Chạm...!

Thu,24/10/2024
Lượt xem: 677

 

Người nằm đó, tôi ngồi đây. Hai ánh mắt, hai số phận. Ánh mắt ấy chạm vào trái tim tôi. Đượm buồn. Ánh mắt ấy chất chứa bao nỗi niềm khắc khoải, bao hoài niệm xưa cũ đã qua, bao thổn thức những ngày mai chưa rõ và bao nỗi ưu tư về tình cảnh hiện tại. Cũng thật bi hài! Sau cú trượt ngã ấy, thân thể người mất hết đi sự sống động của chính nó rồi. Thân xác ấy giờ đây như một ‘khối mục nát’ đeo đẳng giữa dòng thời gian; Hình hài ấy như chỉ là ‘thứ có đó’ mà chẳng biết làm chi, chẳng để làm gì. Người nằm đây nơi góc nhỏ vỏn vẹn, không cử động, không kêu ca, nhưng người biết rõ mọi thứ đang diễn ra với mình. Tiếng thở dài! Đôi tay ấy co rúm, cứng đờ và lạnh ngắt. Đôi chân ấy khúc khuỷu với những lớp da như vảy sừng đang dần bong ra. Khuôn mặt nhăn nhúm trắng bệt vì đã quá quen với những nỗi bất lực của số phận.

Một tiếng thở dài của người làm tôi chạnh lòng chất ngất. Chắc có lẽ lòng người còn chất chứa quá nhiều nỗi niềm. Người muốn lên tiếng. Một sự cố gắng rướn mình lấy hơi để nói, nhưng phải thật khó khăn lắm, vì một chiếc ống silicon được chọc thẳng từ yết hầu vào tận phổi. Nhìn mà thương! Tám năm trường trôi qua sao mà lê thê lếch thếch, sao mà chứa đựng đầy dẫy những nghiệt ngã đau thương. Tôi như đang thấy được thật rõ những nỗi vất vả khôn xiết của một tình cảnh chỉ biết ôm lấy số phận mà chạy đua với thời gian. Nhìn ra ngoài kia, thế giới vẫn hối hả từng nhịp thở, bao thú vui trần thế vẫn diễn ra, trời đất vẫn vần xoay sớm tối và bao lớp người vẫn đang tất bật nơi vòng cơm áo. Nơi đây, tất cả như bị lãng quên. Một đôi vợ chồng già chăm nhau mà chẳng mấy ai nhòm ngó. Ngoài kia, thế giới rộn nhịp người xe; nơi đây, thế giới quên đi một số phận. Cái hay, cái vui ngoài kia thật trái ngược với cái lạnh, cái đau nơi này.

Một sớm Chúa nhật đầy mưa gió, chúng tôi theo chân mấy ông câu, đến thăm viếng bà con giáo dân Giáo xứ Yên Thịnh. Chuyến mục vụ chủ yếu hướng đến những người già neo đơn, những người bệnh và những hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi lên đường với một tinh thần Tin Mừng mà dường như, Chúa Thánh Linh đã ấp ủ chúng tôi bấy lâu. Chuyến thăm đầy mưa gió ấy mang đến cho chúng tôi những cảm nghiệm thật sâu xa về sứ mạng mà chúng tôi hướng đến. Ôi những số phận! Băng qua một cánh đồng, luồn qua mấy khúc ngõ quanh co về phía cuối làng, chúng tôi tìm đến nhà ông bà Thế Yên, một đôi vợ chồng già đang ‘tát cạn dần biển Đông’. Căn nhà cấp bốn đơn sơ với mái ngói đã bạc màu theo năm tháng. Bên góc nhỏ hoang lạnh, một hình hài trơ trọi đơn côi, ông Thế nằm đó! Nụ cười niềm nở, bà Yên tiếp nước chúng tôi:

Một chiều mùa Vọng năm 2016, ông nhà cùng bao người đi làm hang đá để chuẩn bị đón lễ Giáng Sinh. Trên đường về, thật không may, chiếc xe đạp cũ trượt nhoài trên con đường làng bởi lớp đá mạt gồ ghề mà người ta đổ dàn trải vung vãi khắp nơi. Nhà con đổ nhào mình vào một con mương lề đường. Vụ tai nạn xem ra chẳng mấy ghê gớm, nhưng đã khiến nhà con mất đi mọi sự. Ông Thế bị gãy đốt sống cổ, thân thể bị tê liệt hoàn toàn. Gia đình chạy chữa khắp nơi, ruộng vườn bán sạch, đời sống kiệt quệ hẳn đi, nhưng sau tất cả, giờ chỉ biết ngậm ngùi: Viện trả về…! Đành vậy, còn bà là còn ông. Bà Yên cho biết.

Kể từ đây, bao nỗi truân chuyên vất vả đổ dồn lên đôi vai của người phụ nữ ấy; bao nỗi niềm cay đắng của số phận chất chứa ngày một nhiều hơn trong ánh mắt xa xăm của người đàn ông này. Thân thể ông ngoài phần đầu ra thì dường như mất hết cảm giác và việc tự chủ cũng không còn. Ngày viện trả về, việc cấp dưỡng lại vô cùng khó khăn khi bình oxi và ống thở luôn vây kín trên khuôn mặt của ông. Thân thể ông giờ chỉ như một khối hiện diện mà chẳng thể thực hiện được một hành vi gì nữa. Nỗi khốn khổ ngày thêm chất đống, thân thể ông bị tan rửa dần đi, những lớp thịt phần thân sau bị lở loét, phân hủy dần dần và chảy ra vương vãi. Mùi hôi tanh nồng nặc khắp không gian. Những khúc xương lộ ra trắng úa như một thứ gì đó vô tri, mà tay có thể sờ đến và đếm. Ông đã chẳng biết đau nữa rồi. Đã có lúc tưởng chừng ông sắp vĩnh biệt cõi đời này vì nhìn vào thân thể hoại dần của ông, mấy ai tin là có chuyện phép màu. Bác sỹ đã lắc đầu, thuốc men cũng bó tay. Tất cả mọi thứ diễn ra trên cơ thể ông giờ đây chỉ biết trông chờ vào đôi tay của bà.

“Nhà con biết trông chờ vào ai bây chừ, chỉ biết cậy nhờ Chúa Mẹ nữa thôi”….

Và rồi, với lòng yêu thương hết mực và với niềm tin son sắc từ trên cao, những vết lở loét dần khô lại và không còn mùi hôi tanh; những chiếc ống thở ngày càng ngắn lại; và sự đón nhận cuộc sống ngày càng rõ nét hơn nơi tâm hồn ông bà. Tất cả là nhờ sự vun vén trọn tình nghĩa của bà dành cho ông. Thế nhưng, đằng sau những tiến triển có vẻ đầy tốt lành đó, chẳng ai nói hết được những nỗi khốn khổ của bà mà thôi.

“Vất vả lắm các chú à! Nếu ông cẩn thận hơn, thì con có phải khổ à ri mô. Con lo cho ông gần tám năm rồi, rứa mà kể từ khi ông đau liệt đây, năm sáu (6 người) đứa con kể cả dâu rể chưa hề đụng tay đụng chân chi để lo cho ông một lần. Con mần hết cả cho ông chơ không ai mần cho mô”.

Dường như chúng tôi cũng cảm nghiệm được nỗi khổ tâm sâu xa sau sự than phiền ấy. Chắc có lẽ bà thương ông lắm, nên cũng khao khát những quan tâm và yên ủi; Chắc có lẽ ông cũng thương bà nhiều, vì những nỗi vất vả bà phải gánh vì ông. Lời trách mắng bâng quơ ấy như nói lên những nỗi lòng, mà bà đang cất giữ đau đáu bây nhiêu năm trường. Biến cố ấy không chỉ là một nỗi đau cho một người, nhưng là gánh nặng cho biết bao người. Và rồi, những tiếng than phiền ấy đi qua hết những năm này tháng nọ, mà nó như là một thứ gì đó quá đỗi bình thường đối với những con người này. Chúng tôi chia tay ông bà cũng trong buổi sớm đó. Đã hẳn, chúng tôi chẳng mang được gì nhiều cho ông bà, nhưng chính ông bà lại cho chúng tôi thật nhiều: cách để yêu thương, cách để cậy trông, cách để đương đầu và cách để đón nhận…

Người đang nghĩ gì vậy? Tám năm rồi, mấy đứa trẻ ngày ấy sao mà xa vắng? Đượm. Khóe mắt tôi cay. Có phải người đang nhớ những ngày xưa tảo tần mưa nắng để lo cho con được miếng cơm manh áo, cho con được bộ áo quần, được cuốn sách con học, chiếc xe con đi? Có phải người đang nhớ những sớm hôm ruộng cấy? Có phải người đang nhớ sân thóc vàng chợt đổ cơn giông? Hay có phải người đang nhớ những đêm mưa bão tan hoang ruộng vườn?... Người có đang ấp ủ điều gì nữa không mà sao đôi mắt ấy cứ đăm chiêu bao nỗi niềm khắc khoải xa xăm! Chắc người nhớ lắm tiếng chuông chiều vọng ngân, những thánh lễ Mi-sa mỗi sớm và tiếng kinh cầu mỗi đêm; Chắc người cũng nhớ lắm ánh đèn chầu nơi cung thánh uy linh và không gian thánh thiêng Nhà Chúa; Chắc người cũng chẳng quên được những mùa lễ nô nức cõi lòng, những giờ chầu trầm mặc, thánh thiêng … Quên sao được với thứ lương thực tinh thần đã đi vào đời sống, chảy trong từng huyết quản mà nắn nên hình hài của một linh hồn! Người cô đơn. Có lẽ vậy! Người nói người muốn đi lễ, muốn đến nhà thờ, muốn đi đọc kinh sớm tối…nhưng thập giá Chúa ban, này con xin đón nhận. Tôi muốn đi với người. Khổ đau thân xác chi cho bằng khổ đau tâm hồn. Góc dường bệnh cô đơn lạnh lẽo ấy ôm ấp vỏn vẹn một hình hài mong manh nhưng không đánh rơi hy vọng.

Tôi chợt nghĩ về cây Thập giá mà Thầy mình vẫn đang treo thân ở đó, nơi nhà chầu bé nhỏ. Chiếc dường kia cũng như thập giá cô đơn ấy. Hình hài kia cũng như thân xác Thầy mình. Cũng thê lương lắm, cũng quằn quoại lắm, nhưng lại gieo trong tôi bao nỗi niềm hy vọng cho sự đáp trả đời này và khát vọng đời sau. Ngước nhìn lên những đau khổ mà Thầy mình đã đi qua, nghiệm thật sâu những cay đắng mà Thầy mình phải hứng chịu, ngụp thật lâu trong ai oán mà Thầy mình phải gánh lấy, tôi như nghe thấy lời mời gọi ra đi như vang dội hơn, dữ dằn hơn. Thầy vẫn ở đó và vẫn muốn cùng tôi đi trên con đường chẳng ai muốn. Con đường ấy dấn tới một miền hy vọng lớn lao khôn sánh; Con đường ấy khỏa lấp những khát vọng đằng sau sự sống và cái chết; Con đường ấy dấn tới một sự sống mới không còn mùi vị khổ đau: Giêsu.

Thế giới có bao nhiêu con người là có bấy nhiêu số phận. Ấy vậy mà, cái nghịch lý của thập giá thì luôn là điều gì đó để cho chúng ta khám phá. Còn đó bao nhiêu lớp người đói khổ, bao nhiêu số kiếp đau thương, bao nhiêu cảnh mất mát thê lương và bao nhiêu tai ương mà nhân loại đang phải gánh chịu. Nơi đây một phận người đau, đâu đó còn có những phận đời khổ. Điều gì Chúa muốn phải chăng nó cao cả và vượt lên trên hết những gì là định mệnh? Cái mong manh của phận người phải chăng cần được bồi đắp bằng một niềm hy vọng lớn lao hơn thế? Bên kia thế giới phải chăng mạch nguồn hạnh phúc chứa chan bội phần so với những gì là đau khổ đời này? Và còn đó vô vàn những điều phải chăng nữa để rồi mới làm cho chúng ta hiểu: Người ta đói cơm đói áo chi cho bằng đói tình thương và sự thật. Thế giới hôm nay cần lắm những sẻ chia và thấu cảm, cần lắm những hơi ấm của tình người và bác ái của tha nhân, cần lắm những bàn tay biết chìa ra và những đôi chân dám lên đường. “Chính anh em là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8).

Hôm nay, tay tôi đã được chạm vào thân thể đau khổ của Người. Trái tim tôi đã chạm vào Trái Tim rướm máu đó. Miệng tôi đã nói với Người rằng: Này con đây!

                                                                                            Hương Lạc

 

Nguồn tin:
Tags :