Cộng Đoàn Chủng Viện - Vườn Ươm Tình Huynh Đệ (Đề tài suy niệm tĩnh tâm tháng 01 năm 2021 tại ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê)

Fri,15/01/2021
Lượt xem: 2149

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang 

Xin cho họ được hoàn toàn nên một” là câu mà gia đình chủng viện chọn làm chủ đề cho niên học 2020-2021. “Nên một” – cách đích thực – cách hoàn toàn, là thao thức mà Chúa Giêsu diễn tả trong lời nguyện hiến tế của Người (x. Ga 17) và là một đòi hỏi của cng đoàn môn đệ Đức Kitô. Đó không chỉ là nguyên lý cho một cộng đoàn vững chắc mà còn là thửa đất mà mỗi cá vị đạt tới sự trưởng thành trong cốt cách của mình, là dấu chỉ chứng tá cho thế giới.

Chiều kích cộng đoàn hay tính cộng đoàn là một trong những khía cạnh căn bản của việc đào tạo phẩm cách môn đệ Chúa Kitô. Trong Pastores Dabo Vobis, chúng ta không thấy đề cập cách cụ thể chiều kích này. Tuy nhiên nó được lồng vào trong các chiều kích đào tạo, nhất là chiều kích nhân bản. Cộng đoàn là môi trường mà người ta phát triển liên vị tính. Con người không thể đạt tới sự trưởng thành cá vị thực sự nếu không có sự trợ giúp của cộng đoàn, rằng: “con người là hữu thể có xã hội tính và nếu không tương quan với tha nhân, con người không thể sống cũng như không thể phát triển các phẩm chất của mình được” (GS 12).

Hơn nữa, là những kitô hữu, chúng ta được liên kết với những người khác trong một Thân Thể duy nhất, trong đó, mỗi người tùy thuộc vào người khác: “chúng ta đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một Thân Thể” (1 Cor12,13; Rm 12,5). Đặc biệt, là những ứng sinh linh mục, chúng ta được tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô, làm nên “tình huynh đệ bí tích”.Tất cả được mời gọi để trao ban những ân huệ đã nhận được phục vụ cho việc xây dựng cộng đoàn. Cộng đoàn giáo hội được năng động nhờ linh mục có sứ mạng tạo không gian cho những đặc sủng của Chúa Thánh Thần. Dĩ nhiên, “sự hiệp nhất của Giáo hội không có nghĩa là sự đồng phục - uniform[1], không phải là một cộng đoàn kiểu xã hội chủ nghĩa – một tập hợp người, thậm chí như những con số của tù nhân, mà là sự thông hiệp, “một lòng một ý” của những cá vị độc nhất vô nhị, nghĩa là nơi cộng đoàn Giáo hội, chúng ta tìm thấy sự đa dạng. Bởi vậy, khi đề cao vai trò của cộng đoàn tính, gia đình xinh đẹp của những môn đệ Chúa Kitô không phải một đội quân nghèo nàn, đơn diệu, không có nhân cách, đánh mất độc đáo tính, nhưng chính trong môi trường này, mỗi cá nhân khẳng định chân tính của mình. Merton[2] từng phát biểu: “chúng ta không thể tìm thấy chính mình nơi chúng ta, mà chỉ ở người khác, đồng thời, trước khi đi ra khỏi chính mình và đến với người khác, chúng ta phải tìm thấy chính mình”.[3] Chúng ta biết rằng, trong cộng đoàn Hội Thánh, chúng ta được gọi cách cá vị, và ơn gọi của chúng ta được lớn lên và hoạt động trong và cho Giáo hội. Tuy vậy, bối cảnh thế giới, giáo phận chúng ta, và thực tế đời sống chủng sinh – linh mục hôm nay, chúng ta không khỏi đau lòng khi chứng kiến những mảnh vụn, những đổ bể trong tương quan huynh đệ. Bởi vậy, trong dịp tĩnh tâm này, tôi muốn cùng anh em gợi đọc lại để suy gẫm và sống chiều kích cộng đoàn trong hành trình của môn đệ Chúa Kitô với Chủ đề: CỘNG ĐOÀN CHỦNG VIỆN: VƯỜN ƯƠM TÌNH ĐỆ HUYNH. Theo đó, xin gợi lên điểm chính: Tình huynh đệ cộng đoàn: những ngọt bùi và sự dòn mỏng; Trở nên người thân cận của nhau.

 

 

 

TÌNH HUYNH ĐỆ CỘNG ĐOÀN: NHỮNG NGỌT BÙI & SỰ DÒN MỎNG

(Mc 3,13-15; 1Cor 12,4-30)

1. Chủng viện: Ngọt ngào tình đệ huynh – phẩm tính môn đệ Chúa Kitô

Khi nói về ơn gọi, chúng ta nói tới một tương quan cá vị giữa Thiên Chúa, Đấng kêu mời và sự đáp trả của con người, và tất nhiên, tiến trình đào tạo, không gì khác hơn là để mỗi ứng sinh đào sâu, vun trồng, và phát triển mối tương quan này, nghĩa là đạt tới mức trưởng thành trong ơn gọi, xét như là chiều kích cá nhân. Vd: ơn gọi của Abraham (St 12,1-4); Mose (Xh 3,1-6); Samuel (3,1-19); Maria (Lc 1,26-38); Các môn đệ đầu tiên (Mt 4,18-22); Phaolo (Cv 9,1-19)… Tuy nhiên, chúng ta cũng thâm tín rằng, chúng ta được gọi, được nuôi dưỡng, lớn lên trong lòng dân Thiên Chúa, và để phục vụ cho dân Chúa. Nói cách khác, chiều kích cộng đoàn đóng vai trò sống còn đối với đời sống, sứ mạng của môn đệ của Chúa Kitô. Công đoàn, nơi mà căn tính & và sứ vụ của thừa tác viên được tìm thấy và diễn tả. Maco khi trình thuật về ơn gọi của các Nhóm 12 với việc nhấn mạnh những khía cạnh căn bản của ơn gọi: CHÚA GỌI NHỮNG KẺ NGƯỜI MUỐN – HỌ ĐẾN VỚI NGƯỜI – NGƯỜI LẬP NHÓM Ở VI NGƯỜI– SỨ VỤ với quyền trừ quỉ (Mc 3,13-15). Phẩm tính môn đệ mang chiều kích cộng đoàn – những người cùng có kinh nghiệm về việc ở với Chúa Giêsu. Cộng đoàn môn đệ không phải là tập hợp của một số người kiểu XHCN mà là cộng đoàn huynh đệ, cộng đoàn chứng nhân, chứng nhân của niềm vui Phúc Âm. Các chương trình, hoạt động sống của chủng viện, một mặt để các ứng sinh cảm nhận men nồng, rượu mới của tình đệ huynh, nhưng mặt khác, căn bản là để có được niềm vui của người môn đệ Chúa Kitô.

Chủng viện – vườn ươm của tình huynh đệ

Có thể có người cho rằng, ơn gọi linh mục triều không liên quan tới đời sống cộng đoàn, có chẳng, chỉ là mấy năm sống chung ở chủng viện. Cái nhìn như thế thật là sai lầm và thiện thẩn. Thậm chí, nếu ai nuôi dưỡng quan niệm này thì không nên tiến tới trong ơn gọi cao cả và cũng nhiêu khê nay. Ratio fundamentalis Institutionis Sacerdotalis khẳng định:

“Trong giai đoạn đào tạo khởi đầu, đời sống cộng đoàn phải ảnh hưởng trên mỗi chủng sinh, thanh lọc ý hướng của họ, để từng bước họ nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Ngày qua ngày, công cuộc đào tạo được thực hiện thông qua những tương quan liên vị, những khoảng khắc chia sẻ và trao đổi ý kiến, tất cả góp phần vào sự phát triển “thuơ đất nhân bản” trong đó ơn gọi được chín muồi cách cụ thể” (số 50). Thật vậy, cộng đoàn chủng viện là một gia đình mà bầu khí trong đó tạo thuận lợi cho tình bằng hữu và huynh đệ. Khi đã sống kinh nghiệm ấy, sau này chủng sinh sẽ hiểu được rõ hơn những đòi hỏi, những năng động và cả những vấn đề của các gia đình được giao cho họ chăm sóc trong mục vụ” (số 52).

Một cách cụ thể hơn, Pastores Dabo Vobis chỉ dẫn:

Trên bình diện con người, đại chủng viện phải là cộng đoàn trong đó các thành phần liên kết với nhau bằng tình bạn và một đức ái sâu xa, để tạo thành một gia đình thực sự với bầu khí vui tươi. Trên bình diện kitô giáo, chủng viện phải tạo thành một “cộng đoàn Giáo hội”, cộng đoàn môn đệ Chúa Kitô, trong đó cùng một phụng vụ thấm nhập tinh thần cầu nguyện vào toàn thể đời sống. Cộng đoàn được qui tụ nhờ việc lắng nghe Lời mỗi ngày và nhờ bí tích Thánh Thể. Cộng đoàn hiệp nhất với nhau trong việc thực thi đức ái huynh đệ và tinh thần công bằng” (số 60).

Việc đào tạo toàn diện ứng sinh linh mục diễn ra trong bối cảnh cộng đoàn huynh đệ và cho công đoàn. Bởi lẽ, các linh mục tương lai được mời gọi để qui tập dân Thiên Chúa trong hiệp nhất. “Đời sống cộng đoàn ở chủng viện là khủng cảnh phù hợp nhất để chuẩn bị cho chủng sinh hướng đến tình huynh đệ linh mục đích thực và là môi trường đặc biệt thích hợp để những chiều kích đào tạo hợp lại và tương tác với nhau bằng cách hòa hợp và liên kết với nhau […] (Ratio fundamentalis, 90).

Tính cộng đoàn trong việc đào tạo ứng sinh linh mục không chỉ dừng lại ở những năm chủng viện, mà kéo dài trong suốt hành trình môn đệ. Cộng đoàn – nơi các linh mục – những môn đệ - chứng nhân khởi hành cho sứ vụ và cũng là điểm đến của hành trình này. Rằng: “cộng đoàn là mảnh đất màu mỡ cho ơn gọi linh mục thừa tác. Chủng viên đến từ một cộng đoàn, và sau khi chịu chức, lại được sai đến phục vụ một cộng đoàn. Trước hết, là người chủng sinh, sau này là người linh mục cần có mối liên hệ sống còn với cộng đoàn. Cộng đoàn như sợi chỉ xuyên suốt làm cho 4 chiều kích đào tạo được hài hòa và nối kết” (Ratio fundamentalis, 90). Chính kinh nghiệm về đời sống cộng đoàn “là kinh nghiệm quí báu và không thể bỏ qua khi đào tạo những người được mời gọi trong tương lai thực thi quyền làm cha thiêng liêng thực sự trong các cộng đoàn giao cho họ. Vì vậy, khi chuẩn bị để lãnh nhận tác vụ, mỗi ứng sinh phải cảm nghiệm ngày càng sâu xa hơn ước muốn hiệp thông được nung nấu trong lòng họ” (Ratio fundamentalis, 51).

Chủng viện: cộng đoàn kinh nghiệm về Đức Giêsu Kitô: Pastores Dabo Vobis khẳng định:

“Chủng viện không chỉ được coi như một thời gian và là một nơi chốn, nhưng trên hết chủng viện được coi như một cộng đoàn giáo dục theo những bước tiến lần lượt: đó là cộng đoàn được giám mục thiết lập để tạo cho người nào được Chúa kêu mời phục vụ như các Tông đồ có điều kiện lặp lại bằng cuộc sống kinh nghiệm giáo dục mà Chúa đã dành riêng cho Nhóm Mười Hai. […] Bản chất sâu xa của chủng viện là, bằng cách thế của mình, thể hiện một sự nối tiếp, trong Giáo hội, công đoàn tông đồ quây quần chung quanh Đức Giêsu”. Tự nơi chính mình, chủng viện là một kinh nghiệm nguyên tuyền về đời sống Giáo hội: các thành phần khác nhau trong chủng viện, liên kết với nhau nhờ Chúa Thánh Thần bằng một tình huynh đệ duy nhất, hợp tác với nhau, mỗi người tuy theo tài năng riêng của mình, để làm cho mọi người được tăng trưởng trong đức tin và đức ái (số 60).

Chính từ đời sống Chủng viện, nghĩa là đời sống cộng đoàn mà ứng sinh linh mục có được kinh nghiệm cá vị về Chúa Kitô để trở nên nhân chứng của Người. Chúng ta nhớ câu chuyện Tôma trong ngày Chúa Phục sinh hiện ra với Nhóm 11 (Ga 20,24-29). Không có mặt cùng Tông đồ đoàn, ông đã không có được đức tin Phục sinh, cho dù ông được các bạn hữu loan báo: “chúng tôi đã thấy Chúa”. Tuy nhiên, trong một lần khác, khi Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với Nhóm Tông đồ, có mặt ông Toma, đối diện với Đức GK trong cộng đoàn môn đệ, Toma không cần kiếm chứng mà suy phục đức tin. Tiến trình đào tạo là tiến trình để ứng sinh đi đến suy phục Chân Lí, để có được đức tin cá vị, một sự xác quyết cá nhân về Chúa Giêu Phục Sinh: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (c.28). Khi tách ra khỏi cộng đoàn tông đồ (c.24), Thomas đã không thể tuyên xưng đức tin Phục Sinh. Nhưng khi nhập đoàn, “ở với” các tông đồ, có Chúa Phục Sinh ở giữa, ông đã bày tỏ đức tin của mình một cách mạnh mẽ như chúng ta đề cập ở trên. Thomas “đã thấy” và “đã tin”. Ông đã tuyên xưng đức tin Phục Sinh trong cộng đoàn chứng nhân.

Chủng viện, cộng đoàn chứng nhân loan Tin mừng

Gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Người để trở nên chứng nhân về Người. Quả vậy, “cộng đoàn Kitô giáo được Chúa Thánh Thần quy tụ để được sai đi truyền giáo. Do đó, nhiệt tâm truyền giáo và việc thực thi truyền giáo cách cụ thể thuộc về bản chất của toàn thể dân Chúa, một dân không ngừng “đi ra”, bởi vì “niềm vui Tin mừng đang chiếm đầy đời sống cộng đoàn của các môn đệ là một niềm vui mang tính truyền giáo”. Một nhiệt huyết truyền giáo như thế còn chám tới cách đặc biệt hơn nữa nơi những người được kêu gọi tới chức linh mục thừa tác, vì nhiệt huyết loan báo Tin mừng chính là mục đích. Và chân trời của toàn bộ công cuộc đào tạo” (Ratio fundamentalis, 91). Cộng đoàn chủng viện là nơi mà lời chứng hùng hồn và xác thực về Thầy Giêsu như Gioan đã viết: “Điều vấn có từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm tới, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời” (1Ga 1,1-3).

Câu hỏi gợi ý suy niệm: Tôi có ý thức đủ việc đào tạo tính cộng đoàn trong ơn gọi và sứ mạng của tôi không?

2. Tình đệ huynh đối diện với sự dòn mỏng

Trong Thông điệp Fratelli tutti, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành chương thứ nhất để trình bày về những mảng mây tối che phủ tình huynh đệ, tình bạn nhân loại. Cha A. Cencini, trong cuốn “Fraternità in cammino verso l’alteritàTình huynh đệ trong hành trình hướng tới sự đa dạng” đã phác họa những vấn đề đích thực, những dòn mỏng trong đời sống huynh đệ cộng đoàn mà chúng ta cần nhận diện. Ngài viết: Tại thời điểm này, chúng ta có thể nỗ lực hơn nữa, luôn luôn xác định chính xác nhất ý nghĩa và phương thức của tác vụ của nhà giáo dục, người anh cả luôn sát cánh trong cuộc hành trình để giúp đưa ra sự thật. Về cơ bản, bây giờ chúng ta tự hỏi cái gì trung tâm của vấn đề, hay yếu tố yếu nhất, những dòn mỏng, cần có chiến lược của việc can thiệp giáo dục?[4] Tôi cố gắng trả lời bằng cách đề cập đến hai tình huống có bản chất khác nhau: một là kinh nghiệm lịch sử, một là tài liệu quy phạm cho tất cả chúng ta

2.1. Bức tường của việc không sẻ chia – thông truyền

Trong một cuộc hội ngộ của các Bề trên tổng quyền của các dòng tu, người ta đã lấy một chủ đề đề cập tới chướng ngại trong đời sống cộng đoàn mà một người trẻ thánh hiến nói tới: “từ bức tường Berlin tới bức tường của việc không thể thông truyền cho nhau”.

Câu chuyện được kể bởi một người trẻ sống thánh hiến trong bối cảnh các nước cộng sản. Có những bức tường ngăn cách các cổng thông tin từ bên ngoài, và thậm chí trong tu viện, chủng viện, cũng có một bức tường ngăn cách việc thông truyền cho nhau, dường như mọi thứ đều là tuyệt mật. Thầy nói rằng, thời gian tập viện của thầy và tất cả việc đào tạo bao gồm các cuộc gặp gỡ duy nhất với một tu sỹ, các cuộc gặp gỡ hoàn toàn bí mật, và tất nhiên, đỉnh cao là việc tuyên khấn được thực hiện trước cùng một tu sỹ trong bầu khí “bom mìn” – chiến tranh, ngăn cách thực sự. Và như vậy, rõ ràng, ngay cả sau khi tuyên khấn, mọi thứ đã và phải được giữ kín, được che giấu, được cử hành trong sự riêng tư tuyệt đối nhất, luôn ở một mình, trong sự cô độc tuyệt đối nhất.

Đôi khi, người tu sĩ trẻ mơ về một cộng đoàn tu sỹ, tưởng tượng ra sự ấm áp của tình huynh đệ, vẻ đẹp của đời sống chung, đặc biệt, của việc cầu nguyện chung, cùng nhau hợp xướng của việc cử hành phụng vụ cộng đoàn. Dường như thiếu vắng tất cả những gì làm nên sức mạnh của một môn đệ, thiếu vắng sự nâng đỡ tình đệ huynh nguyện cầu và dường như cả sự hiện diện mang tính đỡ nâng của Chúa bởi vì “đâu có hai bai người hợp nhau vì danh Chúa thì có Chúa ở đó”, thầy cảm nghiệm được nhu cầu sẻ chia đức tin của mình cho người khác, đồng thời làm giàu nó bởi kinh nghiệm của người khác. Những tất cả chỉ là giấc mơ xa vời và không chân thực.

Rồi một ngày đẹp trời cũng đã tới, tất cả được thành toàn, thỏa mong ước – được giải phỏng khỏi chế độ áp bức: sự đơn độc, sợ hãi cũng đã kết thúc, người tu sỹ trẻ của chúng ta có thể loan báo về đức tin của mình và sống cách công khai lời khấn của thầy không sở hãi, không lo người khác dòm ngó. Giấc mơ thành hình trong hiện thực, người anh em này được gởi đi học ở nhà tổng quyền ở Roma, được sống trong cộng đoàn huynh đệ điều mà trước đó thầy chỉ hình dung thôi.

Tuy nhiên điều này cũng dẫn anh ta tới sự thất vọng. Rất lớn, có thế nói thấy đối diện với khổ đâu quá lớn trước khi tìm lại được niềm hy vọng. Người tu sỹ trẻ có cảm giác phải đối diện với một thực tế không như mong đợi, nhiều năm xa cách – ánh sáng mà thầy mong đợi: khởi đầu hành trình khám phá: anh tuyến khấn trọn đời trước mặt các Cha bề trên tổng quyền, và những người sống trong cùng một ngôi, cùng cầu nguyện và hát cùng nhau, làm việc cùng nhau theo một cách nào đó, nhưng trên thực tế, mọi người đều sống theo ý mình, và tự xoay xở những việc quan trọng nhất trong cuộc sống, vun vén cho sở thích riêng tư, bao gồm cả những gì là thiêng liêng. Chẳng hạn, người ta cầu nguyện với Thiên Chúa “của người ta”, nhưng thực tế không chia sẻ bất kỳ kinh nghiệm nào của người ta với người khác. Một khám phá cay đắng khác, trong nhóm vẫn thương thông tin cho nhau, nhưng về những điều bên lề, họ không chia sẻ cuộc sống và những gì quan trọng trong tư cách của một người thánh hiến. Do đó, công đoàn trở thành một thứ thứ yếu và như thế dường như không còn ảnh hưởng gì tới cách thánh hiến và cách sống. Và nó như thể việc thánh hiến không có giá trị gì hoặc hạ thấp giá trị việc thánh hiến dẫn tới một cách giải thích vui vẻ, chủ quan và mang tính chủ nghĩa cá nhân của đời sống thánh hiến, và đó cũng là một nhịp điệu thấp của đời sống cộng đoàn.

Đối với tu sỹ trẻ của chúng ta, đó là một gáo nước lạnh, một sự ngạc nhiên khó chịu. Và anh lại cảm thấy cô đơn, một mình một cách lạ thường nhưng sâu thẳm giữa những người khác. Ai đó nói với một chút mỉa mai, gọi thầy là “người ngoài cộng đoàn”, do nguồn gốc của người tu sỹ, thực tế chỉ có một ít trong khi dường như tất cả mọi người là những người “bên ngoài cộng đoàn”, bởi vì chỉ có một số ít, trong khi mọi người sống như thể họ đang ở bên lề của kinh nghiệm về cộng đoàn thực sự, nhưng lại không nhận ra điều đó hoặc thậm chí, và đây là khía cạnh nghiêm trọng nhất ...

Người tu sỹ trẻ đi đến một nhận thực, phát hiện ra một sự giống nhau bất ngờ giữa hai tình huống quá khác nhau mà thầy đã trải qua đều liên quan đến mối tương quan liên vị; nếu trong kinh nghiệm đau đớn trước đây có nỗi sợ hãi về người khác như một người cung cấp thông tin, dẫn đến làm mọi thứ một cách bí mật, thì bây giờ - trong cộng đoàn tu sỹ- anh ta vẫn tiếp tục - mặc dù vì những lý do khác - một nỗi sợ hãi kỳ lạ đối với người anh em, một lần nữa dẫn đến che giấu người khác, hoặc để giữ đức tin của mình hoặc con đường tâm linh của mình thực tế bị che giấu khỏi thầy, tất nhiên không phải vì sự gian ác, nhưng vì một thói quen kỳ lạ và ngớ ngẩn là quan niệm đức tin và tâm linh theo cách riêng tư.

Vậy thì, người tu sỹ trẻ tự hỏi mình, sống trong cộng đồng có ích lợi gì nếu sau đó các con đường tâm linh vẫn riêng tư và không được thông truyền, và không bao giờ chảy vào một con đường duy nhất, được đánh dấu bởi đặc sủng, dẫn tất cả anh em cùng nhau hướng về ngọn núi của Chúa Trời? Làm sao lại có thể gọi là một cộng đoàn tu sỹ - một nhóm người không chia sẻ những gì quý giá nhất, đức tin và ân sủng mà họ nhận được từ người khác? Làm sao một cộng đoàn không bao giờ có thể có khả năng  làm nhân chứng và lối cuốn ơn gọi, trong đó mỗi người ... làm việc của riêng mình và hướng đến sự hoàn thiện riêng tư của mình?

Những câu hỏi vang dội lên mọi người và thậm chí hơi lúng túng với cả cấp trên. Người trẻ thánh hiến này đã đặt ngón tay vào chỗ đau. Có lẽ, một số ý nghĩ, việc chuyển từ một cộng đoàn chủ nghĩa cá nhân sang một cộng đoàn chia sẻ và một cuộc cách mạng thực sự trong đời sống thánh hiến, một cuộc cách mạng vẫn chưa đến. Có một bức tường không thể thông truyền giữa chúng ta vẫn chưa sụp đổ.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Fratelli tutti đã dành chương khởi đầu để trình bày về những mảng mây đen phủ trùm thế giới hôm nay với nền văn hóa xây tường. Trong thế giới phẳng, người ta xích lại gần nhau như trong một ngôi làng, nhất là trong thế giới công nghệ số hôm nay. Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng nói,

Chúng ta có một số nỗi sợ truyền kiếp mà sự phát triển công nghệ đã không loại trừ được chúng. Quả thật, những nỗi sợ ấy có thể ẩn núp và lan tràn đàng sau công nghệ mới. Ngày nay cũng vậy, bên ngoài những bức tường thành cổ, là vực sâu vùng đất bí ẩn, cảnh hoang vu. Bất cứ gì đến từ đó, thì không thể tin được, vì nó bí ẩn, không quen, không phải là một phần của làng xã. Đó là vùng đất của “mọi rợ”, chúng ta phải chiến đấu chống lại họ để tư bảo vệ mọi giá. Thế là bức tường mới được xây dựng để bảo vệ chính mình, thế giới bên ngoài ngừng tồn tại và chỉ còn thế giới “của tôi” tới mức người khác không được coi như con người bất khả nhượng, trở thành “chúng nó” mà thôi. Một lần nữa, chúng ta gặp “cơn cám dỗ xây dựng một nền văn hóa của những bức tường, xây tường lên khắp nơi, những bức tường trong trái tim, những bức tường trên mặt đất, để tránh gặp gỡ những vùng văn hóa khác nhau, những người khác nhau. Những người xây tường sẽ rút cuộc trở thành nô lệ trong chính những bức tường mà họ đã xây lên. Họ trở thành những người không có chân trời, vì họ thiếu giáo tiếp với người khác(Fratelli Tutti, 37).

Văn hóa xây tường đã ảnh hưởng không nhỏ tới chúng ta, những con người của thời đại cộng nghệ số. Thời đại mà người ta xích lại gần nhau về mặt không gian và thời gian. Tuy nhiên, tương quan liên vị có nguy cơ “bị giản cách”. Người ta ngồi gần nhau, tương tác với nhau nhưng không tương giao đệ huynh. Trong thời đại công nghệ, chúng ta kết bạn với hàng nghìn người, những ít tìm thấy tấm chân tình của bằng hữu, huynh đệ. Trong thế giới số, con người có nguy cơ bị số hóa trở thành một “robot di động”. Đức Gh viết: “những tiến bộ này thật là to lớn và có giá trị” (Fratelli tutti, 29), nhưng cái đang thống trị thế giới hôm nay “là một sự thờ ơ vô tâm lạnh lùng được toàn cầu hóa, phát sinh từ sự vở mộng sâu xa ẩn đằng sau một ảo tưởng có tính đánh lừa: ý nghĩa rằng chúng ta toàn năng, trong khi không nhận ra rằng tất cả chúng ta ở trên cùng một con thuyền. Ảo tưởng này, không chút ý thức về các giá trị to lớn của tình huynh đệ, dẫn tới một loại chủ trương yếm thế. Bởi đó là con đường chúng ta sẽ gặp nếu đi theo con đường vỡ mộng và thất vọng..” (Fratelli Tutti 30).

Chúng ta – những môn đệ Chúa, nhiều khi mang những tiêu chuẩn của người đời để đo lường tình đệ huynh: “bạn chất” – và “không chất”. “Việc cảm thấy buộc lòng phải sống với nhau là một chuyện, nhưng việc trân trọng sự phong phú và vẻ đẹp nơi hạt giống của đời sống chung cần được tìm kiếm và chăm sóc, thì đó lại là chuyện hoàn toàn khác”. “Chúng ta đã nuôi mình bằng những giấc mơ huy hoàng vĩ đại, để kết cuộc hứng lấy sự phiền trí, sự đóng kín và cô độc. Chúng ta mải mê tạo cạc mối quan hệ, mà đánh mất cảm giác về tình huynh đệ” (Fratelli Tutti 33).

Câu hỏi gởi ý: Có ai đó bị tôi hay nhóm tôi cho ra rìa và trở thành “kẻ ngoài cuộc” – “chim xanh” không?

2.2. Thứ “virus” của chủ nghĩa tâm linh cá nhân

Tình huống được tu sỹ trẻ từ phương Đông tố cáo một cách can đảm dường như không mang tính giai đoạn và liên quan đến một môi trường cụ thể, mà là một hiện tượng tổng quát có thể thấy ở phần lớn các cộng đoàn, không chỉ ở Ý. Đây là điều mà tài liệu của Thánh Bộ về Đời sống thánh hiến và Hiệp hội đời sống tông đồ khẳng định một cách rất có thẩm quyền, trong đó dành phần trung tâm của bản văn, và có lẽ là phần nguyên bản và đổi mới nhất, chính xác cho vấn đề và giá trị của việc sẻ chia, các số từ n. 19 đến 32 có chủ đề này: “Thông truyền để cùng nhau lớn lên”[5]. Về bản chất, tài liệu nói tới chủ nghĩa hiện thực “chất lượng kém của thông truyền cơ bản điều thiêng liêng tốt đẹp..., và nhu cầu thông truyền mãnh liệt hơn giữa các tu sỹ của cùng một cộng đoàn”,[6] nhấn mạnh rằng “thật là quan trọng để thông truyền một cách rộng và sâu hơn”,[7] bởi vì, sự hiệp thông nảy sinh từ việc chia sẻ những ân huệ của Chúa Thánh Thần, một sự chia sẻ của đức tin và trong đức tin, ở đó mối dây liên kết huynh đệ càng bền chặt hơn vì là trung tâm và sống động hơn quan trọng hơn là tất cả được đặt vào thiện ích chung.

Tóm lại, nói một cách rõ ràng và dứt khoát rằng trong các cộng đoàn của chúng ta, chủ nghĩa cá nhân đang ngự trị, và chủ nghĩa cá nhân đặc biệt rõ ràng trong đời sống tinh thần, chính xác trong những gì cần được đánh dấu bằng một hành trình và một dự án chung, từ một ân huệ và một căn tính chung. Chúng ta chia sẻ nhiều thứ trong cộng đoàn, nhưng không phải là điều quan trọng nhất: đức tin, tâm linh, Lời Chúa ..., và điều này thật vô lý, và cuối cùng là tai tiếng.

