Phác Họa Một Giáo Xứ Truyền Giáo Cho Linh Mục Quản Xứ Tại Giáo Phận Vinh

Mon,25/03/2019
Lượt xem: 3409

Lời mời gọi của Thầy Chí Thánh luôn vang dậy nơi mọi người : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20), và “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được ơn cứu độ, còn ai không tin sẽ bị kết án.” (Mc 16, 5). Thế nhưng, thử hỏi chúng ta đã thật sự đáp lại và đã nhanh chóng thi hành lời mời gọi đó chưa? Quả thật, lời mời gọi lên đường của Đức Ki-tô không chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ mà thôi, nhưng đây là lời mời gọi phổ quát cho hết thảy mọi người. Ai cũng nghe thấy lời mời gọi đó, nhưng để thực hiện và lên đường dấn thân để đem Chúa đến với muôn dân là một việc làm hết sức khó khăn đối với mọi người. Phải chăng mọi người chưa được đào sâu đức tin? Phải chăng do không có những cách thức truyền giáo cụ thể? Liệu phương cách truyền giáo đóng một vài trò tiên quyết trong công cuộc truyền giáo? Vậy, để công cuộc truyền giáo sinh lại được nhiều hoa trái, sau đây chúng ta cùng nhau phác họa ra một giáo xứ truyền giáo trong thực tiễn. Chúng ta sẽ lần lượt nêu lên những cách thức truyền giáo của một linh mục trong giáo xứ. Tại sao giáo dân chưa thật sự hiểu biết và coi trọng công việc truyền giáo? Phải chăng họ chưa được ai gây dựng ý thức cũng như giúp họ hiểu biết về vai trò và trách nhiệm của mình trong công cuộc truyền giáo. Vì thế, việc đầu tiên của Cha quản xứ là phải gây ý thức truyền giáo cho giáo dân của mình.

1.  Gây ý thức truyền giáo cho giáo dân trong giáo xứ

Là người được tuyển chọn giữa muôn dân để ban phát ơn thánh cho mọi người, linh mục được mời gọi đến với mọi người để cùng sống và phục vụ mọi người hầu đưa mọi người đến với Chúa và đem ơn cứu độ của Ngài đến với mọi người. Do đó, để công cuộc truyền giáo được tiến triển, tiên vàn linh mục phải gây ý thức truyền giáo ngay trong giáo dân của mình. Ngài phải làm sao giúp cho giáo dân hiểu được bổn phận và trách nhiệm trong công cuộc truyền giáo. Vì “Tự bản chất, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Chúa Cha”[1], nên mọi người thuộc về Đức Ki-tô phải là những chứng nhân sống động để loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô cho muôn dân. Hiểu được như vậy, linh mục thường xuyên giảng dạy không chỉ trên tòa giảng, mà ngài còn phải tổ chức các kỳ tĩnh tâm, các buổi nói chuyện chuyên đề về truyền giáo; chiếu những bộ phim liên quan đến truyền giáo; mời các chuyên gia về thuyết trình các chủ đề truyền giáo hầu giúp giáo dân nắm rõ được ý nghĩa và bổn phận của mình về sứ vụ đó. Đồng thời, giúp họ hiểu được rằng công việc truyền giáo không chỉ dành riêng cho các giáo sĩ, các tu sĩ, các nhà chuyên môn mà truyền giáo là trách nhiệm chung của mọi người. Đây là điều mà Sắc lệnh truyền giáo đã nhắc nhở: “các nhà truyền giáo như những cộng tác viên của Thiên Chúa, phải gầy dựng những cộng đoàn tín hữu sao cho họ biết sống xứng đáng ơn gọi của mình, để họ có thể thi hành những chức vụ đã được Chúa trao phó cho họ: đó là chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả. Nhờ cách đó, cộng đoàn Ki-tô hữu trở thành dấu chỉ nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian”.[2] Mặt khác, linh mục cần hướng dẫn và giảng dạy nhằm giúp cho giáo dân biết sống yêu thương và đoàn kết. Phải chăng đây là cách thức truyền giáo ngay trong giáo xứ của mình? Và chính nhờ lối sống đó của giáo dân mà mọi người lương xung quanh có thể nhận ra được hình ảnh Đức Ki-tô thật sự. Đây là cách thức làm chứng thật sự như lời Đức Ki-tô đã phán: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”(Ga 13, 15). Và Sắc lệnh Truyền giáo cũng nhấn mạnh rằng: “mọi ki-tô hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và lời chứng để biểu dương con người mới họ đã mặc lấy nhờ phép Rửa, và biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần họ đã được củng cổ nhờ phép Thêm sức, để người khác nhìn thấy những việc lành của họ mà ngợi khen Chúa Cha”.[3] Quả thật, người bên lương sẽ nhận ra được Chúa của người công giáo nếu người công giáo sống tốt ngay trong môi trường sống của mình. Phải chăng đây là cách thức truyền giáo thiết thực mà linh mục phải luôn nhắc nhở, cổ vũ và thúc giục giáo dân của mình năng thực hiện? Điều này cũng phụ thuộc nơi vai trò của người linh mục. Nhưng đâu là vai trò của người linh mục quản xứ?

2. Vai trò của linh mục quản xứ

Là người được cắt đặt lên để coi sóc mọi người và hướng dẫn mọi người về với Chúa, linh mục có một vai trò vô cùng quan trọng trong công việc mục vụ của mình tại giáo xứ. Có thể nói rằng linh mục là nhà truyền giáo tiên khởi trong giáo xứ. Do đó, để công việc truyền giáo tại giáo xứ thành công và thu gặt được nhiều kết quả, linh mục cần tìm hiểu kỹ càng nét văn hóa, lối sống của giáo dân tại giáo xứ mình được giao nhiệm vụ coi sóc. Đây là bước đầu tiên khi về nhận xứ. Linh mục chớ vội vàng làm gì khi chưa tìm hiểu rõ ràng về địa lý cũng như về con người trong giáo xứ. Ngài cần hội nhập văn hóa tại nơi mà ngài phục vụ. Đây là phương thức dễ dàng để truyền giáo. Vì một khi đã tìm hiểu và hội nhập được các nét văn hóa tại giáo xứ mà mình coi sóc, linh mục sẽ gần gũi và phục vụ giáo dân của mình một cách tận tình. Ngoài vai trò giảng dạy và cử hành các nghi thức phụng vụ, linh mục cần đến với giáo dân qua việc xức dầu bệnh nhân; qua việc thăm hỏi, chia sẻ những nỗi mất mát của giáo dân. Linh mục được kêu gọi sống như lời nhắc nhở của Thánh Phaolô: “…Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15). Bên cạnh những con chiên của mình, linh mục cũng cần đến với những người lương sống gần giáo dân mình. Ngoài ra, linh mục luôn luôn thể hiện đúng vai trò vị mục tử hy sinh vì đoàn chiên: ngài không dùng tòa giảng để mạt sát, nạt nỗ hay gắt gỏng con chiên mình cũng như một ai khác, thay vì làm như vậy, ngài luôn luôn giảng dạy và giải thích Lời Chúa cho mọi người để mọi người hiểu được Lời Chúa để sống tốt trong bổn phận của mình. Hơn nữa, ngài cần sống khiêm nhường, nghèo khó và can đảm dấn thân trong công việc mục vụ của mình. Linh mục phải sống làm sao để thể hiện khuôn mặt của Đức Ki-tô, Đấng đầy yêu thương và nhân từ. Như vậy, phải chăng cách sống của linh mục là một cách thức truyền giáo rõ ràng và thiết thực nhất cho mọi người không chỉ riêng người công giáo, mà ngay cả người bên lương xung quanh địa hạt của ngài. Ý thức được điều đó, linh mục cần can đảm sống chứng tá và hy sinh quên mình để phục vụ mọi người mà chính Chúa và Giáo Hội đã giao phó. Chính vì thế, để công cuộc truyền giáo tại giáo xứ được kết quả, linh mục cần có những cách thức truyền giáo cụ thể và thực tiễn? Và đâu là những cách thức truyền giáo thực tế trong giáo xứ? Chúng ta sẽ cùng nhau nêu lên một số cách thức đó dưới đây.

3. Những cách thức truyền giáo cụ thể trong giáo xứ

3.1. Nên chăng đưa chương trình truyền giáo vào trong chương trình học giáo lý

Tại Giáo Phận Vinh, chương trình này chưa có, nhưng thiết tưởng đây là vấn đề cần thiết và quan trọng để giúp cho các em nhận chân được rõ ràng về tầm quan trọng của công cuộc truyền giáo, từ đó các em ý thức hơn trong cách sống của mình. Vì thế, mỗi tuần cha xứ nên quy định phải có một tiết học về sứ mệnh truyền giáo, vì học giáo lý không chỉ để giữ đạo, để được lên thiên đàng nhưng phải làm sao qua việc học giáo lý, giúp các em biết sống chứng tá giữa đời thường, biết dấn thân phục vụ và chia sẻ với người khác về Đức Ki-tô. Để các em dấn thân đi rao giảng, cần phải được đào tạo và có chương trình cụ thể. Để được đào tạo và có chương trình, cần tổ chức các giờ học và cần có người đào tạo. Từ đó, giúp các em hiểu rõ được truyền giáo và nhận ra được bổn phận truyền giáo của mình.

3.2. Thành lập các hội đoàn

Ai đó đã nói “người lãnh đạo giỏi không có nghĩa là làm tất cả mọi việc, mà là người biết san sẻ công việc cho người khác”. Cũng vậy, một cha xứ giỏi không có nghĩa là ngài có thể ôm tất cả mọi việc trong giáo xứ, nhưng ngài phải biết chia sẻ với người khác bằng cách thành lập các hội đoàn: Hội Đồng Mục vụ giáo xứ, Hội Legiô, Hội Khôi Bình, Gia đình Thánh Tâm, Hội Thiếu Nhi Thánh Thể…Như đã nói trên, linh mục là nhà truyền giáo đầu tiên trong giáo xứ, nhưng không có nghĩa là không cần ai nữa, ngài cần có nhiều người cộng tác đắc lực trong công tác mục vụ, nhất là trong công cuộc truyền giáo. Có thể nói các hội đoàn là những đội ngũ nòng cốt trong việc truyền giáo. Vì họ là những người đã sinh sống rất lâu trên địa bàn của giáo xứ, nên họ hiểu biết rất rõ nền văn hóa vùng, xóm trong giáo xứ. Chính vì thế, linh mục cần quan tâm và sử dụng họ như là những cánh tay đắc lực trong công cuộc truyền giáo của giáo xứ. Ngài cần hỗ trợ, động viên và khích lệ họ về tinh thần cũng như vật chất để họ can đảm dấn thân trong môi trường mình sống. Nhất là linh mục cần tổ chức các buổi nói chuyện, tĩnh tâm và chia sẻ những đề tài chuyên môn nhằm giúp giáo dân ý thức mạnh mẽ trách nhiệm về vai trò tông đồ giáo dân của họ, hầu họ có thể mang Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người chưa có niềm tin. Cũng chính nhờ các buổi gặp gỡ chia sẻ với nhau trong các hội đoàn, họ có thể tìm ra được đâu là phương cách hoạt động tông đồ cho dân ngoại; đâu là điểm thuận lợi và khó khăn trong sứ vụ truyền giáo để cùng nhau giải quyết và hỗ trợ lẫn nhau để mệnh lệnh của Chúa được thực hiện trọn vẹn.Đặc biệt, linh mục đưa vào các hội đoàn phong trào “Lectio Divina”, tức là trong các buổi họp, gặp gỡ và chia sẻ, cần đưa Thánh Kinh vào trong đó để Lời Chúa luôn là ánh sáng và là điểm tựa để họ chọn lựa công việc. Cũng qua đó, giúp cho họ hiểu sâu hơn về Lời Chúa và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Và qua cuộc sống của họ, tức là “hữu xạ tự nhiên hương”, mọi người có thể nhận ra được hình ảnh đích thực của Đức Ki-tô.Ngoài ra, linh mục cần chủ tâm đào tạo đội ngũ truyền giáo trong giáo xứ, nhất là việc huấn luyện cho các giáo lý viên. Đây là những người có nhiệm vụ rất lớn trong việc truyền đạt những kinh nghiệm cũng như kiến thức cho các em học sinh vì “số giáo sĩ ít ỏi không đủ để rao giảng Phúc Âm cho quần chúng quá đông đúc cũng như để thi hành mục vụ.”[4]. Họ là những người cộng tác đắc lực của cha quản xứ trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

3.3. Đề cao phong trào giới trẻ

Để công cuộc loan báo Tin Mừng được ngày càng phát triển, thiết tưởng linh mục không nên bỏ qua thành phần giới trẻ trong giáo xứ. Họ là những người đang hoạt động ở mọi môi trường: công ty, trường học, nhà máy…Chính vì thế, linh mục cần tổ chức các buổi gặp gỡ, giảng dạy và mời các chuyên gia về truyền giáo để chia sẻ về những kinh nghiệm cũng như cách thức truyền giáo cho các bạn trẻ, hầu để các bạn trẻ cũng trở nên men, muối giữa môi trường mình sống.  Ngoài ra, linh mục cũng cần tạo các sân chơi cho các bạn trẻ hầu giúp các bạn trẻ tránh được các tệ nạn đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, linh mục cần cổ vũ và khuyến khích các bạn trẻ quảng đại dấn thân bước theo Đức Ki-tô để trở nên những người thả lưới người cho Đức Ki-tô.

3.4. Nên chăng cần tính đến vấn đề tài chính cho công cuộc truyền giáo

Đây là vấn đề hết sức tế nhị nhưng lại là vấn đề đầu tiên và thiết thực cho công việc mục vụ tại giáo xứ, nhất là cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Chính vì thế, để có thêm ngân quỹ cho công việc mục vụ trong giáo xứ, linh mục nên thống nhất với giáo dân để có một chương trình cụ thể, tức là mỗi tháng mỗi người giáo dân đóng vào ngân quỹ 1000 đồng. Mặc dù không nhiều nhưng đây là cách làm nhằm gây ý thức cho người giáo dân về trách nhiệm xây dựng giáo xứ cũng như quan tâm đến vấn đề truyền giáo. Bên cạnh đó, linh mục có thể quy tụ những người làm ăn giỏi trong giáo xứ để thành lập giới doanh nhân. Vì họ là những người có thể đóng góp lớn hơn trong giáo xứ. Tất cả những việc làm đó nhằm tạo được số ngân quỹ cho giáo xứ hầu tạo điều kiện cho giáo xứ đi thăm viếng người nghèo, già cả, bệnh tật…lương cũng như giáo. Để công việc được thành công và có kết quả tốt, hàng tháng hay một thời gian nào đó, linh mục có thể tổ chức các khóa huấn luyện để chỉ dẫn cho họ về đạo đức nghề nghiệp để qua đó họ cũng là những chứng tá Tin Mừng cho mọi người. Phải chăng đây cũng là việc làm thiết thực mang tinh thần truyền giáo?

3.5. Cần đối thoại trong sứ vụ Truyền giáo

Nguyên tắc tâm lý mục vụ cần tuân theo là: “hễ có gì thì nghe nhau mà giải quyết”. Linh mục phải là người tiên phong thực hiện nguyên tắc này. Ngài phải là mẫu gương trong việc lắng nghe và chia sẻ với người khác. Cho nên, trong khi giảng dạy, linh mục cần tạo cho giáo dân biết đối thoại với nhau, nhất là giúp họ biết chia sẻ và đối thoại với những người lương dân. Do có nhiều yếu tố chủ quan đã làm cho tình liên đới giữa lương với giáo bị rạn nứt, không muốn nói là thù hận nhau, nên linh mục cần giúp giáo dân vượt ra khỏi lũy tre làng, khỏi lối sống khép kín để đi đến với những người đang sống bên cạnh mình chưa nhận biết đức tin. Linh mục có nhiệm vụ giúp giáo dân mình biết tôn trọng, cởi mở và biết chấp nhận những khác biệt nơi những người lương dân. Linh mục cần hướng dẫn giáo dân thay vì sống thành kiến, cãi cọ, hay thậm chí đấu đá nhau, thì hãy sống yêu thương và đối thoại với nhau để cùng nhau phát triển tình làng nghĩa xóm. Qua những cử chỉ thân thiện đó, biết đâu Chúa sẽ đánh động những người lương dân và họ có thể trở nên những con chiên lạc đàn trở về cùng một đàn chiên và cùng một Chủ chiên. Phải chăng đây cũng là cách thức truyền giáo cần phải ý thức và quan tâm hơn?

3.6. Nên chăng linh mục cần tổ chức các buổi dạy và học văn hóa trong giáo xứ

Phải chăng công cuộc truyền giáo còn được thể hiện rõ nơi việc tổ chức các lớp dạy và học văn hóa trong giáo xứ? Quả thật, linh mục cần tổ chức các buổi học văn hóa miễn phí ngay trên địa bàn giáo xứ trong các dịp hè cho con em trong giáo xứ cũng như cho cả con em bên lương. Linh mục có thể mời các bạn sinh viên trong nước cũng như nước ngoài, lương cũng như giáo để giúp các chương trình hè này. Qua đó, linh mục có thể giúp anh chị em sinh viên cũng như các em có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau nhằm gầy dựng được mối thân tình lương giáo cho các em. Đặc biệt, trong quá trình dạy và học đó, linh mục có thể tạo ra những buổi giao lưu, chia sẻ và qua đó có thể lồng ghép hay giới thiệu hình ảnh Đức Ki-tô diệu hiền của người công giáo. Nếu làm được như vậy, thiết tưởng đây là cách truyền giáo rất hiệu quả.

3.7. Tổ chức các buổi giao lưu

Hầu như trong các giáo xứ trên địa bàn Giáo Phận Vinh đều có người lương sinh sống. Vì do chiến tranh cũng như có nhiều tuyên truyền không tốt về những người công giáo, nên bà con lương dân có một cái nhìn không mấy thiện cảm đối với người công giáo. Hiểu được điều này, linh mục cần tạo sự gần gũi và quan tâm giữa người công giáo đối với người lương qua việc tổ chức các buổi giao lưu giữa người công giáo và bà con bên lương. Chẳng hạn: giao lưu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn…Trong các dịp lễ lớn, như lề Chầu lượt, đặc biệt là lễ Noel, giáo xứ có thể mời bà con bên lương tham gia các tiết mục giao lưu văn nghệ. Hơn nữa, cũng trong các ngày lễ này, bà con công giáo có thể mời bà con bên lương đến để dự lễ và ăn tiệc mừng. Qua những việc làm này, chúng ta có thể tạo được mối dây thân tình giữa giáo và lương. Và cũng qua đó, bà con bên lương sẽ có một cái nhìn đúng và thân thiện hơn về người công giáo, và rào cản bấy lâu nay giữa lương và giáo sẽ bị chặt phá bởi những lần giao lưu và gặp gỡ trong tình liên đới này. Phải chăng đây là cách thức mang Chúa đến cho người khác một cách thiết thực và hiệu quả?

3.8. Bảo vệ môi trường

Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhấn mạnh rằng ngày nay “bảo vệ môi sinh là một bổn phận luân lý vì liên hệ đến sự sống và phẩm giá của hằng triệu người, trong hiện tại cũng như tương lai”. Vì thế “các mục tử nên tổ chức những khóa học về môi sinh cùng với những hướng dẫn cụ thể trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của người dân địa phương”[5]. Chính vì vậy, trong giáo xứ của mình, vào các ngày Chúa nhật chẳng hạn, linh mục quản xứ nên cổ võ và phát động giáo dân trong giáo xứ, nhất là khuyến khích các em học trò, thiếu nhi cùng với các bạn bên lương tham gia thu gom và làm vệ sinh môi trường trong toàn giáo xứ cũng như những nơi công cộng. Bên cạnh đó, cha quản xứ có thể phát động bà con trong giáo xứ cùng với bà con lương dân làm những công việc công ích như làm đường, sửa nhà cho người nghèo, hoặc tham gia các hoạt động bài trừ các tệ nạn xã hội…Qua những công việc công ích này, mối thân tình giữa bà con giáo lương được gắn bó hơn, và cũng là cơ hội cho những người công giáo làm chứng nhân cho Chúa đối với người bên lương.

3.9. Phải chăng thăm viếng cũng là cách thức mang Chúa đến cho người khác?

Việc thăm hỏi những người lương dân, nhất là những người bệnh tật, neo đơn, nghèo khổ,..là công việc truyền giáo hiểu theo nghĩa rộng. Đó là việc làm của mọi người Ki-tô hữu. Nhưng Cha quản xứ luôn phải là người đi đầu trong công tác này. Chẳng hạn: vào các ngày lễ nghỉ, Tết và các dịp thuận tiện khác, như chúng ta đã nói ở trên, ngài nên thăm từng gia đình con chiên trong giáo xứ mình, và rất tốt nếu ngài có thể tổ chức và dẫn đầu giáo dân mình viếng thăm các gia đình lương bên cạnh giáo xứ của mình. Qua những hành động gần gũi và thân thương này, tin chắc rằng Chúa sẽ đánh động tâm hồn mọi người, nhất là đối với những người lương dân. Đây là một việc truyền giáo thiết thực mà mỗi linh mục quản xứ cũng như mọi người nên lên đường thi hành ngay.

3.10. Làm việc từ thiện – bác ái

Đức Bênêđictô khẳng định trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu: “việc thực thi bác ái đối với các goá bụa và trẻ mồ côi, các tù nhân, các bệnh nhân và người túng thiếu dưới mọi hình thức thuộc về bản chất của Giáo hội cũng y như việc phục vụ bí tích và rao giảng Tin mừng”[6] . Chính vì vậy, Cha quản xứ phải ý thức tầm quan trọng của vần đề này, đồng thời giúp cho bà con giáo dân hiểu thấu giá trị của việc từ thiện – bác ái Ki-tô giáo. Phải chăng trong giáo xứ cha xứ nên có những hoạt động cụ thể như phát thuốc khám chữa bệnh, trao quà, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ phát triển kinh tế cho các gia đình khó khăn ở trong địa bàn giáo xứ cả giáo lẫn lương. Đây quả thật là một việc làm thiết thực, nhưng chắc chắn rằng nó sẽ bị hạn chế và khó khăn vì nó đòi hỏi phải có ngân quỹ lớn trong giáo xứ. Do đó, để tạo được nguồn lực ổn định trong giáo xứ, cha quản xứ cần kêu gọi sự đóng góp từ các nhà hảo tâm cũng như các tổ chức từ thiện khác. Qua những việc làm từ thiện này, mọi người, nhất là đối với người bên lương sẽ có cảm tình với người công giáo. Đây không phải là một việc làm truyền giáo đúng nghĩa chăng?

3.11. Mỗi gia đình kết thân với một gia đình lương dân (theo mô hình của Giáo Hội Hàn Quốc)

Như chúng ta đã có lần đề cập tương quan giữa người công giáo và người lương không mấy tốt đẹp tại các giáo xứ. Ngoài các việc làm như chúng ta đã nói, việc kết thân với một gia đình bên lương là một việc làm hết sức mới mà tại Giáo Hội Hàn Quốc đã làm và đã rất thành công. Tại Việt Nam, nhất là ở Sài gòn đã có một số giáo xứ theo mô hình này và cũng đã thu được nhiều kết quả cao. Chính vì thế, cha quản xứ có thể phổ biến và giúp cho giáo dân mình hiểu được điều này và có thể phát động phong trào này ngay trong giáo xứ của mình. Cụ thể, mỗi gia đình công giáo có thể nhận kết nghĩa một gia đình bên lương nhằm tạo mối dây thân tình và để cho người lương hiểu rõ hơn về người công giáo. Vì thế, để tạo được mối dây thân tình và sự hiểu biết lẫn nhau, người công giáo cần có sự giúp đỡ, gắn kết cũng như thường xuyên thăm viếng những gia đình mình nhận kết nghĩa. Đồng thời, vào các dịp lễ lớn, người công giáo nên mời các gia đình bên lương đến tham dự lễ và tham dự tiệc vui nơi gia đình mình để tạo được quan hệ mật thiết giữa hai gia đình. Từ đó, người lương có một cái nhìn thiện cảm hơn về người công giáo. Có thể cũng nhờ đó mà họ theo người công giáo tin mà vào Đức Ki-tô.

3.12. Hôn nhân khác đạo

Vấn đề lấy người khác đạo ngày nay đã trở nên phổ biến ở giáo xứ. Lắm lúc nó là một vấn đề nhức nhối khi chính người lương không theo đạo hay lấy được vợ rồi bỏ đạo; hoặc tệ hơn nữa là bắt người Công giáo bỏ đạo. Vậy trong một giáo xứ, cần làm gì để có thể truyền giáo bằng con đường này.Nam giáo lấy nữ lương: thường thì những cặp hôn nhân này thành công, đôi khi người con gái trở theo đạo lại trở thành một Kitô hữu tốt. Tuy nhiên, muốn được như thế, phía người nam cần phải là một người gương mẫu, nhờ thế người vợ có thể nhìn thấy và có cảm tình với đạo.Nữ giáo lấy nam là người lương: Đa phần những trường hợp này đều bị cha mẹ phản đối và cấm đoán kịch liệt. Bởi vì hầu hết các cặp hôn nhân này đều có những kết cục không như mong muốn. Tuy nhiên, nếu như không còn cách nào khác hơn khi phải để cho con cái mình lấy người lương thì cha mẹ nhất là cha xứ phải hết sức lưu tâm nâng đỡ tinh thần, động viên, khích lệ nhất là trang bị cho con cái mình một hành trang tốt về đời sống đạo đức, để qua cuộc sống của mình mà người ta có cảm tình với đạo. Thực tế cho thấy, nhiều bà mẹ cũng đã gây được cảm tình về đạo cho con rể của mình. Về phần cha xứ, khi cặp đôi này đến thưa trình cần biết bình tĩnh nghe họ nói, hầu tạo một bầu khí thân thiện, đượm tình mục tử, không nên nổi nóng. Sau khi cưới rồi, nếu được cha xứ thỉnh thoảng nên viếng thăm sẻ chia.

3.13. Cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo 

Công cuộc truyền giáo không chỉ chạy theo những hoạt động bên ngoài mà thôi, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải đi sâu vào đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, vì không có Chúa thì chúng ta không làm được gì. Mọi hoạt động bên ngoài có vẻ thành công nhưng nếu không có đời sống cầu nguyện thì không mang lại kết quả gì. Vì thế, Cha quản xứ phải luôn luôn nhắc nhở và cần có chương trình cụ thể để giúp giáo dân năng cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo: như tổ chức các giờ Chầu Thánh Thể, thống nhất một ngày trong tuần để cầu nguyện cho sứ vụ loan báo Tin Mừng; có thể sau thánh lễ mỗi ngày toàn thể giáo xứ đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng và một Kinh Sáng Danh để cầu nguyện cho việc truyền giáo.

3.14. Tổ chức các ngày lễ công giáo một cách long trọng khi có người bên lương tham dự cũng là một dịp để mở mang Nước Chúa

Các ngày lễ công giáo thường có sự tham dự đông đảo của các bạn bên lương: như lễ cưới, lễ Noel và lễ An táng. Đây là dịp thuận tiện cho Cha quản xứ cũng như bà con giáo dân làm chứng tá cho người bên lương. Trong các dịp này, Cha xứ nên soạn những bài giảng thật hùng hồn và thiết thực làm sao để không chỉ cho bà con giáo dân mình thấm nhuần, nhưng ngay cả những người bên lương tham dự cũng nhận được giá trị tuyệt hảo về đạo công giáo. Có thể qua cách thức tổ chức các thánh lễ cũng như qua các bài giảng của Cha xứ, và với ơn Chúa Thánh Thần hoạt động, nhiều người lương dân xin gia nhập đạo Đức Ki-tô.

Kết luận

Truyền giáo là một công việc chung cho hết mọi người. Nói đến truyền giáo thì có rất nhiều phương cách như chúng ta đã nêu trên, nhưng thiết tưởng đây là việc rất khó khăn để thực hiện được ‘ngày một ngày đôi’ tại các giáo xứ thuộc Giáo Phận Vinh. Vì hoàn cảnh cũng như vì lối sống của chúng ta có thể là những cản ngăn trong công cuộc truyền giáo của mọi người. Chính vì vậy, để công cuộc truyền giáo tại các giáo xứ ở Giáo Phận Vinh được thành công, nên chăng phải đòi hỏi một sự dấn thân không mệt mỏi của các linh mục cũng như toàn thể mọi người công giáo. Phần còn lại chúng ta để dành cho Chúa Thánh Thần hoạt động vì chính Chúa Thánh Thần là Người khởi xướng công cuộc truyền giáo.

Phaolô Phạm Trọng Phương K.X 

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 03


[1] Ad Gentes 2, trong Thánh Công Đồng Va-ti-ca-nô II, b.t. Phân Khoa Thần Học – Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X (Đà Lạt: Phân Khoa Thần Học – Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, 1972), 603. Số 2 là số trong Sắc Lệnh Ad Gentes; 603 là số trang của cuốn Thánh Công Đồng Va-ti-ca-nô II.

[2] Ad Gentes,15

[3] Ad Gentes, 11

[4] Ad Gentes, 17

[5] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung hậu đai hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, số 46, www.hdgmvietnam.org

[6] Đức Thánh Cha Bê-nê-dic- tô XVI, Thông Điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 22

 
Nguồn tin: