Luân Lý Kitô Giáo Có Giá Trị Phổ Quát Chăng?

Tue,13/04/2021
Lượt xem: 3686

 

Phêrô Phạm Văn Huỳnh

 

Theo Aristote, vạn vật luôn hướng về mục đích, do sự hướng dẫn từ bên trong. Cái trứng gà sẽ nở ra thành con gà, chứ không là vịt. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho” (Lc 6,44)… Bào thai, em bé, đến tuổi già thì cũng chính là bản thể của người đó. Và mục đích tối hậu đời người là hạnh phúc. Nhưng, hạnh phúc ở đây là gì? Đó là một câu hỏi bỏ ngõ của ông. Bởi vậy, trường phái Khoái lạc cho rằng, cái gì mang lại lạc thú thì đó là tốt là hạnh phúc, còn điều khổ đau nó là xấu. Người Kitô hữu xác quyết rằng, Thiên Chúa là hạnh phúc đích thực, là mục đích tối hậu của đời mình. Vì, con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,27), nghĩa là phát xuất và hiện hữu nhờ Thiên Chúa. Nhưng, mọi tạo vật, kể cả con người đang trong “tình trạng lên đường” tiến tới sự hoàn bị viên mãn trong Đức Kitô[1]. Vậy nên, Thánh Tôma aquinô cho rằng: “Hữu thể nào cũng ao ước sự hoàn bị của mình, nên khi ao ước điều gì như điều thiện hoàn bị và điều kiện toàn chính mình thì ao ước điều đó như mục đích tối hậu”[2]. Và cái gì có thể kiện toàn và khoả lấp sự thiếu hụt từ hữu thể con người nếu không phải là Thiên Chúa, là suối nguồn của hữu thể, là sự Thiện Tuyệt Đối? Làm sao những khả thể trong con người có thể trở nên hiện thể (hoàn hảo hơn) nếu không nhờ Thiên Chúa là hiện thể thuần tuý và tuyệt đối?

Dầu vậy, phát hiện của Aristote không phải là thừa thải, nó biện minh cho việc con người ngày phải trở thành ‘người hơn’ nhờ lý chứng ‘sẵn có’ trong hữu thể người. Tất cả những ‘hướng dẫn’ để con người nên hoàn thiện đã được Thiên Chúa viết sẵn trong tâm hồn con người[3]. Đó là các chuẩn mực, những ‘phán đoán’ con người để biết: “điều gì tốt thì giữ, còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1Tx 5,21-22). Đó chính là luân lý. Các chuẩn mực luân lý không phải là cái gì đó thêm vào, nhưng là những mệnh lệnh tuyệt đối cho con người xét như là con người. Và đó là LUẬT. Vậy, luân lý Kitô giáo là gì? Người kitô hữu, các Phật tử, tín đồ Tin Lành, các nhà Nho, … đều hướng thiện, tránh việc gian tà, liệu nền luân lý Kitô giáo có ‘tương khí, tương cầu’ với những nền luân lý tín ngưỡng khác chăng? Nếu ‘tương dữ’ thì đâu là nền tảng của luân lý trong tất cả sự đa phức của các nền luân lý?

  1. Luân lý Kitô giáo

Trước hết, chúng ta phải hiểu luân lý Kitô giáo là gì? Luật luân lý là các chỉ thị của lý trí[4], giúp con người sống đúng cái khí chất ‘là’ người. Theo đó, luân lý Kitô giáo chỉ rõ hơn, “Thiên Chúa là cùng đích và nguồn hạnh phúc của con người. Con người được mời gọi quy hướng về Ngài, trờ nên giống hình ảnh của Ngài qua việc bước theo Đức Giêsu Kitô”[5]. Dĩ nhiên, nền luân lý này không thể tự lý trí tự nhiên của con người khám phá, nhưng được chính Thiên Chúa mạc khải, khởi đầu từ công trình tạo dựng và xuyên suốt dọc dài lịch sử nhân loại.

Luân lý Kitô giáo đến từ hữu thể của Thiên Chúa, đó là Thiên luật. Và được Ngài ‘phô bày’ cho con người qua Kinh Thánh: Cựu Ước và Tân Ước. Trong Cựu Ước, luật Thiên Chúa ban chứa đựng trong bộ luật Torah, gọi là Ngũ Kinh. Luật Torah gồm ba phần chính, Mười điều răn, các quy tắc lễ tế, pháp luật tư pháp[6]. Quy kết lại vẫn là Mười Điều Răn, tóm gọn toàn bộ giới luật của Thiên Chúa được ban cho nhân loại qua dân tộc Ít-ra-en (x. Đnl 5,6-21). Và đó chính giao ước giữa Thiên Chúa với nhân loại, “giao ước này không phải với cha ông chúng ta, mà là với chúng ta, những người hôm nay đang ở đây, tất cả còn đang sống” (Đnl 5,3). Như thế, chúng ta dễ dàng và buộc phải chân nhận rằng, lề luật đến từ Thiên Chúa. Nhưng nét độc đáo chính yếu ở Kitô giáo cho thấy rằng, lề luật đó là mệnh lệnh tuyệt đối, nhưng quan trọng hơn cả đó là giao ước. Nghĩa là có sự kí kết giữa hai bên. Con người là thụ tạo do Thiên Chúa làm ra, nhưng Ngài tôn trọng sự do của con người. Vậy nên, nền tảng ban đầu của luân lý Kitô giáo đã được xây dựng trên nhân vị, tức là một con người cụ thể, là hồn và xác, là bản thể độc lập không bị chia cắt, không có tuỳ phụ. Tuy nhiên, nhân vị đó không là một hữu thể tự thân, mà là hữu thể mở ra và hướng về với Thiên Chúa và tha nhân. Theo đó, tương quan liên vị (với Thiên Chúa, người khác, và tạo vật) như là ‘mô thể’ của luật luân lý. Vì phải có đối tượng để những cái như yêu thương, công bằng, tôn trọng, … trở nên hữu lý.

Mạc khải của Thiên Chúa là một tri thức hoàn hảo, và siêu vượt trên mọi tri thức phàm nhân. Do đó, mạc khải của Thiên Chúa mang tính tiệm tiến: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Đức Giêsu là chóp đỉnh của mạc khải, là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), và Ngài là Thiên Chúa. Nhưng, sự xuất hiện Ngài không làm phai nhạt hay loại bỏ lề luật; trái lại, “Ta đến không để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Nghĩa là, những gì đã có từ nguyên thuỷ thì nó là vậy đến muôn đời, vì nó phát xuất từ Thiên Chúa. Đức Giêsu đã nhắc lại Thiên luật trong Cựu Ước chỉ tóm lại hai điều là mến Chúa và yêu người (x. Mt 22, 37-39); chung kết lại thì chỉ một mà thôi, là đức ái. Tuy nhiên, Ngài gọi đó là điều răn mới. Dĩ nhiên, trong bản chất thì bất biến, nhưng ‘mới’ ở đây là phương thức hay tinh thần mới. Cụ thể, tinh thần đức ái ở đây chính là toàn bộ con người và cuộc đời của Đức Giêsu. Luân lý của Ngài là tình yêu, là cái chết thí mạng sống cho người mình yêu. Đức Giêsu là kiểu mẫu của đời sống luân lý, là luật vĩnh cửu.

Tỉ dụ rằng, luân lý Kitô giáo không cho phép sự phân ly giữa vợ chồng; chính trong tư tưởng Nho giáo cũng vậy, kinh Dịch viết: “Nhất Âm nhất Dương chi vị đạo – một Âm một Dương làm nên đạo”, đạo vợ chồng đúng nghĩa khi có sự chung thuỷ một vợ một chồng. Ngũ giới của Phật giáo cũng hàm chứa trong Mười Điều Răn của Kitô giáo, người lương dân cũng biết tôn trọng chữ tín, hiếu thảo với ông bà cha mẹ… Cách nào đó ta đã phần nào trả lời cho câu hỏi, nền luân lý Kitô giáo có đúng hay phù hợp với nền luân lý của các tín ngưỡng khác (tạm gọi là nền luân lý tự nhiên) không? Nhận định chủ quan rằng, luân lý của các tín ngưỡng khác mang tính căn cơ của luân lý Kitô giáo. Nếu đã có sự tích hợp vậy thì, có một nền tảng chung giữa luân lý Kitô giáo và nền luân lý tự nhiên chăng?

  1. Luân lý tự nhiên

Luật tự nhiên là quy luật hướng dẫn hành vi con người, phát xuất từ toàn bộ đầy đủ bản tính con người, được quy hướng về mục tiêu cuối cùng của bản tính ấy và được nhận biết nhờ lý trí, không cần đến mạc khải thiết định của Kitô giáo[7]. Nghĩa là sự hướng dẫn “bẩm sinh” từ bên trong bản tính con người xét như là con người, được lý trí tự nhiên nhận biết. Khả năng biết “làm lành, lánh dữ” là mẫu số chung của tất cả mọi người, không miễn trừ một ai, vì mang tính phổ quát. Hơn nữa, luật tự nhiên là nguyên lý bất di bất dịch trong cái chân tâm của con người, nó không tuỳ phụ vào lãnh thổ, thời gian.

Trong Nho giáo, Đức Khổng đã lấy đức Nhân để làm nền tảng và xây dựng nền luân lý, thể hiện qua mối tương quan Thiên – nhân: “Thiên nhân  tương dữ”. Sách Trung Dung viết: “Thiên mệnh chi vị tính – bản tính của người là mệnh do Trời ban”. Và bản tính đó là sự thiện, là việc nhận ra điều tốt phải làm, như Mạnh Tử chủ trương: “Nhân tính chi thiện giả - bản tính ban đầu của con người là thiện”. Dĩ nhiên, cuộc ‘phối Thiên” là nền tảng cho thấy tầm mức quan trọng của đức Nhân. Vậy nên, con người cần đối xử tốt với nhau, vì “Tứ bể giai huynh đệ giả”. Tóm lược luân lý của Nho giáo qua Tam Cương (vua-tôi, cha-con, vợ-chồng), Ngũ Thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín), và Bát Điều Mục (Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ)[8]. Nếu với Nho giáo, nền luân lý được thể hiện ra cách hữu vi; thì Lão giáo quan niệm các hành động của anh phải cách vô vi, nghĩa là thuận theo tự nhiên.

Đối với Phật giáo, luân lý (Pháp) là một trong Tam Bảo. Qua Tứ Diệu Đế, ta dễ thấy rằng, đau khổ là trở ngại hàng đầu ngăn cản người phật tử tiến về cõi Niết Bàn. Do đó, con người cần “diệt” khổ bằng Bát Chính Đạo. Dĩ nhiên chi tiết về các giới răn của Phật giáo cũng như những nền luân lý khác: khuyên những điều cần làm, cấm những điều không được phép. Theo thiển ý, luân lý Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo mang tính siêu hình cao (như Kitô giáo), tuy nhiên được xây dựng trên nền tảng tính bản nhiên của con người. Những lý thuyết luân lý như Tam Cương, Tứ Diệu Đế, Vô vi cũng chỉ tạm gọi là nhân luật, vì do những bậc hiền đức chủ xướng (ở đây không phủ nhận giá trị đích thực của những luật đó mang lại).

Theo I. Kant, vấn đề đạo đức hay luân lý là các mệnh lệnh tuyệt đối từ lý trí thực tiễn của con người xét như là con người, nghĩa là tự chính bản tính của con người. Nhưng mệnh lệnh đó phải mang tính tất yếu và phổ quát: “Hãy hành động như thể phương châm hành động của bạn có thể trở thành một luật tự nhiên phổ quát”[9]. Dầu  đây chỉ là một suy tư trên bình diện triết học, nhưng nó vẫn phản ánh đúng bản sắc của nền luân lý tự nhiên. Dĩ nhiên, dù là hành động vô cầu, nhưng chính ngài vẫn hy vọng có Thiên Chúa đảm bảo cho những khả thể này.

Đơn cử một vài tư tưởng luân lý trên để minh định rằng, các nền luân lý tín ngưỡng khác nhau đều xây dựng dựa trên tính bản nhiên của con người, và bản tính đó do Tạo Hoá phú bẩm. Luân lý Kitô giáo cũng không ngoại lệ, thánh Tôma Aquinô cho rằng luật tự nhiên “là ánh sáng trí tuệ do Thiên Chúa đặt trong ta … Thiên Chúa đã ban ánh sáng và luật này cho con người trong công trình tạo dựng”[10]. Luật tự nhiên xưa nay quy ước là lương tâm, “lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ”[11]. Dĩ nhiên, mạc khải siêu nhiêu không làm hư hoại bản tính tự nhiên của con người. Hơn thế, luân lý trong tính bản nhiên là ‘dấu vết’ Thiên Chúa đặt để trong con người để giúp họ đón nhận luật vĩnh cửu do chính Thiên Chúa mạc khải, vì: “luật tự nhiên chỉ là sự tham dự vào luật vĩnh cửu ở trong thụ tạo có trí năng…thụ tạo có sự tham dự vào trí năng vĩnh cửu là do trí năng vĩnh cửu nó có khuynh hướng tự nhiên đối với thể các hành động và đối với mục đích phải có”[12]. Thánh Phaolô dạy bảo thêm: “Dân ngoại là những người không có Luật Mô-sê; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, mặc dầu họ không có Luật Mô-sê” (Rm 2,14).

  1. Ơn cứu độ phổ quát

Luật tự nhiên được Tạo Hoá phú bẩm ngay chính trong bản tính con người, gọi là lương tâm. Dù là Kitô hữu, Phật tử, người không theo một tín ngưỡng tôn giáo nào đều có khả năng sống ‘chất’ của một con người cần có. Chúng ta dễ dàng chân nhận rằng có cơ sở chung cho một trật tự luân lý giữa Công giáo và người ngoại giáo. Nhà thần học K. Bath và K. Ranher lấy ơn cứu độ phổ quát để minh mịnh cho nền luân lý tự nhiên này. Ơn cứu độ của Đức Kitô không chỉ dành riêng cho người đã rửa tội, mà cả đối với người ngoại giáo[13]. Lý chứng này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng của thánh Justinô, nhờ “mầm Logos” mà con người có khả thể mở ra với Thiên Chúa, là Ngôi Lời vĩnh cửu nhập thể. Thánh Irênê cũng cho thấy những người ngoại giáo là những “kitô hữu nặc danh”. Những lý chứng từ triết học lẫn thần học đều hữu lý; bởi lẽ, con người phát xuất từ hữu thể Thiên Chúa và sẽ trở về cùng Thiên Chúa là nguồn cội.

Khác xa với các chủ trương của Phật giáo, Ấn giáo cho rằng con người ‘tự’ mình đạt đến cõi Niết Bàn, Brahman; Kitô giáo, nhất là Công giáo khẳng định con người đạt đến ơn cứu độ ‘nhờ’ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Biến cố nhập thể của Ngài đã kiện toàn bản tính kém hoàn bị và còn mang vết tích của tội nơi con người. Đức Giêsu chính là Ađam mới, mở ra một hiện sinh nhân bản mới cho tất cả mọi người. Do đó, để được hạnh phúc tối hậu là ơn cứu độ không hệ tại ở việc biết luật, mà tin vào Đức Kitô chịu chết và phục sinh: Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Lề Luật dạy” (Rm 3,28). Lề luật không hiện hữu độc lập, nó chỉ có ý nghĩa trong chính bản thể của Thiên Chúa. Vậy nên, tin vào Người cũng đồng nghĩa thực thi những điều Người dạy.

Kết: Một câu hỏi đặt ra bây giờ là, liệu cần thiết phải có một nền luân lý Kitô giáo chăng? Câu hỏi khá nghiêm túc, nếu không nói ngoa thì là sự sống còn của chúng ta trong bối cảnh tục hoá bởi thuyết hiện sinh vô thần. Hegel, K. Marx, J.P. Sartre, F. Nietzsche, … muốn tự thiết lập một nền luân lý. Trên bình diện nhân luật thì đó là chuyện thường, miễn luật lệ đó mang lại điều tốt cho toàn độ đời sống con người. Nhưng tận căn thì không hề đơn giản vậy, họ muốn phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, vì có Thiên Chúa thì con người chỉ là kẻ nô lệ. Bởi vậy, Nietzsche buộc phải giết chết Thượng Đế để con người toàn quyền tự quyết. Liệu tư tưởng trên có hữu lý và giáo lý Công giáo có giải quyết được chăng? Hỏi tức là đã trả lời!

 



[1]x.  Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 306

[2] Tôma Aquinô, Summa Theologiae I-II, q.1, a.5

[3] “Thiên Chúa đã viết trên các bảng Luật, tất cả những gì mà con người không đọc nổi trong tâm hồn họ” (thánh Augustinô)

[4] Tôma Aquinô, Summa Theologiae I-II, q.90, a.1

[5] HĐGMVN, Từ Điển Công Giáo 500 Mục Từ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2011, 216.

[6] X. Lm Phaolô Bùi Đình Cao, Giáo Trình Thần Học Luân Lý Căn Bản, ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê, 2020, 108-109.

[7]Thần Học Luân Lý Tổng Quát – tập 1, 229.

[8] X. Ts Lâm Bá Hào, “Học Thuyết Luân Lý và Đạo Đức Nho Giáo: Ảnh Hưởng Của Nó Đến Văn Hoá Việt Nam”, trong Triết học, số 2, tháng 2-2020, 61-65.

[9] Samuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2007, 258

[10] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1955.

[11] Công Đồng Vaticanô II (Hội đồng Giám mục Việt Nam - Ủy ban Giáo lý Đức tin dịch), Hiến chế Gaudium et Spes, số 16, 235.

[12] Tôma Aquinô, Summa Theologiae I-II, q.91, a.2.

[13] Thần Học Luân Lý Tổng Quát – tập 1, 226

Nguồn tin: