Những Thuận Lợi Trong Việc Hội Nhập Văn Hóa Và Đối Thoại Liên Tôn Trong Bối Cảnh Hiện Tại Của Việt Nam

Thu,23/05/2019
Lượt xem: 3225

Hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn có một mối tương quan mật thiết đến mức có thể nói là không thể thiếu đối với công cuộc và sứ mệnh truyền giảng Tin mừng, nói cách khác, đó là vấn đề sống còn của Giáo hội. Những thuận lợi hay cản ngại đối với các tác vụ này ảnh hưởng rõ nét đến kết quả của công cuộc loan báo Tin mừng.

Tại Việt Nam, người ta đã nói rất nhiều đến những khó khăn thách đố trong việc hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn, trước thực tế là sau hơn 400 năm truyền giáo, với biết bao nhân lực và tài lực bỏ ra, đến nay mới chỉ có hơn 7% dân số là tín hữu Công Giáo.[1] Tuy nhiên, người viết thiển nghĩ rằng, không hoàn toàn là một bức màn đen u ám, bởi lẽ, vẫn có đó những điều kiện thuận lợi để những tác vụ này được thực hiện và mang lại kết quả. Trong bài viết ngắn này, người viết không có tham vọng tìm hết và phân tích đến ngọn nguồn những thuận lợi đó, nhưng chỉ dám ‘điểm danh’ những điểm thuận lợi cơ bản trong việc hội nhập văn hóa (1) và đối thoại liên tôn (2) trong bối cảnh hiện tại, như một định hướng cho tương lai bản thân.

1. Hội nhập văn hóa

“Hội nhập văn hóa là tiến trình hướng tới việc truyền giáo,”[2] mà “tác vụ của nó là diễn đạt  niềm tin Kitô giáo trong các nền văn hóa, khuyến khích con người từ các nền văn hóa đón nhận và thực hành niềm tin theo môi trường văn hóa của mình.”[3] Trong bối cảnh Việt Nam, một dân tộc đa tôn giáo, con người nơi đây quả thực có một tâm thức tâm linh phong phú tựa như mảnh đất màu mỡ cho hạt giống Tin mừng nảy mầm và sinh trưởng. Linh mục Leopold Cadiere (1869-1955), một học giả Việt Nam học đã từng nhận định: “Trước hết phải thừa nhận rằng, người An Nam, nói cho đúng, sống trong một thế giới siêu nhiên... Họ thấy mọi biến cố may và nhất là biến cố rủi, đều biểu hiện sự can thiệp của thần thánh hay tổ tiên… Người Việt Nam tắm mình trong bầu khí tôn giáo.”[4] Chất tâm linh ấy dường như đã đi vào huyết quản, trở nên tâm tính đặc nét của người Việt, khiến cho chủ trương “sa mạc hóa tâm tinh”[5] của Đảng Cộng Sản thất bại, và nay nở rộ đến mức khó kiểm soát. Người ta ước tính hằng năm có đến hơn 8000 lễ hội diễn ra tại Việt Nam.

Việt Nam là vùng đất của những tôn giáo. Nền văn hóa Việt vốn đậm chất tâm linh, có nhiều điểm tương đồng với niềm tin Kitô giáo. Vốn đã sẵn có một vũ trụ quan, một nhân sinh quan và một quan niệm tôn giáo rất phong phú và khá vững chắc, phần lớn người Việt không phải là không biết đến Thiên Chúa, trái lại, họ cũng đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Người một cách nào đó và gọi Người bằng những tên gọi khác nhau như Trời, Thiên, Đạo v.v... dẫu cách tiếp cận, phương pháp học thuật và thực hành khác nhau.

Trên nền tảng nhân sinh quan và thế giới quan đó, chúng ta thấy có nhiều điểm dễ tạo nên những cuộc gặp gỡ tương giao với lối diễn đạt chân lý Tin mừng. Với lối sống duy cảm, duy tình của người Á đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, lòng hiếu khách và bao dung, lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, việc kính trên nhường dưới trong gia đình với một tâm hồn yêu thích tĩnh mịch và chiêm niệm được kết dệt trên nền tảng đời sống tâm linh phong phú mà Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo và nhất là Đạo Ông Bà đã gầy dựng và vun xới từ xa xưa, sẽ là mảnh đất màu mỡ cho hạt giống Tin mừng nẩy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái.[6]

Chính tâm thức ấy đã đưa đến một nền luân lý, nhất là lòng hiếu đạo gần gũi với Tin mừng. Dẫu vết thương trong quá khứ vẫn còn đó của nghi kỵ, hiểu lầm và thành kiến, nhưng càng ngày sự hiểu biết và thiện chí đã và đang làm mờ đi vết sẹo còn để lại. Đành rằng, việc xóa bỏ hết mọi hiểu lầm và những ấn tượng tiêu cực trong quá khứ vốn đã ăn sâu, và cuộc ‘hòa giải’ thực sự giữa người lương dân với giáo dân trong vấn đề Đạo Hiếu vẫn còn là một viễn ảnh xa xăm, nhưng xem ra, so với trước đây, đạo hiếu đang làm cho đạo-đời xích lại gần nhau hơn, vì tự bản thân, Đạo Hiếu rất gần với Đạo Chúa.

Chính thành kiến coi Đạo Chúa là một tôn giáo ngoại, tôn giáo của thực dân như trước đây đang dần dần được xóa bỏ. Nhờ đó, Đạo Chúa được nhìn với ánh mắt thiện cảm hơn trước. Việc sử dụng tiếng bản xứ trong Phụng vụ, từ sau Công đồng Vatican II thực sự đã thu hẹp một một khoảng cách vốn rất lớn. Giờ đây, Đạo Chúa không còn quá xa lạ với đồng bào Việt.

Cùng với đó, những khó khăn về cảm thụ văn hóa, điều mà người ta vẫn thường nói đến sự khác biệt giữa văn hóa nơi sứ điệp Tin mừng được hình thành, văn hóa của người rao giảng và văn hóa nơi tiếp nhận, vốn là một trở ngại rất lớn trong quá khứ đang dần được khỏa lấp, trong một thế giới đại đồng, một ‘thế giới phẳng.’ Hơn nữa, việc rao giảng Tin mừng hiện nay tại Việt Nam hầu như do người bản xứ đảm nhận nên sự khó khăn đó sẽ được giảm thiểu rất nhiều. Bên cạnh đó, việc để hiểu biết các nền văn hóa trong bối cảnh hiện nay cũng thuận lợi hơn trước kia. Điều này giúp dễ dàng tìm được những phương thức và phương thế phù hợp cho công cuộc hội nhập.

Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm, chú trọng của giáo quyền về vấn đề hội nhập văn hóa từ những thập niên gần đây cho đến nay qua các huấn thị, thông cáo, thư chung (1965, 1980, 2003, hậu Đại hội Dân Chúa 2010...), cũng như các cuộc hội thảo, vấn đề quan trọng này đã có thêm những đường hướng, chỉ dẫn cụ thể. Cùng với đó, sự dồi dào về ơn gọi linh mục, tu sỹ hiện nay cũng là một điều kiện thuận lợi, nhất là cho việc triển khai các đường hướng ấy vào các hoàn cảnh cụ thể.

Một điều kiện thuận lợi khác nữa là Giáo hội đang ngày càng có được ‘chỗ đứng’ quan trọng, uy tín trong lòng dân tộc. Trong công cuộc đấu tranh cho công lý, hòa bình, thực thi bác ái, Giáo hội Công Giáo dường như đang ở một vị thế tiên phong, là ‘điểm tựa’ đáng tin cậy của nhiều người thiện chí. Xem ra Công Giáo đang là tôn giáo có vị thế nhất trong xã hội Việt hiện nay.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay với nhiều những nhiễu nhương, các giá trị bị xuống cấp, lòng tin bị đánh cắp, một sự lên ngôi của ‘văn hóa sự chết’... thì chân lý Tin mừng có thể đang trở thành một hấp lực hơn bao giờ hết, để khỏa lấp những khát vọng khôn nguôi của một ‘tâm hồn đạo’ mà dù có chạy trốn người ta vẫn khó lòng chối bỏ. Vấn đề là, chúng ta có nỗ lực diễn tả sứ điệp Tin mừng để là một hấp lực như đáng có không?

Trong lĩnh vực nghệ thuật, vấn đề hội nhập văn hóa đã và đang được thể hiện đậm nét và mang lại nhiều kết quả. Việc sử dụng các loại hình nghệ thuật để diễn tả sứ điệp Tin mừng, cũng như áp dụng chúng vào bối cảnh phụng vụ, kiến trúc... không chỉ tạo nên những điểm gặp gỡ phong phú, ý nghĩa giữa Tin mừng và văn hóa nhưng còn giúp công cuộc hội nhập và truyền giảng Tin mừng một cách rất hữu hiệu.

Một nhà sử học Việt Nam đã từng nói: Nếu việc loan báo Tin mừng được “hội nhập văn hóa” hơn, thì những thế kỷ XVII - XVIII, Việt Nam đã trở thành một nước hầu như toàn tòng Kitô giáo.[7] Có thể không có được một cái nhìn lạc quan như thế trong bối cảnh hiện nay, nhưng một khi chúng ta nhận ra những khó khăn để tìm cách vượt qua và thấy được những thuận lợi để tận dụng thì chúng ta có quyền hy vọng về một kết quả khả quan hơn trong việc hội nhập văn hóa, tác vụ thiết yếu của loan báo Tin mừng, bên cạnh tác vụ đối thoại liên tôn.

 2. Đối thoại liên tôn

Trong một thế giới đại đồng, đối thoại liên tôn là điều cần thiết cho mọi tôn giáo, để cùng nhau tìm được tiếng nói chung trong việc phục vụ xã hội trần thế, xây dựng bầu khí hòa hợp và thực hiện mục đích tối hậu mà tôn giáo nhắm tới.[8] Tuy nhiên, phải sau Công đồng Vatican II, vấn đề đó mới được Giáo hội đề cập đến như một định hướng mục vụ. Sắc lệnh Ad Gentes và Tuyên ngôn Nostra Aetate cho chúng ta thấy tính cấp thiết của vấn đề. Vì, “mục đích của đối thoại liên tôn là cùng nhau khám phá và làm triển nở những yếu tố chân lý và ân sủng do sự hiện diện tiềm ẩn của Thiên Chúa nơi mọi tôn giáo,”[9] và đó “là một phần trong sứ mạng loan báo Tin mừng của Giáo hội.”[10]

Cho đến nay, tại Việt Nam, người ta vẫn chưa ghi nhận một cuộc đối thoại liên tôn chính thức nào, nhưng mới chỉ dừng lại ở những cuộc gặp gỡ mang tính trao đổi thông tin hơn là đối thoại. Tuy nhiên, đó có thể là bước khởi đầu để đi đến hiểu biết lẫn nhau và tiến tới đối thoại.[11]

Ngoài những vết thương quá khứ mang đậm tinh thần oán hận, chia rẽ, thậm chí là căng thẳng, đối kháng giữa các tôn giáo như Công Giáo và Phật giáo trước đây,[12] đang dần được chữa lành, thì trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, xem ra, các tôn giáo đang ngày càng tìm thấy tiếng nói chung trước các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội... Việc ‘cùng cảnh ngộ’ trước những chèn ép từ phía nhà cầm quyền hay những ‘ưu tư’ cho vận mệnh đất nước, những trăn trở trước tiền đồ dân tộc và các giá trị đạo đức truyền thống... có thể đưa các tôn giáo xích lại gần nhau hơn. Đặc biệt hơn, trong lĩnh vực từ thiện, bác ái, ta nhận thấy một tinh thần cộng tác, tương trợ, thân thiện rất đáng hy vọng giữa các tôn giáo. Đó sẽ là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự gần gũi, hiểu biết lẫn nhau và đi đến hợp tác cùng thăng tiến xã hội và phục vụ con người.

Trong đối thoại liên tôn, điều cần thiết là phải hiểu tôn giáo của mình cũng như tôn giáo mình đối thoại. Điều này đã có những bước tiến đáng kể so với trước đây, nhờ những tiếp xúc, thăm viếng, gặp gỡ và nhờ các phương tiện truyền thông. Việc tìm ra những điểm tương đồng, dị biệt để hiểu và tiến tới đối thoại là điều đã rất được chú ý tới.

Về phương diện chủ quan, Giáo hội đã có cái nhìn tích cực hơn trước đối với các tôn giáo khác, không chỉ nhìn nhận những giá trị chân lý như những “mầm Ngôi Lời” (thánh Justinô), mà còn các giá trị khác như luân lý, tinh thần... Một sự nhìn nhận như thế sẽ định hướng cho cách tiếp cận để tiến tới gặp gỡ, đối thoại.

Hơn nữa, Giáo hội Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến công tác đối thoại liên tôn, không chỉ ở cấp lãnh đạo tôn giáo mà còn có những hướng dẫn cho các tín đồ trong các hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn, Thư chung năm 1998, Thư mục vụ 2003 hay Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010...

Trong thời gian vừa qua, đã có những cuộc đối thoại liên tôn của cộng đồng người Việt ở hải ngoại diễn ra tại Hoa Kỳ. Cùng với những thuận lợi đang có và những nỗ lực để vượt qua những cản ngại hiện có, chúng ta hy vọng những cuộc đối thoại liên tôn sẽ diễn ra trong một tương lai không xa trên đất Việt, và mang lại những hoa trái thơm lành cho công cuộc loan báo Tin mừng.

Tóm lại, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đang chất chứa nhiều khó khăn, thách đố cho việc Hội nhập văn hóa và Đối thoại liên tôn, tuy nhiên, vẫn có đó những điểm sáng, tích cực, thuận lợi đáng cho ta hy vọng về một viễn tượng mới, tốt đẹp hơn cho các tác vụ quan trọng của công cuộc loan báo Tin mừng. Tìm những điểm tương đồng và gạt bỏ những dị biệt về văn hóa, tôn giáo, quan điểm chính kiến... là con đường hài hòa trong công cuộc loan báo Tin mừng thông qua nẻo hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn.

PM Lê Hùng, K.12
Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 11

[1] Theo Bài thuyết trình tại Đại hội Ủy ban Loan báo Tin mừng lần III (Huế, 01-04/9/2015) của ĐGM. Anphong Nguyễn Hữu Long là 6,93% (6.606.495/95.247.775), nhưng đúng ra là 7,28% (vì dân số Việt Nam, theo Cục Thống Kê, tính đến cuối năm 2014 là 90.728.900, chứ không phải là 95.247.775).
[2] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Ecclesia In Africa, 1995, trích trong ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa Và Đối Thoại Liên Tôn, Đcv. Vinh Thanh, 2015, 58.
[3] Ibid, 60.
[4] Đỗ Quang Chính, SJ., Tản mạn lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, 38.
[5]X. “Đã công khai cả những điều từng cấm kỵ,” http://vietnamnet.vn. Truy cập ngày 15/1/2017.
[6]X. Góp ý chuẩn bị THĐGM Á châu, 1998, Trung tâm Nguyễn Trường Tộ Định hướng tùng thư 1998.
[7] X. Thái Sơn, “Ngẫm nghĩ về cuộc nhập thể văn hóa của Giáo hội Việt Nam,” trong Thời sự Thần học - số 10, 12/1997.
[8] X. Phêrô Nguyễn Văn Ninh, “Khó Khăn Của Việc Hội Nhập Văn Hoá Và Đối Thoại Liên Tôn Trong Bối Cảnh Việt Nam,” trong Tập san Đức Tin & Văn Hóa, số 7, ĐCV. Vinh Thanh, 5/2016, 89.
[9]Ad Gentes 9.
[10] ĐGH. Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, số 55.
[11]X. Lm. Giuse Nguyễn Hữu An, Hội Ngộ Liên Tôn Lần Thứ Năm Tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn, http://gpphanthiet.com, truy cập ngày 15/12/2015.
[12] X. Pierre Gheddo, Catholiques et Bouddhistes au Vietnam, Ed. Alsatia diffusion, Paris, 1970, tr. 296.298 (dẫn theo bài Hướng dẫn của các Giám mục Việt Nam về việc Đối thoại liên tôn của Lm. Tâm Giao, Hiệp Thông 67 Bản Tin của HĐGM Việt Nam, 9 & 10/2011, 55-66.
 
Nguồn tin: