Chiều Kích Ba Ngôi Của Các Bí Tích

Fri,21/05/2021
Lượt xem: 2100

“Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm được ẩn giấu trong nội tại tính của Thiên Chúa và không ai có thể biết được nếu không được Ngài mặc khải.” (GLHTCG 237) Bởi tình yêu khôn ví, Thiên Chúa đã đến cứu chuộc và ở lại với con người, qua Giáo Hội, và đặc biệt là qua các Bí tích. Như thế, Bí tích là một ân huệ của Chúa Cha, đặt nền tảng trên sự hiệp thông với Đức Kitô, Đấng đã chịu chết và đã được Chúa Cha tôn vinh nhờ Thánh Thần, được xem là một phương thế hữu hiệu và trực tiếp nhất để Thiên Chúa hiện tại hóa ý định yêu thương đối với con người. Ý định đó là sự tự biểu lộ, tự thông ban và tự hiện thực hóa bản thân mình của Thiên Chúa cho con người.[1] Nói cách khác, qua các Bí tích, Thiên Chúa đã tự thông ban cho ta chính mình Ngài, tức là thông ban nội tại tính của Ba Ngôi đã được mặc khải trong nhiệm cục cứu độ cho con người. Như vậy, chính trong Bí tích, chiều kích Ba Ngôi được bộc lộ cách rõ ràng, bởi chính Ngài là nguồn gốc, là hành động và là cùng đích của Bí tích.

Thiên Chúa là Nguồn của các Bí tích. Tự bản tính thần linh khôn dò khôn thấu của Thiên Chúa, vì thế việc con người tương quan và thông hiệp với Thiên Chúa là điều bất khả thể. Nhưng bởi tình yêu, ngay từ ý định thực hiện công trình cứu chuộc loài người, Thiên Chúa Cha đã có sáng kiến độc nhất vô nhị là để Ngôi Hai, Người Con Chí Ái của Người xuống thế làm người bởi quyền phép Chúa Thánh Thần để ở với con người và cứu độ con người. Như thế, ngày từ đầu, Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đã thực sự trở nên khôn mặt của lòng thương xót của Chúa Cha. Và như vậy chính Ngài là dấu chỉ để Chúa Cha ban ân sủng xuống cho loài người qua Chúa Thánh Thần. Điều này có nghĩa Chúa Con là Bí tích của Chúa Cha, là Bí tích Nguyên thủy và cao cả nhất của Thiên Chúa Cha. Chính nơi Ngài mà Thiên Chúa và con người gặp nhau, nghĩa là nơi cuộc sống, sứ vụ và lời nói của Đức Giêsu, Vị Thiên Chúa vĩnh cửu và vô hình được vén mở, được mạc khải và trở nên hữu hình một cách cụ thể. Người là Hình ảnh của Thiên Chúa vô hình và là Bí tích của Thiên Chúa Cha, là Bí tích gốc của mọi Bí tích, và chính Bí tích gốc này Công Đồng Tolède (năm 675) đã tuyên tín: “Chúng tôi tuyên xưng rằng Chúa Cha không được sinh ra, không được tạo thành, nhưng là Đấng không được sinh ra. Người chẳng có nguồn gốc từ ai cả. Từ Cha, Con đón nhận sự khai sinh của mình và Thần Khí đón nhận sự nhiệm xuất của mình. Vì thế, chính Cha là nguồn suối của tất cả thực tại thần linh” (DS 525). Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của mọi phúc lành (GLHTCG 1082). Trong Bí tích, Chúa Con biểu lộ và truyền thông Chúa Cha cho chúng ta. Đó là Ơn Cứu độ, là việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình để con người được hiệp thông với Ngài. Do đó, Bí tích là phương tiện Thiên Chúa bày tỏ tình yêu. Chúa Cha yêu thương Chúa Con trên hết mọi sự, nhưng tình yêu đó không chỉ dành cho Chúa Con, mà qua Chúa Con tới tất cả loài người trong Thánh Thần.

Khi Đức Giêsu biểu lộ tình yêu của Chúa Cha trên thập giá, từ cạnh nương lông bị đâm thâu, máu và nước chảy ra, Ngài cũng đã khơi nguồn cho các Bí tích được tuôn trào từ đó. Như thế, Đức Kitô là Bí tích gốc của bảy Bí tích, thì cũng có nghĩa rằng, bảy Bí tích là sáng kiến của Thiên Chúa Cha. Chính Thiên Chúa Cha là Nguồn của bảy Bí tích, được khai sinh từ khuôn mặt tình yêu của Người là Đức Giêsu Kitô, Con Một yêu dấu của Người, trong Chúa Thánh Thần.

Chúa Ba Ngôi hành động trong Bí tích. Từ những mặc khải trong Thánh Kinh, các giáo phụ đã cho chúng ta biết được trong Ba Ngôi, Ngôi Vị là để chỉ đến tương quan: Chúa Cha là Đấng yêu thương, Chúa Con là Đấng được yêu thương và Chúa Thánh Thần chính là tình yêu đời đời đó. Thiên Chúa là Tình Yêu, Ba Ngôi thông hiệp hoàn hảo, là một Bản Thể Thần Linh duy nhất. Trong hoạt động nội tại tính của Người, Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần, tất cả là một trong tất cả. Tuy là một, nhưng vẫn là Cha, Con, và Thánh Thần phân biệt. Ba Ngôi không lẫn lộn với nhau. Chính nhờ nhiệm cục cứu độ, mà người ta nhận biết Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị: Chúa Cha khởi đầu với sáng kiến, Chúa Con thực hiện, và Chúa Thánh Thần làm hoàn tất trong dòng lịch sử. Hiện tại, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đang hiện diện với chúng ta. Người đang và luôn hành động với chúng ta qua phụng vụ Giáo hội, đặc biệt là trong việc cử hành các Bí tích.

Đời sống phụng vụ của Giáo Hội, đặc biệt là trong các Bí tích, qua trung gian duy nhất là Đức Kitô, Chúa Cha ban phát cho chúng ta cách dồi dào mọi ân sủng của Người trong Thánh Thần để thánh hóa và cứu chuộc chúng ta: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga.16,13). Đồng thời trong Phụng vụ, Chính Chúa Kitô, Ðấng hiện diện trong Giáo Hội, dùng các dấu chỉ Bí tích dâng lên Thiên Chúa lễ vật toàn thiêu hoàn hảo. Thiên Chúa Cha luôn đón nhận lễ vật do Con của Ngài dâng lên và Ngài không ngữn ban ân sủng để thánh hóa nhân loại. Là Thủ lãnh tối cao của Giáo Hội, Người cầu nguyện với dân Người và ban phát nguồn ơn cứu chuộc. Do đó, những cử hành Phụng vụ Bí tích là sự thực thi cụ thể chức vụ tư tế của Chúa Kitô trong Giáo Hội: chức tư tế luôn luôn hiện diện và hoạt động, nó tự biểu lộ qua các nghi thức khả giác và hữu hiệu (SC 7). Các Bí tích tưởng niệm biến cố nhập thể, thương khó và phục sinh của Chúa Kitô. Như xưa kia Chúa Kitô đã thần hiện nơi xác phàm để biểu lộ tình yêu của Chúa Cha, thì giờ đây sự biểu lộ đó lại được thể hiện trong các Bí tích. Như thế các Bí tích cho ta thấy tính liên tục của Công trình cứu chuộc mà Chúa Cha đã thực hiện qua Chúa Kitô trong ân sủng của Chúa Thánh Thần.[2] Nơi Bí tích Rửa Tội, Đức Giêsu vẫn chịu nhấn chìm dưới nước của sông Giodan, trong cuộc thương khó và được Chúa Cha xức dầu trong Thánh Thần. Nơi Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô vẫn chịu hiến tế, vẫn hấp hối, tử nạn và phục sinh... Trong thập giá, Đức Kitô đã tự xóa mình, đã tự hủy để biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa. Cũng vậy, trong Bí tích, Thiên Chúa cũng đã tự xóa mình để đến với con người và để thông ban. Thiên Chúa đã xóa mình đi trong nhân tính của Đức Kitô, cũng có nghĩa rằng Thiên Chúa đã tự xóa mình đi trong những biểu tượng, dấu chỉ mang tính trần thế để đến với con người. Trong phụng vụ Bí tích, Chúa Thánh Thần là biểu tượng của là Tình yêu và Ân huệ. Thần Khí là Ân huệ của Thiên Chúa (1Ga 4,13). Khi ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, Ân huệ của Thánh Thần đổ xuống tuôn tràn trên ta như ngày xưa Ngài đã đổ xuống trên các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần. “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Tình yêu của Cha qua Con ngập tràn trong Thần Khí, Thần Khí đến với con người như một sự tặng ban nhưng không tuyệt đối. Trong Bí tích, Chúa Thánh Thần như là chất xúc tác để làm nên sự hòa nhập giữa ân sủng siêu nhiên với bản thể trần thế của chúng ta. Ngài nối kết, Ngài làm hòa tan để ân sủng của Chúa Cha qua Chúa Con thâm nhập trong chúng ta và nhờ đó chúng ta được thánh hóa. Ân sủng của Chúa Cha đổ đày tràn trong Chúa Kitô, do đó khi đón nhận Bí tích là người tín hữu đón nhận Chúa Kitô, tức là đón nhận ân sủng của Thiên Chúa Cha. Trong công cuộc thánh hóa này, Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho người tín hữu: “phải chuẩn bị để gặp gỡ Chúa mình, sao cho là một dân đã hoàn toàn sẵn sàng. Việc chuẩn bị các tâm hồn như vậy là công việc chung của Chúa Thánh Thần và của cộng đoàn, đặc biệt là của các thừa tác viên. Ân sủng của Chúa Thánh Thần tìm cách khơi dậy đức tin, sự hối cải tâm hồn và sự đồng thuận theo thánh ý Chúa Cha. Phải có những chuẩn bị này để có thể đón nhận những ân sủng khác được truyền thông trong chính việc cử hành, và các hoa trái của cuộc sống mới mà việc cử hành nhắm sản sinh ra sau đó”. Trong phụng vụ, Chúa Thánh Thần cùng hoạt động với Hội Thánh: “Khi Chúa Thánh Thần gặp được nơi chúng ta lời đáp lại của đức tin mà Ngài đã khơi lên, thì đó là một sự cộng tác thật sự. Vì vậy phụng vụ là công trình chung của Chúa Thánh Thần và Hội Thánh. Trong việc phân phát các Bí tích Mầu nhiệm của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần cũng hành động cùng một cách thức như trong các thời đại khác của Nhiệm cục cứu độ”. Trong cử hành phụng vụ Bí tích, Chúa Thánh Thần nhắc nhớ và hiện tại hóa mầu nhiệm Đức Kitô: Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô được cử hành, chứ không phải được tái diễn; trong mỗi lần cử hành đều có sự tuôn đổ ơn huệ Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho mầu nhiệm duy nhất được hiện tại hoá. Quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ làm cho Nước Chúa mau đến và mầu nhiệm cứu độ chóng hoàn tất. (GLHTCG 1098. 1091. 1092. 1106. 1210).

Như thế, Bí tích là công trình của Ba Ngôi, Ngài luôn hiện diện và hành động để cứu độ chúng ta. Qua các Bí tích, Thiên Chúa thực hiện một cuộc tạo dựng mới, cho ta một đời sống mới, đời sống thông hiệp với chương trình cứu độ của Ngài. Chúa Kitô đã lập bảy Bí tích là Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể, Giải Tội, Xức Dầu Bệnh Nhân, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối. Bảy Bí tích liên quan đến các giai đoạn và thời điểm quan trọng trong đời sống của người Kitô hữu: người tín hữu được sinh ra và lớn lên, được chữa lành và sai đi. Những giai đoạn hướng tới việc thành toàn của đời sống thiêng liêng, tương đồng với quá trình trưởng thành của chúng ta trên bình diện sinh học thể lý. Đó là công trình tạo dựng mới của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chúa Ba Ngôi là cùng đích của các Bí tích: Cử hành phụng vụ của các Bí tích trong Giáo Hội gồm hai chiều kích: chiều kích thứ nhất từ trên xuống, đó là các lời chúc lành và muôn vàn ân sủng của Chúa Cha ban cho ta qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần; chiều kích thứ hai từ dưới lên, đó là Giáo Hội qua Đức Giêsu Kitô là vị Thượng Tế đích thực và là Vị Trung Gian Duy Nhất xứng đáng trước mặt Thiên Chúa thay cho toàn thể nhân loại dâng lời chúc tụng, tạ ơn và cầu xin lên Thiên Chúa. Như thế, xét trong cả hai chiều kích cho ta thấy rằng: “Bí tích đến từ Thiên Chúa nhằm thánh hóa, đem lại ơn cứu độ cho người tín hữu như ý muốn của Thiên Chúa. Đồng thời, Bí tích cũng là hành động của Giáo hội, để xây dựng thân thể Chúa Kitô, và cuối cùng các Bí tích có một tầm vóc phụng vụ, đó là việc thờ phượng Thiên Chúa.”[3] Bí tích khởi đi từ Thiên Chúa và quy hướng về Ngài. Thiên Chúa ban ân sủng cho ta qua các Bí tích để thánh hóa ta, vì Ngài muốn chúng ta nên thánh như Ngài là Đấng Thánh (Mt 5,48; 1Tx 4,3; Ep 1,4). Ðức Kitô là là Bí tích cứu độ, vì Ngài mang trong mình sự hòa giải qua máu Ngài, mang trong mình Ngài một Giao Ước mới, và mong muốn cho con người ơn làm con Thiên Chúa trong ân sủng, trong mối hiệp thông mật thiết với Người, bằng sợi dây hiệp nhất mọi con cái Thiên Chúa thành một dân tộc, một thân thể trong Chúa Ba Ngôi (Ga 15,21). Như thế, Bí tích là phương tiện hữu hiệu trực tiếp và cần thiết nhất cho sự cứu rỗi của con người. Nhờ Phụng vụ qua các Bi tích, con người được nối kết cùng Thiên Chúa và những gì là nhân trần đều được quy hướng về Thần Thiêng.

Bí tích là quà tặng vô giá của Chúa Ba Ngôi, Ngài không hề mỏi mệt để yêu thương che chở và tha thứ cho ta. Chúa Ba Ngôi luôn đồng hành với ta trong đời sống, đó là một niềm vui lớn lao cho mỗi người tín hữu. Hành vi đáp trả dứt khoát trong lòng yêu mến và chân thành sẽ đưa người tín hữu bước vào đời sống Ba Ngôi, được thể hiện và cử hành qua mỗi lần chúng ta tuyên xưng: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Cuộc sống của người Kitô hữu là một sự tham dự vào Cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, tham dự vào việc hiện tại hóa công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa khi chúng ta cử hành phụng vụ các Bí tích. Sống trong tương quan mật thiết với Chúa Ba Ngôi đó là ý nghĩa của niềm tin, của cuộc sống, là sự cảm nếm hạnh phúc Thiên Đàng tại trần gian của người Kitô hữu. Vì thế chúng ta hãy luôn vui mừng và cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa.

 

 

Jos. Dương, K.12

 

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 12

 


[1] Lm. JB. Nguyễn Khắc Bá, Thần học các bí tích đại cương, ĐCV Vinh Thanh, 2015-2016, 21

[2] Lm. JB. Nguyễn Khắc Bá, Thần Học Các Bí Tích Đại Cương, op.cit, 14

[3] Lm. JB. Nguyễn Khắc Bá, Thần Học Các Bí Tích Đại Cương, op.cit, 98

Nguồn tin: