Ba Ngôi Trong Suy Tư Thời Cận Đại

Thu,11/11/2021
Lượt xem: 1613

“Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi hằng hữu, Ngài giống như biển sâu, trong đó càng tìm kiếm, con càng thấy Ngài; và càng tìm thấy, con càng tìm kiếm... Ngài thỏa mãn sự đói khát bằng sự ngọt ngào của Ngài, bởi vì Ngài rất thiện hảo, không một chút đắng cay, ôi Ba Ngôi hằng hữu” (Thánh Catarina thành Siena, Về Mạc Khải Thiên Chúa).

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

 

Vào thế kỷ XVI, phong trào Cải Cách xuất hiện ở Châu Âu. Sau đó vào thế kỷ XVII, phong trào Ánh Sáng ra đời và cả hai được phổ biến sang Nam Mỹ cũng như những nơi khác. Các phong trào này là những nhân tố đã tạo nên khung cảnh để suy tư về niềm tin Ba Ngôi vào cuối ngàn năm thứ hai. Tuy nhiên, có những nhân tố khác như sự phát triển của khoa học về con người và nền triết học về chủ thể thuyết của các nhà triết học cũng giúp tạo nên bối cảnh này. Chúng ta sẽ tìm hiểu những vấn đề theo thứ tự thời gian trong một góc nhìn để xác định những vấn nạn cần phải đối diện trong phần tiếp theo.

1. Ba Ngôi trong thời kỳ Cải Cách

Phần lớn các nhà cải cách Tin Lành và Anh Giáo đã đặt niềm tin thừa kế về thần tính của Đức Kitô và Ba Ngôi. Trong hai bài giáo lý vào năm 1529, Martin Luther (1483-1546) đã giải thích cấu trúc ba tín khoản từ Tín Biểu Nicea – Constantinople. Tín biểu này giải thích cách rõ ràng niềm tin mang tính lịch sử và căn bản là Ba Ngôi. Tín biểu của các Tông Đồ tuyên xưng vắn ngọn rằng: “Tôi tin vào Chúa Thánh Thần” và tiếp sau đó là tuyên xưng: “Tôi tin Giáo Hội thánh thiện, Công Giáo.” Điều này có thể làm cho cốt lõi niềm tin Ba Ngôi đi ra khỏi bức tranh. Và kết thúc với lời tuyên xưng: “Tôi tin Giáo Hội thánh thiện, Công Giáo, các Thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và sự sống đời sau.”

Tất cả được thực hiện nhờ Chúa Thánh Thần, nhưng công thức Ba Ngôi của đức tin Kitô giáo được trình bày rõ hơn trong Tín Biểu Nicea – Constantinople. Luther đã làm rất tốt khi đi theo Tín Biểu này và rút lại từ việc phổ biến 12 tín khoản giáo lý dựa trên Tín Biểu các Tông Đồ tới tín khoản thứ ba theo cái nhìn Ba Ngôi theo nghĩa chặt.

Tại thời điểm mà ngoài Giáo Hội có nhiều nhà cải cách triệt để muốn đi quá khi yêu cầu sự hướng dẫn trực tiếp từ Chúa Thánh Thần, John Calvin (1509-1564) đã thành công trong việc đưa ra những giáo huấn về chứng tá nội tâm của Chúa Thánh Thần.[1] Trong Giáo Hội, xuất hiện một người hướng dẫn cho sự Cải Cách Công Giáo, đó là Thánh Ignatiô Loyola (1491-1556). Ngài đã trình bày trong nhật ký tâm linh của ngài kinh nghiệm huyền bí về Ba Ngôi.

Một thế kỷ sau, Blaise Pascal (1623-1662) đã có kinh nghiệm sâu sắc khi quả quyết rằng: “Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và của Giacóp, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô.” Với tư cách là nhà toán học và nhà vật lý học như ông, Pascal đã từ chối việc đưa ra vấn đề về Thiên Chúa mà loại bỏ dòng chảy lịch sử mà trong đó Thiên Chúa đã mạc khải mình và lịch sử đó đã đạt tới tột đỉnh với đời sống, cái chết và phục sinh của Chúa Kitô: “Chúng ta biết Thiên Chúa chỉ nhờ Chúa Giêsu Kitô.”[2]

Chủ nghĩa Ánh Sáng tranh luận về Thiên Chúa và niềm tin Ba Ngôi mà nó bắt đầu từ thế kỷ XVII đã để lại đằng sau những suy tư và cố gắng của Luther, Calvin, Ignatiô, Pascal và những người khác: lịch sử Kinh Thánh về mạc khải và ơn cứu độ.

Tư tưởng của Luther về Ba Ngôi đặt ra những khó khăn, tuy nhiên, ông phác họa Đức Kitô như là một người mang hết tội lỗi của thế gian và là đối tượng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trên thập giá. Một sự thay thế hình phạt cho các tội nhân, Con Thiên Chúa đã phải chịu cực hình công thẳng dành cho tội lỗi loài người. Luther cũng viết về một cuộc chiến tranh giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Con. Ông hiểu theo nghĩa đen rằng Chúa Con phải mang trên mình hình phạt của tội lỗi loài người, nên chỉ như thế một mình Người phải gánh hết mọi tội lỗi của họ trên mình. Người chịu đau khổ là để thay thế cho chúng ta trên cây thập giá, và cái chết đau đớn tức tưởi của Người đã thay đổi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và như thế mang lại ơn công chính cho chúng ta. Nhiều nhà thần học và nhiều vị giảng thuyết Công Giáo, không chỉ ở Pháp mà còn ở những nơi khác, đã chia sẻ cái nhìn này về việc Thiên Chúa báo thù và nguôi ngoai cơn thịnh nộ nhờ Con Một Người được thí ban để chết thay cho mọi người. Như là nạn nhân công lý Thiên Chúa, Đức Kitô đã được tín nhiệm để chịu những đau khổ của những người bị thương tích – một cái nhìn kinh khủng về ơn cứu chuộc được trợ giúp cách loại suy bởi một số trích đoạn từ thánh Phaolô (x. Gl 3,13), con dê tế thần trong sách Lêvi 16, và tiếng kêu của Chúa Giêsu bị bỏ rơi trên thập giá (Mc 15,34). Với sự hùng biện lệch lạc từ phía Công Giáo và cả Thệ Phản, các nhà giảng thuyết đã biến Thiên Chúa nhân lành thành một kẻ sát nhân, Người đã thực hiện sự báo oán một cách không thương xót trước khi được hả giận rồi mới thực thi lòng thương xót Thiên Chúa.

Trong thế kỷ XX, những nhà thần học nổi tiếng như Jurgen Moltmann trong cuốn “Thiên Chúa chịu đóng đanh” (The Crucified God) đã mang lại một hướng đi mới mẻ cho ngôn ngữ của Luther và những người khác về một dạng chiến tranh xảy ra nơi Ba Ngôi trên đồi Calvariô – một cuộc chiến giữa Chúa Cha với Chúa Con, và Chúa Thánh Thần đóng vai trò hòa giải. Về sau, triết học - thần học Ba Ngôi của G. W. Hegel (1770-1831), những nhà thần học hiện đại đã phát triển quan niệm về một cuộc chiến nội tại trong Ba Ngôi và trong lịch sử cứu độ.

Chúng ta sẽ trở lại với Hegel, người đã khuyến khích hậu duệ ông suy nghĩ về Ba Ngôi theo con đường lịch sử. Nhưng ông cổ võ họ thay thế Thiên Chúa của lịch sử bằng lịch sử của Thiên Chúa.

Sự loạn lạc tôn giáo ở thế kỷ XVI cũng làm nảy sinh hai thách đố đối với niềm tin Ba Ngôi mà chúng cũng chứng tỏ những sức mạnh tương tự và liên kết với nhau: đó là học thuyết của Socinus và thuyết nhất vị (Thiên Chúa chỉ là một ngôi vị mà thôi). Như là một hệ thống tôn giáo phủ nhận thần tính của Đức Kitô và sự hiện hữu của Ba Ngôi, học thuyết Socinus lấy tên này từ những người Ý, Lelito Fransco Maria Sozini (1525-1562) và người cháu của ông là Fausto Paolo Sozzini (1539-1604), (tên của ông được đánh vần khác với tên của cậu ông). Cuối cùng, nhiều người theo Sozini kết hợp các lực lượng khác để hình thành Giáo Hội theo thuyết nhất vị. Khi phủ nhận thần tính của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần và bảo vệ độc thần thuyết nghiêm nhặt, những người nhất vị thuyết chấp nhận chỉ có một ngôi vị thần linh. Nhờ Martin Callarius (1499-1567) Michael Servetus (1511-1553) và Fausto Paolo Sozzini thúc đẩy và phát triển, thuyết nhất vị cuối cùng đã tìm được uy thế thông minh của nó từ những nhân vật nổi tiếng trong Hiệp Chủng Quốc như William Ellery Channing (1780-1842), Ralph Waldo Emerson (1803-1882), và Charles William Eliot (1834-1926) là hiệu trưởng của Đại Học Harvard trong 40 năm và giữa những thành tựu khác, ông là người đã cải tổ trường Dinivity Harvard. Vì những thành viên công sở, thuyết nhất vị đã suy yếu dần về con số.

