Một Vài Suy Nghĩ Về Mục Vụ Hôn Nhân Cho Người Dự Tòng Và Tân Tòng Tại Giáo Phận Vinh

Sat,16/11/2019
Lượt xem: 3641

 Dẫn nhập

Đối với người giáo dân Vinh xưa nay, tiêu chuẩn ưu tiên chọn bạn đời hoặc các bậc cha mẹ lập gia đình cho con cái là lấy người Công Giáo. Đó được xem như là hành vi giữ gìn đạo hạnh gia đình và củng cố nếp sống văn hóa Kitô giáo của người giáo dân Vinh. Cho nên, hầu như người Công Giáo Vinh mời gọi người lương dân gia nhập đạo khi kết hôn nhằm dễ bề giữ gìn hạnh phúc và để hôn nhân phù hợp với truyền thống và giáo huấn Giáo Hội.

Chúa Giêsu đã lập bí tích Hôn Phối để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội Thánh, tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái.[1] Tuy quá trình một người ngoại đạo trở nên một tân tòng đôi khi ngắn ngủi về mặt thời gian, nhưng đây lại là thời kỳ hết sức quan trọng và nền tảng cho đời sống đức tin sau này. Người dự tòng cần học biết giáo lý dự tòng đầy đủ và cần chuẩn bị học giáo lý hôn nhân để kết hôn theo giáo luật.[2] Sau khi người tân tòng kết hôn, cần xác định đồng hành nâng đỡ họ không chỉ là trách nhiệm riêng của linh mục, tu sĩ, hay giáo lý viên, nhưng còn là trách nhiệm của mọi Kitô hữu trong cộng đoàn.

   Thông qua việc làm phiếu thăm dò ý kiến giới trẻ tại một số giáo xứ về hôn nhân với người ngoại giáo và khảo sát một số cặp hôn nhân có người tân tòng kết hôn với người đạo gốc, người viết muốn nhắm đến một bức tranh tổng quát. Qua đó, muốn nêu lên một số nhận định và phác họa những định hướng chăm sóc mục vụ hôn nhân cho các dự tòng và tân tòng trong bối cảnh giáo phận Vinh. Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta tìm hiểu và khai triển ở các điểm sau: (1) Nhận diện bối cảnh về người dự tòng và tân tòng tại giáo phận Vinh, (2) Định hướng mục vụ ở giai đoạn tìm hiểu đạo của dự tòng để tiến tới bí tích hôn nhân và (3) Mục vụ đồng hành với tân tòng sau khi cử hành bí tích hôn nhân. Nhờ đó, người viết và mọi người hiểu hơn những trăn trở và ưu tư về đời sống đạo đang diễn ra tại các gia đình có người cha hay mẹ là tân tòng và hướng đến một phương thức mục vụ toàn diện hơn.

1. Nhận diện bối cảnh về người dự tòng và tân tòng tại giáo phận Vinh

   Thứ nhất, xét về phương diện môi trường sống của người dự tòng và tân tòng. Thực tế cho chúng ta thấy người dự tòng, tân tòng tại Vinh được thừa hưởng những giá trị tốt đẹp từ truyền thống văn hóa của người Việt. Khi đối diện với những giá trị về văn hóa và tôn giáo ấy, người Công Giáo Vinh cũng cần phải xác tín rằng: Tất cả những giá trị tốt đẹp từ trong văn hóa và tôn giáo ngoài Kitô giáo là do chính Thiên Chúa đã gieo vãi trong tâm hồn của họ.[3] Tuy nhiên, cùng với bao thế hệ lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, người dự tòng đón nhận một nền giáo dục phiến diện thậm chí phi bác tôn giáo nên cũng dễ có cái nhìn không hoàn toàn khách quan về người Công Giáo. Do hoàn cảnh chính trị và lịch sử, những người cộng sản luôn quy kết người Công Giáo cộng tác với ngoại quốc khiến đất nước rơi vào tình cảnh thực dân và không đồng lòng trong việc xây dựng chế độ. Sống trong bối cảnh và tâm thức thời đại hôm nay nhưng ta vẫn có cảm tưởng như truyền thông nhà nước thường quy chụp Công Giáo như là một lực lượng đối kháng với thể chế xã hội chủ nghĩa. Trầm trọng hơn, trong bối cảnh giáo phận Vinh, trước những bất công và chèn ép từ nhà cầm quyền, người giáo dân Vinh thường đứng lên đòi quyền công lý lại bị xem là phản động chống phá nhà nước. Những yếu tố trên đã làm cho người bên lương khó khăn trong việc nhận định sự thật và xé thêm khoảng cách giữa người Công Giáo và người lương dân. Đó cũng là nguyên nhân khiến những người ngoài Công Giáo hiểu lầm, thành kiến xấu, thậm chí đối kháng thù địch với đạo Công Giáo. Tuy vậy, một khi ngang qua tình yêu hôn nhân mà người lương dân đến với niềm tin Công Giáo thì mọi tín hữu phải có trách nhiệm nâng đỡ niềm tin của họ. Cần làm cho họ hiểu rõ về đạo Chúa bằng giáo lý chân thật và đời sống đượm tình bác ái.

   Thứ hai, xét ở phương diện sống đạo của người tín hữu Vinh. Đặc trưng văn hóa vùng miền đã tạo nên tính khí và tố chất của người giáo dân Vinh rất đặc trưng, từ giọng nói đến cách cử xử. Cái nét riêng đó cũng đã làm nên con người với chất Vinh đặc trưng. Một chất Vinh rắn rỏi nhưng chan chứa tình người, nhiệt huyết mà lại rất sâu lắng. Do đó, từ môi trường cuộc sống và cốt cách con người dẫn đến thái độ sống và giữ đạo có phần rất cứng cỏi, đôi khi tạo cảm giác khép kín. Điều đó làm cho những người tiếp cận có suy nghĩ Giáo Hội Công Giáo tại Vinh như một ‘khuôn viên đóng kín.’ Người Công Giáo Vinh xưa nay vốn kiên cường giữ niềm tin bằng lối giữ đạo mà đôi khi quên đi khía cạnh thực hành và mở rộng niềm tin đã đón nhận. Thật ra những khúc quanh của thời cuộc đòi hỏi một phương thức sống phù hợp để tồn tại, nhưng điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống đạo trong xu thế thời đại hôm nay. Tại giáo phận Vinh, lúc này đây chúng ta có một cảm nhận rằng: người Kitô hữu vẫn ưa lối giữ đạo, sống theo một thứ Kitô giáo cá nhân chủ nghĩa, chỉ lo đến phần rỗi mình mà quên đi tha nhân và trần thế. Vậy đâu là thái độ phù hợp mà người Công Giáo Vinh cần có đối với những người mới tìm hiểu và gia nhập đạo, nhất là những tân tòng đón nhận niềm tin bằng con đường tiến đến hôn nhân với người Công Giáo?

    Thứ ba, xét ở phương diện mở rộng cộng đoàn đức tin của người tín hữu Vinh, trước người dự tòng tân tòng, người giáo dân Vinh thường có hai lối nhìn nhận. Ở góc nhìn thứ nhất, người đạo gốc lo lắng bất an trước một người khác biệt niềm tin. Liệu họ có đón nhận và sống đạo cách xứng hợp không? Trước những thách thức của xã hội và sự đòi hỏi của đức tin liệu người tân tòng có chu toàn được vai trò của một Kitô hữu không? Ở góc nhìn này có thể hiểu người đạo gốc quy chiếu vào vai trò giữ đạo mà lâu nay họ vẫn duy trì đức tin như một báu vật truyền thống. Như vậy, quan niệm giữ đạo lâu nay có thể là một lực cản khá lớn. Góc nhìn thứ hai quy chiếu vào bổn phận truyền giáo của người tín hữu. Nó đòi hỏi người Kitô hữu phải truyền giáo, phải mang đức tin đến cho người chưa nhận biết Chúa và Giáo Hội. Từ ý thức ấy, người trong đạo hồ hởi sẵn sàng đón nhận và giúp đỡ người dự tòng. Đó cũng là tinh thần Giáo Hội luôn tìm cách hoán cải lương tâm của cá nhân cũng như tập thể con người, và cả những hoạt động cũng như đời sống và hoàn cảnh cụ thể của người ngoại.[4] Trong sự hăng hái và nhiệt tình vốn có của người Vinh, khía cạnh thứ hai này cũng được hưởng ứng, nhưng lúc này xem ra cũng chỉ như là đốm ‘lửa rơm’ lóe lên trong muôn vàn khó khăn đến từ khách quan thời cuộc và chủ quan của công cuộc truyền giáo, nhất là việc truyền giáo lại đặt trong sự phức tạp muôn thủa của vấn đề hôn nhân.

   Khi phân tích các kết quả khảo sát, người viết nhận thấy tình hình mộ đạo và ý thức trước những rủi ro về hôn nhân khác đạo của các bạn trẻ Công Giáo Vinh hiện nay rất cao. Vợ chồng cùng tôn giáo luôn là ưu tiên số một khi chọn lựa bạn đời của các bạn trẻ giáo phận Vinh. Mặc dù Giáo Hội thừa nhận hôn nhân khác đạo khi có phép miễn chuẩn nhưng bản thân các bạn trẻ rất e ngại sự khác biệt niềm tin giữa hai vợ chồng. Theo số liệu thăm dò trên 600 bạn trẻ tham gia các lớp giáo lý phổ thông từ khối vào đời đến lớp tiền hôn nhân tại các giáo xứ: Mỹ Yên, Lập Thạch, Kẻ Gai, Xã Đoài như sau:

 

 

Ưu tiên 1

Ưu tiên 2

Ưu tiên 3

Ưu tiên 4

Ưu tiên 5

Tổng

Gia đình gia giáo

 

115/600

 

 

 

19,17 %

Phải theo đạo Công Giáo

365/600

 

 

 

 

60,83 %

Có điều kiện kinh tế

 

 

88/600

 

 

14,67 %

Ngoại hình đẹp

 

 

 

27/600

 

4,50 %

Lấy người không cần theo đạo

 

 

 

 

5/600

0,83 %

  

Như vậy, tiêu chí chọn bạn đời phải theo đạo Công Giáo là tiêu chí quan trọng và được lựa chọn nhiều nhất so với các tiêu chí còn lại nơi các bạn trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc tiếp nhận đồng hành với những dự tòng bước vào đời sống hôn nhân là điều diễn ra thường nhật tại các cộng đoàn giáo xứ. Tuy cùng giáo phận nhưng số lượng người dự tòng ở các giáo xứ bị chi phối bởi hoàn cảnh công ăn việc làm, địa lý, và môi trường văn hóa của các giáo xứ khác nhau rõ rệt. Theo báo cáo tất niên năm 2011, giáo xứ Cầu Rầm có tới 20 dự tòng trong khi giáo xứ Kẻ Gai bên cạnh lại chỉ có 1 dự tòng, giáo xứ Tân Lộc nơi có thị xã Cửa Lò tập trung dân tứ xứ đến làm ăn sinh sống có tới 18 dự tòng trong khi hai giáo xứ bên cạnh Đồng Vông và Lộc Mỹ lại không có dự tòng nào.[5] Các con số không hẳn phản ánh cách chính xác, bởi còn phụ thuộc vào hoàn cảnh và chương trình hàng năm của giáo xứ nhưng phần nào cũng cho chúng ta những căn cứ quan trọng. Nó nói lên sự ảnh hưởng từ vị trí và môi trường hoạt động của các giáo xứ. Khi người dự tòng được ‘thông hiệp’ vào nền tảng sống đạo đậm chất Vinh, họ cũng chịu ảnh hưởng và chịu tác động theo môi trường Công Giáo tại Vinh. Trong bối cảnh môi trường mở hôm nay, việc đón nhận các dự tòng càng nhiều, do đó linh mục quản xứ cần phải có những định hướng phù hợp cho chính mình và cho cộng đoàn trong việc mục vụ dự tòng và tân tòng trong bí tích hôn nhân.

2. Định hướng mục vụ ở giai đoạn tìm hiểu Đạo của dự tòng tiến tới bí tích hôn nhân

   Tại miền Vinh, các giáo xứ trải dài khắp mọi miền giáo phận. Ở đó, các giáo xứ sinh hoạt khá sôi động là ưu thế lớn để vun lên một hình ảnh về đạo trong mắt người lương dân. Thêm nữa, người giáo dân Vinh di cư làm ăn sinh sống trong nước cũng như ở nước ngoài rất nhiều và rất năng động. Đây là nhịp cầu cho những cuộc tiếp xúc với người lương dân. Mặt khác, người giáo dân Vinh trọng nghĩa trọng tình, tính tình dễ gần. Nó có thể là điều kiện ấn tượng cho những cuộc gặp gỡ tương giao dẫn đến hôn nhân sau này.

Để chuẩn bị cho việc đón nhận bí tích hôn nhân với tân tòng, việc tiếp xúc gặp gỡ với người dự tòng, tiến tới học giáo lý dự tòng và học giáo lý hôn nhân là điều hết sức cần thiết. Dù cho người ngoại tìm hiểu đạo vì lý do hôn nhân hay những lý do khác, vấn đề là làm sao cho người ta lắng nghe với lòng thành không gây khó khăn, và không phải bằng cái uy của sự phô trương hay sự xa hoa nhưng là uy tín đặt trên nhân đức và sự thánh thiện.[6] Tiến trình tiếp nhận và giúp người ngoại học giáo lý cần được tiến hành các bước tuần tự phù hợp với đòi hỏi và điều kiện thực tế.

   Trước hết, người có trách nhiệm tiếp nhận dự tòng cần đặt mình vào vị trí của họ. Dự tòng là những người xa lạ đến với một môi trường khác biệt nên phải nhận diện tâm lý và cách thế của họ. Họ cần được đón nhận và hướng dẫn cách tận tình như một thành viên được ưu tiên và thuộc về gia đình lớn - gia đình Giáo Hội - đồng thời làm sao để họ trân quý những bài học và những giá trị Tin Mừng.[7] Người Công Giáo cần tiếp đón họ với một thái độ thân thiện, bằng bầu khí gần gũi và tin tưởng, bằng sự ân cần và đối thoại. Tất cả nhằm tạo điều kiện cho người dự tòng được tỏ bày ý muốn đến với đạo Chúa, hướng dẫn cụ thể để họ dễ dàng tiến hành các thụ tục kết hôn.[8] Cần tránh lối hành xử ‘cha chú’, phê phán chỉ trích về tập tục hay quan niệm sống của họ trước đây khi họ còn chưa hiểu về đạo Công Giáo. Cũng cần tránh những hành xử vụng về, nhưng hãy cố gắng khám phá ước muốn sâu xa bên trong họ. Tránh lối tiếp cận tiêu cực và đóng khung nhưng nên khơi gợi điều tích cực qua các cuộc đối thoại. Đối thoại gần gũi sẽ giúp họ thêm yêu mến và có thêm động lực theo đạo, qua đó, biểu lộ sự tin tưởng và tôn trọng, sự tự do, tình huynh đệ trong việc họ đến với đạo Chúa. Đây là bước đầu giúp người dự tòng nhận ra sự có mặt của Thiên Chúa trong đời mình và nhờ vậy họ bày tỏ lòng biết ơn, tin tưởng vào Chúa.

   Tiếp đến là vấn đề người dự tòng học hỏi giáo lý. Người dạy học không chỉ trình bày giáo lý và giới răn của đạo nhưng còn khơi gợi và đào tạo toàn bộ đời sống Kitô hữu của họ, đồng thời giúp họ sống mối tương giao với Thiên Chúa thực sự. Thời gian dự tòng được giáo phận khuyến khích là 6 tháng, tối thiểu là 3 tháng, để đương sự có đủ thời gian học hỏi và tập sống đức tin.[9]  Việc học giao lý dự tòng nhiều khi mang sắc thái rất nặng nề với người dự tòng để kết hôn. Nhưng việc thực thi luật lệ đòi buộc như một yếu tố chi phối tính thành sự của bí tích hôn nhân và mối tương quan hôn nhân nhiều khi được gia tăng từ đó. Chiều kích giáo luật và chiều kích mục vụ kết hợp chặt chẽ với nhau một cách khó tách biệt. Vì vậy, việc chuẩn bị ấy phải luôn được đề nghị và thực hiện thế nào, để sự thiếu sót của nó không cản trở việc cử hành lễ cưới.[10] Ở những nơi tập trung đông người làm việc và học tập, ở đó có gia tăng cơ hội gặp gỡ giữa các bạn trẻ Công Giáo và người ngoại hơn. Ở những nơi đó, môi trường tham gia các lớp dự tòng cũng nhiều và thuận lợi hơn. Theo báo cáo tất niên năm 2012, giáo xứ Cầu Rầm có tới 28 dự tòng, Yên Đại có tới 36 dự tòng trong khi giáo xứ Kẻ Gai có 2 dự tòng và Phù Long trong giáo hạt lại không có dự tòng nào.[11] Tại các giáo xứ trung tâm hầu như lớp giáo lý dự tòng tổ chức quanh năm. Phải thừa nhận rằng đa số tân tòng là do kết hôn với người Công Giáo. Vì thế, nhiều người mang tâm lý việc học giáo lý dự tòng và hôn nhân như điều kiện để kết hôn, nên có người nói vui: "Con quỳ lạy Chúa Ba Ngôi, cho con cưới vợ con thôi nhà thờ." Nhưng vượt lên những suy nghĩ đơn điệu như vậy, trong nghi thức khai tâm Kitô giáo, phần đón tiếp người dự tòng cho ta cái nhìn đầy đủ của đức tin: "chúng con cảm tạ Chúa đã cho người tôi tớ đây đi tìm kiếm Chúa và được Chúa kêu mời bằng nhiều cách."[12] Thế nên, cho dù theo đạo vì kết hôn đi nữa, thì người tân tòng cũng được chính Chúa kêu mời trở nên môn đệ của Chúa qua việc kết hôn với người Công Giáo. Do đó, chúng ta phải cùng nhau thực hiện lệnh truyền của Chúa trước khi về trời: "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,19-20).

   Sau nữa, thiết lập cho dự tòng mối tương quan thân thiết với cộng đoàn, nhất là người đỡ đầu, phải giúp các dự tòng ngay từ những ngày đầu tiên để họ cảm thấy mình được thuộc về dân Chúa.[13] Đa số các dự tòng kết hôn xin theo đạo trong một tâm thế bị động. Họ có người bạn đời tương lai là người Công Giáo, nên họ muốn tìm hiểu về đạo của người bạn mình như thế nào và là điều kiện để họ làm phép cưới. Mặt khác, vì người có đạo muốn người dự tòng tìm hiểu để giúp ích cho đời sống hôn nhân trong tương lai được tốt đẹp hơn. Thậm chí, người Công Giáo ra ‘điều kiện và gây sức ép’ lên người dự tòng để họ học giáo lý, rồi theo đạo, nếu như họ muốn lập gia đình với người có đạo.

Vượt lên những suy nghĩ ấy, cộng đoàn cần giúp họ làm nổi bật Thiên Chúa là Đấng không thể thiếu trong cuộc hôn nhân của họ. Ngài luôn hiện diện giữa cuộc sống và gia đình họ. Vậy nên, việc chuẩn bị học hỏi giáo lý là để họ nhận biết Thiên Chúa và mục đích gần là để cử hành bí tích hôn nhân cách thành sự và hợp luật, nghĩa là thiết lập sự liên kết đầy yêu thương giữa cặp vợ chồng với các đặc điểm theo hôn nhân Kitô giáo đơn nhất và bất khả phân ly. Ngoài ra, người Công Giáo Vinh cần làm sao cho người dự tòng thấy Giáo Hội không phải là một thực thể đứng ngoài thế giới con người cũng như chứng minh cho họ thấy những thành viên thuộc về Giáo Hội Công Giáo luôn sống động qua việc loan báo và làm chứng cho Tin Mừng. Mọi Kitô hữu cần thấu hiểu và tôn trọng những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, để người dự tòng cũng cảm nhận được điều đó như: việc coi trọng gia đình, gia tộc, tương thân tương ái, tôn sư trọng đạo, người Việt có tâm thức dễ hướng về cội nguồn tổ tiên. Chính niềm tin này, phần nào cũng định hình lên đời sống luân lý của họ như ‘ăn ngay, ở lành’, sống hài hòa với mọi người.[14] 

3. Mục vụ đồng hành với tân tòng sau khi cử hành bí tích hôn nhân

   Phải thừa nhận rằng đa số tân tòng theo đạo tại Vinh là để kết hôn ví tựa kiểu ‘vì sông nên phải lụy thuyền’ nên vấn đề niềm tin nơi họ đôi khi là chuyện ‘thôi đành sang ngang.’ Vậy nên, đường hướng mục vụ nâng đỡ sau khi kết hôn là điều hết sức quan trọng. Chính các cộng đoàn khác nhau phải khai triển những đề nghị thiết thực và hiệu quả hơn khi lưu tâm đến cả giáo huấn Hội Thánh cũng như các nhu cầu và thách đố tại địa phương,[15] cần xác định đồng hành với tân tòng không phải là trách nhiệm riêng của linh mục, tu sĩ, hay giáo lý viên, nhưng còn là trách nhiệm của mọi Kitô hữu.

   Một mặt, người tín hữu phải hiểu rõ hoàn cảnh của người tân tòng, khi đó mới có thể dễ dàng gần gũi với họ. Giáo Hội ủy thác cho mọi tín hữu tiếp tục đồng hành đức tin với người tân tòng. Quá trình giúp họ học hỏi giáo lý vốn khó khăn nhưng việc đồng hành lại quyết định cho đức tin của họ lớn mạnh. Nếu không, ta sẽ bị lặp lại lời nguyền rủa của Chúa Giêsu:

"Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi rảo khắp biển khơi và lục địa, để tìm cho được một người tòng giáo, nhưng khi đã cho người đó tòng giáo, các ngươi làm cho nó trở thành con cái hoả ngục gấp hai lần các ngươi” (Mt 23,15).

Đức tin còn non yếu của các tân tòng rất dễ bị phai nhòa nếu tiếp xúc với những người thiếu tình thương, không biết cảm thông và sẻ chia. Vậy nên, để nâng đỡ đức tin cho những anh chị em này, không cách nào tốt hơn là mỗi chúng ta hãy sống và làm chứng cho Tin Mừng qua việc yêu thương, san sẻ những khó khăn của họ. Anh Giuse Cao Bá Sâm một tân tòng nhiệt tình tại giáo họ Nho Lâm, xứ Phú Linh. Sau khi con gái đầu của anh bị bệnh tim bẩm sinh và được những người Công Giáo hướng dẫn giúp đỡ mổ và điều trị miễn phí tại bệnh viện trung ương Huế. Nay bé khỏe mạnh, gia đình anh cảm nhận được sự yêu thương của mọi người, điều đó giúp anh xác tín niềm tin vào sự quan phòng của Chúa. Nay anh là một Kitô hữu nhiệt thành tại giáo họ, tham gia từ việc thờ phượng cho đến công việc xây dựng của giáo xứ giáo họ. Từ những nghĩa cử cao đẹp thường ngày, họ nhận ra có Thiên Chúa hiện diện và bền bỉ đến cùng với lòng tin mình đã chọn. Mấu chốt đồng hành đức tin với người tân tòng là giúp họ thêm từng ngày khám phá ra Lòng Thương Xót của Chúa đối với cá nhân, gia đình và nhất là những người ruột thịt của họ chưa được ơn đức tin. 

   Mặt khác, mọi tín hữu cần giúp người tân tòng tự tin hòa nhập với cộng đoàn như là người bạn thân của họ trong đức tin. Bởi sự góp phần chính yếu cho mục vụ gia đình là từ nơi giáo xứ, như một gia đình của các gia đình, giáo xứ kết hợp hài hòa các đóng góp của các cộng đoàn nhỏ.[16] Thực ra, không phải tân tòng không muốn tham gia phụng vụ hoặc các hoạt động chung. Do môi trường đang mới với họ nên đến nhà thờ sẽ có cảm giác bỡ ngỡ xa lạ với họ, đôi khi là sự sợ hãi và xem ra cô lập. Cần nắm rõ tâm lý và giúp họ hội nhập vào môi trường mới cách thân thiện hơn và xua tan những xa cách và sợ hãi bằng sự gần gũi. Trong não trạng người Việt, sự đánh động bằng con đường tình cảm cùng với lối cư xử thân tình đôi khi hiệu quả hơn là sự lý luận về những lý chứng hùng hồn. Tránh bỏ bê xa lánh họ, tốt nhất nên mời gọi họ tham gia các hội đoàn trong giáo xứ. Thực tế, khi người viết đến gặp một số anh chị em tân tòng, một số trong họ ngại tiếp xúc và ít thổ lộ, thậm chí có người trốn chạy. Qua những biểu hiện như thế cho thấy thẳm sâu trong họ là cả một vùng ngổn ngang suy nghĩ, thậm chí có khi họ nghĩ đạo đang là gánh nặng với cuộc đời họ.

Giải tỏa mọi thứ không ai khác mà chính là người bạn đời đạo gốc của họ và những người thân thiết trong gia đình bên đạo. Bắt đầu đời sống chung vợ chồng, các việc thực hành đức tin có thể chưa là thói quen của người tân tòng thì vai trò người phối ngẫu đạo gốc hết sức quan trọng. Họ cần kiên nhẫn chỉ vẽ, để từ tình yêu mà người tân tòng ý thức tự nguyện thực hành bổn phận tín hữu như đã tự nguyện đến với tình yêu. Ví như chị Hiền một tân tòng cưới anh Sơn - một giáo dân nhiệt thành tại giáo xứ Lập Thạch. Vốn là một giáo viên, chị am hiểu được giá trị tốt lành của đạo Công Giáo. Nhờ sự quan tâm đúng mực của gia đình, nay chị đã là một giáo lý viên nhiệt tình cho công việc giáo lý trong xứ. Anh Sơn chồng chị chia sẻ: "thứ tư hàng tuần, ý hướng cầu nguyện trong gia đình anh chị là cho hai bên nội ngoại, cho người đang sống cũng như kẻ qua đời." Điều đó làm cho chị rất ấn tượng và phá bỏ nghi ngại theo đạo là bỏ ông bà tổ tiên. Như vậy, mọi người trong đạo nhất là những người trong gia đình cần đồng hành đức tin và nâng đỡ người tân tòng cách xứng hợp,[17] đồng hành với người tân tòng qua những biến cố xảy ra thường ngày, nhắc nhở họ việc tôn thờ Chúa và hiếu kính với tổ tiên.

   Một yếu tố khác, người trong đạo cần quan tâm họ hàng gia tộc phía người tân tòng bằng những tình cảm và trách nhiệm mục vụ truyền giáo. Quả thực, khi con cái họ kết duyên với người Công Giáo, chính họ cũng nhắm mục đích vun vén hạnh phúc cho con cái mình. Mặc dù họ chưa nhận biết đạo Chúa nhưng chính họ là người nuôi dạy con cái mình sống đúng phẩm giá làm người. Nếu người dâu hay rể phía bên Công Giáo thành cầu nối và cùng với việc cộng đoàn đức tin đặc biệt là các linh mục quan tâm gặp gỡ trao đổi thì người tân tòng sẽ mở lòng đón nhận Chân Lý. Chắc chắn đây là con đường để họ có thể tìm được hạnh phúc không chỉ cho con cái họ mà ngay chính bản thân họ và gia tộc mình.[18] Người lương dân còn mang nặng nỗi hoài nghi rằng khi theo đạo Công Giáo, có nghĩa là coi nhẹ hay bỏ việc thờ cúng tổ tiên. Nhiều người trong số họ suy nghĩ rằng con cái lập gia đình với người tin Chúa thì nhất định trở thành ‘người lạ’, có cúng bái trước tổ tiên cũng chẳng thành tâm thành sự.[19] Dựa vào lòng hiếu kính tổ tiên vốn có nơi người lương dân, người Công Giáo cần cho họ thấy sự tôn kính tổ tiên cao quý nơi đạo mình. Việc tôn kính tổ tiên đã được minh nhiên chấp nhận khi Bộ Truyền Giáo ban hành huấn thị Plane Compertum Est ngày 08/12/1939. Ở Việt Nam, việc tôn kính tổ tiên được phổ biến khi HĐGMVN ban hành Thông Cáo Về Việc Tôn Kính Tổ Tiên ngày 14/06/1965.[20]

   Giáo xứ cũng nên tổ chức các chuyến hành hương hoặc đi làm bác ái cho các dự tòng, tân tòng cùng với cộng đoàn giáo xứ. Qua mỗi lần cùng nhau đi đến các linh địa, được hiểu biết hơn về đạo, niềm tin non yếu của họ cũng dần mạnh thêm. Nếu muốn tổ chức đi hành hương nhưng với khung thời gian eo hẹp thì trong giáo phận cũng có nhiều điểm hành hương trong ngày như: núi Đức Mẹ Bảo Nham, đền thánh Antôn Trại Gáo, đền thánh Phêrô Hoàng Khanh ở họ Lương Khế xứ Trung Hòa, đền cha thánh Phêrô Lê Tùy ở Quy Chính và Lập Thạch… Nhiều địa điểm làm bác ái như: trại phong Quỳnh Lập, mái ấm Thiện Tâm hay các trung tâm khuyết tật như 19/3, Tân Hương… Trong những chuyến hành hương, họ xin ơn, tạ ơn, và cảm nghiệm những giá trị thiêng liêng. Trong công việc bác ái, họ gia tăng tình yêu thương và cảm thông với thân phận con người.

Thời đại hôm nay truyền thông internet là phương tiện không thể bỏ qua. Nên mời gọi các tân tòng truy cập các phương tiện thông tin để tìm hiểu về đạo, theo dõi các trang chia sẻ Lời Chúa và tình hình Công Giáo toàn cầu. Điều này cũng có tác dụng nhất định, cứ kiên trì và bền bỉ gắn bó, mọi thứ sẽ tiến triển tốt, ít là cho họ có cảm thức về đạo và giữ được lửa yêu mến với đạo Công Giáo.

Cuối cùng, nên tổ chức những buổi gặp gỡ vào các ngày lễ trọng hay dịp tết nguyên đán. Đó là những cơ hội để chia sẻ với nhau những thuận lợi và khó khăn trong cuộc sống của những tân tòng. Nên nhận một thánh bổn mạng của những người tân tòng trong cộng đoàn, đó là ngày lễ và cũng là ngày hội ngộ của họ. Đây là dịp quy tụ những anh chị em tân tòng lại với nhau cùng tham gia các hoạt động như nghe giảng tĩnh tâm, xưng tội, giao lưu thể thao và cùng chung chia bữa cơm huynh đệ.

Kết luận

   Gia đình luôn là mối quan tâm hàng đầu của Giáo Hội và xã hội vì "tương lai của thế giới và Giáo Hội đi qua các gia đình."[21] Ý thức được điều đó, Giáo Hội không thể bỏ mặc nơi đã ôm ấp những con người, nhất là những gia đình có người cha hay mẹ là tân tòng vì họ cũng được chọn, được mời gọi gắn bó và làm chứng cho Đức Kitô.

Đức tin là một quá trình lớn lên mỗi ngày trong ân sủng của Thiên Chúa: "Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên" (1Cr 3,6). Khi chúng ta kiên trì chăm sóc, yêu thương và phục vụ anh chị em tân tòng, họ cảm nhận lòng thương xót của Chúa. Đến lượt mình, chính anh chị em tân tòng sẽ là những chứng nhân cho gia đình, họ hàng của mình như lời Chúa mời gọi: "Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con" (Mc 5, 19). Do vậy, chăm sóc hôn nhân tân tòng là phương thức truyền giáo mang tính hai chiều ‘tái Phúc Âm hóa’ và ‘tân Phúc Âm hóa.’ Khi đồng hành với dự tòng và tân tòng, niềm tin người đạo gốc được củng cố và niềm tin Kitô giáo sẽ bám rễ sâu nơi người tân tòng. Chúng ta tin rằng qua đường hướng mục vụ hôn nhân dự tòng và tân tòng phù hợp, người vào đạo qua con đường hôn nhân không còn mang tâm thức ‘qua sông lụy thuyền’ mà là ‘nước non một gánh chung tình.’

                                                                                                                                                                  GB. Nguyễn Xuân Giáp,  K.XIII
                                                                                                                                                        Trích từ Tập san Đức Tin và Văn Hóa số 13

 


[1] Cf. Bộ Giáo Luật 1983, (Bản dịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam), Tôn giáo, Hà Nội, 2006, điều 1055.

[2] Cf. Giáo Phận Vinh, Kim Chỉ Nam - Những hướng dẫn mục vụ, Xã Đoài, 2018, điều 125 và 225.

[3] Cf. Công Đồng Vaticanô II (Bản dịch của Phân Khóa Thần Học – Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X), Đà Lạt, 1972, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, số 9.

[4] Cf. Đức Thánh Cha Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 18.

[5] Cf. Số liệu báo cáo hàng năm theo văn phòng Tòa Giám Mục Vinh.

[6] Cf. Tòa Giám Mục Kon Tum, Khơi Nguồn Tiếp Bước, Lưu hành nội bộ, 2004, p. 82.

[7] Cf. Linh Mục Augustinô Nguyễn Văn Dụ, Hướng dẫn mục vụ gia đình, Trung tâm muc vụ Việt - Ý, 2014, p. 88,97.

[8] Cf. Giáo Phận Vinh, Kim Chỉ Nam - Những hướng dẫn mục vụ, Xã Đoài, 2018, điều 223.

[9] Ibid., điều 126.

[10] Cf. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 66.

[11] Số liệu báo cáo hàng năm theo văn phòng Tòa Giám Mục Vinh.

[12] Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Cẩm nang các nghi thức Bí tích và Á bí tích, p. 24.

[13] Cf. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, số 14.

[14] Cf. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung Hậu Đai Hội Dân Chúa Năm 2010 Cùng Nhau Bồi Đắp Nền Văn Minh Tình Thương Và Sự Sống, số 8.

[15] Cf. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu, số 199.

[16] Ibid., số 202.

[17] Cf. Linh Mục Augustinô Nguyễn Văn Dụ, Đồng Hành Với Các Đôi Bạn và Gia Đình Trẻ, Nxb. Phương Đông, 2018, p.156-157.

[18] Cf. Linh mục Trăng Thập Tự, Sổ Tay Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình và Gia Tộc, p.96.

[19] Cf. Linh mục Giuse Nguyễn Văn Nam, Đôi Nét Đạo Trời, Đạo Hiếu, Đạo Công Giáo, Nxb. Hồng Đức, 2015, p. 62, 67.

[20] Cf. Linh Mục Augustinô Nguyễn Văn Dụ, Hội Nhập Văn Hóa Trong Hôn Nhân Và Gia Đình Tại Việt Nam, Tủ Sách Nghiên Huấn Về Hôn Nhân và Gia Đình, 2018, p.269.

[21] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 75.

Nguồn tin: