Linh Mục Quản Xứ Với 7 Tương Quan

Sat,13/03/2021
Lượt xem: 2609

 

Lm. Paul Vũ Văn Triều

Có thể nói, đời sống mục tử của linh mục quản xứ có ‘trăm ngàn’ mối tương quan. Nhưng tựu trung, nếu linh mục quản xứ sống tốt 7 TƯƠNG QUAN, được quy chiếu theo đời sống của Đức Giêsu Mục Tử, như là một con số tròn đầy trong Thánh Kinh, thì sẽ đem lại sự sống phong nhiêu cho Giáo Hội, cho lợi ích thiêng liêng của cộng đoàn Giáo xứ và cho sự thăng tiến chung của xã hội.

1. Linh mục là người sống tương quan hai chiều: chiều dọc với Thiên Chúa và chiều ngang với con người là cộng đoàn giáo xứ và xã hội (Mt 15, 4-6). Tương quan chiều ngang này được tiên báo trong thời Cựu Ước, qua hình ảnh mối quan hệ giữa các vị trung gian[1] được Đấng Giavê tuyển chọn, với dân riêng của Ngài. Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu, Vị Linh Mục Đời Đời đã đến và sống mối tương quan này với Dân Mới, Dân được Ngài thiết lập bằng giá máu châu báu của Ngài. Và mối tương quan này được các linh mục Tân Ước sống xuyên suốt trong dòng lịch sử Giáo Hội, cho đến ngày Vị Linh Mục Tối Cao quang lâm.

2. Tương quan giữa linh mục quản xứ và giáo xứ là tương quan thuộc bản tính ơn gọi của linh mục. Vì linh mục là người được chính Thiên Chúa tuyển chọn giữa cộng đoàn Dân Chúa, để được hiến thánh làm công việc Thiên Chúa đã chọn họ làm, đó là nhân danh Đức Giêsu thi hành sứ mạng phục vụ cộng đoàn được trao phó.[2] Tương quan này không phải tự có bởi con người linh mục, nhưng vì ngài được thông phần chia sẻ sứ mạng và chức vụ của Đức Giêsu, Linh Mục Tối Cao và Đời Đời. Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Mt 20, 28; Mc 10, 45), và đến để đoàn chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10).

3. Linh mục là ‘Alter Christus’, nên phải luôn đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, Linh Mục Đời Đời (Rm 8, 29) và phải luôn hành động như Ngài: “Hôm nay cũng như hôm qua và mãi mãi vẫn là một (Dt 13, 8). Điều này cũng có nghĩa là linh mục quản xứ phải luôn ý thức sống mối tương quan với giáo xứ trong bất cứ thời đại nào, sao cho phù hợp với tinh thần của Vị Linh Mục Tân Ước. Lịch sử Giáo Hội cho thấy, tương quan giữa linh mục và giáo xứ đã được biểu lộ dưới nhiều cách thế khác nhau, song luôn lấy Đức Giêsu Mục Tử là quy chuẩn và khuôn mẫu.[3] Do đó, trong bối cảnh của một thế giới đang bị tục hoá và nền văn minh sự chết chế ngự, thì tương quan giữa linh mục quản xứ và giáo xứ lại càng cần phải trở về nguồn một cách triệt để, hầu sống đúng những giá trị muôn thuở của Tin Mừng và khuôn mẫu duy nhất là Đức Giêsu Kitô.

4. Ngày nay, trong một xã hội phát triển và văn minh, tương quan giữa linh mục quản xứ và giáo xứ cần phải thích nghi sao cho đúng với tinh thần canh tân đời sống linh mục của Công Đồng Vatican II và Bộ Giáo Luật. Đó là, trong tương quan với giáo xứ, linh mục quản xứ cần phải thay đổi và thích nghi sao cho phù hợp với thế giới và con người hiện đại trong những gì có thể được, như: cách thức hiện diện với đoàn chiên, cách giảng dạy, cách làm việc, cách tổ chức và quản trị giáo xứ, hay các nghi lễ phụng tự, các luật lệ của Giáo Hội... Đặc biệt, trong cung cách hành xử với con chiên, linh mục quản xứ cần phải vất bỏ tác phong ‘cha chú’ của thời quân chủ phong kiến, để sống tương quan với giáo dân trong tinh thần tôn trọng, bình đẳng, lắng nghe và cộng tác với nhau trong phục vụ; cũng như cần phải loại trừ cám dỗ về sự dụng quyền hành trên người khác trong tương quan với giáo dân và xã hội... Nhưng ngài cần phải sống khiêm nhường phục vụ theo gương của Thầy Giêsu, Người đã đến làm người phục vụ, và phục vụ đến độ đã hiến dâng mạng sống mình (Mc 10, 45; Mt 20, 28). Ngoài ra, linh mục quản xứ cần có đời sống tương quan với các thành phần khác ngoài giáo xứ, cụ thể là với lương dân, các tôn giáo bạn và chính quyền, phù hợp với tinh thần đối thoại và hội nhập của Tin Mừng, theo chỉ dẫn của Giáo Hội.

5. Trong một thế giới bình đẳng, tự do và nhân quyền như ngày nay, thì tương quan giữa linh mục quản xứ với các thành phần Dân Chúa trong giáo xứ, không còn là tương quan của một chủ nhân ông thích sai khiến hơn là làm việc, thích nóng nảy hơn là trầm tĩnh, thích được cung phụng hơn là phục vụ; cũng không phải là tương quan của vị ‘sếp’ thích hạch hỏi hơn là tìm hiểu cảm thông, thích la lối thóa mạ hơn là suy tư, thích đòi hỏi hơn là bắt tay làm việc, nhưng là một tương quan được đặt trên nền tảng yêu thương của đức ái, như thánh Phaolô Tông Đồ đã dạy: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại bỏ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Chúa Kitô” (Ep 4, 31-32).[4] Chỉ có trong đức ái thì sự tương quan giữa linh mục quản xứ và các thành phần giáo dân trong giáo xứ mới trọn vẹn và ý nghĩa.

6. Dẫu cho mỗi thời mỗi khác, mỗi thời mỗi đổi thay, nhưng vai trò lãnh đạo và phục vụ của linh mục quản xứ trong một giáo xứ thì không khác gì cả. Có khác chăng là linh mục quản xứ chỉ là người được sai đến với giáo xứ, và sẽ thay đổi khi thời hạn phục vụ đã mãn, và giáo xứ thì vẫn luôn là giáo xứ của giáo dân. Cho nên, tương quan giữa linh mục quản xứ và giáo xứ phải là tương quan cộng tác của các chi thể trong cùng một thân thể mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô.[5] Đó là để có thể chu toàn sứ mạng phục vụ của mình, ngoài sự h trợ của Chúa Thánh Thần, ngài cần có sự giúp đỡ của các thành phần Dân Chúa trong giáo xứ. Tuy nhiên, những tương quan nầy rất phức tạp, không phải một sớm một chiều mà có được, nhưng là do quá trình phục vụ, xem xét, suy tư, bàn hỏi và cầu nguyện của linh mục quản xứ cũng như sự hợp tác của giáo dân mà có.

7. Vì ‘bá nhân bá tính’ và nhất là linh mục vẫn là những con người mang thân phận yếu đuối mỏng dòn và đầy khiếm khuyết (2Cr 4, 7), nên tương quan gữa linh mục quản xứ và giáo xứ cũng có những lúc bị ‘gãy’, bị khủng hoảng hay thất bại. Song, những lúc gặp cơn gian nan thử thách như thế, linh mục quản xứ cần nhớ rằng ngày xưa Thầy Giêsu cũng bị phản bội và bị bỏ rơi bởi chính các thành viên trong cộng đoàn Ngài xây dựng (Mc 14, 66-72; Ga 18, 2-3). Và một khi biết sẻ chia và đồng lao cộng khổ với Thầy Giêsu, thì đó sẽ là nguồn an ủi lớn lao và là sức mạnh giúp linh mục quản xứ luôn trung thành với sứ mạng được giao phó: “Lạy Cha, con đến để thi hành thánh ý Cha” (Dt 10, 9).   

Thực vậy, trong cuộc sống, mỗi người đều có kinh nghiệm riêng về các mối tương quan. Nhưng chỉ có Đức Giêsu Mục Tử, con người hoàn hảo, là mẫu mực trong các mối tương quan. Vì thế, là hình ảnh sống động của Đức Giêsu, Linh Mục Tối Cao tại trần gian, linh mục quản xứ cần phải theo sát dấu chân của Thầy mình trên mọi nẻo đường, trong mọi hành động và lời nói. Như Đức Giêsu luôn sống theo thánh ý Chúa Cha, trong sự tuân phục Đực Mẹ, thánh Giuse, và hy sinh hạ mình phục vụ đến độ hiến mạng sống vì đoàn chiên, thì linh mục quản xứ cũng được mời gọi tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và các công việc của Ngài. Đó là ngài luôn ý thức chu toàn bổn phận với giáo xứ, và sống tốt các mối tương quan với các thành phần trong giáo xứ cũng như ngoài giáo xứ… Và mỗi một khi tương quan giữa linh mục quản xứ và giáo xứ là hoạ ảnh của tương quan giữa Đức Giêsu, Linh Mục Tối Cao với cộng đoàn của Ngài xưa, thì giáo xứ sẽ tràn ngập bình an và tình yêu. Để cùng nhau vui mừng và hy vọng tiến về giáo xứ Giêrusalem vĩnh cửu trên trời, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa đang đón đợi mọi người.



[1] Các vị trung gian là các Tổ phụ, Ngôn sứ, Thủ lãnh, Tư tế.

[2] CĐ VATICAN II, Presbyterorum Ordinis, 2, 3; GLHTCG, 1142.

[3] JAROSLAV PELIKAN, Mười Tám Chân Dung Đức Kitô Qua Dòng Lịch Sử, Yale University, 1985.

[4] CĐ VATICAN II, Apostolicam Actuositatem, 11; Presbyterorum Odinis, 3.

[5] CĐ VATICAN II, Lumen Gentium, 7.

Nguồn tin: