Giáo Hội Với Chủ Nghĩa Vô Thần Tại Việt Nam Hiện Nay

Fri,21/05/2021
Lượt xem: 3547

GIÁO HỘI VỚI CHỦ NGHĨA VÔ THẦN

TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

 

Sự xuất hiện của chủ nghĩa vô thần trên thế giới đã ảnh hưởng lớn đến những đường lối chính trị, văn hóa tại nhiều quốc gia. Riêng tại Việt Nam, từ ngày chủ nghĩa Cộng sản vô thần có mặt trên mảnh đất hình chữ S, đã chi phối đời sống chính trị, văn hóa và tôn giáo người Việt, sự có mặt này đã để lại nhiều hệ lụy vô cùng đáng tiếc. Vì thế, Giáo Hội cần có những phương cách phù hợp để tiếp cận vấn đề.

Trong bài, người viết sẽ trình bày theo ba mục chính sau đây: (1) Vô thần và các dạng thức vô thần; (2) Lập trường của Giáo Hội trước và sau Công đồng Vatican II về chủ nghĩa vô thần; (3) Giáo Hội đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong bối cảnh chủ nghĩa vô thần hiện nay.

1. Vô thần và các dạng thức vô thần

1.1. Vô thần là gì?

Xét theo từ ngữ, “vô thần” có nghĩa là “không có thần linh” (đối lại với “hữu thần”). Vô thần được hiểu về người không tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa hay các thần linh. Chủ thuyết vô thần rất đa dạng và có sự biến chuyển theo thời đại: Thời cổ đại, triết gia Hy Lạp Đêmôkritos (460-370 tCN) chủ trương một dạng duy vật lý thuyết. Thời cận đại, nhiều triết gia Tây Phương lấy thuyết vô thần là hệ tư tưởng dựa trên khoa học thực nghiệm để tiếp cận với thực tại và loại bỏ mọi biểu thị tôn giáo. Thời hiện đại, có tính cách thực tiễn, các người vô thần hỗ trợ tiến trình thế tục hóa của xã hội mà không quy chiếu vào tôn giáo.[1] Như vậy, “vô thần” là lập trường cho rằng, ngoài con người và vũ trụ ra, thì không có một Thực Thể hay một Hữu Thể tuyệt đối (thần thiêng) nào cả. Kinh Thánh dùng đến từ vô thần chỉ có một lần (x. Ep 2,12), nhưng với ý nghĩa khác. Kinh Thánh dùng để chỉ về người không biết hay không chấp nhận Giavê và Luật của Người hoặc sống lối vô luân bất công. Ngày xưa, ít có ai vô thần và nếu có thì thường là trí thức phóng đãng. Thời nay, chủ trương vô thần là một hiện tượng phổ biến, bên Đông cũng như bên Tây, giữa lớp trẻ cũng như lớp già, cả giới trí thức lẫn người bình dân.[2] Vậy, vô thần có những dạng thức nào?

1.2. Các dạng thức vô thần

Khi đề cập đến các dạng thức của chủ nghĩa vô thần, Hiến chế Gaudium et Spes, số 19 nêu rõ: “Có người minh nhiên phủ nhận Thiên Chúa; có người lưỡng lự; một số khác chủ trương chỉ có khoa học mới giải thích được mọi sự; có người lại quá đề cao con người; một số khác lại tạo ra cho mình một hình ảnh Thiên Chúa; một số khác nữa có thái độ dửng dưng …”.

Theo nghiên cứu của linh mục Phan Tấn Thành thì thế giới hiện nay có 13 thứ vô thần: 1. Vô thần khẳng định: Không có Thiên Chúa; 2. Vô thần khả tri: Tôi không thể nói gì về Thiên Chúa; 3. Vô thần chống tôn giáo; 4. Vô thần chinh phục: Khoa học chiếm chỗ Thiên Chúa; 5. Vô thần vỡ mộng: Không có Thiên Chúa, cuộc sống không có ý nghĩa;  6. Vô thần tín điều: Không có Thiên Chúa, đây là một tín điều; 7. Vô thần ý thức hệ: Chủ nghĩa vô thần cho phép giải quyết những vấn đề của con người; 8. Vô thần nhân bản: Thiên Chúa không thể nào hiện hữu; nếu Thiên Chúa hiện hữu thì con người không thể hoạt động được; 9. Vô thần thực hành: Vấn đề Thiên Chúa không quan trọng đối với tôi. Tôi có thể sống mà chẳng cần đến Thiên Chúa; 10. Vô thần phương pháp luận: Thiên Chúa là một ý niệm thừa thãi để giải thích vũ trụ; 11. Vô thần phủ định: Tôi tin rằng không có Thiên Chúa; 12. Vô thần ngữ nghĩa: Tôi không hiểu quý vị muốn nói gì. Thiên Chúa là một hạn từ vô nghĩa; 13. Vô thần khoa học: Tôi chỉ tin vào khoa học, chỉ khoa học mới cho ta biết chân lý.[3]

Tuy nhiên, chủ nghĩa vô thần hiện đại có thể tóm lại trong ba trào lưu chính yếu, có ảnh hưởng lớn trên lịch sử nhân loại thời hiện đại, trong đó có Việt Nam như sau: Thuyết hiện sinh vô thần; thuyết vô thần của Karl Marx; và thuyết vô thần khoa học. Trước hiện tượng có ảnh hưởng lớn đến thời đại chúng ta, Giáo Hội đã có những thái độ và giải pháp thích hợp nào?

2. Lập trường của Giáo Hội trước và sau Công đồng Vatican II về chủ nghĩa vô thần

Khi đề cập đến hiện tượng của chủ nghĩa vô thần, Giáo Hội qua các triều đại giáo hoàng đã có những lập trường khác nhau trong từng thời kỳ: Thông điệp Divini Redemptoris của Đức Piô XI, Đức Piô XII trong Ad Apostolorum Pricipis, Đức Gioan XXIII trong Mater et Magistra, Đức Phaolô VI trong Ecclesiam Suam, Đức Gioan Phaolô II trong Sapientia Christiana. Gần đây là Hiến chế Gaudium et Spes, Hiến chế Lumen Gentium, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae của Công đồng Vatican II.[4]

Trong khi đó, Giáo Hội phải đối mặt với nhiều thách đố từ bên trong cũng như bên ngoài, nhất là Giáo Hội chưa thật sự bình phục hoàn toàn sau cơn lốc Cải Cách vào thế kỷ XVI.[5] Trước Công đồng Vatican II, khi nhìn vào Giáo Hội, người ta vẫn hình dung Giáo Hội như vị quan tòa xét xử, sẵn sàng kết án và trục xuất khỏi Giáo Hội những thành phần chống đối hay những chủ trương phi bác sự hiện hữu của Thiên Chúa. Hơn thế, thay vì tìm cách cải hóa bằng tinh thần yêu thương, từ bi nhân hậu thì Giáo Hội đã kết án, loại trừ, gây nên những chia rẽ, bất đồng và đổ vỡ,… Mặt khác, Giáo Hội luôn tự cho mình là trước hết và trên hết, cho mình có quyền tài phán và là thầy dạy, coi tôn giáo mình là nhất.

Đến Công đồng Vatican II, khi đối diện với chủ nghĩa vô thần, lập trường của Giáo Hội đã thay đổi. Tinh thần bao dung, tha thứ, đối thoại, tôn trọng là những từ ngữ được sử dụng trong các văn kiện cũng như trong các cuộc gặp gỡ với những người vô thần. Đồng thời, “Giáo Hội luôn cố gắng tìm hiểu những những nguyên nhân tiềm ẩn trong tâm trí những người vô thần đưa đến việc chối bỏ Thiên Chúa” (GS số 21). Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn luôn giữ lập trường của mình khi khẳng định rằng: Việc nhìn nhận Thiên Chúa không đi ngược với phẩm giá con người, mà trái lại còn làm cho con người được hoàn thiện hơn. Vì con người sẽ bị thương tổn nặng nề, và hư đi đời đời nếu phủ nhận hay hết hy vọng vào Thiên Chúa.

3. Giáo Hội đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong bối cảnh chủ nghĩa vô thần hiện nay

3.1. Những mối bận tâm của Giáo Hội về hiện trạng đất nước hiện nay

Việt Nam đang hòa nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, trong khi nền chính trị còn mang nặng tính chất vô thần đặc thù. Đất nước chưa chuẩn đầy đủ cho tiến trình hội nhập nên gặp rất nhiều khó khăn và để lại nhiều hậu quả nghiệm trọng. Trong khi đó, do tư duy và lối sống của người Việt, với ý thức hệ Nho giáo tồn tại suốt nhiều thế kỷ, những nếp nghĩ và lối sống quen với môi trường đóng kín. Con người còn lệ thuộc vào gia tộc, tập thể, ít tư duy sáng tạo. Nhìn chung, văn hóa truyền thống người Việt được xây dựng trên cơ sở xã hội nông nghiệp và mang nét đặc trưng của hệ tư tưởng Nho giáo.[6]

Bởi “truyền thống” khép kín, cộng với hệ thống chính trị mang nặng tính chất vô thần nên phẩm chất giáo dục đi xuống đáng lo ngại. Người trẻ thì đang chịu thiệt thòi do lối giáo dục của gia đình và học đường quá lạc hậu. Người lớn thì mới bước vào cái mê hồn trận của chủ nghĩa tiêu dùng, của lối sống hối hả thị thành.[7] Lẽ ra nền giáo dục phải giữ vai trò quan trọng và đi tiên phong thì nó đang bị khổng chế bởi “cơ chế bao cấp” và hệ tư tưởng cũ.[8] Bên cạnh đó, đất nước lại đang phải đối diện với quốc nạn quan liêu, tham ô tham nhũng, đặc lợi đặc quyền, nhiều nhân viên nhà nước “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”... Người ta đang bị mê mẩn và gắn chặt vào những thỏa mãn của lối sống ích kỷ, đùn đẩy trách nhiệm và thiếu quan tâm đến công ích, ngại đấu tranh cho công lý và hòa bình; những giá trị văn hóa truyền thống như tôn sư trọng đạo, tình gia đình gia tộc, tinh thần tương thân tương ái đang bị đe dọa nghiêm trọng.[9] Hơn bao giờ hết, “Giáo Hội phải biến những thách đố này lại trở thành cơ hội cho thuận lợi thúc đẩy Giáo Hội canh tân”. Dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, “Giáo Hội tại Việt Nam cần xác tín và sống với căn tính của mình, củng cố sự hiệp thông, phát huy nhiệt tình truyền giáo, để chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Đức Kitô trên đất nước này”.[10]

3.2. Hoán cải và đối thoại chân thành

Trước hết, Giáo Hội cần hoán cải và cộng tác cho sự phát triển bền vững trên mọi phương diện của dân tộc Việt Nam. Giáo Hội có nhiệm vụ lên án chủ nghĩa vô thần vì họ đã phủ nhận Thiên Chúa và cả những sai phạm khác của họ. Tuy nhiên, con cái Giáo Hội phải “chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc nảy sinh chủ nghĩa vô thần vì sự xao lãng trong việc giáo dục đức tin, việc trình bày giáo lý sai lạc, sự thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội”. Bởi thế, Giáo Hội cần nhìn lại để nhắc nhở con cái mình hãy thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, và tìm ra linh dược “chữa trị thái độ vô thần” nơi những người chung quanh.[11] Thật vậy, tinh thần nhìn lại mình để đổi mới cách nhìn và lối nghĩ nhằm thanh luyện chính mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần phải luôn được chủ trọng. Cùng với đó, Giáo Hội được mời gọi người Kitô hữu trở thành chứng nhân của niềm hy vọng bằng việc gieo tâm thức tinh thần yêu chuộng công bình và bác ái.

Bên cạnh đó, dù bác bỏ chủ nghĩa vô thần nhưng Giáo Hội phải luôn sống trong tinh thần cởi mở, không có thái độ cô lập, kỳ thị hay như quan tòa xét xử. Giáo Hội luôn sẵn sàng đối thoại cởi mở và hợp tác với những những người thiện chí, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh, hướng tới nền văn minh tình thương và sự sống theo tinh thần Kitô giáo. Cùng quan điểm đó, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc có nhận định rất hay rằng: Con người trước hết là con người trước khi là da vàng, da trắng, hay da đen, trước khi là vô sản hay tư sản. Mọi mưu toan áp đặt bằng sức mạnh trước sau gì cũng thất bại.[12] Bởi thế, dù giữa đức tin và chủ nghĩa vô thần có xung khắc cơ bản, nhưng không vì thế mà không thể có đối thoại và cộng tác chân thành.[13] Giờ đây, đối thoại phải là sứ mạng thiết yếu của Giáo Hội, nhằm giúp mọi người có thể sống chung hòa bình giữa lòng dân tộc.

Một yếu tố khác của đối thoại là phải biết lắng nghe, có tinh thần đón nhận những lý lẽ mà người vô thần đưa ra. Chúng ta biết, hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất trong mọi phương diện, nhưng là cùng nhau hướng đến những mục tiêu chung tốt đẹp hơn, là đón nhận nhau với những giới hạn. Hơn hết, Giáo Hội cần dựa theo đường lối hành động của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô: Ngài đã trở thành con người, chia sẻ cuộc sống của con người và nói bằng ngôn ngữ loài người để thông truyền sứ điệp cứu độ.

Cùng ý hướng đó, Giáo Hội phải luôn biết tôn trọng người vô thần, Giáo Hội “ngỏ lời trước hết với các tín hữu, để kêu mời họ ra sức san bằng những trở ngại do chính họ gây nên, bằng cách sống đạo cho sáng suốt và xứng đáng”. Với người vô thần, Giáo Hội “kêu mời người vô thần lấy thái độ vô tư mà nhận định một cách khách quan những dấu chỉ của Thiên Chúa đã ghi vào mọi thụ tạo trong vũ trụ, trong lịch sử và nơi tâm trí con người”.[14]

Trong thời đại mới, Giáo Hội cần thâm tín điều này: Phải hội nhập, đẩy xa cảnh đạo một nơi mà đời một nẻo, xưa rồi cảnh đạo như trống đánh xuôi còn đời như kèn thổi ngược đã một thời gây hoang mang xao xuyến. Đạo đời ngày nay không còn là hai khu vực địa lý có hàng rào xác lập chủ quyền nữa, mà đã là hai lĩnh vực dẫu khác nhau vẫn có những giao thoa qua lại. Chúa Giêsu đã trở thành mẫu gương cho tinh thần này khi Ngài đã đi qua ranh giới giữa Samari bên đời và Galilê bên đạo. Vì trước thiên ân cứu độ không có sự phân biệt đạo đời. Bởi thế, gặp gỡ và đối thoại giữa Giáo Hội với những người vô thần không còn là nốt nhạc hoa mỹ làm cho vui bài ca cuộc đời, nhưng là nốt cơ bản dệt nên sứ mạng cấp thiết của Giáo Hội hôm nay.

3.3. Giáo Hội đồng hành với dân tộc

Hiến chế Gaudium et Spes, số 2 viết: “Giáo Hội muốn ngỏ lời với tất cả mọi người. Công đồng ước ao trình bày cho mọi người biết mình quan niệm thế nào về sự hiện diện và hoạt động của Giáo Hội trong thế giới ngày nay”. Bởi thế, Giáo Hội mong muốn đem hình ảnh thực của mình đối chiếu với hình ảnh lý tưởng của Giáo Hội như Đức Kitô đã thấy, đã muốn và đã yêu (x. Ep 5,27). Giáo Hội xác định: “Chung quanh mình còn có nhiều người không hề nhận ra hay khước từ cách minh nhiên tương quan mật thiết và sống động kết hợp con người với Thiên Chúa, cho nên vô thần phải được kể là một trong những vấn đề hệ trọng nhất trong thời đại này”.[15] Hơn lúc nào hết, muốn mang niềm tin Kitô giáo cho dân tộc Việt Nam, Giáo Hội được mời gọi đổi mới và hội nhập văn hóa, tuy tiến trình này có nhiều gian nan và thử thách.[16]

Để cụ thể hóa những thao thức trên, trong “Thư chung 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam”, Giáo Hội mời gọi mọi tín hữu gắn bó với Đức Kitô, với Giáo Hội hoàn vũ và gắn bó với nhau trong tình huynh đệ. Đồng thời trung thành với tinh thần của Công đồng Vatican II với tinh thần cởi mở, đối thoại và hoà mình với cộng đồng xã hội Việt Nam mà mình đang sống. Bên cạnh đó, thao thức với vận mệnh dân tộc, nhằm chung tay xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng và nhân văn hơn. Giáo Hội đã trình bày cho mọi người hình ảnh về một Giáo Hội hội nhập văn hóa, thực hiện một cuộc nhập thể nơi chính quê hương của mình, hầu cho người dân Việt nhận ra khuôn mặt gần gũi và thân thiện với con tim và khối óc của con người Việt Nam. Các Giám Mục Việt Nam kêu gọi: Chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa (TC 1980, số 9). Sự hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể là: Trước hết, cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Đồng thời, xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc.

Trong ý hướng đó, Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, với tựa đề: “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống” mời gọi mọi người hãy thể hiện tinh thần hiệp thông và thực hiện sứ vụ Tin Mừng của Chúa ngay trong lòng dân tộc và chính đồng bào của mình. Giáo Hội phải trở nên dấu chỉ của Nước Thiên Chúa ngay trong lòng đất Việt. Bên cạnh đó, phải xây dựng một Giáo Hội đầy tinh thần hiệp thông (x. TC 2010, số 20-30). Thay vì thấy một Giáo Hội đặt nặng về cơ cấu và luật lệ, thì Giáo Hội phải là gia đình của Thiên Chúa, nơi đó có sự liên đới và hiệp nhất trong yêu thương. Đây là hình ảnh rất gần gũi với tâm thức và lối suy nghĩ của người dân Việt. Nhờ sự hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi mà các thành phần dân Chúa được liên kết chặt chẽ với nhau, cùng nhau hoàn thành sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong môi trường văn hóa Việt Nam (x. TC 2010, số 31-47).

Gần đây, trong chuyển Ad Limina của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Rôma vào tháng 03 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ ước muốn Giáo hội hôm nay phải “ra đi” thay vì “đóng kín”. Trên hành trình ấy, đòi hỏi Giáo Hội phải kiên nhẫn và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và vẫn giữ được mối liên lạc thông giao, xây dựng được một cầu nối tốt lành.

Thật thế, như một cử hành phụng vụ để cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa, Giáo Hội mời gọi mọi thành phần Dân Chúa sử dụng quyền tự do thiêng liêng của con cái Chúa, nói lên những nhận thức của trí tuệ được đức tin soi sáng, những thao thức của trái tim được đức mến nung nấu, và những khát vọng của ý chí được đức cậy khơi dậy, nhằm xây dựng và củng cố ngôi nhà Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta hôm nay và ngày mai (x. TC 2010, số 48).

Lời kết

Giáo Hội Việt Nam hôm nay mang trong mình tinh thần mới của Đức Kitô. Giáo Hội đang giới thiệu cho mọi người một khuôn mặt mới hợp với thời đại và phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Đó là tinh thần yêu thương, tương thân tương ái, tôn trọng phẩm giá con người, tôn trọng lập trường, cá tính, quan niệm sống. Giáo Hội phải sẵn sàng vượt qua những chướng ngại vật bởi cơ chế chính trị vô thần để đến với nhau trong tinh thần đối thoại, hiểu biết lẫn nhau, đón nhận và giúp nhau tìm ra những phương cách sống mới hợp với giá trị và những phẩm tính mà Thiên Chúa đã tạo dựng và phú bẩm trong mỗi con người. Đồng thời, Giáo Hội có nhiệm vụ giúp người vô thần thấu hiểu và đón nhận ánh sáng Đức Kitô trong điều kiện văn hóa Việt Nam. Muốn làm được điều đó, mỗi người Kitô hữu phải có sự hoán cải và đối thoại trong tinh thần khiêm nhường, nhằm khơi mở và tìm ra những nguyên nhân đã đưa đến những lập trường phi bác Thiên Chúa.

Trong tin yêu và hy vọng, “Niềm Vui Tin Mừng” sẽ được đơm bông kết trái và nở rộ trên quê hương Việt Nam thân yêu này. Ta có quyền hy vọng, bởi Giáo Hội luôn có Chúa yêu thương và có những người con cái Giáo Hội nhiệt tâm cho sứ vụ truyền giảng Tin Mừng cứu độ. Chúng ta hãy cùng nhau đánh thức tất cả mọi người khám phá những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã dành cho cuộc sống nhân loại hôm nay.

Phaolô  Nguyễn Văn Phục, K.13

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 12


[1] Cf. HĐGMVN-UBGLĐT, “Vô Thần”, trích trong Từ Điển Công Giáo, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2016, 975.

[2] Cf. Felipe Gómez, SJ., Giáo Hội Học toàn tập, Thần học tín lý 3 & 4, NXB. Antôn & Đuốc Sáng, 2017, 346.

[3] Cf. Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP., “Giáo Hội Với Những Người Vô Thần - Vô Tín Ngưỡng,” 2014, http://catechesis.net. Truy cập ngày 10 tháng 05 năm 2018.

[4] Cf. Felipe Gómez, SJ., Giáo Hội Học toàn tập, Thần học tín lý 3 & 4, op.cit., 346.

[5] Thomas P. Rausch SJ., (Lm. Nguyễn Đức Thông, CSsR dịch), Catholicism The Third Millenium, Người Công giáo thiên niên kỷ thứ ba, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, 24.

[6] Cf. Nguyễn Thái Hợp, OP., “Việt Nam đối diện với thách đố thời hội nhập”, trong Nguyễn Thái Hợp, Tư duy & lối sống người Việt thời hội nhập, CLB. Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2009, 78-93.

[7] Cf. ThS. Nguyễn Thị Oanh, “Từ góc nhìn của một người hoạt động xã hội”, op.cit., 159-160.

[8] Cf. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Việt Nam yêu dấu, quê hương và Giáo Hội, CLB. Phaolô Nguyễn Văn Bình, 2010, 108.

[9] Cf. Matthew Kelly, (Đcv. Bùi Chu dịch), Tái khám phá đạo Công giáo, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, 481.

[10] Cf. HĐGMVN, “Thư chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đồng dân Chúa Việt Nam”, số 9.

[11] Cf. HĐGMVN, “Thư chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đồng dân Chúa Việt Nam”, số 19-20.

[12] Cf. Phan Ngọc, Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, 2005, 19.

[13] Cf. Nguyễn Đình Đầu, Dấu ấn 50 năm Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, 169-170.

[14] Cf. Ngô Minh, Giáo Hội Học, (Lưu hành nội bộ), 1999, 239.

[15] HĐGMVN, UBGLĐT, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, số 2123, 607.

[16] Cf.  ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn, (lưu hành nội bộ), 85-92.

Nguồn tin: