Tìm Hiểu Tục Thờ Cúng Tổ Tiên Của Người Thái Tại Quế Phong, Một lối tiếp cận cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng miền Tây xứ Nghệ hôm nay.

Mon,16/12/2019
Lượt xem: 2247

 Khởi đi từ ơn cứu độ phổ quát: Thiên Chúa không muốn một ai phải hư mất, phải sống ngoài tình thương của Thiên Chúa. Dù bạn là ai, bậc sống hay hoàn cảnh nào,[1] Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do (x. 1Cr 12,13); là kinh hay dân tộc thiểu số, ‘Thái’ hay ‘Tày,’ ‘Nùng hay ‘H’mông’…, tất cả đều được mời gọi để lãnh nhận ơn cứu độ. Bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, một Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng tự hiến làm giá chuộc muôn người (x. 1Tm 2, 5-6); và ngoài Đức Giêsu Kitô “không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ đó mà được cứu độ” (Cv 4, 12).

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: làm sao họ có thể lãnh nhận được ơn cứu độ nếu không được biết đến Đấng Cứu Độ? Làm sao mà biết đến Đấng Cứu Độ nếu không có ai rao giảng cho biết về Đấng Cứu Độ? (x. Rm 10,14-15). Quả thế, “bản chất của Giáo Hội là truyền giáo.”[2] Hơn hai ngàn năm qua, Giáo Hội vẫn không ngừng thực thi mệnh lệnh “đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15) để nhờ tin và đón nhận Tin Mừng mà được cứu độ.

Giáo Hội Công Giáo được Chúa Kitô thiết lập. Ngài chỉ thiết lập một Giáo Hội duy nhất. Giáo Hội duy nhất tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, dưới quyền đấng kế vị thánh Phêrô và các giám mục hiệp thông với ngài. Do đó, Giáo Hội Công Giáo chứa đựng toàn bộ chân lý bất di bất dịch do chính Thiên Chúa truyền lại. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo cũng không phủ nhận nơi các tôn giáo khác cũng tồn tại những yếu tố chân lý phát xuất từ Thiên Chúa và thuộc vào số những gì Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn con người, lịch sử các dân tộc, văn hóa và tôn giáo.[3] Chúa Thánh Thần cũng hoàn thành ơn cứu độ nơi những người ngoài Kitô giáo qua những yếu tố của chân lý, nhưng những yếu tố này tự chúng không phải là phương thế cứu độ, vì chúng còn chứa đựng những khiếm khuyết, sai lầm chân lý cơ bản về Thiên Chúa, con người và thế giới; và chúng chỉ có giá trị cứu độ khi được móc nối với ân sủng của Đức Giê-su Kitô mà thôi.

Trong một lần thực tập tại Quế Phong, người viết đã có cơ hội tiếp xúc với tục thờ cúng tổ tiên của người dân tộc Thái; và một câu hỏi đặt ra: phải chăng trong các phong tục tập quán, văn hóa của người Thái sống tại Quế Phong cũng ẩn tàng những mầm mống chân lý do Chúa Thánh Thần gieo rắc? Bài viết này sẽ cho thấy điều đó ngang qua việc tìm hiểu các phong tục tập quán, văn hóa, cách riêng là tục thờ kính ông bà tổ tiên nơi người Thái ở Quế Phong. Bản thân người viết cũng thiết nghĩ, đây là một lối tiếp cận cần thiết và hiệu quả trong việc loan báo Tin Mừng Nước Chúa hôm nay.

I. Quan sát

1. Đôi nét về người Thái sống tại Quế Phong

Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Thái ở nước ta có khoảng 1.550.423 người, đứng thứ 3 trong tổng số 54 dân tộc anh em.[4] Cách riêng tại huyện Quế Phong, Nghệ An, nơi có 4 dân tộc thiểu số sống chủ yếu: Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, thì người Thái chiếm một tỉ lệ rất cao, 80% tổng dân số trong toàn huyện,[5] làm nên một Quế Phong mang đậm chất Thái. Qủa thật, ai đã từng đến Quế Phong, sẽ dễ dàng cảm nhận được điều đó.

Do đặc điểm vị trí về mặt địa lý nên các bản làng của người Thái thường được phân bố cách đặc biệt. Chủ yếu họ sống ven theo chân triền đồi núi, bờ nước con suối. Một mặt để thuận tiện cho việc đi lại, canh tác nương rẫy, trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm; là những ‘nghề’ vốn được xem là truyền thống cố hữu của họ. Mặt khác, cho thấy phần nào tâm thức về đời sống tâm linh nơi họ, vì đối với họ núi rừng cũng là một vị thần (Sơn thần). Dựa trên thiết chế bản – mường, sự khăng khít nối kết giữa người với người, giữa các bản làng của người Thái là rất chặt chẽ. Trong mỗi bản làng, thì già làng, trưởng bản, thầy mo, trưởng họ là những người được mọi người xem trọng nhất và có uy tín nhất. Đặc điểm đó sẽ là một lợi thế nếu nhà truyền giáo biết cách chiếm được cảm tình, thuyết phục được già làng, trưởng bản theo đạo, thì việc những người dân trong các bản làng cũng theo đạo là điều rất khả quan.

2. Đời sống tâm linh của người Thái

Vốn bản chất con người Á Đông, nặng cảm thức tôn giáo, mạnh đời sống tâm linh. Người Thái sống tại Quế Phong cũng vậy, đời sống tâm linh, tâm tình tôn giáo luôn đóng một vai trò chủ đạo không thể thiếu; ví được như là ‘linh hồn’, ‘bóng ô thiêng liêng’[6] làm cho đời sống của họ được an toàn, tròn đầy ý nghĩa.

Người Thái có quan niệm đa thần và giữ tục cúng tổ tiên. Đối với họ ‘vạn vật đều có công thần’:[7] thần núi, thần đất, thần nước, thần bếp… cho nên trong từng nếp sống, qua các phong tục tập quán của người Thái luôn toát lên một tâm tình cung kính: khi thì hoành tráng lễ nghi ở đền đài miếu vũ công khai, khi thì nhẹ nhàng âm thầm bên gốc cây, hòn đá. Lúc thì khấn vái kêu cầu với nốt nhạc trỗi cao lời múa hát, chiêng trống linh đình, lúc thì lâm râm khấn vái lặng thầm trước di ảnh của người quá cố, ông bà tổ tiên trong những ngày giỗ, ngày lễ, ngày tết…

3. Phong tục thờ kính tổ tiên của người Thái

Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, thờ cúng ông bà tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của đồng bào người Thái sống tại Quế Phong. Vào những dịp đặc biệt như mừng Tết cổ truyền, ngày cúng cơm của dòng họ, ngày đầu năm mới theo lịch người Thái (họ tính theo lịch can, chi), họ linh đình tổ chức nghi lễ, bày tỏ tấm lòng thơm thảo đối với ông bà tổ tiên. Bởi người Thái quan niệm rằng, muốn có sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà sinh sôi đầy đàn thì trước hết phải chú trọng đến việc thờ cúng tổ tiên; và hơn hết, trong sâu thẳm cõi lòng của họ đó cũng là cách để tỏ bày tâm tình đạo hiếu ‘uống nước nhớ nguồn’ đối với các đấng tổ tiên vốn đã ăn sâu trong tâm thức nơi con dân nước Việt.

Việc thờ kính ông bà tổ tiên của người Thái được thể hiện qua việc làm bàn thờ ‘Ma Nhà’, tức là bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ Ma Nhà được họ làm bằng gỗ thành vuông có mái nhọn. Phía trước có tấm vải nhiều rua với nhiều sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng; bên trong bàn thờ là hình của ông bà tổ tiên; phía trước bàn thờ có đặt một bát hương cùng với những chén nhỏ đựng đầy rượu; hai bên hông bàn thờ đặt hai cây mía, tượng trưng cho cầu thang nhà sàn để ông bà tổ tiên lên xuống. Vào ngày giỗ, ngày tết, bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương, cùng với đó là mâm xôi thịt với con gà luộc hoặc đầu lợn đặt lên bàn thờ tổ tiên, vì người Thái tin rằng, ông bà tổ tiên tuy mất đi nhưng vẫn sinh hoạt như ở dương gian. Thầy mo được gia đình mời về sẽ đóng vai trò là ‘chủ tế’ để mời ông bà về chung vui với gia đình con cháu, đồng thời xin ông bà tổ tiên phù giúp, ban cho con cháu mọi sự may lành.

II. Nền tảng cho sứ vụ truyền giáo

1. Ba Ngôi học

Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn mạch và là nền tảng cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Chính Chúa Giêsu đã lãnh nhận sứ vụ ‘được sai đi’ từ Chúa Cha (x. Ga 20,21) đến trần gian để ‘truyền giáo.’ Ngài đã ‘nhập thể’ trong nền văn hóa Do Thái; xây nên một Giáo Hội truyền giáo; trở nên khuôn mẫu hoàn hảo trong việc truyền giáo, và chính Ngài là đối tượng của việc truyền giáo. Sau khi về trời, để tiếp tục kiện toàn và củng cố Giáo Hội trên bước đường truyền giáo, Ngài đã gửi Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội; nhờ Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội đạt tới hồi viên mãn.

2. Thánh Linh và Giáo Hội học

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Tuy nhiên, ‘Biến Cố Ngũ Tuần’ mới thực sự khởi đầu cho sứ vụ đi ra của Giáo Hội (x. Cv 2,1-13). Ngay từ giây phút đầu tiên của công cuộc khai mở Giáo Hội, nhờ Chúa Thánh Thần tác động và đổi mới hoàn toàn, các tông đồ mới hội đủ khả năng để trở thành những chứng nhân ngôn sứ, xây dựng Giáo Hội bằng các hoạt động loan báo Tin Mừng đầy khôn ngoan dũng cảm. Sự thành công trên bước đường truyền giáo của các tông đồ xưa cũng như nay, tất cả là hồng ân của Chúa Thánh Thần tặng ban.

Chúa Thánh Thần hoạt động mọi lúc mọi nơi, tựa như “gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8). Người là chân lý. Ở đâu có chân lý, sự thiện thì ở đó có Chúa Thánh Thần. Những gì Chúa Thánh Thần đem vào tâm hồn con người, trong các nền văn hóa, phong tục tập quán thì đó chính là một sự chuẩn bị cho Tin Mừng. [8] Chúa Thánh Thần là hơi thở, là tác nhân chính yếu của công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội. Người là tác nhân truyền động lực cho những người làm công tác truyền giáo, để họ có thể ‘rao trên mái nhà’ những điều họ được ‘rỉ tai’ trong buồng kín (x. Lc 12,3). 

III. Lối tiếp cận tục thờ cúng tổ tiên của người Thái tại Quế Phong theo hướng truyền giáo

1. Tôn trọng

Một trong những nguyên tắc hàng đầu trong vấn đề truyền giáo là phải biết tôn trọng các phong tục tập quán, văn hóa nơi mình đến truyền giáo. Thành công hay thất bại một phần phụ thuộc vào nguyên tắc cơ bản đó; có biết người biết ta thì mới mong trăm trận trăm thắng; có tôn trọng phong tục tập quán của họ thì mới mong truyền giáo cho họ. Chúng ta không thể vội vàng lấy tiêu chuẩn của mình để làm tiêu chuẩn áp đặt lên những phong tục vốn tồn tại ngàn đời nơi họ, nhưng trái lại, cần nhìn ra nơi các phong tục đó những tía sáng chân lý để thích nghi, hội nhập. Thắp một nén hương, vái lạy trước di ảnh của người quá cố; động viên an ủi, trấn an gia đình trước sự mất mát vì sự ra đi của người thân là một cách thế thể hiện lòng tôn trọng thành kính. Chính qua cử chỉ nho nhỏ đó là cách để chúng ta giới thiệu về Chúa cho họ.

Đêm vọng Phục Sinh 2019 vừa qua, tại giáo xứ Cồn Cả, giáo hạt Phủ Qùy đã hân hoan vui mừng đón nhận 18 anh chị em tân tòng gia nhập hàng ngũ con cái Giáo Hội. Điểm đặc biệt là trong số 18 anh chị em tân tòng vừa lãnh nhận phép rửa, thì có đến 16 anh chị em thuộc người dân tộc Thái đến từ bản làng Quế Phong xa xôi. Theo lời chia sẻ của các xơ phục vụ trên ‘miền thượng’ thì đó kết quả của việc chúng ta biết trân trọng và hội nhập vào trong các phong tục tập quán, văn hóa của họ; nhận ra những mầm mống chân lý mà Chúa Thánh Thần đã gieo rắc nơi họ, qua phong tục thờ kính tổ tiên.

2. Thích nghi

Việc tôn kính tổ tiên là một điểm son của nền văn hóa gia đình, tâm linh và xã hội của người dân tộc Thái. Cách thể hiện việc tôn kính tổ tiên của họ thật phong phú, dám nói là phức tạp, mê tín. Cần gọt bỏ những rườm rà, duy trì và nâng cao điểm cốt lõi, chủ yếu của việc tôn kính tổ tiên: đó là chữ hiếu, lòng thành, là tình nghĩa gia đình, niềm tin linh hồn bất tử, tin vào Thượng Đế - nguồn gốc của mọi tình phụ tử.

Trong quan niệm của người Thái, chết không phải là hết, nhưng là về bên kia thế giới, nơi ‘Mường Trời.’ Ông bà tổ tiên dù chết nhưng vẫn luôn hiện diện và nối kết với thế giới con người; vẫn sinh hoạt như khi còn sống ở dương gian. Một cách thái quá, họ dâng lên bàn thờ tổ tiên những lễ vật như gà luộc hay đầu lợn với ý nghĩa hàm chứa để ông bà cũng ăn như khi ông bà còn sống chứ không phải để trang hoàng cho đẹp bàn thờ tổ tiên. Để ‘gạn đục khơi trong,’ giúp họ dần loại bỏ những gì là mê tín, giữ lại những gì là tinh hoa của truyền thống. Thay vì mâm xôi thịt ta nên khuyên họ dâng mâm hoa quả và hương cho tổ tiên, vì như vậy thì đỡ mất vệ sinh hơn; có thể họ dễ dàng chấp nhận. Đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên là điều Chúa dạy phải làm; là điều răn thứ tư, và cũng là điều răn đứng đầu nói về con người. Người Công Giáo rất mến yêu, tôn kính tổ tiên. Khi cha mẹ qua đời phải lo việc mai táng, xin lễ; lập bàn thờ gia tiên; tổ chức những ngày lễ giỗ, thăm viếng mộ phần, đọc kinh trong gia đình, nhờ các ngài cầu thay nguyện giúp bên tòa Chúa cho con cháu được bình an. Tất cả mọi sự đều do Thiên Chúa ban cho, chỉ một mình Thiên Chúa mới là Đấng Toàn Năng siêu việt.

Kết luận

Thực tế cho thấy, để truyền giáo cho đồng bào người Thái nơi đây không đơn giản chút nào. Không phải ngày một ngày hai mà chúng ta có thể truyền giáo được ngay; cũng không thể một sớm hay một chiều mà ta có thể khuyên họ bỏ bớt đi những hủ tục rườm rà vốn gắn với truyền thống ngàn năm của họ. Bên cạnh đó, khó khăn về mặt kinh tế, chính trị đã gây không ít cho bước đường truyền giáo, nhất là trong một xã hội với chủ trương khử trừ tôn giáo, ngăn không cho tôn giáo phát triển, nhất là Thiên Chúa Giáo, thì việc truyền là một điều vô cùng bất lợi.

Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam đã để lại một tiếng vang không mấy tốt đẹp trong việc thờ cúng tổ tiên, vì ban đầu các thừa sai cấm những người rửa tội không được thờ cúng. Bởi vậy, đã một thời rêu rao theo đạo là bỏ ông bà tổ tiên. Mặc dầu ngày nay việc hiểu lầm ấy đã bớt đi rất nhiều, nhưng Giáo Hội cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc giảng dạy giáo lý. Làm sao cho người dự tòng hiểu rằng, đạo Công Giáo không những coi trọng mà còn đề cao bổn phận phải thảo hiếu với ông bà cha mẹ, vì đó là giới răn Chúa dạy. Tin tưởng vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhà truyền giáo vĩ đại sẽ dẫn dắt chúng ta trên bước đường truyền rao sự thật. Muốn vậy, Giáo Hội cần phải đi ra chia sẻ ‘niềm vui của Tin Mừng’ cho toàn nhân loại chứ không thể ‘đóng cửa cài then’ trong cái ‘tháp ngà’ kim cô: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Đức Kitô… thà có một Giáo Hội bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Giáo Hội ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình” (EG 49).

Paul.  Nguyễn Văn Minh, K.XIII


[1] Cf. Công đồng Va-ti-ca-nô II, Hiến chế Lumen gentium, số 11.

[2] Id., Sắc lệnh Ad Gentes, số 2.

[3] Id.,Hiến chế Lumen gentium, số 16. (xem thêm: Nostra Aetate, 2; GLHTCG, 842).

[4] Cf. Hồng Hải, “Vài nét về người Thái ở nước ta”, http://thegioidisan.vn,  truy cập ngày 22/04/2019.

[5] Cf. Thu Giang, “Quế Phong: Dạy tiếng dân tộc cho hơn 300 cán bộ, công chức”, 2017, https://baomoi.com, truy cập ngày 22/04/2019.

[6] Theo bài giảng trên lớp của cha giáo Micae Nguyễn Tiến Dâng, ngày 12/04/2019.

[7]Cf. Vi Ngọc Chân, “Lịch sử văn hóa Thái”, 2018, https://lichsuvanhoathai.com, truy cập ngày 01/05/2019.

[8] Cf. Công đồng Va-ti-ca-nô II, Hiến chế Lumen gentium, số 16.

Nguồn tin: