Tính Đồng Nghị Trong Đời Sống Và Sứ Mệnh Của Giáo Hội (Chương 1)

Tue,28/12/2021
Lượt xem: 1146

Văn kiện của Ủy Ban Thần học quốc tế

TÍNH ĐỒNG NGHỊ TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI

———————

Nguyên bản: La sinodalità nella vita e nella missione della Chiesa (2018)
[FranceseIngleseItalianoPortogheseRussoSpagnoloTedesco]

www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20180302_sinodalita_it.html

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An. Nguồn: Vietcatholic

CHƯƠNG 1: TÍNH ĐỒNG NGHỊ TRONG THÁNH KINH, TRONG THÁNH TRUYỀN VÀ TRONG LỊCH SỬ

11. Các nguồn quy phạm cho đời sống đồng nghị của Giáo Hội trong Thánh Kinh và Thánh Truyền cho thấy tại trung tâm của kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, lời kêu gọi toàn thể nhân loại hợp nhất với Thiên Chúa và thống nhất trong Người được hoàn tất trong Chúa Giêsu Kytô và diễn ra qua thừa tác vụ của Giáo Hội. Chúng cung cấp các hướng dẫn chúng ta cần để biện phân các nguyên tắc thần học cần phải sinh động hóa và điều chỉnh cuộc sống đồng nghị, các cấu trúc của nó, các diễn trình của nó và các biến cố liên quan đến nó.

Trên cơ sở này, có thể theo dõi các hình thức của tính đồng nghị đã được phát triển trong Giáo Hội trong Thiên Niên Kỷ thứ nhất và sau đó, trong Thiên Niên Kỷ thứ hai, trong Giáo Hội Công Giáo, bằng cách nhắc đến một số khía cạnh của thực hành đồng nghị của các Giáo Hội và Cộng Đồng Giáo Hội khác.

1.1 Giáo huấn của Thánh Kinh

12. Cựu Ước cho thấy: Thiên Chúa đã tạo ra con người, có nam có nữ, theo hình ảnh và họa ảnh Người như một hữu thể xã hội được kêu gọi làm việc với Người bằng cách tiến tới trong dấu hiệu hiệp thông, bằng cách chăm sóc vũ trụ và hướng nó về mục tiêu của nó (St 1: 26-28). Ngay từ đầu, tội lỗi làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa, xé tan mạng lưới các mối quan hệ có trật tự vốn nói lên sự thật, sự tốt lành và vẻ đẹp của sáng thế, và làm trái tim của người đàn ông và của người đàn bà không còn nhận ra ơn gọi của họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đã củng cố và làm mới lại giao ước của Người nhằm đem tất cả những gì đã bị phân tán trở lại con đường thống nhất, chữa lành tự do của con người và hướng dẫn nó đến chỗ chào đón và sống ơn hợp nhất với Thiên Chúa và thống nhất với anh chị em của chúng ta trong sáng thế, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta (ví dụ: St 9,8-17; 15; 17; Xh 19-24; 2 Sm 7:11).

13. Khi thực hiện kế hoạch của Người, Thiên Chúa triệu tập Ápraham và các hậu duệ của ông (xem St 12:1-3; 17:1-5; 22:16-18). Cuộc triệu tập này (קָחַל / עֵדה – thuật ngữ đầu tiên thường được dịch sang tiếng Hy lạp là έκκλησία), được phê chuẩn trong giao ước Sinai (xem Xh 24: 6-8; 34: 20tt), làm cho dân vừa được giải phóng khỏi chế độ nô lệ trở thành quan trọng và xứng đáng nói với Thiên Chúa; trong cuộc hành trình xuất hành, họ tụ họp quanh Thiên Chúa của họ để cử hành việc thờ phượng Người và sống theo luật pháp của Người, nhìn nhận rằng họ thuộc một mình Người (xem Đnl 5:1-22; Gs 8; Nkm 8:1-18).

קָחַל / עֵדה (qahal / ‘edah) là hình thức đầu tiên trong đó ơn gọi có tính đồng nghị của dân Chúa được tiết lộ. Trong sa mạc, Thiên Chúa ra lệnh điều tra dân số các chi tộc Israel, dành cho mỗi chi tộc vị trí của nó (xem Ds 1-2). Ở trung tâm của cuộc triệu tập, là Chúa, như người hướng dẫn và chăn chiên duy nhất của nó; Người trở nên hiện diện qua thừa tác vụ của Môsê (xem Ds 12: 15-16; Gs 8:30-35), người mà những người khác có liên hệ với một cách lệ thuộc và ‘có tính hợp đoàn’: các Thủ lãnh (xem Xh 18: 25-26), các trưởng lão (xem Ds 11: 16-17, 24-30), và các thầy Lêvi (xem Ds 1:50-51). Cuộc triệu tập Dân Thiên Chúa không chỉ bao gồm đàn ông (Xh 24: 7-8) mà còn cả phụ nữ và trẻ em và cả người ngoại quốc nữa (xem Gs 8: 33,35). Đó là đối tác được Chúa triệu tập mỗi khi Người đổi mới giao ước của Người (xem Đnl 27-28; Gs 24: 2 V 23; Nkm 8).

14. Sứ điệp của các Vị Tiên Tri dạy cho Dân Thiên Chúa sự cần thiết phải hành trình qua những gian khổ của lịch sử một cách trung thành với giao ước. Đó là lý do tại sao các vị Tiên Tri mời họ hồi hướng lòng họ về Thiên Chúa và công lý trong các mối liên hệ của họ với người lân cận của họ, thường là những người nghèo nhất, bị áp bức, ngoại kiều, như một nhân chứng hữu hình của lòng Chúa thương xót (xem Grm 37: 21; 38: 1).

Để điều đó xảy ra, Thiên Chúa hứa sẽ ban cho họ một trái tim và tinh thần mới (xem Edk 11:10), và mở ra trước Dân Người một con đường dẫn tới một cuộc Xuất Hành mới (xem Grm 37-38): lúc đó, Người sẽ thiết lập một giao ước mới, được khắc không phải trên các bản đá nhưng trên trái tim của họ (xem Grm 31: 31-34). Nó sẽ cho thấy những chân trời phổ quát, vì Người Tôi Trung của Chúa sẽ tập hợp các quốc gia lại với nhau (xem Is 53), và nó sẽ được niêm ấn bởi sự tuôn đổ Thần Khí của Chúa lên tất cả các thành viên của dân Người (Xem Ge 3:1-4).

15. Thiên Chúa chu toàn giao ước mới mà Người đã hứa nơi Chúa Giêsu Nadarét, Đấng Métsia và là Chúa, Đấng mà sứ điệp sơ truyền (kérygma), cuộc sống và con người mặc khải cho thấy Thiên Chúa là sự hiệp thông tình yêu, Đấng, vì ơn thánh và lòng thương xót của Người, muốn ôm lấy toàn thể nhân loại trong tính thống nhất của họ. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, từ đời đời vốn được trù định để yêu thương trái tim Chúa Cha (xem Ga 1:1,18), trở thành người phàm lúc thời gian đã nên trọn (xem Ga 1:14; Gt 4: 4) để mang kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa đến chỗ hoàn thành (xem Ga 8: 29; 6: 39; 5: 22, 27). Người không bao giờ hành động một mình, và trong mọi sự, luôn làm theo ý muốn của Chúa Cha: Chúa Cha ngự trong Người và thực hiện công trình của Người qua Người Con Người đã sai xuống thế gian (xem Ga 14: 10).

Kế hoạch của Chúa Cha được thực hiện trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, khi Chúa Giêsu hiến sự sống của Người để nhận lại nó trong sự phục sinh (xem Ga 10,17) và chia sẻ nó với các môn đệ của Người như những con trai con gái, như anh chị em trong sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần “không hạn chế” (xem Ga 3,34). Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu là cuộc xuất hành mới, tập hợp trong sự thống nhất (συναγάγη είς έν) tất cả những người tin tưởng vào Người (xem Ga 11,52), người mà Người đã làm cho cùng đồng dạng đồng hình với chính Người bằng Phép Rửa và Thánh Thể. Công trình cứu rỗi là sự thống nhất mà Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha ngay trước Cuộc Thống Khổ của Người: “Xin cho chúng nên một, lạy Cha, như Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng được ở trong chúng ta ngõ hầu thế gian có thể tin rằng chính Cha đã sai Con”(xem Ga 17:21).

16. Chúa Giêsu là người lữ hành rao giảng tin mừng về Nước Thiên Chúa (xem Lc 4:14-15; 8:1; 9:57; 13:22; 19:11), dạy “con đường của Thiên Chúa “. (xem Lc 20:21) và chỉ đường đến đó (Lc 9:51-19,28). Thực thế, chính Người là “đường” (xem Ga 14:6) dẫn đến Chúa Cha; trong Chúa Thánh Thần (xem Ga 16:13) Người chia sẻ với mọi người sự thật và tình yêu hiệp thông với Thiên Chúa và các anh chị em của chúng ta. Sống hiệp thông theo tiêu chuẩn giới răn mới của Chúa Giêsu có nghĩa là cùng đi với nhau trong lịch sử như Dân Thiên Chúa của giao ước mới, theo cách phù hợp với ơn phúc đã nhận được (xem Ga 15:12-15). Trong trình thuật về các môn đệ Emmau, Thánh Luca cho chúng ta một hình tượng sống động về Giáo Hội như Dân Thiên Chúa, được Chúa sống lại hướng dẫn trên đường đi, Đấng thắp sáng nó bằng Lời của Người và cho nuôi nó ăn bằng Bánh Sự Sống (Xem Lc 24:13-35).

17. Tân Ước sử dụng một thuật ngữ chuyên biệt để diễn tả quyền năng mà Chúa Giêsu nhận được từ Chúa Cha để ban ơn cứu rỗi, ơn mà Người thực hiện trên mọi tạo vật trong quyền năng (δύναμις) của Chúa Thánh Thần: έξουσία(thẩm quyền). Nó hệ ở việc ban ơn thánh làm cho chúng ta trở nên “con cái Thiên Chúa” (xem Ga 1:12). Các Tông Đồ nhận được έξουσίαnày từ Chúa Phục Sinh, Đấng sai họ đi giảng dạy muôn dân bằng cách rửa tội cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, và dạy họ tuân giữ tất cả những gì Người đã truyền lệnh (xem Mt 28: 19-20). Nhờ phép rửa, mọi thành viên của dân Chúa được dự phần vào thẩm quyền này, sau khi được “xức dầu của Chúa Thánh Thần” (xem 1 Ga 2: 20,27), sau khi đã được Thiên Chúa giảng dạy (xem Ga 6: 45) và sau khi đã được hướng dẫn “đến sự thật hoàn toàn” (xem Ga 16:13).

18. έξουσίαcủa Chúa được phát biểu trong Giáo Hội thông qua sự đa dạng của các ơn thiêng liêng (τα πνευματικά) hoặc đặc sủng (τα χαρίσματα) mà Chúa Thánh Thần chia sẻ trong Dân Thiên Chúa để xây dựng Nhiệm Thể duy nhất của Chúa Kitô. Khi thực thi các đặc sủng này, chúng ta cần tôn trọng một τάξις (taxis=sắp xếp?) khách quan, để chúng có thể phát triển hài hòa và mang lại hoa trái mà chúng vốn được trù định sẽ mang để đem lại lợi ích cho mọi người (xem 1 Cr 12:28-30; Ep 4:11-13). Các Tông đồ có vị trí đầu tiên trong số này – với một vai trò đặc biệt và ưu việt được Chúa Giêsu giao cho Simon Phêrô (xem Mt 16:18tt., Ga 21:15tt.): thực thế, các ngài được giao phó thừa tác vụ hướng dẫn Giáo Hội trong việc trung thành với depositum fidei [kho tàng đức tin] (1 Tm 6:20; 2 Tm 1:12,14). Nhưng thuật ngữ χάρισμα [karisma] cũng gợi lên đặc tính nhưng không (gratuitous) và đa dạng trong sáng kiến tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho mỗi người ơn riêng của họ nhằm lợi ích chung (xem 1 Cr 12:4-11, 29-30; Ep 4:7), với nghĩa luôn tùng phục và phục vụ lẫn nhau (xem 1 Cr 12:25): vì ơn cao nhất, ơn điều hòa mọi ơn, là tình yêu (xem 1 Cr 12: 31).

19. Sách Tông Đồ Công Vụ dẫn chứng bằng tài liệu một số khoảnh khắc quan trọng dọc đường đi của Giáo Hội Tông Truyền khi Dân Thiên Chúa được mời gọi biện phân thánh ý Chúa Phục Sinh, trong tư cách một cộng đồng. Nhân vật lãnh đạo dẫn đường và chỉ hướng đi là Chúa Thánh Thần, được tràn đổ trên Giáo Hội vào ngày lễ Ngũ Tuần (xem Cv 2: 2-3). Các môn đệ, khi thực hiện các vai trò khác nhau của họ, có trách nhiệm lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần và biện phân đường đi (xem Cv 5:19-21; 8:26,29,39; 12: 6-17; 13: 1-3; 16: 6-7,9-10; 20: 22). Các ví dụ có giá trị là: việc lựa chọn “bảy mươi người có danh tiếng tốt, tràn đầy Thánh Thần và khôn ngoan”, những người được các Tông Đồ giao phó nhiệm vụ “phân phối thực phẩm” (Xem Cv 6:1-6); và việc biện phân vấn đề chủ chốt là truyền giáo cho Dân Ngoại (xem Cv 10).

20. Vấn đề trên được xử lý với điều truyền thống gọi là ‘Công đồng tông đồ Giêrusalem’ (xem Cv 15, và cả Gl 2: 1-10). Ở đó, ta thấy một biến cố có tính đồng nghị đã xuất hiện, trong đó, Giáo hội tông truyền, trong một thời điểm quyết định của lịch sử phát triển của mình, đã sống thực ơn gọi của mình hướng tới việc truyền giáo, được soi sáng bởi sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Trong nhiều thế kỷ, biến cố này đã được giải thích như là mô hình cho các Công Nghị từng được Giáo Hội cử hành.

Trình thuật đưa ra một mô tả chính xác về việc khai mở biến cố. Nhìn thấy vấn đề quan trọng và gây tranh cãi đang đặt ra cho họ, cộng đồng tại Antiôkia quyết định tham khảo ý kiến “Các Tông Đồ và Trưởng Lão” (15:2) của Giáo Hội ở Giêrusalem, và gửi Phaolô và Banaba đến đó. Cộng đồng tại Giêrusalem, các Tông đồ và các Trưởng Lão đáp ứng kịp thời (15: 4) để khảo sát tình hình. Phaolô và Banaba giải thích những gì đã xảy ra. Một cuộc thảo luận sống động và cởi mở diễn ra sau đó (έκζητήσωσιν: 15:7a). Họ đặc biệt lắng nghe chứng tá có thẩm quyền và lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô (15:7b-12).

Thánh Giacôbê giải thích điều đã xảy ra dưới ánh sáng lời tiên tri (xem Am 9:11-12; Cv 15:14-18), lời khẳng định thánh ý cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa, và Người đã chọn “một dân tộc. .. từ các dân ngoại” (έξ έθνων λαόν: 15:14), và ngài đã đưa ra quyết định ban hành một số quy tắc về tác phong (15:19-21). Bài phát biểu của ngài cho thấy một viễn kiến về sứ mệnh của Giáo Hội đặt căn cứ vững chắc trong kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng đồng thời sẵn sàng đón nhận việc Người tự làm cho Người hiện diện trong diễn tiến từ từ của lịch sử cứu rỗi. Cuối cùng, các ngài đã chọn một số đại diện để tiếp nhận bức thư giải thích quyết định được đưa ra và quy định thủ tục phải tuân theo (15:23-39); bức thư được gửi đi và đọc cho cộng đồng ở Antiôkia, và được cộng đồng này tiếp nhận một cách hân hoan (15:30-31).

21. Mọi người đều góp phần tích cực, mặc dù với các vai trò và đóng góp khác nhau. Vấn đề được trình bày với toàn thể Giáo Hội tại Giêrusalem (παν τὸ πληθος: 15:12), có mặt suốt cuộc họp và tham gia vào quyết định cuối cùng (έδοξε τοις άποστολόις καί τοις πρεσβυτέροις σύν όλη τη έκκησία: 15: 22). Nhưng trước tiên, những người được tham khảo là các Tông đồ (Thánh Phêrô và Thánh Giacôbê mỗi vị đều phát biểu) và các Trưởng Lão, những người thực thi thừa tác vụ chuyên biệt của họ theo thẩm quyền.

Quyết định được Thánh Giacôbê đưa ra trong tư cách người hướng dẫn Giáo Hội ở Giêrusalem, nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn Giáo Hội trên đường đi của Giáo Hội bằng cách đảm bảo lòng trung thành của Giáo Hội đối với Tin Mừng của Chúa Giêsu: “Nó đã được quyết định bởi Chúa Thánh Thần và bởi chính chúng tôi”(15: 28). Nó được tiếp nhận và chấp nhận bởi toàn bộ cộng đồng ở Giêrusalem (15: 22) và sau đó bởi cộng đồng ở Antiôkia (15:30-31).

Nhờ mọi người biết lắng nghe Chúa Thánh Thần qua chứng tá đưa ra về hành động của Thiên Chúa và nhờ mỗi người biết đưa ra phán đoán riêng của mình, các ý kiến thoạt đầu khác khác nhau đã qui hướng dần tới sự đồng thuận và nhất trí (όμοθυμαδόν: 15: 25) vốn là hoa trái của việc biện phân cộng đồng để phục vụ sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội.

22. Cách thức hành xử của Công đồng Giêrusalem là một minh chứng đời thực cho sự kiện này là cách dân Thiên Chúa tiến bước là một điều được suy nghĩ có trật tự và thấu đáo, trong đó, mỗi người có một chủ trương và vai trò chuyên biệt (xem 1 Cr 12:12-17; Rm 12: 4-5; Ep 4: 4).

Thánh Tông đồ Phaolô, dưới ánh sáng cộng đồng Thánh Thể, đã gợi lên hình ảnh Giáo Hội như Thân Thể Chúa Kitô, để giải thích cả sự thống nhất của tổ chức lẫn sự đa dạng của các thành viên. Cũng giống như trong cơ thể con người, tất cả các thành viên đều cần thiết theo cách riêng của họ, theo cùng một cách như trong Giáo Hội, mọi người đều có phẩm giá như nhau nhờ Phép Rửa (xem Gl 3:28; 1Cr 12:13), và mọi người đều đóng góp để thực hiện kế hoạch cứu rỗi “tùy theo mức độ Chúa Kitô ban cho” (Ep 4: 7).

Vì vậy, mọi người đều có trách nhiệm bằng nhau đối với đời sống và sứ mệnh của cộng đồng và mọi người đều được kêu gọi làm việc phù hợp với luật liên đới hỗ tương liên quan tới các thừa tác vụ và đặc sủng chuyên biệt của họ, vì mọi người đều tìm thấy năng lực của mình trong một Chúa duy nhất (xem 1Cr 15: 45).

23. Đích điểm của cuộc hành trình của Dân Thiên Chúa là Giêrusalem mới, được bao bọc bởi sự huy hoàng rạng ngời của vinh quang Thiên Chúa, nơi phụng vụ nước trời được cử hành. Ở đấy, sách Khải huyền chiêm ngưỡng “Chiên Con đang đứng dường như đã bị hy tế”, Chiên Con, bằng máu của nó, đã chuộc về cho Thiên Chúa “muôn người thuộc mọi sắc tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân” và đã làm họ thành “một dòng vua và tư tế cho Thiên Chúa, để cai trị thế giới”; các thiên thần và “mười nghìn lần mười ngàn người trong số họ và hàng ngàn hàng ngàn người” tham dự phụng vụ trên trời với mọi tạo vật trên trời và dưới đất (xem Kh 5: 6.9.11.13). Sau đó, lời hứa có ý nghĩa sâu xa nhất về kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ được ứng nghiệm: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ” (Kh 21: 3).

1.2 Chứng tá của các Giáo Phụ và Thánh Truyền trong thiên niên kỷ đầu tiên

24. Kiên trì trên con đường thống nhất giữa các nơi chốn, văn hóa, tình huống và thế hệ là thách thức mà dân Chúa được kêu gọi đáp ứng Tin Mừng bằng đức tin, và gieo hạt giống Tin Mừng trong kinh nghiệm của các dân tộc khác nhau. Tính đồng nghị xuất hiện ngay từ đầu như sự đảm bảo và nhập thể của lòng trung thành của Giáo Hội đối với nguồn gốc tông đồ và ơn gọi Công Giáo của mình. Nó tự trình bầy mình dưới hình thức mà thực chất là một thực thể đơn nhất, nhưng là một thực thể dần dần khai mở – dưới ánh sáng của điều Thánh Kinh chỉ ra – trong sự phát triển sống động của Thánh Truyền. Do đó, thực thể đơn nhất này có nhiều hình thức tùy theo bối cảnh lịch sử khác nhau và trong đối thoại với nhiều nền văn hóa và tình huống xã hội khác nhau.

25. Vào đầu thế kỷ thứ hai, Thánh Inhaxiô thành Antiôkia mô tả cách hiểu có tính đồng nghị về các Giáo Hội địa phương khác nhau; các giáo hội này tự coi mình như cùng nhau thể hiện một Giáo Hội duy nhất. Trong lá thư gửi cho cộng đồng ở Êphêsô, ngài nói rằng mọi thành viên của nó đều là σύνοδοι“đồng hành trong cuộc lữ thứ”, nhờ phẩm giá của phép rửa và tình bằng hữu của họ với Chúa Kitô [17]. Hơn nữa, ngài nhấn mạnh đến trật tự thần thiêng làm cho Giáo Hội trở thành một cơ thể đơn nhất [18], được mời gọi hát bài ca ngợi sự hợp nhất với Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô. [19]: Linh mục đoàn là hội đồng của vị Giám mục [20] và các thành viên của cộng đồng, trong các vai trò khác nhau của họ, đều được mời gọi xây dựng nó. Cộng đồng Giáo hội được tạo lập và ở điểm rõ ràng nhất trong cộng đồng Thánh Thể, nó được chủ tọa bởi vị giám mục; cộng đồng này nuôi dưỡng xác tín và niềm hy vọng rằng vào cuối lịch sử, Thiên Chúa sẽ tập hợp trong Vương quốc của Người tất cả các cộng đồng hiện đang sống nó và cử hành nó trong đức tin [21].

Các đặc điểm phân biệt của Giáo Hội đích thực là: trung thành với giáo huấn của các Tông Đồ và việc cử hành Thánh Thể dưới sự hướng dẫn của vị Giám Mục, người kế nhiệm các Tông Đồ; thực thi thừa tác vụ có phẩm trật; tính ưu việt của sự hiệp thông trong việc phục vụ lẫn nhau để ngợi khen và vinh danh Cha, Con và Thánh Thần. Thánh Cyprianô thành Carthage, người thừa hưởng và giải thích truyền thống này vào giữa thế kỷ thứ ba, lên công thức cho nguyên tắc có tính giám mục và tính đồng nghị nhằm việc phải cai trị đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội tại địa phương và ở bình diện hoàn vũ: trong khi không có gì được thực hiện ở Giáo hội địa phương nếu không có vị Giám mục – nihil sine episcopo – thì điều cũng đúng như thế là không được làm gì nếu không có hội đồng của ngài (gồm các linh mục và phó tế) nihil sine consilio vestro – hoặc là không có sự đồng thuận của người dân – et sine consensu plebis [22] – luôn phải duy trì vững chắc quy tắc theo đó episcopatus unus est cuius a singulis in solidum pars tenetur (giám mục đoàn [episcopate] là duy nhất, trong đó mỗi thành viên có một phần không phân chia trong đó) [23].

26. Từ thế kỷ thứ tư trở đi, các giáo tỉnh được thành lập; những giáo tỉnh này đã chứng minh và cổ vũ sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương và được đứng đầu bởi một giám mục giáo đô (Metropolitan). Về phương diện nghị bàn chung, có các công nghị giáo tỉnh, một phương thế chuyên biệt để thực thi tính đồng nghị của giáo hội.

Khoản Luật 6 của Công đồng Nixêa (325) đã nhìn nhận sự ưu việt (πρεσβεία) và tính tối thượng miền (regional primacy) của Tòa Rôma, Alexandria và Antiôkia [24]. Tòa Constantinople được thêm vào danh sách các tòa chính tại Công đồng Constantinople I (381): Khoản Luật 3 đã ban chức chủ tịch danh dự sau Giám mục Rôma [25], một tước hiệu được xác nhận tại Công đồng Chalcedon (451) [26] ], khi Tòa Giêrusalem được thêm vào danh sách. Ở phương Đông, chế độ pentarchy (ngũ chế) này được coi là hình thức và là bảo đảm cho việc thực thi hiệp thông và tính đồng nghị giữa năm tòa tông truyền này.

Trong khi thừa nhận vai trò của các Thượng phụ ở phương Đông, Giáo hội ở phương Tây không coi Giáo hội Rôma như là một trong các tòa thượng phụ khác, mà qui cho mình một tính ưu tối thượng chuyên biệt ở trung tâm Giáo hội hoàn cầu.

27. Khoản luật Tông đồ 34, có từ cuối thế kỷ thứ ba và nổi tiếng ở phương Đông, đã thiết định rằng bất cứ quyết định nào vượt quá năng quyền của vị Giám mục địa phương phải được một công nghị đảm nhiệm: “Các Giám mục của mỗi quốc gia (έθνος) phải nhìn nhận người thứ nhất (πρότος) trong số các ngài và coi vị này như người đứng đầu (κεφαλή) các ngài, bằng cách không làm điều gì quan trọng nếu không có sự đồng ý (γνώμη) của vị này… nhưng người thứ nhất trong số các ngài (πρότος) không nên làm điều gì nếu không có sự đồng thuận của tất cả “[27]. Hành động của một công nghị trong hòa hợp (όμονοία) được Giáo Hội đưa vào hiện hữu theo cách này là để vinh danh Đức Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Vai trò của πρότος(vị thứ nhất) ở bình diện giáo tỉnh, giáo đô (và cuối cùng thượng phụ) là để triệu tập và chủ tọa Công Nghị ở bình diện thích hợp để giải quyết các vấn đề chung và ban hành các giải pháp cần thiết nhân danh thẩm quyền (έξουσία) của Chúa được các Giám mục tụ họp tại Công Nghị nói lên.

28. Mặc dù các Công Nghị được cử hành định kỳ từ thế kỷ thứ ba trở đi ở các bình diện giáo phận và giáo tỉnh xử lý các vấn đề kỷ luật, thờ phượng và tín lý phát sinh tại địa phương, vẫn có một niềm tin chắc chắn rằng các quyết định được đưa ra là một biểu thức hiệp thông với mọi Giáo Hội. Cảm thức giáo hội này cho thấy người ta ý thức rõ việc này: mỗi Giáo hội địa phương là một biểu thức của một Giáo Hội Công Giáo duy nhất; điều này rõ ràng do việc chia sẻ các lá thư của công nghị, bảng liệt kê các khoản luật của công nghị gửi đến các Giáo hội khác, các lời yêu cầu thừa nhận lẫn nhau giữa các tòa khác nhau, trao đổi các phái đoàn, một việc thường đòi hỏi các cuộc hành trình đầy mệt mỏi và nguy hiểm.

Ngay từ đầu, Giáo hội Rôma đã hưởng được một sự tôn trọng đặc biệt, nhờ sự kiện các Tông đồ Phêrô – Giám mục của Rôma được công nhận là người kế vị của ngài – và Phaolô đã tử vì đạo tại đó [28]. Đức tin tông truyền được giữ vững tại đó, thừa tác vụ thẩm quyền được thi hành bởi vị Giám mục của nó để phục vụ sự hiệp thông giữa các Giáo hội, lịch sử phong phú của nó trong việc tổ chức các công nghị: tất cả những điều này làm cho Giáo hội Rôma trở thành điểm tham chiếu cho tất cả các Giáo hội; họ tham khảo giáo hội này để giải quyết các tranh cãi [29], đến nỗi giáo hội này có chức năng như một Tòa kháng cáo [30]. Hơn nữa, ở phương Tây, Tòa Rôma đã trở thành nguyên mẫu tổ chức của các Giáo hội khác về mặt hành chính và giáo luật.

29. Năm 325, Công đồng chung đầu tiên, do Hoàng đế triệu tập, đã được cử hành tại Nixêa. Những người hiện diện bao gồm các giám mục từ các vùng khác nhau của Đông Phương và các Đại Diện của Giám mục Rôma. Lời tuyên xưng đức tin của Công đồng và các quyết định giáo luật của nó được công nhận là có giá trị quy phạm đối với toàn thể Giáo hội, bất chấp các phản ứng bất lợi, vốn xẩy ra trong những dịp khác trong suốt lịch sử. Với việc các Giám mục thực thi thừa tác vụ của họ theo tính đồng nghị, Công đồng Nixêa là biểu thức định chế đầu tiên, trên bình diện hoàn vũ, nói lên έξουσίαcủa Chúa Phục sinh đang hướng dẫn và chỉ đạo con đường tiến lên phía trước cho Dân Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần. Có những kinh nghiệm tương tự trong các Công đồng kế tiếp trong Thiên niên kỷ thứ nhất; các công đồng này đã mang lại hình dạng đích thực cho bản sắc của Giáo Hội Công Giáo duy nhất. Trong các Công đồng này, có một sự minh xác dần dần thái độ cần thiết cho việc thực thi thẩm quyền của một Công đồng chung: συμφωνία(symphōnía) của những vị đứng đầu các Giáo hội khác nhau, συνεργεία (synergeía) của Giám mục Rôma, συμφρόνησις (symphrónēsis) của các Thượng phụ khác và sự thuận hợp trong giáo huấn của nó với giáo huấn của các Công đồng trước đó [31].

30. Về phương cách tiến hành (modus procedendi), các Công Nghị Địa Phương trong Thiên Niên Kỷ Thứ Nhất, một mặt, theo Truyền Thống Tông Đồ và, mặt khác, về phương diện thủ tục thực tế, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa của nơi chúng được tổ chức [32].

Trong trường hợp Công Nghị tại một Giáo Hội địa phương, về nguyên tắc, toàn thể cộng đồng đã tham gia, mỗi nhóm tùy theo vai trò tương ứng của họ [33]. Trong các công nghị giáo tỉnh, những người tham gia là các Giám mục của nhiều Giáo hội khác nhau, mặc dù các linh mục và đan sĩ có thể được mời đóng góp. Chỉ có các Giám mục mới tham dự các công đồng chung được cử hành trong Thiên niên kỷ thứ nhất. Chính các công nghị giáo phận và giáo tỉnh đã chủ yếu lên khuôn cho thủ tục công nghị được chấp nhận trong Thiên niên kỷ thứ nhất.

1.3 Sự phát triển của thủ tục công nghị trong thiên niên kỷ thứ hai

31. Kể từ khi bắt đầu Thiên niên kỷ thứ hai, thủ tục công nghị dần dần đã mang nhiều hình thức khác nhau ở phương Đông và phương Tây, đặc biệt sau sự sụp đổ hiệp thông giữa Giáo hội Constantinople và Giáo hội Rôma (thế kỷ 11) và khi các lãnh thổ giáo hội thuộc các Tòa Thượng phụ Alexandria, Antiôkia và Giêrusalem bị đặt dưới sự kiểm soát chính trị của Hồi giáo.

Trong các Giáo hội phương Đông, thủ tục công nghị tiếp tục theo truyền thống của các Giáo Phụ, đặc biệt ở bình diện các công nghị thượng phụ và giáo đô, nhưng cũng có những công nghị đặc biệt, trong đó các Thượng phụ và tổng giám mục giáo đô tham gia. Tại Constantinople, sinh hoạt của một công nghị thường trực (Σύνοδος ένδημούσα) đã được thiết lập mạnh mẽ hơn; nó cũng đã được nổi tiếng từ thế kỷ thứ tư ở Alexandria và Antiôkia, với các công nghị thường xuyên để xem xét các vấn đề phụng vụ, giáo luật và thực tiễn dưới các hình thức khác nhau trong thời kỳ Byzantine và, sau năm 1454, trong thời kỳ Ottoman. Ngày nay, các công nghị thường trực vẫn tồn tại trong các Giáo Hội Chính Thống.

32. Trong Giáo Hội Công Giáo, cuộc cải cách của Đức Grêgôriô và cuộc đấu tranh cho quyền tự do của Giáo Hội đã góp phần vào việc khẳng định thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng như một giáo chủ (primate). Một mặt, điều này giải thoát các Giám mục khỏi lệ thuộc Hoàng đế nhưng, mặt khác, nếu không được hiểu rõ, nó có nguy cơ làm suy yếu căn tính của các Giáo hội địa phương.

Kể từ thế kỷ thứ 5, Công Nghị Rôma đã vận hành như một Hội đồng của Giám Mục Rôma, được sự tham dự không những của các Giám mục của giáo tỉnh Rôma mà còn của các Giám mục có mặt tại Rôma khi nó diễn ra, cũng như các linh mục và phó tế, và điều này đã trở thành mô hình cho các công đồng thời Trung Cổ. Đức Giáo Hoàng hoặc Vị Đại Diện của ngài chủ tọa những công nghị này, nhưng chúng không phải là những hội đồng chỉ liên quan đến các Giám Mục và các giáo sĩ; chúng cũng là một biểu thức của thế giới Kitô giáo phương Tây, một thế giới không chỉ liên quan đến các nhà chức trách giáo hội (Giám mục, đan viện trưởng và Bề trên các Dòng Tu) trong các vai trò khác nhau của họ, mà còn liên quan đến cả các nhà cầm quyền dân sự (các đại diện của Hoàng đế hoặc của các vị vua và các viên chức cao cấp), cũng như các chuyên gia thần học và giáo luật (periti).

33. Ở bình diện các Giáo hội địa phương, phần nào tiếp tục thủ tục đồng nghị bao quát được thi hành trong Đế quốc Rôma ở phương Tây do Charlemagne du nhập, các công nghị đã mất đi đặc tính thuần giáo hội của nó và tiếp nhận hình thức công nghị hoàng gia hoặc quốc gia, trong đó, các giám mục tham dự dưới sự chủ tọa của nhà vua.

Trong suốt thời Trung cổ, đã có những điển hình hồi sinh thủ tục đồng nghị theo nghĩa rộng rãi nhất của thuật ngữ. Các đan sĩ của Cluny là một điển hình. Các kinh sĩ nhà thờ chính tòa đã giúp giữ cho các thủ tục đồng nghị sống còn, cũng như các cộng đồng mới của đời sống tu trì, đặc biệt là các Dòng Khất Sĩ [34].

34. Vào cuối thời Trung Cổ, một tình huống độc đáo đã xuất hiện trong Cuộc Đại Ly Giáo ở phương Tây (1378-1417), khi, một lúc, có đến hai, và sau đó, ba người giành danh hiệu Giáo Hoàng. Công đồng Konstanz (1414-1418) giải quyết vấn đề phức tạp này bằng cách áp dụng giáo luật khẩn cấp được dự liệu trong tư duy giáo luật thời trung cổ, và tiếp tục bầu vị Giáo Hoàng hợp pháp. Tuy nhiên, trong tình huống này, ý niệm duy công đồng (conciliarist) đã được khai triển, với mục tiêu áp đặt một công đồng thường trực lên và vượt trên thẩm quyền tối cao của vị Giáo hoàng.

Các biện minh thần học và ứng dụng thực tế của thuyết duy công đồng bị đánh giá là không phù hợp với Thánh truyền. Tuy nhiên, nó để lại một bài học cho lịch sử Giáo Hội: luôn có nguy cơ ly giáo nằm chờ mà ta không nên làm ngơ, và việc cải cách Giáo Hội liên tục, cả nơi đầu lẫn các chi thể (in capite et membris), không thể diễn ra nếu không sử dụng đúng đắn thủ tục đồng nghị vốn có theo Thánh Truyền và lưu ý tới thẩm quyền tối thượng của vị Giáo hoàng, lấy nó làm bảo đảm cho mình.

35. Một thế kỷ sau, khi đáp ứng cuộc khủng hoảng gây ra bởi Phong Trào Cải Cách Thệ Phản, Giáo Hội Công Giáo đã tổ chức Công đồng Trent. Đây là Công đồng đầu tiên trong thời cận đại với những đặc điểm nhất định: nó không còn là một Công đồng của Thế Giới Kitô Giáo như trong thời Trung cổ; các tham dự viên là các Giám mục cũng như các bề trên của các Dòng Tu và Cộng Đồng Đan Sĩ, trong khi các đại diện của các Ông Hoàng tham dự nhưng không có quyền bỏ phiếu.

Công đồng thiết lập qui định dạy rằng các công nghị giáo phận nên diễn ra hàng năm, các công nghị giáo tỉnh cứ ba năm một lần, như một cách để chuyển tải động lực cải cách của Công Đồng Trent đến toàn thể Giáo Hội. Điển hình và mô hình thuộc loại này phải được tìm thấy nơi điều Thánh Charles Borromeo đã làm khi làm Tổng giám mục Milan. Trong thừa tác vụ lâu dài của mình, ngài đã triệu tập năm công nghị giáo tỉnh và mười một công nghị giáo phận. Ở Mỹ, Thánh Turibius của Mogrovejo đã thực hiện một điều tương tự: ngài đã triệu tập ba công nghị giáo tỉnh và mười ba công nghị giáo phận. Cũng có ba công nghị giáo tỉnh ở Mễ Tây Cơ trong cùng thế kỷ.

Để phù hợp với văn hóa của thời đại, các công nghị giáo phận và giáo tỉnh được cử hành theo Công đồng Trent không nhằm có sự tham gia tích cực của toàn thể dân Chúa – tức congregatio fidelium (cộng đoàn các tín hữu) – nhưng để truyền lại và ban hành các qui định và định hướng của Công đồng. Phản ứng có tính cách hộ giáo đối với lời phê phán của Phong Trào Cải Cách Thệ Phản về thẩm quyền giáo hội và đối với các phản ứng tương tự của một số trường phái tư tưởng cận đại đã nhấn mạnh thêm tầm nhìn theo phẩm trật học (hierarchological) về Giáo hội, coi Giáo Hội như societas perfecta et inaequalium (một xã hội hoàn hảo và của những người bất bình đẳng), đến chỗ quan niệm các Giám mục, và trên các ngài, Đức Giáo Hoàng, như Ecclesia docens (Giáo Hội giảng dạy) còn phần còn lại của dân Chúa như Ecclesia discens (Giáo Hội học hỏi).

36. Các cộng đồng Giáo hội phát sinh từ Phong Trào Cải Cách Thệ Phản cổ vũ một cách tiếp cận có tính đồng nghị nào đó, trong bối cảnh một giáo hội học và một tín lý và thực hành có tính bí tích và thừa tác vụ đi trệch ra ngoài Truyền thống Công Giáo.

Việc cai quản cộng đồng giáo hội có tính đồng nghị, trong đó, một số tín hữu nhất định tham gia bởi chức tư tế chung nhờ phép rửa, được coi như cơ cấu phù hợp nhất với đời sống của cộng đồng Kitô hữu theo tín phái Luthêrô. Mọi tín hữu được kêu gọi dự phần vào việc bầu cử các thừa tác viên và bảo đảm sự trung thành với giáo huấn của Tin Mừng và trật tự giáo hội. Đặc quyền này thường được thực thi bởi các nhà cầm quyền dân sự, điều, trong quá khứ, đã dẫn đến một chế độ có liên hệ mật thiết với Nhà Nước.

Các cộng đồng giáo hội của truyền thống cải cách có học thuyết của Jean Calvin về bốn thừa tác vụ (mục tử, thầy dạy, các linh mục và các phó tế), theo đó linh mục đại diện cho phẩm giá và quyền hạn được ban cho mọi tín hữu nhờ phép rửa. Các linh mục, cùng với các mục tử, do đó, chịu trách nhiệm cho cộng đồng địa phương, trong khi thủ tục đồng nghị dự ứng sự hiện diện của các thầy dạy và các thừa tác viên khác trong cộng đồng, mà phần lớn là tín hữu giáo dân.

Các công nghị luôn là một phần trong đời sống của hiệp thông Anh giáo ở mọi bình diện – địa phương, quốc gia và quốc tế. Biểu thức theo đó hiệp thông được cai quản theo phương thức đồng nghị, nhưng được lãnh đạo theo phương thức giám mục không đơn giản nhằm cho thấy sự phân chia giữa quyền lập pháp (thuộc về các công nghị, trong đó mọi thành phần dân Chúa đều tham gia) và quyền hành pháp (chuyên biệt của các Giám mục), mà là sự hiệp lực giữa đặc sủng và thẩm quyền bản vị của vị Giám mục, một mặt, và mặt khác, ơn Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên khắp cộng đồng.

37. Công đồng Vatican I (1869-1870) chấp nhận tín lý về tính ưu việt và vô ngộ của Đức Giáo Hoàng. Tính ưu việt của vị Giám mục Rôma, người mà đối với ngài “nơi đấng diễm phúc Phêrô, nguyên tắc và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình của sự hợp nhất đức tin và hiệp thông đã được thiết lập”, đã được Công đồng trình bày như một thừa tác vụ được thiết lập để bảo đảm sự thống nhất và bất khả phân chia của hàng giám mục trong việc phục vụ đức tin của dân Chúa [35]. Công thức theo đó các định tín ex cathedra (từ ngai tòa) của Đức Giáo Hoàng không thể bị thay đổi “tự chính chúng chứ không nhờ sự đồng thuận của Giáo Hội” [36] “không làm cho consensus Ecclesiae (sự đồng thuận của Giáo Hội) ra dư thừa” nhưng khẳng định việc thực thi thẩm quyền thuộc về Đức Giáo Hoàng do chính thừa tác vụ chuyên biệt của ngài [37]. Điều này được phát sinh nhờ việc tham khảo toàn thể dân Chúa qua các vị giám mục, một điều mà Đức Piô IX đã mong muốn khi định nghĩa tín điều Vô nhiễm Thai [38], cũng là phương thức của Đức Piô XII trong việc định nghĩa tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời [39].

38. Sự cần thiết phải tái khởi động một cách thích đáng và nhất quán thực hành đồng nghị trong Giáo Hội Công Giáo đã trở nên rõ ràng ngay từ thế kỷ XIX, nhờ các nhà văn tiên tri như Johann Adam Möhler (1796-1838), Antonio Rosmini (1797-1855) và John Henry Newman (1801-1890), những người đã trở về các nguồn quy phạm của Thánh Kinh và Thánh Truyền, báo trước cuộc canh tân đầy tính quan phòng cùng xuất hiện với các phong trào kinh thánh, phụng vụ và giáo phụ. Họ nhấn mạnh rằng một trong các yếu tố hàng đầu và căn bản trong đời sống Giáo Hội là chiều kích hiệp thông, một chiều kích vốn ngụ ý thực hành đồng nghị theo trật tự ở mọi bình diện, bằng cách dành tầm quan trọng phải có cho sensus fidei fidelium (cảm thức đức tin của các tín hữu), vốn có liên hệ nội tại với thừa tác vụ chuyên biệt của các Giám mục và Đức Giáo Hoàng. Sự xuất hiện của bầu khí mới trong các liên hệ đại kết với các Giáo hội và cộng đồng giáo hội khác, và việc biện phân cẩn thận hơn các đòi hỏi cao độ của ý thức hiện đại liên quan đến sự tham gia của mọi công dân vào việc quản trị xã hội, kêu gọi phải có một trải nghiệm và trình bầy mới mẻ và sâu sắc hơn về Giáo Hội như một thực thể có tính đồng nghị từ trong bản chất.

39. Không nên quên rằng, từ nửa sau của thế kỷ XIX trở đi, một định chế mới đã thành hiện thực và có một ý nghĩa nhất định: các hội đồng giám mục rất có thể không có một khuôn mạo giáo luật chính xác, nhưng, như một cuộc tập hợp các Giám mục của một quốc gia đơn nhất, các ngài là dấu chỉ việc tái khám phá ra lối giải thích có tính hợp đoàn về việc thực hành thừa tác vụ giám mục trong một lãnh thổ chuyên biệt và tùy theo các hoàn cảnh địa chính trị đang thay đổi. Trong cùng một tinh thần đó, ngay trước thềm thế kỷ XX, Đức Lêô XIII đã triệu tập một Công đồng toàn thể Châu Mỹ Latinh, tập hợp các giám mục giáo đô của các giáo tỉnh ở lục địa (1899). Về mặt thần học và kinh nghiệm giáo hội học, đã có một ý thức ngày càng tăng là “Giáo Hội không đồng nhất với các mục tử của mình; toàn thể Giáo Hội, nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, là chủ thể hoặc ‘cơ quan’ của Thánh Truyền; và người giáo dân có vai trò tích cực trong việc chuyển giao đức tin tông truyền “[40].

40. Công đồng chung Vatican II nối tiếp đường hướng của Vatican I và biến nó thành một phần của chương trình aggiornamento(cập nhật hóa), bằng cách lưu ý tới các thành quả của những năm ở giữa và lồng chúng vào một tổng hợp phong phú dưới ánh sáng Thánh Truyền.

Hiến chế tín lý Lumen Gentium đặt để một viễn kiến về bản chất và sứ vụ của Giáo Hội như hiệp thông, với các giả định thần học phải tái khởi động tính đồng nghị một cách thích đáng: quan niệm có tính huyền nhiệm và bí tích về Giáo Hội; bản chất của Giáo Hội như Dân Thiên Chúa đang lữ hành qua lịch sử hướng về quê hương thiên đàng, trong đó mọi chi thể Giáo Hội đều nhờ phép rửa mà được tôn vinh với cùng một phẩm giá như nhau, như con cái của Thiên Chúa, và được đề cử vào cùng một sứ mệnh; tín lý về tính bí tích của hàng giám mục và tính hợp đoàn trong hiệp thông phẩm trật với Giám mục Rôma.

Sắc lệnh Christus Dominus nhấn mạnh rằng Giáo hội địa phương là một chủ thể, và khuyến khích các Giám mục thực thi việc chăm sóc mục vụ của Giáo hội được giao phó cho các ngài trong hiệp thông với hàng linh mục của các ngài, bằng cách lợi dụng sự giúp đỡ của một viện trên (senate) hoặc một hội đồng linh mục chuyên biệt và đưa ra lời kêu gọi thiết lập ra một Hội đồng mục vụ trong mọi Giáo Phận, trong đó, nên có sự tham dự của các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Sắc lệnh cũng bày tỏ lòng mong muốn rằng, ở bình diện hiệp thông giữa các Giáo hội trong một khu vực, định chế đáng kính là các công nghị và các công đồng nên được tái lên sinh lực, và mời gọi sự cổ vũ của các hội đồng giám mục. Trong Sắc Lệnh Orientalium Ecclesiarum (Các Giáo Hội Đông Phương), định chế tòa thượng phụ và hình thức công nghị của nó được đề xuất cho các Giáo Hội Công Giáo phương Đông.

41. Về việc tái lên sinh lực cho thực hành đồng nghị ở bình diện Giáo Hội hoàn vũ, Chân Phúc (nay là Thánh) Phaolô VI đã thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục. Đây là một “Công đồng Giám mục thường trực cho Giáo hội hoàn cầu”, lệ thuộc một cách trực tiếp và cận kề vào quyền bính của Giáo hoàng, “qua việc cung cấp thông tin và tư vấn”, nhưng “cũng có thể hưởng được quyền đưa ra quyết định khi quyền này được Giám Mục Rôma trao ban”[41]. Định chế này nhằm tiếp tục mở rộng cho dân Chúa các phúc lợi của hiệp thông sống trong thời Công đồng.

Thánh Gioan Phaolô II, nhân dịp Năm Thánh 2000, đã đưa ra một đánh giá về con đường đã đi qua để nhập thể – luôn phù hợp với giáo huấn của Vatican II – chính yếu tính của mầu nhiệm Giáo Hội qua nhiều cơ cấu hiệp thông. Ngài nhấn mạnh rằng phần lớn đã được thực hiện “nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều việc phải làm, để nhận ra mọi tiềm năng của các công cụ hiệp thông này… (và) để đáp ứng nhanh chóng và hữu hiệu các vấn đề mà Giáo Hội phải đương đầu trong những thời đang thay đổi nhanh chóng này” [42].

Trong hơn 50 năm đã trôi qua kể từ Công đồng mới đây cho đến nay, ý thức về Giáo hội như hiệp thông đã phát triển trong các thành phần rộng lớn của Dân Thiên Chúa và đã có những kinh nghiệm tích cực về tính đồng nghị ở cấp giáo phận, khu vực và hoàn vũ. Đặc biệt, đã có mười bốn phiên toàn thể thường lệ của thượng hội đồng Giám mục; kinh nghiệm và hoạt động của các Hội đồng giám mục đã phát triển; ở khắp mọi nơi, đã có những cuộc họp có tính đồng nghị. Các công nghị cũng đã thành hiện thực nhằm cổ vũ hiệp thông và hợp tác giữa các Giáo hội và Giám mục địa phương nhằm phát triển các phương thức mục vụ trên bình điện vùng và lục địa.

Nguồn tin: catechesis.net