Nói, Làm Và Sống – Chứng Nhân

Thu,21/03/2019
Lượt xem: 5088

Chứng nhân là người mắt thấy, tai nghe những điều đã xảy ra, và làm chứng là kể lại một cách trung thực những điều mục kích. Người Kitô hữu là người đã ‘chiêm quan’ bằng đức tin những lời Chúa dạy, những việc Chúa làm, và họ có bổn phận loan truyền những điều đó. Đây cũng là bổn phận không thể thoái thác của người Kitô hữu. Họ phải nhiệt tâm, hăng say chia sẻ cho người khác biết không phải là một mớ lý thuyết suông, nhưng tiên vàn là một lẽ sống mà chính bản thân họ đã cảm nếm, đã sống.

Sức mạnh của lời chứng trước hết qua chính cuộc sống của người làm chứng. Người làm chứng khác với thầy dạy, cũng khác với một nhà tuyên truyền, hay một cán bộ. Chứng nhân của Chúa Kitô thì coi cả cuộc đời mình là một cuộc đời làm chứng, lời chứng và việc làm hòa quyện, trở nên một với nhau. Còn thầy dạy, hay một cán bộ tuyên truyền, họ chỉ thực thi bổn phận truyền đạt (diễn đạt lại) một mớ tri thức, hay lý thuyết, chủ trương, chính sách mà thôi. Họ không sống, không đồng hóa đời mình với những gì họ dạy hay tuyên truyền[1]. Đối với người môn đệ của Chúa Kitô, chứng nhân là người xác tín những điều mình đã quan chiêm, sống những điều mình dạy, và sẵn sàng chết để minh định cho điều mình rao giảng. Người làm chứng ‘không lựa chọn đối tượng hay môi trường’, nhưng mọi lúc, mọi nơi, dù thuận tiện cũng như không thuận tiện (2 Tm 4,2), họ đều có thể làm chứng bằng chính cuộc sống của mình. Vì ở đầu và lúc nào cũng có người đang chờ đợi dấu chứng của chứng nhân: “Phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát”[2]. Là Kitô hữu, mỗi người cần ý thức: “Bằng đời sống xây dựng trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng: Người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt”[3]. Để có thể trở thành chứng nhân cần phải: “Khởi phát từ ân huệ Chúa ban, được công nhận, được nuôi dưỡng và dẫn tới trưởng thành”[4].

Việc liên kết giữa lời rao giảng với đời sống dệt nên cuộc sống của người làm chứng: “Phương thức thứ nhất để rao truyền Phúc Âm chính là làm chứng bằng một cuộc sống Kitô hữu đích thực”[5]. Có thể diễn đạt nôm na như sau: Anh nói đạo anh là đạo thật, là con đường cứu độ, không hạ giá con người, trái lại hết sức đề cao phẩm giá con người. Đạo anh chủ trương bác ái, công bình, liên đới, hòa bình…thì anh cứ sống như lời anh nói đi, chúng tôi sẽ thấy và kiểm chứng lời nói của anh qua cuộc sống của anh, nhờ đó mà chúng tôi tin[6].

NÓI, LÀM, SỐNG là ba phương cách làm chứng, trong đó làmsống mang lại hiệu năng cao nhất. Vì ai cũng biết: nói thì dễ mà làm và làm thì khó, mà sống lại càng khó hơn. Chính qua việc làm và đời sống khiến cho lời mình nói đáng tin hơn. Ngay cả khi chưa nói, hay chưa làm được một số điều nào đó thì qua việc sống những đức tính: ngay chính, trung thực, yêu thương, bác ái, thân thiện…cũng chính là lời chứng cho những điều mình muốn nói, muốn làm là gì rồi. Làm chứng bằng cuộc sống, bằng hành động cụ thể là một lời rao giảng tuy thầm lặng nhưng mang lại hiệu quả tối ưu, và người nghe cũng dễ đón nhận, nhất là đối với con người thời nay:

1o. Thời đại khoa học kỷ thuật và lối sống thực dụng, người ta nhạy cảm với việc làm mà dị ứng với lời nói suông, hay là một mớ lý thuyết rất lý tưởng, mà bản thân người truyền đạt đã không sống những điều họ nói.

2o: Trong một thế giới giải thiêng và tục hóa như ở xã hội Việt Nam chẳng hạn, tôn giáo bị đẩy ra bên lề cuộc sống, coi đó như một chuyện riêng tư không liên can gì tới tôi…thì việc rao giảng Tin Mừng không phải là dễ làm bất cứ lúc nào và ở đâu cũng được.

Nói tới đây, tôi lại ngẫm tới câu nói của Mahatma Gandhi nói với các nhà truyền giáo Công Giáo rằng: “Hãy để cho đời sống các ngài nói với chúng tôi như đóa hoa Hồng không cần ngôn ngữ mà chỉ đơn sơ để cho hương thơm của mình tỏa lan. Cả người mù dù không thấy hoa Hồng mà vẫn nhận ra được mùi thơm của nó. Hãy để chúng tôi nghĩ tới sự cao cả của nhân dân các ngài khi họ tỏa hương thơm đời sống. Đối với tôi đó là tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả những gì tôi muốn họ làm, là sống đời sống Kitô hữu chứ không phải là chú giải nó”[7].

Thật vậy, giữa sa mạc cằn cỗi, một cụm cỏ hay một cành hoa dại là cả một bầu trời hy vọng cho những người lạc bước. Giữa sa mạc nóng cháy, một tiếng suối róc rách là cả một nguồn hy vọng tràn dâng cho những ai đang khát…Giữa một xã hội khô cằn tình người, giữa một xã hội mà những giá trị tinh thần và đạo đức bị bóp nghẹt, thì chứng từ của người Kitô hữu khẩn thiết hơn bao giờ hết. Giữa biển khơi mù mờ, có biết bao người chới với đang cần một chiếc phao của chữ tín, của lòng thành, của sự quảng đại, thứ tha.

Giữa đại dương của sự nghi ngờ, giải thiêng, tục hóa… người Kitô hữu phải sống gương chứng nhân sáng ngời cho tình yêu của Chúa Kitô tỏa rạng, để con người ngày nay có thể chân nhận và nói: Niềm tin vào cuộc sống, ý nghĩa của cuộc đời vẫn còn cháy sáng giữa xã hội. Người tín hữu phải sống thế nào để người ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người. Người tín hữu phải sống thế nào để người ta có thể nói: con người vẫn có thể yêu thương nhau và sống cho nhau. Người Kitô hữu phải sống thế nào để người ta có thể nói: Tôn giáo không là thuốc phiện mê hoặc quần chúng, nhưng là sức mạnh để cải biến xã hội[8].

Ước mong rằng, mỗi người Kitô vừa là một dấu chứng, vừa là một chứng nhân cho Chúa Kitô không chỉ bằng nói mà bằng chính việc làm, và nhất là qua chính cuộc sống của mình, “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). 

Joseph Lịnh Nguyễn K.X   

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 03 


[1] Họ nói mà không làm, họ chỉ truyền đạt kiến thức, một mớ lý thuyết suông là nghề của họ chứ không phải là cuộc sống của họ.

[2] THÁNH CÔNG ĐỒNG VATICANO II, (Phân khoa thần học Giáo Hoàng học viện thánh Pio X chuyển dịch), 1972,  HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ GIÁO HỘI (Lumen Gentium), s 10, 12

[3] BENEDICTO XVI, Ban huấn từ cho các Giám Mục Việt Nam trong chuyến Ad limina ngày 27/6/2009

[4] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Ki tô hữu giáo dân (Christifideles laici), s 24

[5] PHAOLÔ VI, Tông huấn loan báo Tin Mừng, s 21 và 41

[6] Lm NGUYỄN HỒNG GIÁO , O,F,M, Đạo trong đời, Học viên Phanxico, 11/2005, t 254.

[7] Lm NGUYỄN HỒNG GIÁO , O,F,M, Đạo trong đời, Học viên Phanxico, 11/2005, t 255.

[8] Lm LÊ QUANG UY, DCCT, Tha thứ, 110-111

Nguồn tin: