Quan Niệm Về Hạnh Phúc Của Aristote Trong Tác Phẩm “Đạo Đức Học Của Nicomaque”

Tue,15/11/2022
Lượt xem: 3048

 Mục lục

 

Dẫn nhập

Chương 1: Hạnh phúc là gì?

   1.2 Hạnh phúc theo một số triết gia trước Aristote

Chương 2: Hạnh phúc theo quan điểm của Aristote

   2.3 Đức hạnh - Con đường đi đến hạnh phúc

   2.4 Đời sống chiêm nghiệm

Chương 3: Nhận định

Kết luận

Danh mục tài liệu tham khảo

 

 

Dẫn nhập

Hạnh phúc không chỉ là một giá trị nhân sinh nhưng còn là cùng đích của cuộc đời. Tự bản tính con người muốn hạnh phúc.[1] Bởi đó, khi suy tư về con người, triết học không thể bỏ qua hạnh phúc. Hạnh phúc là một cấu tố không thể thiếu trong các hệ thống triết học, đặc biệt, trong đạo đức học. Không chỉ trong triết học mà cả trong tôn giáo, đích nhắm thông thường là hạnh phúc của con người. Hạnh phúc gắn liền với các suy tư triết học nhưng đó cũng là vấn đề rất hiện sinh cho mọi con người thuộc mọi thời đại.

Do vậy, theo đuổi hạnh phúc không phải là một điều điên rồ. Tuy nhiên, thật khó phân định đâu là hạnh phúc. Hạnh phúc có sự tương đối nhất định tùy từng người từng hoàn cảnh, thời đại khác nhau. Với người bệnh tật, hạnh phúc là được khỏe mạnh; với người vô gia cư, hạnh phúc là có được một mái ấm; với người thất nghiệp, hạnh phúc nằm ở công việc. Hạnh phúc là lúc chúng ta thả hồn trong những bản hòa tấu du dương của Mozart, Beethoven; hay là lúc chúng ta thưởng thức một món ăn ngon, đạt được một thành công trong công việc. Hay hạnh phúc đơn giản chỉ là niềm vui của cha mẹ khi thấy con cái trưởng thành, của đôi tình nhân quấn quýt bên nhau. Thời nay, phần lớn con người tìm hạnh phúc nơi sự thành công trong công việc, sở hữu nhiều tài sản, thỏa mãn được mọi nhu cầu vật chất, có danh tiếng và quyền lực, có một mái ấm như mong muốn. Phải chăng hạnh phúc là thỏa mãn mọi nhu cầu của cái tôi? Hay hạnh phúc là yêu và được yêu? Vậy, hạnh phúc thực sự là gì? Đâu là bản chất thật của hạnh phúc?

Đó không chỉ là mối bận tâm, ưu tư của con người ngày nay mà ngay từ thời Thượng cổ, các triết gia đã cố gắng truy tầm về hạnh phúc. Aristote (384 - 322 TCN) là một trong các triết gia đã bàn rất nhiều về hạnh phúc, đặc biệt là trong tác phẩm Đạo đức học của Nicomaque.[2] Thật sự, Aristote đã nhìn nhận thế nào về hạnh phúc? Làm thế nào để có được hạnh phúc? Để trả lời cho những câu hỏi đó, trong bài tiểu luận này, ngoài phần dẫn nhập và kết luận, chúng ta sẽ tìm hiểu “quan niệm về hạnh phúc theo Aristote” qua ba phần chính. Trước hết, chúng ta cùng điểm qua một số định nghĩa và quan niệm về hạnh phúc của các triết gia trước Aristote. Phần thứ hai chúng ta sẽ tìm hiểu về hạnh phúc theo quan điểm của Aristote. Phần này sẽ làm rõ nền tảng, bản chất của hạnh phúc và con đường hay điều kiện để đạt được hạnh phúc. Cuối cùng là những nhận định về triết thuyết đạo đức và quan niệm về hạnh phúc của Aristote.

Để có một cái nhìn thiết thực và rõ nét về hạnh phúc theo quan điểm của Aristote, trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những định nghĩa về hạnh phúc và nhãn quan của một số triết gia về hạnh phúc

 

Chương 1: Hạnh phúc là gì?

1.1 Một số định nghĩa về hạnh phúc

Có rất nhiều định nghĩa về hạnh phúc, bởi có nhiều triết lý nhân sinh khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể điểm qua một số định nghĩa về hạnh phúc điển hình.

Theo từ điển triết học, “hạnh phúc (béatitude) là tình trạng sung sướng con người khi khuynh hướng được hoàn toàn thỏa mãn, về lượng, về phẩm, về lâu dài và theo đúng bậc thang (hay là trật tự) giá trị.”[3] Hạnh phúc có thể được hiểu theo tiếng Hy Lạp Cổ đại là Eudaimonia:

“Nghĩa đen là có một tinh thần của người bảo vệ tốt, nghĩa là một tình trạng có được cuộc sống khách quan đáng mong ước, được triết học Cổ đại và quan niệm quần chúng đồng tình nhìn nhận là sự thiện hảo tối đa của con người.”[4]

Báo điện tử Bách khoa toàn thư wikipedia định nghĩa:

“Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao. Ở loài người, nó mang nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí. Hạnh phúc gắn liền với quan niệm về niềm vui trong cuộc sống.”[5]

Trước khi đi vào tìm hiểu quan niệm về hạnh phúc theo Aristote, chúng ta hãy xem xét quan niệm về hạnh phúc của một số triết gia sống gần và cùng thời với ông.

1.2 Hạnh phúc theo một số triết gia trước Aristote

Socrate và Platon là hai triết gia vĩ đại của nền triết học Thượng cổ. Cả hai triết gia này có một sức ảnh hưởng lớn tới tư tưởng triết học của Aristote.

Socrate là một trong những triết gia đặt nền móng cho đạo đức học. Tuy nhiên, ông lại không để lại một tác phẩm nào, những điều chúng ta biết về các triết lý của ông đều qua các tác phẩm của Platon. Theo Socrate, mục đích của cuộc sống con người là hạnh phúc và hạnh phúc là làm cho linh hồn tốt đến mức nhiều nhất có thể. Hạnh phúc có sự hệ mật thiết với tri thức và đức hạnh. “Theo Socrate, tri thức và đức hạnh là một.”[6] Như vậy, ông đã đồng nhất giữa tri thức và cái thiện, vì đức hạnh liên quan tới việc lo cho linh hồn trở nên tốt đến mức nhiều nhất có thể, là sự tìm kiếm sự thiện cho linh hồn. Hệ quả là không có ai hành động xấu hay phạm điều ác một cách có ý thức, làm điều xấu luôn luôn là do vô tình, là sản phẩm của sự ngu dốt.

Chính vì thế, không phải ai cũng có thể đạt được hạnh phúc thực sự, vì có những người ngu dốt nên không thể làm cho linh hồn tốt đến mức nhiều nhất có thể.

Như vậy, theo Socrate, con đường tri thức là con đường mang lại hạnh phúc thực sự. Tri thức mang lại đức hạnh và đức hạnh đưa chúng ta đến hạnh phúc.

Khi nói về quan niệm hạnh phúc của Platon, nhà triết học người Mỹ, Mortimer Jerome Adler nhận định: “Platon, chẳng hạn, định nghĩa hạnh phúc là sự hài hòa trong tâm hồn - tình trạng lành mạnh tinh thần của con người đạo đức chân chính.”[7] Sự hài hòa ở đây chính là mỗi phần của linh hồn hoàn thành chức năng chuyên biệt của nó. “Trong Nền Cộng Hòa, Platon mô tả linh hồn gồm có ba phần mà ông gọi là lý trí, tinh thần, và dục vọng.[8] Vì linh hồn có những phần khác nhau, nên mỗi phần sẽ có những chức năng chuyên biệt, và vì đức hạnh là sự hoàn thành chức năng, nên có bao nhiêu chức năng thì có bấy nhiêu đức hạnh. Và khi mỗi phần trong thực tế hoàn thành chức năng chuyên biệt của mình sẽ đạt được đức hạnh công bằng, và đó cũng là phản ánh sự an lạc, hài hòa nội tâm.

Như vậy, với Socrate hạnh phúc là làm cho linh tốt đến mức nhiều nhất có thể, còn với Platon là sự hài hòa trong tâm hồn của người đạo đức chân chính. Còn đối với Aristote, ông quan niệm thế nào về hạnh phúc? Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu quan niệm về con người của Aristote. Bởi, hạnh phúc là sự tìm kiếm của con người, và cũng chính trên quan niệm về con người mà Aristote xây dựng học thuyết đạo đức của mình.

Theo Aristote, một cuộc sống hạnh phúc, hay một cuộc sống tốt là người thực hiện tốt chức năng như một con người. Mục đích chính đáng nhất của con người trong đời là “nhận thức bản chất thật sự (hoặc nhân cách) của mình một cách toàn diện, là phát triển các tiềm năng của mình đến độ viên mãn và từ đó, tự hoàn thiện chính mình.[9] Nhưng đâu là bản chất của con người?

Aristote quan niệm con người là một chỉnh thể thống nhất gồm linh hồn và thể xác. Linh hồn là nguyên lý của sự sống, là hình thức của thân xác. Như vậy, hoạt động của con người cũng chính là hoạt động của linh hồn, hay có thể nói “linh hồn chỉ toàn bộ con người.”[10]  Aristote phân biệt chức năng của con người với cây cỏ và loài vật: “chức năng này không chỉ là sống, vì cây cỏ cũng sống. Cũng không phải là cảm giác, vì loài vật cũng có cảm giác. Cái phân biệt chúng ta với mọi tạo vật khác là chúng ta có khả năng hành động một cách có lý trí.”[11] Lý trí chính là ưu phẩm cốt lõi để phân biệt con người với các sự vật khác. Nhờ có lý trí, con người mới đạt được mục đích tối thượng của cuộc đời là hạnh phúc. Để hiểu được bản chất của hạnh phúc, Aristote cho rằng trước hết cần phải hiểu bản chất của linh hồn, vì hạnh phúc là hoạt động của linh hồn.

Aristote khẳng định: “tâm hồn có một phần vô lý trí và một phần khác hữu lý trí.[12] Phần vô lý trí lại gồm hai phần nhỏ: “phần chung cho loài người và cây cỏ không tham dự vào lý trí, bất cứ tới một độ nào, còn nhục dục, hướng về sự thèm muốn, không tuyệt đối ở ngoài lý trí, trong trình hạn mà nhục dục tuân theo và tòng phục lý trí.[13] Và phần có lý trí cũng gồm hai phần khác: “một phần tự nó toàn quyền, một phần tuân theo tiếng gọi của lý trí như một người cha.

[14] Như vậy, một người hoạt động tốt nếu người đó thể hiện chức năng của con người là hành động theo lý trí.[15] Nghĩa là sự hoạt động của phần vô lý trí phải được hướng dẫn bởi phần có lý trí. Cấu trúc về linh hồn cũng chính là nền tảng để Aristote phân loại các đức hạnh và giải thích bản chất của hạnh phúc.

2.2 Bản chất của hạnh phúc

Thật dễ nhận thấy tất cả các hành vi của con người đều nhằm đạt được một mục đích nào đó, bởi con người có lý trí và hành động theo sự hướng dẫn của lý trí. Mở đầu tác phẩm “Đạo đức học của Nicomaque”, Aristote viết: “Nghệ thuật nào và cuộc sưu tầm nào, cũng như hành động nào và sự thảo luận nào có suy nghĩ cũng đều hình như hướng về điều thiện.[16] Như vậy, mọi hành vi có lý trí đều có mục đích, và mục đích tối thượng chính là sự thiện. Mục đích đồng nghĩa với sự thiện. Nhưng có nhiều loại công việc, do đó có nhiều loại mục đích hay sự thiện khác nhau.

Theo Aristote có hai loại điều thiện: “Những điều thiện tại thân và những điều thiện chỉ là điều thiện một cách tương đối với những điều thiện trên.[17] Và điều thiện tương đối hay sự thiện công cụ chỉ là phương tiện để đạt đến điều thiện tại thân hay sự thiện nội tại.

Sử dụng sự phân biệt này giữa sự thiện nội tại và sự thiện công cụ, Aristote đưa ra một bậc thang giá trị. Ở cuối bậc thang chỉ là sự thiện công cụ; ở phần giữa là các sự thiện vừa công cụ, vừa nội tại; và trên cùng chỉ là các sự thiện nội tại.”[18]

Một cách tổng quát, ở điểm cao nhất của cấp bậc sự thiện, sự thiện nội tại như là đích đến tối hậu của mọi hành vi con người. Nhưng sự thiện nội tại tối hậu ấy là gì?

Aristote cho rằng đó là hạnh phúc. Ông lý luận:

Bởi vì chúng ta luôn luôn theo đuổi hạnh phúc vị thân, chứ không bao giờ vì một lý do khác. Về danh vọng, lạc thú, tư tưởng và tài năng đủ loại, chúng ta không mãn nguyện ở chỗ đạt đích những điều thiện ấy, nếu những điều ấy không có hiệu quả mà chúng ta vẫn ao ước không kém – chúng ta theo đuổi nó để nhằm hạnh phúc, vì tưởng rằng nhờ nó mà đạt được hạnh phúc. Nhưng không ai ao ước hạnh phúc vì những lợi ích mà chúng ta vừa chỉ định, nói tóm lại, vì một chút gì ngoài hạnh phúc.”[19]

Thật vậy, con người không bao giờ dừng lại với những sung sướng có được các thú vui, danh vọng, sở hữu vật chất. “Hạnh phúc không cốt ở tiêu khiển.[20] Vì đó là con đường dẫn đến sự thất vọng, bế tắc. “Hạnh phúc không phải là một năng hướng.[21] Vì nếu là một năng hướng hay khuynh hướng thì bất kì ai cũng có hạnh phúc. Aristote nhìn nhận mục đích chung cuộc mà con người hướng đến là “hạnh phúc” và hạnh phúc chính là sống tốt hay hoạt động tốt.

Nhưng thế nào là sống tốt? Aristote cho rằng người tốt là người hoàn thành chức năng của mình như một con người. Điều đó có nghĩa là phải phát huy hết tiềm năng của mình đến độ viên mãn và từ đó hoàn thiện chính mình. Nếu không thực hiện được điều này, con người sẽ phải dằn vặt, khổ đau và trở nên bất hạnh.

Hạnh phúc không tùy thuộc vận mệnh”[22], và cũng không phải là điều dễ có được trong một thời gian ngắn nhưng là sự phấn đấu của cả một đời người: “Vì một con chim én không làm được mùa xuân, cũng không làm được một ngày nắng; cũng như là một ngày và khoảng thời gian ngắn không gây nên diễm phúc và hạnh phúc.[23] Chính vì thế, hạnh phúc không áp dụng cho trẻ con nhưng cho cuộc đời của một con người trưởng thành. Hạnh phúc chính là điều thiện đích thực con người phải tìm kiếm và theo đuổi cách kiên trì suốt cả đời. Điều thiện ấy chính là “sự hoạt động của tâm hồn thích hợp với đức hạnh; và nếu có nhiều đức hạnh, thì thích hợp với đức hạnh tốt đẹp nhất và hoàn toàn nhất.[24] Hoạt động của tâm hồn ở đây chính là hoạt động của phần cao nhất, tức là lý trí hay khả năng suy luận.

Như thế, hành động của con người được điều khiển bởi đức hạnh.[25] Thật vậy, đức hạnh là điểm mấu chốt để có được đời sống hạnh phúc. Con đường đức hạnh là con đường đưa tới hạnh phúc. Chính “đức hạnh phát sinh ra hạnh phúc.[26]

Bởi đó, để biết được bản chất của hạnh phúc, chúng ta cũng cần biết được bản chất của đức hạnh là gì?

2.3 Đức hạnh – con đường đi đến hạnh phúc

Hạnh phúc không phải là một vật thể từ trên trời rơi xuống cho ta hưởng dùng, cũng không phải là một trạng thái tình cờ có được. Nhưng đó là một quá trình phấn đấu liên lỉ qua nẻo đường của đức hạnh. Chắc chắn, hạnh phúc không phải là một cái gì thoáng qua nhưng nó có giá trị vững bền.

Trước khi đưa ra định nghĩa về đức hạnh, Aristote nhìn nhận trong linh hồn, “người ta chỉ thấy những nhiệt tình, những khả năng hành động, những năng hướng thủ đắc, nên đức hạnh phải thuộc về một trong những loại ấy.[27] Aristote cho rằng đức hạnh không phải là những nhiệt tình, và cũng không phải là khả năng hành động nhưng “đức hạnh là những năng hướng thủ đắc.[28] Nhưng năng hướng ấy phải là năng hướng giúp con người thực hiện đúng chức năng như là một con người: “Đức hạnh của con người là một năng hướng khiến người ấy thành một chính nhân có thể làm tròn tác dụng riêng của con người.[29] Điểm cốt yếu của đức hạnh là sự trung dung trong mọi phán đoán và hành động.

Aristote cho rằng đức hạnh hay nhân đức là điểm chính giữa của hai nết xấu căn bản: thái quá và bất cập. Nếu đi trệch khỏi con đường chính giữa thái quá và bất cập sẽ thành thói xấu:

Nên chi đức hạnh là một sự trung bình, mà chúng ta đã nói rõ điều kiện: nó là một trung tâm giữa hai thói xấu, cái này vì thái quá, cái kia vì bất cập; bản chất của nó bắt nguồn ở chỗ nó nhằm sự quân bình ở nhiệt tình cũng như ở hành vi.[30]

Vì bản chất của sự trung bình bắt nguồn từ sự quân bình về nhiệt tình cũng như ở hành vi, nên điều cấu thành một đức hạnh nằm ở chỗ dùng lý trí điều khiển các cảm xúc hay đam mê và hành động của mình luôn ở mức quân bình, không thái quá cũng không bất cập. Quá mức dũng cảm sẽ thành liều lĩnh, quá mức thận trọng sẽ thành hèn nhát; buông thả quá mức sẽ thành phóng dật, tiết dục quá mức sẽ thành suy kiệt.[31] Như vậy, đức hạnh về bản chất là sự trung bình, nhưng về sự thiện hảo thì đó là điểm cao nhất.[32] Nhưng đâu là tiêu chuẩn cho sự trung bình?

Aristote cho rằng sự trung bình đúng đắn ấy không phải là duy nhất và đồng nhất khắp nơi.[33] Bởi, trong thực tế, sự trung dung không cố định cho mọi trường hợp và mọi người, nhưng chịu sự tác động của từng hoàn cảnh, khả năng riêng biệt. Ví dụ, về khả năng ăn uống, đối với người này giữ sự tiết độ là chỉ cần ăn ba lạng gạo mỗi ngày, nhưng người khác lại cần nhiều hơn thế thì họ mới đủ năng lượng hoạt động. Tuy nhiên, cũng có những hành vi tự bản chất là xấu chứ không phải vì nó thái quá hay bất cập, ví dụ như trộm cắp, giết người, ngoại tình.[34]

Để phân biệt được đâu là sự trung dung quả là một điều quá khó, ngay cả đối với những người có học thức. Tác giả của tập sách “Trò chuyện triết học”, Bùi Văn Nam Sơn nhận định: “Aristote đã thú nhận quá khó để phân loại rành mạch, không chỉ vì thiếu từ ngữ để đặt tên mà còn do sự can thiệp tùy tiện của tố chất và xu hướng của từng cá nhân nữa.[35]

Việc đạt được trung dung, hay sự quân bình nội tâm là điều rất khó, nhưng không phải là không thể nếu có được sự bén nhạy trước các xu hướng lôi kéo của các đam mê và cảm xúc. Aristote đưa ra hai điều kiện để đạt được trung dung là phải tránh những gì trái ngược với nó và giảm thiểu những điều xấu.[36] Vì thế, cần phải xem xét bản tính hướng chiều về phía nào nhiều nhất và phải đưa mình theo hướng ngược lại. Đặc biệt, phải tránh các thú vui và lạc thú.[37]

Aristote phân chia các đức hạnh thành hai loại:

Đức hạnh hiện ra dưới hai vẻ, một vẻ trí tuệ, một vẻ luân lý; đức hạnh trí tuệ một phần lớn tự học thức mà ra, và cần học thức để biểu lộ và phát triển; cho nên nó đòi hỏi sự thực hành và thời gian, còn đức hạnh luân lý là con đẻ của thói quen tốt; do đó, nhờ một sự thay đổi nhỏ, danh từ moeurs (phong tục) đã sinh ra danh từ moral (luân lý).[38]

Không giống với Socrate khi đồng hóa tri thức và đức hạnh là một, Aristote đề cao vai trò của lý trí trong việc thủ đắc các đức hạnh: “không có đức hạnh nào là không được kèm theo bởi lý trí.[39] Chính lý trí ngay thẳng là sự khôn ngoan.[40] Nhờ sự khôn ngoan và đức hạnh mà con người có được sự lựa chọn suy luận tốt đẹp: “đức hạnh ấn định cứu cánh tối cao; còn sự khôn ngoan cho chúng ta sử dụng những phương tiện có thể đạt được cứu cánh ấy.[41] Do vậy, cả đức hạnh trí tuệ và đức hạnh luân lý đều cần đến sự hướng dẫn khôn ngoan của lý trí.

Aristote không trực tiếp nói đến các đức hạnh đặc thù nhưng khi bàn đến sự trung dung ông thường dẫn ra các nhân đức can đảm,[42] tiết độ,[43] quảng đại,[44] và công bằng.[45] Đây được xem là bốn nhân đức căn bản để con người dựa trên đó nhằm có được cuộc sống tốt.

Để sở hữu được nhân đức không chỉ cần sự suy tư sáng suốt của lý trí nhưng còn cần đến cả sự lựa chọn kiên định của ý chí: “sự lựa chọn là cái gì gắn kết với đức hạnh - nó là tính chất riêng biệt của đức hạnh.[46] Thật vậy, trong mọi hành động của con người luôn cần tới ý chí. Sau khi lý trí đã làm công việc của nó là phân biệt tốt xấu, đến lượt ý chí đưa ra lựa chọn và quyết định. Vì thế, ý chí và lý trí thể hiện sự tự do của con người. Đức hạnh không có sẵn nhưng cần được giáo dục trong môi trường luật pháp ngay từ lúc thiếu thời.[47] Chính môi trường giáo dục và pháp luật mới trui rèn được ý chí và lý trí cho con người, giúp họ sáng suốt và kiên định trong các chọn lựa của cuộc sống.

2.4 Đời sống chiêm nghiệm

Aristote đưa ra ba loại hình thức hạnh phúc tùy theo quan niệm về điều thiện và hạnh phúc: dạng hạnh phúc thứ nhất là của quần chúng và những người thô tục để hạnh phúc trong khoái lạc và tiêu khiển; dạng hạnh phúc thứ hai là sống với tư cách một công dân tự do và có trách nhiệm; dạng hạnh phúc thứ ba là sống đời sống thông thái và triết gia.[48] Phát khởi từ quan niệm hạnh phúc là hoạt động của linh hồn phù hợp với đức hạnh, nên hạnh phúc hoàn hảo nhất phải tương ứng với đức hạnh hoàn hảo nhất.

Aristote khẳng định: “Hạnh phúc hoàn toàn là một sự hoạt động chiêm ngưỡng.[49] Lý do mà Aristote đưa ra là:

Vì sự hoạt động ấy bản nhiên cao thượng nhất; nơi chúng ta, tinh thần chiếm chỗ thứ nhất; và, về cái gì thuộc tri thức, những vấn đề do tinh thần bao quát cao siêu nhất. Chúng ta cũng thêm rằng hoạt động của tinh thần liên tục nhất; chúng ta có thể chiêm ngưỡng một cách liên tiếp hơn là làm một việc thực hành.[50]

Không những thế, Aristote còn cho rằng sự chiêm ngưỡng là một lạc thú thần diệu vì thanh khiết và lâu bền, ít phụ thuộc nhất vào người khác.[51] Đó là niềm hạnh phúc thực sự mà ít người đạt được và ít khi đạt tới.

2.5 Những điều kiện bên ngoài

Đức hạnh là con đường đưa tới hạnh phúc. Tuy nhiên, theo Aristote, hạnh phúc cũng cần tới các điều kiện khác như thân hữu, tiền bạc, ít nhiều quyền hành chính trị làm phương tiện thi hành.[52] Cả đời sống chiêm ngưỡng và đời sống luân lý cũng cần tới ngoại sản: “đời sống chiêm ngưỡng hình như cũng cần ít ngoại sản hay ít ra nó cũng đòi hỏi ít ngoại sản hơn đời sống luân lý.[53] Những điều kiện bên ngoài cũng có giá trị của nó trong việc truy tầm hạnh phúc.

Thật vậy, để thực hiện tốt các chức năng của mình, hay để thực thi tốt các đức hạnh con người cũng cần đến các điều kiện vật chất. Ví dụ: người quảng đại cần nhiều tiền để thực hành lòng quảng đại. Đức hạnh đòi buộc phải có sự lựa chọn có suy luận và hành vi. “Nhưng về hành vi, đức hạnh cần nhiều phương tiện; hành vi càng cao cả, tốt đẹp, phương tiện càng nhiều.[54]  Đối với những người đã đạt được hạnh phúc cao nhất, liệu rằng họ có cần tới các phương tiện khác nữa không? Aristote trả lời:

Người chiêm ngưỡng không cần những phương tiện ấy để khai triển sự hoạt động của mình. Hơn thế, có thể nói rằng những phương tiện ấy là một chướng ngại vật, ít ra là đối với sự chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, trong trình hạn mà con người tham dự vào kiếp người và chia sẻ cuộc đời với nhiều người khác, trước hết người ấy, vì phải hành động theo đức hạnh luân lý, nên sẽ cần những phương tiện ấy, để sống theo kiếp người của mình.[55]

Như vậy, dù ở trạng huống nào, con người đều cần đến những phương tiện bên ngoài để tạo dựng một cuộc sống tốt. Như thế con người hạnh phúc theo Aristote không tách rời với thực tại. Ông xem những điều kiện bên ngoài như là một trong những phương tiện để sống hạnh phúc, nhưng chúng cũng không phải là những nhân tố quyết định cho hạnh phúc.[56]

Chương 3: Nhận định 

Mặc dù Aristote là một trong những triết gia khởi đầu của nền triết học Hy Lạp Cổ đại, nhưng tư tưởng của ông có ảnh hưởng sâu rộng đến các giai đoạn triết học sau này. Triết học về đạo đức của Aristote đã là nguồn nảy sinh của các trào lưu triết học sau này như chủ nghĩa Khoái lạc, chủ nghĩa Khắc kỷ, vv. Không những thế, nó còn thấm nhập vào cả các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo.

Một phần nào đó, quan niệm về hạnh phúc của Kitô giáo cũng lấy cảm hứng từ tư tưởng của Aristote. Chúng ta dễ dàng nhận thấy ảnh hưởng của Aristote trong tư tưởng của thánh Tôma Aquinô, hay nói đúng hơn thánh Tôma Aquinô đã “Kitô hóa” triết học của Aristote. Trong quyển thứ hai của bộ Tổng luận thần học, khi nói đến tập quán và nhân đức, thánh nhân đã qui chiếu đến rất nhiều lý thuyết về đức hạnh theo Aristote.[57] Không riêng gì Kitô giáo, ngay cả Hồi giáo cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của triết học Aristote:

Ngay các nhà thần học Hồi giáo truyền thống cũng cho thấy chịu ảnh hưởng mạnh tư tưởng của Aristote. Do vậy, không phải tình cờ mà các giải thích của Allamah Sayyed Tabatabai về kinh Coran bao gồm tiếng vang của Nichomachean Ethics.”[58]

Có thể nói, tư tưởng triết học của Aristote đã tồn tại mãi dọc theo dòng thời gian, ngang qua các phong trào triết học và qua các học thuyết của các tôn giáo. Chúng ta thấy có rất nhiều triết gia đồng quan điểm với Aristote khi cho rằng hạnh phúc là mục đích tối hậu của con người, điển hình như Pascal, John Locke và John Stuart Mill:

Pascal, nhiều thế kỷ sau nói, ‘Con người mong được hạnh phúc và chỉ mong được hạnh phúc và không thể không mong được như vậy, và mong hạnh phúc vì chính nó.’ Và John Locke nói, ‘cái gì kỳ cùng khích động những khao khát của chúng ta?’ ‘Hạnh phúc,’ ông trả lời, ‘hạnh phúc và chỉ điều đó thôi. Nó là niềm vui tột bực mà con người đáng được hưởng.’ Rồi cuối cùng mãi về sau này khi chúng ta đi xuyên qua vài thế kỷ, John Stuart Mill nói, ‘Học thuyết công lợi cho rằng hạnh phúc là đáng khao khát và rằng thứ duy nhất đáng khao khát như cứu cánh chính là hạnh phúc, mọi thứ khác đáng khao khát chỉ là phương tiện.[59]

Như thế, quan niệm về hạnh phúc của Aristote không lỗi thời nhưng là một quan niệm có giá trị vượt thời gian. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác đối lập với Aristote, như Mortimer Jerome Adler nhận định:

Ít nhất đã có một nhà tư tưởng vĩ đại trong truyền thống của chúng ta phủ nhận rằng hạnh phúc không phải là cứu cánh của chúng ta. Immanuel Kant coi việc mưu cầu hạnh phúc là ích kỷ, đặt sự thỏa mãn cá nhân lên trên quy phạm khách quan của nghĩa vụ và lẽ phải. Kant nói, qui luật đạo đức ra lệnh thi hành nghĩa vụ một cách vô điều kiện, không phải chỉ để có được hạnh phúc. Hạnh phúc phải là kết quả, chứ không phải là mục đích, của hành vi đạo đức. Chúng ta phấn đấu không phải để hạnh phúc, mà để xứng đáng với hạnh phúc.[60]

Như vậy, phải chăng Aristote đã sai khi xem hạnh phúc là mục đích chung cuộc của cuộc đời? Rõ ràng Aristote xem hạnh phúc là mục đích còn Kant xem hạnh phúc là kết quả của hành vi đạo đức. Kant đã đi xa hơn Aristote khi nhắm tới sự vô cầu trong hành động, điều này cũng dễ hiểu, bởi đối với Kant sâu thẳm trong con người còn có một luật luân lý phổ quát mà mọi người phải tuân theo. Tất cả mọi hành động có nghĩa gì khi không có được hạnh phúc? Chúng ta hành động vô cầu không nhắm đến hạnh phúc cho chính mình, vì như thế là ích kỉ. Nhưng không có nghĩa là không nhắm đến hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ cho chính mình mà còn cho tha nhân.

Hạnh phúc hoàn hảo nhất là sự chiêm ngưỡng, đây là một tư tưởng tinh hoa của triết học đạo đức Aristote. Đời sống chiêm ngưỡng này thuộc về đời sống tinh thần nhưng không tách biệt khỏi thực tại, nó cần tới hành động, cần tới nhân đức.

Khi nói về đạo đức học của Aristote, Leslie Stevenson đã có nhận định như sau:

Quả thực, tất cả những khảo sát của Aristote trong Đạo đức học của ông đều được thực hiện không phải cho một lý thuyết, nhưng là để giúp con người trở nên tốt. Quan tâm cơ bản của ông không phải là để biểu diễn tài nghệ triết học và gây danh tiếng trong giới hàn lâm, nhưng để chấn hưng đức hạnh.[61]

Qua tác phẩm “Đạo đức học của Nicomaque”, chúng ta thấy Aristote trình bày học thuyết của mình rất cụ thể, thực tế chứ không trừu tượng mang tính răn dạy. Mục đích của Aristote là xây dựng một bảng bậc thang giá trị đạo đức cụ thể, giúp con người có được nhãn quan đúng đắn về hạnh phúc và làm thế nào để có được cuộc sống hạnh phúc. Đạo đức học của Aristote không chỉ nhắm đến tư duy nhưng hơn hết còn phải là hành động. Hạnh phúc là sự hoạt động của linh hồn phù hợp với đức hạnh hoàn hảo. Điều đó cho thấy, Aristote nhắm tới đời sống hiện sinh của con người hơn là những lý thuyết máy móc, trừu tượng.

Để có được đức hạnh thì cần phải đạt được trung dung. Đức hạnh và sự khôn ngoan của lý trí giúp con người có được đời sống hạnh phúc. Đức hạnh không tự dưng mà có được nhưng cần được giáo dục và tuân theo luật pháp. Bởi vậy, con người không thể sống tách rời khỏi cộng đồng. Tuy Aristote nhấn mạnh tới hạnh phúc hoàn toàn là sự chiêm ngưỡng nhưng ông cũng không phủ nhận sự cần thiết của các điều kiện ngoại sản như tiền của, tình bạn, quyền lực. Đó là một quan niệm rất hiện thực.

Tuy nhiên, khi nói đến dạng hạnh phúc thứ ba là sự chiêm ngưỡng, Aristote cho rằng, những người muốn có hạnh phúc thực sự phải có học thức, hay tham gia vào hoạt động chính trị. Như vậy, đó là dạng hạnh phúc chỉ dành cho một số ít người, còn đông đảo quần chúng chỉ là những người không thực sự có được hạnh phúc, họ chỉ mới dừng lại ở sự sung sướng của khoái lạc. Và học thuyết trung dung vàng của Aristote xem ra cũng không phù hợp với quần chúng vì nó cũng đòi hỏi con người có tri thức và lý trí sáng suốt.

Quan niệm về hạnh phúc trong triết thuyết đạo đức của Aristote đã phần nào đáp ứng lại khát vọng của con người thời đó. Không những thế, nó còn có giá trị vô cùng lớn cho cuộc sống của biết bao con người trong các thời đại sau này. Tuy không phải là một học thuyết hoàn mỹ nhưng đạo đức học của Aristote đã giúp cho con người sống tốt, sống có ý nghĩa; đồng thời đóng góp vào sự phát triển của nền văn minh nhân loại.

Kết luận

Quan niệm về hạnh phúc của Aristote là một tinh hoa của nhân loại, đó cũng là một đường dẫn giúp con người suy tư về ý nghĩa cuộc đời. Aristote đã lấy hạnh phúc như là đích nhắm của học thuyết về đạo đức. Hạnh phúc chính là điều mà bất cứ ai đã là con người thì đều phải quan tâm dù họ sống ở thời đại nào. Cùng với các tác phẩm khác của Aristote, “Đạo đức học của Nicomaque” đã trở thành một tác phẩm triết học bất hủ mà mỗi triết thuyết về đạo đức sau này đều phải lấy làm điểm quy chiếu.

Khởi đi từ mục đích chung cuộc của cuộc đời là hạnh phúc đi qua nẻo đường của nhân đức, trung dung vàng, của tình bạn, lạc thú để rồi bàn đến niềm hạnh phúc viên mãn là sự chiêm ngưỡng.  Để có được hạnh phúc thực sự không những phải có một lý trí sáng suốt, sắc sảo mà còn cần đến cả chọn lựa và hành động đúng đắn, nghĩa là cần đến cả lý trí và ý chí. Một người hạnh phúc thì cần đến cả đức hạnh trí tuệ và đức hạnh luân lý. Việc thủ đắc các đức hạnh không phải là điều dễ dàng, không phải một sớm một chiều nhưng cần sự kiên định trong suốt cả cuộc đời. Con người muốn sống hạnh phúc thì không thể tách biệt ra khỏi cộng đồng nhưng gắn bó với cộng đồng để được giáo dục và tuân theo pháp luật, đồng thời họ cũng cần có tình bạn chân thiện, có điều kiện vật chất vừa đủ. Hạnh phúc là đích đến nhưng cũng là động lực để con người hành động.

Cuộc sống con người có ý nghĩa hay không trước hết là ở việc xác định mục đích cho cuộc đời. Mục đích đúng sẽ có hướng đi đúng. Nhưng cái mục đích ấy phải là tối thượng, trên hết và có một giá trị tuyệt đối khách quan. Chỉ với mục đích như vậy mới có sức thúc đẩy con người tiến tới hoàn thiện bản thân. Aristote cho rằng đó là hạnh phúc. Còn đối với thánh Tôma Aquinô, hạnh phúc là cùng đích tối hậu. Hạnh phúc ấy không dừng lại ở việc hoàn thiện chức năng của con người như Aristote mà đi xa hơn đó là Thiên Chúa. Niềm hạnh phúc thực sự, viên mãn và tròn đầy chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa là cội nguồn và là cùng đích của hạnh phúc con người. Đó cũng là cứu cánh của đạo đức học hay luân lý học.

FX. Nguyễn Đại Học K.XVI

Thư mục tài liệu tham khảo

 

1.     Aristote (Đức Hinh dịch), Đạo đức học của Nicomaque, Nxb. Trung tâm học liệu – Bộ văn hóa giáo dục và thanh niên, Sài Gòn, 1974.

2.     Tôma Aquinô (Linh mục Giuse Trần Ngọc Châu dịch), Summa theologiae, Thư viện Trung tâm Học vấn Đa Minh biên tập, 2015.

3.     Samuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch sử triết học và các luận đề, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2003.

4.     Samuel Enoch Stumpf, - Donald C. Abel (Lưu Văn Hy dịch), Nhập môn triết học Phương Tây, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2003.

5.     Mortimer Jerome Adler (Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch), Cùng suy nghĩ về những ý niệm lớn, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2019.

6.     Bùi Văn Nam Sơn, Trò chuyện triết học tập 7, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2017.

7.     Mortimer Jerome Adler (Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch), Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2004.

8.     Ted Honderich (Lưu Văn Hy dịch), Hành trình cùng triết học, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006.

9.     William S. Sahakan, - Mabel Lewis Sahakan (Lâm Thiện Thanh và Lâm Duy Chân dịch), Tư tưởng của các triết gia vĩ đại, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.

10.   Leslie Stevenson et alii (Lưu Hồng Khanh dịch), Mười hai học thuyết về bản tính con người, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018.

11.   Gail M. Tresdey et alii (Lưu Văn Hy và Nguyễn Minh Sơn dịch), Truy tầm triết học, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.

12.   Trần Văn Hiến Minh, Từ điển và danh từ triết học, Nxb. Phương đông, Thành phố Hồ Chí Minh, 2014.

13.  Https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A1nh_ph%C3%BAc. Truy cập ngày 5 tháng 05 năm 2021.



[1] x. Samuel Enoch Stumpf, - Donald C. Abel (Lưu Văn Hy dịch), Nhập môn triết học Phương Tây, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2003, tr. 284.

[2] Tác phẩm được Aristote viết vào năm 350 trước Công Nguyên.

[3] Trần Văn Hiến Minh, “Hạnh phúc,” trong Từ điển và danh từ triết học, Nxb. Phương đông, Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 129.

[4] Ted Honderich (Lưu Văn Hy dịch), Hành trình cùng triết học, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006, tr. 346-347.

[5] https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A1nh_ph%C3%BAc. Truy cập ngày 05 tháng 5 năm 2021.

[6] Samuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch sử triết học và các luận đề, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2003, tr. 41.

[7] Mortimer Jerome Adler (Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch), Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2004, tr. 82.

[8] Samuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch sử triết học và các luận đề, op. cit., tr. 57.

[9] William S. Sahakan, - Mabel Lewis Sahakan (Lâm Thiện Thanh và Lâm Duy Chân dịch), Tư tưởng của các triết gia vĩ đại, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 56.

[10] Samuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch sử triết học và các luận đề, op. cit., tr. 86.

[11] Samuel Enoch Stumpf, - Donald C. Abel (Lưu Văn Hy dịch), Nhập môn triết học Phương Tây, op. cit., tr. 284-285.

[12] Aristote (Đức Hinh dịch), Đạo đức học của Nicomaque, Nxb. Trung tâm học liệu – Bộ văn hóa giáo dục và thanh niên, Sài Gòn, 1974, tr. 54.

[13] Ibidem, tr. 56.

[14] Ibidem.

[15] x. Samuel Enoch Stumpf, - Donald C. Abel (Lưu Văn Hy dịch), Nhập môn triết học Phương Tây, op. cit., tr. 285.

[16] Aristote (Đức Hinh dịch), Đạo đức học của Nicomaque, op.cit., tr. 21.

[17] Ibidem, tr. 31.

[18] Samuel Enoch Stumpf, - Donald C. Abel (Lưu Văn Hy dịch), Nhập môn triết học Phương Tây, op. cit., tr. 284.

[19] Aristote (Đức Hinh dịch), Đạo đức học của Nicomaque, op. cit., tr. 35.

[20] Ibidem, tr. 380.

[21] Ibidem, tr. 378.

[22] Ibidem, tr. 47.

[23] Ibidem, tr. 38.

[24] Ibidem, tr. 37.

[25] x. Ibidem, tr. 40.

[26] Ibidem, tr. 43.

[27] Ibidem, tr. 67.

[28] Ibidem, tr. 69.

[29] Ibidem, tr. 67.

[30] Ibidem, tr. 81.

[31] x. Bùi Văn Nam Sơn, Trò chuyện triết học tập 7, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2017, tr. 55.

[32] x. Aristote (Đức Hinh dịch), Đạo đức học của Nicomaque, op. cit., tr. 72.

[33] x. Ibidem, tr 70-71.

[34] x. Ibidem, tr. 73.

[35] Bùi Văn Nam Sơn, Trò chuyện triết học tập 7, op. cit., tr. 56.

[36] x. Aristote (Đức Hinh dịch), Đạo đức học của Nicomaque, op. cit., tr. 81-82.

[37] x. Ibidem, tr. 82.

[38] Ibidem, tr. 58.

[39] Ibidem, tr. 239.

[40] x. Ibidem, tr. 238.

[41] Ibidem, tr. 239.

[42] x. Ibidem, tr. 106-118.

[43] x. Ibidem, tr. 119-126.

[44] x. Ibidem, tr. 127-149.

[45] x. Ibidem, tr. 166-211.

[46] Ibidem, tr. 91.

[47] x. Ibidem, tr. 392-393.

[48] x. ibidem, tr. 28-29.

[49] Ibidem, tr. 386.

[50] Ibidem, tr. 381.

[51] x. Ibidem, tr. 382.

[52] x. Ibidem, tr. 42.

[53] Ibidem, tr. 385.

[54] Ibidem, tr. 386.

[55] Ibidem.

[56] x. Ibidem, tr. 388.

[57] x. Tôma Aquinô, Summa theologiae, Ia - IIae, q. 6-89.

[58] Gail M. Tresdey et alii (Lưu Văn Hy và Nguyễn Minh Sơn dịch), Truy tầm triết học, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001, tr. 585.

[59] Mortimer Jerome Adler (Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch), Cùng suy nghĩ về những ý niệm lớn, Nxb. Hồng đức, Hà Nội, 2019, tr. 158-159.

 [60] Mortimer Jerome Adler (Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch), Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại, op.cit., tr. 82.

[61] Leslie Stevenson et alii (Lưu Hồng Khanh dịch), Mười hai học thuyết về bản tính con người, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018, tr. 196.

 

Nguồn tin:
Tags :