Danh Thiên Chúa: Ý Nghĩa Hiện Sinh

Tue,02/02/2021
Lượt xem: 3663

Phêrô Phạm Văn Huỳnh

Con người là hữu thể của tương quan. Trong đó, tương quan với Đấng Tạo Hóa là trước hết, nếu không ngoa ngữ thì đó là mối tương quan tiên quyết về sự sống còn của con người. Các tôn giáo đều tuyên bố như một tín điều rằng, “thiên nhân tương dữ - trời và người tương quan mật thiết với nhau”. Giáo Hội Công Giáo đã cho thấy được chiều kích sâu thẳm trong mối quan hệ này: tự bản tính và do ơn gọi, con người là một hữu thể có tôn giáo.[1] Do đó, xét về mặt tri thức luận, nhu cầu hiểu biết về vị Thiên Chúa mà mình đang tương quan là rất cấp thiết. Nói cách khác, lý trí con người cần biết tên của Thiên Chúa là gì? Chắc chắn, tri thức này vượt xa tầm hiểu biết của lý trí, bởi lẽ, “Danh khả danh phi thường Danh – Tên mà nói ra được thì không phải là tên thường hằng” (Đạo Đức Kinh, chương 1). Nếu thế, chính Thiên Chúa phải tự mạc khải danh của Người, thay vì con người dùng lấy sự hiểu biết chút ít của lý trí mà đào sâu mầu nhiệm này.

Xuyên suốt dọc dài của lịch sử nhân loại, Thiên Chúa đã luôn tỏ mình ra cho nhân loại nhận biết Người, đặc biệt qua lịch sử dân Ít-ra-en. El, Elohim, Yavê là những danh của Thiên Chúa đã được dân Ít-ra-en biết đến trong thời Cựu Ước. Tuy vậy, bài viết này muốn nhấn mạnh đến danh “Yavê”, đã được mạc khải cho Môsê (x. Xh 3) xét như là trung tâm và truyền thống về Danh Thiên Chúa. Và, bài viết không phải là khảo luận về danh của Thiên Chúa mang tính chuyên môn Thánh Kinh, mà chỉ đơn thuần suy tư về ý nghĩa của danh Người gắn liền với hiện sinh con người.

1.    “Tên Đấng ấy là gì?” (Xh 3,13)

Với dân Ít-ra-en cũng như dân vùng Cận Đông ‘tên’ có tính chất rất quan trọng, tên của một con người không chỉ là tên gọi ngoài mà là chính con người.[2] Hơn nữa, muốn biết tên người là muốn bước vào mối quan hệ thân tình với họ. Danh (tên) là bằng chứng sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử loài người, là dấu hiệu Người tuyển chọn kẻ ấy hay dân ấy.[3] Đặc biệt, theo các nhà chú giải, dân Ít-ra-en bị  ảnh hưởng nền văn hóa Ai Cập nên cho rằng: điều gì không tên là không có.[4] Tuy vậy, theo thiển ý, chúng ta cần phân biệt giữa khái niệm và tên, khái niệm thì nhắm đến yếu tính là chính sự vật, trong khi tên tiên quyết nhắm đến sự tương quan, dĩ nhiên tên cũng nói đến chính sự vật. Biết ‘tên’ cũng chính là muốn đi vào trong tương quan với vật hay người nào đó. Tỉ dụ, “Tôi biết một người phụ nữ” thì vẫn chưa là thực sự là đi vào mối tương quan, mà “Tôi biết chị A”…

Trước câu hỏi của Môsê, mà thiết yếu đó là nhu cầu của toàn dân, Thiên Chúa đã trả lời: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14). “Ego sum qui sum”, “I am who I am”. Tiếng Do Thái là “Yavê” – là một từ khó hiểu, gốc của nó là động từ Haja, có nghĩa là hữu (có, hiện hữu), và được hợp thành bởi một tập hợp các phụ âm ghép lại (YHWH).[5] Vì thế, theo các nhà chú giải, cụm từ này cũng có thể dịch là: “Ta là Đấng Ta là”, “Ta là Đấng hằng hữu”, “Ta là Đấng tự hữu”. Một số nhà chú giải cho rằng, lối trả lời này của Đức Chúa không khác gì là một sự từ chối, né tránh: chính tổ phụ của dân Ít-ra-en là Giacóp (St 32,30) và nhân vật Mannocác (Tl 13,18) cũng bị từ chối khi hỏi tên Người. Trong Kinh Thánh danh “Yavê” xuất hiện 6823 lần, vì tôn kính sự thánh thiện của Thiên Chúa, dân Ít-ra-en không gọi danh này, mà bằng tước hiệu thần linh là ‘Chúa’ (Adonai, tiếng Hy Lạp là Kyrios).[6]

“Ta là” – danh xưng như thế đủ nói lên tầm mức của vấn đề, rõ ràng nó vẫn là một cái gì đó thăm thẳm trước lý trí thực nghiệm của con người. Con người có thể tương quan với Thiên Chúa cách thân mật, nhưng hiểu thấu yếu tính của Người qua ‘tên’ là điều bất khả. Vậy Danh Thiên Chúa có ý nghĩa gì?

2.    “Ta là” (Xh 3,14)

Đối với các Giáo phụ, vốn đã được hấp thụ một nền triết học Hy Lạp, nên việc hiểu và diễn giải “Yavê” bằng chính quan niệm về hữu thể. Với Plato, ý niệm về Hữu Thể thì nằm bên kia mọi thực tại khả giác và đa phức, phổ quát và bao trùm tất cả, vì thế rất phù hợp để diễn tả thần linh. Thánh Tôma Aquinô đã dùng chính quan niệm hữu thể để diễn giải danh “Yavê”: “I am”-“Ta có”= “Hữu thể”. Vì thế, Thiên Chúa là Hữu Thể tuyệt đối, tự - hằng hữu, vì thâu gồm mọi sự, có hiện hữu như một đại dương bản thể vô cùng vô tận.[7] Tuy nhiên, phải hiểu rằng lối nói của thánh nhân không như lối trình bày về một hữu thể tuyệt đối bao trùm trên vạn vật theo lối phiếm thần luận của các triết gia.

Dĩ nhiên, ý niệm về hữu thể ở đây cũng khó lòng diễn tả hết sự cao sâu về thực tại Thiên Chúa. Và nếu, ý niệm về hữu thể của Plato có thể tương giao với “Yavê” của Môsê thì đó không đơn thuần là một suy tư thuần lý mang tính chất cá nhân. Phải chăng nó ẩn chứa “mầm mống của Logos” nhờ mạc khải? “Ta là”, Hữu thể tuyệt đối chính là Thiên Chúa duy nhất (x. Đnl 6,4), “là Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Xh 3,15), của Đức Maria, của các Tông Đồ, của Plato, của Marx, của Tôi, và của ‘con người sau hết’.

Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy mọi sự khả giác đều thay đổi cách chóng mặt, tất cả là phù vân, vô thường: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ - Chảy đi hoài như thế, ngày đêm không ngừng” (Luận ngữ: Tử thượng). Cái chúng ta thấy hôm nay, ngày mai đã khác đi: hàng cây, ghế đá, sân trường, con chó “chết tiệt” cứ sủa mỗi khi trăng lên làm cả hàng xóm mất ngủ,… tất cả chỉ là ký ức, là maya, thật hay ảo? Mà đâu chỉ vạn vật, ngay cả con người là ‘linh ư vạn vật’ cũng như hoa cỏ ngoài đồng, sớm nở chiều tàn, vì mang tổ hợp hiện thể/tiềm thể. Dù có là thần học gia, triết gia, phi hành gia, nhà khoa học, hay một người tầm thường vô danh thì cũng chỉ là một ‘cục đất sét’ và rồi, trở về với cát bụi. Duy chỉ Thiên Chúa, Đấng đã tự mình tỏ ra cho con người là Đấng bất sinh bất biệt, siêu việt không gian và thời gian: “Ta vẫn là Ta, Ta là khởi nguyên, Ta cũng là cùng tận” (Is 48,12).

Trước Môsê, dân Ít-ra-en thường dùng El và Elohim (số nhiều – mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi) để gọi Đức Chúa. Danh hiệu El thường liên hệ đến con người (numen personale) chứ không phải là một vị thần liên hệ đến nơi chốn (numen locale). Vì thế, “danh xưng Yavê qui hướng về Thiên Chúa chủ vị, nghĩa là Thiên Chúa qui hướng về con người, có liên hệ và ở trong mối quan hệ với con người.”[8] Thiết nghĩ, chúng ta cùng suy nghĩ lại, tại sao phải là cầu nguyện trước tượng Chúa Kitô Vua ở Ba Lan, mà không phải là Vũng Tàu? Tại sao phải ở Trại Gáo, mà không phải tượng thánh Antôn đứng ‘mốc meo’ trong khuôn viên giáo xứ mình? Tại sao phải là ở La Vang, Lộ Đức, mà không phải là tại chính gia đình mình? Dĩ nhiên, đó là những nơi thánh thiêng, là dấu tích lịch sử, nhưng dù sao vấn đề không đơn giản vậy, nếu không muốn nói là vô tình chúng ta đã ‘định dạng’ Thiên Chúa vào nơi chốn, mà vốn dĩ mọi nơi trong đất trời này chỉ ngai và bệ kê chân Chúa (x. Is 66,1). Và, “Yavê” càng không phải là sự vật được ‘thần hoá’: “thần cây đa, ma cây gạo”, thần Sấm, thần Mưa, thậm chí là thần Chó,… Nhưng là Thiên Chúa uyên nguyên, thẳm sâu nội tại trong chính bản thể Ngài, và tương quan tình yêu với Tôi, Anh.

“Ta là”… “Hữu”, là chính sự hiện hữu, nhưng cũng là hiện hữu cho (ai). Đây hẳn là yếu tố quyết định sự hư vong của thụ tạo! Vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng hiện hữu, còn thụ tạo “có” là bởi ân ban.  Sự hiện hữu của thụ tạo thì kém hoàn bị, có tính chất tạm thời, nhiều khiếm khuyết, và là hiện hữu hướng về cái chết. Dẫu vậy, nhờ lý tính tự nhiên con người khắc khoải hướng lên không ngừng với tất cả những dự phóng, nói như Jasper thì đó là sự ‘siêu việt thể’. Đó là sự cấp thiết của hiện sinh con người, theo thiển ý, sự ‘vươn lên’ này phải chăng cần có một điểm tựa, làm nguyên lý cho sự hiện hữu của con người. Câu trả lời của Thiên Chúa nói lên sự hiện diện cận kề và sẵn sàng đáp cứu của Ngài: Ta đang ở đây này – Ta đang ở bên người đây. Tự bản tính Thiên Chúa không là hữu thể tự thân, nhưng Ngài là Thiên Chúa, Thiên Chúa vì con người. Thiên Chúa là sự hiện hữu thuần tuý, là nguyên lý và suối nguồn cho hiện hữu con người. Nhưng mấu chốt của vấn đề là “TIN”, con người nhờ khả thể và những ‘dấu vết’ Thiên Chúa để lại trong trật tự vũ trụ để nhận ra, và đón nhận trong sự hiểu biết của đức tin. Rõ ràng, hiện hữu và tin là một.

Khi mạc khải Danh Ngài, Thiên Chúa cho thấy lòng trung tín của Ngài, một lòng trung tín có từ muôn thuở và cho tới muôn đời.[9] Nghĩa là Thiên Chúa “có mặt” trong quá khứ: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi” (Xh 3,6), cũng như trong tương lai: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12). Thiên Chúa hiện hữu với trong dân Người, để cứu giúp những khốn cùng của con người, vì Thiên Chúa là Hữu thể của tình yêu. Danh Ngài chính là tình yêu, là lòng thương xót.

3.    Danh đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta

“Ta là” trong ánh sáng mạc khải và Hữu Thể trong triết học như tương đồng, xét trong tầm mức thuần lý. Tuy vậy, Hữu thể tuyệt đối của các triết nhân luôn là đấng ẩn dấu đời đời, siêu việt bên kia mọi thực tại, và mãi xa cách con người. Còn, “Ta là” vừa siêu việt vừa hiện sinh, vừa ẩn dấu vừa gần kề, vừa bất khả thấu đạt vừa có thể thấu đạt, vừa trừu tượng vừa có thể gọi tên. Với triết học, hữu thể mà được gọi tên thì quả là chuyện hết sức phi lý, mà “tên” đó là một ngôi vị, là một con người thì lại là sự điên rồ. Vậy mà, ‘sự điên rồ’ nhất trong lý thuyết thuần lý của con người lại là điều hữu lý trong những gì Thiên Chúa đã tỏ lộ cho con người.

Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý của Ngài. Vì thế, con người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, Lời Nhập Thể, trong Chúa Thánh Thần, để được thông phần bản tính Thiên Chúa.[10] Thánh Gioan cũng quả quyết: Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Như thế, trong thời sau hết, danh không còn là một từ ngữ, nhưng là một con người đã mặc lấy những khốn cùng trong kiếp nhân sinh, ngoại trừ tội lỗi, là Đức Giêsu thành Nazareth.

Thánh Gioan đã khá tinh tế trong câu chuyện “bụi gai bốc cháy”, để cho thấy sự tương hợp trong vai trò của Môsê và Đức Giêsu là một Môsê mới. Bởi thế, trong chương 17 – “Lời Nguyện Hiến Tế”, Ngài xoay quanh ý tưởng “Đức Giêsu là Đấng mạc khải danh Thiên Chúa”. Danh đã trở thành nhục thể và ở giữa con người. Con người không chỉ gọi tên, và có thể ‘đụng chạm’ cách khả giác, bất cứ ai mà không có luật trừ. Hình ảnh ‘máng cỏ’ và ‘thập giá’ đã cho thấy một sự mặc lấy tận cùng của kiếp người, để ôm trọn tất cả nhân loại trong tình yêu của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, “là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15).

Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Philipphê đã đúc kết yếu tính, cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu (x. Pl 2,6-11). Cả bốn Tin Mừng đều tường thuật lại những sự kiện trong cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu, cả lời nói và hành động. Chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền, bênh vực kẻ hèn mọn, ban ơn tha thứ cho người lầm lỗi, “vui với người vui, khóc với người khóc”, … Tất cả những hành động, lời giảng dạy của Đức Giêsu nhằm đáp ứng những nhu cầu hiện sinh của con người, chỉ cần con người có thiện chí. Dĩ nhiên, tất cả đều mang một ‘mô thức’ là sự sống, là tình yêu.

Trong Tin Mừng của thánh Gioan, chúng ta thấy khá nhiều lần cụm từ “Ta là” xuất hiện. Chúa Giêsu tự mình cho thấy căn tính sâu xa và sự nhất quán với truyền thống mạc khải trong Cựu Ước. Điều lí thú là, Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh khả giác rất cụ thể để mạc khải về chính Danh Thiên Chúa ẩn dấu trong chính hữu thể của Người. Nếu triết học khước từ vật chất, và coi đó như một điều gì xấu xa, cản trở ‘linh hồn’ con người trở về với thế giới Linh tượng; thì, đức tin Kitô giáo lại cho thấy, thiên nhiên là dấu tích của Thiên Chúa, và là khung cảnh được Thiên Chúa hiển linh. Thiên Chúa đã mạc khải tên của Người cho ông Môsê qua hình ảnh “Bụi gai bốc cháy”. Đức Giêsu cũng đã tự ví mình bằng sự vật trong thiên nhiên, “Ta là”: bánh trường sinh (Ga 6,35), ánh sáng thế gian (Ga 8,12), cửa cho chiên ra vào (Ga 10,7), con đường (Ga 14,6), cây nho (Ga 15,5). Dĩ nhiên, không hiểu lối trình bày này như một hệ thức của duy vật biện chứng, nhưng qua những biểu tượng để giúp con người vươn tới thực tại. Theo thiển ý, thế giới khả giác cũng là thực tại trong thế giới linh tượng, điều quan trọng là con người nhìn thế giới trong ‘lăng kính’ nào. Nhưng, nếu duy vật mà được như thế này thì tốt biết bao!

Chính Đức Giêsu là danh trọn vẹn về Thiên Chúa vô hình. Suốt cuộc đời tại thế, Ngài luôn làm sáng tỏ Danh cho hết thảy mọi người: “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha” (Ga 17,6). Đức Giêsu đỉnh cao của mạc khải Danh Thiên Chúa không hề đánh mất đi căn tính mầu nhiệm như thuở ban đầu, “Ta là”: “Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1,17). Và Danh đó luôn hằng hữu và hiện sinh với nhân loại: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Kết: Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa thực sự trở thành Đấng mà chúng ta có thể kêu gọi. Nơi Ngài, Thiên Chúa mãi mãi đi vào cuộc sống của chúng ta. Danh không còn đơn thuần là từ ngữ mà chúng ta bám víu, nhưng là Lời, thực sự đã trở thành xương máu của tôi. Thiên Chúa trở thành một người giữa chúng ta.

Thực tế, điều này là một sự kiện, và đúng vậy. Nhưng, nó không là một vấn đề lịch sử ở ‘thì quá khứ’ như cách hiểu của lịch sử hiện đại. Dù Đức Giêsu cũng nằm trong một chấm nhỏ của lịch sử nhân loại, nhưng Người là chủ của lịch sử. Ngài là Tinh Thần Tuyệt Đối, là toàn bộ lịch sử trong chiều kích cứu độ. Nói như thế, không có nghĩa bản thể của Người là toàn bộ các sự kiện lịch sử cấu thành như Hegel chủ trương. Đức Giêsu còn vượt trên tất cả, Người là nguyên lý hiện hữu, để toàn bộ lịch sử nhân loại được tham dự vào và mặc lấy ý nghĩa.

Và, sự kiện đó luôn là một cấp thiết hiện sinh, hic et nunc. Vì, “Ta là Đấng hằng hữu” cũng chính là Đức Giêsu thành Nazareth. Nơi Đức Giêsu, Danh Thiên Chúa đã mở ra một ‘hiện sinh nhân bản mới’. Nơi Đức Giêsu, Danh Thiên Chúa đã ‘hàn gắn’ khoảng cách giữa vô hình và hữu hình, giữa truyền thống và hiện đại, nhờ đức tin.

 



[1] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 44.

[2] x.Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Đường về Emmaus – Học Kinh Thánh trong 100 tuần, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2012, 60.

[3] x. Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Duy Nhất & Ba Ngôi, Nxb. Phương Đông, HCM, 2014, 222.

[4] x. Lm Giuse Nguyễn Thế Thuấn, Cổ học đất thánh, 365.

[5] x.ĐGH Bênêđictô XVI (Lm Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Loan dịch), Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2009, 117.

[6] x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 209

[7] x.Tôma Aquinô, Summa Theologiae I, q.13, a.11

[8] ĐGH Bênêđictô XVI (Lm Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Loan dịch), Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, op.cit., 122.

[9] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 207.

[10]Công Đồng Vaticanô II (Hội đồng Giám mục Việt Nam - Ủy ban Giáo lý Đức tin dịch), Hiến chế Dei Verbum, số 2.

Nguồn tin: