Khơi Lại Niềm Vui Truyền Giáo Một Nhu Cầu Khẩn Thiết Cho Việc Mục Vụ Giáo Xứ Tại Giáo Phận Vinh

Thu,28/11/2019
Lượt xem: 2359

Thế giới đang biến động và Giáo Hội cũng đang lo âu trước một thời đại toàn cầu hóa; với một nền kinh tế loại trừ, với một xã hội tiêu thụ, tục hóa và đầy bạo lực. Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất hiện như một biểu tượng của niềm vui đánh thức thế giới. Điều gì đã khiến một ‘cụ già’ bước đi nhanh hơn để đến với người nghèo? Điều gì đã làm cho một người chỉ thở bằng một lá phổi ‘mang vào mình mùi chiên’? Sức mạnh nào đã khiến ngài mở cánh cửa của Lòng Thương Xót? Bí quyết nào đã dẫn ngài tới vùng ngoại biên? Chắc hẳn sẽ có những câu trả lời khác nhau, tuy nhiên đáp án sẽ không ngoài mạch suối yêu thương được trào vọt từ ‘Niềm Vui Tin Mừng.’

Mở đầu tông huấn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Niềm Vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của tất cả những ai gặp được Đức Giêsu. Những ai để cho Người cứu độ sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, sự trống rỗng nội tâm và cô độc. Cùng với Đức Giêsu Kitô, niềm vui luôn nảy sinh và tái sinh.”[1] Có thể nói, dường như chưa bao giờ hai chữ ‘Niềm Vui’ lại được vang vọng và lặp đi lặp lại nhiều như thế này trong các tông huấn: Niềm Vui Tin Mừng, Niềm Vui Của Tình Yêu, Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ, Đức Kitô Hằng Sống. Những niềm vui đó đã được ngài tinh chế và cô đặc thành những ‘hoạt huyết bổ dưỡng’ cho những ai đi vào cánh đồng truyền giáo.

Trong ý nghĩa đó, người viết xin được trình bày một cách khiêm tốn nỗi thao thức mục vụ truyền giáo, một tinh thần cần khơi lại niềm vui trong đời sống mục vụ giáo xứ tại Giáo Phận Vinh hiện nay.

1. Một cái nhìn thực tế

Khi nói đến Giáo Phận Vinh, nơi đây không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ và nên thơ mà con người cũng rất đỗi chất phát, thân thương trìu mến. Trên mảnh đất Vinh hôm nay, người tín hữu khá năng động, nhiệt thành trên các lĩnh vực với nhiều phẩm chất, cốt cách hiện đại xen lẫn truyền thống cha ông: đó là những mục tử nhiệt thành, thánh thiện đang ngày đêm cần mẫn, miệt mài chung tay đắp xây Giáo Hội. Đó là những chủng sinh, tu sĩ ngày đêm miệt mài học tập, rèn luyện dưới mái trường chủng viện hay các sở dòng với tinh thần gan góc, chịu đựng, không ngại khó, ngại khổ, ra đi phục vụ tại các trại phong hay nơi các trung tâm khuyết tật, bệnh viện… Đó là những anh chị em giáo dân cần cù trong lao động, hăng say dấn thân trong các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là hoạt động từ thiện cũng như tích cực cộng tác vào các hoạt động của giáo xứ, ngõ hầu góp phần xây dựng hình ảnh chứng nhân Tin Mừng trên quê hương. Với muôn gương mặt, muôn điển hình được đề cập trên đây cũng chỉ là những mảng sáng nổi trội ta có thể thấy và chiêm ngưỡng. [2]

Tuy nhiên, cánh đồng Vinh hiện nay vẫn đang là cánh đồng bất tận của những mảnh đất chưa được cày xới và gieo hạt. Với diện tích 16.499 km2, Vinh (Nghệ An) là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Phía bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía đông giáp biển Đông, phía tây bắc giáp các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Borikhamxay (Lào). Tổng dân số trên địa bàn: 3.065.300 người, nhưng số tín hữu công giáo chỉ mới 281.934 người.[3] Đặt hai con số cạnh nhau, chúng ta mới thấy số tín hữu quả là khiêm tốn, nếu không muốn nói là đang quá ít. Những con số làm chúng ta phải tự đặt câu hỏi: công tác mục vụ truyền giáo của các giáo xứ tại giáo phận này như thế nào? Tại sao với bao nhiêu giáo xứ, dòng tu, bao nhiêu hoạt động tích cực trong xã hội, bao nhiêu lễ nghi hoành tráng với cả trăm ngàn người, mà vẫn không cuốn hút được người ta theo đạo?  Nếu tình trạng kém hiệu quả chỉ xảy ra trong 1 hay 2 năm thì chúng ta còn cho là ngẫu nhiên, nhưng kéo dài đến cả những thập niên thì đó là vấn đề đáng ta tìm hiểu và phân tích.

Trong tông huấn ‘Niềm Vui Tin Mừng,’ Đức Phanxicô nói đến một thứ ‘mục vụ bảo tồn.’ Phải chăng lối mục vụ này đang có ở nơi đây? Việc giữ đạo vẫn theo lề thói cũ, đạo tại nhà thờ chứ chưa thực sự đi vào cuộc sống. Người giáo dân giữ đạo theo thói quen chứ không thấy sinh khí niềm vui. Phải chăng có những tín hữu không tốt hơn người ngoại giáo hoặc thậm chí có khi còn tệ hơn? Phải chăng các lễ nghi tôn giáo đang mang nặng tính hình thức, hoành tráng, đông đảo, rầm rộ, kèn trống…còn chiều sâu của lòng đạo và đức tin thì thế nào? Các cuộc lễ như Giáng Sinh phải chăng đang bị tục hóa như một lễ hội dân gian, tiêu tốn biết bao nhiêu là tiền bạc? Phải chăng, đầu tư rất nhiều nhân lực, vật lực vào việc xây dựng các cơ sở Giáo Hội, còn cho việc loan báo Tin mừng thì được bao nhiêu? Những tệ nạn như phá thai, ly dị, bỏ đạo, gian tham, dối trá…phải chăng đang ngang nhiên đi vào đời sống giáo dân?[4] Nơi nhiều giáo xứ phải chăng vẫn chưa nối kết một cách hài hòa giữa đạo và đời, bức tường ngăn cách giữa lương và giáo có khi đang còn là một thành trì kiên cố? Phải chăng, lối sống đạo nơi đây vẫn đang co cụm, vun vén cục bộ, đắp lũy, xây thành, chưa dám mở lối để vươn ra các ‘vùng ven con tim’ của các tôn giáo khác. Đáng tiếc thay nơi một số giáo xứ vẫn đang nghiêng chiều về đối đầu hơn là đối thoại. Thử hỏi đời sống đạo nơi đây đã thực sự là men, là muối là ánh sáng để lan tỏa đến mọi người hay chưa? Liệu cách thế chúng ta truyền giáo có làm cho người khác cảm thấy vui hơn không? Nếu có, thì đó là niềm vui nào, có phải là Niềm Vui Tin Mừng hay là một thứ niềm vui nào khác? Những câu hỏi trên không dễ gì có thể trả lời trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, với cái nhìn thực tế thì các hoạt động mục vụ truyền giáo nơi đây chưa thực sự để lại những con số ấn tượng làm chúng ta vui.

2. Lịch sử cứu độ, lịch sử của sự loan báo niềm vui

Có thể nói, lịch sử cứu độ là ‘bản trường ca bất tận niềm vui.’ Niềm vui loan báo Con Thiên Chúa đến cứu độ loài người, giải thoát kẻ tội lỗi, băng bó những vết thương và mang lại niềm vui cho những người sầu khổ. Ngôn sứ Isaia nói về Đấng Mêsia mà người ta trông đợi bằng cách hoan hỉ chào Người: “Chúa đã làm cho dân nên đông số, đã cho dân chan chứa niềm vui” (Is 9,3). Ông khuyến khích cư dân Xion hãy ra nghênh đón Người với lời ca hát: “hãy reo hò mừng rỡ!” (Is 12,6). Ông bảo những ai đã thấy Người từ đàng xa hãy đem tin vui này đến cho người khác: “Hỡi kẻ loan báo tin mừng cho Giêrusalem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh” (Is 40,9). Và toàn thể tạo thành được dự phần vào niềm vui cứu độ: “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo, vì Đức Chúa an ủi dân người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người” (Is 40,13). “Người là vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của ngươi mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng, như trong ngày lễ hội” (Xp 3,17).

Sang Tân Ước, chúng ta càng thấy niềm vui đó được trọn vẹn hơn. Ngay từ biến cố Nhập Thể, thiên thần đã cất lời chào Đức Maria: “Mừng vui lên” (Lc 1,28). Khi Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ, thánh Gioan đã thốt lên: “Đó là niềm vui của Thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (Ga 3,29). Sứ điệp của Người là nguồn vui: “Thầy đã nói những điều này cho anh em, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11). Và sau này, khi nhìn thấy Đấng Phục Sinh, các môn đệ “tràn đầy niềm vui” (Ga 20,20). Niềm vui đã đến để lấp đầy những tâm hồn trống rỗng và sưởi ấm những con tim khô héo của đau khổ và sự chết bủa vây. Niềm vui của bình an, niềm vui của sự tái sinh và niềm vui của sức mạnh Thánh Thần. Niềm vui đó đã không làm họ lùi bước giữa những cơn bách hại, nhưng họ “tràn ngập niềm vui” (Cv 13,52) cho một cuộc ‘ra đi.’ Đức Giáo Hoàng vị cha chung của chúng ta nói rằng: tại sao chúng ta lại không bước vào dòng sông niềm vui ấy? [5]

3.  Khơi lại niềm vui truyền giáo

Ngày nay, có thể gặp thấy nơi nhiều người làm mục vụ, kể cả những người sống đời thánh hiến, mối bận tâm quá đáng về những không gian tự do và giải trí riêng tư, là những gì khiến họ sống các nhiệm vụ của mình như chỉ là một phần phụ cuộc đời họ, như thế chúng không thuộc về căn tính của họ. Họ ngại gặp gỡ người khác, ươn lười dấn thân vào thế gới và mệt mỏi với việc loan báo Tin Mừng. Hệ quả là dẫn đến một chủ nghĩa cá nhân cao độ, một sự khủng hoảng căn tính và một sự suy giảm nhiệt tâm.[6]

Khơi lại niềm vui truyền giáo, không có nghĩa là khơi lại những ký ức đau thương của thời kì phản loạn, cấm cách, nhưng là sống và thực hành tinh thần: kiên nhẫn trong thử thách, chấp nhận khổ đau với tình yêu, quảng đại dấn thân trong khiêm tốn, thánh thiện và hiền lành trong phục vụ. Khơi lại niềm vui truyền giáo, là hít vào hơi thở bình an của Đấng Phục Sinh, lấp đầy tâm hồn trống rỗng của sự buồn phiền, sưởi ấm con tim khô héo của những toan tính ích kỷ, mặc lại chiếc áo sức mạnh của Thần Khí, bước đi trong đường lối tình yêu và trở nên những ‘Alter Christus’ cho chứng nhân thực sự. Khơi lại niềm vui truyền giáo, là chấp nhận lối sống thiếu tiện nghi, vui vẻ với sự khác biệt về khí hậu, ngôn ngữ và văn hóa, sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu để “đến với muôn dân”(x. Mt 28,19). Khơi lại, cũng đồng nghĩa với việc mở ra với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, hoan hỉ ra đi như tinh thần thánh Phaolô đã dạy: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Chắc không ai muốn một tình trạng truyền giáo trì trễ, một lối truyền giáo thiếu thực tế. Thế thì cần làm một cuộc hoán cải, chấp nhận canh tân để khuôn mặt mục vụ truyền giáo được vui hơn, hợp thời hơn, hấp dẫn hơn, chiếu tỏa xa hơn và tràn ngập Niềm Vui Tin Mừng hơn. Ngõ hầu “mọi sự được tái lập trong Chúa Kitô, và nơi Ngài mọi người hợp thành một gia đình và một đoàn duy nhất của Thiên Chúa.”[7]

Khơi lại niềm vui truyền giáo, trước hết, phải xây dựng được một nền mục vụ say mê với giai điệu của niềm vui, niềm vui được biết thiên ý nhiệm mầu và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa không biết mệt mỏi chờ đợi, nhưng sẵn sàng mở tiệc ăn mừng khi thấy người con biết hồi tưởng và trở về với cha mình. Chỉ khi nào xây dựng được một nền mục vụ chan chứa niềm vui của Lòng Thương Xót, thì lúc đó mục vụ mới trở về nguồn với đầy đủ ý nghĩa của nó. Mặc lấy sức mạnh niềm vui Phục Sinh và mang vào mình trái tim của Đấng Mục Tử Nhân Lành, mục vụ không còn là những rào cản của những thành lũy ngăn lối giữa đạo và đời, giữa lương và giáo. Sức mạnh của sự sống Phục Sinh sẽ phá tan những thẹn thùng, nhút nhát của những bế tắc trong văn hóa gặp gỡ và đối thoại. Các môn đệ đầu tiên là những tấm gương cho điều đó. Ngay tức khắc họ hân hoan ra đi rao giảng: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia-nghĩa là Đấng Kitô” (Ga 1,41). Đó là người phụ nữ xứ Samaria, đó là Phaolô. Vậy chúng ta còn chờ gì nữa?[8]

Mỗi lần đến thăm các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân thuộc địa bàn thành phố Vinh, không ít người mơ ước mô hình truyền giáo ‘bát cháo tình thương’ đến với những bệnh nhân nghèo. Họ cần một nghĩa cử thực tế, họ cần một sự an ủi thật lòng. Lớn hơn một chút, nếu có được một ‘quán cơm tình thương,’ ‘quán cơm huynh đệ’ hay ‘quán cơm nụ cười’…gần khu vực bệnh viện để phục vụ, bố thí cho người nghèo thì ý nghĩa và giá trị biết bao. Có lẽ không chỉ “có thực mới vực được đạo,” nhưng trên hết và trước hết, cần những hoạt động in hằn hình ảnh chứng nhân của Đức Kitô. Với cách thức “góp gió muôn phương, thu hương muôn sắc,” cộng với sự quảng đại, nhiệt tình của người Nghệ, thiết tưởng giấc mơ đó không khó để đến với người nghèo. Tuy nhiên, để thực sự thu gặt được thành quả, các chương trình và kế hoạch phải được thống nhất, có sự kết dệt và cộng tác của mọi thành phần trong giáo phận hoặc của các giáo xứ. Mọi công cuộc loan báo Tin Mừng phải khởi đi từ việc say mê trao ban tình thương. Lấy niềm vui và bình an làm hướng đi, lấy bác ái và Lòng Thương Xót làm tâm điểm cho mọi hoạt động mục vụ.

Giáo Phận Vinh hôm nay đang từng bước chuyển mình, đường hướng mục vụ sát sao hơn với bối cảnh thực tế. Đặt cái tổng thể lên trên cái riêng tư, chú trọng đến phân định, đồng hành và nhạy bén hơn trong mọi công tác mục vụ. Nỗ lực đó đang được các Đấng Chủ Chăn tiền nhiệm và đương nhiệm thực hành và nêu gương. Với khẩu hiệu “mang vào mình mùi chiên,” Đức Giám Mục Giáo Phận đang từng bước tới các vùng “ngoại biên” tiếp cận với từng nơi và từng vùng miền khác nhau, hầu thấu cảm được nỗi niềm của từng mảnh đời, từng ngôi nhà và từng giáo xứ trong toàn giáo phận. Với niềm thao thức của vị cha chung giáo phận, quý linh mục, nam nữ tu sĩ và mọi thành phần dân Chúa cũng đang tích cực cộng tác vào công việc truyền giáo không thiếu những sỏi đá và gai gọc nơi mảnh đất này. Trên tinh thần đó, quý thầy Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô trong dịp hè sắp tới sẽ có cơ hội tới các vùng ‘ngoại biên,’ nơi mà những chàng trai trẻ chưa một lần bước tới nay lại có một khoảng thời gian trải nghiệm, thấu cảm, gặp gỡ, chung chia buồn vui với những anh chị em cùng chung máu thịt với mình. [9]  Tất cả đều cần đến một khả năng ôm ấp, chạm vào thân thể Đức Kitô nơi người khác.[10] Có lẽ hành khúc lên đường của người môn đệ truyền giáo cần mang theo hôm nay là: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14), hãy hát lên ‘lời tình yêu’ đó bằng trái tim lửa cháy.

Kết luận

Mục vụ hôm nay, làm sao cho giáo dân vui thích sống đạo, cảm nghiệm một cách sống động niềm vui của Tin Mừng. Khi rao giảng, khi làm việc, khi tiếp xúc làm sao để giáo dân có được sự bình an, có thế mới lôi cuốn hấp dẫn người khác. Làm sao để những người đón nhận Tin Mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn, hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô.[11] Mục vụ truyền giáo hôm nay có lẽ nên khơi lại mô hình niềm vui hoan hỷ nơi Đức Maria khi vội vã lên đường mang Chúa đến cho người khác. Đồng thời cũng phải khám phá lại niềm vui đồng hành của Đấng Phục Sinh của hai môn đệ trên đường Emmaus khi xưa. Những mô hình đó như là mẫu mực cho mọi đường lối mục vụ tại các giáo xứ hôm nay.

Đến đây, xin tạm khép lại bài viết để khơi lên cùng một niềm thao thức với vị cha chung của Giáo Hội: Tôi mơ ước một “lựa chọn truyền giáo,” tức là một động năng truyền giáo, có khả năng biến đổi mọi sự, để những thói quen, những phong cách, những thời biểu, ngôn ngữ và mọi cơ chế của Giáo Hội trở thành một con kênh thích ứng cho việc Phúc Âm hóa thế giới hiện tại, hơn là để tự bảo tồn. Việc đổi mới các cơ chế, do việc hoán cải mục vụ đòi hỏi, chỉ có thể được hiểu theo hướng này: phải làm sao để các cơ chế đó hoàn toàn mang tính truyền giáo hơn, để mục vụ bình thường mọi cấp được trải rộng và cởi mở hơn, để khơi lên những hoạt động mục vụ một ước muốn liên lỉ “ra đi,” và như thế tạo thuận lợi cho lời đáp trả tích cực của tất cả những ai mà Đức Giêsu đã mời đến với chính Người.[12]

              Tóm lại, ‘nhà truyền giáo’ hay ‘thừa sai’ có nghĩa là người được Đức Giêsu Kitô sai đi để rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ của Chúa. Nhưng không thể làm cho người khác trở thành môn đệ của Chúa Giêsu Kitô nếu bản thân nhà truyền giáo không là môn đệ của Ngài.[13]

                                                                                                                                                  Ant. Pavahi,  K.XIII

Trích từ Tập san Đức Tin và Văn Hóa, số 13

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


[1] Cf. ĐGH. Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 1.

[2] Cf. Kỷ Yếu Giáo Phận Vinh, Một Thoáng Hồn Vinh, Lưu hành Nội bộ, 8.

[3] Cf. Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVN ,“Đức Thánh Cha lập Giáo phận Hà Tĩnh và bổ nhiệm Giám mục Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh”, 2018, http://gpvinh.com, truy cập 05/05/2019.

[4] Cf. Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long, Tĩnh Tâm Linh Mục, Lưu hành Nội bộ, p.130.

[5] Cf. ĐGH. Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 4-5.

[6] Ibid., số 78.

[7] Cf. Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Về Hoạt Động Truyền Giáo Của Giáo Hội, số 1.

[8] Cf. ĐGH. Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 120.

[9] Chương trình giúp hè của quý thầy lớp B và chương trình giúp xứ của quý thầy lớp C.

[10] Cf. ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 24.

[11] Cf. Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long, Tĩnh Tâm Linh Mục, lưu hành nội bộ, p.129.

[12] Cf. ĐGH. Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium số 27.

[13] Cf. Sebastian Korotemprel (ED), (Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên-chuyển ngữ), Bước Theo Đức Kitô Trên Đường Sứ Mệnh, Tủ sách Ra Khơi, Bùi Chu, 2017, p.169.

Nguồn tin: