Ý Nghĩa Thần Học Toát Yếu Về Thời Gian

Mon,25/05/2020
Lượt xem: 3074

 

Chuyển dịch từ bài viết: A brief theology of time

Tác giả: Dr. Paul Mills

Biên dịch: Trọng Quyền (K.XIII)

 

“Thế thời gian là gì? Khi không ai hỏi thì tôi biết; còn khi ai đó hỏi và tôi muốn giải thích thì tôi không còn biết nữa.”[i]

 Tóm lược

Bài viết này duyệt lại chứng cớ Kinh Thánh về Thiên Chúa là Đấng siêt việt trên thời gian nhưng cũng là Đấng hoạt động trong thời gian. Những thách thức đối với quan điểm này bao gồm sự phát triển của thuyết hữu thần tự nhiên (free-will theism), thuyết này liên kết với những khám phá của thuyết hỗn loạn (chaos theory) và cơ học lượng tử (quantum mechanics). Tuy nhiên, quan điểm chính thống về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và thời gian là câu trả lời thuyết phục cho sự liên kết giữa các thuyết này và duy trì giải pháp làm thỏa mãn một cách sâu xa nhất đối với vấn nạn về thời gian. Những kết quả này là những đánh giá mang tính đổi mới về quyền thống trị của Thiên Chúa đối với vũ trụ, niềm tin vào việc cầu nguyện và là niềm hy vọng chắc chắn cho tương lai.

Dẫn Nhập

Chúng ta là những thụ tạo trần tục mang trong mình tuổi thọ giới hạn. Lối sống Phương Tây nổi bật bởi dành nhiều sự quan tâm đối với thời gian đến nỗi họ coi sự phát minh ra đồng hồ và máy in, là những phát minh có ảnh hướng lớn nhất của thiên niên kỷ này. Trong các xã hội ít quan tâm đến dòng chảy của thời gian, người ta xem người Tây Phương như là ‘kẻ mang những vị thần trên cổ tay’ vậy. Sự vụt qua của thời gian là một chủ đề lan tràn trong khoa học viễn tưởng.

Tuy nhiên, đối với thánh Augustinô, dù cho lý trí chúng ta biết thời gian là gì và có thể hiểu ra ý nghĩa trôi qua của thời gian, nhưng chúng ta rất khó để định nghĩa về nó. Chúng ta hiểu thời gian là sự tiếp cận của chúng ta tới ‘tương lai’, vượt qua ranh giới ngắn ngủi vụt mất của ‘hiện tại’, vào trong ‘quá khứ’, nhưng chúng ta không thể hiểu được rằng liệu quá khứ và tương lai có tồn tại những thực tại khác so với những khoảnh khắc ở hiện tại không. Ngay cả khi những nhà vật lý học đang nói về thời gian lúc này thì liệu nó có giống với khoảng không gian của một phần tư hiện tại hay không, giống như kiểu tất cả các vị trí của thể liên tục không gian thời gian đều xác thực như nhau.

Bài này không đưa ra một tranh luận rốt ráo về thời gian, nhưng tập trung vào mạc khải Kinh Thánh về mối liên hệ của Thiên Chúa với thời gian, vì sao con người từ chối hay phá vỡ mối liên hệ đó, và cuối cùng là những gợi ý thực tiễn để chúng ta sống trong thời gian.

Mối liên hệ của Thiên Chúa và thời gian

Chứng cớ Kinh Thánh nhìn nhận sự cân bằng thuở ban đầu giữa việc nhấn mạnh sự siêu việt của Thiên Chúa trên thời gian và Thiên Chúa hiện diện cách sống động trong việc duy trì vũ trụ.

Thiên Chúa hiện hữu đời đời bên ngoài sự hữu hạn của thời gian

Vì chúng ta là những hữu thể hữu hạn, nên chúng ta phải chiến đấu để đạt được một tình trạng vượt khỏi thời gian. Điều này dường như sẽ bất khả dĩ khi chúng ta dựa vào một cái gì đó không có một ‘khởi đầu’. Vì thế, trong giới hạn ngôn ngữ, các tác giải Kinh Thánh chuyển tải cho ta về Thiên Chúa tồn tại đời đời. Cách riêng, danh Thiên Chúa ‘TA LÀ ĐẤNG TA LÀ” – cụm từ này dường như để chỉ sự hiện hữu liên tục ngay ở hiện tại của Thiên Chúa (Xh  3,14). Đức Kitô là Đấng ‘Anpha và Ômêga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến’ (Kh 1,8). Thiên Chúa là Đấng ‘từ muôn thuở cho đến muôn đời’ (Tv 90,2). Với định nghĩa như thế, thì mọi sự suy đoán về ‘những gì trước Thiên Chúa’ sẽ trở nên phù phiếm.

Thiên Chúa đi vào thời gian bằng hành động sáng tạo

Khi Thiên Chúa bắt đầu sáng tạo vũ trụ này, thì thời gian bắt đầu, sự kế tiếp nhau của các khoảnh khắc và các sự kiện cũng bắt đầu (x. St 1,1; Ga 1,1-3; Cl 1,16-17). Như vậy, thời gian không tự hiện hữu nhưng cùng với sự sáng tạo, nó phụ thuộc vào lệnh truyền sáng tạo của Thiên Chúa để có được sự khởi đầu. Luận chứng này trùng khớp với những khám phá vũ trụ hiện đại về sự liên kết giữa thời gian và không gian tới mức cái này không thể tồn tại nếu như thiếu vắng cái kia, luận chứng này, trước đó đã được thánh Augustinô suy tư khi ngài cho rằng thời gian là một khái niệm vô nghĩa nếu không có sự hiện hữu của vũ trụ mà trong đó các tiến trình xảy ra: nếu vật chất tồn tại mà không có gì biến đổi, thì ‘thời gian’ chắc hẳn sẽ không có ý nghĩa gì (Augustinô, Confessions, XI, 14).

Thiên Chúa thiết lập ngày Sabát để nhắc nhở chúng ta về quyền năng của Ngài trên thời gian

Ngày Sabát được thiết lập để giành lại quyền sáng tạo của Thiên Chúa trong thời gian và để hạn chế thời biểu làm việc cho con người (Xh 20,8-11; Đnl 5,12-15). Cùng với bốn mùa, ngày Sabát thiết lập nên một khuôn mẫu nhịp nhàng trong thời gian và nó như là một nhắc nhở cuối tuần về quyền năng Thiên Chúa trên thời gian. Chính việc nạp thuế thập phân là sự nhìn nhận việc cung cấp vật chất và quyền sở hữu tối thượng của Thiên Chúa đối với của cải con người, vì thế việc giữ luật ngày nghỉ để xác nhận quyền sở hữu của Thiên Chúa đối với thời gian của con người.

Thiên Chúa là Đấng bất biến trên thời gian

Trong khi vũ trụ thụ tạo gắn liền với sự thay đổi theo thời gian, thì Thiên Chúa vẫn ‘vạn đại trường tồn’ đối với sự qua đi của thời gian. Quy luật thứ hai của nhiệt động lực học đánh dấu ‘hướng đi của thời gian’ bằng miêu tả vũ trụ đang bị bào mòn dần năng lượng bởi tiến trình phân rã, nhưng Thiên Chúa thì bất biến với tiến trình này. Ngay cả khi các tầng trời và bộ mặt trái đất này qua đi, thì Thiên Chúa vẫn ‘vạn đại trường tồn’ (Tv 102,25-27). Thiên Chúa ‘không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng’ (Gc 1,17). Sự bất biến cũng là một thuộc tính của Đức Kitô, Người ‘vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời’ (Hr 13,8). Tuy nhiên, điều này không loại trừ khả năng ‘các sự kiện’ xảy ra trong hữu thể bất biến của Thiên Chúa.

Thiên Chúa không phải là Đấng miễn cưỡng bởi sự qua đi của thời gian nhưng là Đấng thấu suốt cùng lúc mọi sự bằng sự phân chia rõ ràng.

 ‘Đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày’ (2 Pr 3,8; x. Tv 39,4). Còn đối với con người, một ngày 24 giờ. Chúng ta không thể tăng hay giảm tốc đối với sự qua đi của thời gian. Cho dù chúng ta có thể đạt đến tốc độ của ánh sáng đi nữa thì cũng không thay đổi được cách chúng ta cảm nhận sự qua đi của thời gian. Còn Thiên Chúa thì tự do khỏi mọi giới hạn thời gian nhưng con người thì phải kinh qua thời gian một cách chặt chẽ và không thể lay chuyển đối với các đơn vị thời gian. Thiên Chúa không chỉ chiếm hữu cả ‘tiến tốc’ và ‘tầm vóc ổn định’ nhưng còn đứng ngoài thời gian và Người không bị giới hạn đối với sự thay đổi bởi các khoảnh khắc. Đối với Thiên Chúa, một cách nào đó, tất cả sự hiện hữu của thụ tạo đều là ‘hiện tại’.

Theo C.S Lewis: ‘Nếu bạn tưởng tượng Thời Gian như một đường thẳng mà chúng ta phải đi thì bạn phải hình dung Thiên Chúa là một trang giấy mà chúng ta vẽ đường thẳng đó lên trên. Chúng ta đi tới từng phần một của con đường đó: chúng ta phải rời A trước khi chúng ta tới B, và không thể đến C trừ khi chúng ta đã đi qua B. Thiên Chúa, từ trên, hoặc bên ngoài hay khắp mọi nơi, Ngài chứa đựng toàn bộ con đường đó và Ngài thấu suốt nó.’ [1]

Thời Gian là một tiến trình thông suốt mang kết thúc xác định

Cũng có một số tác giả Kinh Thánh mô tả lịch sử mang những đặc tính tuần hoàn, [2] nhưng viễn cảnh quan trọng hơn cả thì cho rằng thời gian trong vũ trụ là sự thông suốt, nó có khởi đầu (lúc tạo dựng) và có kết thúc (x. Cv 17,30-31). Chúng ta không biết chính xác lúc thời gian chấm dứt, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi (Mc 13,32). Lịch sử có một điểm kết cố định, và do đó lịch sử là một điểm đến. Điều này đặc biệt đối lập với khái niệm thời gian của Ấn Độ giáo, vì họ cho rằng thời gian cứ tái tấu và tuần hoàn cách bất tận, chính điều này dẫn đến sự vô cảm đối với hậu quả của hành vi con người trong thời gian. Trái lại, niềm tin cho rằng thời gian có khởi đầu và có kết thúc sẽ khuyến khích con người hành động có mục đích (Tv 90,10.12)

Chỉ một mình Thiên Chúa biết trước tương lai

Một hệ quả quan trọng về sự hiện hữu tự do của Thiên Chúa trong ‘hiện tại’ làm cho tương lai, theo nghĩa đen, là một cuốn sách mở. Sự lĩnh hội này cũng được chuyển tải đến các ngôn sứ và các Tông Đồ của Thiên Chúa: ‘Ta là Thiên Chúa, và chẳng có thần nào như Ta. Hãy nhớ lại những chuyện thuở ban đầu, những chuyện thời xa xưa, những chuyện xảy ra sau…’[3] Sự thấu tỏ của Thiên Chúa mở ra hiểu biết về sự hiện hữu cá vị của con người: ‘Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Lạy Chúa…mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự’ (Tv 139,4.16).

Thiên Chúa hành động trong thời gian để dẫn ta về cùng đích của Ngài

Sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng Thiên Chúa tách rời khỏi dòng thời gian, như thể Thiên Chúa vuốt nhẹ lên tờ giấy xanh nhạt lúc tạo dựng và rồi sau đó Người rút vào nghỉ ngơi trong sự vô tận. Nhưng đúng hơn, Thiên Chúa gìn giữ và duy trì cách sống động công trình tạo dựng với mỗi khoảnh khắc hiện hữu của nó (Cl 1,16), và Người hoạt động trong thời gian nhằm dẫn đưa về cùng đích theo ý định của Người qua lời tiên tri của các ngôn sứ (Cv 3,18). Truyền thống Kitô giáo gốc Do Thái không ngừng nhìn lại những giai đoạn trong lịch sử khi Thiên Chúa hành động trong thời gian để nhìn về ơn cứu độ rộng lớn hơn (chẳng hạn như sách Xuất Hành).[4]

Truyền thống này thể hiện rõ ràng nhất trong biến cố Nhập Thể: ‘Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài tới, sinh làm con một người đàn bà’ (Gl 4,4-5) và trên cây Thập Giá: một ‘lời chứng đúng thời đúng buổi’ (1 Tm 2,6). Niềm tin vào hoạt động của Thiên Chúa trong thời gian là nền tảng căn bản cho việc cầu nguyện – Giả như Thiên Chúa bất lực để can thiệp trong lịch sử thì lời cầu nguyện sẽ trở nên vô nghĩa. Chính niềm xác tín này đối với tính nội tại của Thiên Chúa trong lịch sử giúp phân biệt Đức Giavê của Kinh Thánh với Đức Allah của Kinh Qu’ran. Vì ý muốn của Đức Allah là định mệnh cố định trên con người, nên người Hồi Giáo không cầu nguyện để Allah hành động theo một cách thế riêng biệt, nhưng trong tất cả mọi sự họ chỉ tìm cách làm thỏa mãn ý muốn Đức Allah. 

Vì vậy, khung cảnh Kinh Thánh nói về mối liên hệ của Thiên Chúa với lịch sử bao gồm cả chủ quyền sáng tạo của Người, và hành động của Người trong lịch sử để kiện toàn mọi sự theo ý định của Người. Mô tả mối liên hệ của Thiên Chúa với lịch sử không bác bỏ việc ở trong hay ở ngoài Giáo Hội.

Thuyết Thần Giáo Tự Nhiên (Deism)

Vào các thế kỷ 17 và 18, thuyết này nảy sinh một niềm tin mạnh mẽ vào sự bền vững của quy luật tự nhiên – tức là Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ này theo một kiểu quy luật tiền định: Người điều khiển mọi vận động và hành vi của mỗi phần tử. Thiên Chúa không cần phải can thiệp với mỗi phẩn tử của vũ trụ này vì đường đi nước bước của chúng trong thời gian đã được sắp đặt ngay từ khởi đầu:

‘Thiên Chúa tạo dựng nên vật chất và ban cho chúng sức mạnh cần thiết, rồi Ngài để mặc chúng và không còn làm bất cứ điều gì khác ngoại trừ bảo tồn cho chúng hoạt động mà thôi.’ [5]

Thiên Chúa thiết lập các quy luật và điều kiện ban đầu theo kiểu chúng sẽ đạt được ý định của Người mà không cần bất cứ sự can thiệp nào khác. Khi cho rằng Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử ngầm ý có một giới hạn về quyền năng của Người, cũng như bác bỏ quy luật tự nhiên được tiền định trước.

Hai suy luận này đều rất hấp dẫn. Trước hết, là không có điều gì là ‘ngẫu nhiên’ cả, tức là mọi thứ diễn ra mà không có nguyên lý đồng nhất, thứ hai, diễn tiến tương lai của vũ trụ vật chất này, ít nhất là về mặt lý thuyết, được dự đoán một cách chính xác – tức là nếu chúng ta khám phá ra tất cả quy luật chi phối mỗi phần tử trong vũ trụ này, biết được vị trí, hướng đi, và tốc lực của chúng, và như vậy chúng ta đã có được một chiếc máy tính đầy đủ các chức năng. Bằng xác quyết mới nhất này (chẳng hạn như Laplace) đã trở thành cơ sở cho những nghiên cứu về quy luật tự nhiên suốt hai thế kỷ 17 và 18.

Thuyết này có nhiều điều hấp dẫn và thú vị. Nó lợi dụng uy tín của Thiên Chúa, và sự hoàn hảo từ công trình tạo dựng của Người. Nó cũng nhấn mạnh tính nội tại và sự tiền định của Thiên Chúa trong lịch sử. Nó làm cho vũ trụ này trở nên có thể nắm bắt được bằng việc mô tả nó theo kiểu những quy luật qua quan sát. Rồi nó biến hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa chỉ cần thiết trong một khoảnh khắc nào đó – tức là Thiên Chúa chỉ đơn thuần tạo dựng nên vũ trụ này, đặt quy luật chuyển vần cho nó rồi Người rút vào nghỉ ngơi ở một khoảng cách an toàn. Đó như là một sự hấp dẫn có vẻ hợp lý vì nó tránh được nhiều vấn đề liên quan đến niềm tin Thiên Chúa hiện hữu đời đời và hoạt động trong lịch sử.

Tuy nhiên, bằng cách khẳng định rằng các ‘quy luật’ của vũ trụ không thể bị phá vỡ bởi những kẻ đề xuất ra quy luật, thì thuyết này buộc phải đi đến việc nhìn nhận rằng không có sự xung khắc giữa bằng chứng Kinh Thánh đối với hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử. Chẳng hạn, ‘các phép lạ’ hoặc không thể xảy ra hoặc chỉ là một sự lầm lạc đáng lo ngại. Tương tự, việc cầu nguyện sẽ trở nên vô ích vì Thiên Chúa không thể hoạt động trong lịch sử để thay đổi những quy trình các sự kiện đã được tiền định trước. Nhưng thật ra, cầu nguyện là một tiến trình hình thành nên ước muốn nơi con người đối với kế hoạch tiền định của Thiên Chúa. Căn bản nhất, hoạt động của Thiên Chúa để gìn giữ vũ trụ này trong mỗi khoảnh khắc đã bị thuyết này chối từ.

Sự thiếu hiểu biết về Thiên Chúa và ý chí tự do con người

Tuy nhiên, so với thuyết thần giáo tự nhiên, có một sự phủ nhận phổ biến và lâu đời hơn đối với truyền thống cắt nghĩa dựa trên mạc khải Kinh Thánh, đó là chủ trương cho rằng Thiên Chúa không thể tiên liệu hay biết được tương lai. Chủ trương này không nhất thiết xuất phát từ bất cứ vấn nạn cố hữu nào về quan niệm Thiên Chúa ở ngoài lịch sử. Đúng hơn, các nhà triết học kể từ Cicero trở về trước đã từ chối sự tiền định của Thiên Chúa vì họ cho rằng nó xung khắc với ý chí tự do của con người: ‘Một hữu thể toàn năng…quán thông mọi sự thì dĩ nhiên là thông biết. Tuy nhiên, sẽ không có một chân lý tiền lệ nào thu hút sự lưu tâm đối với hành động tự do về tương lai riêng biệt của con người ngoại trừ khi chúng có thể hoặc không thể xảy ra. Do đó, Thiên Chúa không thể biết chúng cho đến lúc thời điểm của chúng lộ diện.’ [6] Đây là một kết luận dĩ nhiên cần đạt tới. Đầu tiên, nó làm cho chúng ta cảm thấy rằng tương lai đang mở ngỏ chứ không phải là một con đường dẫn về một kết cục mang tính định mệnh. Tương lai không phải là điều gì đang chờ đợi chúng ta nhưng là con đường mà chúng ta đang đi trên đó.[7] Do đó, chính cảm nhận này sẽ khuyến khích con người tiếp tục sáng tạo: ‘Thời gian là một kiểu thực tại mang tính liên tục vì thời gian cho phép con người tiếp tục sáng tạo, làm những điều mới mẻ. Cái giá mà bạn phải trả cho tự do và hoạt động sáng tạo hiện tại chính là bạn không biết tiên liệu trước chứ không phải là vấn đề Thiên Chúa có thể biết tương lai hay không.’[8]

Thứ đến, giả như chúng ta không được tự do để thực hiện sự lựa chọn thì chắc chắn chúng ta không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Khi định nghĩa về trách nhiệm như thế, thì việc tự do chọn lựa là nền tảng đối với tính luân lý cá nhân – tức là chúng ta chỉ ‘tốt’ nếu chúng ta có thể được phép chọn lựa điều ác. Cuối cùng, chúng ta mang giá trị cá vị chỉ khi chọn lựa và hành động của chúng ta có giá trị đối với vấn đề được lựa chọn – còn nếu chúng ta không thể nào thay đổi tiến trình của sự việc thì việc chọn lựa đời đời, sự hiện hữu của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa. Do đó, sẽ còn có ý nghĩa gì đối với một chấm trong toàn thể chương trình sáng tạo nếu như chúng ta không biết ‘ngạc nhiên’ về Thiên Chúa? [9]

Từ kết luận rõ ràng này cho thấy Thiên Chúa đang ‘mạo hiểm’ với chương trình của Ngài đối với vũ trụ này: ‘Nếu Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, thì dĩ nhiên con người cũng được ban cho năng lực có sáng kiến và thấu hiểu những điều mới mẻ. Tất nhiên, khả năng này không phải là con người biết trước mọi sự một cách chắc chắn và không sai lầm, nhưng là khả năng mà con người làm cho tương lai luôn được tươi mới qua những suy tư và hành động khả dĩ muôn màu muôn vẻ và vô tận được kết tinh trong thực tại.’ [10] Những quan điểm tương tự cũng được diễn tả nhờ ‘thần học tiến trình’ ('process theology').

Sự trỗi dậy này như là một điều gì đó phản kháng lại thuyết hữu thần cổ điển, vì quan điểm thần học tiến trình khẳng định tiến trình và sự biến đổi là những khía cạnh không thể thiếu đối với sự hiện hữu chân thật. Do vậy, thực tại được nhìn nhận là tiên nghiệm của sự biến đổi và do đó bất cứ quan niệm nào cho rằng có một thực tại tối hậu ẩn sau vũ trụ bất biến này đều bị chối từ: ‘là thực tại thì là một tiến trình…vì thế giới mà chúng ta đang sống là nơi của tiến trình, sự biến đổi, sự trở thành…còn quan điểm trái ngược thì cho rằng những gì ở hiện tại hay hoàn toàn chân thực thì nằm ngoài những biến đổi làm hạ giá cuộc sống trong thế giới này.’[11]

Hệ luận rút ra từ quan điểm khởi đầu này là Thiên Chúa phải biến đổi theo thời gian cùng với công trình tạo dựng. Do đó, một số người cho rằng Thiên Chúa đang thêm vào tính đồng nhất của Ngài tất cả những kinh nghiệm đang xảy ra khắp nơi trong vũ trụ này. Thiên Chúa không thể bất biến trong thời gian, vì thế, sự hiện hữu của chúng ta không quan trọng đối với Ngài.

Ngày nay, càng có nhiều khuynh hướng theo thuyết hữu thần tự nhiên ('free-will theism') [12] chấp nhận hướng suy luận tương tự này. Khuynh hướng này một lần nữa khẳng định Thiên Chúa không thấu tỏ hoàn toàn về tương lai, vì nếu không nó sẽ sẽ xâm phạm đến tự do của con người.[13] Thiên Chúa không phải là vị vua tách lìa và bất biến trong sự vĩnh cửu; mà đúng hơn, Thiên Chúa phải là người cha cùng với con người làm chủ tương lai. Thiên Chúa quán thông tất cả (quá khứ, hiện tại và ý định tương lai của Người), Người thấu tỏ điều gì thực sự sẽ xảy ra hơn là biết trước về điều đó, và Người hướng hành vi con người đi trong ý định của Ngài để tiến về chung cục: ‘Tương lai là sự kết hợp giữa Thiên Chúa và các nhân tố con người. Thiên Chúa dành cho con người vai trò để hình thành nên tương lai. Thiên Chúa không độc đoán làm những gì Người muốn. Nhưng Thiên Chúa sắp đặt chính chương trình của Người vì Người thấu cảm lối suy cách nghĩ, và việc làm của con người.’[14]

Sự minh chứng cho thuyết hữu thần tự nhiên được rút ra từ nhiều đoạn Kinh Thánh. Sự nhấn mạnh tăng lên vì đặt nền tảng trên tình yêu là khía cạnh quan trọng về bản chất Thiên Chúa (1 Ga 4,16), [15] và là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa gắn kết sâu xa và tràn đầy thương cảm với hành vi thụ tạo, sự minh chứng này cũng được tìm thấy trong các đoạn Kinh Thánh mô tả sự tiên tri được linh hứng chính là một điều kiện cần thiết (Gr 18,6-10; Gio 3), và Thiên Chúa được mô tả như là Đấng đang tỏ ra ‘hối tiếc’ và Ngài muốn thay đổi ý định của Ngài (St 6,6; 1 Sm 15,35). Những lợi thế này chứng tỏ sự ranh mãnh của niềm tin triết học Hy Lạp vào tính vững chắc của thần linh bị phá bỏ; tính logic về Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu và hoạt động trong thời gian được sáng tỏ; như vậy việc cầu nguyện thực sự là hành động có liên hệ với hoạt động của Thiên Chúa chứ không đơn thuần nhằm an ủi con người theo sự định trước của Thiên Chúa; và như vậy việc truyền rao Tin Mừng là điều ‘cần thiết’ chứ không phải là để mạc khải cho kẻ được chọn.

Sự khám phá ‘ngẫu nhiên’ của khoa học

Trong khi sự thấu suốt của Thiên Chúa được cho là không còn phù hợp với tự do đích thực của con người, hai khung hướng khoa học đang phát triển hiện nay nhằm củng cố cảnh ngộ của thuyết vô định (Indeterminism). Đầu tiên, là sự khám phá không chắc chắn của thuyết lượng tử đầu thế kỷ này cho rằng thực tế có những phản ứng ‘ngẫu nhiên’ đã xảy ra. Các quan sát về hiện tượng lượng tử cho rằng, ở mức nguyên tử các phản ứng diễn ra mà không có ‘nguyên lý’ rõ ràng. Chẳng hạn, không có cách nào để chúng ta biết rằng một nguyên tử phóng xạ sẽ phân rã vào một nguyên tử chì, cho dù chúng ta biết có phản ứng này xảy ra. Nó dường như xảy ra một cách ngẫu nhiên. Những phản ứng như thế vẫn đang được chi phối bởi những quy tắc thống kê (cho phép chúng ta xây dựng những nhà máy điện hạt nhân), nhưng chính các phản ứng độc lập này lại xảy ra một cách hoàn toàn ngẫu nhiên mà không có cách nào giải thích được.

Thứ hai, sự khám phá ra các hệ thống ‘nhiễu loạn’ bằng động lực học vô tuyến tính đã đưa đến sự hiểu biết sâu xa lý do tại sao các phản ứng chính xác hầu như không thể dự đoán. Các hệ thống đó lộ ra một đặc tính, chỉ cần một sự nhiễu loạn rất nhỏ cũng đủ làm nổi lên một phản ứng có tính dây chuyền mà hiệu quả của nó ảnh hưởng lên toàn bộ hệ thống trên diện rộng một cách không tương xứng. Ví dụ quan trọng về hệ thống nhiễu loạn này là khí quyển của chúng ta. Điều này có thể thấy nơi ‘hiệu ứng cánh bướm’: cú đập của một cánh bướm có thể tạo ra một chuỗi những phản ứng và có thể gây nên một cơn cuồng phong ở mặt bên kia của trái đất.

Như thế, chúng ta có thể thấy các phản ứng nhỏ nhất cũng có thể đem lại những hiệu ứng lớn lao, điều này giúp chúng ta có thể dự báo về một tình trạng tương tự của một hệ thống cho bất kỳ chu kỳ quan trọng nào khác mà hầu như đã trở nên bất khả. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể dự đoán thời tiết ngày mai với mức độ tương đối chính xác, nhưng nếu dự báo trước một tháng thì hầu như không có sự chắn chắn. Điều này không có nghĩa là các hệ thống nhiễu loạn không tuân theo những quy luật chung về nguyên lý và kết quả, nhưng là sự tương tác trong các hệ thống đó phức tạp đến nỗi chúng không nhất thiết phải tuân theo một kiểu lặp lại thông thường với một kết quả đáng mong đợi chỉ ở mức trung bình. Đó là chưa nói đến chuyện, để chúng ta có được một dự đoán chính xác, thì chúng ta phải biết được những điều kiện ban đầu của hệ thống một cách hết sức cụ thể.

Những khám phá này gây ra một số nghi ngờ đối với việc dự đoán tương lai. Chẳng hạn: ‘Đặc tính chỉ mang tính thống kê trong các phản ứng hạt nhân và không ổn định của nhiều hệ thống vật lý với những biến đổi tỉ mỉ, chứng tỏ rằng tương lai vẫn còn là một điều bỏ ngỏ và không thể dự đoán được ở hiện tại.’[16]

Như vậy, cả sự thiếu chắc chắn về khoa lượng tử và sự tồn tại các hệ thống nhiễu loạn làm cho chúng ta khó có thể tin tưởng vào thuyết tiên định khoa học triệt để. Vì vậy, chúng ta sẽ không bao giờ biết một cách đầy đủ về những điều kiện tiền đề hay cách thức cấu thành vĩnh viễn của nó để ‘giải thích’ về vũ trụ này và dự đoán chính xác cách thức hình thành của nó từ lúc khởi đầu được.[17] Ngày nay, người ta cho rằng giấc mơ của Laplace là hoàn toàn viễn vông.

Tuy nhiên, những khám phá này cũng được người ta sử dụng để chối từ Thiên Chúa là Đấng thấu tỏ hay tiền định mọi sự xảy ra trong lịch sử, và cả những điều trong cuộc sống chúng ta. Những khám phá này cũng nhằm tái khẳng định vị trí tự do của con người. Ví dụ, với những thành quả cho dù không chắc chắn của khoa lượng tử, nhưng Peacocke tin rằng thành quả này là ‘khả năng không thể dự đoán vốn có…thể hiện sự giới hạn về tri thức, ngay cả về một Thiên Chúa toàn năng’ ở mức độ lượng tử; do đó, tương lai không thể ‘hiện hữu’ ở hiện tại và do vậy cũng không có bất cứ chương trình tương lai nào mà chỉ có Thiên Chúa mới biết đến mà thôi.[18] Polkinghorne cho rằng sự không chắc chắn của thuyết lượng tử đồng nghĩa tương lai cũng đang ‘bỏ ngỏ’ và do đó Thiên Chúa cũng để cho vũ trụ này tồn tại ở mức ‘độc lập’ nhằm đề cao năng lực sáng tạo của nó. Thiên Chúa vẫn đang nắm chủ quyền nhưng Người không thể nắm bắt trật tự hướng đi của vũ trụ và con người.[19]

Một phép loại suy phổ biến cho kẻ chơi ván cờ vũ trụ:

‘Thiên Chúa là Đấng Tối Cao nắm quyền điều khiển mọi sự…bất cứ điều gì kẻ chơi bị giới hạn, thì kế hoạch Thiên Chúa sẽ được thực thi, cho dù những nước cờ riêng biệt trong ván cờ của Thiên Chúa sẽ là trả lời cho những nước đi của kẻ chơi…Không nước đi nào mà kẻ chơi nghĩ ra lại có thể làm cho Thiên Chúa nao núng: vì Thiên Chúa bao quát tất cả những nước đi của ván cờ mà kẻ chơi không thể làm được.’[20]

Tái khẳng định quyền tối cao của Thiên Chúa trên thời gian

Các triết gia và các nhà thần học phủ nhận sự quán thông của Thiên Chúa [21] về cơ bản vì họ muốn dành chỗ đứng cho tự do, khả năng sáng tạo, sự tự quyết và trách nhiệm luân lý của con người. Những đòi hỏi này phần nào dựa trên tình trạng bấp bênh tâm lý phát xuất từ niềm xác tín rằng tính tự quyết bắt nguồn từ quyền được chọn lựa và sự ‘khác biệt’ mà chúng ta tạo nên. Nhưng về sâu xa thì những phản kháng này xuất phát từ cảm nghiệm ‘tự do’ cá nhân với xác quyết loại trừ mọi cách thức tiền định của thần linh trên thời gian.

Đối với tình trạng bấp bênh tâm lý xưa cũ này, Kitô giáo khẳng định ‘tính tự quyết’ trong tiến trình lịch sử là một tiến trình rút ra từ mối liên hệ sâu xa với Thiên Chúa, chứ không phải là kinh nghiệm kéo dài mà chúng ta có được dựa trên tính liên tục của không gian và thời gian. Thứ đến là nhận ra trong đó sự nổi loạn vì tính tự mãn của con người khi cho rằng tự do phải được tháo cởi, để từ đó tái khẳng định tính bất định của Kinh Thánh cả trên quyền thống trị của Thiên Chúa lẫn trách nhiệm của con người (x. Cv 4,24-28). Điều này chỉ có thể làm được khi hoặc nhìn nhận sự thấu tỏ của Thiên Chúa về những gì khiến chúng ta thực hiện quyền tự do chọn lựa theo một cách thức riêng biệt, hoặc bằng cách nhìn nhận trách nhiệm chọn lựa đối với tự do con người cho dù nó được tiền định.[22]

Tệ hơn, khi khái niệm thời gian bị thuyết tương đối tìm cách thích nghi với khái niệm truyền thống coi Thiên Chúa là Đấng đứng ngoài lịch sử. Thời gian được quan niệm chỉ là chiều thứ tư trong không gian với toàn bộ lịch sử được sắp xếp như một sự liên tục bất biến – nếu không những kẻ tuân theo sẽ liên kết với nhau trở bất đồng về khái niệm thời gian ‘lúc này’. Mỉa mai thay, cách định nghĩa này về toàn bộ lịch sử vũ trụ được ‘tạo dựng’ lúc khởi đầu cả trong không gian và thời gian lại trở nên dễ dàng cho những nhà vật lý học thiên văn tin vào sự thấu tỏ của Thiên Chúa hơn đối với những nhà thần học.[23]

Vì liên hệ đến thuyết nhiễu loạn và tính bất ổn của thuyết lượng tử, nên sự tiến bộ không nhất thiết cản trở sự thông tri của Thiên Chúa hay sự tiền định của Người về các sự kiện. Điều này rõ ràng hơn với thuyết động lực học nhiễu loạn vì những gì chúng ta quan sát được không thể trở thành hiện tượng nếu không có những nguyên lý rõ ràng. Dĩ nhiên, mối liên hệ giữa các sự kiện tồn tại càng phức tạp thì lại càng khó kiểm soát đối với phép loại suy đơn thuần so với phép loại suy tuyến tính. Do đó, tính phức tạp điện toán về sự quán thông của Thiên Chúa và sự sắp xếp các sự kiện chắc chắn phải lớn lao hơn nhiều, vì vậy không có nguyên lý cố hữu để giải thích tại sao Thiên Chúa không thể duy trì một vũ trụ bao gồm những tiến trình hỗn mang nếu trong khi Người lại có thể duy trì một vũ trụ bao gồm những tiến trình có trật tự.[24] Rốt cuộc, Kinh Thánh có thể cung cấp đầy đủ luận cứ về quyền năng của Thiên Chúa trên tiết trời (x. 1 V 8,35; Tv 78,47-48). Người thậm chí có thể ra lệnh cho phàm nhân (x. Cn 16, 33), một kết quả thì đều thông kết với những điều kiện ban đầu.

Sự bất ổn của thuyết lượng tử thuộc một trật tự khác biệt. Vì các phản ứng xảy ra mà không có bất kỳ một nguyên nhân rõ ràng nào. Một giải đáp mập mờ cho rằng những hiện tượng này không xảy ra theo một kiểu thức nhất định – nghĩa là có ‘những biến đổi ẩn dấu’ làm cho chúng ta không thể quan sát được điều gì gây nên các phản ứng lượng tử (Thậm chí, Einstein cho là đã biết về nó thì luận điệu này hiện nay cũng chỉ nắm bắt được bởi một số ít các nhà vật lý mà thôi.) Thay vào đó, thì sự an ủi của thuyết hữu thần phát xuất từ sự quan sát các hiện tượng phản ứng lượng tử vẫn theo nguyên tắc thống kê chứ không phải được quan sát ở tầm mức cao hơn so với nguyên tử. Vì vậy, chính Thiên Chúa có thể cho phép các phản ứng ngẫu nhiên này xảy ra bên trong nguyên tử, nhưng những phản ứng này sẽ không có sự va chạm vật chất ở mức độ vĩ mô như Người sắp đặt.[25] Hơn nữa, người ta đã thừa nhận rằng chính Thiên Chúa hành động như là ‘sự biến đổi ẩn tàng’ chính là nguyên nhân đệ nhất của hiện tượng lượng tử,[26] hoặc có một nguyên cớ trung gian mà nhờ đó Thiên Chúa biết các xu hướng quy về phản ứng lượng tử, và Thiên Chúa có thể can thiệp vào nhằm thay đổi chúng cho phù hợp với ý định của Người.[27] Trong khi sự bấp bênh của thuyết lượng tử làm dấy lên những vấn nạn mới về mức độ mà Thiên Chúa thấu tỏ các phản ứng nhỏ nhất bên trong nguyên tử, nhưng không có nhiều người chủ trương ‘cởi mở’ bằng những tranh luận chặt chẽ. Người ta chỉ cố gắng giới hạn hiểu biết của con người về cách Thiên Chúa hoạt động trong vũ trụ mà thôi.

Luận điệu của thuyết hữu thần tự nhiên và những kẻ tìm cách tạo ra một không gian cho con người dường như rất khó để hòa hợp với niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa trên sự dữ dưới ánh sáng của thuyết nhiễu loạn. Sự nhận biết các hệ thống phân loại như thế (tức là lịch sử con người xuất hiện như một ví dụ hoàn hảo), đồng nghĩa rằng sẽ vô cùng khó khăn cho con người để nhận biết Thiên Chúa là Đấng sáng tạo theo kiểu đáp lại ‘luật chơi’ với thụ tạo của Người, nhằm duy trì sự tự do của con người. Trong hệ thống nhiễu loạn, thì chỉ cần một sự nhiễu loạn nhỏ cũng có thể gây nên hậu quả với mức độ ảnh hưởng vô cùng to lớn. Vì thế, nếu Thiên Chúa ‘chơi trò’ theo kiểu này, thì sẽ đem lại một ‘kết thúc’ riêng biệt nào đó mà chỉ có trong tâm trí, rồi sau đó Người phải trở thành một kẻ can thiệp liên tục hơn trong lịch sử khi mà mức độ tự do của Người trong hành động đã bị giảm bớt.

Thuyết hữu thần tự nhiên nỗ lực nhằm mang lại sự nâng đỡ cho người Kitô hữu trong hành động cũng như làm chất liệu cho việc cầu nguyện. Tuy nhiên, nó đã trở nên yếu thế so với sự trổi vượt lớn lao của Kinh Thánh với quan điểm Thiên Chúa làm chủ thời gian. Thuyết hữu thần tự nhiên cũng đã phớt lờ ý nghĩa lâu đời các đoạn văn Kinh Thánh trình bày về sự hồi thiện mà trong đó Thiên Chúa đang tỏ bày cách thức hành động của Người cho phù hợp với khả năng hiểu biết của con người.[28] Hậu quả của thuyết này là vẽ ra một Thiên Chúa luôn luôn sai lệch với tiên đoán của tương lai, một Thiên Chúa không lường trước hết mọi hậu quả đối với hành động của Người, và một Thiên Chúa không biết được ý định tối hậu của Người sẽ thắng thế. Thuyết này nhằm tước bỏ sự đảm bảo về ơn cứu độ của người Kitô hữu và  sự chiến thắng của ý định Thiên Chúa trong tương lai. Mỉa mai thay, thuyết này đã sai lầm khi hạ giá niềm tin của con người trong việc cầu nguyện: vì không ai lại dại dột để cầu xin Thiên Chúa ra tay nếu người đó biết rằng Thiên Chúa không biết được câu trả lời cho lời cầu nguyện đó? Ngầm ý sai lầm của thuyết hữu thần tự nhiên là khi cho rằng chúng ta có thể gây ảnh hưởng lên Thiên Chúa nhưng Người không thể gây ảnh hưởng lên chúng ta.

Sống trong thời gian

Chúng ta biết rằng chứng cớ Kinh Thánh nhằm làm sáng tỏ về một Thiên Chúa là Đấng hoạt động cả trong và ngoài lịch sử. Người thấu biết mọi hành động trong thời gian, và Người cũng gìn giữ vũ trụ này qua mọi khoảnh khắc của dòng chảy thời gian. Vậy niềm tin này ảnh hưởng như thế nào lên cuộc sống của chúng ta trong lịch sử?

Không sống trong thời gian – tức là đã tiếm quyền Thiên Chúa

Một đỏi hỏi đã trở nên thâm căn cố đế của nhân loại là muốn loại trừ Thiên Chúa để giành lấy một số quyền bá chủ trên thời gian, đặc biệt là muốn giành lấy thông tin và quyền kiểm soát tương lai. Một trong những phương thức lâu đời nhất của sự tiếm quyền này là các hình thức bói toán về tương lai. Những hình thức này bao gồm việc cắt nghĩa các nghi lễ sát tế động vật, đọc chỉ tay, bói bài và thuật chiêm tinh, tử vi. Việc sử dụng rộng rãi các hình thức bói toán đã kéo theo sự tiên đoán về vũ trụ nhằm loại bỏ những giới hạn thời gian mà chúng ta tạo ra. Con người không bằng lòng với chỗ đứng bị hạn chế trong thời gian và đã đưa ra những yêu sách đối với tri thức của Thiên Chúa. Vì thế, những kẻ bói toán sẽ bị bài trừ (Đnl 18,10) và kết án (Dc 10,2).

Cả Giáo Hội và xã hội đều không quan tâm nhiều đến cách thức mà những kẻ bói toán dự đoán về tương lai. Nhưng cũng lắm lúc cả trong và ngoài Giáo Hội, con người dường như đang chạy theo những lời tiên đoán. Trong khi đó Thiên Chúa tuyên sấm về các sự kiện ‘trước khi những điều này xảy ra’ (Is 42,9), để cho lời phán ra trở thành một bổn phận lớn lao. Một trong những cách để xét xem lời tiên tri là ‘đúng’ hay ‘sai’ là chờ xem nó có xảy ra hay không (Đnl 18,20-22). Lời tiên tri sai là một tội lỗi nghiêm trọng và nguy hại vì ‘tiên đoán’ của một tiên tri giả là nói lên những lời không được Thiên Chúa linh hứng. Chúng ta nghe rất ít những lời tri trong Giáo Hội vì chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa nghiêm khắc như thế nào đối với những lời tiên tri.

Nhưng ngày càng nhiều những lời tiên đoan mang tính ‘tiên tri’ từ những nhà kinh tế, nhà khoa học, nhà xã hội học. Chẳng hạn, những nhà kinh tế xem xét sự cân bằng từ số liệu đã qua để dự đoán về hoạt động kinh tế và sử dụng những số liệu đó để dự doán về GDP trong năm tới, cho dù có những sai số nhưng vẫn chính xác hơn nhiều so với việc dự đoán một cách ngẫu nhiên.

Rốt cuộc, những dự đoán hoàn toàn có thể sai vì nó phải đảm bảo rằng tương lai sẽ giống như quá khứ. Nhưng không biết bao nhiêu lần, chúng ta nghiêng về những tiên đoán bởi những ngoại suy bằng kinh nghiệm hiện có, nhưng chính tiên đoán đã biến họ thành những kẻ lái buôn bất hạnh vì kiệt sức trước những điều sắp xảy ra đối với việc cung ứng lương thực của thế giới, cũng có thể biến họ thành những kẻ cuồng tín lạc quan vào sự tiến bộ của con người đối với vận mệnh của quá trình luân lý, biến đổi gen và công nghệ. Nhưng đó lại là ‘những kẻ chẳng hiểu biết gì’ khi tuyên bố ‘ngày mai cũng lại như hôm nay, và còn nhiều hơn nữa’ (Is 56,12), và cũng có thể họ là ‘những kẻ chuyên phỉ báng’ bằng khẳng định ‘mọi sự vẫn y nguyên như khi trời đất mới được tạo thành’. Bằng trải nghiệm của chúng ta trong lịch sử và ngoại suy nó trong quá khứ hay tương lai, chúng ta đang làm nổi lên tính quy cái tôi tập thể, như thể là chỉ có duy nhất kinh nghiệm chúng ta ở hiện tại là có giá trị và chúng ta có thể cất nghĩa quảng thời gian còn lại trong ánh sáng của chính nó. Chắn chắn rằng, những ai nhận thức về quyền năng của Thiên Chúa trên thời gian thì phải chấp nhận một thái độ khiêm tốn hơn nhằm dành chỗ cho những điều bất ngờ không dự kiến trước được.

Làm sao để sống trong thời gian – Sự khiêm nhường, Sự khẩn nài, và Niềm hy vọng

Dĩ nhiên, điều này không nhằm mục đích để nói rằng tất cả những hoạch định và những dự phòng cho tương lai vốn đã quá vững vàng. Không phải những ai mang lấy huấn lệnh của Đức Kitô thì không còn ‘lo lắng về ngày mai’ (Mt 6,34) như thể đó là một lý do biện minh cho sự biếng nhác nhằm phớt lờ sự cân bằng của Kinh Thánh. Người quản gia khôn ngoan đem lại cho chúng ta bài học cách thức lên kế hoạch, sự đề phòng và lường trước những rủi ro. Hơn thế nữa, thái độ khi chúng ta lên một kế hoạch hay ký một giao ước cũng là lúc chúng ta bày tỏ sự khiêm tốn của chúng ta trước những điều sẽ xảy ra trong tương lai: ‘Chớ huênh hoang tự đắc về ngày mai, vì hôm nay sẽ xảy ra chuyện gì, con đâu biết được.’ (Cn 27,1)

Giacôbê lên án người thương gia giàu có, không cần thiết phải lên kế hoạch về hành trình buôn bán, tự phụ vì những chuyện khoác lác của mình; ‘mọi thứ tự phụ như thế đều xấu’ (Gc 4,13-16). Vì vậy, để thay đổi thái độ đó chúng ta cần thay đổi cách thức chúng ta sắp xếp công việc nhằm thể hiện thái độ ‘khiêm tốn’ đối với tương lai. Chẳng hạn, sự vay mượn (đặc biệt đối với vấn đề chi tiêu và tiết kiệm tiền bạc), liên quan đến việc tiên liệu về các sự kiện tương lai có thể xảy ra nếu khoản nợ phải được hoàn trở. Một hậu quả khác nữa khi chúng ta phớt lờ tương lai, vì chúng ta không biết và cũng không đoán trước được rằng liệu ngày mai chúng ta có còn sống nữa hay không, vì thế chúng ta cần tận dụng những khoảnh khắc hiện tại (Ep 5,16). Bằng cách đó, chúng ta sẽ luôn sống trong tâm tình phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Trái lại, tình trạng thiên kiến chống lại thành tựu hiện đại cũng gây ra hậu quả tai hại, thay vì nỗ lực làm cho mỗi khoảnh khắc trở nên tròn đầy, thì lại rơi vào lối sống của chủ nghĩa khoái lạc ‘hãy ăn, uống và say sưa, vì ngày mai chúng ta sẽ chết’.

Quan điểm Kinh Thánh về thời gian giúp người Kitô hữu sống trong ánh sáng, và trên hết là làm cho mọi người đều có thể tin tưởng về tương lai, theo cách thức riêng mình hay của toàn thể vũ trụ. Chẳng hạn, trong Thánh Vịnh 139, Đa-vít có được nguồn an ủi lớn lao khi biết Thiên Chúa thấu tỏ mọi lời nói và suy nghĩ của ông. Thiên Chúa là Đấng thấu biết cuộc sống của ông. Niềm tin tưởng này cho ta biết rằng cuộc sống con người được quan phòng chứ không phải là kết quả ngẫu nhiên của những sự kiện may rủi nào đó.

 ‘Đấng nắm vương quyền trên các tầng trời, vô cùng khoan dung và khôn ngoan;

Mọi thời đều nằm trong cánh tay Ngài, mọi biến chuyển đều do huấn lệnh Ngài tạo nên.

Ngài tạo nên con trong dạ mẫu thân

Và Ngài sẽ dẫn con đường về cõi sống:

Ở bên Ngài sẽ vô cùng vô tận, mọi trật tự sẽ tuân theo huấn lệnh khôn ngoan của Ngài.

Mọi dịch bệnh và cái chết quanh con sẽ biến mất;

Sẽ không còn mũi tên nào chạm đến con, duy chỉ còn Thiên Chúa Tình Yêu làm cho con no thỏa.’ (John Ryland)

Nhưng có lẹ rõ ràng nhất trong thời hiện đại của chúng ta, thần học Kinh Thánh về thời gian đem lại cho ta niềm an ủi lớn lao là công trình tạo dựng mang một mục đích và lịch sử đang tiến về cùng đích theo lời hứa của Thiên Chúa (Tt 1,2). Vì nếu tương lai là ‘rõ ràng’ và tự do con người có thể cản trở ý định của Thiên Chúa, thì không thể đảm bảo được rằng sự dữ sẽ bị tiêu diệt và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa sẽ không bị sụp đổ.

Ngày nay, niềm hy vọng vào tương lai không còn đơn thuần là nét riêng của Kitô giáo nữa khi mà niềm tin ‘sắt đá’ vào sự phát triển của nhân loại nại vào tiến bộ công nghệ, sự phát triển kinh tế và sự cả tiến luân lý đang bị lung lạc. Sự ô nhiễm môi trường, chiến tranh, đói nghèo và thất nghiệp đang làm thay đổi niềm tin của con người vào tương lai. Thậm chí cả những nhà thiên văn học cũng đã đề xuất cho con người ngày nay hai lựa chọn cho tương lai:  hoặc là một vũ trụ phát triển mãi cho đến khi lạnh lẽo vô cực và sẽ không còn bất kỳ một dấu tích nào của sự sống, hoặc vũ trụ sẽ bị hủy diệt hoàn toàn bởi một ‘Big Crunch’. Trong thời kỳ hậu hiện đại này, thì hy vọng vẫn là đặc tính hấp dẫn nhất của thần học Kitô giáo về thời gian.

 


[1] Mere Christianity (Collins, Glasgow, 1952), p. 144.

[2] Both Judges and Revelation contain repetitive themes suggesting that some patterns may be discernible within history. Ecclesiastes 1 describes the cycles within physical processes to emphasize the pointlessness of a godless existence.

[3] Isaiah 46:9-10; cf. 41:21-2; 42:9; 44:6-8; 45:21,

[4] David Bebbington contrasts the Old Testament's depiction of Yahweh as a God who acts in history to bring about his purposes for individuals (e.g. Genesis 45:8) and for Israel (e.g. Psalm 136), with the Canaanite deities who were associated with spatial location rather than time (Patterns in History, IVP, Leicester, 1979).

[5] G.W. Leibniz, Thodicy, edited by Austin Farrer (Routledge, London, 1952), para. 27.

[6] R. Taylor, 'Determinism', in P Edwards (ed.). Encyclopaedia of Philosophy (Macmillan, London, 1967), vol. 2, p. 363.

[7] R. Flood and M. Lockwood, The Nature of 'Time (Basil Blackwell, Oxford, 1986), p. 2.

[8] Keith Ward, quoted in R. Stannard, Science and Wonders (Faber & Faber, London, 1996), p. 139.

[9] For instance, see David Pailin, quoted in Stannard, ibid., pp. 140-41.

[10] J.R. Lucas, The Future (Basil Blackwell, Oxford, 1989), p. 233. See also similar quotations from Hasker, Adams and Swinburne in P Helm, The Providence of God (IVP, Leicester, 1993), pp. 40-42. Helm notes that the common reason why these theologians believe God 'takes risks' is that only then is there a place for human freedom.

[11] J.B. Cobb and D.R. Griffin, Process Theology: An Introductory Exposition (Westminster Press, Philadelphia, 1976), p. 14.

[12] C. Pinnock et al., The Openness of God: A Biblical Challenge to the Traditional Understanding of God (IVP, Downers Grove, Illinois,1994).

[13] Pinnock, op. cit., pp. 121-3.

[14] Ibid., p. 113.

[15] Ibid., p. 15,23.

[16] P. Davies, The Mind of God (Simon & Schuster, 1992), p. 201.

[17] E.g. see K.Ward, God, Chance and Necessity (One World Publications, Oxford, 1996), p. 81.

[18] A. Peacocke, 'God's Interaction with the World' in R.I. Russell, N. Murphy and A. Peacocke (eds). Chaos and Complexity (Vatican Observatory Publications, Vatican City, 1995), pp. 279-80.

[19] J. Polkinghorne, Science and Providence (SPCK, London, 1989), pp.77-84.

[20] P. Geach, Providence and Evil (Cambridge University Press, 1977), p. 58.

[21] One possible way out of some of the questions concerning whether 'time' has an objective existence or is purely subjective is to define time 'relationally' - that is, 'time' is what happens as the persons of the Trinity interact (see L. Osborn, 'Spacetime and Revelation', Science and Christian Belief, October 1996, 121-2). This relational perspective may resolve the puzzle of how existence in the 'new heaven and the new earth' can be both 'everlasting' and yet involve perception of the passage of time and change (e.g. Revelation 21:25; 22:2, 5).

[22] See Helm, op. cit., Chapter 2.

[23] E.g. Stannard, op. cit., p. 144.

[24] D. Wilkinson, God, the Big Bang and Stephen Hawking (Monarch, Crowborough, 1996), p. 60.

[25] 'The basic framework of creation is fixed, but the details are not. In the smaller-scale behaviour of things, indeterminacy seems to allow physical systems a degree of freedom which seems to parallel our own sense of ourselves as freely acting beings' (PJ. Bussey, 'Indeterminacy, Time and the Future', Science and Christian Belief, April 1997, p. 82).

[26] D.M. MacKay, 'The Mythology of Chance' in The Open Mind and Other Essays (1VP, Leicester, 1988), p. 204; P. Dowe, 'Chance and Providence', Science and Christian Belief, April 1997, pp. 3-20.

[27] J.J. Davis, 'Quantum Indeterminacy and the Omniscience of God', Science and Christian Belief, October 1997, pp. 129-44.

[28] E.g. Calvin, Institutes, 1, 17, 13. For critiques of free-will theism see 'Has God Been Held Hostage by Philosophy?' Christianity Today, 9 January 1995, pp. 30-34, and M.J. Erickson, The Evangelical Left (Baker Books, Grand Rapids, Michigan, 1997), pp. 104-7.

 



[i] Thánh Augustinô (Vân Thúy dịch), Tự Thuật, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, 386

Nguồn tin: