Truyền Giáo Thời Nay Có Nghĩa Là Gì?

Fri,03/04/2020
Lượt xem: 1834

 Các nền tảng của ơn gọi của nhà truyền giáo thì luôn giống nhau. Nhưng khuôn mặt của những người sống đời sống tông đồ và lãnh vực phục vụ của họ đã thay đổi.

“Truyền giáo”: thuật ngữ này trở nên phổ biến với người công giáo, nhất là với giới trẻ. Ngày 27, 28, 29 tháng 9 dự kiến có 7000 người dự “Đại hội Truyền giáo”, một sự kiện được tổ chức ở các nhà thờ quận 6 thủ đô Paris dành riêng cho việc truyền giáo. Và thời sự của những năm gần đây bị đánh dấu bởi các vụ tiết lộ lạm dụng tình dục và lạm dụng lương tâm dường như không thể ngăn chặn tấm lòng nhiệt thành này. Trái lại. 
Linh mục Jean-Baptiste Nadler nhận xét: “Nghịch lý thay, cuộc khủng hoảng của Giáo hội lại là cơ hội để truyền giáo. Mỗi khi có tiết lộ mới là bị cảm giác nhục nhã, nhưng sau đó là đến giai đoạn hoán cải, khiêm nhường và lắng nghe. Và ba đặc nét này lại là ba tiêu chuẩn tiên quyết để loan báo Lời Chúa”. Linh mục Nadler thuộc Cộng đoàn Emmanuel và là giám đốc Nhóm Truyền giáo Lưu động, với khoảng mười mấy tình nguyện viên, cha thường xuyên đến thăm giáo xứ nào muốn truyền giáo. Ông Alex Lauriot Prévost nhắc lại: “Từ muôn thuở, các tông đồ luôn xuất hiện sau các thời kỳ khủng hoảng trong Giáo hội. Trong quá khứ, các thánh Đa-Minh và Phanxicô Assisi là “thuốc giải độc cho thời kỳ của họ.” Ông Alex Lauriot Prévost là đại diện tòa giám mục và vợ là bà Maud làm việc trong tổ chức Tân phúc âm hóa ở giáo phận Avignon. 
Từ muôn thuở, các tông đồ luôn xuất hiện sau các thời kỳ khủng hoảng trong Giáo hội
Bà Dauphine Piganeau và Isabelle Pélissié
Dù vậy, trên địa bàn hoạt động, là nhà truyền giáo trong bối cảnh ngày nay không phải lúc nào cũng khỏe khoắn. Bà Isabelle Pelissié, đồng sáng lập tổ chức WEMPS với bà Dauphine Piganeau, WEMPS là một tổ chức rao giảng Tin Mừng ở các giáo xứ nông thôn, họ thường gặp các người lớn tuổi vẫn còn bị tổn thương với Giáo hội: “Trong trường hợp này, công việc của chúng tôi là lắng nghe, là lỗ tai của Giáo hội!” Các bà kể kinh nghiệm một năm truyền giáo của họ ở hai giáo xứ Allier và du Puy-de-Dôme trong một quyển sách Sứ vụ Isidore. Hai nhà truyền giáo trẻ ở vùng nông thôn sắp xuất bản. Linh mục Guillaume Roudier thuộc hiệp hội Truyền giáo Pháp và là kỹ thuật viên trong một công ty kỹ thuật số ở Lyon cho biết, ở các thành phố lớn thì các nhà truyền giáo sẽ đối diện với một hình ảnh khác: “Những người chưa bao giờ nghe đến Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hoàn toàn mới với họ. Vào những năm 1950, các linh mục-thợ có nhiệm vụ tái phúc âm hóa trong môi trường bình dân. Hiện nay công việc truyền giáo của tôi là mọi nơi.”
Theo bước chân của các linh mục-thợ, khái niệm truyền giáo cũng cần định nghĩa lại: sự suy giảm các sứ vụ truyền giáo nước ngoài, hình ảnh người cha già da trắng với bộ râu dài được thay bằng người địa phương và… giáo dân. Một sự thay đổi bắt đầu từ những năm 1970. Linh mục Daniel Moulinet mô tả: “Sau Công đồng Vatican II, chúng ta đã chứng kiến một cuộc khủng hoảng về truyền giáo. Đối diện với việc phi thực dân hóa, một số cộng đồng tôn giáo phương Tây ở các vùng nam bán cầu đã bị trục xuất. Những người khác không còn động lực, họ không còn thấy ý nghĩa sứ mệnh của họ. Và họ từ bỏ việc loan báo Tin Mừng để quay qua chiến đấu chống nạn đói”, linh mục Daniel Moulinet thuộc giáo phận Moulins, giáo sư lịch sử tại Đại học Công giáo Lyon.
Vài năm sau, những người truyền giáo mới xuất hiện. Họ làm việc ở Pháp và nhiều người trong số họ là giáo dân. Họ thuộc các cộng đoàn mới như cộng đoàn Emmanuel (thành lập năm 1972) và Cộng đoàn Con đường Mới (thành lập năm 1973). Theo linh mục Moulinet, việc truyền giáo mới do các cộng đoàn đặc sủng hướng dẫn giống như cộng đoàn do các giáo dân hướng dẫn của Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô của Frédéric Ozanam năm 1833. Còn về phần Đức Phaolô-VI, năm 1975, trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi), ngài nới rộng khái niệm “truyền giáo” đến tất cả những người đã được rửa tội. Rồi đến năm 1990, Đức Gioan-Phaolô II khẳng định trong Tông huấn Sứ vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio) về giá trị vĩnh viễn của khái niệm truyền giáo. Do đó, trong tương lai, phong trào thế tục hóa sứ mệnh này vẫn còn được nhấn mạnh. Linh mục Nadler cho biết: “Người tông đồ tương lai sẽ là một giáo dân! Tôi tin chắc các linh mục chúng ta sẽ không còn rãnh như trước. Cấu trúc giáo hội của chúng ta đang thay đổi.” Linh mục Guillaume Roudier phấn khởi trước ý tưởng của một bổ sung giáo dân-linh mục: “Đó là một sự phong phú, thêm nữa đây là phương thuốc cho giáo sĩ.”
Đây không phải là việc chinh phục thể chế hay vùng lãnh thổ! Cũng không phải là chuyện thiết lập một chiến lược, mà chỉ là kết nối tình bạn với những người xung quanh chúng ta.
Về phương pháp, nhà truyền giáo năm 2019 sẽ trực tiếp hơn các nhà truyền giáo trước đây. Họ không bị mặc cảm, họ rao giảng Tin Mừng trên đường phố, ngoài bãi biển. Một sự thay đổi phong cách do phong trào truyền giáo mới mang lại, Linh mục Moulinet nêu rõ: “Với câu ‘Anh chị em đừng sợ!’ của Đức Gioan-Phaolô II, ngài xin giáo dân công khai rao giảng Tin Mừng chứ không “chui” như trước đây. Hồi đó giáo dân phải kín đáo với đức tin của mình.” Lời kêu gọi này kích thích sự phát triển trong các phong trào như phong trào Anuncio của cố Giám mục Maxime Charles, cựu quản nhiệm vương cung thánh đường Montmartre hay phong trào Aïn Karem của linh mục Michel Gitton. Trên mảnh đất truyền giáo này, gương mặt của các giáo dân dấn thân dường như đang trẻ trung hóa. Bà Isabelle Pelissié người đồng sáng lập hội WEMPS ghi nhận: “Nhiều trẻ vị thành niên hứng thú với công việc truyền giáo đến gõ cửa cơ quan chúng tôi: “ Bà Anne-Geneviève Montagne cũng nói như vậy: “Càng ngày càng có các học sinh đến gặp chúng tôi. Các em muốn loan báo Tin Mừng. Đối với các em, truyền giáo là cách kết nhập với cách sống đức tin của các em. Trước hết là những người mà quả tim họ tràn ngập một Tình thương cho Chúa Kitô. Mình không thể loan báo Tin Mừng mà không hoán cải chính mình trước!”, bà Montagne thuộc hội Anuncio, rao giảng Tin Mừng ngoài đường và là thành viên của nhóm tổ chức Đại hội Truyền giáo.
Chủ trương “trung thực với mình” chứ không “giả bộ”, các tông đồ thời nay được đào tạo để loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô. Quyển sách gối đầu giường của nhiều người là quyển Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) của Đức Phanxicô phát hành năm 2013. Linh mục Nadler phấn khích: “Đây là tài liệu trong lịch trình của Giáo hội. Quyển này lúc nào cũng ở trong văn phòng của tôi. Tôi thuộc lòng nhiều đoạn và tôi trích trong mỗi bài giảng của tôi!” Bà Isabelle Pelissie cười: “Tông huấn này là sách chỉ dẫn cho công việc của chúng tôi. Tôi có thể dùng các chữ trong sách này để nói về những gì tôi sống hàng ngày”, bà Pelissie thấy nơi Đức Phanxicô là hình ảnh của nhà truyền giáo thời nay.
Vì hàng ngày là cả một tiếp cận mới của công việc truyền giáo được lan rộng. Trong khi vào thế kỷ 16 đến 19, các cha truyền giáo phải vượt đại dương thì nhà truyền giáo ngày nay ở trong khu phố của mình. Xác tín của họ là sự gần gũi. Và công việc truyền giáo không giới hạn vào “các chuyên gia”, tông đồ của thế kỷ 20 và 21 đơn giản làm chứng đời sống đức tin của mình với đồng nghiệp, với người láng giềng hay với cha mẹ ở trường học của con mình. Việc truyền giáo này thể hiện qua tình bằng hữu và tình anh em, các sáng kiến ít thấy rõ hơn. Ông Arnaud Bouthéon tóm tắt: “Ở đây không phải là cuộc chinh phục thể chế hay vùng hoạt động! Cũng không phải là lên chiến lược nhưng là kết nối tình bạn với những người chung quanh”, ông Bouthéon là nhà tư vấn truyền thông và là người đồng sáng lập Đại hội Truyền giáo. Linh mục Nadler nhấn mạnh: “Nơi truyền giáo đầu tiên là gia đình, sở làm rồi mới đến giáo xứ”, linh mục Nadler mơ một ngày nào đó các gia đình biến thành nơi đón nhận và loan báo Tin Mừng. Bằng chứng là ngày nay, phương pháp truyền giáo trong tất cả nét đa dạng của nó ở nơi con người hơn là ở địa lý.
Sứ vụ Isidore. Hai nhà truyền giáo trẻ ở vùng nông thôn, (Mission Isidore. Deux jeunes missionnaires en milieu rural) Isabelle Pélissié và Dauphine Piganeau (Mame) phát hàn ngày 20 tháng 9 – 2019.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
 
Nguồn tin: phanxico.vn