Tình Cảm Và Thánh Thể (phần III)

Fri,09/12/2022
Lượt xem: 750

Ước muốn sự thân mật

Tôi giả thiết là tất cả chúng ta đều đã kinh qua những khoảnh khắc ám ảnh này, khi mà một ai đó trở nên đối tượng của toàn bộ những khát vọng nơi bản thân chúng ta, trở thành biểu tượng của tất cả những điều chúng ta đã chưa từng bao giờ ước muốn, trở thành lời đáp trả cho toàn bộ những nhu cầu của chúng ta. Nếu chúng ta không kết hiệp sâu xa với con người này, thì cuộc đời chúng ta có nguy cơ bị trống rỗng và mất đi toàn bộ ý nghĩa. Đối tượng tình yêu của chúng ta sẽ lấp đầy cái giếng sâu thẳm của những nhu cầu mà chúng ta khám phá được trong chính bản thân chúng ta. Suốt cả ngày chúng ta cứ tâm tưởng đến những nhu cầu ấy. Như đại văn hào Shakespeare đã diễn đạt điều này quá tuyệt làm sao: “Và thế là ban ngày thì chân tay anh, ban đêm thì tâm trí anh, cho em, và cho anh, hầu như chằng tìm thấy chút nghỉ ngơi thư thái nào”[1].


Hoặc, để gọi là hiện đại hơn một chút, thì khuôn mặt của người được yêu phải giống như chương trình bảo vệ màn hình máy vi tính của chúng ta ( l’économiseur d’écran). Vào khoảnh khắc khi mà ta ngừng suy nghĩ về một điều nào khác, thì cái đó lại xuất hiện. Điều đó như thể một sự tù đày, một tình trạng nô lệ, nhưng lại là một sự nô lệ mà chúng ta không mong muốn thoát ra khỏi. Chúng ta thần hoá người được chúng ta yêu, và đặt người đó vào vị trí của Thiên Chúa. Hiển nhiên, những điều chúng ta tôn thờ đó chính là công trình sáng tạo của chúng ta cho chúng ta. Đó là một sự phóng chiếu. Có lẽ tất cả mọi tình yêu đều phải trải qua giai đoạn ám ảnh kỳ cục này. Phương thuốc chữa trị duy nhất là sống cùng với con người đó ngày này sang ngày khác, và khám phá ra rằng con người ấy không phải là Thiên Chúa, nhưng chỉ là con đẻ của mình. Tình yêu bắt đầu ngay khi chúng ta được chữa lành khỏi ảo vọng này và lúc đó chúng ta diện đối diện với một ngôi vị thực sự, chứ không phải với một phóng chiếu từ những khát vọng của chúng ta. Như Octavio Paz [2] đã nói: “Tình yêu mặc khải thực tại cho khát vọng”.


Vậy thì, chúng ta tìm kiếm cái gì trong toàn thể những điều này? Cái gì là nguyên cớ gây nên sự ám ảnh này? Tôi chỉ có thể phát biểu nhân danh cá nhân tôi mà thôi, nhưng khi đó tôi sẽ nói rằng cái luôn luôn đứng đằng sau những xáo trộn cảm xúc nhất thời của tôi là một ước muốn sự thân mật. Đó là khát vọng được hoàn toàn trở nên một, khát vọng làm biến mất những biên thuỳ chia cách giữa tôi và một người khác, được đánh mất chính mình trong một người khác, để khai mở một sự hiệp thông tinh ròng và hoàn toàn. Đúng hơn là một đam mê tính dục, tôi thiết nghĩ rằng chính cái ước vọng sự thân mật này mới là điều mà đa phần con người đang tìm kiếm. Nếu chúng ta phải trải qua những cuộc khủng hoảng tình cảm, thì chúng ta cũng cần phải nhìn nhận nhu cầu thân mật này của chúng ta.


Xã hội chúng ta được xây dựng xung quanh huyền thoại kết hợp tính dục như thể sự đăng quang của toàn bộ ước muốn sự thân mật. Chính khoảnh khắc âu yếm và kết hợp thân xác trọn vẹn này đã tạo nên sự thân mật toàn diện và là sự hiệp thông tuyệt đối. Rất nhiều người lãng quên sự thân mật này bởi vì họ không lập gia đình hay đời sống hôn nhân của họ không hạnh phúc, hoặc bởi vì họ là những linh mục hay tu sĩ. Và chúng ta có thể cảm thấy mình bị tước đoạt một cách bất công trong những gì là nhu cầu sâu xa nhất của chúng ta. Điều này xem ra có vẻ võ đoán! Tại sao Thiên Chúa lại có thể tước khỏi bản thân tôi khả năng thoả mãn khát vọng thâm sâu này?

Tôi thiết nghĩ rằng tất cả mọi người, dù đã lập gia đình hay sống độc thân, tu sĩ hay giáo dân, phải học để tập thích ứng với những giới hạn của sự thân mật mà mọi người buộc phải đối diện. Giấc mơ về mội cuộc hiệp thông toàn diện là huyền thoại vốn đã xui khiến một số tu sĩ khát khao lập gia đình, và một số người đã lập gia đình lại mong muốn xây dựng gia đình với một người khác nữa. Hẳn nhiên sự thân mật chỉ hạnh phúc nếu chúng ta chấp nhận những giới hạn của nó. Chúng ta có thể phóng chiếu trên những cặp vợ chồng một sự thân mật tuyệt đẹp và toàn diện, nhưng trong thực tế đây lại là điều bất khả và chỉ là sự phóng chiếu những giấc mơ của chúng ta mà thôi. Rilke đã hiểu rằng không thể có một sự thân mật đích thực nơi đôi vợ chồng, nếu mỗi người không nhìn nhận rằng người khác, theo một cách nào đò, vẫn luôn đơn độc. Tất cả mọi người đều giữ kín một phần cô đơn nào đó xung quanh mình vốn không thể bị tiêu diệt. “Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là một cuộc hôn nhân trong đó người này làm cho người kia trở thành kẻ canh gác nỗi cô đơn của mình, và dành cho người kia sự tin tưởng (...) Một khi người ta đã thấu hiểu và chấp nhận rằng, ngay cả giữa những người gần gũi nhất, vẫn luôn tồn tại những khoảng cách vô biên, thì khi đó người ta có thể sát cánh cùng nhau phát triển một cuộc sống diệu huyền, và nếu họ biết yêu mến khoảng cách giữa họ với nhau vốn đã cống hiến cho mỗi người khả năng để nhìn thấy người khác toàn diện hơn dựa trên một hậu trường rộng lớn và tuyệt vời.” [3]


Tiến đến gần trung tâm cuộc đời người khác


Không ai có thể đem đến cho chúng ta sự thoả mãn toàn diện đối với những điều chúng ta đang khao khát. Điều này chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa. Rowan Williams, một người chồng và là tổng giám mục Cantobéry, đã viết: “Một con người trở nên trưởng thành và trung tín khi mà người ấy ý thức được về căn bệnh vô phương chữa khỏi của những khát vọng trong bản thân mình: thế giới này là như thế đó, chẳng có cái gì ban tặng cho người nào đấy một căn tính mà lại không có thiếu sót và cần phải hoàn thành” [4] . Hoặc theo Jean Vanier: “Nỗi cô đơn nằm sâu trong hữu thể con người, bởi vì chẳng có điều gì trong cuộc đời này có khả năng thoả mãn hoàn toàn những nhu cầu của trái tim con người.” [5]


Đối với những người đã lập gia đình, thì sự thân mật diệu huyền là điều khả dĩ nếu một khi người ta biết chấp nhận là kẻ canh gác nỗi cô đơn của người khác, như Rilke đã nói; và đối với chúng ta là những người không lập gia đình hay dấn thân vào đời sống độc thân, cũng có thể khai mở được một sự thân mật thâm sâu và diệu huyền với những người khác. Hạn từ intimité (thân mật) phát sinh từ hạn từ trong La ngữ là intimare, có nghĩa: “sống liên hệ mật thiết với những gì là thâm sâu nhất nơi một người khác”. Bởi vì tôi là một tu sĩ, lời khấn thanh khiết đã cống hiến cho tôi khả năng để trở nên thân mật một cách khó tin với những người khác. Bởi vì tôi chẳng có sổ nhật ký bí mật và tình yêu của tôi không phải là để tàn phá cũng chẳng phải để chiếm hữu, nên tôi có thể tiến đến rất gần trung tâm cuộc sống của một số người.


Cái bẫy được đặt đối lập với sự ám ảnh không hệ tại ở chỗ đặt người khác thay vào vị trí của Thiên Chúa, nhưng là biến người khác trở thành một đối tượng thuần tuý, một điều gì đó có khả năng thoả mãn những nhu cầu tính dục. Dục vọng bịt mắt chúng ta không cho nhìn thấy người khác với tư cách là một ngôi vị, nhìn thấy sự mỏng giòn cũng như những phẩm tính của họ. Thánh Tô-ma, khi viết về đức thanh khiết, đã nói rằng khi con sư tử nó nhìn thấy một con nai cái, là nó nhìn thấy một bữa ăn, và rằng dục vọng đã biến chúng ta trở thành những kẻ săn bắt, những động vật săn mồi nhìn thấy những gì chúng có thể ngấu nghiến. Còn ở đây, sự thanh khiết cốt ở chỗ sống trong thế giới thực hữu. Sự thanh khiết mở mắt chúng ta và giúp chúng ta nhận ra rằng cái đang ở trước mặt chúng ta hiện hữu, vâng, đúng như vậy, một thân thể mỹ miều, nhưng thân thể này lại là một con người. Thân thể này không phải là một đối tượng, nhưng là một chủ thể. Tôi xin trích dẫn Hederman thêm một lần nữa: “Lời khấn thanh khiết ngăn cản những bước chân của kẻ săn mồi không cho phép thực hiện điều mà chúng muốn tiến hành theo lẽ tự nhiên: đặt bẫy săn những người khác và như thế là đang tiến gần tới chỗ trở thành một động vật săn mồi “ [6]. Điều vô cùng khủng khiếp trong những câu chuyện về lạm dụng tình dục thường là đã có một sự chuẩn bị được tính toán khéo léo.


Người ta có thể tin rằng dục vọng là một đam mê tính dục không thể làm chủ được, một nỗi khao khát tính dục phóng túng. Nhưng thánh Augustinô, người đã trải nghiệm sâu xa trong vấn đề này, lại cho rằng dục vọng là nỗi khát khao muốn được thống trị tha nhân hơn là khát khao khoái lạc tình dục. Dục vọng liên quan đến libido thống trị (libido dominandi), nỗi khát khao muốn được thống trị đã biến chúng ta trở thành Thiên Chúa. Dục vọng liên quan đến quyền lực nhiều hơn là liên quan đến tính dục. Như Sébastien Moore[7] đã viết điều này: “Dục vọng không phải là một đam mê tính dục thoát ra khỏi sự kiểm soát của ý chí, nhưng là một đam mê tính dục nhằm chiếm một chỗ đứng trong ý chí của Thiên Chúa (...) Trách nhiệm của chúng ta không phải là bắt đam mê tính dục phải tuân phục ý chí, nhưng là phục hồi nguyên vẹn cho đam mê tính dục bản tính khao khát đích thực của nó, là tìm thấy cội nguồn và cứu cánh trong Thiên Chúa, và sự giải thoát được thực hiện nhờ ân sủng của Thiên Chúa được thể hiện trong đời sống, lời giáo huấn, cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô.”


Mối nguy hiểm của việc biến chính mình thành một vị Thiên Chúa


Để vượt qua dục vọng này, thì bước đầu tiên không phải là triệt tiêu hết mọi khao khát, nhưng là phục hồi, giải phóng, và tái khám phá rằng những điều mà khao khát này nhắm đến không phải là một đối tượng nhưng là một con người. Có quá nhiều vụ tai tiếng đáng buồn về tội lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên do các linh mục hay tu sĩ không có đủ khả năng đế đảm nhận những mối tương quan trưởng thành với những đối tác bình đẳng với mình! Họ chỉ có thể tìm kiếm những mối tương quan ở nơi đâu mà họ có quyền lực và thế giá. Họ phải làm như thế, vì họ không muốn bản thân mình có thể bị tổn thương. Trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su cầm lấy bánh, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em”. Ngài đã tự hiến chính mình. Thay vì bắt các môn đệ phải phục tùng mình, Đức Giê-su đã tự hiến tế vì họ để thực hiện những điều họ mong muốn. Và chúng ta biết rõ đâu là những điều họ sắp thực hiện. Đây là sự tổn thương ghê gớm của một tình yêu đến cùng.


Dục vọng và ám ảnh có thể xem ra khá khác nhau, và tất nhiên cái này là phản ánh chính xác của cái kia. Trong ám ảnh, người ta biến người khác trở thành một vị Thiên Chúa, còn trong dục vọng người ta biến chính mình trở thành Thiên Chúa. Trong trường hợp này, người ta tỏ ra mình hoàn toàn bất lực, và trong trường hợp kia người ta khát khao quyền tuyệt đối. Rowan Williams viết rằng: “Tình yêu là sự do dự giữa thái độ vị kỷ và tinh thần quên mình” [8]. Tình yêu mang đến cho chúng ta một cảm thức mãnh liệt về chính bản thân chúng ta, nhưng đồng thời tình yêu cũng khiến cho chúng ta không còn ý thức nữa. Dục vọng có thể xuất hiện khi mà thái độ vị kỷ thắng thế, và ám ảnh xuất hiện khi tinh thần quên mình đánh mất toàn bộ ý nghĩa căn tính của mình.

Như thế, sống thanh khiết cốt ở chỗ sống trong thế giới thực hữu, có nghĩa là nhìn người khác (nam hay nữ) như họ đang là, và chính bản thân mình như mình đang là. Họ chẳng phải là những vị thần vị thánh và cũng chẳng phải là một khối thịt thuấn tuý. Chúng ta, cả hai đều là con cái Thiên Chúa. Chúng ta có một lịch sử. Chúng ta đã thực hiện những lời khấn, lời hứa. Người khác cũng đã thực hiện những cam kết, có thể với tư cách là một đối tác hay một phối ngẫu. Chúng ta, những linh mục hay tu sĩ, chúng ta đã hiến mình cho Hội Dòng của chúng ta và cho giáo phận của chúng ta. Chính trong tư cách là những người đã đảm nhận và được liên kết qua những cam kết khác nhau, nên chúng ta có thể phải học để biết yêu thương với một con tim cởi mở và một đôi mắt luôn biết nhìn xa trông rộng.


Thực hiện được điều này rất khó bởi vì chúng ta đang sống trong thế giới của internet. Đây là một thế giới của thực tại ảo, trong đó người ta có thể sống trong những thế giới tưởng tượng như thể chúng đang hiện hữu thực vậy. Chúng ta đang sống trong một nền văn hoá vốn rất khó phân biệt giữa cái tưởng tượng với cái có thực. Tất cả đều khả dĩ trong cái thế giới ảo này. Chinh vì vậy, sự thanh khiết trở nên khó khăn: sự thanh khiết là một nỗ lực không ngừng để nhìn thấy thực tại.

Như vậy, làm thế nào chúng ta có thể hạ cánh xuống lại trên mặt đất này? Tôi xin được nêu bật ba giai đoạn. Chúng ta cần phải học để biết mở rộng đôi mắt và để nhìn thấy khuôn mặt của những anh chị em đang hiện hữu trước mắt chúng ta. Liệu đã có bao nhiêu lần chúng ta thực sự chú ý đến khuôn mặt của những người khác đích thị như họ đang là? Brian Pierce, tu sĩ Đa-minh người Mỹ, đang viết một cuốn sách nhằm so sánh tư tưởng của Tôn sư Eckharl, một nhà thần bí Đa-minh thế kỷ XVI, với tư tưởng của Thích Nhất Hạnh, một phật tử (un Bouddhiste) thế kỷ XX. Đôi với cả hai vị, điểm khởi đầu của đời sống chiêm niệm chính là giây phút hiện tại, đây là điều các anh em Phật tử gọi là “ý thức”. Chỉ có giây phút hiện tại mới là thực hữu. Chính trong giây phút này đây mà tôi đang sống, và do đó chính trong giây phút này đây tôi có thể hội ngộ với Thiên Chúa. Tôi cần phải đạt được sự thanh thản để thôi không còn âu lo về quá khứ và tương lai nữa. Hiện tại là khoảnh khắc mà trong đó cái vĩnh cửu bắt đầu lên ngôi. Eckhart hỏi: “Ngày hôm nay, nó là cái gì vậy?” Và ông trả lời: “Vĩnh cửu”.


Nghệ thuật sống một mình


Trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su thấu hiểu và ôm choàng lấy giây phút hiện tại. Thay vì lo lắng về những việc Giu-đa dã làm hay việc quân lính sắp đến gần, Đức Giê-su đã sống giây phút hiện tại, Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: “Đây là mình Thầy hiến tế vì anh em”. Mỗi lần cử hành Thánh Thể là một lần dìm chúng ta vào trong cái hiện tại vĩnh cửu này. Chính trong khoảnh khắc này tôi có thể hiện diện với một người khác, thanh thản và lặng lẽ trong sự hiện diện của người ấy. Tôi quá bận rộn, cứ tất tả chạy ngược chạy xuôi, cứ mải suy nghĩ đến những gì sẽ xảy ra sau đó, đến độ tôi không còn khả năng để nhìn thấy khuôn mặt đang đối diện với tôi, nhìn thấy vẻ đẹp cũng như những vết thương lòng, nhìn thấy niềm vui và những khổ đau của khuôn mặt ấy nữa. Như thế, sự thanh khiết sẽ giúp cho đôi mắt tôi được rộng mở!


Kế đến tôi có thể học nghệ thuật sống một mình. Tôi không thể sống hạnh phúc với những người khác trừ khi tôi có khả năng để sống một mình. Nỗi cô đơn khiến tôi khiếp sợ, vì vậy khi tôi ôm ấp những người khác vào lòng không phải bởi vì tôi vui thú cùng với họ, nhưng như thể một giải pháp cho vấn đề của tôi. Tôi coi những người khác như một phương tiện để lấp đầy sự trống rỗng và nỗi cô đơn khủng khiếp của tôi. Như thế, tôi không thể hoan lạc cùng với họ vì sự thiện hảo riêng của họ. Và như vậy, khi ta hiện diện với một người khác, thì đây phải là một cuộc hiện diện thực sự, và khi ta sống một mình, thì vấn đề quan trọng là phải học để biết yêu mến sự cô đơn. Nếu khác đi, thì khi ta hiện diện với một người khác, ta sẽ bám chặt lấy người ấy cho đến khi làm cho người ấy chết ngạt!


Cuối cùng; tất cả mọi xã hội đều sống với câu chuyện của mình. Xã hội chúng ta có những câu chuyện truyền thống riêng của nó. Đó thường là những câu chuyện lãng mạn: một chàng trai gặp một thiếu nữ (hay đôi khi một chàng trai gặp một chàng trai), nếu cả hai phải lòng nhau và sống hạnh phúc dài lâu. Đó là một câu chuyện đẹp, thường xảy ra. Nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng trong cuộc tình đó, chỉ có một phiên bản khả thể duy nhất như thế mà thôi, thì chúng ta đang sống với những khả thể rất giới hạn. Trí tưởng tượng của chúng ta cần phải được nuôi dưỡng bằng những phiên bản khác nữa, vì những câu chuyện này có khả năng nói cho chúng ta biết các cách thế sống và yêu thương. Khi đứng trước những người trẻ, chúng ta cần phải biểu lộ những cách thế vô cùng đa dạng để ta có thể gặp gỡ tình yêu của họ và trao tặng cho tình yêu đó một ý nghĩa. Chính vì lẽ ấy, cuộc đời các vị thánh thật quan trọng vô cùng. Cuộc đời của các vị cho chúng ta thấy rằng có biết bao là cách sống anh hùng, dù là người lập gia đình hay sống độc thân, dù là tu sĩ hay giáo dân. Một bản tự truyện đã đánh động tôi rất nhiều: bản tự truyện của Nelson Mandela, The Long Road to Freedom. Đây là một con người đã dành toàn bộ cuộc đời mình vì công lý và làm cho chủ nghĩa apartheid sụp đổ, và điều này càng có ý nghĩa khi mà ông không được sống đời sống hôn nhân mà ông đã rất khao khát, và vẫn còn khao khát trong suốt những năm tháng bị cầm tù. Như thế, bước chân đầu tiên tiến đến sự thanh khiết đó là đặt chân xuống bước đi trên mặt đất này. Tôi sẽ nhanh chóng đề cập đến hai bước khác.


Chia sẻ tình yêu của chúng ta


Giai đoạn thứ hai, rất sơ lược, cốt ở chỗ mở rộng tình yêu của chúng ta, đến nỗi tình yêu không còn ở lì trong cái thế giới nhỏ bé riêng tư mà tình yêu tìm thấy nơi ẩn náu trong đó. Tình yêu của Đức Giê-su đã được mặc khải khi Ngài cầm lấy bánh và bẻ ra ngõ hầu chính bản thân Ngài có thể được chia sẻ. Khi chúng ta khám phá ra tình yêu, chúng ta không nên giữ kín tình yêu ấy trong cái tủ nhỏ bé riêng tư trong hốc tường để khoái lạc một mình, như thể một chai Whisky được cất giấu vụng trộm để uống mảnh, cần phải mở rộng tình yêu này với những người khác, chia sẻ tình yêu với họ và làm cho họ được lợi từ tình yêu này. Chúng ta phải chia sẻ tình yêu của chúng ta với các bằng hữu của chúng ta, và các bằng hữu của chúng ta với những người mà chúng ta thương mến. Như vậy, một tình yêu riêng tư sẽ trở nên phổ quát.


Vượt trên tất cả, trong mọi thứ tình yêu chúng ta đều có thể mở ra một không gian cho Thiên Chúa để Ngài cư ngụ tại đó. Chính mầu nhiệm tình yêu là Thiên Chúa có thể sống trong mọi tình yêu riêng tư. Khi chúng ta yêu thương sâu xa một ai đó, thì Thiên Chúa đã hiện diện nếu, ít ra, chúng ta biết nhìn ra Ngài trong tình yêu này. Đúng hơn hãy coi những tình yêu của chúng ta như thể đang tranh đua với Thiên Chúa, chúng ta cần ý thức rằng tình yêu của chúng ta phải dành cho Thiên Chúa một khoảng không để Ngài có thể cắm lều cư ngụ tại đây. Như Bède Jarrett đã nói điều này với Hubert van Zeller: “Nếu anh cứ nghĩ rằng một điều duy nhất phải làm là sống thu mình trong cái vỏ sò của chính mình, anh sẽ chẳng bao giờ thấy được Thiên Chúa đáng yêu như thế nào đâu. Anh phải yêu thương P và tìm kiếm Thiên Chúa trong P (..). Hãy đánh giá cao tình bạn của anh, hãy trả giá cho tình bạn ấy bằng nỗi đau khổ của anh, anh hãy nhớ đến tình bạn ấy trong thánh lễ của anh, và nên luôn có một người thứ ba. Phần mở đầu tác phẩm Tình bạn thiêng liêng của Aered de Rievaulx [9] viết như sau: ‘Chúng ta đây, anh và em, và anh hy vọng rằng giữa hai chúng ta, Đức Ki-tô là người thứ ba’. Thật tuyệt vời phải không? Nếu anh chạy trốn tình yêu, thì anh sẽ chẳng bao giờ thấu hiểu được Thiên Chúa đáng yêu dường nào; nhưng nếu anh không để cho Thiên Chúa bước vào trong cuộc tình này và dâng tặng Người tình yêu ấy, thì anh cũng không thể nào hiểu biết được mầu nhiệm của tình yêu này. Nếu chúng ta tách tình yêu của chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, cũng như ra khỏi những người khác, thì cả hai sẽ đầy tràn nỗi cay đắng và sẽ trở thành không lành mạnh. Đây chính là ý nghĩa của việc ‘sống đời lứa đôi’.”


Giai đoạn thứ ba, có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất, đó là tình yêu của chúng ta phải đem lại tự do cho con người. Tất cả mọi thứ tình yêu, cho dù là tình yêu của những người đã lập gia đình hay tình yêu của những người sống độc thân, phải là một tình yêu mang tính giải phóng. Tình yêu của người chồng và của người vợ phải mở ra những không gian tự do rộng lớn, và, đối với chúng ta là những linh mục hay tu sĩ, thì điều này lại còn đúng hơn nữa. Chúng ta phải yêu thương mọi người đến độ họ được tự do để yêu thương những người khác hơn chúng ta. Thánh Augustinô gọi vị giám mục là người bạn của chàng rể, amicus sponsi. Trong Anh ngữ, trong một hôn lễ, chúng ta vẫn thường nói đến best man (người phù rể). Người “đàn ông nổi bật nhất” này không cố gắng lôi kéo tình yêu của cô dâu, và thậm chí cũng chẳng phải để lôi kéo tình yêu của các cô phù dâu! Chàng phù rể này lôi hướng về một người khác.


Ngày kia, một tu sĩ Đa-minh người Pháp đã so sánh Thiên Chúa với một quý ông (gentleman) người Anh vô cùng nhã nhặn đến nỗi ông tuyệt nhiên không bao giờ mong muốn áp đặt lên những người mình thương yêu. Ông ngoảnh mặt đi không nhìn vào chỗ cánh cửa hé mở để bảo đảm rằng tất cả những biểu hiện tình cảm yêu thương của họ sẽ diễn tiến thật tốt đẹp, rồi sau đó, ngay cả khi ông rất muốn ở lại đây, ông đã biến mất để lại họ chỉ hai người với nhau thôi. C. S. Lewis diễn tả điều này cách khác: “Một trong những đặc quyền của Thiên Chúa là luôn luôn ít được yêu hơn là yêu” [10] . Thiên Chúa luôn luôn là Đấng yêu thương hơn là được yêu thương. Đó cũng có thể là ơn gọi của chúng ta. Như Auden đã viết điều này: “Nếu không thể có một tình cảm bình đẳng, thì tôi xin được là người tình tuyệt vời nhất” [11] .


Điều đó giả thiết là phải làm như thế nào đó để không chiếm lấy trung tâm đời sống của những người khác và không biến họ trở thành những người lệ thuộc chúng ta. Chúng ta phải không ngừng nỗ lực cống hiến cho họ những nâng đỡ và trợ lực khác, ngõ hầu chúng ta ngày càng trở nên ít quan trọng hơn đối với họ. Điều này muốn nói rằng có thể có một vấn nạn luôn được đặt ra: liệu tình yêu của tôi có làm cho người tôi yêu trở nên mạnh mẽ hơn, độc lập hơn, hay nó lại làm cho người này trở nên yếu nhược hơn, lệ thuộc tôi nhiều hơn?


Thôi, đủ rồi ! Tôi phải dừng lại thôi, tất nhiên là sau một suy tư cuối cùng. Học để biết yêu thương là một tiến trình đầy nguy hiểm. Chúng ta chẳng biết được tiến trình này có thể đưa chung ta đi đến đâu. Chúng ta sắp khám phá một sự đảo lộn toàn bộ cuộc đời của chúng ta. Khi điều đó xảy chắc rằng đôi khi chúng ta bị tổn thương đấy. Có một con tim bằng đá thì dễ hơn nhiều là có một con tim bằng thịt, nhưng trong trường hợp này chúng ta sẽ chết toi! Một khi đã chết, thì chúng ta không thể nào nói về Thiên Chúa hằng sống được. Nhưng phải sống cái chết và sự phục sinh này như thế nào đây?


Mỗi lần cử hành Thánh Thể, chúng ta nên nhớ rằng Đức Giê-su đã đổ máu mình ra để thứ tha tội lỗi. Điều đó không muốn nói là Ngài phải làm nguôi cơn giận lôi đình của Thiên Chúa; thậm chí điều đó không chỉ muốn nói rằng nếu chúng ta phạm phải lỗi lầm thì đi xưng thú và được tha thứ là đủ rồi đâu. Quả là có muốn nói đến điều đó, nhưng còn hơn thế nữa. Điều muốn nói là, trong tất cả mọi cuộc vật lộn của chúng ta nhằm trở thành những con người sống động và biết yêu thương, thì Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Ân sủng của Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong những giờ phút thất bại và bối rối, để nâng đỡ và vực chúng ta đứng dậy. Chẳng khác nào như, ngày Chúa nhật Phục sinh, Thiên Chúa đã biến đổi ngày Thứ sáu tuần thánh trở thành một ngày chúc phúc, chúng ta có thể tin tưởng rằng tất cả mọi nỗ lực yêu thương của chúng ta sẽ đơm bông kết trái. Như thế chẳng còn lý do để chúng ta sợ hãi! Chúng ta có thể gieo mình vào cuộc mạo hiểm hướng đến cái chưa biết với niềm tín thác và can đảm.


(Hết)

Lm. Timothy Radcliffe, OP.

(Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Hữu Nghị, OP.)


 


[1] Sonnet XXVII.

[2] Octavio Paz: thi sĩ Mê-xi-cô (giải thưởng Nobel văn chương năm 1990), 1914-1998.

[3] Rainer Maria Rilke: thi sĩ của Đức ngữ, 1875-1926.

[4] Lost Icons , tr 153.

[5] Đón nhận nhân tính của chúng ta , Presses de la Renaissance, 1999.

[6] Hedehnan, op. cit., 96.

[7] Sébastian Moore: tu sĩ dòng Biển-đức người Anh. Hederman trích dẫn, op. cit., tr 105.

[8] Lost icons , tr. 156.

[9] Aelred, viện phụ dòng Xi-tô tại Rievaulx, thuộc miền bắc nước Anh (1109-1167). Tác giả của nhiều tác phẩm viết về linh đạo [ghi chú của toà soạn thêm vào, không phải của chính tác giả].

[10] Lewis, op. cit., tr. 184.

[11] Wystan Hugh Auden, thi sĩ thần bí người Anh (khi trưởng thành đã trở lại Anh giáo), 1907-1973. Collected Shoter Poems (London, 1966), tr. 282.

Nguồn tin: Đa Minh
Tags :