Ngày 10 tháng 11 năm 2022 vừa qua, Ủy ban Thánh nhạc (UBTN) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã ra một “Thông cáo về việc sáng tác và sử dụng các bài thánh ca” [1] vì trong thời gian qua đã xảy ra vụ lùm xùm xung quanh vấn đề tác quyền thánh ca, khiến dư luận trong giới ca nhạc sĩ Công giáo (CG) nói riêng và trong cộng đồng tín hữu CG trong và ngoài nước nói chung rất quan tâm. Đó chính là điều mà UBTN-HĐGMVN đã nhấn mạnh ngay từ đầu thông báo nêu trên: “Ngày nay, các phương tiện truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ đã đem đến cho hoạt động thánh nhạc những thuận lợi tốt đẹp, đồng thời cũng làm phát sinh những vấn đề cần được quan tâm.” Vấn đề phát sinh ở đây là sự việc mới xảy ra liên quan “Tác quyền của tác phẩm thánh ca, thánh nhạc”.
Tiếp sau, thông cáo đã nêu ra mấy điểm chính yếu mà chúng ta cần lưu ý:
- Giáo hội khuyến khích “sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau” (Sắc lệnh về Truyền Thông, số 13). Qua các phương tiện truyền thông, các tác phẩm thánh nhạc có giá trị, từ những tờ nhạc gốc cho đến những hình thức phái sinh (thu âm, video, v.v.), có thể giúp loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu, đồng thời hướng đến đúng mục đích của thánh nhạc là “làm vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu” (Hiến chế về Phụng Vụ, số 112). (x. Số 2 – Thông cáo UBTN đã nêu)
- Giáo hội kêu gọi các tín hữu “tự đào tạo cho mình một lương tâm ngay thẳng về việc sử dụng các phương tiện đó” (Sắc lệnh về Truyền Thông, số 5) và cư xử theo nguyên tắc “lòng bác ái thì xây dựng” (1 Cr 8, 1; x. Sắc lệnh về Truyền Thông, số 5). (x. Số 3 – Thông cáo UBNT đã nêu)
Tiếp đến, nội dung thông cáo cũng đề cập đến một số nguyên tắc cơ bản mà bất cứ ai phục vụ thánh nhạc đều phải nắm rõ và thực thi nghiêm túc, đó là:
- Trong phụng vụ, chỉ được sử dụng các bài ca đã được chuẩn nhận (imprimatur). Các nhạc sĩ tự giới thiệu tác phẩm mới trên internet có bổn phận ghi chú các chi tiết chuẩn nhận để giúp các ca đoàn thi hành chu đáo phận vụ của mình là phân định, chọn và hát các bài ca xứng hợp trong phụng vụ. (x. Số 1 – Thông cáo UBTN đã nêu)
- Theo truyền thống thánh nhạc Việt Nam, các nhạc sĩ Công giáo sáng tác thánh ca để cầu nguyện, làm vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu, không nhằm mục đích lợi nhuận hay thương mại. (x. Số 4 – Thông báo UBTN đã nêu)
- Đối với các tín hữu phổ biến thánh nhạc trên các phương tiện truyền thông và các nhạc sĩ Công giáo, Ủy ban Thánh nhạc Việt Nam kêu gọi hành xử theo nếp sống đạo tốt lành và tinh thần tôn trọng mục đích của thánh nhạc cùng kỷ luật thánh nhạc. Đồng thời, vì “các phương tiện truyền thông có hiệu lực vượt khỏi ranh giới quốc gia, và biến mỗi người trở thành công dân của toàn thể xã hội nhân loại” (Sắc lệnh về Truyền Thông, số 22), nên cần tuân thủ luật của mỗi quốc gia và Giáo hội địa phương. Được như thế, mới mong thánh nhạc đem lại sự bình an và thánh thiện trên các phương tiện truyền thông xã hội và trong các nghi thức phụng vụ cũng như các buổi diễn nguyện hoặc trình diễn thánh ca có phát sóng. (x. Số 5 – Thông cáo UBTN đã nêu).
Ở phần cuối của thông báo, UBTN đã xác định và nhấn mạnh ba điểm cốt lõi như sau (x. Số 6 – Thông cáo UBTN đã nêu):
- Viết hoặc hát thánh ca là để ca tụng Chúa, đừng để bất cứ mục đích nào khác xen vào. Người sử dụng tác phẩm thánh ca cần tôn trọng nguyên tác (nhạc và lời) của tác giả. Mỗi khi dùng những bài thánh ca, nên cầu nguyện và nhớ đến người đã viết bài ca đó;
- Ủy ban không có quyền sở hữu bất cứ tác phẩm thánh ca nào của các nhạc sĩ (còn sống cũng như đã qua đời). Chỉ tác giả mới có quyền trên tác phẩm của mình;
- Ủy ban không thành lập cũng không tham gia hội nhóm nào để bảo vệ tác quyền thánh ca và không ủy quyền cho ai giữ bản quyền tác phẩm thánh nhạc.
Đến đây, chúng ta tự hỏi: Vậy đâu là “ngòi nổ” gây ra vụ lùm xùm về vấn đề “tác quyền thánh ca”? Có thể nói mạng xã hội là không gian để chúng ta có thể dễ dàng tìm hiểu sự việc. Và được biết người có liên quan câu chuyện này chính là nhạc sĩ Đinh Công Huỳnh (NS ĐCHuỳnh) hiện đang sống và làm việc ở hải ngoại, anh là một nhạc sĩ CG có nhiều bài thánh ca đã được phổ biến và được một số ca đoàn chọn sử dụng. Ngày 5 tháng 11 vừa qua, NS ĐCHuỳnh đã có bài viết khá dài đăng trên mạng facebook cá nhân (FB) mang nội dung như một lời phân trần giúp “giải độc” dư luận đang ồn ào và (đôi lúc) phẫn nộ, có nguy cơ gây sự hiểu lầm, chia rẽ và bất đồng trong giới CG chúng ta.
Trong bài viết khá dài với mục đích phân trần để rộng đường dư luận, NS ĐCHuỳnh đã nêu ra nhiều sự kiện đáng tiếc xảy ra gần đây khiến cho UBTN-HĐGMVN ngày 10-11 vừa qua đã phải lên tiếng. Chúng ta có thể tìm hiểu phần nào các chi tiết sự việc mà NS ĐCHuỳnh đã chia sẻ trong bài viết “Đôi dòng phân trần” đăng trên FB cá nhân ngày 5-11-2022 có liên quan vấn đề câu chuyện tác quyền thánh ca ở đây. [2]
Trong phạm vi bài viết này, người viết muốn nhân dịp câu chuyện tác quyền thánh ca và câu chuyện của Hội tác quyền thánh ca (HTQTC) này để chia sẻ một vài suy nghĩ về vấn đề tác quyền tác phẩm trong nhà đạo chúng ta.
Thử bàn về tác quyền, tác phẩm, tác giả
Theo từ điển Wikipedia, “Quyền tác giả hay tác quyền là bản quyền hoặc độc quyền của một tác giả cho tác phẩm của người này. Quyền tác giả được dùng để bảo vệ các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa không, ví dụ như các bài viết về khoa học hay văn học, sáng tác nhạc, ghi âm, tranh vẽ, hình chụp, phim và các chương trình truyền thanh.” [3]
Dưới góc độ pháp lý, các chuyên gia về luật đã giải thích như sau:
“Tác quyền hay còn được biết đến với tên gọi khác là quyền tác giả. Ta biết rằng, quyền tác giả là thuật ngữ pháp lý nên thuật ngữ quyền tác giả được sử dụng khá phổ biến trong các văn bản pháp luật. Còn tác quyền là thuật ngữ được sử dụng nhiều ở trong đời sống hàng ngày. Chính vì vậy, chúng ta sẽ không tìm thấy cụm từ tác quyền trong các văn bản pháp lý mà thay vào đó chúng ta sẽ tìm thấy thuật ngữ quyền tác giả.
“Tác quyền có ý nghĩa cụ thể như thế nào hiện đang là thắc mắc của rất nhiều người. Nếu phân tích thuật ngữ này có thể thấy “tác” ở đây là tác giả, chính vì thế ta có thể hiểu tác quyền chính là quyền của người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung các năm 2009 đưa ra giải thích và định nghĩa quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
“Quyền tác giả cũng chính là phần cốt lõi của pháp luật. Và quyền này được tạo lập để trao cho tác giả, nghệ sỹ và các nhà sáng tạo một sự bảo hộ cho những tác phẩm của họ.” [4]
Xưa nay, ta thấy ngoài xã hội đã xảy ra khá nhiều trường hợp vi phạm bản quyền tác giả, từ sách vở, báo chí, âm nhạc, phim ảnh đến các công trình văn hóa, khoa học, nghệ thuật vv. Nhờ báo chí và mạng xã hội, mọi người đều biết đến những vụ nghệ sĩ VN “ăn cắp” nhạc nước ngoài (đạo-nhạc), các nghiên cứu sinh “ăn cắp” công trình nghiên cứu của các học giả nổi tiếng (đạo-luận văn, đạo-luận án), rồi trên thị trường sách tràn lan nạn in sách lậu, nạn “luộc” sách, nạn sao chép, nạn photocopy bừa bãi vv.
Vì thế mà vấn đề tác quyền tác phẩm luôn được luật pháp nhà nước bảo hộ. Trong một cuốn sách được xuất bản một cách nghiêm túc bao giờ cũng ghi Bản quyền (copyright) năm nào và thuộc cơ quan hay cty nào chịu trách nhiệm xuất bản, phát hành. Bên cạnh đó, ta còn thấy ngay trang đầu của cuốn sách có đoạn ghi: “Mọi hình thức xuất bản, sao chép, phân phối dưới dạng in ấn hoặc chế bản điện tử, đặc biệt là việc phát tán qua mạng internet, nếu không có sự đồng ý của Công ty….bằng văn bản, đều được xem là vi phạm pháp luật”.
Đến đây, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy trong thông cáo của UNTN-HĐGMVN ngày 10-11-2022 vừa qua có ghi rõ mấy ý như sau, xin nhắc lại:
- Đối với các tín hữu phổ biến thánh nhạc trên các phương tiện truyền thông và các nhạc sĩ Công giáo, Ủy ban Thánh nhạc Việt Nam kêu gọi hành xử theo nếp sống đạo tốt lành và tinh thần tôn trọng mục đích của thánh nhạc cùng kỷ luật thánh nhạc. Đồng thời, vì “các phương tiện truyền thông có hiệu lực vượt khỏi ranh giới quốc gia, và biến mỗi người trở thành công dân của toàn thể xã hội nhân loại” (Sắc lệnh về Truyền Thông, số 22), nên cần tuân thủ luật của mỗi quốc gia và Giáo hội địa phương.
- Người sử dụng tác phẩm thánh ca cần tôn trọng nguyên tác (nhạc và lời) của tác giả.
- Chỉ tác giả mới có quyền trên tác phẩm của mình.
Vấn đề tác quyền trong nhà đạo
Dường như trước nay trong nhà đạo chúng ta, không ai đề cập đến vấn tác quyền của tác giả trên các tác phẩm, sản phẩm nào đó như sách vở đạo, âm nhạc đạo, văn hóa nghệ thuật đạo vv.
Riêng trong phạm vi thánh ca, chúng ta chỉ biết rằng tác giả sáng tác bài hát, in sách hát, phổ biến sách hát (bán). Ai có nhu cầu cần sử dụng thì mua. Có giá biểu rõ ràng. Như vậy, tác giả có quyền hưởng lợi nhuận trên trên tác phẩm của mình. Trong khi đó, người sử dụng tác phẩm, không bị chi phối bởi luật tác quyền nên có thể sao chép, in ấn…thoải mái mà không chút “lăn tăn” gì!
Trước đây, người viết có một thời gian dài phục vụ trong ca đoàn nên rất rõ điều này. Ngoài những sách vở, tài liệu về thánh ca, thánh nhạc mua ở các tiệm sách CG, tôi có thể vào một số trang mạng chuyên đề thánh ca để dò bài, tìm bài. Bài nào ưng thì copy, in ra sử dụng. Bài quen cũng có mà bài lạ cũng không ít. Vấn đề là không biết bài nào có chuẩn nhận (imprimatur) bài nào không. Phần lớn chúng ta chỉ biết tin vào danh tiếng và uy tín của tác giả mà thôi. Do đó mà UBTN lưu ý chúng ta là, “Trong phụng vụ, chỉ được sử dụng các bài ca đã được chuẩn nhận (imprimatur). Các nhạc sĩ tự giới thiệu tác phẩm mới trên internet có bổn phận ghi chú các chi tiết chuẩn nhận để giúp các ca đoàn thi hành chu đáo phận vụ của mình là phân định, chọn và hát các bài ca xứng hợp trong phụng vụ.” (x. Số 1 – Thông cáo UBTN đã nêu)
Bên cạnh đó, chính trong hoàn cảnh “tự do” (tự do sáng tác và tự do sự dụng sản phẩm) như vậy mà một số người đã vô tình hay cố ý sửa chữa tựa đề bài hát, thay đổi giai điệu bài hát, bài nhạc mà không có ý kiến của tác giả. Một sự tùy tiện không đáng có đối với những ai biết tôn trọng sự thật và sự công bằng. Chính vì vậy, UBTN trong thông cáo ngày 10-11 cũng đã chỉ rõ: “Giáo hội kêu gọi các tín hữu “tự đào tạo cho mình một lương tâm ngay thẳng về việc sử dụng các phương tiện đó” (Sắc lệnh về Truyền Thông, số 5) và cư xử theo nguyên tắc “lòng bác ái thì xây dựng” (1 Cr 8, 1; x. Sắc lệnh về Truyền Thông, số 5). (x. Số 3 – Thông cáo UBNT đã nêu)”
Nhân nói về chuyện tác quyền trong nhà đạo, tôi xin mạn phép chia sẻ câu chuyện riêng tư sau:
Các đây hơn 3 năm, một người bạn bên Mỹ đã điện thoại hỏi thăm và hỏi tôi xem tôi có phải là tác giả bài viết (…) hay không, vì bài đã được đăng trong một tập san nội bộ giáo xứ X. Tôi xác nhận là đúng. Người bạn đó hỏi thêm là có ai liên hệ xin phép đăng bài không. Tôi trả lời là không. Sau đó, dù bạn tôi không nói gì thêm về việc này nữa nhưng tôi hiểu rằng anh bạn đã tỏ ra có điều gì đó băn khoăn suy nghĩ... Riêng với tôi, tôi không quan tâm chuyện đó vì nghĩ rằng như vậy là mình đã đạt mục đích rồi. Miễn là “Đức Ki-tô được rao giảng…” (Pl 1, 18)
Một chuyện khác. Khoảng tháng 5-2021, tôi bất ngờ nhận được email của một linh mục DCCT đang phục vụ tại một điểm truyền giáo trên vùng Tây nguyên. Qua nội dung lá thư, ngài cho biết đã đọc bài viết của tôi về tông đồ giáo dân trên một trang báo điện tử CG và ngài ngỏ ý xin phép sử dụng bài đó trong công việc mục vụ của ngài. Tôi vui mừng trả lời ngài là ngài được toàn quyền tự do sử dụng bài viết của tôi theo ý ngài. Đối với tôi đó là một niềm vui được cộng tác với ngài trong công việc truyền giáo. Dù sao tôi cũng rất cám ơn ngài và thầm thán phục “sự công minh chính trực” của ngài. Bởi vì trong suốt thời gian tôi viết bài đăng trên các trang điện tử CG, tôi chưa gặp một trường hợp như thế này bao giờ…
Chúng ta biết rằng một nhạc sĩ sáng tác hay một người viết văn, viết sách, viết báo…họ phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, chất xám và cả tài chánh nữa để có thể cho ra đời một tác phẩm nào đó. Cho nên vấn đề tác quyền nếu có thì đó là câu chuyện của đức bác ái và đức công bình. Đây là một nguyên tắc: “Thợ đáng trả lương” (1Tm 5, 18; 1Cr 9, 11).
Trong thời gian này, LM Nhạc sĩ Mi Trầm (Hưu dưỡng Gp Nha Trang), tác giả bài thánh ca nổi tiếng “Xin vâng”, trên trang facebook của mình, đã viết một “tút” (status) ngắn tựa là “Tôi viết nhạc”, qua đó ngài đã tâm sự như sau:
“Năm nay, tôi 75. Sức đã yếu, cảm hứng đã cạn, nhưng tôi vẫn cố gắng sáng tác…Sáng tác không có ý lưu danh. Chết rồi thì còn ai nhớ đến mình nữa và nếu người ta có nhớ thì mình cũng chẳng biết. Tôi sáng tác vì máu trong người nó thúc đẩy và cũng để truyền giáo cách đơn giản. Nếu có ai nghe nhạc tôi mà nghĩ lại đời họ thì đó là niềm vui lớn nhất. Để sáng tác, tôi phải đọc sách, suy gẫm, đọc các lời cầu nguyện của các danh nhân…để lấy cảm hứng. Làm được bài nào, tôi bỏ tiền ra để thu hát…Có mất tiền thu hát thì mới cố gắng làm tốt hơn. Nhờ vậy mà tôi luôn có bài mới, nhưng hơi tốn. Nếu không thu hát thì sự cố gắng sẽ kém đi và thành quả ít được như mong muốn. Đành vậy.” [5]
Vấn đề tác quyền có lẽ phải nhìn dưới lăng kính “vừa bác ái, vừa công bình” bởi xét cho cùng, không có tác giả thì sẽ không có tác phẩm.
Cũng trong thời gian qua, trên trang facebook cá nhân của mình, LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Chánh sở họ đạo Chợ Đũi (nhà thờ Huyện Sỹ) thuộc TGP Saigon đã chia sẻ một vài suy nghĩ về vấn đề tác quyền, như sau:
“Trong những ngày qua, các trang truyền thông Công giáo bàn nhiều về tác quyền của các bản thánh ca. Chuyện lùm xùm đễn nỗi Ủy ban Thánh nhạc của Hội Đồng Giám mục Việt Nam phải lên tiếng. Lên tiếng để xác định rõ tác quyền vì đây là vấn đề khá quan trọng liên hệ đến các ca đoàn trong các giáo xứ Việt Nam (chúng ta không dám bàn đến các nước khác). Câu hỏi đặt ra là khi hát các bản thánh ca để phục vụ trong các buổi lễ, ca đoàn đã sử dụng các bài thánh ca của những tác giả còn sống hay đã qua đời. Vậy có được sử dụng các bản thánh ca mà không phải có văn bản rõ ràng cho những lần sử dụng ấy?
“Xét về tác quyền thì Ủy ban Thánh nhạc có một câu rất chuẩn : “Chỉ tác giả mới có quyền trên tác phẩm của mình.” Vì thế nếu tác giả muốn vào hội hay nhóm nào đó để bảo vệ tác quyền thì tác giả hoàn toàn tự do và nên có văn bản để công bố cho mọi người biết. Nếu tác giả không công khai, rõ ràng đặt vấn đề tác quyền như phần lớn các tác giả thánh ca thì không nên đặt vấn đề với tác giả ấy. Trong thời gian qua nhiều bậc thầy trong thánh ca phải nhọc công lên tiếng về các tác phẩm của mình. Theo tôi nghĩ, hình thức nầy cũng thiếu tôn trọng quyền tác giả.
“Đồng thời tác phẩm của họ cũng cần được tôn trọng theo nghĩa là không nên tùy tiện thêm vào một đoạn nhạc của riêng mình. Cụ thể là bài “Mong chẳng còn gì” của cha Quang Uy DCCT. Một người nào đó đã thêm nguyên đoạn nhạc tiếp vào trong bài ấy mà cha không hề biết và cha cũng không chính thức phản đối. Lẽ ra người thêm vào cũng nên báo cho ngài một tiếng và ghi rõ phần thêm là của mình. Tóm lại vấn đề tôn trọng quyền tác giả là vấn đề công bình.” [6]
Bên trên chúng ta đã đề cập thoáng qua về cái tên “Hội Tác Quyền Thánh Ca” (HTQTC). Nhân đây, chúng ta tìm hiểu xem mục đích của Hội này như thế nào. LM nhạc sĩ Mi Trầm (Nhà hưu dưỡng Gp Nha Trang) ngày 11-11-2022 vừa qua, đã có bài viết trên trang facebook của mình đề cập đến vấn đề tác quyền và mục đích của HTQTC. Ngài cho biết là HTQTC có 2 mục đích:
“Thứ nhất là phổ biến bản hát chính thức nhất (sau những lần tam sao thất bổn): Có những tác giả không bằng lòng khi người ta hát sai nhạc của mình. Vậy tìm đâu ra bản chính thức? Liên hệ với tác giả có khi khó hơn liên hệ với HTQTC, vì hội được chính tác giả ủy quyền văn bản gốc.
“Thứ hai là giúp nhau sống tinh thần công bằng trong việc dùng bài hát. Người Tây phương đặt nặng sự công bằng và họ hành xử rất nghiêm túc. Ai muốn photo bài hát phải trả tiền. Nếu có lý do, ví như sinh viên muốn photo bài để nghiên cứu thì họ có thể cho phép. Chỉ photo mà không dễ, huống chi hát trong các sự kiện thì luật lệ nghiêm ngặt hơn nhiều. Để làm sáng tỏ vấn đề, tôi xin nêu vài việc cụ thể:
- Ca đoàn hát trong các việc phụng tự có trả tác quyền không? => Ca đoàn dùng bài hát phục vụ thánh lễ, các việc đạo đức thì tự do và miễn phí.
- Ca đoàn quay video và đăng lên YouTube có trả tác quyền không? => Nếu đăng để phổ biến, không đăng để thu tiền thì tự do và miễn phí.
- Tác giả có bài đăng trên YouTube được doanh thu có buộc phải nhận tác quyền không? => Nếu tác giả không muốn nhận tác quyền, cho miễn phí thì cho qua, không vấn đề.
- Khi bị đánh bản quyền thì liên hệ nơi nào? Với chính tác giả hay với HTQTC mà tác giả đã là thành viên? => Phải liên hệ với Hội. Hội giải quyết thế nào là do thương lượng giữa 2 bên. Tác giả hoàn toàn đứng ngoài.
- Hội Tác Quyền Thánh Ca có quyền can thiệp cho ai? => HTQTC chỉ can thiệp để giải quyết những vấn đề với các tác giả đã là thành viên của hội. Hội không có thẩm quyền gì đối với những tác giả không nằm trong hội.” [7]
Riêng UBTN qua thông cáo ngày 10-11-2022 cũng đã xác định và nhấn mạnh là UB không có quyền sở hữu bất cứ tác phẩm thánh ca nào của các nhạc sĩ (còn sống cũng như đã qua đời). Chỉ tác giả mới có quyền trên tác phẩm của mình; Và UB không thành lập cũng không tham gia hội nhóm nào để bảo vệ tác quyền thánh ca và không ủy quyền cho ai giữ bản quyền tác phẩm thánh nhạc. (x. Số 6 – Thông cáo UBTN đã nêu)
Ngoài ra, để tìm hiểu thêm về nguyên do ra đời của HTQTC, quý vị độc giả có thể đọc tham khảo chi tiết bài viết (đã dẫn) của NS Đinh Công Huỳnh trên trang FB [https://www.facebook.com/dch80].
Trong khi vấn đề tác quyền trong nhà đạo tại VN xem ra còn bỏ ngỏ thì bên Âu Mỹ, chuyện này cũ xưa và không có gì phải bàn cãi. Vì đó là vấn đề của luật pháp, rõ ràng và minh bạch.
Được biết trong ngày 10-11-2022 vừa qua, GS TS Vũ Quí Hạo Nhiên (Mỹ) đã đăng bài tựa “Tác quyền cho thánh ca ở Mỹ - Năm quyền căn bản và một ngoại lệ dành cho tôn giáo” trên tờ Luật khoa tạp chí, đã mở đầu bài viết như sau: [8]
“Vào những ngày cuối năm 2022, dư luận trong giới ca nhạc cũng như trong cộng đồng Công giáo Việt Nam bỗng ồn ào vì một số nhạc sĩ sáng tác nhạc thánh ca đòi tiền tác quyền. Nhiều người ngạc nhiên về điều này, phản ứng có năm bảy chiều hướng khác nhau. Nhưng đối với người ở Mỹ, so sánh với môi trường Mỹ, thì phản ứng là, ủa, tới cuối năm 2022 mới bắt đầu có tác giả thánh ca đòi tiền tác quyền à? Chuyện tác quyền thánh ca có thể mới lạ ở Việt Nam, chứ ở Mỹ và hầu hết các nước khác, đã được áp dụng từ lâu rồi và được xem như chuyện đương nhiên.
“Ở đây cần phân biệt hai mảng khác nhau, mảng luật pháp và mảng tình cảm. Về tình cảm, xưa nay các nhạc sĩ thánh ca Việt Nam thường sáng tác cho ca đoàn của mình trước, rồi sau đó bài hát sẽ được lan truyền, bằng cách này hay cách khác, tới các ca đoàn khác và có thể lan ra toàn quốc. Hầu hết các tác giả sáng tác thánh ca không công cho ca đoàn mình, hay vì đức tin (như linh mục Kim Long nói, “để ca tụng Chúa”), hay một lý do tình cảm nào đó. Giữa các nhạc sĩ và ca đoàn Công giáo với nhau, không ai đòi tiền ai. Chuyện tình cảm hay đức tin không nằm trong phạm vi bài viết này.
“Bài này cũng không bàn cụ thể vào chuyện đang xảy ra tại Việt Nam, trong đó có một câu hỏi rất đáng đặt ra, là người hiện đứng ra đòi tác quyền thánh ca có dấu hiệu đi quá thẩm quyền của mình khi đòi tác quyền cho cả các tác giả không ủy quyền. Chuyện đó có phù hợp với luật Việt Nam không, bài này không bàn tới.
“Trong luật tác quyền, tất cả các sáng tác - văn thơ, nhạc họa, điêu khắc, kiến trúc - đều có tác quyền. Khi đã có tác phẩm, là tự động có tác quyền, không cần thông qua thủ tục hành chánh nào cả. Nếu không có ngoại lệ, việc sử dụng sáng tác của người ta đều phải được cho phép.”
Tác giả bài viết này đã tóm tắt một vài ý chính liên quan tới tác quyền thánh ca trong luật Mỹ. Ông cũng cho biết rằng luật tác quyền Mỹ bảo vệ thánh ca y như các tác phẩm khác, trừ một ngoại lệ cho nghi lễ tôn giáo. Để biết thêm chi tiết, chúng ta có thể tham khảo nội dung bài viết của tác giả GS TS Vũ Quí Hạo Nhiên (đã dẫn). [https://www.luatkhoa.com/]
Đến đây, chúng ta sẽ hiểu vì sao UBTN-HĐGMVN đã viết trong thông cáo ngày 10-11, như sau:
“Đối với các tín hữu phổ biến thánh nhạc trên các phương tiện truyền thông và các nhạc sĩ Công giáo, Ủy ban Thánh nhạc Việt Nam kêu gọi hành xử theo nếp sống đạo tốt lành và tinh thần tôn trọng mục đích của thánh nhạc cùng kỷ luật thánh nhạc. Đồng thời, vì “các phương tiện truyền thông có hiệu lực vượt khỏi ranh giới quốc gia, và biến mỗi người trở thành công dân của toàn thể xã hội nhân loại” (Sắc lệnh về Truyền Thông, số 22), nên cần tuân thủ luật của mỗi quốc gia và Giáo hội địa phương. Được như thế, mới mong thánh nhạc đem lại sự bình an và thánh thiện trên các phương tiện truyền thông xã hội và trong các nghi thức phụng vụ cũng như các buổi diễn nguyện hoặc trình diễn thánh ca có phát sóng. (x. Số 5 – Thông cáo UBTN đã nêu).” ./.
Aug. Trần Cao Khải
__________________
[1]https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/uy-ban-thanh-nhac-thong-cao-ve-viec-sang-tac-va-su-dung-cac-bai-thanh-ca-46773
[2] https://www.facebook.com/dch80
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Quy%E1%BB%81n_t%C3%A1c_gi%E1%BA%A3
[4] https://luatduonggia.vn/tac-quyen-la-gi-cac-loai-tac-pham-se-duoc-bao-ho-tac-quyen/
[5] https://www.facebook.com/linhmucmitram
[6] https://www.facebook.com/profile.php?id=100004661626106
[7]https://www.facebook.com/linhmucmitram/posts/pfbid0hDn3rz5FhFdN
[8]https://www.luatkhoa.com/2022/11/tac-quyen-cho-thanh-ca-o-my/?fbclid=IwAR31kmphsYaCxmM1dQjhh4fWq8HXQ-EOrz4JjhM7cTXnpw7IRvWU2IeIveI