Chia Sẻ Suy Nghĩ Về Hoạt Động Loan Báo Tin Mừng

Fri,10/05/2019
Lượt xem: 2783

I. DẪN NHẬP
 
Việc chăm sóc sức khoẻ để thân thể cường tráng không chỉ có nghĩa là cung cấp cho thân thể nhiều thuốc men và thực phẩm bổ dưỡng, mà còn cần tìm ra những mầm mống làm suy yếu, gây bệnh hoạn cho cơ thể và chữa trị mầm bệnh đó. Để một Giáo hội - Thân thể Mầu nhiệm của Chúa Kitô - lớn mạnh, chúng ta cũng phải theo phương cách đó. 
 
Câu hỏi đặt ra cho Uỷ ban Loan báo Tin mừng (LBTM) nói riêng và cho người tin Chúa Kitô nói chung là: Tại sao việc loan báo Tin mừng trên quê hương Việt Nam không phát triển? Chúng ta hãy can đảm nhìn vào sự thật và đừng vội đổ lỗi tất cả cho các vua chúa hay chế độ vô thần bắt bớ và cấm đạo trong lịch sử. Có lẽ trong những năm qua Giáo hội Việt Nam quá chú tâm vào việc xây dựng nhà thờ, nhà xứ, cơ sở hạ tầng, dồn hết sức lực và tiền của vào đó, còn việc truyền giáo ít được quan tâm và đầu tư đúng mức. Ngay cả khi các linh mục, tu sĩ ngồi với nhau, họ cũng ít nói đến chuyện truyền giáo. 
 
Mỗi lần họp Uỷ ban LBTM, các linh mục và tu sĩ các dòng tu hăng say đưa ra rất nhiều sáng kiến hay và thuyết phục. Nhưng khi đọc đi đọc lại, chúng ta sẽ thấy rằng, đó cũng chỉ là nói lại những gì Chúa Giêsu đã làm cách đây gần hai ngàn năm. Chỉ khác là ngày nay có ít nhà truyền giáo mang nhiệt huyết tông đồ để loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu. 
 
II. THỰC TRẠNG TRUYỀN GIÁO VÀ NGUYÊN NHÂN
 
A. Việc truyền giáo còn chậm vì phương tiện lấn át mục đích
 
Hãy can đảm lên, đừng sợ. Chúng ta đừng sợ nhìn nhận những thiếu sót. 
Nhìn vào những thống kê nơi các giáo phận của Giáo hội Việt Nam, số linh mục và tu sĩ mỗi ngày một thêm đông, nhưng “cánh đồng” cần được truyền giáo lại không thu hẹp, có nơi còn lan rộng hơn vì phong trào tục hoá gia tăng nhanh. Vừa qua, trong một dịp đại hội Thánh Mẫu, giáo dân từ khắp nơi đổ về để lãnh ơn Toàn xá. Ước lượng từ 50 đến 60 ngàn giáo dân và có trên 200 linh mục cùng hiệp dâng các thánh lễ tế trong những ngày đó. Điểm đáng mừng là giáo dân xếp hàng xưng tội từ 6 giờ sáng đến 23 giờ, nhưng số linh mục ngồi toà giải tội lại rất ít. Giáo dân phải chờ rất lâu mới có thể xưng tội. Mặc dầu loa đài liên tục mời gọi các cha ra ngồi toà, toà giải tội vẫn còn trống nhiều. Thử hỏi, nếu các chủ chăn chưa hết lòng với con chiên thuộc về đoàn chiên của mình, thì làm sao nghĩ đến và lo lắng cho những con chiên không thuộc đàn của mình được?
 
Để LBTM thành công, chúng ta không chỉ phải đưa ra nhiều đường hướng và in ấn nhiều các loại sách truyền giáo, vì ai ai trong hàng giáo sĩ và tu sĩ cũng hiểu rất rõ rằng bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Điều quan trọng hơn là phải trả lời được câu hỏi: Trách nhiệm truyền giáo thuộc về ai? Và điều quan trọng hơn nữa là người lãnh trách nhiệm phải thực hiện nó bằng hết khả năng của mình. Những người có trách nhiệm cần phải quan tâm đầu tư trí tuệ, sức lực và tiền của cho việc truyền giáo, ít là ngang tầm với việc xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà thờ, nhà xứ). Có như thế việc truyền giáo mới khởi sắc, mới thành công. 
 
B. Loan báo Tin mừng chưa khởi sắc vì còn lo mưu sinh
 
Các tu sĩ đều có chung một mẫu số: dâng hiến cuộc đời để phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Giáo hội. Thế nhưng, hẳn chúng ta đã thấy hoặc nghe nói rằng, đâu đó, khi một hội dòng mở rộng sự hiện diện của mình trên những vùng đất mới, câu hỏi họ đặt ra cho nơi họ sắp đến là “có mở được trường coi trẻ, trường mẫu giáo hay có thể bán thuốc được không?”, chứ không phải “ở đó có thể truyền giáo được không?” Mặc dù việc mở trường hay bán thuộc là vì lợi ích cộng đồng, nhưng thực tế đó cũng cho thấy, việc truyền giáo chưa được đặt ưu tiên, chưa được quan tâm hàng đầu. 
 
Nhìn chung, từ các giáo xứ đến dòng tu, chúng ta đều đang chú tâm xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất hơn lo cho công cuộc truyền giáo. Chỉ chừng nào chúng ta chú tâm đến việc truyền giáo hơn việc xây dựng cơ sở vật chất thì việc truyền giáo cứu rỗi các linh hồn mới khởi sắc, mới lên ngôi. 
 
C. Loan báo Tin mừng chưa khởi sắc vì lo lý thuyết, bỏ lửng thực tiễn
 
Những cơ sở đào tạo nhân sự cho công cuộc loan báo Tin mừng như các chủng viện và dòng tu quá chú tâm đến kiến thức. Thời gian học tập và tu luyện rất dài. Những điều đó thật tốt, nhưng có cảm giác là các chủng sinh và tu sĩ thiếu một điều rất quan trọng cho sứ vụ tương lai của họ: Họ hiếm khi được cử đi thực tập loan báo Tin mừng nơi những vùng đất chưa biết Chúa, chỉ chú tâm thực tập quản trị giáo xứ. Khi ra trường, họ thường chỉ nghĩ đến việc điều hành giáo xứ chứ ít nghĩ đến việc ra đi rao truyền Lời Chúa cho những người ngoại. Vì thế, công cuộc loan báo Tin mừng cứ dậm chân tại chỗ. Có lẽ khi đào tạo nhân sự, chúng ta đặt nặng mặt kiến thức hơn thực hành, còn Chúa Giêsu lại nghĩ đến việc thực hành truyền giáo cho các tông đồ rất sớm. “Người gọi nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một” (Mc 6,7). 
 
Quả vậy, việc thực tập truyền giáo trước khi làm linh mục là điều tối cần thiết. Được học hành, đào tạo hơn chín năm ở tiểu chủng viện và đại chủng viện mà không một lần thực tập loan báo Tin mừng, thì sau khi ra trường, làm sao các chủng sinh ra đi loan báo Tin mừng ở những nơi đòi hỏi nhiều vất vả và hy sinh. 
 
Một điểm khác là, nhiều chủng sinh thích học các ngoại ngữ như Anh, Pháp, Ý để mở rộng kiến thức nhưng lại rất ít người xung phong học ngôn ngữ các dân tộc thiểu số để truyền giáo. Thiết nghĩ, nơi đào tạo nhân sự cần khuyến khích và hướng dẫn chủng sinh tới việc thực tập truyền giáo. 
 
D. Loan báo Tin mừng chưa khởi sắc còn vì giáo dân đứng ngoài cuộc
 
Hầu hết người giáo dân nghĩ rằng việc truyền giáo không liên quan đến họ, mà là việc riêng của các linh mục và tu sĩ. Thực tế cho thấy, các nước truyền giáo nhanh lại nhờ đội ngũ giáo dân. Có lẽ chúng ta phải khiêm tốn học hỏi nơi anh em Tin lành. Giáo dân Tin lành xem ra tràn đầy nhiệt huyết nói về Chúa hơn giáo dân chúng ta. Họ trao tặng Kinh thánh và sãn sàng giới thiệu Chúa mọi lúc mọi nơi. Anh em Tin lành cũng rất chịu khó nghiên cứu để tìm hiểu tâm lý con người. Nhờ đó họ biết lúc nào con người dễ đón nhận Tin mừng là họ có mặt. Quả vậy, họ len lỏi vào mọi nơi của cuộc sống để loan báo Tin mừng. 
 
Chúng ta và nhất là anh chị em giáo dân chưa làm được việc đó, nên truyền giáo chậm phát triển. Bởi vậy, chúng ta cần trang bị hành trang truyền giáo cho giáo dân, gây ý thức bổn phận trách nhiệm truyền giáo cho họ vì chính họ có cơ hội gặp gỡ lương dân nhiều nhất. 
 
III. KẾT LUẬN
 
Truyền giáo là lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Người có trách nhiệm cần xét mình xem đã thực hiện lệnh truyền của Chúa đến đâu, xem mình đã dám bung ra khỏi cái vỏ bọc an toàn để ra đi đến với tha nhân chưa. Quả vậy, chúng ta không thể truyền giáo nếu không đi đến và gặp gỡ tha nhân. 
 
Tin mừng tình thương của Chúa Giêsu là món quà tuyệt vời nhất Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Nhưng để con người đón nhận Tin mừng của Chúa, người loan báo Tin mừng phải có lòng nhân ái khi đến với tha nhân, nhận ra những nhu cầu cấp thiết của họ và tìm cách cứu giúp họ. Như thế, họ dễ nghe và tin theo Tin mừng của Chúa hơn. Người ta sẽ không nghe theo Tin mừng của Chúa khi người đi loan báo vô cảm trước nỗi khốn khổ của con người. 
 
Quả vậy, việc truyền giáo chắc chắn sẽ thành công khi tất cả mọi thành phần dân Chúa, từ giám mục cho đến linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân cùng thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả cho loan báo Tin mừng”. Chúng ta hãy đồng lòng nhiệt tâm thực hiện lệnh truyền cuối cùng của Chúa Giêsu và đó cũng là bản chất của Giáo hội: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). 

Lm. Giuse Phạm Văn Nhân
Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 06
Nguồn tin: