Hiệp Nhất – Làm Cho Người Khác Điều Mình Muốn

Tue,22/06/2021
Lượt xem: 1402

Sinh Non, K.XVI    

 

Trích từ tập san Đức Tin và Văn Hóa số 15 

 

Khi nói về sự tục hóa trong xã hội hiện đại, nhiều người thường nghĩ ngay đến những trụy lạc, sự phóng túng của giới trẻ qua các tệ nạn hút chích, mại dâm, lăng loàn. Nhưng ít ai nghĩ đến lối sống vô cảm và ích kỉ, một trong những lỗ hổng nhân cách của con người ngày nay, đặc biệt tại xã hội Việt Nam chúng ta đang sống. Nó đã và đang trở thành căn bệnh trầm kha của xã hội, mà không chỉ các nhà tu đức, các nhà đạo đức, các nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội lo lắng. Lối sống tầm thường ấy của con người đang bào mòn và hủy hoại biết bao giá trị nhân văn của cha ông chúng ta gây dựng. Nó như một nốt đen lớn phá hỏng đi cả bản nhạc du dương của đời thường, mà biết bao con người trong suốt những thế kỉ qua đã từng nốt chấm lên, đó là các bậc tổ tiên, cha ông chúng ta… Nhưng trớ trêu thay, có một nghịch lý, là nốt đen nghịch ấy luôn muốn trở thành một phần chấm phá, một nét riêng mà tất cả cần phải làm nền.

Nhìn lại lịch sử, biết bao giá trị căn bản của con người được xây dựng và lưu giữ, đó chính là tình tương thân tương ái, đồng tâm cộng khổ ‘bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn’ hay ‘chị ngã em nâng.’ Tất cả làm nên vị ngọt, vị đậm đà của tình người, tình anh em trong cuộc sống, đã viết nên biết bao bản hùng ca đượm tình nghĩa cử, ‘như chưa hề có cuộc chia ly.’ Ở Việt Nam chúng ta, giá trị ấy được khẳng định một cách rõ ràng hơn qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, bằng sự quan tâm giúp đỡ nhau ‘một cây làm chẳng nên non ba cây chụm lại nên hòn núi cao,’ hay cũng có khi ‘một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ’… Đó chỉ là một góc nhìn nhỏ của sự tương tác cùng nhau trong một nhịp sống của dân tộc. Nhưng hiện tại thử hỏi, mấy ai đã sống cho, sống vì và sống với nhau? Đâu đó chỉ là sự ngụy tạo, là vỏ bọc giá trị đầy thương hại.

Mỗi ngày lang thang trên mạng xã hội, chúng ta bắt gặp biết bao tiêu đề các bài báo đầy thương tâm, nào con giết cha, vợ sát chồng, chồng sát vợ; cướp của giết người, hiếp dâm, bắt cóc, cướp nội tạng… Cuộc sống con người bị xáo trộn, bởi muôn ngàn nỗi sợ hãi và nước mắt. Ngay lúc này đây, khi viết lên những dòng suy nghĩ này, tôi cũng sợ bị đố kị, sợ ném đá, sợ châm chọc. Những não trạng, lối sống và cách nghĩ ấy, con người đang rao bán, trưng bày một cách rẻ rúng, nhan nhản khắp nơi. Vì đồng tiền, quyền lực, danh vọng, họ đành chấp nhận đánh rơi điều căn bản nhất của con người là nhân bản, là lương tâm.

Trên mọi mặt trận của cuộc sống, đâu đâu cũng là những nỗi đau chỉ vì một nghịch lý cái ‘tôi’ là giá trị duy nhất. Sống trong xã hội mà ‘mình đẹp mình có quyền,’ ‘thích thì nhích,’ ‘mình thích là mình làm,’ ‘mình có quyền mình ra uy’ hay ‘vua bảo thần chết, thì thần phải chết.’ Con người ngày nay chỉ biết nũng nịu, làm dễ thương, để người ta thương mình, chiều mình, giúp mình, nhưng khi đạt được mục đích thì quay lại cắn gót chân người. Người ta không biết rằng đó chính là cái rẻ rúng nhất của phận người. Ích kỉ, vô cảm chẳng có gì đáng quan tâm hơn là lên án, chê trách.

Tại nơi được xem là có giáo dục nhất, nhân cách nhất, nhưng trường học cũng trở nên nơi vô cảm, lừa dối và tội lỗi. Gần đây, nổi lên một số trường hợp giáo viên đánh đập, làm nhục học sinh chỉ vì lí do ngớ ngẩn là đái dầm; giáo viên gây tai nạn cho học sinh nhưng lại chối từ trách nhiệm; giáo viên khát tình dụ dỗ học sinh ‘vào đời’; còn học sinh xô xát đánh nhau quay clip, đến nỗi có những thể loại xé đồ và điều gì sau đó thì ai cũng biết… Bao nhiêu điều bi đát cứ diễn ra hằng ngày, thể hiện một lối sống thiếu nhân cách, vô đạo đức. Xã hội đánh mất sự tin tưởng lẫn nhau. Con người vì vật chất, quyền lợi mà lao vào những trò lố đánh mất tình cảm, phẩm chất cao quý của con người.

Ngay cả trong môi trường Chủng viện, nơi được đánh giá là chuẩn mực nhất để đào tạo con người trong Thánh Linh, cũng tồn tại đâu đó những trò ‘chơi khăm’, ‘ném đá ngôn luận’, ‘trả thù sân cỏ’, ‘giật tít đề tài’… Đó là những cách thức con người ta hơn thua, trả đũa lẫn nhau.

Sự vô cảm, ích kỉ của con người thời nay đang đẩy một đất nước, xã hội vốn có truyền thống tốt đẹp tương thân tương ái, đậm chất tình người, đang lao xuống vực sâu của đau khổ, sợ hãi, mất tin tưởng, thiếu tôn trọng lẫn nhau. Điều này đang làm cho các nhà tư tưởng, đạo đức, giáo dục, hết sức băn khoăn và quan tâm lo ngại.

Đối với một xã hội được giáo dục đề cao giá trị cá nhân, theo chủ nghĩa ‘mắc kê nô’, cái tôi con người được nâng lên hàng tối thượng, làm gì có tình người và hạnh phúc.

Đứng trước những thực tại đó, lời của Chúa Giêsu qua Kinh Thánh nhắc lại cho chúng ta “điều anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như thế” (Mt 7, 12) quả là một giá trị. Lời ấy không chỉ mang đến giá trị nhân văn, nhân bản đã bị đánh mất nơi nhiều người, mà đang gợi lại những truyền thống tốt đẹp của con người. Đặc biệt là truyền thống chia cơm sẻ áo, vui với người vui khóc với người khóc của dân tộc Việt Nam.

Chúa Kitô đã mở ra một cánh cửa rộng mở cho những con người thiện chí lấy cái tâm làm gốc, khi cuộc sống con người hôm nay chỉ thích được phục vụ mà không có ý tôn trọng và phục vụ, giúp đỡ người khác. Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa độc tôn lên ngôi, thì đối với Thiên Chúa, Người muốn dùng tình yêu để phục vụ và chinh phục tha nhân. Người nhắn nhủ những Kitô hữu “Ai muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,28), nghĩa là phải phục vụ lẫn nhau. Với tinh thần đó, nó không chỉ nâng tâm hồn chúng ta vượt lên trên những thứ tầm thường, nhỏ nhặt và ích kỉ, mà còn cho chúng ta một cảm giác an toàn. Cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn khi mọi người biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ nhau. Thế giới sẽ không còn chiến tranh và hận thù nếu con người biết dùng tình yêu mà đối xử với nhau.

Con người là tạo vật có trí khôn và là chóp đỉnh của mọi sáng tạo của Thiên Chúa, nơi con người mang những giá trị hữu thể và thiêng liêng (x. St 1, 27). Con người có tự do, lý trí, và một trái tim cảm xúc, vậy mà tại sao chỉ sống cho riêng mình mà không phải cho nhau? Không phải Thiên Chúa đã sáng tạo con người có nam có nữ lúc khởi nguyên là để con người yêu thương nhau và bổ túc cho nhau sao? Con người đến với nhau trong tình yêu đôi lứa, để hướng tới nhập thể cùng một xương một thịt cũng vì yêu thương và tôn trọng nhau sao? Không phải Thiên Chúa cứu ông Giuse khỏi sự sát hại của anh em mình là để cứu cả dân tộc Ítrael, là anh em của mình sao? Và dân tộc Việt Nam ta, cũng có truyền thuyết về mẹ Âu Cơ sinh được trăm con, cho năm mươi người xuống biển và năm mươi lên non là cũng vì tình huynh đệ mà giúp đỡ nhau và xây dựng quê hương đất nước sao?

Cuộc sống không ai là một hòn đảo, tội gì ta phải cô đơn, tội gì ta phải ích kỉ, tội gì ta phải vô cảm để người đời chê trách, hận thù và khinh rẻ ‘một lần bất tin vạn lần bất tín.’ Con người ta dù có thiểu năng, dù có dốt nát thì người ta cũng phân biệt tốt xấu, cái nào có hại cái nào có lợi kia mà. Thế mà đau lòng, khi vắng bóng Thiên Chúa, con người lại muốn loại trừ nhau, xem như người khác là vật vô tri, một xã hội được cho là đang hướng tới văn minh, nhưng nhiều người lại đang thụt lùi, đánh mất đi cái căn nguyên của tính người đó là tình yêu, tình thương cảm, mà thay vào đó là sự dối trá, ích kỉ.

Hạnh phúc sẽ không phải là điều gì xa lạ khi mọi người biết thực hành yêu thương và làm những việc mà chính bản thân họ muốn người khác làm cho mình. Đó là giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn; là chia sẻ miếng bánh khi có người đang đói; đó là cầu nguyện cho nhau khi cuộc đời có những sóng gió và cô đơn, là nở một nụ cười thân thiện khi gặp gỡ hay chỉ là thinh lặng để lắng nghe câu chuyện của người khác… Những hành động nhỏ nhặt ấy, tuy mang tầm vóc rất nhỏ, nhưng nó lại mang những giá trị nhân văn cao vời, tạo cho con người cảm giác được yêu thương và yêu thương. Sự tôn trọng nhau nâng tầm giá trị căn bản nhân phẩm của mỗi người vượt chính con người của mình, để trở nên một hữu thể thiêng liêng được Thiên Chúa quan phòng. Và đối với mỗi người Kitô, những công việc nhỏ ấy thực sự là những viên ngọc thô đang được mài dũa tinh tuyền, để trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa và là một mối lợi cho ngày sau hết trước tòa phán xét chung.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nhấn mạnh “xin nhớ rằng không có điều gì nhỏ bé dưới mắt Thiên Chúa, hãy làm mọi việc với tình yêu.” Đúng vậy, Thiên Chúa người không phân biệt việc lớn bé của công việc, mà là duy nhất công việc ấy vì tình yêu. Vì trên hết “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 16), Ngài hiểu rõ giá trị của mọi hành động vì yêu thương, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giàu nghèo.

Một em bé mồ côi sống cô đơn, nhưng biết chia miếng bánh cho bạn mình lúc khốn khó, thì cũng không khác gì một người giàu có, mang tiền xây dựng bệnh viện, trường học cho dân làng khó khăn… Tất cả cũng chỉ lãnh nhận được “một đồng công ích” trước ngai Thiên Chúa là ông chủ tốt lành và nhân hậu.

Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ tự ti rằng mình không có cái để cho người khác. Ngạn ngữ Tây phương có câu “không ai nghèo đến nỗi không có cái gì để cho anh em mình.” Giống như Chúa Giêsu, tuy là một Thiên Chúa nhưng sinh ra trong cảnh nghèo hèn, và còn bị kết án phản quốc, tội nhân… Thế mà, Ngài lại là cứu cánh cho cả và thiên hạ khỏi tội lỗi. Vì Ngài đã hành động bằng tình yêu, với một lòng thương xót vô biên. Hay như mẹ Têrêxa Calcutta, người được nhận giải thưởng Noben hòa bình năm 1979. Một con người nhỏ nhắn, nhưng với nghị lực phi thường. Mẹ đã đi khắp nơi trên thế giới để rắc vãi tình thương và xây dựng hòa bình; ôm lấy, che chở cho những con người thiếu tình thương, thiếu tình bác ái. Mẹ làm, mẹ sống, mẹ hi sinh cho cuộc đời tha nhân nhưng không nghĩ đến những bước chân đang mòn mỏi của mẹ. Tình thương là thế, mẹ sống nhưng không để lại chút gợn nào trên đời nhưng là những luồng gió mát phủ kín mọi căn nhà, mọi cung lòng con người được mẹ yêu thương. Hạnh phúc là thứ cho đi mà không cần nhận lại. Và rồi, mẹ ra đi về với Chúa để lại bao nhiêu nỗi tiếc thương, bao nhiêu giọt nước mắt nhớ thương, ân hận và cả những sự biết ơn vô hạn. Tình yêu của mẹ đã chấp cánh cho bao con tim bị tổn thương. Cảm ơn mẹ - một tạo vật vĩ đại của Thiên Chúa.

Thế đó, cho dù nghèo hèn, không giàu có, nhưng mỗi người vẫn có cái để cho anh em mình đó là tình yêu, tình thương, là bác ái trong lời nói, dịu dàng trong cách ứng xử, là điều mình muốn người khác làm cho.

Thời đại của Chúa Giêsu đã qua đi cách đây hai ngàn năm, nhưng câu nói của Ngài vẫn con nguyên giá trị: “Anh em hãy làm cho người khác điều anh em muốn người ta làm cho mình.” Gia đình, giáo xứ, đất nước và nhân loại sẽ ra sao nếu con người sống ích kỉ, cá nhân. Có lẽ chỉ là một đống tro tàn của đau khổ, nhưng khi biết cho đi, dùng tình thương, lòng nhân ái để nâng đỡ nhau, chia cơm sẻ áo cho nhau, thì mọi gánh nặng của cuộc sống sẽ bị đập tan và nhường lại cho hạnh phúc sum vầy.

Là những người Công giáo, là những tín hữu, chủng sinh, linh mục, là chiến sĩ Chúa Kitô, chúng ta hơn ai hết là những người có trách nhiệm với những lời giáo huấn của Chúa Giêsu, hãy ra đi rao giảng Tin Mừng và đem tình thương cứu độ của Thiên Chúa đến với mọi người. “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì còn gì là ân với nghĩa” (Lc 6, 32), nhưng “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6, 27-28). Đó mới chính là con cái Thiên Chúa lấy tình yêu mà khỏa lấp bất hạnh và hận thù. Đó mới là con người mới mặc lấy Chúa Kitô trong sự sống mới, và “ở điểm này người ta sẽ biết anh em là môn đệ Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 35).

Nhờ vậy, gia đình sẽ hạnh phúc, đất nước được tự do và thế giới được hòa bình. Chúng ta sẽ thực hiện được điều này khi chính mỗi người sống cùng nhau biết yêu thương, chia sẻ những giá trị tinh thần cũng như vật chất cho nhau, giúp đỡ nhau khi gặp khốn khó, yêu thương kẻ cùng đường đau khổ. Vâng, chẳng có gì là không thể. Hãy tự đánh thức lương tâm của mình bằng chính tình yêu: “Anh em hãy làm cho người khác điều anh em muốn người ta làm cho mình.” Chúng ta chẳng bao giờ thua thiệt đâu khi làm như vậy. Vì nếu, con người không thể làm ngược lại cho anh em, thì chính Thiên Chúa, Đấng tràn trề tình yêu và ân sủng sẽ bù đắp cho anh em, vì Ngài biết hết mọi việc anh em làm: “Hãy ra đi và hãy làm như vậy” (Lc 10, 37).

Muốn hiệp nhất hôm nay, mỗi người chúng ta hãy mang lấy tình yêu mà bồi đắp hận thù, ghen ghét. Cuộc sống sẽ tốt đẹp và hạnh phúc biết bao, hạnh phúc không chỉ ở trần gian nhưng còn là cuộc sống mai sau.

Nguồn tin: