Lá Thư Của Người Mục Tử (Một phương pháp mục vụ trên những cánh đồng nhiều sói)

Fri,10/05/2019
Lượt xem: 2587

Một buổi tối tháng 11 năm 2015, đang khi loay hoay tìm kiếm tài liệu cho bài luận văn cuối khóa, tôi bắt gặp tác phẩm “Hoa núi” của tác giả Antôn Vũ Đức Tin, đăng trên Tập san “Đức tin và Văn hóa”, số 4, tháng 12 năm 2014 của Đại Chủng viện Vinh Thanh. Bị thu hút bởi nhan đề của bài viết, tôi lần giở tới để đọc. Bài viết có nhiều tình tiết khiến tôi phải chạnh lòng. Đó là những chi tiết diễn tả bức tranh đời sống đạo với nhiều khó khăn của một cộng đoàn mà tôi đoán biết là giáo họ Ba Búa, thuộc giáo xứ Phong ý, Giáo phận Thanh Hóa, giáo xứ quê hương của tác giả. Dưới đây là hai đoạn tiêu biểu:

“Mị còn nhớ, thời mà bộ đội biên phòng chưa cấm linh mục tới bản. Mọi người được cha dạy cho nhiều lẽ sống đạo Đức Chúa Trời. Trí, nịa cùng dân bản nghe lời linh mục, chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa, yêu mến Người trên hết mọi sự, tin tưởng vào sự bảo vệ của Người. Mọi người biết giúp đỡ nhau vững niềm tin, quyết không theo thầy mo hay dân bản khác thờ thần sông, thần núi.”[1]

“Từ khi linh mục Nhân không thể quay trở lại bản, cả khi trí của Mị khuất núi vì không qua khỏi dịch sốt rét rừng, nhiều người trong bản hoang mang, lung lạc niềm tin. Người thì muốn dẫn vợ con đi tránh nạn, kẻ thì yếu nhược vì sự đe doạ của bản khác hay của bộ đội biên phòng cấm tụ họp để gìn giữ đức tin. Cũng từ đó, mọi người ít có cơ hội tập trung đông đủ để cùng nhau đọc kinh.”[2]

Đúng như những gì được mô tả trong tác phẩm, ở Ba Búa nói riêng và các giáo họ người Hmông của giáo xứ Phong Ý nói chung, việc sống đạo và giữ đạo gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền cơ sở kết hợp với công an biên phòng thường xuyên theo dõi các sinh hoạt tâm linh của người giáo và sẵn sàng ngăn cản. Thời gian đầu, quý cha còn có thể lên thăm và cử hành các bí tích. Nhưng vài năm trởi lại đây, việc đó đã trở thành tội. Nếu muốn lên nơi đó phải chấp nhận đè lên tội, nhưng ngay cả việc ấy cũng không dễ dàng gì.

Là chủng sinh đang được đào tạo để trở thành mục tử của Chúa, tôi thấy mình cần phải làm gì đó cho Giáo hội, cách cụ thể là cho các giáo họ có hoàn cảnh tương tự như Ba Búa. Trong sự nghiêm túc của ơn gọi, tôi liên tưởng tới phương pháp mục vụ mà các Tông đồ xưa thường áp dụng và ngày nay Giáo hội vẫn đang dùng với một mức khiêm tốn đó là phương pháp mục vụ qua thư.

Người ta không biết chính xác thư tay xuất hiện từ bao giờ. Có người cho rằng, nó xuất hiện cùng với sự xuất hiện của chữ viết, vì chữ viết là phương tiện truyền tải ý tưởng. Người khác lại mạnh dạn cho rằng, nó phải xuất hiện cùng với sự xuất hiện của giấy viết. Ban đầu, đó không phải giấy như ta hiểu bây giờ mà là da thú, vỏ cây… những loại đã được dùng để ghi chép mà ngày nay bằng chứng về nó vẫn còn được lưu giữ ở nhiều bảo tàng, phòng nghiên cứu khảo cổ trên thế giới. Sự đúng sai của vấn đề, người viết xin nhường lại cho các nhà chuyên môn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, thư tay đã được sử dụng từ rất sớm. Sử liệu ghi lại rằng, khoảng 2400 năm trước Chúa Giáng Sinh, một bức thư tay đã được viết. Đó là bức thư của một thầy tế chuyển về cho nhà vua thông báo về việc người con trai của vua đã bị tử trận.[3]

Vào thời các tông đồ, thư tay đã được sử dụng rộng rãi. Người ta dùng thư để chuyển tải thông tin, trao đổi công việc, thăm hỏi…. Đối với các tông đồ, đây còn là một phương thế tuyệt vời để mục vụ. Quả thế, như đã được ghi chép trong Sách thánh, sau khi Chúa về Trời, các tông đồ vâng lời Người truyền dạy,[4] tỏa đi khắp nơi để loan báo Tin mừng cứu độ.[5] Nhờ ơn Chúa và sự nhiệt tình của các ngài, các cộng đoàn đã nhanh chóng được thành lập ở nhiều nơi. Tuy nhiên, một khó khăn chung của các cộng đoàn thời bấy giờ là việc vừa ít về số lượng lại vừa yếu về giáo lý. Đang khi đó, việc sinh hoạt lại bị coi là trái phép,[6] lạc đạo vì không giữ luật Môsê.[7] Đó là chưa kể đến việc lấn cấn giữa đức tin cũ và đức tin mới của những cộng đoàn gốc Do Thái hay những cộng đoàn trước kia thờ ngẫu tượng (1Cr 8,1-7); cũng như sự mâu thuẫn giữa niềm tin và triết học Hy Lạp như cộng đoàn Côrintô gặp phải (1Cr 2,22-23). Trong bối cảnh đó, các Tông đồ đã phải gửi thư đến để động viên, hướng dẫn và giới thiệu những người xứng đáng cho vai trò tổ chức và chăm sóc đời sống của họ.

Chắc chắn, trong hành trình mục vụ của mình, các tông đồ đã phải viết rất nhiều thư, gửi cho nhiều thành phần trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong các thư ấy, có những bức thư được cộng đoàn lưu giữ và dùng nó như những chứng từ và giáo lý chính thống của Chúa Giêsu. Sau này, Giáo hội nhìn nhận đó là cơ sở để xác định tính linh ứng của tác phẩm[8]. Nhờ sự ân cần mục vụ qua những lá thư cùng với những lần viếng thăm ít ỏi của các ngài mà cộng đoàn sơ khởi đã giữ vững được đức tin, sống và trưởng thành như là nền tảng cho Giáo hội.

Kể từ khi công nghệ điện tín, điện thoại và internet ra đời thì hình thức truyền tin bằng thư tay không còn được ưa chuộng như xưa. Tuy nhiên, không vì thế mà giá trị sử dụng của nó bị suy giảm. Trong mục vụ, những giá trị căn bản vẫn luôn được duy trì đó là việc động viên, nâng đỡ tinh thần và truyền thụ nội dung đức tin cho cộng đoàn. Đây có thể được coi như là ưu thế để khuyến khích người mục tử sử dụng phương pháp mục vụ này.

Khởi đi từ tính vĩnh cửu của bí tích Rửa tội và bí tích Truyền chức thánh, linh mục và người giáo dân có mối tương quan mật thiết với nhau. Đó là mối tương quan của những cành nho trong cùng một cây nho là Đức Kitô (x. Ga 15,5); là mối tương quan giữa người mục tử và đoàn chiên (x. Ga 10,11-13). Theo đó, linh mục vừa là vị lãnh đạo tinh thần, là trung gian ân sủng, vừa là chỗ dựa an toàn cho đoàn chiên mỗi khi gặp nguy biến. Trong những vùng, những trường hợp bị cấm cách thì vai trò “điểm tựa” này càng được đề cao hơn. Một lời hỏi thăm, một sự động viên dù gián tiếp qua bức thư cũng là những liều thuốc an thần vô cùng hữu hiệu, giúp đoàn chiên thoát được cảnh hoang mang lo lắng mà bền tâm, vững chí trong đức tin. Năm xưa, khi cộng đoàn Côrintô bị thử thách, thánh Giacôbê đã viết như thế này:

“Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm hy vọng khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn ấy ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4).

Chắc chắn rằng, khi nhận được lời nhắn nhủ của Giacôbê, cộng đoàn sẽ cảm thấy được an ủi nhiều hơn và bền tâm vững chí hơn.

Giá trị về tinh thần thường không thể đo được bằng những con số. Trong cuộc sống, đâu đó, chúng ta vẫn thường nghe nói tới những câu chuyện thú vị từ những lá thư. Có một câu chuyện kể rằng, một đôi bạn trẻ đang độ tuổi thanh xuân, họ yêu nhau và không ngừng vun trồng cho tình yêu ấy. Nhưng rồi chiến tranh xảy ra, chàng trai lên đường nhập ngũ, mang theo mối tình còn tươi thắm. Xa cách về mặt địa lý làm họ càng thấy cần nhau hơn. Chàng trai đã chủ động viết thư về cho cô gái. Một lá thư không có nội dung, chỉ là một tờ giấy trắng được gấp cẩn thận trong một cái phong bì màu hồng đã lem luốc bụi đất chiến trường. Cô gái nhận thư và vô cùng xúc động. Thư không viết gì nhưng đó lại là một cách thể hiện tính tròn đầy nhất của tình cảm. Bởi tình cảm là thứ vô hình, không thể đo nó bằng cái hữu hình. Nếu tình cảm được viết ra thì chính sự nghèo nàn của chữ viết sẽ giới hạn mức độ của tình cảm và sự tròn đầy của nó không còn nữa. Cô gái đã nuôi dưỡng tình cảm của mình với triết lý đó cho đến ngày chàng trai trở về và họ đã tiến tới hôn nhân trong sự vui mừng của những người thân cận.

Cùng với sự nâng đỡ về tinh thần, thư mục vụ cũng là con đường truyền tải nội dung đức tin hữu hiệu. Thông qua thư, người linh mục có thể cung cấp cho đoàn chiên những chân lý đức tin căn bản. Nhờ đó họ có đủ điều kiện để định hướng đời sống đạo của bản thân, tránh được nguy cơ sai lạc. Sống ở môi trường được coi là vô thần lý luận như Việt Nam, người giáo dân rất dễ bị sao nhãng đức tin; ở mức độ nhẹ là sự che dấu căn tính Công giáo của mình; ở mức độ nặng là sự chối bỏ đức tin. Cách đặc biệt, ở những giáo họ, giáo điểm đang trong diện khó khăn thì nguy cơ ấy còn cao hơn nhiều, vì họ không có điều kiện thuận lợi để học giáo lý, trong khi lại thường xuyên bị uy hiếp về tinh thần, bị ảnh hưởng bởi trò “cách mạng trên mặt trận văn hóa tư tưởng” của những nhà cầm quyền.

Trong các thư mục vụ của các Tông đồ, gần như bức thư nào cũng có giáo lý. Chẳng hạn, khi dạy về mầu nhiệm Đức Giêsu chuộc tội thiên hạ, tác giả thư Do thái viết:

“Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. Bởi vậy, người là trung gian của một Giao ước mới, lấy cái chết của mình để mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao ước cũ và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu của Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9,14b-15).

Những điểm giáo lý căn bản đó đã giúp các cộng đoàn sống đúng đức tin đã được loan báo.

Ta không nghi ngờ về giá trị sử dụng của phương pháp mục vụ này, nhưng để nâng cao hiệu quả, khai thác hết giá trị của nó, người mục tử cần có một kĩ năng nhất định và một chiến lược mục vụ cụ thể. Viết cái gì, viết như thế nào, viết cho ai, viết để làm gì, đó là bốn câu hỏi mà mỗi người viết phải đặt ra trước khi cầm bút. Nguyên tắc này cũng chi phối cả người mục tử. Tuy nhiên, khởi đi từ tính chất của một lá thư mục vụ nên người mục tử cần chú ý đặt thêm cho bản thân một câu hỏi nữa: “viết vào thời điểm nào?”. Đây là một nguyên tắc không hề kém phần quan trọng, vì thời điểm nhận thư sẽ quyết định thái độ đón nhận bức thư. Xác định được thời điểm viết thư hợp lý sẽ nâng cao được giá trị của bức thư. Nguyên tắc này dựa trên chiều kích tâm lý của con người và bối cảnh thực tế của cộng đoàn dân Chúa. Ta có thể hiểu nôm na rằng, trong chuỗi những ngày sống, tâm lý và hoàn cảnh của cộng đoàn sẽ có những biến động nhất định: có lúc bình yên, có lúc sóng gió, có lúc sốt mến, có lúc bình lặng… Riêng trong phạm vi đức tin, thiết tưởng, cộng đoàn gặp sóng gió rất lớn khi phải đối diện trực tiếp với những “chính sách” bách hại tôn giáo của chính quyền sở tại. Còn lúc sốt mến có thể là lúc mà cả Giáo hội đang hân hoan đón mừng các đại lễ như Giáng Sinh, Phục Sinh…, còn họ thì phải ngậm ngùi trong sự khát khao vì không thể tổ chức cũng không thể tham dự.

Từ thực tế đó, xin gợi ý việc áp dụng phương pháp mục vụ này như sau: nên gửi thư vào các dịp đại lễ, những dịp cộng đoàn đang khủng hoảng đức tin. Ngoài ra, những ngày vui lớn của cộng đoàn như Tết cổ truyền, cũng cần gửi thư để chung vui và chuyển thông điệp chúc Tết của Giáo hội tới họ; khi cộng đoàn có thành viên qua đời, người mục tử gửi thư chia buồn và hướng dẫn họ nghi thức cử hành việc tiễn biệt cũng như việc đọc kinh cho người quá cố... Cũng có thể sử dụng phương pháp này theo đối tượng mục vụ: viết cho thiếu nhi (nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, dịp khai giảng năm học, dịp chuẩn bị học xưng tội rước lễ... ); viết cho các anh chị tiền hôn nhân; những bậc phụ huynh; những người già cả... Đó chỉ là một vài gợi ý có tính khái quát. Chắc rằng, trong mỗi cộng đoàn, tùy theo những đặc điểm riêng, người mục tử sẽ có những sáng kiến cụ thể để áp dụng phương pháp mục vụ này.

Việt Nam vốn là một cánh đồng truyền giáo màu mỡ, bởi con người Việt Nam rất gần gũi với trời đất, thiên nhiên, vì thế cũng rất dễ có tâm tình tôn giáo. Từ ngàn xưa, người Việt đã có nhiều nghi lễ thờ cúng các thần: sông, suối, núi… Ngày nay, Việt Nam còn được coi là nước có nhiều tôn giáo: Phật giáo, Nho giáo, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài... Nếu nhìn theo chiều hướng đó thì ta sẽ lạc quan mà khẳng định rằng: hạt giống Tin mừng gieo xuống nơi đây sẽ dễ nảy mầm và tốt tươi. Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Do sự khác biệt về văn hóa, sự đụng độ về niềm tin cũng như sự bất cập, vô lý trong chính sách tôn giáo của nhà cầm quyền mà hạt giống đức tin gieo vãi trên mãnh đất này lại thường xuyên bị chèn ép; từ trước đây đã thế và ngày nay cũng chẳng khá hơn. Giáo họ Ba Búa mà ta nói trên chỉ là một trường hợp cụ thể. Trên thực tế, Giáo hội Việt Nam còn rất nhiều giáo họ, giáo điểm rơi vào tình trạng tương tự. Thực tế đó đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn của người mục tử.

Nâng đỡ tình thần, củng cố đức tin là điều cần thiết cho mọi cộng đoàn kitô hữu. Bởi đó là điều kiện tối thiểu để duy trì và nuôi dưỡng cộng đoàn. Công việc này trước hết thuộc trách nhiệm của các mục tử. Nếu nói theo ngôn ngôn ngữ của Giáo luật hiện hành thì đây là một trong ba chức năng mà các ngài phải đảm bảo[9]. Bởi vậy, người mục tử luôn được mời gọi dấn thân với thái độ nhiệt tình, sáng tạo và quả cảm. Thư mục vụ chỉ xứng tầm một phương pháp bổ trợ, nhưng nếu được sử dụng một cách tinh tế, khoa học thì đó sẽ là một phương pháp hay, góp phần đáng kể vào chương trình mục vụ của người mục tử, đem lại ơn ích nhiều hơn cho các cộng đoàn dân Chúa, nhất là ở những vùng có nhiều sói.

Phêrô Nguyễn Văn Điệp, K. XI
Trích từ Tập San Đức Tin Và Văn Hóa, số 07

[1] Antôn Vũ Đức Tin, Hoa núi, Đức tin và Văn hóa, số 04, tháng 12 năm 2014, 157.
[2] Sdd, 158
[3] www. http//Wikipedia, lịch sử chữ viết, 18.11.1015.
[4] Mt 28,19-20
[5] Thánh Phêrô đi khắp nơi: Antiôkia, Rôma…; thánh Giacôbê thì Truyền giáo ở Tây ban Nha (tương truyền); thánh Gioan lúc đầu giảng dạy ở Hội đường Do thái Giáo và sau đó đi Êphêxo và chết già ở đấy; Batôlômêô đi truyền giáo ở Ấn độ (tương truyền); Matthêu truyền giáo ở Êtiôpia (theo sử gia Eusèbe) còn theo ngụy thư tông đồ Tôma thì Ngài đã truyền giáo ở Syria, ở Pécxô rồi đi Ấn độ… (x. 100 nhân vật tiêu biểu để hiểu Kinh thánh, nd: Nt Maria Phạm Bích Giang, O. A và Lm Phêrô Trần Văn Hiền, A. A, nxb Tôn giáo 2012, 242-272. Thánh Phaolô tuy được kêu gọi sau nhưng tình thần truyền giáo và thành quả của tinh thần ấy thì không hề nhỏ. (x. sđd, 325-332)
[6] Trước khi chiếu chỉ Milan ra đời (năm 313), Kitô giáo không được coi là một tôn giáo hợp pháp nên thường bị cấm cách và bắt bớ, việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, phải sinh hoạt ở các hầm mộ của các thánh Tử đạo mà ta gọi là các hang toại đạo. (x. Lm. Bùi Đức Sinh,O. P. M. A, Lịch sử Giáo hội Công giáo, 62-63.
[7] Quan điểm này xảy ra ở những cộng đoàn có gốc Do thái giáo, như giáo đoàn Rôma với vấn đề giữ Luật và phép cắt bì (Rm 4, 9-17); giáo đoàn Do thái với việc Đức Giêsu cao trọng hơn Môsê, hơn các tư tế (x. Dt 3,1-6)
[8] Phần lớn trong các thư Tân ước trước khi được đưa vào quy điển đều là những thư được sử dụng trong cộng đoàn, vì đây là một trong các tiêu chí để chứng nhận tính chất tông đồ tính của tác phẩm, một trong 4 tiêu chí của thư quy (x. Nhóm phiên dịch các giờ kinh phụng vụ, Kinh thánh Tân Ước, nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1996, 20.
[9] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Bộ Giáo luật 1983, Nxb Tôn giáo 2006, đ. 528,1.
Nguồn tin: