Làm Thừa Tác Viên Của Chúa Trong Một Thế Giới Phẳng Và Trong Một Giáo Hội Phẳng

Tue,08/10/2024
Lượt xem: 326

Cả thế giới và Giáo Hội đều đang thay đổi, để lại những hậu quả gì cho các linh mục và tu sĩ hôm nay ? Bài viết này nhằm trả lời cho câu hỏi ấy, nhưng nhấn mạnh đặc biệt tới việc đào tạo tri thức cho các thành phần ấy.

 

1. Một thế giới phẳng

“Thế giới phẳng. Lịch sử vắn tắt của thế giới toàn cầu hóa thế kỷ 21”. Đây là một tác phẩm, do L. Friedman biên soạn năm 2005, nổi tiếng trên toàn thế giới. Trong đó ông khẳng định: do những phát minh gần đây trong ngành tin học và các công nghệ kỹ thuật số, thế giới hiện nay đã trở thành một sân chơi không thiên vị, nhất là cho các doanh nhân, vì tất cả mọi người đều có thể nắm bắt các cơ hội kinh doanh một cách bình đẳng. Ai khôn ngoan và liều lĩnh thì thắng, bất luận là người Ấn Độ, Trung Quốc, Phi Châu, Mỹ Châu hay ai khác. Không như ngày xưa, ai ngồi trên chóp là có thể kiểm soát mọi sự. Ngày nay, không có ai được dành cho một vị thế thuận lợi rõ ràng. Mọi người đều có cơ hội như nhau. Thế giới phẳng mà ! Ai cũng ở trên cùng một mặt bằng.

Ngay đầu tác phẩm, Friedman đã giải thích 10 sự kiện góp phần làm cho thế giới trở nên bằng phẳng. Đó là: 1/ bức tường Berlin bị sụp đổ; 2/ phí tổn hạ của hệ thống mạng năm 1995 làm bùng nổ việc phát triển mạng; 3/ các phần mềm dùng để quản lý quy trình lao động được khẳng định và phát triển; 4/ hiện tượng truy cập mạng cho phép mỗi người đưa lên mạng những hiểu biết riêng và ý nghĩ riêng của mình cho mọi người trên khắp hành tinh; 5/ hiện tượng tìm nguồn lực từ ngoài công ty (‘outsourching’) đã giúp các xí nghiệp chuyển một số công đoạn sản xuất của mình ra bên ngoài. Hiện tượng này đã tạo công ăn việc làm cách đặc biệt cho người dân Ấn Độ; 6/ hiện tượng đưa việc làm ra ngoài nước (‘offshoring’) hay đưa toàn bộ công việc sản xuất ra ngoài nước. Trung Quốc là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ việc này; 7/ hiện tượng phối hợp cung cấp (‘supply-chaining’) hay liên minh hàng ngang giữa nhà cung cấp, người bán hàng và khách hàng; 8/ hiện tượng tìm nguồn lực từ trong nội bộ : một xí nghiệp nhỏ có thể làm việc như một xí nghiệp lớn và ngược lại, nhờ mạng lưới các đệ tam nhân (‘insourching’); 9/ thu thập thông tin (‘informing’) nhờ hệ thống và các máy móc tìm tòi hay nhờ các dụng cụ thu thập thông tin, các dữ kiện và các nội dung ; khả năng triển khai hệ thống phối hợp cung cấp của cá nhân; 10/ những ‘stéroïdes’ hay khả năng biến mọi sự thành đơn vị số và khả năng nối kết với Internet ở bất cứ nơi nào và lúc nào để trao đổi các dữ kiện do các công nghệ mới mang lại, như công nghệ vô tuyến. Theo Friedmann thế giới đã bắt đầu trở nên bằng phẳng từ ngày bức tường Berlin bị sụp đổ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989. Đó là phút mở đầu cho chủ nghĩa cộng sản bị sụp đổ, cho khối Đông Âu và Trung Quốc bắt đầu mở cửa, để hôm nay trở thành những tác nhân hàng đầu trên thế giới. Trong thời kỳ này chúng ta được dịp chứng kiến sự xuất hiện của các máy điện toán cá nhân, càng ngày càng trở nên mạnh nhờ chương trình Windows, giúp các cá nhân có thể tạo ra những nội dung riêng, rồi chia sẻ cho người khác. Bức tường Berlin bị sụp đổ còn là biểu tượng cho thấy con người có khả năng khắc phục các trở ngại và vượt qua mọi hàng rào ngăn cách.

2. Một Giáo Hội phẳng

Nếu bức tường Berlin bị sụp đổ vào ngày 9/11/1989 là sự đánh dấu một thế giới phẳng được bắt đầu thì có thể nói một Giáo Hội phẳng được khai sinh kể từ ngày công đồng Vatican khai mạc, tức là ngày 11/10/1962. “Lumen gentium” – hiến chế tín lý về Giáo Hội – đã tuyên bố Giáo Hội là Dân Thiên Chúa (LG 9,17).Trước công đồng Vatican II người ta thường có thói quen đồng hóa Giáo Hội với hàng giáo phẩm, nếu không trên nguyên tắc thì ít là trong thực tế.

“Lumen gentium” không những mang đến cho Dân Chúa một chỗ đứng trong Giáo Hội, mà còn là chỗ trung tâm của Giáo Hội. Hiến chế ấy không phá hủy bản tính phẩm trật của Giáo Hội, mà chỉ đặt phẩm trật ấy vào trong lòng Dân Chúa; hiến chế ấy làm cho mọi người được trở nên bình đẳng với nhau trong Giáo Hội dựa vào phép Rửa, dù mỗi người sẽ thi hành một tác vụ khác nhau.

Trước Vatican II, thuật ngữ “tư tế” hay “linh mục” chỉ dành cho những người đã được truyền chức linh mục. Còn Vatican II tuyên bố mọi người đã chịu phép Rửa đều đóng vai trò tư tế hay linh mục trong Đức Kitô và vì thế, họ là linh mục, dù giữa chức linh mục chung của mọi tín hữu và chức linh mục thừa tác hoặc chức linh mục theo phẩm trật có sự khác biệt hết sức căn bản, chứ không chỉ khác nhau về cấp độ (LG 10).

Cũng hiến chế này tuyên bố “mọi người, dù thuộc về hàng giáo phẩm hay không, tất cả đều được mời gọi nên thánh…Giáo Hội bày tỏ sự thánh thiện này cách thường xuyên và phải bày tỏ sự thánh thiện ấy bằng các ân huệ do Chúa Thánh Thần làm phát sinh ra nơi các tín hữu” (LG 39). Cho tới hôm nay, theo não trạng của người kitô hữu, thánh thiện là một điều dành riêng cho hàng giáo sĩ và hàng tu sĩ. Còn Vatican II biến nó thành bổn phận của hết mọi kitô hữu. Lời tuyên bố này đã gây ra nhiều hiểu lầm về căn tính của tu sĩ, những người mà lâu nay chúng ta vẫn cho là đang “theo đuổi sự trọn lành”. Nếu lời tuyên bố ấy có gây ra chút khó chịu nơi các tu sĩ thì cũng chính nhờ lời tuyên bố này mà bổn phận của mọi kitô hữu trở nên sáng sủa rõ ràng: mọi người đều được mời gọi nên thánh, “theo đuổi sự trọn lành”.

Sắc lệnh về tông đồ giáo dân cũng dành cho các giáo dân một chỗ đứng trong hoạt động tông đồ của Giáo Hội (số 6), một lãnh vực mà lâu nay vẫn chỉ dành cho giáo sĩ và tu sĩ.

Còn với Vatican II, Giáo Hội – xưa nay trong nhiều thế kỷ đã vận hành theo mô hình kim tự tháp và ba bậc sống (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) – nay trở nên bằng phẳng như một sa bàn không có hình nổi nào, theo đó người ta quả quyết chức tư tế chung, hoạt động tông đồ và ơn gọi nên thánh là dành cho hết mọi người. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận mọi phẩm trật. Giáo Hội chỉ muốn khẳng định rõ ràng và mạnh mẽ hơn sự bình đẳng và hợp nhất của mọi người đã được rửa tội trong Đức Kitô Giêsu.

3. Hai mẫu thức

Giáo Hội trước Vatican II và thế giới trước khi bức tường Berlin sụp đổ đã vận hành theo một mẫu thức là kiểm soát và chỉ huy. Hàng giáo phẩm sẽ đóng vai trò kiểm soát và chỉ huy. Còn mọi người khác chỉ việc làm theo và nghe theo. Thế Giới thứ nhất điều khiển và ra lệnh. Mọi người khác phải hạ mình xuống và bước theo. Còn ngày nay, Giáo Hội và thế giới vận hành theo một mẫu thức mới là “quan hệ, cộng tác và đóng góp”. Giáo Hội được mô tả là Giáo Hội đối thoại, đối thoại cả với những người vô thần. Phần kết luận của hiến chế Gaudium et Spes có ba số (91-93). Một trong ba số ấy có tựa là “Đối thoại giữa mọi người với nhau”, trong đó có nói Giáo Hội sẵn sàng đối thoại cả với “những người chống đối Giáo Hội và bách hại Giáo Hội bằng nhiều cách” (GS 92). Còn về phía mình, thế giới cũng nói qua Internet và ủng hộ người nào thắng trước.

4. Một vài hệ luận rút ra từ sự kiện thế giới và Giáo Hội đã trở nên phẳng

4.1. Tôn trọng và quý chuộng ai là vì năng lực hơn là vì địa vị của người ấy

Trong quá khứ, các thành viên trong hàng giáo phẩm thường có sự hiểu biết rộng rãi và trình độ chuyên môn cao. Họ là những người thông thái và biết nhiều. Còn giáo dân – ít là ở nông thôn – không hiểu biết nhiều và không có trình độ văn hóa cao như các giáo sĩ. Mà nếu giáo sĩ và tu sĩ không hiểu biết nhiều cũng chẳng thông thái là bao, họ vẫn được tôn kính vì địa vị của họ. Mỗi khi nói chuyện với ai, chúng ta cũng phải “kính thưa cha” hay “kính thưa xơ”, nghĩa là như những con người đáng được tôn kính.

Nhưng ngày nay, các vai trò đã thay đổi. Vì ai cũng có thể tham gia cách hợp pháp vào một nguồn thông tin rộng lớn. Giáo dân lại nổi lên như những người trổi vượt hơn các giáo sĩ, về kiến thức cũng như về chuyên môn, kể cả trong các vấn đề tôn giáo – một lãnh vực đặc biệt của các giáo sĩ và các người được thánh hiến. Hiện nay có nhiều người giảng tĩnh tâm và linh hướng là giáo dân. Tại nhiều viện đại học Công Giáo bên Tây phương, chính giáo dân là người dạy thần học.

Trong lãnh vực nào, ai có năng lực chuyên môn sẽ được kính trọng, chứ không nhất thiết vì địa vị của mình.

4.2. Nhu cầu cần có nhiều đức tính

Muốn áp dụng mẫu thức “quan hệ, cộng tác và đóng góp”, các linh mục và tu sĩ phải có một số các đức tính chưa từng được đề cao trong mẫu thức “kiểm soát và chỉ huy”. Năm 1983, tiến sĩ Howard Gardner, giáo sư về môn giáo dục đại học Harvard, đã triển khai lý thuyết về những sự thông minh khác nhau. Ông cho rằng khái niệm xưa nay về thông minh, căn cứ trên thương số thông minh (IQ), quá hạn hẹp. Ông đề nghị 8 hình thức thông minh khác nhau, lưu ý tới một chuỗi rộng lớn hơn bao gồm những khả năng có thể phát hiện thấy nơi trẻ em và người lớn. Đó là (1) thông minh về ngôn ngữ (khéo léo trong việc sử dụng từ), (2) thông minh về lôgíc và con số (khéo léo trong việc vận dụng các con số và lý luận), (3) thông minh về không gian (khéo léo trong việc sử dụng hình ảnh), (4) thông minh về cơ thể và vận động (khéo léo trong thân thể), (5) thông minh về âm nhạc (khéo léo trong âm nhạc), (6) thông minh trong quan hệ (khéo léo trong giao tiếp), (7) thông minh trong tự thân (khéo léo đối với bản thân mình), (8) thông minh trong thiên nhiên (khéo léo trong quan hệ với thiên nhiên).

Từ đó, người ta còn nói tới những sự thông minh khác nữa: thông minh trong cảm xúc, trong tâm linh, trong xã hội và trong môi trường.

Mãi cho tới gần đây, người ta mới lưu ý tới sự thông minh về ngôn ngữ, cũng như về toán học và lý luận. Hiện nay, các nghiên cứu cho thấy sự thông minh đối với bản thân mình và đối với người khác (cũng là thông minh trong cảm xúc và thông minh trong xã hội) còn quan trọng hơn thương số thông minh, để giúp chúng ta bình tĩnh và thành công trong đời sống nhân bản. Tông huấn “Pastores dabo vobis” về việc đào tạo linh mục không phát biểu bằng những thuật ngữ của những hình thức thông minh vừa kể, nhưng cũng nhắm tới cùng một điều khi nhắc tới tầm quan trọng của các đức tính nhân bản. Tông huấn ấy tuyên bố rằng nếu các ứng viên linh mục không được đào tạo tương xứng về sự trưởng thành nhân bản thì việc đào tạo sẽ trở nên thiếu những nền tảng cần thiết. “Vì thế, không phải chỉ vì muốn có sự phát triển đúng đắn và cần thiết và chỉ vì muốn thực hiện chính mình, nhưng còn vì muốn thi hành thừa tác vụ sau này, mà các linh mục tương lai cần phải vun trồng nhiều đức tính nhân bản cần thiết để xây dựng những nhân cách quân bình, mạnh mẽ và tự do” (PDV số 43). Các linh mục phải vun trồng một lô các đức tính nhân bản, không phải chỉ nhằm tăng trưởng và phát triển bản thân mình, mà còn để thi hành thừa tác vụ của mình nữa. Đó chính là lý do tại sao tông huấn nhấn mạnh rất nhiều tới các đức tính nhân bản như biết thương cảm, sống liêm khiết, biết tôn trọng người khác, ý thức vể sự công bình, có phán đoán quân bình, v.v…

4.3. Bị chất vấn và thách thức nhiều hơn

Trong một thế giới phẳng, thông tin, tích cực lẫn tiêu cực, lan tràn rất nhanh. Và trong một Giáo Hội phẳng giáo dân sẽ cảm thấy dễ dàng và thoải mái hơn để chất vấn và kêu gọi. Thế nên, trong tư cách là linh mục hay tu sĩ, họ có thể bị chất vấn và mời gọi bất cứ khi nào và từ bất cứ phía nào.

Hiện nay đã có luật cấm không được đánh học sinh tại trường. Cách đây không lâu, khi tôi còn phục vụ trong tỉnh dòng Bangalore của dòng Salêdiêng, một ngày nọ tôi nhận được một cuốn phim vidéo của tỉnh dòng New Rochelle, Hoa Kỳ. Ngài muốn tôi cho biết tin về một thầy trợ giáo của một trong những cộng đoàn nằm ở một làng của Karnataka: thầy ấy vừa đánh một cậu học sinh. Một số anh em thiện nguyện từ Hoa Kỳ sang châu Phi làm việc vài tháng tại một cộng đoàn của chúng tôi. Người ta đã quay video ông thầy trợ giáo ấy đang đánh một cậu học sinh lỗ mãng. Người ta đã mang phim ấy về Hoa Kỳ và tường trình cho cha giám tỉnh.

Cách đây 10 năm, nếu muốn khiếu nại về những trường hợp tương tự, có lẽ không thể nào làm được. Ngoài ra, dù có muốn, người ta cũng không làm vì tôn trọng các linh mục vá các tu sĩ. Ngày nay sự thể không còn như vậy nữa. Hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, một Giáo Hội phẳng.

4.4. Những vấn đề mới đòi những câu trả lời hợp tình hợp lý và có sức thuyết phục hơn

Khi nhắc tới những vấn đề do hiện tượng toàn cầu hóa đặt ra, Vatican II đã tuyên bố: “Loài người đã chuyển từ quan niệm tĩnh về trật tự sự vật sang quan niệm động, từ đó người ta bắt đầu đặt vấn đề khác đi, mới mẻ và rộng rãi hơn nhiều, đòi phải có những sự phân tích khác và những tổng hợp khác” (GS 5). Khi Vatican II đưa ra nhận xét này, loài người chưa đặt chân lên mặt trăng; máy tính cá nhân chưa có; các nhà khoa học chưa dám nghĩ tới việc miêu tả các gen; cách mạng của công nghệ tin học phải chờ một phần tư thế kỷ nữa mới bùng phát. Người ta mới chỉ tưởng tượng ra những vấn nạn mới do các tiến bộ khoa học ấy tạo ra. Chúng ta phải chuẩn bị đối thoại với những con người đang phải đương đầu với các vấn đề do các tiến bộ khoa học đặt ra và phải chuẩn bị giải đáp các vấn nạn ấy một cách khôn ngoan.

Mới đây, tôi tình cờ gặp một cặp vợ chồng trẻ (người chồng rất trân quý Đức Giêsu, nhưng không thấy tại sao cần phải có một tôn giáo quy củ; đang khi đó người vợ là một người Công Giáo nhiệt thành). Họ vừa từ Dacca trở về miền nam Ấn Độ để nghỉ hè. Họ cho biết sẽ có nhiều linh mục tới thăm họ và ở lại chừng một đêm để tham gia một buổi lễ. Nhưng khi người chồng ngỏ ý muốn các linh mục dành chút thời giờ trò chuyện về một vài vấn đề thiêng liêng thì các linh mục liền từ chối vì cho rằng họ không có thời gian hoặc sau này họ sẽ trả lời cho anh ấy. Rất có thể các linh mục ấy ý thức rõ mình chưa sẵn sàng trả lời những câu hỏi khá gay gắt như thế. Có thể nhiều người đến gặp chúng ta nhưng không đặt những câu hỏi, không phải vì họ không có thắc mắc nào làm họ bối rối, mà vì họ không muốn làm cho chúng ta bối rối khi chúng ta không thể đối thoại với họ và cho họ những câu trả lời ý nghĩa !

5. Làm sao các linh mục và các tu sĩ có đủ sức trả lời các vấn đề mới trong thế giới phẳng và Giáo Hội phẳng ?

Cách đây vài năm, cha Paul Parathazham mở một cuộc điều tra với chừng 3000 chủng sinh và các nữ tu trẻ tại Ấn Độ. Theo kết quả điều tra, chừng 2/3 (65%) chủng sinh và các nữ tu trẻ đã tốt nghiệp trung học phổ thông với hạng hai hoặc chỉ với hạng thường. Nói thế có nghĩa là cứ 7 trên 10 chủng sinh và nữ tu trẻ đã tốt nghiệp trung học với điểm số chưa đủ cho phép họ vào học đại học chính quy. Vì thế, nhiều người đã phải đăng ký vào các trường đại học dân lập; có người còn phải học tại các trường tư.

Kết quả là nhiều cơ sở đào tạo và nhiều chủng viện phải giảm bớt các đòi hỏi của chương trình học cho vừa với trình độ tri thức của các ứng sinh. Giữa lúc ở ngoài đời trình độ của các trường càng ngày càng cao thì trình độ của các chủng viện và các cơ sở đào tạo của chúng ta càng ngày càng thấp ! Không cần phải làm ngôn sứ mới thấy sự việc ấy sẽ kéo theo những hậu quả tai hại cho Giáo Hội chúng ta thế nào trong tương lai. Chúng ta đang sống trong năm thứ 150 kỷ niệm thánh Jean-Marie Vianney qua đời. Chúng ta có thể nói điều quan trọng đối với linh mục hay tu sĩ không phải là có trí tuệ xuất sắc, mà là thánh thiện. Vì như thánh Giacôbê đã nói, “đức tin mà không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Khi đời này kết thúc, chúng ta sẽ bị xét xử theo cách chúng ta đã phục vụ người nghèo và người túng thiếu. Nếu đánh giá mình dựa vào thái độ sẵn sàng phục vụ người nghèo và người bị ức hiếp, chúng ta sẽ thấy mình không đạt được điểm tốt đâu (Mt 25,31-44). Dù tại chủng viện và tại các cơ cở đào tạo lúc nào chúng ta cũng nói Giáo Hội chọn đứng về phía người nghèo, nhưng hình như chúng ta chưa làm đủ để giúp các người thụ huấn ý thức tình trạng văn hóa xã hội của đất nước mình và giúp họ biết đích thân dấn thân phục vụ người nghèo. Joe Mannath, một nhà văn rất nổi tiếng, đã sống nhiều năm tại chủng viện, tuyên bố như sau: “Đối với tuyệt đại đa số các người trẻ gia nhập chủng viện hay tập viện ở Ấn Độ, nếu đã có sự thay đổi lối sống tại các cơ sở này thì đó là thay đổi theo chiều hướng càng ngày càng sống dư dật hơn. Đa số chúng ta đều được sống trong một hoàn cảnh khả quan hơn nhiều về mặt tài chính so với hoàn cảnh của anh chị em đã kết hôn trong gia đình mình” . Ông nói tiếp: “Đó chính là phong cách của nhiều người trong giới hàn lâm mỗi khi nói về sự giải phóng và mỗi khi giương cao các khẩu hiệu cực tả. Một nền thần học thực sự đáng gọi là thần học giải phóng sẽ phải bắt đầu bằng cách dấn thân và hành động để lấy lại công bình cho người nghèo. Tiếc là điều ấy không thường xảy ra lắm…Bất kể một số chức sắc Giáo Hội bảo thủ thường lo ngại, tại các chủng viện nói riêng hay trong Giáo Hội nói chung thường chẳng có mấy tiết nói về thần học giải phóng, cũng chẳng có mấy việc làm đòi công lý. Bởi chưng muốn được như thế thì phải thay đổi nhiều lắm trong nếp sống, trong việc thi hành thừa tác vụ, phải sẵn sàng đương đầu với các thế lực và sẵn sàng trả giá” .

Chúng ta sẽ làm gì đối với các đức tính nhân bản mà một linh mục hay một tu sĩ tốt lành cần phải có ? Cha Parathazham đã yêu cầu các chủng sinh và nữ tu trẻ tham gia cuộc điều tra của ngài hãy tự so sánh mình với những người cùng trang lứa với mình trong thế gian về những điểm như biết tin vào mình, trưởng thành tình cảm, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, có thể sống hòa hợp với người khác, có khả năng thích nghi với những tình huống khác nhau, biết có sáng kiến và chịu làm những việc căng thẳng. Trong tất cả điểm này, những chủng sinh và nữ tu trẻ tham gia cuộc điều tra của ngài đều công nhận các bạn cùng trang lứa với họ ở ngoài đời có chỉ số cao hơn của họ. Đây không phải là nhận xét của một số người khác về những người đang trong giai đoạn đào tạo. Mà là sự ghi nhận của chính các chủng sinh và các nữ tu trẻ khi so sánh mình với những người cùng trang lứa. Và điều lạ là “càng được đào tạo lâu, người ta càng có cảm giác mình kém hơn những người đồng trang lứa. Chẳng hạn, nếu 73% những người đang thụ huấn được 10 năm hay lâu hơn nữa cho rằng những người đồng trang lứa với mình trong thế giới bên ngoài kia có sự tự tin hơn họ, thì chỉ 57% những người đã được thụ huấn 4 năm hay ít hơn mới có ý kiến ấy”.

Trong một cuộc điều tra tại Hoa Kỳ, người ta được mời đánh giá các linh mục về một số khả năng và đức tính. Những người cho rằng các linh mục giỏi trong các lãnh vực ấy được chia theo tỉ lệ như sau: 18% cho rằng các linh mục giỏi giảng dạy; 27% biết tôn trọng phụ nữ; 25% giỏi linh hướng; 28% biết cách phục vụ các bạn trẻ; 28% giỏi việc thờ phượng; 30% nhiệt tình; 31% vui tươi. Các mục sư Tin Lành có kết quả khả quan hơn: 36% cho rằng các mục sư giỏi giảng dạy; 37% biết tôn trọng phụ nữ; 34% giỏi linh hướng; 40% biết cách phục vụ các bạn trẻ; 38% giỏi việc thờ phượng; 45% nhiệt tình; 47% vui tươi. Như thế, dưới con mắt của giáo dân, các linh mục chưa đạt tới mức nhiệm vụ của các ngài yêu cầu.

6. Chúng ta phải làm gì đây ?

Chúng ta vừa vẽ ra một bức tranh khá ảm đạm. Không phải để chúng ta quay ra thất vọng, mà là để bắt tay hành động. Đó là lời mời gọi các nhà đào tạo và các người thụ huấn hãy nghiêm túc dấn thân vào việc đào tạo nhân bản, tri thức, thiêng liêng và mục vụ. Sau đây chúng ta sẽ nêu ra một vài khía cạnh cần quan tâm đặc biệt hơn.

6.1. Đào tạo các nhà đào tạo

Thực tế thật đáng thất vọng: đa số các nhà đào tạo của chúng ta học hành rất giỏi, nhưng họ chưa được đào tạo để trở thành nhà đào tạo. Có bằng cấp triết học, thần học hay linh đạo không có nghĩa là đã được cung cấp những dụng cụ cần thiết để trở thành nhà đào tạo. Theo các bản điều tra không chính thức, 75% các nhà đào tạo chưa được đào tạo cách thích đáng (qua một khóa chuyên biệt ít là 1 năm) để trở thành nhà đào tạo. Trong lúc các trường không cho phép ai trở thành giáo sư nếu không có năng lực làm việc ấy, thì chúng ta lại cho phép bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà đào tạo. Thử tưởng tượng người ta sẽ cung cấp loại đào tạo nào đây, khi các ứng viên đã yếu kém về nhiều lãnh vực, mà các nhà đào tạo lại chưa được đào tạo để làm công việc ấy ! Trong tình hình ấy đáng lo không phải vì có rất nhiều ứng viên ra đi, mà vì vẫn có rất nhiều ứng viên ở lại chủng viện hay cơ sở đào tạo ! Một tình hình thật bất công đối với các ứng viên và đối với Giáo Hội. Vì thế, các nhà đào tạo cần phải được đào tạo một cách thích đáng.

6.2. Đồng hành với các ứng viên về mặt tâm lý

Ngày 29 tháng 6 năm 2008 Bộ Giáo Dục Công Giáo đã công bố một tài liệu mang tên “Một vài hướng dẫn để sử dụng tâm lý học trong việc tiếp nhận và đào tạo các ứng viên linh mục”. Sau khi xác nhận Giáo Hội cho phép dùng các cuộc trắc nghiệm tâm lý trước khi tiếp nhận các ứng viên vào học làm linh mục, để phân định đương sự có những đức tính cần thiết của người linh mục hay không (số 9-11), tài liệu này nói thêm “trong giai đoạn đào tạo, có thể nhờ tới các nhà tâm lý giúp đỡ các ứng viên có được một cách chắc chắn các nhân đức luân lý; cho họ hiểu sâu xa hơn về nhân cách của mình, giúp họ vượt qua hay làm giảm bớt các sự kháng cự về tâm lý đối với những gì được đưa ra trong chương trình đào tạo” (số 9). Các cơ sở đào tạo và các chủng viện phải bảo đảm cho các ứng viên có được sự hỗ trợ tâm lý thích đáng để có thể vượt qua các sự kháng cự tâm lý có thể xuất hiện trong tâm hồn họ. Bộ coi đó là điều quan trọng đến nỗi dám quả quyết rằng “nếu vậy, nhà đào tạo nào cũng phải có sự nhạy cảm và có sự chuẩn bị tâm lý thích đáng để có đủ khả năng nhận ra các động lực thật sự của ứng sinh, đủ khả năng nhận ra những chướng ngại cản trở sự hoàn thành nhân cách nhân bản và kitô giáo, cũng như những bệnh tâm lý có thể có” (số 4).

6.3. Làm sáng tỏ và thanh lọc các lý do dẫn tới ơn gọi

Nhiều ứng viên tham gia đời tu hay đời linh mục với nhiều lý do lẫn lộn. Những lý do ấy thường nằm trong vô thức. Vì thế, ngay từ những năm dự bị, cần phải có những biện pháp giúp các ứng viên hiểu rõ các lý do đi tu của mình và tìm cách thanh lọc chúng. Điều gì thúc đẩy một người trở thành linh mục hay tu sĩ có thể không quan trọng lắm, nhưng tại sao họ tiếp tục ở lại trong bậc sống ấy, điều đó mới quan trọng. Với thời gian chúng ta có thể làm sáng tỏ và trong sạch các lý do ấy, nhưng rốt cuộc đương sự phải trung thành với sự lựa chọn ấy của mình vì những lý do chính đáng. Về điểm này, khoa tâm lý có thể đem lại lợi ích rất nhiều.

6.4. Tự trách nhiệm về việc đào tạo của mình

Tông huấn “Pastores Dabo Vobis” đã chỉ ra rằng ” việc đào tạo nào, kể cả đào tạo làm linh mục, rốt cuộc cũng là tự đào tạo mình” (số 69). Không ai có thể đào tạo người khác. Chúng ta chỉ có thể giúp người ấy tự đào tạo mình. Vì thế, phải tổ chức các cơ chế đào tạo thế nào để các ứng viên tự trách nhiệm lấy việc đào tạo của mình.

6.5. Tiến tới sự trưởng thành nhân bản

Ân sủng sẽ xây dựng bản tính. “Không có sự đào tạo nhân bản thích đáng, toàn thể công cuộc đào tạo linh mục sẽ thiếu nền tảng cần thiết” (PDV số 43). Thế nên, làm sao cho các ứng viên đạt tới sự trưởng thành nhân bản, đó quả là điều vô cùng cần thiết. Có như thế, chúng ta mới giúp các ứng viên trở nên những con người của Thần Khí. “Từ đó chúng ta mới thấy cần giáo dục các ứng viên biết ái mộ chân lý, biết sống trung thực, biết tôn trọng mọi người, có ý thức công bằng, trung thành với những gì đã nói, biết thương cảm thật sự, biết nói năng mạch lạc, nhất là biết quân bình khi phán đoán và khi ứng xử” (ibid.) Ứng viên phải có đủ mọi đức tính nhân bản và khả năng quan hệ cần thiết của một người linh mục để có thể trở thành “cầu nối”, chứ không trở thành trở ngại không cho người khác đến gặp Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ con người (ibid.).

Một lãnh vực đào tạo nhân bản mà các cộng đoàn đào tạo chưa chú ý đủ là lãnh vực trưởng thành tâm lý. Sống độc thân sẽ trở nên vô cùng khó khăn, nếu người ta đã không phát triển đời sống tính dục một cách lành mạnh. Trên đây, chúng ta đã nhắc tới những hình thức khác nhau của trí thông minh. Phải giúp các ứng viên biết xác định các ơn liên quan đến trí khôn mà họ đã nhận được và phải giúp họ biết sử dụng các ơn ấy cách thành thạo.

6.6. Có năng lực thật sự về tri thức

Trong thư thứ nhất của thánh Phêrô có câu: “Anh em hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai muốn biết về niềm hy vọng trong lòng anh em, nhưng hãy trả lời một cách nhẹ nhàng và tôn kính” (1Pr 3,15). Muốn đối thoại có kết quả với những con người đang phải đối phó với những vấn đề do vô số tiến bộ gần đây gây ra, và muốn trả lời cho các vấn nạn họ đặt ra một cách có ý nghĩa, chúng ta cần phải có sự học tập chuẩn bị trước một cách thỏa đáng. Trong thế giới phẳng, người ta rất tôn trọng năng lực và tài giỏi, nghĩa là phẩm chất. Để trả lời cho các vấn nạn của con người, có thiện chí quảng đại thôi tự nó vẫn chưa đủ. Chắc chắn thiện chí rất cần thiết, nhưng chưa đủ, trừ phi có kèm theo những hiểu biết và những kỹ thuật thích hợp giúp chúng ta hiểu các hiện tượng văn hóa đang ảnh hưởng tới đời sống của chúng ta hiện nay, và riêng đối với người kitô hữu, còn cần có khả năng đối phó với những hiện tượng ấy bằng sự hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về mầu nhiệm Đức Kitô. Muốn thế, cần phải có tinh thần kỷ luật tri thức thật vững chắc. Như thánh Augustinô đã nói “tôi ao ước có thể dùng trí khôn để dò thấy những gì tôi đã hết lòng tin tưởng, đã tranh luận rất nhiều và cũng đã vất vả nhiều”(cf. PDV số 52).

Thánh Phanxicô Salesiô nói rằng “tri thức là bí tích thứ tám của người linh mục”. Theo ý ngài, những ai phải miệt mài làm những công việc không cho phép họ học tập và cập nhật, chẳng khác gì những người ăn phải thức ăn không lành mạnh và vì thế, ngày càng yếu dần. “Tôi có thể nói thẳng với anh em: chẳng có gì khác biệt giữa ngu dốt và xấu tính, ngoại trừ ngu dốt còn đáng sợ hơn, nhất là khi đó không những là một sự lỗi phạm tự nó mà còn dẫn người ta tới chỗ coi thường bậc giáo sĩ” . Theo thánh Phanxicô Salesiô, ngu dốt còn nguy hiểm hơn xấu tính vì ngu dốt không chỉ là một điều xấu mà còn là nguyên cớ cho người ta khinh chê Giáo Hội, khi thấy các linh mục không có khả năng đáp ứng các thỉnh nguyện gởi tới cho các linh mục và khi thấy các linh mục không có khả năng hướng dẫn đàn chiên được giao phó cho các linh mục.

Chính vì học hành là việc quan trọng, nên tông huấn về Đời Tu (“Vita consecrata”) đã tuyên bố: “Một nhu cầu vẫn luôn có mặt trong đời tu là phải làm sống lại mối bận tâm trong lãnh vực văn hóa, tha thiết học hành vì coi đó là một phương cách đào tạo toàn diện và là một con đường khổ chế hết sức hợp thời khi đứng trước tình trạng đa văn hóa như hiện nay. Giảm bớt đòi hỏi phải tham gia học hành có thể dẫn tới những hậu quả rất nặng cả đối với hoạt động tông đồ sau đó vì gây ra mặc cảm mình vẫn là những người đứng bên lề và tụt hậu trong xã hội hoặc sẽ tạo điều kiện cho mình rơi vào tình trạng hời hợt và dễ dãi trong các chương trình làm việc của mình” (số 98).

Đành rằng không được tách rời học hành với dấn thân mục vụ cụ thể để phục vụ dân chúng và các thực tế cụ thể. Thế nhưng, không được vị tham gia mục vụ mà lơ là các thói quen học tập nghiêm túc và kỷ luật tri thức. Thật là ngược đời, khi bỏ bê học hành để lao đầu vào mục vụ, người ta sẽ thấy cái phải chịu thiệt hại sau này nhiều nhất là chính kết quả của việc mục vụ.

Sau khi thụ phong linh mục, thánh Bosco không biết phải chọn một trong ba đề nghị tông đồ nào. Lúc ấy, cha linh hướng của ngài, là thánh Joseph Cafasso, mới khôn ngoan khuyên ngài: “Điều cha cần phải làm lúc này là tìm cách hoàn thiện bản thân mình trong thần học luân lý và giảng lễ. Tạm thời lúc này cha nên từ chối mọi đề nghị (tông đồ) và quay về đây học tập” . Phải học hành cả trước và sau khi chịu chức, hay cả trước và sua khi khấn dòng chăng ? Phải, vì học hành là bí tích thứ tám của người linh mục và vì học hành rất cần để cho việc mục vụ được kết quả.

6.7. Học mãi, học mãi

Vào đầu thập niên 1990, UNESCO (Tổ Chức Liên Hiệp Quốc chăm lo giáo dục, khoa học và văn hóa) đã lập một tiểu ban nghiên cứu các điểm cần phải ưu tiên trong việc giáo dục vào thế kỷ 21. Tiểu ban ấy đã công bố những kết quả nghiên cứu trong một cuốn sách có tựa đề “L’Éducation, un trésor intérieur” (‘Giáo dục, một kho tàng bên trong’) (1996). Bản nghiên cứu ấy khẳng định rằng ngôi nhà giáo dục của thể kỷ 21 phải được xây dựng dựa trên 4 cột trụ là 1/ học để biết; 2/ học để làm; 3/ học để ở với nhau và để sống với người khác; 4/ học để hiện hữu. Để trả lời cho các thách đố của cuộc sống vào thế kỷ 21, công tác giáo dục phải nhắm trang bị cho người học có được bốn khả năng (hay cột trụ) ấy. Bằng không, học sinh sẽ trở thành cá ở ngoài nước. Cột thứ nhất (chúng ta chỉ bàn tới khía cạnh này ở đây) chính là “học để biết”. Hay “học để học”, tức là giáo dục phải làm sao trang bị cho học sinh có thể tiếp tục học tập suốt đời. Nếu không được đào tạo để có thể tiếp tục việc giáo dục trong suốt cuộc đời hầu có thể đáp ứng các tình cảnh mới sẽ xuất hiện trong đời sống cá nhân và nghề nghiệp của mình, thì con người sẽ thấy mình chưa được chuẩn bị để thỏa mãn các đòi hỏi của một thế giới thay đổi vô cùng nhanh chóng. “Học hành từ chính cuộc sống đã trở thành một trong những chìa khóa của thế kỷ 21”. Nếu một cô thư ký từng học làm việc với máy đánh chữ cách đây 20 năm mà nay không chịu học sử dụng máy vi tính, cô sẽ nhanh chóng thất nghiệp. Những người được chúng ta đào tạo phải được giúp đỡ thế nào để có những khả năng cần thiết hầu có thể tham gia giáo dục suốt cả cuộc đời, hầu khi làm linh mục hay tu sĩ họ vẫn tiếp tục học hành, không thấy mình bổng chốc trở thành lỗi thời và vô dụng khi đứng trước một thế giới không ngừng thay đổi.

6.8. Là người của Thiên Chúa, là người mê say Đức Kitô

Trong một tập sách hết sức sắc sảo mang tên “Le sacerdoce catholique: formation et développement” (‘Chức tư tế Công Giáo: hành trình đào tạo và phát triển’), Gerald D. Coleman ghi nhận “kể từ những năm 1960 cho tới nay, linh mục đã chuyển từ chỗ phấn đấu trở thành ‘một Đức Kitô khác’ tới chỗ làm sao trở nê ‘người đứng đầu trong hàng anh em mình’; và sự kiện này đã gây ra bất ổn trong đời sống các linh mục hiện nay”. Vì khi mong muốn được đồng hóa với người khác, linh mục đánh mất luôn căn tính của mình. Thế mà sứ mạng của linh mục là mang Đức Kitô đến cho con người. Đó mới chính là điều quan trọng và là điều duy nhất dân chúng muốn nhận được nơ linh mục. Việc này sẽ được hoàn thành tốt hơn khi linh mục sống gần gũi Chúa. Đành rằng có người cho là các linh mục đã quá tự phụ khi muốn trở thành ‘một Đức Kitô khác’ (‘alter Christus’). Thế nhưng, chẳng có cách nào hơn: linh mục phải là ngừoi của Chúa, sống thân mật với Đức Kitô và có khả năng đưa người khác đến với Đức Kitô, hay có thể trở thành bất cứ người nào, nhưng không phải là linh mục đúng nghĩa.

Nhưng làm sao có thể chia sẻ Đức Kitô cho người khác đây ? Linh mục có thể chia sẻ Đức Kitô cho người khác khi yêu mến Đức Kitô. Yêu thương điều gì càng nhiều thì càng có khả năng chia sẻ điều ấy cho người khác. Linh mục không chỉ chia sẻ những điều mình tin, mà phải chia sẻ đấng mình yêu mến. Linh mục sẽ thông chia Đức Kitô, chứ không chỉ chia sẻ thông tin về Đức Kitô. Giáo Hội và thế giới hôm nay đã trở nên phẳng. Chúng ta cần trang bị cho các ứng viên sống và làm việc trong Giáo Hội ấy và thế giới ấy. Chỉ có như thế, chúng ta mới thật sự trở thành sứ giả của “tin vui” trong một thế giới không ngừng thay đổi.

LM. Jose Kuttianimattathil, SDB

Điều phối viên các chương trình đào tạo các tu sĩ dòng Salêdiên tại vùng Nam Á (Bangalore)

“Ministres dans un monde plat et dans une Église plate”

(tạp chí « Omnis Terra » của Hiệp Hội Truyền Giáo Giáo Hoàng, số tháng 2/2011, tr. 67-76)

Linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành chuyển ngữ

 

Nguồn tin:
Tags :