Đạo Nào Cũng Tốt, Nhưng Phải Chăng Đạo Nào Cũng Như Nhau?

Thu,07/10/2021
Lượt xem: 4396

Thế giới chúng ta đang sống được xem là một thế giới đa nguyên về tôn giáo và văn hóa.[1] Việc có nhiều tôn giáo cùng hiện diện ở một nơi, vừa cho thấy khát vọng sâu xa trong tâm hồn con người hướng tới siêu việt, nhưng đồng thời cũng vừa làm nảy sinh những vấn đề, chẳng hạn sự xung đột giữa tín đồ các tôn giáo, thái độ dửng dưng tôn giáo hay chủ nghĩa tương đối tôn giáo. Trong bối cảnh xã hội hôm nay, khi quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của con người ngày càng được chú trọng, việc Giáo hội Công giáo thúc đẩy các hoạt động đối thoại đại kết và liên tôn đã khiến nhiều tín hữu, và cả người ngoài Giáo hội, tưởng nghĩ rằng: “Đạo nào cũng tốt, Đạo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành, nên Giáo hội Công giáo cần gì phải truyền giáo, vì chỉ cần sống tốt thì người ta cũng có thể được cứu độ.” Do đó, tại nhiều Giáo hội địa phương và trong các cộng đoàn Kitô hữu, chiều kích truyền giáo ít được quan tâm hoặc bị xem là thứ yếu, thậm chí không hề được nhắc tới; các tín hữu lơ là bổn phận truyền giáo và xem việc đó không cần thiết.

Quan niệm trên đây thực sự rất mơ hồ, nhưng lại làm cho người nghe dễ bị thuyết phục, và nếu không làm rõ, sẽ để lại nhiều hệ quả nặng nề. Để phần nào trả lời cho vấn đề này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ba điểm: (1) “Đạo nào cũng tốt,” (2) nhưng phải chăng “Đạo nào cũng như nhau?”và (3) Truyền giáo là nhiệm vụ bắt buộc của Giáo hội Công giáo.

1. “Đạo nào cũng tốt”

Nói rằng “Đạo nào cũng tốt, Đạo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành” quả thật không sai. Tôn giáo nào cũng dạy người ta làm lành lánh dữ, hướng tới sự thiện hảo. Các Giáo hội thuộc Kitô giáo, vì đều bắt nguồn từ cộng đoàn môn đệ do Chúa Kitô thiết lập, luôn mời gọi các tín hữu phải sống thánh thiện như Cha trên trời (cf. Mt 5,48), bằng việc tuân giữ giáo huấn hai giới răn cốt yếu là “mến Chúa yêu người” (cf. Mt 19,16-22).[2] Hồi giáo tin vào Đấng Allah (Thiên Chúa) duy nhất và chân thật, sáng tạo vũ trụ và yêu thương quan phòng mọi loài; họ quan niệm rằng tâm điểm cuộc sống con người quy chiếu về việc phát triển đến mức trưởng thành trong mối liên hệ thân thương và đầy cảm thông với Đấng Allah.[3] Phật giáo giúp con người tìm được hạnh phúc, thoát khỏi vòng Luân hồi để đi vào tình trạng Vô Ngã và đạt tới cảnh Niết Bàn.[4] Như thế, giáo lý nguyên thủy của các tôn giáo thì tinh tuyền và thánh thiện, đó là điều mọi người tôn trọng, chứ không nên dựa vào một vài biểu hiện lệch lạc hoặc xuống cấp trong đời sống thực hành của một số tín đồ nào đó mà có cái nhìn không đúng về bản chất của các tôn giáo.

Đối với Giáo hội Công giáo, kể từ Công đồng Vaticanô II, chúng ta có cái nhìn cởi mở hơn về các tôn giáo. Tuyên ngôn Nostra Aetate viết: “Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của chân lý, chân lý chiếu soi hết mọi người.”[5] Nối tiếp tư tưởng đó, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cho rằng, Giáo hội vẫn ghi nhận các giá trị được diễn tả trong các sách tôn giáo của các tôn giáo, chẳng hạn: tôn trọng sự sống, thiền định, tĩnh lặng, nếp sống thanh đạm trong Phật giáo; cảm thức linh thánh, hy sinh và chay tịnh trong Ấn giáo; các giá trị gia đình và xã hội trong Khổng giáo.[6]

Việc nhìn nhận những giá trị tích cực ẩn chứa trong các tôn giáo là động lực thúc đẩy Giáo hội dấn thân hơn nữa trong các cuộc đối thoại đại kết và liên tôn. Chúng ta tin rằng: “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4), và mỗi tôn giáo có thể được xem là một con đường dẫn tín đồ của mình đến với Đấng Tuyệt Đối, nếu họ biết sống các giá trị chân chính và luật lệ của Đạo mình một cách đúng đắn và nghiêm túc.

2. Nhưng phải chăng “Đạo nào cũng như nhau?”

Tuy nhiên, một điểm chúng ta cần lưu ý ở đây là dù “Đạo nào cũng tốt,” nhưng không thể nói rằng “Đạo nào cũng như nhau,” không được có quan niệm cào bằng hay tương đối về tôn giáo, cũng không được có chủ trương tạp giáo.[7]

Nói rằng “Đạo nào cũng tốt” thì cũng giống như nói rằng ‘ngôi nhà nào cũng là để ở,’ ‘phương tiện nào cũng để giúp người ta đi lại,” hay ‘con đường nào cũng dẫn tới đích.’ Ngôi nhà nào cũng là để ở, nhưng một ngôi nhà vững chãi thì tốt hơn một mái nhà tranh tạm bợ; một căn biệt thự rộng rãi thoáng mát thì tốt hơn một căn hộ chung cư chật chội bức bí. Mọi phương tiện đều giúp người ta di chuyển, nhưng máy bay thì nhanh hơn ôtô; xe máy thì nhanh hơn xe đạp. Con đường nào cũng dẫn tới đích, nhưng đường nhựa thì tốt hơn đường đất, đường tắt thì nhanh hơn đường vòng. Theo chỉ thị của Bộ Giáo lý Đức tin, chúng ta cần biết rằng, sự bình đẳng được nhắc tới trong đối thoại liên tôn, phải hiểu là sự bình đẳng về phẩm giá nhân vị của các bên đối thoại, chứ không phải bình đẳng về nội dung đức tin, càng không phải về địa vị của Chúa Giêsu Kitô trong tương quan với các vị sáng lập các tôn giáo khác.[8] Dưới cái nhìn đức tin, mặc dù vẫn giữ một sự tôn trọng nhất định đối với các tôn giáo khác, chúng ta có quyền và bổn phận phải chứng tỏ cho người khác thấy sự ưu việt của Giáo hội Công giáo, như lời thánh Phêrô khuyên nhủ: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15). Trong sứ mệnh truyền giáo, Giáo hội là một cộng đoàn thuộc về Chúa Cha, được Chúa Thánh Thần gìn giữ và thánh hóa, được Chúa Kitô thiết lập và chuẩn bị đầy đủ những phương thế cần thiết cho ơn cứu rỗi. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Chỉ nhờ Giáo hội Công giáo của Chúa Kitô là phương thế cứu rỗi chung, ta mới có thể đạt được đầy đủ các phương tiện cứu rỗi.”[9] Chúng ta có thể tóm lại điểm này trong lời xác tín của Bộ Giáo lý Đức tin như sau:

“Khi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ đến, Thiên Chúa muốn rằng Giáo hội do Người thiết lập phải trở nên khí cụ cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Chân lý đức tin này không giảm nhẹ niềm kính trọng chân thành của Giáo hội đối với các tôn giáo trên thế giới, nhưng cùng lúc, Giáo hội cũng quyết liệt loại trừ não trạng dửng dưng tôn giáo, tiêu biểu là chủ thuyết tương đối tôn giáo, đưa tới niềm xác tín cho rằng ‘Đạo nào cũng tốt.’ Nếu đúng là những người theo các tôn giáo khác có thể nhận lãnh ân sủng Thiên Chúa, thì cũng chắc chắn rằng, khách quan mà nói, họ ở trong một hoàn cảnh thiếu thốn trầm trọng so với những người trong Giáo hội, vốn có đầy đủ những phương tiện cứu rỗi.”[10]

Như vậy, khi nhìn về các tôn giáo, dù khách quan hay chủ quan, chúng ta phải công nhận rằng: không phải “Đạo nào cũng như nhau.” Tất nhiên, sự ưu việt này của Giáo hội Công giáo không phải là căn cớ, càng không phải là nội dung để chúng ta bàn tới khi gặp gỡ các tôn giáo khác (đại kết hay liên tôn). Mục đích của chúng ta khi bước vào các cuộc đối thoại là để tìm kiếm những điểm chung, tiếng nói chung và sự cộng tác chân thành, nhằm phục vụ và thăng tiến con người toàn diện, đồng thời góp phần xây dựng thế giới và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

3. Truyền giáo là nhiệm vụ bắt buộc của Giáo hội Công giáo

Như vậy, xét cho cùng, Giáo hội Công giáo có một sự vượt trội so với các tôn giáo khác trong việc kế thừa di sản Chúa Kitô để lại, và dù người ta vẫn có thể được cứu rỗi mà không cần gia nhập cộng đoàn Giáo hội, bởi Thiên Chúa có chương trình riêng của Người dành cho họ,[11] thì cũng không phải vì thế mà Giáo hội được miễn trừ hoặc giảm thiểu trách nhiệm của mình trong việc truyền giáo, vì đó là mệnh lệnh Chúa Kitô để lại: “hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”(Mt 28,19).

Ý thức sứ mạng cao cả của mình, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công cuộc truyền giáo,[12] Giáo hội nhận thấy sự cần thiết của việc loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người, vì đó là căn tính của Giáo hội.[13] Giáo hội trở thành gia đình con cái Thiên Chúa ở trần gian, nơi đó, “đức tin được công bố trong sự toàn vẹn của nó.”[14] Ngôi nhà Giáo hội không dành riêng cho một nhóm người hay cho những ai được coi là xứng đáng, nhưng phải trở thành một ngôi nhà không có vách ngăn, không tường rào và luôn mở rộng cửa, để chào đón mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại, không phân biệt chủng tộc, màu da, giai cấp hay ngôn ngữ. Con cái Giáo hội phải đi ra khỏi ngôi nhà của mình để đi đến với những vùng ngoại vi của cuộc sống, để gặp gỡ mọi người, nhất là những người bị tổn thương nhất,[15] và giảng dạy cho họ biết các thực tại hữu hình cũng như vô hình, trên trời cũng như dưới đất.[16] Việc đi ra như thế có thể khiến chúng ta gặp thử thách, đôi khi cả rủi ro, nhưng không vì thế mà Giáo hội chùn chân lùi bước. Nhà kinh tế học người Pháp, Turgot, từng nói: “Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy.”[17] Đức Giáo hoàng Phanxicô thể hiện một quyết tâm lớn hơn: “Tôi thà có một Giáo hội bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Giáo hội ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình.”[18] Vì Giáo hội là cộng đoàn các môn đệ truyền giáo, nên khi lên đường thực thi sứ mệnh của mình, chúng ta không bước đi cô độc, nhưng được Chúa Thánh Thần soi sáng, được Đức Maria dìu dắt và được tình huynh đệ của anh chị em trong gia đình Giáo hội đỡ nâng, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi gian nan trắc trở; cuối cùng, hoa trái mà chúng ta thu được sẽ trĩu nặng gánh lúa vàng, như lời Vịnh gia:

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng”

(Tv 126,5-6).

Tóm lại, người ta có thể nói rằng: “Đạo nào cũng tốt, Đạo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành,” nhưng đồng thời phải giải thích rõ hơn ý nghĩa của nó, kẻo sinh ra những hiểu lầm, nhất là đối với tâm thức của người bình dân, đặc biệt của các Kitô hữu. Quan niệm ấy chỉ phần nào đúng xét về mục đích nguyên thủy của các tôn giáo; còn xét về nhiều khía cạnh khác, các tôn giáo không có sự tương đương. Trong cái nhìn đức tin, mọi tín hữu Công giáo phải xác tín rằng Giáo hội chúng ta có sự ưu việt hơn so với các tôn giáo khác, mặc dù vẫn dành một sự kính trọng nhất định đối với họ. Với cái nhìn này, chúng ta không hề phủ nhận giá trị của các tôn giáo, không kìm hãm tiến trình đối thoại đại kết và liên tôn, cũng không hề xúc phạm tôn giáo và tín ngưỡng của họ; ngược lại, điều này trở thành động lực thúc đẩy Giáo hội dấn thân hơn nữa cho công cuộc loan báo Tin Mừng, bằng đời sống chứng nhân và gương sáng, và mỗi Kitô hữu sẽ ‘trở nên nhịp cầu, chứ không phải chướng ngại cho mọi người trong việc gặp gỡ Chúa Kitô.’[19] Chúng ta cần ý thức rằng: “ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi nhiều hơn” (Lc 12,48) và địa vị cao trọng của chúng ta không phải do công trạng riêng mình, nhưng do ân sủng đặc biệt của Chúa Kitô, nếu không đáp lại ân sủng ấy bằng những tư tưởng, lời nói và việc làm mang tính chứng tá, thay vì được cứu độ, chính chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn.[20]

Antôn Lê Đức Khả, K.12

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 11


[1] Tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt tại Á châu và Việt Nam, chúng ta nhận thấy có đa dạng các tôn giáo (Ấn giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo),và các truyền thống tôn giáo (Lão giáo, Khổng giáo, Bái Hỏa giáo, Kỳ Na giáo, đạo Sikh và Thần đạo); chưa kể nhiều truyền thống tôn giáo và rất nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian khác. (X. Edgar Javier, SVD., “Đối thoại liên tôn tại Á châu – Những vấn đề và thách đố hiện nay,” trong cuốn Sứ vụ Truyền giáo tại Á châu hôm nay, Trung tâm Học vấn Đaminh, 2007, 122).

[2] X. Công đồng Vatican II, Thông điệp Unitatis Redintegratio, số 12.

[3] Qamar-Ul Huda, “Hồi giáo hiểu về Allah và nhìn về các tôn giáo khác,” trong Hợp tuyển Thần học, số 48 (2011), 54.

[4] X. Jorathe Nắng Tím, Phật giáo và Công giáo, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, 35.

[5] Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 2; Hiến chế Lumen Gentium, số 17.

[6] ĐGH. Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, (11/11/2010), số 119.

[7] ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, (24/11/2013), số 251.

[8] Bộ Giáo lý Đức Tin, Tuyên ngôn Dominus Jesus, (6/8/2000), số 22.

[9] Thông điệp Unitatis Redintegratio, số 3.

[10] Tuyên ngôn Dominus Jesus,số 22.

[11] Sắc lệnh Ad Gentes, số 7.

[12] Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI, Thông điệp Evangelii Nuntiandi, (8/12/1975), số 75.

[13] X. Sắc lệnh Ad Gentes, số 2.

[14] ĐGH. Phanxicô, Giáo Hội giàu lòng thương xót, Lm. Augustinô Nguyễn Minh Triệu, SJ. dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, 61.

[15] Tông huấn Evangelii Gaudium, số 20.

[16] X. Thánh Cyrillo thành Giêrusalem, “Tính Công giáo của Giáo Hội”, trong cuốn Giáo Hội học qua các tác giả, 81.

[17] Câu nói được sưu tầm trên trang www.pinterest.com, truy cập ngày 15/12/2017.

[18] Tông huấn Evangelii Gaudium, số 49.

[19] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 43.

[20] Hiến chế Lumen Gentium, số 14.

 

Nguồn tin: