Một Thoáng Nhìn Về Đạo Đức Sinh Học Trong Thực Phẩm Biến Đổi Gen (Gmo)

Thu,07/10/2021
Lượt xem: 2159

Thế giới thời đại công nghiệp và hậu toàn cầu hoá đã đạt được những thành tựu công nghệ vượt bậc trên hầu hết các lĩnh vực khoa học thực nghiệm. Dựa trên nền tảng của cách mạng khoa học công nghệ, công nghệ sinh học đã, đang và sẽ đạt được những tiến bộ không tưởng trong nghiên cứu và ứng dụng. Công nghệ sinh học phát triển được ứng dụng rất nhiều trong công nghiệp và sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, nhiệt độ tăng cao, các loại sâu bệnh mới và ô nhiễm môi trường,… công nghệ sinh học được ứng dụng trong nông nghiệp và thực phẩm đã tạo ra những cây trồng và thực phẩm biến đổi gen. Điều đó đã giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách mà xã hội hiện đại phải đối mặt. Tuy nhiên, nó cũng ẩn tàng những rủi ro ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Thực phẩm biến đổi gen được các nhà khoa học nghiên cứu và đã được ứng dụng trong sản xuất đại trà trên quy mô lớn. Thực phẩm biến đổi gen là một vấn đề mới. Vậy, Giáo hội đối mặt với vấn đề này như thế nào? Trong các tác phẩm về luân lý tổng quát cũng như chuyên biệt, luân lý sinh học ít đề cập tới vần đề lớn của ngày hôm nay. Với cái nhìn hạn hẹp của bản thân, tôi sẽ trình bày thoáng qua về thực phẩm biến đổi ghen [1], tác động của nó [2, 3] và quan điểm của Giáo hội hiện nay [4].

1.  Thực phẩm biến đổi gen (GMO) là gì?

Cây trồng biến đổi gen (Genetically Modified Crop - GMC) là loại cây trồng được lai tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật của công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là kỹ thuật di truyền, công nghệ gen hay công nghệ DNA tái tổ hợp, để chuyển một hoặc một số gen chọn lọc để tạo ra cây trồng mang tính trạng mong muốn.[1] Cây trồng biến đổi gen được chế biến thành các thực phẩm biến đổi gen có nguồn gốc từ thực vật. Đến năm 2006, người ta ghi nhận có khoảng 150 loài thực vật được chuyển gen thành công từ các loài khác.[2] Hiện nay, con số cây trồng biến đổi gen được tăng lên rất nhiều. Đối với động vật, các kỹ thuật di truyền được can thiệp trên các động vật, như cá hồi, lợn, hay ở một số loài linh trưởng khác để xây dựng các prôtêin cụ thể như mong muốn.[3]  Những thực vật hay động vật biến đổi gen được chế biến thành thực phẩm biến đổi gen (GMO)[4] phải được trải qua một quá trình thủ thuật nghiêm ngặt, quản lý và đánh giá gắt gao bởi luật pháp. Quá trình chuyển gen được các nhà khoa học dùng kỹ thuật di truyền để thêm vào một hoặc nhiều gen cùng loài hay khác loài trong bộ gen của cây trồng hoặc vật nuôi. Hai phương pháp được áp dụng chủ yếu là bắn gen hoặc chuyển gen gián tiếp qua vi khuẩn. Đến nay, người ta đã tạo được những cây trồng kháng vi khuẩn, virút và nấm, kháng thuốc diệt cỏ, kháng thuốc trừ sâu và côn trùng phá hoại, kháng các điều kiện ngoại cảnh bất lợi… Chúng cũng có thể tạo ra các loại vácxin thực phẩm, axit béo, giảm các chất dị ứng hoặc tăng trưởng nhanh. Cây trồng và vật nuôi biến đổi gen được ứng dụng rộng rãi tại các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển để giải quyết vấn đề đói kém và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những tiền đề của công nghệ biến đổi gen cùng với lợi ích kinh tế đã được các nhà khoa học sử dụng để tạo nên các sinh vật nhân bản vô tính (lợn, cừu…), các mô nuôi cấy và phát triển tế bào gốc. Trong hạn hẹp bài viết, tôi chỉ đề cập đến thực phẩm biến đổi gen.

2.  Ích lợi của thực phẩm biến đổi gen

Thực phẩm biến đổi gen ngày càng được sản xuất lớn, tăng lên theo cấp luỹ thừa cả về số lượng và chất lượng ở hầu hết các quốc gia phát triển cũng như đang phát triển, nghèo đói. Thực phẩm biến đổi gen đem đến nhiều ích lợi về kinh tế, chất lượng thực phẩm cũng như giải quyết nạn đói. Một số loại giống lúa gạo được biến đổi gen để giàu vitamin A và sắt. Khoai tây, ngô được tăng hàm lượng tinh bột. Các loại cây này có thể chứa một số loại vacxin ăn được. Các loại lúa, ngô, khoai tây, bông được biến đổi gen để trồng trong điều kiện nghèo dinh dưỡng, thiếu nước. Một số loại củ cải dầu và đậu nành được cải biến để tạo ra dầu ăn có lợi cho sức khoẻ. Một số loại bèo, nấm và vi khuẩn được biến đổi gen để xử lý môi trường ô nhiễm. Một số loại động vật được biến đổi gen để tăng trọng nhanh, hoặc cho sản phẩm nhiều hơn nhiều lần. Những cải biến này làm tăng sản lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận nông nghiệp và cải thiện môi trường. Những ích lợi rất lớn từ các sinh vật biến đổi gen làm cho các công ty đa quốc gia, quốc gia đầu tư nghiên cứu, sản xuất một lượng rất lớn các sản phẩm biến đổi gen. Tuy nhiên, các sản phẩm GMO cũng ẩn tàng những rủi ro.

3.  Một số rủi ro của thực phẩm biến đổi gen

Chúng ta biết rằng bao giờ cũng có những nguy cơ tiềm ẩn trong việc phát triển những kỹ thuật mới. Những rủi ro của thực phẩm biến đổi gen không chỉ được dự báo, mà còn được thấy trong thực tế. Việc chuyên canh cây trồng biến đổi gen ở một vùng nào đó sẽ đánh mất hoặc phá hoại sự đa dạng sinh học của khu vực. Nó có thể có những nguy hiểm trong việc vô tình đưa những chất gây dị ứng mới hoặc làm giảm dinh dưỡng vào thực phẩm. Thực tế, các chất gây dị ứng do thực phẩm biến đổi gen rất khó kiểm soát, do chơ chế biến thể của các sinh vật này rất mới và phức tạp. Khi đem trồng các cây trồng biến đổi gen, nó có khả năng phát tán những gen biến nạp trong cây trồng sang họ hàng hoang dại. Hơn nữa, sâu bệnh cũng có nguy cơ tăng cường tính kháng với các chất độc tiết ra từ cây chuyển gen, động vật biến đổi gen. Điều này tạo ra các siêu bệnh, siêu vi khuẩn và siêu virút mới. Các chất độc tạo ra trong các cây biến đổi gen để kháng các sâu bệnh và thuốc hoá học cũng có thể tác động xấu đến các sinh vật không phải sinh vật cần diệt. Cũng phải nói thêm rằng, việc cho sản xuất các sinh vật biến đổi gen nhưng thiếu kiểm soát chặt chẽ có thể làm nổ ra cuộc chiến sinh học hoặc thâu tóm kinh tế của các công ty đa quốc gia, tổ chức khủng bố sinh học. Ví dụ, vì lợi nhuận, nhiều công ty lớn tạo ra các động vật tổ hợp gen, biến nạp nhiều gen vào vật chủ nhưng không kiểm soát nổi hay không lường trước được hậu quả. Họ có thể tạo ra các siêu thú, hay siêu động vật. Nó sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng như các phim Jurrassic World, Rampage… là những lời cảnh báo. Các công ty lớn, đa quốc gia, thậm chí là các tổ chức ngầm hoặc là thâu tóm đất đai hoặc là độc quyền về hạt giống hoặc là các sản phẩm khác như máy móc, phân bón cần cho việc sản xuất. Điều này đẩy người nông dân và các lao động nông thôn phải trở thành lao động lệ thuộc hoặc di chuyển đến các đô thị cực nghèo để mưu sinh.

4.  Huấn quyền của Giáo hội về thực phẩm biến đổi gen

Giáo hội luôn khẳng định tính ưu việt và nền tảng của nhân phẩm con người: “Khoa học và kỹ thuật quy hướng về con người, xuất phát từ con người và quy hướng về con người, xuất phát từ con người và tiến bộ nhờ con người. Vì thế, chính con người và các giá trị luân lý của con người là mục đích và là những giới hạn cho khoa học kỹ thuật.”[5] Đối mặt với thực phẩm biến đổi gen, các tôn giáo có thái độ dè dặt và không đồng thuận. Giáo hội Công giáo luôn đồng hành cùng thế giới để chống lại cuộc chiến đói nghèo. Việc đem trồng một số cây biến đổi gen cho sản lượng, có khả năng thích nghi với khí hậu khắc nghiệt tại các nước nghèo và hoang mạc là điều cần thiết. Chúng ta biết rằng lương thực là điều kiện liên quan đến quyền sống cơ bản của con người.[6] Con người là nguồn mạch, tâm điểm và mục đích của tất cả đời sống kinh tế và xã hội.[7] Con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và được Người trao phó cho mọi thụ tạo (St 1, 27-28). Ngôn ngữ của sách Sáng Thế chỉ ra rằng Thiên Chúa giao phó thụ tạo cho con người sử dụng, chứ không lạm dụng chúng. Con người không là ông chủ của vạn vật nhưng là những người quản lý và “cùng làm việc” với Thiên Chúa. Đây là một nhiệm vụ kỳ diệu nhưng cũng cho thấy những ranh giới mà con người không thể xâm phạm.[8] Hơn nữa, người nam và nữ có “khả năng cải thiện đất đai, để tiến xa hơn trên đường đạo đức và phát triển những nguồn lực thiêng liêng của họ.”[9] Do đó, việc thí nghiệm trên các loại động vật về mặt luân lý là chấp nhận được trong những giới hạn cho phép và những đòi hỏi của sự toàn vẹn của tạo thành.[10] Sự can thiệp khoa học trên một đối tượng nào đó cần phải quan tâm đến sự toàn vẹn của tạo thành và các lĩnh vực khác nữa.[11] Giáo hội luôn đánh giá cao những lợi ích “từ việc nghiên cứu và ứng dụng của ngành sinh học phân tử, được bổ sung bởi những ngành khác như di truyền học, ứng dụng công nghệ vào trong nông nghiệp và công nghiệp.” Tất nhiên, các nhà khoa học không được “thao tác trên vật liệu di truyền cách bừa bãi.”[12] Hơn nữa, sự sáng tạo của con người không thể bị áp chế. Tuy nhiên, con người cần liên tục suy nghĩ lại về các mục tiêu, các hiệu quả, bối cảnh tổng thể và các giới hạn đạo đức của hoạt động này. Nó là một hình thức của quyền lực liên hệ đến những rủi ro lớn. Do đó, sự can thiệp hợp pháp nào cũng đều tác động lên thiên nhiên để “cổ võ sự phát triển của thiên nhiên trong trật tự của nó, trật tự của tạo thành như Thiên Chúa đã định.”[13] Chính vì thế, Giáo hội cũng rất khó để đưa ra một phán quyết chung về thực phẩm biến đổi gen vì những thay đổi rất lớn giữa chúng và cần suy xét cụ thể. Thái độ dè dặt của Giáo hội vì có những nguy cơ không phải lúc nào cũng do kỹ thuật nhưng có thể do ứng dụng chúng không đúng đắn hoặc thái quá. Giáo hội kêu mời vấn đề này đòi hỏi một sự chú ý không ngừng và quan tâm đến các khía cạnh đạo đức của chúng. Thế giới, các quốc gia cần phải có các cuộc hội thảo xã hội và khoa học cách sâu rộng, có trách nhiệm để suy xét tất cả mọi thông tin sẵn có và gọi rõ ràng tên của chúng. Vì thế, “cần phải có những cuộc thảo luận mà tất cả những ai trực tiếp hay gián tiếp chịu ảnh hưởng (nông dân, người tiêu dùng, các nhà cầm quyền dân sự, các nhà khoa học, các nhà sản xuất hạt giống, những người sống gần cánh đồng và những người khác) có thể nói lên các vấn đề và các mối bận tâm của họ, được tiếp cận nguồn thông tin đầy đủ và đáng tin cậy để đưa ra những quyết định vì thiện ích chung cho hiện tại và tương lai. Đây là một vấn đề môi trường phức tạp, mời gọi một cách tiếp cận toàn diện, trong đó ít nhất phải có nỗ lực để tài trợ cho những lãnh vực nghiên cứu độc lập, liên ngành có thể chiếu rọi ánh sáng mới trên vấn đề.”[14]

Kết luận

Tốt hay xấu là sự lựa chọn đạo đức và con người được tự do thực hiện. Sự tự do phải được dựa trên những tiêu chuẩn của luân lý là nhân phẩm và nhân quyền. Trong đó, quyền đảm bảo lương thực là điều kiện cho quyền sống cơ bản của con người. Giáo hội đang nỗ lực đồng hành cùng với thế giới và các quốc gia trong cuộc chiến chống đói nghèo và đảm bảo lương thực cho tương lai. Thực phẩm biến đổi gen đang mở ra một viễn tượng rất lớn cho việc chống đói cho thế giới, đặc biệt tại các nước có điều kiện nghèo nàn. Tuy nhiên, hậu thuận cho các thực phẩm biến đổi gen không chỉ là Giáo hội, các tổ chức phi chính phủ, quốc gia mà còn có vai trò lớn của các tập đoàn đa quốc gia, các công ty tài chính lớn. Vì thế, cần có những nghiên cứu và quảng đại hơn trong việc chia sẻ thông tin và bảo vệ người tiêu dùng được an toàn và hiệu quả.

 

Ant. Minh Trí, K.12

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 11


[1] “Cây trồng biến đổi gen”, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, truy cập ngày 15.4.2018.

[2] Trần Thị Lệ, Giáo trình Công nghệ chuyển gen trong thực vật, Đại học Huế, 2006.

[3]Động vật biến đổi gen đầu tiên được Mỹ chấp nhận làm thực phẩm cho người”, http://anninhthudo.vn/doi-song/dong-vat-bien-doi-gen-dau-tien-duoc-my-chap-nhan-lam-thuc-pham-cho-nguoi/646116.antd, truy cập ngày 25.4.2018.

[4] GMO viết tắt của từ: Genetically modified Organism, là sinh vật biến đổi gen: thực vật hay động vật được biến đổi gen một cách khoa học. Xem: GMO trong  Cambridge Advanced Learner’s Dictionary & Thesaurus © Cambridge University Press.

Theo định nghĩa của Nghị định Cartagena, sinh vật biến đổi gen (bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật) là sinh vật mà vật liệu di truyền của nó được biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người, nó mang một tổ hợp nguyên liệu di truyền mới tạo ra nhờ sử dụng các kỹ thuật phân tử để đưa gen mới vào bộ gen của sinh vật, tạo ra một dạng chưa hề tồn tại trong tự nhiên. Thuật ngữ quốc tế gọi chúng là GMO.

[5] Giáo Lý Giáo Hội Công giáo, số 2293.

[6] ĐGH. Bênêđictô XVI, Diễn văn với mọi thành viên hội nghị lần thứ 37 tổ chức Nông Lương Thế Giới FAO, ngày 1.7.2011. 

[7] Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 63.

[8] ĐGH. Gioan Phaolô II, Diễn văn Năm Thánh về Nông Nghiệp thế giới, ngày 11.11.2000.

[9] ĐGH. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26.3.1967), số 34.

[10] Giáo Lý Giáo Hội Công giáo, số 2415-2418.

[11] ĐGH. Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày thế giới hoà bình 1990, số 6.

[12] ĐGH. Gioan Phaolô II, Gặp gỡ học viện Giáo Hoàng về các ngành khoa học (3.10.1981).

[13] ĐGH. Gioan Phaolô II, Phát biểu tại Đại hội lần thứ 35 Hiệp hội Y tế Thế giới (29.10.1983).

[14] ĐGH. Phanxicô, Thông điệp về việc chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta Lauda to Si’, số 135. 

 
Nguồn tin: