Thần Học Versus Tôn Giáo Học

Fri,09/12/2022
Lượt xem: 1180

Tôn giáo là một bộ phận quan trọng trong đời sống của hàng triệu con người trên thế giới. Mỗi ngày, bất cứ ở đâu và bất cứ giờ khắc nào cũng có thể tìm thấy con người trong một hình thức nào đó đang cầu nguyện, đọc kinh, suy gẫm, tụng niệm, ca hát, đọc sách thiêng liêng, thờ cúng, rước lễ, linh hướng, đồng hành, tĩnh tâm, hay học và dạy giáo lý v.v. Con người muốn đào sâu sự hiểu biết và dấn thân vào niềm tin tôn giáo như một sức sống nội tâm, một trải nghiệm từ bên trong chiều sâu của tâm hồn.

Nhưng tôn giáo cũng có thể được cảm nhận từ quan điểm bên ngoài nữa. Các học giả, sử gia, chính trị gia, chuyên gia, nhà báo quan sát tôn giáo qua những hoạt động của cộng đồng tín hữu hay các giáo phái. Họ đưa ra những câu hỏi xa lạ, không liên quan gì đến đức tin, và có thể gây nên hoài nghi và khó chịu nơi các tín hữu. Ví dụ, họ không hề muốn biết Kinh Thánh có thật là lời Thiên Chúa mặc khải, nhưng lại đặt những câu hỏi về tích xác thực và lịch sử tính của bản văn, hay những mâu thuẫn giữa niềm tin và cách sống của cá nhân và cộng đoàn tôn giáo. Sự hoài nghi này không chỉ có nơi các nhà nghiên cứu tôn giáo học mà còn cả nơi các tín hữu. Nếu chúng ta muốn nghiên cứu tôn giáo cách khoa học, thì chúng ta cần phải có một thái độ khách quan và độc lập về các giá trị mà tôn giáo đóng góp vào xã hội và cá nhân con người.

Từ thế kỷ 16, vì thất vọng với những cuộc tranh chấp đỗ máu của Chiến Tranh Tôn Giáo theo sau giai đoạn Phong Trào Cải Cách, người ta bắt đầu suy tư về tôn giáo từ bên ngoài quan điểm của thẩm quyền Giáo hội. Họ đặt vấn đề về bản chất thánh thiêng của tôn giáo và xem nó không khác gì những sản  phẩm văn hóa của nhân loại như văn chương, nghệ thuật giao tiếp, v.v.. Trong thời Ánh Sáng, tôn giáo được hiểu là khởi nguồn từ nhu các nhu cầu căn bản của con người, với lịch sử tự nhiên như các khoa học khác, chứ không gì là siêu nhiên hay biệt lập.

Lối giải thích tôn giáo từ các góc độ tri thức học thuật sớm muộn sẽ đưa đến sự giản lược. Tâm lý gia tiếp cận tôn giáo như những động lực tâm lý cá nhân, nhà nghiên cứu xã hội nhìn tôn giáo như một diễn tiến xã hội. Kết cuộc là có nhiều học thuyết thế tục về nguồn gốc, bản chất và chức năng của tôn giáo đã ra đời. Tuy khác nhau về quan điểm tiếp cận và cách thẩm định về giá trị của tôn giáo, nhưng các học thuyết này đều đồng ý là tôn giáo nên được nghiên cứu từ gốc độ khách quan và ngoài phạm vi niềm tin tôn giáo.

Bước sang thế kỷ 20, một số học giả khác phản hồi lại lối giải thích giản lược của khoa tôn giáo học trên đây. Họ đề nghị phương pháp “hiện tượng luận” và lý luận rằng tôn giáo không thể bị thu giảm về một nền tảng lý thuyết nào hết, nhưng cần phải hiểu nó như là một hiện tượng đặc thù với thực tại tự thân (sui generis) của nó. Cho dù các quan điểm này không gắn bó với cách thần học giải thích tôn giáo, nhưng chúng vẫn tôn trọng tính vẹn toàn và sự thống nhất nội bộ của niềm tin tôn giáo.

Các nỗ lực định nghĩa “Tôn giáo” từ thế kỷ XVI

Trước khi đi sâu vào môn “Tôn Giáo Học” chúng ta hãy lược qua các nỗ lực định nghĩa tôn giáo và ranh giới nghiên cứu giữa hai phạm vi thần học và tôn giáo học.

Trước thế kỷ XVI, mọi nghiên cứu về tôn giáo đều mang hình thức thần học, trong bối cảnh giáo hội và với mục đích phục vụ cho cộng đoàn các tín hữu. Mọi lý luận thời đó đều giả định rằng chân lý tôn giáo thì được mạc khải qua Kinh Thánh, cho dù mỗi thế hệ cần tìm hiểu rõ hơn về nội dung của chúng. Thần học gia đóng vai một lãnh đạo tri thức, có thầm quyền để bàn luận và khai triển các chân lý vốn cũng cố đời sống đức tin của các tín hữu. 

Hai yếu tố quan trọng trong lịch sử Âu Châu đã đưa đến thay đổi về não trạng này là: hiện tượng đa dạng tôn giáo, và sự trổi dậy của khoa học và triết học duy lý. Đứng trước sự tàn phá của chiến tranh tôn giáo kéo dài theo sau cuộc phân ly Cải Cách, các Giáo hội tìm cách giải hòa và sống chung với nhau tuy vẫn có sự khác biệt về thẩm quyền tôn giáo. Mặc khác, khám phá khoa học thời Khai Sáng đưa ra những chân lý mâu thuẫn với thẩm quyền Giáo Hội làm cho giáo lý tôn giáo trở nên cổ hủ. Từ đó, môn tôn giáo học ra đời, dựa trên nền tảng đa-giáo phái. Môn học này cố gắng giải thích một cách phê phán nguồn gốc của tôn giáo, và dùng khoa học để giải thích cho sự xuất hiện của các phong trào cuồng tín. 

Ở thế kỷ 16, hạn từ “tôn giáo” được dùng để nói về lối sống phù hợp với Kitô giáo chân chính, như thế các thực hành đức tin ngoại giáo thì được xem như là thờ ngẫu tượng hay “rối đạo”.  Nhưng với ảnh hưởng của phong trào Lãng Mạn ở thế kỷ 18-19, hạn từ “tôn giáo” được xem như là thái độ cá nhân về thực tại tối hậu, đồng nghĩa với “niềm tin.” Một khi nhiều niềm tin tôn giáo khác biệt được khám phá trên thế giới, thì hạn từ “tôn giáo” được hiểu theo nghĩa đa dạng hay số nhiều.

Ngày nay, thần bí học không muốn giới hạn tôn giáo vào bất cứ một định nghĩa nào. Ngành tu từ học giải thích tôn giáo theo lịch sử của lối dùng hạn từ này. Xã hội học và tâm lý học định nghĩa tôn giáo theo chức năng hay vai trò của nó trong sự hình thành cơ cấu xã hội hay tâm lý con người. Các chủ thuyết duy thực dùng bản chất tôn giáo như lý luận nền tảng.  Nói chung, định nghĩa về tôn giáo thường nhấn mạnh vào hai khía cạnh chính yếu. Một bên cho rằng tôn giáo là sự thâm nhập của thực tại thánh thiêng hay siêu việt vào cuộc sống con người, và bên kia thì xem tôn giáo như là thái độ ưu tư tối hậu của con người trong cuộc sống hiện sinh.  Cả hai đều công nhận niềm tin vào thực tại siêu việt là yếu tố nền tảng cùa tôn giáo, và niềm tin đó gây ảnh hưởng lên trạng thái xã hội, tâm lý, nhân lý và triết lý của con người.

Tôn Giáo học và Thần học

Trước khi khoa “tôn giáo học” xuất hiện thì các khảo cứu và tranh biện về tôn giáo chỉ xảy ra dưới trướng của thần học, và chỉ có mục đích phục vụ hay gia tăng ý nghĩa cho đời sống đức tin của cộng đoàn. Trong hai thế kỷ 15 & 16 ở Pháp, chiến tranh tôn giáo kéo dài liên lĩ mà không rõ sẽ kết cuộc ra sao. Mãi cho đến Hòa Ước Nantes 1598 thì người Công Giáo và Tin Lành tại Huguenots mới bắt đầu tìm thỏa hiệp chung sống với sự khác biệt về cách họ hiểu tôn giáo. Các nhà tri thức bắt đầu khai triển những phạm trù tôn giáo phổ quát hơn, bao gồm niềm tin và hoạt động tôn giáo bên trong lẫn bên ngoài Kitô giáo. Jean Bodin (1530-96)[i] và Edward Herbert (1583-1648)[ii] đề xướng về một loại thần học vượt ngoài ranh giới của niềm tin Kitô giáo. Mặc khác, Bernard Fontenelle (1657-1757)[iii] và Giambattista Vico (1668-1744)[iv] giải thích nguồn gốc và chức năng của tôn giáo từ góc độ khách quan của khoa học tự nhiên.

Khởi đầu, cuộc chiến lan tràn giữa các tôn giáo thờ cùng một Đấng Tối Cao đã đưa đến sự hoài nghi về khả năng thần học tự nó có thể giải quyết mọi tranh chấp chính trị xã hội. Bodin đề nghị các tôn giáo chính yếu thời đó như Tin Lành, Công Giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và các giáo phái khác cùng ngồi lại và thảo luận với nhau. Ông đưa ra giả thuyết rằng tôn giáo tốt nhất phải là tôn giáo xưa nhất và gần nhất với “biến cố” Tạo Dựng. Nhưng đề nghị này đã không mang đến kết quả đáng kể nào, cho dù cuộc thảo luận vẫn tiếp tục.

Tại Đức quốc, Hòa Ước Augsburg (1555) tạm thời giải hòa các tranh chấp giữa giáo hội Lutheran và Công giáo, nhưng cách mạng của giáo phái “Calvinism” đã làm cho nền hòa bình mong manh này sớm tan vỡ. Kết quả là cuộc chiến “Ba Mươi Năm” (1618-48) đã gây nhiều tổn hại và tàn phá cuộc sống thường ngày của xã hội châu Âu. Chính trị gia Herbert ở Cherbury đề nghị thay thế học thuyết tôn giáo của Bodin với 5 tiêu chuẩn: chỉ có một Thiên Chúa; chúng ta phải tôn thờ Người; mọi tôn giáo phải tập sống nhân đức; con người phải thống hối cho tội lỗi của mình; có sự thưởng phạt đời sau. Như vậy, phương cách tiếp cận tôn giáo của cả Bodin và Herbert đều giới hạn sự hiểu biết về mạc khải chỉ trong phạm vi được chấp nhận của truyền thống Kinh Thánh.

Fontenelle là người đầu tiên đề nghị một học thuyết tiến hóa về tôn giáo bằng cách khai triển bối cảnh xuất xứ của tôn giáo. Ông nghiên cứu tiến trình phát triển tôn giáo từ quan điểm khách quan của khoa học nhân văn. Ông phân tích các chuyện thần thoại và nghi thức văn hóa cổ xưa hầu để tái cấu trúc cơ cấu suy tư của con người cổ đại. Trong khi thời Khai Sáng xem tôn giáo chỉ là sự cuồng tín dị đoan sai lầm về thế giới tự nhiên thì Fontenelle khẳng định rằng con người cổ đại không ngu dốt như thế. Họ đã cố gắng gia tăng tri thức qua những cách giải thích quyền lực thiên nhiên như chuyện thần thoại hay nghi thức tôn giáo. Lúc đầu họ giải thích dựa trên quyền lực thần thánh, nhưng từ từ các giải thích đó được cập nhật hóa một khi tri thức khoa học mới được khám phá. Sự tiến hóa này vẫn còn thấy nơi các bộ lạc Âu châu tân thời. Học thuyết của Fontenelle có sự đồng cảm với dân tộc cổ đại, thời đại mà trí khôn con người đã cố gắng giải thích vũ trụ của họ qua cách tốt nhất họ có thể.

Vico cũng nhận ra tính khoa học trong tôn giáo cổ đại như Fontenelle, nhưng thay vì nhấn mạnh về chiều kích thiên nhiên thì ông khai triển chiều kích xã hội. Vico cho rằng tôn giáo cũng như các hiện tượng văn hóa khác, bao gồm các yếu tố chung là nghi thức, hành vi, cơ cấu luật lệ, và khái niệm về sự thánh thiêng. Đứng trước sức mạnh của thiên nhiên, con người cổ đại đã phóng chiếu hình ảnh của mình lên vũ trụ và biến chúng thành các thần thánh. Chính con người cổ đại đặt ra qui luật, thể chế và cơ cấu cho cuộc sống của họ. Nhưng niềm tin về sự quan phòng thánh thiêng đã làm cho nghi thức tôn giáo, như trong nghi lễ cưới hỏi và tang chế, trở thành những điều kiện tất yếu cho sự tồn tại của con người. Vico lý luận rằng con người cổ đại không có lý tính khoa học như chúng ta ngày nay. Họ dùng chuyện thần thoại và cổ tích để giải thích thế giới của họ vì họ suy nghĩ theo cách huyền thoại.

Như thế cả Fontenelle và Vico đã khai triển những lối giải thích nguồn gốc tự nhiên của tôn giáo, và qua đó cứu vãn Kitô giáo khỏi bị khai trừ.  Đối với họ, Kitô giáo vẫn là tôn giáo có nguồn gốc siêu nhiên, không xuất phát từ con người mà được mặc khải từ Thượng Đế.

David Hume khởi đầu sự phân ly

Trong khi các học giả trên đây vẫn giữ mối tương quan giữa thần học và tôn giáo học thì David Hume (1711-76)[v] đã tách biệt chúng hoàn toàn và khởi đầu cho hành trình nghiên cứu tôn giáo từ quan điểm thế tục. Các tác phẩm được xuất bản sau khi Hume qua đời cho thấy quan điểm thế tục của ông cho rằng thực tại chỉ là “căn nhà một tầng”, không có gì là siêu việt hay thánh thiêng áp đặt lên nó. Hume nghiên cứu tôn giáo như là một hiện tượng xuất phát từ thế giới chúng ta đang sống và có thể được phân tích và mô tả như mọi hiện tượng tự nhiên khác. Ông đưa ra chủ thuyết “lịch sử tự nhiên” của tôn giáo và đã mở đường cho khuynh hướng khoa học mới về tôn giáo của Anh quốc.

Học giả Anh Quốc bắt đầu khai thác các khía cạnh tiêu cực của tôn giáo. Mười lăm năm trước khi David Hume ra đời, một học giả người Scotland bị án treo cổ tử hình vì đã xúc phạm đến niềm tin tôn giáo cách công khai. Hume cũng bị từ chối địa vị xã hội nhiều lần vì quan điểm thế tục của ông. Một số tác phẩm quan trọng của Hume chỉ được xuất bản vô danh mãi cho đến sau khi ông qua đời. Hume cho rằng con người không có tri thức bẩm sinh, nhưng tất cả nhận thức phải đi qua kinh nghiệm. Hume từ chối mọi giải thích về tính bẩm sinh của tri thức hay chiều kích siêu nhiên của tôn giáo. Điều này có nghĩa là tất cả mọi tri thức về tôn giáo cần phải được giải thích tận nguồn từ trải nghiệm tự nhiên của chúng.

Hume cho rằng phép lạ là trái với luật tự nhiên. Muốn tin vào phép lạ thì chúng ta phải thuyết phục tính khả thi của chúng thì cao hơn tính khả thi của luật tự nhiên. Nhưng trong thực tế thì không bao giờ làm được việc đó.  Cho dù Hume không hoàn toàn loại bỏ phép lạ và vẫn để cửa cho lý luận dựa trên chứng cớ, nhưng từ quan điểm duy nghiệm, ông không chấp nhận phép lạ hay mặc khải siêu nhiên như nền tảng cho niềm tin tôn giáo. Hume phân tích rằng luận cứ “Phát Họa” (Design Argument), tức là hai luận cứ cuối cùng trong ngũ đạo của Tôma, giả định sự tồn tại của một kiến trúc gia (Thượng Đế) vẽ nên họa đồ cho việc tạo dựng vũ trụ. Nhưng luận cứ này không đứng vững vì các chứng cớ về “Sáng Thế” rút từ Kinh Thánh không phải là lời chứng đến từ kinh nghiệm thật sự của người nào đó.

Theo Hume, tôn giáo xuất phát từ hai nguồn tự nhiên: (1) Con người đối đầu với sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên và tìm cách thống trị nổi lo sợ đó; (2) Sự đồng cảm và bị lôi cuốn bởi “gương sáng” của những bậc “anh hùng” và từ đó con người khai triển các nhân đức hay thói quen làm cho cuộc sống trở nên nhân đạo hơn. Hume không nghĩ các tôn giáo độc thần tốt hay xấu hơn các tôn giáo đa thần, vì mỗi loại đều có điểm mạnh và yếu. Tôn giáo độc thần thường trở nên giáo điều và cứng nhắc, bảo kê cho tính độc đoán và bách hại tôn giáo. Tôn giáo đa thần tuy thiếu hợp lý và tùy thuộc vào cảm xúc, nhưng lại chấp nhận nhiều cách chú giải thông thoáng và uyễn chuyễn hơn.

Trong các bài kế tiếp, chúng ta sẽ sơ lược qua các học thuyết tôn giáo từ bốn nhãn quan tiêu biểu: xã hội học, tâm lý học, nhân học và hiện tượng học. Chúng ta cần một cái nhìn tổng quát hơn về tôn giáo từ bên ngoài quan điểm của thần học cổ điển. Các nhãn quan phổ phát này sẽ giúp cho sự hiểu biết về đức tin của chúng ta được phong phú và phê phán hơn, và đó cũng là đóng góp vào hành trình “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết” của thần học.

 

Joseph Tân Nguyễn, OFM



[i] https://en.wikipedia.org/wiki/Jean_Bodin

[ii]https://en.wikipedia.org/wiki/Edward_Herbert,_1st_Baron_Herbert_of_Cherbury

[iii] https://en.wikipedia.org/wiki/Bernard_Le_Bovier_de_Fontenelle

[iv] https://plato.stanford.edu/entries/vico/

[v] https://en.wikipedia.org/wiki/David_Hume

 
Nguồn tin:
Tags :