Nhưng sự chống đối niềm tin Ba Ngôi của nó vẫn sống mãi trong những nhà tư tưởng hiện đại theo nền Kitô học tự do, khi trình bày Chúa Giêsu rất khác biệt với hữu thể con người trong phẩm trật và không cùng bản tính (hay loại). Họ cho rằng Người ở trên chúng ta, chỉ bởi vì cấp độ của Người cao hơn về sự thánh thiện, nhưng không phải vì, như là ngôi vị thần linh, Người thuộc về một dạng hữu thể khác biệt vô biên, Thiên Chúa. Chẳng hạn, John Hick mời gọi các độc giả của ông chấp nhận một Đức Giêsu như thế, Người không phải là Con Thiên Chúa nhưng Người chỉ là hiện thân “lý tưởng của đời sống con người được sống trong sự đáp trả trung thành với Thiên Chúa.”[3] Vì vậy, một nền Kitô học hạ thấp như thế không thể tránh được việc hạ bệ giáo huấn Ba Ngôi và sau này làm phát sinh một dạng thuyết nhất vị trong thời hiện đại như là âm hưởng của Sabellius. Hick không phải là trường hợp ngoại lệ ở đây. Ông viết:

“Thiên Chúa được nhận biết theo cách thức nhân loại như là đấng sáng tạo, như người biến đổi, và như là tinh thần nội tại. Chúng ta không cần phải vật chất hóa những cách thức này như là ba ngôi vị phân biệt.”[4]

2. Ba Ngôi và Chủ nghĩa Ánh Sáng

Một người rất tài ba đồng thời với Pascal, René Descartes (1596-1650) đã phát triển khái niệm về ngôi vị như là một chủ thể duy nhất của ý thức và tự ý thức. Hơn một thế kỷ sau đó, sự quan tâm về sự tự do và luân lý đã thúc đẩy Immanuel Kant (1726-1804) phải nhấn mạnh ngôi vị như là chủ thể của tự do, một mục đích luân lý nơi chính mình và không bao giờ là một phương tiện cho một mục đích. Descartes, Kant, và John Locke (1632-1704) đã cung cấp những suy tư triết học đã làm xuất hiện một quan niệm đặc trưng hiện đại về ngôi vị như là chủ thể của sự tự ý thức và tự do – nói tóm tắt, ngôi vị như là bản ngã có ý thức và tự lập (Tôi suy tư, và tôi tự do, vì thế, tôi là một ngôi vị). Khi áp dụng cho giáo huấn Ba Ngôi, quan niệm này ngay lập tức làm phát sinh điều xem ra giống với tam thần thuyết: ba chủ thể tự lập sống và làm việc với nhau trong một sự hiệp nhất như một xã hội.

Mục đích để xóa bỏ mọi sự trước một vài ý tưởng “rõ ràng và dứt khoát,” Descartes bắt đầu với sự hiện hữu của mình, sự hiện hữu đó không thể nào phủ nhận và hoài nghi, bởi vì chính hành vi của sự phủ nhận minh chứng sự hiện hữu của mình: “Cogito, ergo sum – tôi suy tư, nên tôi hiện hữu).” Lý tính hơn bất cứ tương quan nào (“Amor, ergo sum – tôi được yêu, nên tôi hiện hữu”) đã cung cấp điểm khởi hành cho Descartes. Chủ nghĩa Ánh Sáng ra đời và phổ biến dựa trên nền tảng lý trí. Phong trào này chống lại thẩm quyền và truyền thống, bảo vệ quyền con người và tự do, cổ võ những phương pháp thực nghiệm trong nghiên cứu khoa học, và nhắm mục đích giúp quyết định những vấn đề nhờ việc sử dụng lý trí mà thôi. Cùng với Kant và Locke, những khuôn mặt nổi bật của phong trào Ánh Sáng là Denis Diderot (1713-1784), Benjamin Franklin (1706-1790), David Hume (1711-1776), Gotthold Ephraim Lessing (1729-1781), Jean – Jacques Rousseau (1712-1778) và Francois – Marie Arouet (1694-1778).

Rất nhiều thành viên của phong trào này từ chối những hành động riêng biệt của Thiên Chúa (như các phép lạ và sự phục sinh của Chúa Giêsu từ cõi chết) và những mặc khải đặc biệt của Thiên Chúa trong lịch sử. Trong những vấn đề tôn giáo, cũng như những vấn đề khác, lý trí con người mới là quyết định. Lối tiếp cận này rõ ràng loại bỏ niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải trong lịch sử đặc biệt của dân Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô. Niềm tin Ba Ngôi đã không còn chỗ trong tác phẩm “Tôn giáo trong những giới hạn của Lý Trí mà thôi,” tựa đề một công trình kinh điển của Kant vào năm 1793. Trong mọi trường hợp, Kant có thể thấy không một sự quan trọng thực tiễn cho niềm tin như thế. Trong cuốn “Conflict of Faculties,” ông viết:

“Giáo huấn về Ba Ngôi được dùng theo nghĩa chặt, không có một sự thích hợp thực tiễn nào, dầu chúng ta nghĩ chúng ta hiểu nó, và nó thậm chí càng không liên quan nếu chúng ta nhận ra rằng nó là siêu việt trên mọi quan niệm chúng ta. Dù chúng ta có phải thờ ba hay mười ngôi trong Thiên Chúa cũng không làm nên sự khác biệt nào.”[5]

 Thế giới quan theo lý trí và phương pháp của các nhà tư tưởng Ánh Sáng đã thay đổi công thức của Augustinô về “tin để hiểu” (crede ut intelligas), và họ đã thay đổi như thế này: “Nếu bạn tin, bạn sẽ không hiểu.” Niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải cách chung cuộc nơi cái chết, sống lại của Chúa Giêsu bị loại ra bên ngoài như một chướng ngại vật cho tư tưởng chân thành và sự hiểu biết đích thực.

Nơi hình thức chủ nghĩa duy tâm của Kant (idealism hay chủ nghĩa duy tâm siêu việt) cho thấy mức độ mà lý trí con người xây dựng nên cái mà chúng ta gọi là thực tại bên ngoài, Hegel đã đi xa hơn khi đồng hóa lý trí và thực tại. Điều gì được suy tư là thực tại, và thực tại là điều được suy tư. Trong triết học của Hegel, tất cả lịch sử và tự nhiên trở thành sự bày tỏ tiến hóa của Tinh Thần Tuyệt Đối. Một sự biện chứng cần thiết làm nên sự bày tỏ năng động và tiệm tiến này. Có căn tính hay duy nhất tính (của Đấng Tuyệt Đối nơi mình), sự khác biệt hay vong thân, và sự hòa giải hay sự tái hiệp thông. Trong tấn kịch vũ trụ này, Thần Linh Tuyệt Đối được bày tỏ cách cần thiết trong tiến trình biện chứng của lịch sử: từ nước Chúa Cha (Đấng Tuyệt Đội tự thân) tới nước của Chúa Con (hay sự tự bày tỏ của Thần Khí hướng về ngôi khác), tới nước của Thần Khí, nơi Thần Khí đạt tới sự thành toàn của nó và đi vào ý thức chung. Ở đây Hegel tạo nên một luận điểm phong phú nhất về Thần Khí mà chưa bao giờ tìm thấy trong triết học Tây Phương.

Rất nhiều tư tưởng của Hegel có thể làm cho thần kinh của các nhà thần học Kitô giáo chính thống ở mức báo động đỏ. Đối với ai nghiên cứu trung tâm điểm của lịch sử trong học thuyết Hegel, vấn nạn nổi lên: Có phải Đấng Tuyệt Đối là Đấng thuộc về lịch sử hoặc là Đấng thuộc về lịch sử có phải là Đấng Tuyệt Đối không? Phải chăng tư tưởng độc vị về Thần Khí của Hegel đã để lại không gian cho sự khác biệt cứu chuộc và cộng đồng liên vị tự do giữa Thiên Chúa và thế giới không? Nếu Thiên Chúa (vì sự tất yếu – necessity) thuộc thế gian, thì Thiên Chúa không còn ban tặng ơn cứu độ cho thế gian nữa; một chủ thể tuyệt đối không thể cứu chuộc những chủ thể nhân loại và đưa họ tới chia sẻ trong đời sống của đối thoại tự tại Ba Ngôi. Tuy nhiên, Hegel cổ võ các nhà thần học chân chính hãy suy tư về Thiên Chúa theo phạm vi lịch sử.

Hans Urs von Balthasar (1905-1988) đã soạn thảo một nền thần học Ba Ngôi trong đó Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần như là những ngôi vị đầy xúc động đón nhận từ và hành động trên nhau, khi ban tặng và đón nhận căn tính của họ trong những tương quan này. Khi suy tư về lịch sử của ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh, von Balthasar giải thích lịch sử này như là một tấn bi kịch của Ba Ngôi, nhưng không giống với Luther, ông cắm rễ những giải thích của mình trong “tiền” Ba Ngôi, trong đời sống vĩnh hằng: cả “trước” biến cố nhập thể, sự sinh ra hằng hữu của Chúa Con đã diễn tả sự “kenosis” của trái tim Chúa Cha.[6]

Trực tiếp hay gián tiếp tư tưởng Hegel đã có sự ảnh hưởng cả trên thần học “xã hội” về Ba Ngôi của  Jurgen Moltmann được tìm thấy trong tác phẩm “The Trinity and the Kingdom of God.” Moltmann tiếp cận cái chết của Chúa Giêsu căn bản như là một thảm kịch nội tại của Ba Ngôi hoặc là “lịch sử bên trong của Ba Ngôi.” Nhiều nỗi lo sợ rằng sự nhấn mạnh của Moltmann về thập giá và phục sinh như là một biến cố nội tại của Ba Ngôi (với một sự đoạn tuyệt trong đời sống thần linh và Chúa Cha “ngừng” làm Cha) có thể làm lẫn lộn đời sống nội tại Thiên Chúa với lịch sử của ơn cứu chuộc nhân loại, thậm chí đến mức “cầm tù” Thiên Chúa trong thế giới đang hình thành. Đó là cách để bảo vệ sự liên kết mạnh mẽ giữa thần học của thập giá và giáo huấn về Ba Ngôi và để nhấn mạnh rằng đó là Con Thiên Chúa, Đấng đã chết và sống lại bởi Chúa Cha, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhưng đồng thời nó cũng là cách để trình bày thập giá như là sự cảm thương và sự chia sẻ đời sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu người ta đẩy vấn đề tới một sự cực đoan và cho rằng mầu nhiệm vượt qua “thiết lập” hay “tạo nên” Ba Ngôi, như nếu Thiên Chúa vì lý do này hay lý do khác đã cần đến một tiến trình lịch sử như thế để trở thành Ba Ngôi, khi đó, một cách nghịch lý – những ngôi vị thần linh không thể chia sẻ vào mầu nhiệm này như thể họ không “hiện diện” trước biến cố đó. Tuy nhiên, trong cuốn “The Crucified God” và những tác phẩm sau này, người ta đánh giá sự sắc sảo đặc biệt luận điểm của ông, Moltmann đã yêu cầu cách đúng đắn nhu cầu cần suy nghĩ trọng tâm của Kitô học theo viễn tượng Ba Ngôi: sự đóng đinh và phục sinh của Chúa Kitô. Người bạn đồng nghiệp của Moltmann thuộc khoa thần học Thệ Phản ở Tubingin, Eberhard Jungel, cũng đã phát triển thần học của ông về Ba Ngôi và thần học về thập giá trong mối tương quan chặt chẽ với nhau. Một lần nữa, di sản của duy tâm thuyết là rõ ràng, và quá nguy hiểm khi rơi vào những sự trừu tượng của Hegel về lịch sử nội tại của Thiên Chúa mà nó không có nền tảng chắc chắn trong những chứng tá của Kinh Thánh và truyền thống vĩ đại hoặc trong kinh nghiệm của Kitô giáo nơi phụng thờ.

 



[1] x. J. Calvin, The Institutes of the Christian Religion, Westminter Press, Philadelphia, 1960, 34-35.

[2] Tư tưởng này ở trong cuốn Pensée, số 189.

[3] J. Hick, The Metaphor of God Incarnate, SCM Press, London 1993, ix.

[4] Ibid., 153.

[5] Kant, Conflict of Faculties, n. 2.

[6] x. P. Martinelli, La morte di Cristo come rivelazione dell’amore trinitario nella teologia di Hans Urs von Balthasar, Jaca, Milano 1996.

 
Nguồn tin: