Trọn Cả Hiện Hữu, Mến Chúa Thương Người - Suy Niệm Chúa Nhật XXXI TN B

Thu,31/10/2024
Lượt xem: 430

 

Trọn Cả Hiện Hữu, Mến Chúa Thương Người 

(Đnl 22,20-26; Tv 17; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34)

Trả lời cho một trong những kinh sư đặt vấn đề về điều răn trọng nhất, Chúa Giêsu đã khéo léo tóm lược tất cả Sách Luật và Ngôn sứ vào hai điều chính yếu, gắn kết thương người (x. Lv 19,18) và mến Chúa (x. Đnl 6,5) làm cho cả hai đều trọng yếu và không thể tách rời. Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn và yêu người như chính mình là sống tình yêu với trọn con người, cả cuộc hiện sinh. Trình thuật này chúng ta bắt gặp ở cả ba tác giả Nhất lãm (x. Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28), và nhiều khi chúng ta có cảm tưởng quá quen thuộc như chúng ta vẫn thường đọc: “Mười điều răn này tóm về hai điều mà chớ, trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau nữa yêu người như chính mình ta vậy. Amen”, và thế là hết, là đã yêu thương. Nhưng trong thục tế không phải vậy, chúng ta vẫn chưa yêu Chúa và thương người trọn con tim. Nói cách khác, giới luật trọng nhất một lần nữa cật vấn chúng ta về việc sống “Điều răn mới” thế nào?

1. Làm sống lại mệnh lệnh trọng yếu – mến Chúa trọn con người

Cuộc lữ hành tiến về miền Đất hứa, Dân Chúa xưa dễ chạy theo và nghiêng mình trước những thần ngoại – các ngẫu tượng, và như thế, họ không chỉ chối bỏ Đấng cứu độ của mình mà còn đánh mất căn tính của Dân ưu tuyển – Dân thuộc về Thiên Chúa, Dân được định nghĩa trong mối tương quan với Thiên Chúa duy nhất chân thật. Bài đọc thứ nhất từ Sách Đệ nhị luật trình bày việc Môsê trịnh trọng công bố cho toàn thể đại hội Israel Bản Thập giới (x. Đnl 5,1-20), ông cho thấy: MẾN CHÚA – ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA LỀ LUẬT: “Hãy nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Người hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (c.4). Yêu trọn con tim là biểu lộ một lòng “kính sợ” Thiên Chúa duy nhất trong mọi ngày sống. “Yêu mến hay kính sợ” Thiên Chúa là đầu mối của sự khôn ngoan phải được nội tâm hóa – “ghi tạc trong lòng”.

Môsê thông truyền cho Dân Thánh lệnh - Luật trọng yếu làm nên căn tính của Dân ưu tuyển và yêu cầu họ phải được nhắc nhớ luôn mọi nơi mọi lúc: “Ở trong nhà”, “khi đi đường, “khi đi ngủ”, “lúc thức dậy”; phải “BUỘC” làm dấu hiệu trên tay, “MANG” trên trán làm phù hiệu và “VIẾT” lên khung cửa nhà và nơi cổng thành” (c.7-9).

Không chỉ dừng lại ở việc nhắc nhớ, điểm chính yếu của Luật là việc sống - “đem ra thực hành” – nghĩa là tương quan chân thực với Thiên Chúa với trọn con tim: “Tất cả chỉ thị và mệnh lệnh của Đức Chúa mà tôi truyền cho anh em”, Môsê nhắn gửi, “hãy nghe và đem ra thực hành những điều đó”, nhờ đó mà họ được phong nhiêu cháu con và trù phú trong miền đất chảy sữa và mật (c.2-3).

Yêu Chúa với trọn con người – “hết lòng hết dạ, hết sức” trở thành kinh tuyên xưng đức tin của Do thái giáo, gọi là Kinh Sơma (trong tiếng Dothai, mở đầu câu có nghĩa “nghe đây” giống như chúng ta đọc “tôi tin kính” mở đầu tín trong Giáo hội công giáo.

Lặp lại Thánh lệnh MẾN CHÚA VỚI TRỌN CON NGƯỜI, không chỉ là lời nhắn gửi cho Dân ưu tuyên ngày xưa mà cho nhân loại chúng ta hôm nay. Trong thế giới giải thiêng – tục hóa, Thiên Chúa bị thay thế bởi các ngẫu tượng nhân loại. Con người thay vì ái kính Đấng Hóa Công lại chay theo và sùng bái những ngẫu thần vật chất. Người ta cố gắng xóa tên Thiên Chúa để viết tên của loại thọ tạo hữu hạn và kết cục con người rơi vào bế tắc – tha hóa – lạc lối. Tìm về với Thánh Luật trọng yếu, con người tìm về với chân tính đích thực của mình, đó là việc tuyên xưng mình là thọ tạo của Hóa Công duy nhất – Thiên Chúa, là việc đánh thức “cơn khát siêu việt”, là việc sống “hiện sinh siêu việt” nơi con người. Bởi lẽ chỉ mình Thiên Chúa là Sức mạnh, là Núi Đá, là Đấng Cứu độ mà chúng ta phải mến yêu, ngợi ca và kính tôn như Tv 17 trong bài đáp ca diễn tả.

2. Yêu người – thước đo tình mến Chúa

Một tình yêu trọn vẹn, tuyệt đối với Thiên Chúa – “hết lòng hết dạ, hết sức”- là ưu tiên! Đó là tình yêu vượt trên mọi thứ, bởi vì Deus semper major. Tuy nhiên, tình yêu đối với Thiên Chúa không chỉ là một đòi hỏi, một khát vọng được diễn tả trong các lễ nghi phụng vụ tôn thờ dành riêng cho một mình Người, song được định lượng bằng tình mến đối với con người, với tha nhân – hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26; Mt 25,31-46). Bởi thế, Chúa Giêsu xếp giới luật yêu người thân cận vào điều răn trọng nhất – Mến Chúa. Trong Tin mừng thứ tư, Chúa Giêsu gọi đó là Giới răn mới – Luật yêu thương, phục vụ hiến mạng cho bạn hữu của mình (x. Ga 13,24; 15, 13). Trong diễn từ cánh chung, Chúa Giêsu khẳng định tình mến đối với tha nhân, nhất là đối với những người nghèo, khổ đau, bệnh tật là tiêu chuẩn cho việc xét xử, là thước đo tình mến đối với Chúa Giêsu: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các người làm như thế cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các người làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Là họa ảnh của Thiên Chúa tình yêu, yêu người là sự thật cho tình mến đối với Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ minh định:

“Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình”, và ai yêu nghĩa là biết Thiên Chúa: “chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4,20-21.1).

Trong bài huấn dụ Yết kiến chung ngày 21.10.2020, Đức Phanxicô nói: “Nếu bạn đọc nhiều Kinh Mân Côi mỗi ngày nhưng lại nói xấu người khác, lại mang lòng giận dữ, thù ghét người khác, thì đây là giả dối, không phải là chân lý. Và Ngài thêm: “Tôi tin Thiên Chúa nhưng tôi xa lánh tha nhân và tôi cho phép mình thù ghét người khác. Đây là vô thần thực hành. Không nhận ra con người là hình ảnh Thiên Chúa thì đó là một sự phạm thánh, một sự ô uế, một hành vi xúc phạm tồi tệ nhất mà người ta có thể làm đối với đền thờ và bàn thờ”.

Yêu người – thước đo tình mến với Chúa. Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta thường “chọn bạn mà chơi” và “chỉ yêu người ta thích, có lợi cho ta”. Giới luật yêu thương không cho phép chính ta giới hạn người thân cận. Bởi lẽ, tất cả đều là anh em, con cái của Chúa, “Đấng cho mặt trời mọc lên che xấu kẻ tốt cũng như người xấu” (Mt 6,45). Người thân cận không chỉ là người bà con, lối xóm, bằng hữu của ta, mà là bất cứ ai, thậm chí bao gồm cả kẻ thù của chúng ta.

3. Yêu Chúa thương người theo gương của Thượng Tế đời đời

“Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37), là những lời mà Chúa Giêsu nhắn gửi nhà thông luật sau khi hỏi Người “ai là người thân cận của tôi?” “Hãy làm như vậy”, nghĩa là hãy biết chạnh thương, nhất là với những người cùng khổ, người cần tới sự giúp đỡ của chúng ta. Giống như người Samariatano nhân hậu nhận ra người bị hại và BIẾT CHẠNH THƯƠNG. Khi giám cúi xuống, giám chạnh lòng thương người khác, tôi đã tìm gặp chính mình, tìm được người anh em của tôi, và như thế, tôi đã phản chiếu khuôn mặt từ ái của Thiên Chúa.

Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Khuôn mặt nhân loại của tình yêu thương xót, Vị Thương tế của chúng ta, Người cúi xuống bên con người, trong thân phận con người, ôm lấy thương tích tật nguyền của con người để nâng con người lên. Quả vậy, Vị Thượng tế của chúng ta đã nên giống anh em mình về mọi phương diện, có khả năng cảm thông cho những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15). Đó là vị Thượng tế mà chúng ta cần tới – “thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (Dt 7,26). Người là mẫu gương của chúng ta trong tình mến nồng nàn với ý định của Thiên Chúa và say mê trong việc kiếm tìm con người.

Đức Giêsu – Vị Thượng tế nhân từ đã nhận ra khuôn mặt của người mù bên vệ đường trong sự thờ ơ của kẻ khác (x. Mc 11,46-52); Người nhận ra sức nặng đang kéo lê con người “dở sống dở chết” bởi bệnh tật và tội lỗi (x. Lc 14,1-6). Người đã trở nên bạn đồng hành với những kẻ bộ hành trên lô trình chiều tím Emmaus (x. Lc 24,13-35, Người đã trở nên người thân cận với khi dùng bữa với người thu thuế và tội lỗi (x. Lc 5,30), thân mật với họ (x. Lc 7,36; 11,37; 14,1); Người đã xử sự nhân từ với các tội nhân (x. Mt 9,13),  đồng bàn với họ và mời gọi họ vào Nước của Người (x. Lc 15,1-2;23-24).

Là một kitô hữu, là môn đệ của Đấng đã “yêu đến cùng” bằng việc “hiến trao mạng sống cho người mình yêu”, chúng ta đã sống đức mến Chúa yêu người thế nào? Chúng ta có lấy làm trọng thánh luật làm nên chân tính của chúng ta không?

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết Chạnh thương nhờ việc cảm biết tình thương mà Chúa thi thố nơi mỗi chúng con. Xin giúp chúng con được bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng đức ái, khám phá chiều Cao của tình mến Chúa, chiều sâu của cõi lòng và chiều rộng của tình thương mến nhau. Amen.

Lm. Hoa Thập Tự

 

Nguồn tin:
Tags :