Triết Lý Giáo Dục Của Platon Trong Tác Phẩm "Cộng Hoà"

Sat,29/10/2022
Lượt xem: 2550

 

Con người luôn chịu ảnh hưởng và tác động không nhỏ từ môi trường sống, và nhiều lúc con người nguyên bản đã trải qua sự khuôn đúc, uốn nắn, cắt tỉa như nghệ thuật bon - sai. Tuy nhiên, con người không phải là vật vô tri vô giác, để rồi trở nên sản phẩm bị nhồi nhét đủ thứ, cũng không phải là chậu cảnh để người ta thích uốn nắn kiểu gì thì uốn, vì con người là hữu thể “nhân linh ư vạn vật”, nếu không được giáo dục đúng cách, sẽ sản sinh ra những thế hệ tương lai cằn cỗi, thiếu sức sống và sáng tạo. Do đó, giáo dục con người không phải là đào tạo những siêu nhân đầy hiệu năng, mà hướng đến một sự phát triển toàn diện, nên một hữu thể trọn vẹn đích thực. “Nói một cách mạnh mẽ theo Rousseau, con người chỉ có một “nghề” duy nhất được phép học: LÀM NGƯỜI”[1].

Tuy nhiên, giáo dục thời đại nào cũng chịu sự chi phối của những triết lý mang tính nguyên lý và nền tảng. Theo dòng chảy của lịch sử tư tưởng triết học, ta nhận thấy muôn vàn triết lý khác nhau về giáo dục. Mỗi triết lý lại có những tiếng vang và hiệu quả riêng biệt. Nhưng hơn bao giờ hết, trở về với nguồn cội triết học thời thượng cổ, sẽ giúp chúng ta đào sâu những tư tưởng mang tính phổ quát. Nó đóng vai trò như là kim chỉ nam hướng dẫn cho nền giáo dục mỗi thời. Bên cạnh đó, chúng ta nhận thấy rằng có nhiều triết gia giáo dục mang tầm ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, và giá trị mà các bậc thầy ấy để lại vẫn còn lưu truyền hậu thế.

Một trong những triết gia trong lãnh vực này không thể nào không nhắc đến gương mặt được mệnh danh là cha đẻ của nền triết học Phương Tây – Platon. Trong đó, triết lý giáo dục của ông vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến giáo dục hiện đại. “Cộng hòa” là danh tác tầm cỡ thế giới của Platon, và quyển thứ bảy đã trở thành bản văn xưa nhất và quan trọng nhất trong lịch sử tư tưởng giáo dục Tây Phương.[2] “Cái ngu là gốc rễ và cội nguồn của mọi cái ác” (Ignorance, the root and the stem of every evil), hay “mục tiêu của giáo dục là dạy cho chúng ta biết yêu cái đẹp”[3] (The object of education is to teach to love what is beautiful) là những danh ngôn nổi tiếng của Platon về triết lý giáo dục. Chúng ta sẽ cùng nghiên cứu đề tài triết lý giáo dục của Platon trong tác phẩm Cộng hòa để nhận thấy những tư tưởng bao quát của ông.

Vậy chúng ta nên tiếp cận và nghiên cứu đề tài này với tinh thần và mục đích nào? Vì như đã đề cập, triết lý giáo dục thì muôn vàn muôn vẻ. Do đó, “triết học giáo dục nếu có, khó có thể là “cái túi khôn” bao chứa và thâu tóm mọi tinh hoa, trái lại, theo thiển ý, chỉ có thể là một thái độ, một tầm nhìn, một cách ứng xử văn hóa.”[4] Mang tinh thần ấy, khi nghiên cứu đề tài triết lý giáo dục của Platon, bài viết muốn nhấn mạnh giá trị riêng biệt của nó, đồng thời hướng độc giả đến với tinh thần tự do phê phán và chọn lựa điều gì là tốt nhất cho mỗi hoàn cảnh lịch sử.

Để tìm hiểu đề tài này, chúng ta sẽ nghiên cứu nó trong ba phần: Phần thứ nhất điểm qua ý nghĩa, vai trò cũng như khủng hoảng của nền giáo dục hôm nay; Thứ đến là phần trọng tâm của vấn đề khi bàn sâu những triết lý giáo dục của Platon; Phần cuối sẽ là những nhận định về tư tưởng giáo dục của ông.

 


NỘI DUNG

1.   Ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục (xưa và nay) và khủng hoảng giáo dục (hôm nay)

 1.1. Ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục xưa và nay

Giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống cộng đồng xã hội cũng như cho tương lai thế giới. Giáo dục là nhằm thăng tiến sự sống con người trong nghĩa đảm bảo cho con người quyền căn bản của một nhân vị. Mỗi người tự bản chất ai cũng nhận thấy  sự sống là quyền tối thượng của con người, và giáo dục là cách để thăng tiến sự sống ấy như trong tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc điều 26 khẳng định: “Giáo dục nhằm giúp con người phát triển đầy đủ về nhân cách và thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền và các tự do cơ bản của con người, tăng cường sự hiểu biết, lòng khoan dung và tình hữu nghị giữa các dân tộc, chủng tộc, tôn giáo…”[5] Giáo dục xét như là một tất yếu của sự sống, một chức năng xã hội.[6]



Trước hết, giáo dục đóng vai trò đánh thức những tiềm năng còn tiềm tàng trong mỗi  con người, khơi dậy trong nhân vị những khát khao sáng tạo không ngừng, bằng một tư duy phê phán lành mạnh. Theo UNESCO thế kỷ 21 “giáo dục là khai phóng những kho tàng. Mỗi người là một kho tàng của chính mình. Bốn trụ cột giáo dục theo cách tiếp cận của UNESCO: Học để là người, học để làm, học để chung sống và học để hiểu biết.[7]

Từ giáo dục trong tiếng anh là “educate”, phát xuất từ tiếng la tinh educere có nghĩa là “dẫn ra, dẫn tới”.[8] Giáo dục không những là cánh cửa mở mang và lưu truyền những tinh hoa của tri thức nhân loại cho các thế hệ, mà còn khai sáng cho con người khỏi những u mê lạc hậu và định kiến sai lầm, kéo con người ra khỏi bóng tối của mê lầm, vì “vô tri bất mộ”. Giáo dục mở ra cho con người những chân trời để suy tư không ngừng về những vấn đề lớn lao mang tính nhân loại.

Bên cạnh đó, giáo dục không những chỉ giúp con người phát huy chất xám mà còn phát triển chất hồng của con tim, là xóa bỏ bất công, hận thù, chia rẽ, bạo tàn. Giáo dục phải nhắm đến đặt nền móng để xây dựng một nền văn minh Tâm Trí hài hòa để mỗi con người trở nên một kho tàng cho người khác, xã hội và nhân loại.[9] Mục đích của giáo dục là tạo ra những con người có nhân cách, suy nghĩ độc lập, tư duy sáng tạo, biết lấy quyết định, dám nhận trách nhiệm, có khả năng vận dụng kiến thức mới và trả lời cho những thách đố của thời đại.[10] Giáo dục có ý nghĩa định hướng xây dựng con người toàn diện, để họ vươn đến mức hoàn thiện của một CON NGƯỜI viết hoa, vì “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.”[11] Sứ mạng của giáo dục không phải chỉ đào tạo con người cho xã hội, mà làm cho cái “thiện chân” trong con người có thể được phát huy tối đa.[12]

1.2.     Khủng hoảng giáo dục (hôm nay)

Giáo dục ngày hôm nay đang phải đối mặt với những khủng hoảng sâu sắc trên nhiều phương diện mà đầu tiên là việc xác định triết lý giáo dục. Tại Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy giáo dục thiếu đi một nền triết lý đúng đắn để làm chuẩn mực quy chiếu.[13] Từ đó, giáo dục Việt Nam rơi vào vòng luẩn quẩn, lạc hậu và mất định hướng.[14] Giáo dục rơi vào hiện tượng “sửa chữa và chắp vá, vá chỗ này lại rách chỗ khác. Có nguy cơ rối rắm, thậm chí sâu hơn vào khủng hoảng.” Nhà nước đổ dồn đầu tư kinh tế và thiếu quan tâm đúng mức giáo dục, do đó người trẻ Việt Nam không tiếp cận với “tinh hoa trí thức nhân loại.”[15] Giáo dục Việt Nam vẫn tụt hậu vì lối học thuộc, thiếu tư duy, phê phán, lối học khoa cử hư danh truyền thống, và một lối “giáo dục nhồi nhét, nông cạn và vô văn hóa.” Trầm trọng hơn, đường hướng giáo dục có nguy cơ làm cho con người trở thành “một cái máy khả dụng nhưng không trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá.”[16] Nạn gian dối trong nền văn hóa học đường trở thành vấn đề gây nhức nhối, đạo đức xuống cấp trầm trọng.

Đứng trước vấn nạn nhức nhối ấy, điều cấp bách là tìm kiếm một triết lý giáo dục làm chuẩn mực để giúp con người tìm một hướng đi đúng đắn. Chúng ta sẽ nghiên cứu nền triết học Platon trong lãnh vực của ông, để nhận thấy những giá trị cần áp dụng.

 

2.  Triết lý giáo dục của Platon trong tác phẩm Cộng hòa

2.1.    Giáo dục là hành trình dẫn dắt đến chân lý, hoán cải tâm hồn

2.1.1.   Phương pháp “hộ sinh”

Socrate được mệnh danh là “người đỡ đẻ tinh thần”. Ông dùng nghệ thuật đối thoại để dẫn dắt người khác đến với chân lý hay còn gọi là biện chứng pháp. Platon không cho rằng mình đã khám phá ra tri thức hoàn hảo hay chân lý tuyệt đối hơn Socrate đã làm. Điều ông chắc chắn đó là cách bảo đảm nhất để theo đuổi tri thức là phương pháp biện chứng, là phương pháp đối thoại trong đó một tiền đề hay giả thuyết luôn bị đặt trước một lý luận phản biện. Đây là phương pháp của Socrate. Hơn thế, Platon đã lưu truyền lại biện chứng pháp của Socrate qua những tác phẩm dưới dạng đối thoại, trong đó, Cộng hòa nằm trong số những đối thoại của ông và thuộc nhóm thứ hai: trình bày lý thuyết các ý niệm và học thuyết siêu hình họcTác phẩm đã trình bày những ý niệm lớn lao: Công bằng, cái đẹp, chân thiện qua sự đối thoại giữa Socrate với những nhân vật như Glaucon, Polermachus, Adeimantus…[17] Chúng ta có thể nhận thấy các đoạn đối thoại điển hình về các ý niệm ấy, tỷ như ý niệm về công bình chính trực giữa Socrate với Polemarchus,[18] bàn về giáo dục với Glaucon,[19] về nhân cách của triết gia đích thực với Glaucon và Adeimantus…[20]

Đối thoại là phương thức giáo dục đầy lôi cuốn và tích cực. Trong hầu hết các đối thoại, Socrate là nhân vật chính điều khiển các cuộc tranh luận. Mục đích của đối thoại là nhằm tìm chân lý một cách linh động, không võ đoán, mỗi cá nhân không thể tự phụ tìm được chân lý, họ cần tìm một đối thoại viên để cộng tác trong việc tìm kiếm và cùng nhau chú tâm trong việc tìm kiếm đó. Chỉ trong cuộc đàm đạo giữa người với người mới có thể chắc tâm… Theo đó, tất cả cuộc tranh luận giữ được tính cách phóng khoáng, cởi mở. Đối thoại chính là con đường hữu hiệu dẫn đến chân lý.[21]

Đa số các đối thoại của Platon đều được trình bày theo những bản kịch nhỏ với màn đầu là một định nghĩa được đề nghị do một đối thoại viên. Socrate mới tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi đem định nghĩa đề nghị ra tranh luận và rút ra những hậu kết được đối phương chấp nhận mỗi khi Socrate dẫn từ cái này sang cái kia.[22]

Nếu như phái ngụy biện sử dụng ngôn từ như một nghệ thuật lừa dối, làm tương đối hóa mọi vấn đề và không dẫn dắt người khác đến với chân lý, thì phương pháp “hộ sản” của Socrate là nghệ thuật dẫn dắt con người tìm kiếm chân lý với mục đích sự thiện. “Giáo dục triết học, ngược lại với sự đào tạo ngụy biện, không nên tìm cách đem lại cho người học những lợi khí để thành công trong cuộc sống, mà phải hướng đến mục tiêu cao cả hơn.”[23]

Như vậy, tiếp thu tinh hoa của nghệ thuật hội thoại, tinh thần của người “hộ sản” được Platon thể hiện qua nhiều phần của tác phẩm Cộng hòa, chúng ta nhận thấy một triết lý giáo dục tích cực của ông. Chúng ta có thể kết luận rằng giáo dục không phải là những gì nghe qua một số người nào đó tự cho mình quyền đặt để tri thức vào một người không có nó, cứ như thể họ có thể nhét thị giác vào trong mắt người mù vậy.”[24] Qua phương pháp đối thoại, chúng ta thấy cách thức giáo dục của Platon rất cao thượng, vừa là người thầy “hộ sản trí tuệ” trong cung cách khiêm tốn, tôn trọng nhân vị, đồng thời nhẹ nhàng hướng người khác đến với chân lý cách tích cực.

2.1.2.   Dụ ngôn hang động và ý nghĩa

Một trong những câu chuyện nổi tiếng của Platon về triết lý giáo dục chính là dụ ngôn hang động, nằm trong phần đầu của cuộc đối thoại trong quyển bảy của tác phẩm Cộng hòa. Câu chuyện có thể được trích lại một cách ngắn gọn như sau:

“Tưởng tượng căn phòng dưới đất tựa hang động trong núi, phía cuối xa có lối vào dài rộng, lối đi vươn lên thông ra ánh sáng thế giới bên ngoài. Trong phòng có người, họ là tù nhân ở đó từ khi con nít, bị trói chặt một chỗ và chỉ nhìn được về phía trước. Cách xa một quãng, phía sau và trên cao, có ngọn lửa bập bùng. Giữa ngọn lửa và tù nhân, trên mặt đất cao hơn, có con đường thoai thoải chạy ngang, dọc theo con đường có bức tường thấp, như tấm phông trong buổi biểu diễn múa rối… Dọc bức tường nhiều người mang đủ thứ đồ nghề đi thành hàng. Đồ nghề hình tượng người, súc vật đẽo gọt bằng gỗ, bằng đá, đủ thứ vật liệu rọi chiếu đậm nét trên đó… Trong hoàn cảnh đó họ sẽ tin bóng mờ đồ nghề rọi lên hoàn toàn là thực… Giả dụ một người trong bọn họ được tự do, bỗng dưng đứng phắt dậy quay đầu, nhìn thẳng bước về phía ngọn lửa… Quý hữu nghĩ người đó sẽ nói như thế nào nếu có người cho hay những gì người đó thường thấy trước đó đều không thực, bây giờ càng gần thực tại người đó càng nhìn chính xác, vì sự vật hiện hữu đầy đủ ngay phía trước… Nếu bị ép buộc đi ngược lên lối mòn lởm chởm, dốc thẳm khi thấy ánh sáng mặt trời được buông ra… Khi ngoi ra ánh sáng, mắt sẽ lóa vì tia nắng chói chang… Dĩ nhiên, bởi người đó cần thời gian làm quen với ánh sáng trước khi có thể nhìn sự vật từ trong thế giới trên cao bên ngoài hang động… Cuối cùng người đó sẽ nhìn thẳng mặt trời, ngắm mặt trời… Sau đó người đó sẽ đi đến kết luận mặt trời là nguồn gốc kiểm soát mọi thứ trong thế giới hữu hình.”[25]

Phúng dụ này gợi ý rằng phần lớn loài người sống trong bóng tối của cái hang. Họ đã hướng tư duy của họ xung quanh thế giới của những cái bóng. Giáo dục có nhiệm vụ dẫn đưa người ta ra khỏi hang tối. Giáo dục không phải đơn thuần chỉ đưa tri thức vào linh hồn của một người không có tri thức, cũng như không phải là đưa cái nhìn vào đôi mắt bị mù. Tri thức giống thị giác ở chỗ nó cần có một cơ quan có khả năng tiếp nhận nó. Giống như người tù phải xoay cả người lại để mắt họ có thể nhìn thấy ánh sáng thay vì bóng tối, thì linh hồn cũng cần quay lưng khỏi thế giới lừa bịp của sự thay đổi và thèm muốn là những cái gây nên sự mù tối của linh hồn. Giáo dục, vì thế là sự cải hóa, một sự quay lưng khỏi thế giới của biểu hiện bên ngoài để đi vào thế giới của thưc tại.[26] Một khi đã giác ngộ được chân lý đích thực, không thể nào quay lại với đời sống cũ.

Những tù nhân trong hang tượng trưng cho những người thiếu tri thức đích thực, nhưng không biết mình thiếu, còn những người giải thoát khỏi xiềng xích và được dẫn ra vào ánh sáng ban ngày là đại diện người được giáo dục nhờ thấy những vật thực hơn từ trước đến giờ, thực hơn những cái bóng mà họ đã thấy trong hang; và cuối cùng, mặt trời, vật thể thực nhất trong mọi vật, vì mặt trời làm cho mọi vật khác hiện hữu, để trở nên có giáo dục, đồng nghĩa với việc vượt qua con đường từ ý niệm đến tri thức, để tiến từ những gì chỉ có vẻ thật đến những gì thực sự là thật. Ẩn dụ này cho thấy vai trò của một nhà giáo dục, như Socrate sau khi kết thúc dụ ngôn đã nhấn mạnh: “Giáo dục là nghệ thuật thực hiện vừa làm vừa kể, nghệ thuật chuyển đổi. Giáo dục phải trù tính phương pháp làm thế nào để tâm trí có thể xoay hết sức dễ dàng và hữu hiệu. Giáo dục không phải nghệ thuật đưa thị giác vào tâm trí, mà phải tiến hành từ ý thức tâm trí đã sở đắc khả năng đó, song xoay không đúng cách hoặc nhìn không đúng chỗ. Đó là việc giáo dục phải giải quyết.”[27]

Như vậy, ngang qua dụ ngôn nổi tiếng trong tác phẩm Cộng hòa của Platon, chúng ta nhận thấy giá trị sâu sắc của giáo dục đối với con người, tác dụng của việc có giáo dục và thiếu giáo dục đối với thực trạng nhân sinh.[28] Giáo dục không những giải thoát con người khỏi những u mê, ảo ảnh và sai lầm, nhưng còn lôi kéo và hướng con người đến với chân lý tối cao tuyệt đối như ánh sáng mặt trời tỏa rạng. Qua dụ ngôn hang động, ta cũng nhận thấy con người bị giam hãm trong chính tư tưởng của mình, muốn tìm sự giải thoát khỏi xiềng xích, phải tìm đến chân trời khác, ánh sáng khác.

2.1.3.   Nhận thức là nhớ lại

Platon nêu ra ít là ba cách khác nhau để trí khôn khám phá ra các hình thức, trong đó là sự nhớ lại. Nhưng hình thức là gì? “Hình thức là những kiểu mẫu vĩnh cửu mà các đối tượng chúng ta quan sát chỉ là những bản sao.”[29] Ví dụ, một người đẹp là bản sao của cái đẹp. Chúng ta có thể nói một người là đẹp vì chúng ta biết ý niệm về cái đẹp và nhận ra rằng người ấy chia sẻ ý niệm này nhiều hay ít. Trước khi linh hồn kết hợp với thân xác, nó đã quen biết các hình thức. Bây giờ người ta nhớ lại những gì linh hồn đã biết trước trong trình trạng hiện hữu của nó. Các sự vật hữu hình nhắc nhở đến các bản chất mà linh hồn đã biết trước kia. Giáo dục thực ra là một quá trình nhớ lại.”[30]

Như đã trình bày trong đối thoại Menon, trong phần tri thức luận, theo lý thuyết hồi niệm thì tất cả mọi tri thức đều là sự hồi nhớ những gì linh hồn đã thưởng ngoạn được trong tiền kiếp. Nhưng cần thiết phải hiểu quan niệm tri thức của Platon ở đây theo nghĩa rất chính xác, tức là tri thức bằng lý trí như đã trình bày trong phần tri thức luận, vì không phải bất cứ tri thức nào cũng đáng gọi là hồi niệm, vì một cách nào đó, mỗi cảm giác đều là một tri thức, nhưng không thể là một hồi niệm.

Để chứng minh sự tin tưởng vào hồi niệm và luân hồi tiền kiếp, Platon nêu ra hai lý do: thứ nhất, tri thức những lý tưởng không bao giờ diễn xuất từ những cảm giác, vì lý tưởng không bao giờ thuần túy trong sự lĩnh hội bằng cảm giác, ví dụ một vẻ đẹp lĩnh hội bằng cảm giác không bao giờ thuần túy vì luôn luôn nó bị pha lẫn với cái xấu; thứ hai, lý thuyết hồi niệm là một lý thuyết hơi kỳ khôi, nhất là ở lý do Platon nêu ra, vì theo ông, hình như tri thức toán học phải là tri thức bẩm sinh, nghĩa là tri thức này sẵn có trong ta, không do sự dạy dỗ cũng không do kinh nghiệm. Đó là khám phá quan trọng của Platon.[31]

Tựu trung, giáo dục đối với Platon là khơi gợi những tiềm năng sáng tạo trong bản tính con người, để con người tìm lại những năng lực, những ý niệm nguyên tuyền trọn vẹn, những hiểu biết đã ngủ sâu trong quên lãng: “Giáo dục không phát sinh hay pha chế nguyên tắc mới mẻ. Giáo dục chỉ hướng dẫn, điều khiển nguyên tắc đã tồn tại.”[32]

2.2.    Giáo dục trong việc xây dựng tổ chức cộng đồng

2.2.1.   Hệ thống giáo dục theo Platon

Trước hết, có thể nói, phương thức giáo dục của Platon cho một thể chế đất nước rất lớp lang, chi tiết và chuẩn mực theo từng giai đoạn đào tạo. Ông nuôi mộng tổ chức một cộng đồng lý tưởng, nên ông trình bày muôn vàn chi tiết về những biện pháp phải thi hành, nhất là về giáo dục. Cho đến ba tuổi, giáo dục chỉ có nghĩa là săn sóc về thân xác của đứa trẻ; từ ba đến sáu tuổi, khởi sự giáo dục luân thường đạo lý bằng cách thuật cho chúng những huyền thoại; từ bảy đến mười tuổi, tập luyện thể thao; từ mười một đến mười ba tuổi, tập đọc viết; từ mười bốn đến mười sáu tuổi, thi ca và âm nhạc; từ mười sáu đến mười tám tuổi, toán học; từ mười tám đến hai mươi tuổi, quân sự. Đến hai mươi tuổi, nhà nước bắt đầu một cuộc tuyển lựa đầu tiên để chọn ra một bên những thanh niên nào có khả năng quân sự thì hướng họ vào cuộc đời binh nghiệp, một bên những ai có năng khiếu cai trị thì huấn luyện cho làm thủ lĩnh. Những người này phải học những khoa học cho đến nơi đến chốn cho đến ba mươi tuổi. Từ ba mươi tuổi, nhà nước lại mở một cuộc thi tuyển thứ hai; những người nào ít xuất sắc sẽ nắm giữ địa vị phụ thuộc trong guồng máy cai trị, ai xuất sắc tự luyện thêm ít năm nữa về môn biện chứng pháp và sau cùng phải học luân lý. Một khi đã được tinh luyện về tri thức cái thiện tối cao rồi, họ đã đủ khả năng lĩnh nhận những trọng trách cao trong nhà nước.[33]

2.2.2. Triết gia - nhà lãnh đạo thành quốc

Trong Cộng hòa, Platon trình bày cho chúng ta một xã hội được xây dựng bởi những con người sống công bình chính trực và người lãnh đạo quốc gia phải là người yêu mến sự khôn ngoan, và dùng sự khôn ngoan ấy để dẫn dắt cai trị đất nước.[34] Ông chủ trương một xã hội tạo được những điều đó phải là một xã hội được lãnh đạo do các triết gia, hoặc do những nhà lãnh đạo biết chăm chú nghiên cứu triết học, triết gia là những người bảo vệ những giá trị của xã hội.

“Triết học phải được người chân chính nâng niu, không phải hàng ngụy tạo… Trước hết, người theo đuổi triết lý phải không có cố tất ngần ngại việc khó khăn, cực nhọc. Người đó không được nửa vời, nửa thích làm nửa không thích làm. Chẳng hạn, như người thích săn bắn, thể thao và đủ loại thể dục, song không có xu hướng học hỏi, lắng nghe tìm hiểu và không thích cố gắng tri thức như thế. Người thích làm lại theo chiều hướng trái ngược cũng là loại khập khễnh què quặt.”[35]

Vì giáo dục cộng đồng cần đặc biệt chú ý đến các triết gia, vì công cuộc cai trị lý tưởng của họ có thể đảm trách, nên Platon đã hoạch định chỉ thị rõ ràng: Những khoa học là những gì Platon nghiên cứu tỉ mỉ vì những khoa này sẽ giúp cho nhà cầm quyền tương lai cai trị hiệu quả, trước hết là toán số,[36] vì khoa này có khả năng giúp con người sử dụng trí óc để đạt được chân lý tự nội. Tiếp đó là hình học, vì nó là “tri thức về những gì hiện hữu luôn mãi,” nhờ đó linh hồn mới thoát được những gì thuộc cảm giác và hướng đến chân lý.[37] Thiên văn là môn hướng dẫn linh hồn nhìn lên cao và đối tượng của nó là hữu thể vô hình.[38] Nhưng tất cả các khoa học ấy chỉ là nhập môn vào khoa học cao siêu nhất là biện chứng pháp, vì như đã nói, con người biện chứng là con người đạt được tri thức yếu tính của mỗi sự vật,[39] chỉ một mình họ mới có được một “cái nhìn tổng hợp” trên tất cả vạn vật để giúp họ nhìn được toàn diện vũ trụ theo ánh sáng của lý tưởng hoàn thiện.

 

2.2.3.   Giáo dục nhân cách và đạo đức

Trong việc xây dựng nền Cộng hòa, Platon không những hướng đến việc đào tạo nguồn tri thức cho con người, nhưng trên hết là giáo dục con người có một tâm hồn cao thượng, biết quý trọng và sống những phẩm chất cao đẹp của tâm hồn, đến những nhân cách của một con người đích thực. Vì đối với ông, triết học không phải đơn thuần là một hoạt động chuyên môn, mà là một lối sống.[40]

Do đó, triết học giáo dục Platon không ngừng đề cao việc rèn luyện những nhân đức chân chính cao cả, đó chính là những nhân đức nòng cốt làm nên nhân cách con người: Khôn ngoan, công bằng, can đảm, tiết độ.[41] Đến nỗi ông ra lệnh kiểm duyệt gắt gao tất cả những áng văn chương,[42] cung cách hay nghệ sĩ kể chuyện[43] hay những nhà tạo biến ngôn, cách trình tấu âm nhạc hay những bản nhạc các em học sinh nghe,[44] nghệ nhân điêu khắc[45] hình ảnh thiếu tinh thần trong sạch hay bất cứ tác phẩm mà dẫn tâm hồn người trẻ đến sự phong túng buông thả, thiếu tiết độ, thiếu tinh thần đạo đức, hay làm tiêm nhiễm thói hư tật xấu vào trong tâm hồn. Ông cho rằng giáo dục văn hóa cho thanh thiếu niên lại hết sức  quan trọng trong việc giữ gìn tâm hồn yêu mến vẻ đẹp thực sự, và loại bỏ những gì là ti tiện nhờ được lý trí mách bảo. Nếu tốt đẹp giáo dục sẽ đem tới và truyền gửi vẻ dịu dàng, nét ngoạn mục.[46] Bên cạnh đó, còn phải dạy các em không ngừng tập duyệt cam go gian khổ, giúp cho tinh thần nghị lực cường tráng, hơn là chỉ lo lắng vóc dáng của cơ bắp.[47] Người lãnh đạo phải được giáo dục cách đối xử tao nhã, cư xử nhân đạo với đồng sự và quần chúng.[48]

Như vậy, với Platon, giáo dục nhân cánh để ngay từ thuở thơ ấu, các em có được một tâm hồn cao cả xứng với nhân cách, nhân phẩm của một con người trọn vẹn. Nhà nước hay cộng đồng là một thể chế giáo dục nhằm mục đích thực hiện sự công chính và sự thiện trên trần thế này.[49]

2.3.   Sự Thiện – Nguyên lý nền tảng của triết lý giáo dục

Như chúng ta biết rằng, mọi tri thức bắt nguồn từ học thuyết hai thế giới của Platon, bao gồm thế giới khả giác và thế giới các ý tưởng. Thế giới khả giác chỉ là cái bóng mờ nhạt, là bản sao của thế giới các ý tưởng, hay là thế giới các ý niệm. Do đó, con người phải từ bỏ mọi ảo ảnh để tìm đến thế giới đích thực là thế giới ý niệm và đạt tới ý niệm Sự Thiện Tối Cao. Đồng thời thực hiện điều Thiện là lý tưởng tối cao nhất của cuộc sống.[1] Cũng vậy, tất cả những học thuyết của mọi liên hệ: chính trị, luân lý của Platon luôn gắn với lý thuyết các ý tưởng, mà học thuyết này lại kết thúc ở đỉnh cao nhất là ý niệm Cái Thiện, vì nếu không có, sẽ không có luân lý, cũng không có chính trị. Chính nó cống hiến nền tảng vững chắc để tư tưởng và hành động được xây dựng trên đó.[2] “Bởi lẽ có thể nói cái đem lại cho đối tượng của hiểu biết sự thật và tâm trí người hiểu biết khả năng nhận thức là hình trạng của Chân Thiện (ý niệm). Vì Chân Thiện là nguồn gốc của hiểu biết và sự thật.”[3]

 Chính Chân Thiện là đỉnh điểm quy tụ mọi nhận thức hiểu biết và là đỉnh cao của mọi nhân đức mà tâm hồn không ngừng khát khao hướng tới, là nền tảng của mọi hiện hữu của hữu thể trọn vẹn đích thực:

“Chân thiện là nguồn cội không những của nhận thức đối tượng của hiểu biết mà còn là hiện hữu và thực tại của đối tượng hiểu biết; dẫu thế Chân Thiện tự nó không là thực tại đó, mà vượt xa, cao hơn thực tại đó về uy danh và quyền năng.”[53] “Chân Thiện là cứu cánh của mọi cố gắng, đối tượng mọi tâm hồn hướng tới.””[54]

Một điều sau hết nhưng rất quan trọng là mối quan hệ mật thiết giữa Chân - Thiện - Mỹ, mà trong đó Sự Thiện trở thành đỉnh cao quy chiếu cho mọi chuẩn mực. Vì trong cuộc sống, có nhiều thứ có cái Chân, có cái Mỹ nhưng thiếu Sự Thiện, thì vẫn chưa thực sự hiện hữu trọn vẹn: “Bất luận thế nào bản nhân nghĩ điều Chân và điều Mỹ, khi không ai hiểu từ đó cũng phát xuất điều Thiện, không có người bảo vệ xứng đáng, nếu người bảo vệ không hiểu điều Thiện liên quan tới hai điều! Và bản nhân nghi nếu không hiểu điều Thiện, không ai thực sự hiểu điều Chân và điều Mỹ là gì.”[55]

Tựu trung, Sự Thiện trở nên nguyên lý nền tảng, một chiều kích siêu việt khách quan cho mọi lãnh vực trong đó có cả giáo dục, nhằm hướng con người đến đỉnh trọn lành của cái Thiện. Như đã đề cập trong tinh thần “hộ sản tri thức”, giáo dục phải hướng con mắt tâm hồn người khác khỏi thế gian hay thay đổi này để chiêm ngắm thực tại và ánh quang tột đỉnh mà chúng ta gọi là điều Thiện.”[56]

3.   Nhận định

Trong một thời đại mà chủ nghĩa tương đối lên ngôi, và hạ thấp những giá trị siêu việt của tri thức và đạo đức, triết lý giáo dục của Platon luôn là một nguồn cảm hứng cho các nhà giáo dục biết giữ gìn và phát huy những lý tưởng cao đẹp, hướng đến những thực tại vĩnh cửu, một nhân cách làm người cao cả. Triết lý giáo dục của Platon theo một mô hình đầy lý tưởng, tạo nên một niềm tin vào sự hiện hữu của một - và chỉ một nguyên lý nền tảng, bao trùm mọi lãnh vực trong xã hội.[57] Niềm tin ấy có tác động không nhỏ đến tư duy giáo dục. Phải có một con đường đi đến chân lý và có thể tìm ra nó, và niềm tin ấy vẫn cứ ăn sâu vào nền văn hóa giáo dục: Vẫn có một con đường để đi từ hiện tượng đến bản chất, từ cái vô thường đến phi thường, tương đối đến cái vĩnh hằng tuyệt đối.[58]

Trước hết, nhờ mô hình lý tưởng hay ý niệm, con người ngày càng đạt tới những thành tựu giáo dục và khoa học ở mức độ cao, vì khơi dậy năng lực sáng tạo theo thế giới các ý tưởng. Triết lý của Platon chú ý nhiều đến việc vun trồng nền văn hóa tinh thần trong lĩnh vực giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức và tính cách. Thứ đến, mô hình này đặt vai trò người thầy vào trung tâm trách nhiệm của giáo dục, đồng thời nhấn mạnh viễn tượng “nhân bản” trong đời sống cá nhân và xã hội.[59]

Điểm quan trọng đặc biệt là nhờ ý niệm Sự Thiện, triết lý giáo dục của Platon trở nên nguyên lý siêu việt mang tính nền tảng phổ quát, một chiều cao để hướng thượng, một chiều sâu của tâm linh, giúp con người không lạc lối theo những tư tưởng chủ quan của mình.

Trong hoàn cảnh “hậu hiện đại” của một xã hội toàn cầu hóa ngày hôm nay, mô hình lý tưởng giáo dục của Platon dễ trở thành đối tượng của sự nhạo báng vì bị gán cái mác “duy tâm”, nhưng nấc thang giá trị của giáo dục và cuộc sống sẽ bị đảo lộn nếu không có một triết lý nền tảng phổ quát của ông.

 

KẾT LUẬN

Qua những gì được trình bày như trên, chúng ta nhận thấy rằng triết lý giáo dục của Platon trong tác phẩm Cộng hòa đã đem lại cho cộng đồng một hệ thống giáo dục chặt chẽ, lớp lang và liên tục trong cách tổ chức, bao quát và phân phối trên nhiều lãnh vực. Triết lý ấy ra đời rất sớm trong lịch sử loài người, nhưng rõ ràng đã mang đến những nét tích cực và đi trước thời đại: hành trình đào tạo giáo dục nên một con người đã khởi sự khi còn thơ bé, chương trình huấn luyện giáo dục qua các môn tăng dần theo lứa tuổi và phù hợp với khả năng mỗi người. Với sự giáo dục dựa vào khả năng ấy để phân chia các môn học và trình độ, mỗi người sẽ có cơ hội để được đào tạo phù hợp với năng lực chân thực và thậm chí còn có cơ hội để thay đổi cuộc sống của mình. Quả như lời nhận xét của nhà giáo dục Rousseau, giáo dục trong nền Cộng hòa là một nền giáo dục vì mục đích phát triển chung của xã hội và giáo dục được Platon xây dựng là một hệ thống giáo dục hay nhất từ trước đến nay.[60]

Trong thời đại ngày hôm nay, người ta dễ dàng nhầm lẫn khi cho rằng khoa học kỹ thuật và thời đại của thế giới phẳng đang lên ngôi, thì những gì tân tiến, mới mẻ, sẽ hợp thời và mang lại cho thế giới nhiều hiệu năng như lãnh vực khoa học đang thể hiện, nhưng tiến bộ nhiều khi không phải là dấu chỉ của sự thành công mà nhiều lúc lại là thất bại. Có những tư tưởng đã cách đây hàng ngàn năm nhưng vẫn xuyên thời gian và sống mãi nơi giá trị tự thân của nó, như chính triết lý giáo dục của Platon đã thể hiện. Triết lý giáo dục ấy vẫn luôn đóng góp nhiều giá trị để thúc đẩy con người không ngừng vươn tới những chân trời tri thức vô tận, thanh lọc và khai sáng tâm trí, hướng tâm hồn con người đến những giá trị siêu việt của Chân – Thiện – Mỹ, và sau cùng để con người theo đuổi hành trình lý tưởng của việc trở nên một hữu thể trọn vẹn, một CON NGƯỜI đích thực.

Triết lý giáo dục Platon vẫn là một dấu chấm hỏi đáng suy ngẫm, khi có sự xuất hiện của một số quan niệm cho rằng, triết lý ấy chưa đặt trên nền tảng tôn trọng bản tính tự nhiên của con người và tiến trình phát triển nội tại của nó theo nhà giáo dục J.J. Rousseau,[61] hay chưa nói đến trách nhiệm của nền tảng gia đình. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nào phủ nhận một nền giáo dục mang tính lý tưởng, một hệ thống có tính nền tảng, chặt chẽ và ổn định như thế cho việc xây dựng một quốc gia. Thiết nghĩ, triết học luôn là một nguồn sáng khơi mở suy tư để bao dung đón nhận thêm nhưng yếu tố tích cực, hầu làm phong phú và đóng góp cho nền giáo dục thế giới vươn xa hơn nữa.

 

Phêrô Nguyễn Văn Hậu K.XVI

THƯ MỤC THAM KHẢO

 

 1.     Platon, (Đỗ Khánh Hoan dịch), Cộng hòa, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2018.

2.    Jean Jacques Rousseau, (Lê Hồng Sâm & Trần Quốc Dương dịch), Emile hay là về giáo dục, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2010.

3.     Bùi Văn Nam Sơn, Trò chuyện triết học 7, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2017.

4.     John Dewey, (Phạm Anh Tuấn dịch), Dân chủ và Giáo dục, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2017.

5.  Samuel Enoch Stump & Donal C. Abel, (Lưu Văn Hy dịch), Nhập môn Triết học Tây phương, Nxb. Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2004.

6.  Nguyễn Thái Hợp, Giáo dục và tôn giáo – một cách tiếp cận, CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2009.

7.    Samuel Enoch Stumpf, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch, Lịch sử triết học và các luận đề, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2007.

8.  Beenjamin Jowett & M.T.Knight, Platon chuyên khảo, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008.

9.   Bernard Morichere và Nhóm các giáo sư triết học trường đại học Pháp, (Phan Quang Định dịch), Triết học Tây Phương từ khởi thủy đến đương đại, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008.

10.   Lê Tôn nghiêm, Lịch sử triết học Tây Phương, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2000.

11.    Nguyễn Du, Truyện Kiều chú giải, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2019.

12.   Nguyễn Trọng Viễn O.P, Lịch sử Triết học Phương Tây, Học viện Đaminh, 1998, Lưu hành nội bộ.

13.  Wikipedia, “Quyền Giáo dục”, 2021,

https://en.wikipedia.org/wiki/Right_to_education. Truy cập ngày 02 tháng 5 năm 2021.

14. Kaye Schofield, “The Purposes of Education”, 1999,

https://web.archive.org/web/20020214072003/http://www.aspa.asn.au/papers/eqfinalc.PDF. Truy cập ngày 28 tháng 4, năm 2021.



 

 

[1] Jean Jacques Rousseau, (Lê Hồng Sâm & Trần Quốc Dương dịch), Emile hay là về giáo dục, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2010, 19.

[2] Bùi Văn Nam Sơn, Trò chuyện triết học 7, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2017, 30-31.

[3] Platon, (Đỗ Khánh Hoan dịch), Cộng hòa, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2018, 247.

[4] Bùi Văn Nam Sơn, Trò chuyện triết học 7, op.cit., 21.

[5] Wikipedia, “Quyền Giáo dục”, 2021,  https://en.wikipedia.org/wiki/Right_to_education. Truy cập ngày 02 tháng 5 năm 2021.

[6] John Dewey, (Phạm Anh Tuấn dịch), Dân chủ và Giáo dục, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2017, 17, 27.

[7] Kaye Schofield, The Purposes of  Education,” 1999 

https://web.archive.org/web/20020214072003/http://www.aspa.asn.au/papers/eqfinalc.PDF.Truy cập ngày 28 tháng 4, năm 2021.

[8] Samuel Enoch Stump & Donal C. Abel, (Lưu Văn Hy dịch), Nhập môn Triết học Tây phương, Nxb. Tổng hợp Tp.HCM, 2004, 37.

[9] Nguyễn Thái Hợp, Giáo dục và tôn giáo – một cách tiếp cận, CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2009, 63-64.

[10] Ibidem., 17.

[11] Nguyễn Du, Truyện Kiều chú giải, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2019, 602.

[12] Jean Jacques Rousseau, (Lê Hồng Sâm & Trần Quốc Dương dịch), Emile hay là về giáo dục, op.cit., 16.

[13] Nguyễn Thái Hợp, Giáo dục và tôn giáo – một cách tiếp cận, op.cit., 17.

[14] Ibidem., 35.

[15] Ibidem., 29.

[16] Ibidem., 18.

[17] Samuel Enoch Stumpf, (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch sử triết học và các luận đề, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2007, 46.

[18] Platon, (Đỗ Khánh Hoan dịch), Cộng hòa, op.cit., 89.

[19] Ibidem., 490.

[20] Ibidem., 420.

[21] Beenjamin Jowett & M.T.Knight, Platon chuyên khảo, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008, 47.

[22] Ibidem, 48.

[23] Bernard Morichere và Nhóm các giáo sư triết học trường đại học Pháp, (Phan Quang Định dịch), Triết học Tây Phương từ khởi thủy đến đương đại, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008, 108.

[24] Ibidem., 108.

[25] Platon, (Đỗ Khánh Hoan dịch), Cộng hòa, op.cit., 482-491.

[26] Samuel Enoch Stumpf, (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch sử triết học và các luận đề, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2007.49.

[27] Platon, (Đỗ Khánh Hoan dịch), Cộng hòa, op.cit., 490-491.

[28] Ibidem., 482.

[29] Samuel Enoch Stumpf, (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch sử triết học và các luận đề, op.cit., 54.

[30] Ibidem., 56.

[31] Lê Tôn nghiêm, Lịch sử triết học Tây Phương, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2000, 227.

[32] Platon, Đỗ Khánh Hoan dịch, Cộng hòa, op.cit., 491.

[33] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học Tây phươngop.cit., 241.

[34] Platon, (Đỗ Khánh Hoan dịch), Cộng hòaop.cit., 42 - 43.

[35] Ibidem., 532.

[36] Ibidem., 510.

[37] Ibidem., 511.

[38] Ibidem., 516.

[39] Ibidem., 524.

[40] Samuel Enoch Stumpf, (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch sử triết học và các luận đề, op.cit., 46.

[41] Platon, (Đỗ Khánh Hoan dịch), Cộng hòa, op.cit., 230.

[42] Ibidem., 251.

[43] Ibidem., 209.

[44] Ibidem., 251.

[45] Ibidem., 243.

[46] Ibidem., 244.

[47] Ibidem., 261.

[48] Ibidem., 275.

[49] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử Triết học Tây Phương, op.cit., 241.

[50] Nguyễn Trọng Viễn O.P., Lịch sử Triết học Phương Tây, Học viện Đaminh, 1998, Lưu hành nội bộ, 193.

[51] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học Tây Phương, op.cit., 84.

[52] Platon, (Đỗ Khánh Hoan dịch), Cộng hòa, op.cit., 473.

[53] Ibidem., 473-474.

[54] Ibidem., 466.

[55] Ibidem., 466.

[56] Benard Morichere và Nhóm các giáo sư triết học trường đại học Pháp, (Phan Quang Định dịch), Triết học Tây Phương từ khởi thủy đến đương đại, op.cit., 108.

[57] Bùi Văn Nam Sơn, Trò chuyện triết học 7, op.cit., 42.

[58] Ibidem., 45.

[59] Ibidem., 46.

[60] Jean Jacques Rousseau, (Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương dịch), Emile hay là về giáo dục, op.cit., 36.

[61] Ibidem., 17.

 

Nguồn tin:
Tags :