Sự Phổ Hiện Của Chúa Kitô Trong Thời Gian

Thu,20/05/2021
Lượt xem: 1431

 SỰ PHỔ HIỆN CỦA CHÚA KITÔ TRONG THỜI GIAN

“Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay,

và như vậy mãi đến muôn đời” (Hr 13,8).

1. Chúa Kitô và thời gian

Lần trước, sau khi đã suy niệm về vai trò của Chúa Kitô trong vũ trụ, tôi muốn dành suy niệm thứ hai này cho vai trò Chúa Kitô trong lịch sử nhân loại: sau khi tìm hiểu sự hiện diện của Người trong không gian, giờ đây chúng ta sẽ tìm hiểu sự hiện diện của Người trong thời gian.

Trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh tại thánh đường thánh Phêrô, thánh thi rất cổ kính của Kalends được Công đồng Vatican II lấy lại từ Roman Martyrology. Trong đó, sự sinh hạ của Chúa Kitô được đặt ở vị trí cuối cùng của chuỗi ngày xếp đặt theo dòng thời gian. Đây là một số đoạn:

“Khi nhiều thế kỷ đã trôi qua từ khi tạo thành thế giới….

Vào thế kỷ thứ ba từ khi dân Israel được Môsê hướng dẫn trong cuộc xuất hành khỏi Ai Cập, khoảng một ngàn năm từ khi Đavít được xức dầu tấn phong làm Vua…,

Vào thời kỳ một trăm chín mươi bốn của Olimpiade;

Vào năm bảy trăm năm mươi hai kể từ khi thành La Mã thành lập,

Vào năm thứ bốn hai dưới triều của Caesar Octavian Augustus,

Toàn thế giới sống trong bình an, Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa hằng hữu và Con của Chúa Cha, muốn thánh hóa thế giới nhờ sự hiện diện yêu thương nhất của Người, đã thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, và chín tháng trôi qua từ lúc thụ thai, Người được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria tại Bêlem, xứ Giuđêa, và đã làm người.”[1]

Lối tiếp cận tương đối này để tính thời gian, khởi đi từ một nguyên lý và liên hệ tới những biến cố khác nhau, để hướng đến sự thay đổi tận căn với việc Chúa Kitô đến, dẫu nó không xảy ra ngay lập tức hoặc ngẫu nhiên. Trong nghiên cứu nổi tiếng của mình về “Chúa Kitô và Thời Gian - Christ and Time,” Oscar Cullman đã trình bày một cách rất rõ ràng sự thay đổi này có nghĩa là gì theo cách thức nhân loại về việc tính thời gian.[2]

Chúng ta không còn khởi đi từ một điểm khởi phát (starting point) (tạo thành thế giới, xuất hành khỏi Ai Cập, thành lập La Mã v.v…) rồi theo sau một con số hướng tới một tương lai vô biên. Bây giờ chúng ta khởi đi từ một điểm trung tâm (central point), đó là sự sinh hạ của Chúa Kitô, và tính thời gian trước đó theo trật tự từ trên xuống – năm thế kỷ, bốn thứ kỷ, một thế kỷ trước Chúa Kitô – và tính thời gian sau đó theo trật tự dưới lên: một thế kỷ, hai thế kỷ, hay hai ngàn năm sau Chúa Kitô. Trong ít ngày nữa, chúng ta sẽ cử hành năm thứ 2017 của biến cố này.

Như đã nói, cách tính thời gian này không xảy ra một cách tức thì hay theo cách thức giống nhau. Bắt đầu với Dionysius Exiguus (Dionysius Hèn Mọn) vào năm 525, dân chúng đã bắt đầu tính các năm bằng việc khởi đi từ sự sinh hạ của Chúa Kitô thay vì dựa trên sự thành lập đế chế La Mã. Tuy nhiên, chỉ trong thế kỷ thứ mười bảy (có lẽ với nhà thần học Denis Pétau gọi là Petavius) thói quen được phổ biến về việc tính thời gian trước Chúa Kitô theo những năm trước khi Chúa đến. Từ đó, người ta dùng chung như thế, được diễn tả bằng những công thức: Ante Christum natum (viết tắt là a.C) và Post Christum natum (viết tắt là p.C), trước Chúa Kitô và sau Chúa Kitô.[3]

Một thời gian sau, thói quen này đã phổ biến đặc biệt trong thế giới của Anglo-Saxon và trong tương quan quốc tế, để tránh lối diễn tả không còn phù hợp nữa, vì những lý do dễ hiểu, đối với người thuộc những tôn giáo khác hoặc không tín ngưỡng. Thay vì nói về “Kỷ nguyên Kitô giáo” hoặc “Năm của Chúa” (A.D), người ta thích nói về “kỷ nguyên hiện tại” hoặc “Công Nguyên.” Như thế, lối nói “Trước Chúa Kitô” (B.C) bây giờ được thay thế bởi lối nói “Trước Công Nguyên” (BCE) và “Sau Chúa Kitô” (d.C) được thay thế bởi “Sau Công Nguyên” (CE). Lối nói đã thay đổi nhưng bản chất không thay đổi vì cách tính năm và thời gian vẫn giữ nguyên.

Oscar Cullman đã minh chứng cho thấy rõ sự mới mẻ của việc tính niên đại được bắt đầu nhờ Kitô giáo. Thời gian không vận hành theo những vòng được lặp lại, như tư tưởng của triết học Hy Lạp và của những tác giả hiện đại như Friedrich Nietzsche. Tuy nhiên, nó vận hành theo cách một đường thẳng, bắt đầu từ một thời điểm không xác định (điểm mà chúng ta không thể xác định chính xác), nghĩa là, tạo thành thế giới, hướng tới một điểm cũng không xác định và không thể đoán trước, đó là thời điểm Parousia. Chúa Kitô nằm ở trung tâm của con đường này, Đấng mà mọi sự có trước Người phải hướng về Người và mọi sự đến sau cũng phải hướng về Người. Khi xưng mình là “Alpha và Omega” của lịch sử (cf. Kh 21,6), Đấng Phục Sinh bảo đảm với chúng ta rằng Người sẽ quy tụ mọi sự về với Người từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc, nhưng Người còn là điểm khởi đầu vô xác định và là sự kết thúc vô đoán định, là tác giả của tạo thành và của hoàn tất.

Đồng thời, quan điểm của Cullman gặp phải một phản ứng thù địch mạnh mẽ từ những đại diện của nền thần học biện chứng (dialectical theology) đang thống trị thời đó: Karl Barth, Rudolf Bultmann, và môn sinh của họ. Nền thần học này cố gắng loại bỏ lịch sử của Kerygma, khi giảm thiểu nó như một “lệnh triệu tập hiện sinh cho quyết định.” Hậu quả họ đã cho thấy một sự thiếu hụt lớn lao về mối quan tâm đến “Chúa Giêsu lịch sử,” thay vào đó là điều gọi là “Chúa Kitô niềm tin.” Tuy nhiên, mối quan tâm sống động này về “lịch sử cứu độ” trong thần học sau Công đồng và mối quan tâm mới mẻ về Chúa Giêsu lịch sử trong trường phái Kinh Thánh (được gọi là những “truy tìm mới về Chúa Giêsu lịch sử”) đã xác nhận tính giá trị của tư tưởng Culmann.[4]

Một thành quả của thần học biện chứng vẫn có tồn tại nguyên vẹn: Thiên Chúa hoàn toàn khác so với thế giới, lịch sử, và thời gian. Có một sự khác biệt vô cùng thuộc phẩm chất và không thể nào đo lường được giữa chúng. Tuy nhiên, khi chúng ta đề cập về Chúa Kitô theo sự chắc chắn của sự khác biệt vô hạn, chúng ta cũng phải luôn khẳng định về sự giống nhau “vô biên.”[5]  Đây là cốt lõi của định tín Chalceđônia, được diễn tả bằng hai động từ: “Inconfuse, indivise - Không có lẫn lộn, không phân chia.” Chúng ta phải nói về Chúa Kitô theo cách thức siêu việt (eminent way) rằng Người ở “trong thế giới” nhưng không “thuộc về thế giới.” Người ở trong lịch sử và thời gian, nhưng người siêu vượt lịch sử và thời gian.

2. Chúa Kitô: hình bóng, biến cố và bí tích

Giờ đây, chúng ta hãy cố gắng cống hiến ý nghĩa chính xác hơn cho quả quyết về sự toàn tại của Chúa Kitô trong lịch sử và thời gian. Nó không phải là một sự hiện diện trừu tượng và đơn điệu. Nó diễn ra theo cách thức rất khác biệt trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử cứu độ. Chúa Kitô “vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Hr 13,8), nhưng không cùng một cách thức. Người hiện diện trong Cựu Ước như là hình bóng (fugure), Người hiện diện trong Tân Ước như là biến cố (event), và Người hiện diện trong thời đại của Giáo hội như là bí tích (sacrament). Hình bóng loan báo, báo trước và chuẩn bị cho biến cố, trong khi bí tích cử hành biến cố, làm cho nó hiện diện, hiện tại hóa nó, và theo một nghĩa nào đó, tiếp tục nó. Đây là ý nghĩa mà phụng vụ nói với chúng ta trong thánh lễ Giáng Sinh: “Hodie Christus natus est, hodie Salvator apparuit” (Hôm nay Chúa Kitô được sinh ra; hôm nay Đấng Cứu Thế đã xuất hiện).

Thánh Phaolô không ngừng quả quyết rằng trong Cựu Ước mọi sự - các biến cố và các nhân vật – quy hướng về Chúa Kitô: mọi sự là một “kiểu”, một sự tiên báo hay một “ẩn dụ” về Người. Nhưng nhất là xác tín của Chúa Giêsu trong các Tin Mừng, Người áp dụng nhiều lần cho chính mình những lời và biến cố của Cựu Ước. Theo Luca, Đấng Phục Sinh trên đường Emmaus với hai môn đệ chính xác đã làm điều đó: “Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27). Truyền Thống Kitô giáo đã tạo ra những công thức ngắn để diễn tả chân lý này của đức tin, chẳng hạn: Lề Luật được “hình thành” bởi Chúa Kitô. Phụng vụ của Giáo hội sống nhờ những xác tín này trong thực hành và đọc mỗi trang Cựu Ước trong sự quy chiếu về Chúa Kitô.

Thứ đến, nói rằng Chúa Kitô hiện diện trong Tân Ước như “biến cố” có nghĩa là khẳng định đặc điểm duy nhất và có một không hai của những biến cố lịch sử liên quan đến con người Chúa Giêsu và đặc biệt mầu nhiệm vượt qua là cái chết và phục sinh của Người. Biến cố này là biến cố xảy ra semel, “một lần cho tất cả” (Hr 9,26-28), và như thế nó không thể lặp lại nữa, vì nó được kết thúc trong không gian và thời gian.

Cuối cùng, nói rằng Chúa Kitô hiện diện trong Giáo hội như là “bí tích” là để khẳng định rằng ơn cứu độ Người thực hiện trở thành hiệu lực trong lịch sử nhờ những dấu chỉ Người đã thiết lập. Từ “bí tích” ở đây phải được hiểu theo ý nghĩa rộng hơn là chỉ có bảy bí tích, nhưng còn là Lời Chúa và toàn thể Giáo hội như là một “bí tích phổ quát của ơn cứu độ.” Nhờ các bí tích, semel (một lần cho mãi mãi) trở thành quotiescunque, “chỉ một lần” trở thành “mỗi lần”, như Phaolô quả quyết nơi Bữa Tiệc Ly của Chúa: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11,26).

Khi chúng ta nói về sự hiện diện của Chúa Kitô trong lịch sử cứu độ như là hình bóng, biến cố, và bí tích, chúng ta cần tránh sai lầm của Gioakim thành Fiore (hoặc ít ra sai lầm được gán cho ông) về việc phân chia toàn bộ lịch sử nhân loại theo ba giai đoạn: Thời kỳ của Chúa Cha, đó là Cựu Ước; thời kỳ của Chúa Con, đó là Tân Ước; và thời kỳ của Chúa Thánh Thần, đó là thời kỳ của Giáo hội. Điều này không chỉ trái ngược với giáo huấn về Ba Ngôi (Đấng luôn hoạt động liên kết với nhau trong những công trình ad extra) nhưng còn trái nghịch với giáo huấn Kitô học. Chúa Kitô như là biến cố không phải là một trong ba giai đoạn, hoặc một phần của lịch sử, nhưng là trung tâm của lịch sử, Đấng mà thời gian trước đó hướng về Người và nhờ đó thời gian sau Người có ý nghĩa. Người là điểm mấu chốt nối kết cả hai và phân biệt hai giai đoạn thời gian. Đây là chân lý được diễn tả trong cách tính niên đại mới này khi chia thời gian thành “trước Chúa Kitô” và “sau Chúa Kitô.”

3. Cuộc gặp gỡ thay đổi đời sống

Và giờ đây, như thường lệ, chúng ta sẽ đi từ thế giới vĩ mô tới thế giới vi mô, từ lịch sử hoàn vũ tới lịch sử từng người, nghĩa là từ thần học tới đời sống. Nhờ việc sử dụng mang tính hoàn vũ về xác định những biến cố, việc nhìn nhận rằng Chúa Kitô được nhận biết như là trung tâm điểm và là trục thời gian, trung tâm điểm lịch sử, không phải là lý do để tự hào và đắc thắng đối với một Kitô hữu, nhưng là một cơ hội để kiểm điểm nghiêm túc về lương tâm.

Vấn nạn để bắt đầu rất đơn giản: Chúa Kitô có ở trong trung tâm điểm đời sống của tôi không, trong lịch sử nhỏ bé đời tôi không? Trong thời gian của tôi không? Người chỉ ở trung tâm điểm trong lý thuyết mà không ở trong thực tế không? Trong đời sống của hầu hết mọi con người, có những biến cố phân chia đời sống thành hai và tạo nên một phần “trước” và một phần “sau”. Đối với những người đã kết hôn, đây là hôn phối thông thường, và họ chia đời sống họ thành “trước khi tôi kết hôn” và “sau khi tôi kết hôn.” Đối với các linh mục, đó là ngày truyền chức của họ: trước khi truyền chức và sau truyền chức; đối với các tu sỹ, đó là ngày tuyên khấn dòng.

Thánh Phaolô cũng chia đời sống mình trong hai phần, nhưng phân chia này không phải là hôn phối cũng không phải là truyền chức linh mục. Người viết cho các tín hữu ở Philiphê: “Tôi đã là… Tôi đã là…” và điều tiếp theo là một danh sách tất cả những tước hiệu của ngài và những bảo đảm về sự thánh thiện (như cắt bì, là người Do Thái, giữ luật, là người trong sạch). Nhưng tất cả bỗng nhiên xảy ra, tất cả được coi như là cái lợi nay lại trở thành sự mất mát đối với ngài; tất cả để tự hào nay trở thành rác rưởi (x. Pl 3,5-7). Tại sao? “Quả thật, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người (Pl 3,8). Cuộc gặp gỡ đầy xúc động của ngài với Chúa Kitô đã tạo nên trong cuộc đời thánh Tông Đồ một dạng thức riêng “trước Chúa Kitô” và “sau Chúa Kitô.”

Đối với hầu hết chúng ta, để làm rõ sự phân chia này thì khó khăn hơn: mọi thứ dễ thay đổi, “khoát nước theo mưa” trong thời gian, và được đánh dấu bởi điều gọi là “những nghi thức của các giai đoạn”: Phép Rửa, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh hoặc Hôn Phối và rất nhiều biến cố khác. May mắn cho chúng ta, một biến cố như thế không phải là kết quả dành riêng cho các bí tích; thực tế, các bí tích có thể không thay thế cách rất tốt cho bất cứ giai đoạn nào theo quan điểm hiện sinh. Cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô là một biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong đời. Liên quan đến điều này, Tông Huấn Evangelii gaudium nói rằng:

“Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến.”[6]

Trong một bài giảng Lễ Phục Sinh của một tác giả vô danh từ thế kỷ thứ Tư, chính xác vào năm 387, là vị giám mục đã có một khẳng định rất ngạc nhiên – dường như là khẳng định hiện sinh trước lời đã có. Người nói:

“Đối với mọi người, sự khởi đầu cuộc sống bắt đầu từ khi Chúa Kitô hiến tế vì họ. Tuy nhiên, Chúa Kitô hiến tế vì họ vào lúc mà họ nhận ra ân sủng và ý thức về đời sống được ban cho họ nhờ hiến tế này.”[7]   

Vì chúng ta đang tiến gần Lễ Giáng Sinh, chúng ta có thể áp dụng cho việc sinh ra của Chúa Kitô điều mà tác giả này nói về cái chết của Người.

“Đối với mọi người, sự khởi đầu cuộc sống bắt đầu từ khi Chúa Kitô được sinh ra vì họ. Tuy nhiên, Chúa Kitô được sinh ra vì họ vào lúc mà họ nhận ra ân sủng và ý thức về đời sống được ban cho họ nhờ sự sinh hạ này.” 

Đây là một ý tưởng được phổ biến qua toàn bộ lịch sử tu đức Kitô giáo từ thời Origine và đến thời thánh Augustinô, thánh Bêrnarđô, Luther, và các tác giả khác.[8] Câu hỏi là thế này: “Việc Chúa Kitô giáng sinh một lần ở Bêlem có ích gì cho tôi nếu Người không được sinh ra một lần nữa trong trái tim tôi nhờ đức tin?” Theo ý nghĩa này, mọi Lễ Giáng Sinh, cả lễ của năm nay, có thể thực sự là Giáng Sinh đầu tiên của đời sống chúng ta.

Một triết gia vô thần đã mô tả trong một đoạn nổi tiếng giây phút mà một người khám phá sự hiện hữu của sự vật, rằng chúng hiện hữu trong thực tại và không chỉ trong lý trí mình, ông viết:

“Tôi đã ở trong công viên. Những rễ của cây dẻ cắm vào lòng đất gần dưới ghế tôi ngồi. Tôi không còn nhớ đó là một rễ cây. Những ngôn ngữ biến mất và với chúng, ý nghĩa của các vật, những cách thức sử dụng chúng, và những dấu hiệu yếu ớt để nhận biết mà con người lần theo bề mặt chúng… Rồi tôi có ngọn đèn này chiếu sáng. Nó làm cho tôi hổn hển. Trước những ngày cuối cùng này, chưa bao giờ tôi hiểu ý nghĩa của “hiện hữu.” Tôi cũng như những người khác, giống như những người đang đi dạo trên bờ biển, với những y phục mùa xuân rực rỡ. Tôi nói giống như họ: “Đại dương xanh, điểm trắng ở đằng kia là một con chim hải âu,” nhưng tôi không hiểu điều hiện hữu là gì, con chim hải âu là một con chim đang hiện hữu,” sự hiện hữu thường ẩn dấu. Nó ở đó, xung quanh chúng ta, trong chúng ta, là chính chúng ta, bạn không thể nói vài lời mà không đề cập đến nó và cuối cùng, bạn không thể đụng chạm nó… Và rồi, rất ngẫu nhiên, nó ở đó, rõ như ban ngày: hiện hữu được tỏ lộ một cách rất tình cờ.” [9]

Điều gì đó tương tự xảy ra khi ai đó nhắc lại danh của Chúa Giêsu nhiều lần, anh biết gần như mọi thứ về Người, và cử hành nhiều Thánh Lễ, một ngày kia anh khám phá rằng Chúa Giêsu không phải là sự tưởng nhớ theo phụng vụ và bí tích từ quá khứ; Người không phải là một sưu tập những học thuyết và tín điều hay là một đề tài để nghiên cứu. Tóm lại, Người không phải là một nhân vật nhưng là một Con Người hiện hữu sống động, dẫu Người vô hình đối với mắt thường chúng ta. Bổng nhiên, Chúa Kitô được sinh ra trong người đó, một bước nhảy chất lượng đi vào tương quan với Chúa Kitô đã được xảy ra.

Đây là điều vĩ đại đã làm biến đổi kinh nghiệm khi mà – nhờ một cuộc gặp gỡ, một lời nói, một mạc khải từ trên cao – một ánh sáng cao cả bổng nhiên được bật lên trong họ. Họ cảm thấy “nghẹn ngào” và kêu lên: “Đúng là Thiên Chúa hiện hữu sau tất cả! Điều đó thì rất thật!” Điều này đã xảy ra chẳng hạn như với Paul Claudel khi ông đi vào Nhà Thờ Chính Toàn Notre Dame ở Paris vì sự tò mò về ngày lễ Giáng Sinh vào năm 1886. Khi nghe bài Magnificat được hát lên, ông có một kinh nghiệm xé lòng về sự vô tội và về sự đơn sơ vĩnh cửu của Thiên Chúa,” và ông đã thốt lên rằng: “Vâng, đúng lắm, nó rất đúng! Thiên Chúa hiện hữu. Người ở đây. Người là một ai đó, một con người giống tôi! Người yêu tôi. Người đang kêu gọi tôi.” Sau đó ông viết về giây phút này, “trái tim tôi đầy xúc động và tôi tin đức tin của Giáo hội.”[10]

Chúng ta hãy thực hiện một bước về phía trước. Như chúng ta đã thấy Chúa Kitô không chỉ là trung tâm hoặc tâm điểm của lịch sử nhân loại, Đấng với sự xuất hiện của mình, đã tạo nên “cái trước” và “cái sau” trong dòng thời gian; Người còn là Đấng lấp đầy mỗi giây phút của thời gian. Người là “sự viên mãn”, là sự pleroma (Cl 1,19) theo nghĩa chủ động Người cũng lấp đầy lịch sử ơn cứu độ: trước hết như là hình bóng, rồi như biến cố, và giờ đây như bí tích.

Tất cả những điều này có nghĩa là gì khi chuyển sang tầm mức cá nhân? Nó có nghĩa là Chúa Kitô cũng phải lấp đầy thời gian của tôi. Chúng ta phải lấp đầy mọi giây phút đời sống chúng ta với Chúa Giêsu như chúng ta có thể. Nó không phải là một kế hoạch bất khả thi. Nó không có nghĩa là suy nghĩ về Chúa Giêsu suốt mọi lúc, nhưng là “ý thức” sự hiện diện của Người, hiến mình cho ý định của Người, và thưa với Người một cách vắn gọn: “Con yêu mến Ngài!” Mọi lúc chúng ta có cơ hội (tốt nhất là cảm hứng!) để hồi tâm với chính mình.

Khoa học hiện đại cung cấp cho chúng ta một lối loại suy có thể giúp chúng ta hiểu tất cả điều đó có nghĩa là gì: sự liên kết với Internet. Khi tôi đi du lịch và tôi ở xa nhà lâu ngày, tôi có kinh nghiệm về việc mình muốn làm một điều gì đó lúc rảnh rỗi bằng cách cố gắng kết nối mạng Internet, hay sử dụng cables hoặc wireless, và cuối cùng, gần như tôi đã đầu hàng, bỗng nhiên trang Google hiển thị trên màn hình tôi. Trước đó, tôi cảm thấy mất liên lạc với thế giới bên ngoài và không thể nhận được email, tìm một số thông tin, hoặc liên lạc với người trong cộng đoàn mình, và giờ đây, đột nhiên toàn thể thế giới mở ra cho tôi. Tôi đã nối kết.

Nhưng sự nối kết này có thể so sánh với điều xảy ra khi con người nối kết trong đức tin với Chúa Giêsu Phục Sinh hằng sống chăng? Trước hết, thế giới nghèo nàn và bi thảm của con người được mở ra trước mặt bạn; thứ đến thế giới của Thiên Chúa mở ra trước bạn bởi vì Chúa Kitô là cửa sổ; Người là đường hướng dẫn tới Chúa Ba Ngôi và tới sự vô biên.

Suy tư về “Chúa Kitô và Thời Gian” mà tôi đã cố gắng trình bày có thể mang lại một sự chữa lành nội tâm quan trọng cho phần lớn chúng ta: một sự chữa lành từ sự tiếc nuối không thành công về “thời trẻ trung hạnh phúc đã qua đi,” một sự giải phóng từ điều đã ăn sâu trong não trạng dẫn chúng ta nhìn tuổi già chỉ là một sự mất mát và một loại bệnh tật chứ không phải là một ân huệ. Đối với Thiên Chúa, thời gian tốt nhất của cuộc đời không phải là thời gian tràn đầy khả năng và hoạt động nhưng là thời gian tràn đầy Chúa Kitô, bởi vì đây là thời gian đã thuộc về vĩnh cửu.

Năm tới, giới trẻ sẽ được xem như là trung tâm chú ý của Giáo hội với Thượng Hội đồng về “Người trẻ, Đức tin và sự Phân định ơn gọi” để chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Chúng ta hãy giúp họ đổ đầy tuổi trẻ với Chúa Kitô, và chúng ta sẽ ban cho họ quà tặng đẹp nhất.

Chúng ta kết thúc bằng việc nhớ lại biến cố vĩnh cửu đã bước vào thời gian, đã được công bố một các thật đơn giản và tuyệt vời như thế nào trong Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh:

“Vào năm thứ bốn hai dưới thời của Caesar Octavian Augustus, toàn thể thế giới đang hưởng bình an, Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa hằng hữu, Con của Chúa Cha đời đời… đã sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria tại Bêlem, xứ Giuđêa, và đã làm người.”

Vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1308, ngỏ lời với những đứa con thiêng liêng tập trung quanh giường bệnh của mình, nhà thần bí Angela thành Foligno đã thốt lên rằng: “Ngôi Lời đã trở thành nhục thể!” Và sau một lúc dừng lại lâu, giống như từ một thế giới khác đến, bà thêm: “Ôi, mọi thụ tạo đều thiếu! Ôi, sự thông minh của các thiên thần xem ra không đủ!” Họ hỏi bà: “Sao các thụ tạo lại thiếu, và tại sao sự thông minh của các thiên thần lại không đủ?” Bà trả lời: “Để hiểu được điều đó!”[11]  Và bà đã có lý. Đó là một mầu nhiệm quá lớn, con người không thể hiểu, nhưng chỉ thờ lạy thôi.

Giờ đây, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu ban cho chúng ta để đón nhận hồng ân Ngôi Lời Thiên Chúa đến cư ngụ ở giữa chúng ta với tràn đầy lòng biết ơn và ngạc nhiên.

Lm. Raniero Cantalamessa, OFM.

Lm. Phêrô  Nguyễn Văn Hương (dịch)

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 12


[1] See the updated Roman Martyrology on the USCCB website

[2] Oscar Cullman, Christ and Time: The Primitive Christian Conception of Time and History, trans. Floyd V. Filson (London: SCM Press, 1951), 32ff

[3] Trong tiếng Anh bằng việc dùng công thức “Before Christ” (viết tắt là B.C) và “Anno Domini” (Năm của Chúa, viết tắt là A.D), có nghĩa là “After Christ”

[4] See James D. G. Dunn, A New Perspective on Jesus (Grand Rapids: Baker, 2005)

[5] A phrase and concept attributed to Søren Kierkegaard, Training in Christianity, trans. Walter Lowrie (New York: Oxford University Press, 1941), 139: “The infinite qualitative difference between God and man”

[6] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Evangelii gaudium, số 3

[7] “The Paschal Homily of the Year 387,” SCh 36, 59f

[8] See Origen, Homilies on Luke, 22, 3, trans. Joseph T. Lienhard (Washington, DC: the Catholic University Press of America, 1996), 94: “For what profit is it to you, if Christ came once in the flesh, unless he also comes into your soul?”; see also SCh 87, 7.302. Angelus Silesius (The Cherubic Pilgrim 1, 6, 1) has expressed this thought in two bold verses: “If Christ were born a thousand times in Bethlehem / But not in you, you would still be lost forever” (“Wird Christus tausendmal zu Bethlehem geborn / und nicht in dir: du bleibst noch ewiglich verlorn”)

[9] Jean Paul Sartre, Nausea, trans. Lloyd Alexander (1938; New York: New Directions, 2007), 126-127

[10] Paul Claudel, “Ma Conversion,” Œuvres en Prose (Paris: Gallimard, 1965), 1009-1010

 [11] Angela of Foligno, Complete Works, trans. with intro. Paul Lachance, O. F. M. (New York: Paulist Press, 1993), 313

Nguồn tin: