Tôn Giáo Qua Nhãn Quan Tâm Lý Học (I) Freud & Jung

Tue,21/02/2023
Lượt xem: 1098


Dưới nhãn quan tâm lý học, chúng ta sẽ nghiên cứu hai cách tiếp cận về tôn giáo, phân tâm học của Freud và Jung trong bài này, và chủ thuyết thực dụng của James và Stark trong bài kế tiếp. Tuy Freud và Jung đều dùng phân tâm học, nhưng thái độ của họ về tôn giáo thì khác nhau. Freud xem tôn giáo như là một sự đánh lừa vốn để xoa dịu và giúp con người không phải đối diện với sự bất hòa nhận thức, như bệnh nhân tâm thần dùng ảo giác để tránh né các tình huống oái ăm trong cuộc sống. Trái lại, Jung cho rằng tôn giáo thể hiện một tiềm năng siêu việt không chỉ cho cá nhân, mà hơn hết, là nguồn ý thức tập thể của con người qua các hình mẫu tâm linh (archetypes). Cả hai quan điểm này cho chúng ta cái nhìn phê phán và phổ quát hơn về tôn giáo trong bối cảnh mục vụ.

SIGMUND FREUD PHÊ BÌNH TÔN GIÁO

Sigmund Freud (1856 – 1939) sinh ra tại một làng Moravian ở Freiberg. Freud khởi đầu theo đuổi ngành thần kinh học và sinh lý học, nhưng dần dần bị thu hút bởi tính hữu hiệu của những can thiệp tâm lý vào việc trị liệu bệnh tâm thần. Khi nhận ra mình có khả năng giúp các bệnh nhân giải tỏa bằng cách trò chuyện với họ, Freud nghiên cứu phương pháp phân tâm và được nhiều người công nhận là cha đẻ của ngành trị liệu tâm lý. Phong trào Nazi nổi lên làm gián đoạn sự nghiệp và danh tiếng của Freud ở Vienna vì gốc Do Thái của gia đình ông và mặc dù ông là người vô thần. Sau một thời gian do dự, cuối cùng Freud phải đút lót lính Nazi để được di tản qua London. Ông mất tại đó sau 15 tháng vì bệnh ung thư

Quan điểm phân tâm học của Freud dựa trên mô hình của sự rối loạn tâm thần. Ông dùng ví dụ về cách chữa trị một phụ nữ, vì quá khiếp sợ con nhện mà không dám vào căn phòng của mình. Mẹ cô thường hay tự ý vào phòng cô mà không tôn trọng sự riêng tư của con mình. Bác sĩ nhận thấy có mối liên hệ giữa mẹ cô gái và nỗi khiếp sợ của cô với con nhện. Điểm khai mở là trong khi tư vấn tâm lý, cô ta thốt lên: “Mẹ tôi cũng như con nhện vậy!” Cô bắt đầu nhận ra rằng, mình bị người mẹ bao vây giống như con ruồi dính vào mạng nhện mà không lối thoát. Vì không được phép thể hiện sự tức giận với mẹ mình, nên cô đã chuyển tải sự tức giận đó qua con nhện. Điều này tạo nên một cái “van” an toàn cho cảm xúc tức giận của cô. Một khi cô ý thức được mối liên hệ này, cô đã vượt qua được nỗi khiếp sợ về con nhện và bắt đầu đối diện với sự tức giận của mình.

Trong phân tâm học, tình trạng rối loạn thần kinh là do bệnh nhân gây ra bởi việc chuyển hướng năng lực tiêu cực của mình sang một đối tượng nào đó; tình trạng rối loạn này có thể được xóa tan, một khi ta khám phá ra nguồn gốc thật sự của nó. Freud cho rằng vô thức là nơi mà những ý tưởng và cảm xúc không được tiếp nhận, vì nó đang bị đè nén và phải tìm cách giải tỏa các năng lực này một cách an toàn. Phân tâm học cần nhận diện mối liên hệ giữa đối tượng của sự chuyển hướng với tình huống thực tế của cuộc sống. Tuy nhiên, cách Freud kết nối xung lực của trẻ con với sự ham muốn tình dục hay ganh tỵ đối với cha mẹ đã gây chấn động cho các đồng nghiệp của ông.

Tôn Giáo và Ảo Giác

Freud xem tôn giáo cũng là cách chuyển hướng những nỗi lo âu của con người qua các biểu tượng vô thực và tha hóa, vốn là một sự đánh lừa mà có thể ngăn cản được nếu con người đối diện trực tiếp với các vấn nạn và bất mãn trong cuộc sống. Tôn giáo là sự rối loạn thần kinh vì các nghi thức tôn giáo phản ánh hành vi mang tính nghi thức của bệnh nhân tâm thần. Giống như một hội chứng ảo giác thần kinh (neurosis), tôn giáo được dùng như cái “van” an toàn để giải tỏa sự căng thẳng tâm thần, nhưng lại không thể giải quyết tận căn những vấn đề thực tế mà con người phải đối diện trong cuộc sống. Một khi bệnh nhân hồi phục và tự mình đi đứng được thì cặp nạng gỗ không cần thiết nữa. Cũng thế, một khi con người nhận diện được đối tượng của rối loạn thần kinh, thì con người có thể sống lành mạnh hơn mà chẳng cần đến tôn giáo.

Freud trình bày quan điểm về tôn giáo của ông trong hai tác phẩm cổ điển. Tác phẩm Vật Linh Và Điều Cấm Kỵ (Totem und Tabu, 1913) mô tả sự tương đồng giữa huyền thoại của thổ dân và bệnh rối loạn thần kinh. Freud liên kết nguồn gốc tôn giáo độc thần với sự tích các người con trai đồng tình với nhau giết cha mình. Do mặc cảm tội lỗi về việc ám sát người cha, họ sợ hãi và tự hứa sẽ không bao giờ tái phạm. Việc ám sát này đưa đến thảm họa loạn luân, vì động lực của việc ám sát chính là lòng ham muốn chiếm đoạt người mẹ. Nhưng vì người cha đã bị sát hại và các người con trai không thể bày tỏ sự hối hận và đền bù về tội lỗi của mình, nên chúng đã tôn thờ và nâng ông lên như một vị Chúa Cha. Cho dù đây chỉ là một trình thuật tưởng tượng và không có chứng cứ lịch sử, nhưng nó thường được dùng như ẩn dụ để minh họa cho tình huống tha hóa trong phân tâm học. Nguyên thủy, sự kiện giết hại người cha trở thành biểu tượng của rối loạn tâm thần, đã được xuất hiện qua nhiều hình thức tương tự trong các trình thuật tôn giáo và văn hóa nơi các xã hội khác.

Tác phẩm Tương Lai Của Một Ảo Giác (Die Zukunft einer Illusion, 1927) trình bày ba cách giải thích mà khái niệm tôn giáo được truyền đạt: Đầu tiên là do tổ tiên của loài người tin vào các truyện thần thoại; rồi sau đó, các chứng cớ về chúng được tích lũy; và cuối cùng, thắc mắc hay hoài nghi về tính chân thực của chúng đều bị cấm đoán. Theo ngôn ngữ tâm lý học, niềm tin tôn giáo là một hiện tượng bị đánh lừa, vốn hoàn thành những ảo giác cổ xưa, quyền lực và những điều thúc bách nhất của nhân loại. Sự đánh lừa thường do thiếu khả năng nhận thức về thực tại, nhưng sự đánh lừa qua ảo giác là những gì mà con người muốn tin vào một thực tại khả thi. Ảo giác thì không liên quan gì đến thực tại bên ngoài, nhưng ảo giác dựa trên lý lẽ tại sao chúng ta tin và ước muốn điều mà chúng ta mong được thỏa mãn. Người ta tin vào chúng không phải vì chúng có thật, nhưng vì họ muốn chúng có thật.

Tương tự như Marx, Freud xem tôn giáo vừa là hàng rào giúp con người làm chủ các xung lực xấu xa của mình, vừa là sự an ủi bồi đắp cho những thiếu thốn và bất mãn của con người. Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải đè nén bản năng và ngăn cản sự hỗn loạn xã hội. Như là tiếng nói của đại ngã (super ego), tôn giáo biến đổi những cấm đoán từ xã hội bên ngoài thành những răn đe nội tâm. Mặt khác, nếu không có xã hội và tôn giáo, thì con người sẽ bị bỏ mặc trong thế giới tự nhiên, bất lực và tìm mọi cách làm cho thiên nhiên trở nên thân thiện với ước muốn của chính mình. Từ đó, con người phải tạo nên hình ảnh một nhân vật từ bi, rồi nuôi dưỡng và phóng chiếu hình ảnh đó ra ngoài thế giới như là một ảo giác. Trong khi Feuerbach xem Thiên Chúa là sự phóng chiếu những ước muốn thiện hảo của con người; thì đối với Freud, Thiên Chúa là một hầm chứa những nỗi lo sợ và ảo vọng của sự bất xứng mà con người không dám nhận ra từ mình. Qua cách phóng chiếu sự bất xứng ra ngoài, con người có thể đối phó với những truân chuyên trong định mệnh của cuộc sống.

Giá Trị của Tôn Giáo

Vì tôn giáo là sự rối loạn tâm thần, nên giá trị của nó không thể được chấp nhận như là hiển nhiên. Chứng cớ và giáo huấn của tôn giáo không phải là những chọn lựa sáng suốt và thuyết phục. Tôn giáo có thể giải tỏa tạm thời những áp bức gây nên do bị đè nén tâm linh (cầu nguyện, thiền, tĩnh tâm, v.v.), nhưng tốt hơn hết, chúng ta cần đối diện với những bức xúc này một cách trực tiếp qua tâm lý trị liệu. Trong khi sự đè nén mang tính ấu trĩ và cổ hủ thuộc phạm vi cá nhân được thể hiện qua hiện tượng rối loạn tâm thần của trẻ em, thì Freud cho rằng tôn giáo biểu thị các nhu cầu này ở mức độ cộng đồng, do đó cần hóa giải chúng với sự oái ăm của định mệnh và bù đắp những mất mát do bị xã hội chiếm đoạt. Chúng ta cần đem vấn đề bị dồn nén ở vô thức vào ý thức để chúng được đối diện và giải quyết theo sự hiểu biết của người lớn. Nếu tôn giáo không được loại trừ, thì con người sẽ luôn mãi sống trong sự ấu trĩ, và sẽ không bao giờ đối diện được với thực tại chân chính.

Phương pháp lý luận loại suy của Freud mang tính chú giải. Thay vi đưa ra một giả thuyết về nguyên nhân của sự kiện rồi chứng minh là nó chính xác như trong thế giới, Freud chỉ đề nghị chúng ta nhìn sự kiện qua một nhãn quan nào đó. Quan điểm phân tâm học của Freud đã tạo khung cho suy tư về tôn giáo, nhưng không có nghĩa rằng những khẳng định của nó là đúng. Nhiều học giả cho rằng, quan điểm tôn giáo của Freud thiếu khoa học vì không đưa ra chứng cớ nghiên cứu nào, mà chỉ dựa vào kinh nghiệm phân tích các bệnh nhân. Đa số các chuyên viên tâm lý trị liệu không còn chấp nhận chủ nghĩa vô thần mà Freud đòi hỏi trong phân tâm học nữa. Nhưng dù sao Freud cũng đã giúp chúng ta nhận ra giống như cách trị liệu bệnh tâm thần, tâm linh con người cũng có thể được giải thoát  khỏi những yếu tố thiếu lành mạnh của tôn giáo. Phương pháp trị liệu phân tâm có thể biến đổi một tôn giáo bệnh hoạn thành một tôn giáo lành mạnh hơn.

CARL JUNG TÔN DƯƠNG TÔN GIÁO

Carl Gustav Jung (1875 – 1961) sinh ra tại Kesswil, Switzerland. Khi còn trẻ, Jung có tính tình rất hướng nội và thích sống cô lập. Ông cho rằng mình sở hữu hai cá tính khác biệt mà ông gọi là Nhân vật 1 và Nhân vật 2. Ông thích nghiên cứu triết học và các hoạt động tâm linh bất thường. Tại Basel, Jung theo học ngành y khoa với chuyên môn về tâm lý trị liệu; và sau đó, làm việc tại một trung tâm y tế ở Zürich. Năm 1903, Jung kết hôn với Emma Rauschenbach, là người tiếp tục nghiên cứu với ông mãi cho đến khi ông qua đời.

Jung hợp tác với Sigmund Freud trong các năm 1906 – 1913. Lúc đầu, quan điểm của họ bổ túc cho nhau nhưng vẫn có những khác biệt về bản chất của vô thức, về quan niệm tính dục như là động lực cho mọi hành vi, và về vai trò huyền bí của tôn giáo. Jung cũng cảm thấy không thoải mái với khát vọng của Freud muốn biến ông thành một bản sao trung thành của Freud. Sau khi chia tay với Freud, Jung trải qua một “cơn bệnh sáng tạo”. Ông có giấc mơ về Âu Châu đang bị chảy máu, và Thế Chiến I bùng nổ. Từ đó, ông từ bỏ nghành y khoa, dành thời giờ trọn vẹn cho việc đọc và viết sách. Sau khi Thế Chiến I chấm dứt, Jung du lịch khắp nơi trên thế giới, và có ấn tượng nhiều nhất về Ấn Độ. Ông say mê đọc các sách về huyền thoại, và tìm hiểu tiến trình các biểu tượng được sản xuất như thế nào từ tâm linh con người.

Jung khởi đầu như một trong những đồ đệ sáng giá nhất của Freud. Thế nhưng, một khi Jung suy tư độc lập về tâm lý học và các bệnh liên quan, ông xem tôn giáo như nguồn năng lực cho sự chữa lành và quân bình tâm linh vốn kết nối con người với nhau. Jung xem tôn giáo là một yếu tố cần thiết giúp con người tiếp cận với trực giác tập thể và vĩ mô của cá nhân chúng ta. Thực tại này có thể được gọi bằng nhiều tên khác nhau; thế nhưng, nó đại diện cho một mạng lưới đồng điệu hay một ý thức đại đồng, vốn đã được ghi tạc vào tâm thức của cá nhân. Nội dung của nó là những hình mẫu, tức là những biểu tượng phổ quát giúp con người tổ chức và tạo ý nghĩa cho sự tồn tại của con người. Kết hợp với suy tư biện luận và duy lý, các hình mẫu và biểu tượng này cho phép con người tiếp cận thế giới trong sự quân bình và đầy ý nghĩa.

Tôn Giáo và Hình Mẫu của Vô Thức

Jung tự mô tả mình là nhà “hiện tượng luận” tâm linh. Kinh nghiệm là nền tảng, cho dù nó có ý vị là đại diện cho chính nó hay không. Là một tâm lý gia lâm sàng và chuyên viên trị liệu, Jung lưu tâm nhiều về hiệu quả và chức năng sáng tạo của tâm linh hơn là thực tại khách quan bên ngoài. Trong khi Freud nhìn vô thức như là “hầm chứa rác” gồm những nội dung bị đè nén, thì Jung nhìn vô thức một cách trung lập gồm những gì mà chủ thể không ý thức đến.

Jung tin rằng vô thức có hai phần: cá nhân và tập thể. Vô thức cá nhân là những xung lực tích tụ qua trải nghiệm cuộc sống của cá nhân. Vô thức tập thể là gia sản mà cá nhân thừa hưởng được như thành phần của nhân loại. Là kho dữ liệu tâm linh quan trọng, vô thức tập thể tạo nên cấu trúc của ý thức và kết nối cách huyền bí mọi cá nhân con người lại với nhau qua các hình mẫu (archetypes) của nó. Tuy chúng là thực tại tâm linh, những ý thức của chúng có thể được kiểm chứng cách thực nghiệm qua động lực cá nhân và tập thể của con người. Các hình mẫu được tiếp cận qua giấc mơ, nhưng bản chất của chúng là phổ quát và được thấy qua sự tái diễn của chúng nơi các huyền thoại và biểu tượng văn hóa trên thế giới (như hiện tượng “có hai mẹ” hay “có hai bản tính”).

Đối với Jung, các hình mẫu trong vô thức là những bản năng, không cần sự hỗ trợ của lý trí, nhưng lại thể hiện các nhu cầu căn bản và mãnh liệt của con người. Con người tiền sử tiếp cận các nhu cầu này qua giấc mơ và những phương pháp huyền bí hay loại suy. Thế nhưng, con người hiện đại đã tạo nên khủng hoảng cho chính mình khi loại bỏ giấc mơ, hay cho rằng nhu cầu căn bản và mãnh liệt của con người chỉ là vết thương tâm linh. Jung không xem tôn giáo như kiểu thuộc về giai đoạn ấu thơ của nhân loại, nhưng là nhu cầu gắn bó lâu dài vào các hình mẫu mà con người không bao giờ kết thúc được. Vô thức là nguồn sáng tạo và là công cụ hỗ trợ cho quan điểm của Jung về tôn giáo. Trong khi Freud xem bệnh hoang tưởng có thể chữa được qua cách mang nội dung của vô thức vào trong ý thức; còn Jung lại cho rằng khi một hình thức tôn giáo không còn ý nghĩa nữa, thì chúng ta cần đầu tư năng lực của vô thức vào các hình thức khác hữu hiệu và phù hợp hơn. Thay vì cắt bỏ hay loại trừ các hình mẫu của vô thức, con người có thể lắng nghe tiếng gọi của vô thức và trở nên sáng tạo hơn trong cách áp dụng hình mẫu vào các tình huống bế tắc của tôn giáo.

Bóng Tối của Vô Thức

Jung dùng ví dụ về khái niệm “Ba Ngôi” để minh họa mối tương quan giữa tâm lý học và tôn giáo học. Trong triết học Platô, hình mẫu tam giác được thể hiện qua bộ ba lý trí-tinh thần-dục vọng, vua-lính-thương gia, hay bản chất vàng-bạc-đồng. Thế nhưng, hình mẫu tam giác thì không tương xứng cho sự Thánh Thiêng như trong các thần thoại cổ xưa, vốn luôn được đại diện bằng một vòng tròn chia thành bốn hình vuông. Do đó, Jung đề nghị rằng, ngoài ba hình vuông đại diện cho Ba Ngôi, thì hình vuông thứ tư có thể được lấp đầy bằng các hình mẫu Đức Trinh Nữ hoặc Satan. Trong khi Tin Lành thường cảnh tỉnh con người về tội lỗi qua biểu tượng “Satan”, thì Công Giáo nhấn mạnh về sự bảo bọc và lòng từ bi của Thiên Chúa qua biểu tượng “Đức Mẹ”. Lý tính tân thời, vì quá lệ thuộc vào tính nhất quán của logic, xem sự đối lập như điều cần phải loại trừ; vì thế, lý tính tân thời không thể kết hợp các biểu tượng đối nghịch này lại với nhau thành một bức tranh hoàn hảo được.

Jung lưu tâm về ảnh hưởng của tôn giáo lên trạng thái tâm linh con người. Jung giải thích các biểu tượng tôn giáo  (tạo dựng, nhập thể, cứu rỗi, thập giá, cánh chung, v.v.) như là hình mẫu chứ không phải là thực tại tự thân. Là di sản của ý thức tập thể, biểu tượng tôn giáo có thể làm cho cá nhân tê liệt nếu cá nhân quá đồng nhất với một hình mẫu nào đó, nhưng cũng có thể cung cấp năng lực lành mạnh cho đời sống. Tôn giáo có khía cạnh mãnh liệt hay bóng tối của nó, nhưng nếu cá nhân biết cách hội nhập và thích ứng với các năng lực này thì chúng sẽ trở nên những tiềm năng sáng tạo.

Tuy nhiên, con người sẽ thất bại nếu giữ thái độ quá duy lý hay chối bỏ bóng tối như là nghịch lý đối với các giá trị của mình. Từ chối các hình mẫu về bóng tối như là không thuộc về mình là cắt bỏ sự vẹn toàn của tâm linh con người. Hiện tượng luận hình mẫu của Jung thì khác với lối tiếp cận biểu tượng tôn giáo của thần học truyền thống. Nhưng nó đã mở ra một lối suy tư phổ quát hơn, có khả năng vượt trên phạm vi ý thức và bao gồm cả về sự tái diễn của hình mẫu qua giấc mộng và các chuyện thần thoại. Joseph Cambell đã phổ biến khái niệm này qua nhiều sáng tác và cung cấp nguồn tri liệu sáng tạo cho bộ phim Star Wars của George Lucas.

Kết

Nói chung, cả Freud và Jung đều cho thấy mối tương quan năng động giữa vô thức và tôn giáo. Trong lúc Freud xem tôn giáo như sự đánh lừa hay ảo giác, thì Jung nhận ra tiềm năng siêu việt của vô thức trong tôn giáo. Tôn giáo vừa đại diện cho sự ràng buộc của siêu ngã, vừa là nguồn năng lực giải phóng cho con người. Tôn giáo dễ bị lạm dụng nhưng cũng là nguồn tư liệu hữu hiệu cho sự chữa lành. Là hữu thể tâm linh, con người bị rung động bởi tôn giáo, vì tôn giáo là một hiện tượng bí ẩn, lôi cuốn và khiếp sợ đối với con người. Vì thế, mọi nỗ lực lý giải ảnh hưởng của tôn giáo mà loại trừ chiều sâu của vô thức thì sẽ là khiếm khuyết. Lối tiếp cận tôn giáo của Freud và Jung có thể cung cấp cho chúng ta một cái nhìn bao quát và phê phán hơn trong phạm vi linh hướng hay tư vấn mục vụ nếu chúng ta biết cách kết nối cả hai lãnh vực ý thức và vô thức với nhau.

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM 

Tài liệu tham khảo

Carl Jung. Psychology and Religion (The Terry Lectures). Yale University Press, 1977.

Sigmund Freud. The Future of an Illusion (Die Zukunft einer Illusion, 1927). The Standard Edition, 1989.

Charles B. Jones. Introduction to the Study of Religion. The Teaching Company, 2014.

 

Nguồn tin:
Tags :