cứu độ. Nói cách khác, mùa giúp chúng ta ý thức sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa trong dòng chảy của lịch sử nhận loại, và của mỗi người chúng ta.

Bài đọc thứ nhất, Baruc, trong cảnh lưu đày sau biến cố thất thủ của Giêrusalem năm 578: không còn Vua, không còn đền thờ, không còn nền phụng tự, ông thắp lên nơi dân Chúa niềm hy vọng lớn lao, những ngày sầu khổ không còn nữa, vì “áo tang khổ nhục được cởi bỏ, và mặc lấy vình quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi (c.1). Sự hiện diện của Thiên Chúa là dấu chứng bảo đảm cho sự thịnh vượng, an toàn, và khi đó Giêrusalem được nổi danh hơn trước kia, khắp thiên hạ sẽ thán phục Giêrusalem, nơi qui tụ con cái từ đông sang tây.

Viễn tượng về ngày CỨU ĐỘ mà Baruc loan báo không chỉ là ngày thoát ách nô lệ Babilon vào năm 539 mà dân Chúa hát lên trong Thánh Vịnh 125: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi hoan hỉ mừng vui”, nhưng là thực tại mà bài Tin Mừng loan báo. Đó là thời đại cụ thể, thời Phonxio Philato tổng trấn Giudea, Herord làm thủ hiến xứ Galilea… Anna và Caipha làm thượng tế… và Gioan Sứ Giả loan báo thời đại của Đấng phải đến, Mesia. Đó là thời đại của Vầng Hồng từ trời cao viếng thăm, soi sáng những ai ngồi trong bóng tối tử thần”. Gioan, Vị tiền hô của thời đại Mesia đã kêu mời phải dọn đường, sửa lối để nghênh đón Vua Mesia ngự giá.

2. Sửa lối, dọn lòng

Thời đại Mesia đã tới và đang trên tiến trình hướng tới sự viên mãn, nhưng để NHẬN RaĐÓN NHẬN nhận vinh quang của Nước Thiên Chúa – vốn đang hiện diện giữa chúng ta, CHÚNG TA cần dọn đường, sửa lối. Lấy lại lời ngôn sứ Isaia (40,3.5) và Baruc, Gioan kêu mời: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…” (c.4). Gioan rao giảng kêu gọi mọi người thực hiện cuộc sám hối khởi đi từ sa mạc lòng mình đến sa mạc của nhân thế; đón Chúa trong thâm cung lòng mình để mở lối dẫn Chúa tới với người khác; ngôn sứ, tiếng vọng cho lòng mình để trở nên ngôn sứ đánh thức nhân thế. Muốn vậy, chúng ta cần:

2.1. Vào “trong hoang địa Hoang địa nào đây? Có thể là hoang địa Giudea, nhưng trước hết là hoang địa – sa mạc “CÕI LÒNG”. Tiếng hô trong hoang địa để chỉ tiếng kêu dọn đường của sứ giả Messia, nhưng đó là tiếng kêu của cõi lòng. Đó là tiếng kêu sám hối, canh tân, của việc sửa lối dọn long – metanoia.

2.2. Dọn đường, mở lối cho Chúa: chỉ khi trở vào hoang địa cõi lòng để nghe tiếng gọi mời, chúng ta mới nhận ra đâu là những chướng ngại, những điều cần thực hiện để việc DỌN ĐƯỜNG  – vào nhà – Tâm hồn chúng ta, đồng thời  MỞ LỐI để Thiên Chúa và con người hạnh ngộ.

ü  Cần sửa cho ngay thẳng những ý nghĩ quanh co, xiên xẹo, thiện cẩn, những quyến luyến thế tục, để có thế tiến bước trên con đường đoan chính của người kiếm tìm Thánh Nhan Chúa Trời;

ü  Cần lấp đầy những thung lũng, những hố sâu ngăn cách: không phải ngăn cách vì những vực thẳm không gian hay đường xa vạn dặm, nhưng là những trở ngại bên trong lòng người: hận thù, ghen tị, do hiểu lầm. Những ngăn cách đã khiến những người gần nhau, thậm chí anh chị em với nhau, cùng chung lý tưởng đời tu, nhưng xa nhau ngàn trùng. Trong thế giới toàn cầu và kỹ nghệ hôm nay người ta xích lại gần nhau, không gian thời gian dường như không còn khoảng cách. Người ta ngồi bên nhau, kết bạn với nhau, tương tác với nhau nhưng thiếu tương giao liên vị, bang giao huynh đệ, nhân tâm được thay thế bằng giao dịch lợi ích kinh tế, kiếm tìm đặc khu. Con người trong thế giới chúng ta hôm nay bị “giãn cách” không phải vì dịch bệnh mà vì thiếu tương giao, thiếu tình huynh đệ chân thành và “ngăn cách” kinh khủng nhất gây ra bởi tội, bởi sự chia rẽ;

ü  Cần bạt cho bằng những gồ ghề của tính kiêu căng, tự phụ. Đây là chướng ngại, là cản trở lớn nhất che lấp làm cho người ta không nhận ra Vinh Quang Thiên Chúa, đồng thời chê lấp hướng đích siêu việt của con người. Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do đại dịch lúc này như một lời cảnh tỉnh nhân loại chúng ta khiêm tốn chân nhận chỗ đứng thực sự của chúng ta và tuyên xưng quyền năng của Thiên Chúa. “Cơn bão – Covid -19 – đã phởi trần sự mong manh của chúng ta và cho thấy những sự an toàn hời hợt và giả tạo mà chúng ta đã dựa vào đó để thiết lập thời biểu, những kế hoạch, những thói quen, những mối ưu tiến hàng ngày của mình…”, Đức Phanxicô khẳng định (FT, 32). Chúng ta cần khiếm tốn để tuyên xưng rằng chúng ta được cứu bởi một Ai khác – bởi Thiên Chúa và chúng ta được liên kết trong một ngôi nhà chung của tình huynh đệ.

Thưa công đoàn,

Gioan Tẩy giả xuất hiện như một khuôn mặt tiêu biểu của Mùa vọng, một người cháy hết mình trong ơn gọi và sứ vụ. Ngài kêu gọi cách nghiêm nghị metanoia – sám hối tận căn. Bất cứ ai muốn trở thành một kitô hữu, cách riêng những ai muốn tiến bước trên hành trình môn đệ Chúa Kitô, cần liên tục “cải biến trong tiến trình biến đổi nên giống Chúa”. Ai muốn tìm gặp Chúa thì phải liên tục hoán cải nội tâm, đi một hướng khác – dọn lòng mình để Chúa đi vào, mở lối để Chúa đến với con người qua đời sống của mình.

Mỗi ngày đập vào mắt chúng ta muôn sự trong thế giới hữu hình với những con người, biến cô, sự vật… Chúng xuất hiện trong chúng ta trên các áp phích quảng cáo, trên các trang mạng, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày, với sức mạnh đến nỗi chúng ta bị cám dỗ để nghĩ rằng không có gì khác ngoài điều này. Nhưng trên thực tế, cái vô hình lớn hơn và có giá trị hơn tất cả những cái nhìn thấy được. Duy chỉ một linh hồn thôi - một sự diễn tả diệu vời mà Pascal cho chúng ta biết – ‘có giá trị hơn tất cả vũ trụ hữu hình’. Nhưng, để cảm nghiệm được chân lý này trong cuộc sống, cần phải hoán cải, quay về để một cách nội tâm, chúng ta có thể nói vượt qua ảo tưởng về cái hữu hình và trở nên nhạy cảm, chú ý và tinh tế đối với cái vô hình; coi nó quan trọng hơn bất cứ điều gì tấn công chúng ta một cách mạnh mẽ hàng ngày. Đó là điều mà Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai nhắn gởi chúng ta: “xin cho lòng mến anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn” (Pl 1,9-10).

Hãy thay đổi tầm nhìn của chúng ta – hoán cải, để sự hiện diện của Chúa được bảo đảm cho chúng ta trong thế giới; thay đổi cái nhìn ​​của chúng, để Chúa có thể hiện diện trong chúng ta và qua chúng ta, trong thế giới. Amen.

 

Nguồn tin:
Tags :