Mỗi linh đạo (của một hội dòng thánh hiến, của linh mục triều) được đánh dấu bởi chính một đặc sủng (MTG, TSBA…) luôn có bản chất căn yếu là tính cộng đoàn, và do đó phải tìm ra các hình thức biểu đạt – thông truyền để nâng cao khía cạnh này cho sự phát triển của tất cả mọi thành viên. Và nếu khái niệm tâm linh vẫn còn được liên kết với các kiến ​​trúc cá nhân, thì ý tưởng về sự thánh thiện cũng vậy. Hậu quả rõ ràng và đau đớn, mà cùng chính tài liệu của Bộ đời sống thánh hiến mô tả như sau: “kinh nghiệm tâm linh có được sự vô cảm của chủ nghĩa cá nhân. Ngoài ra tâm thức tự quản được ưa chuộng cùng với sự vô cảm với người khác, trong khi các mối quan hệ quan trọng đang dần được tìm thấy bên ngoài cộng đoàn”, và một lần nữa “sự thiếu thốn và nghèo nàn về giao tiếp (thông truyền) thường tạo ra sự suy yếu tình huynh đệ, do sự thiếu hiểu biết về kinh nghiệm của những người khác, khiến cho tình anh em xa lạ và các mối quan hệ vô danh”.[8]

Cậu chuyện Đức cha Chương kể về chủng sinh luôn chậm giờ. Chủng sinh thế nào, linh mục thể ấy.

(Phân tích rõ ràng và điểm yếu được chỉ ra ngoài phương tiện xác định. Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta, được tạo tác - giữa những người khác - theo những đường nét kiến ​​tạo từ khuôn mẫu chủ nghĩa cá nhân, sẽ có thể nhận ra trong những khía cạnh chẩn đoán rất sáng suốt này mà người ta cũng tìm thấy trong tình huynh đệ của mình, và có lẽ cũng trong bản thân người ấy và trong phong cách giáo dục. Thêm một lý do nữa để cẩn thận hơn và không truyền lại hình mẫu kỳ lạ này của một vị thánh theo chủ nghĩa cá nhân, người mà hầu hết sử dụng cộng đoàn để thực hành các nhân đức, hoặc cầu nguyện cho người khác (tội nhân), và người - với đức tin tốt, hiểu biết rằng- người ấy bận tâm những thứ tâm linh của riêng mình).

Tại sao chúng tôi gọi là  “virus”? Bởi vì con thú dữ của chủ nghĩa cá nhân này có khả năng lây nhiễm, hội chứng không chia sẻ hoặc không giao tiếp tâm linh, nhưng - thật trớ trêu! - lại có xu hướng để giao tiếp, nó lây lan ra xung quanh, dễ lây lan, nó không bao giờ là vấn đề của một cá nhân, đó là cách tồn tại và thai nghén (không) tương quan có xu hướng trở thành não trạng và văn hóa. Vì lý do này, chúng ta phải rất cẩn thận trong cộng đoàn và trong các nơi đào tạo của chúng ta, đồng thời tìm một chương trình chống virus càng sớm càng tốt để loại bỏ mầm độc hại này.

Nói về sự lên ngôi và thống trị của thứ virus – chủ nghĩa cá nhân với sự hẫu thuẫn một thứ truyền thông ảo tưởng, Đức Phanxicô viết: “thật kì quặc, trong khi những thái độ đóng kín và bất bao dung đối với người khác đang trên đà gia tăng, thì khoảng cách đang thu lại hay biến mất, đến nỗi quyền riêng tư không còn tồn tại. Mọi sự trở thành một thứ sân khấu cho người ta khảo sát và do thám, và cuộc sống con người bây giờ thường xuyên bị giám sát. Truyền thông kỹ thuật số muốn đưa tất cả ra công khai; cuộc sống của người ta bị săm soi, bị phỏi trần và kháo láo, thường là một cách vô danh” (Fratelli Tutti 42):

Facebook – mạng xã hỗi với những status nặc mùi tố cáo, bốc phốt, hạ bệ… Bây giờ chúng ta đi lễ, đi giữ tiệc, biết bao cái ông kính máy đt chỉa vào chúng ta. Mọi lời chúng ta nói, những việc chúng ta được ghi lại, được dõi theo, được bình phẩm… ngay cả khi chúng ta đang ăn, đang chìa chìa, keng kèng nâng ly…

Hơn nữa, Đức Thánh Cha viết: “Truyền thông kỹ thuật số cũng đặt người ta trước nguy cơ nghiện ngập, cô lập và dần dần đánh mất sự tiếp xúc thực tế với cụ thể, chặn đứng sự phát triển các mối tương quan liên vị đích thực”. Thậm chí người ta, cả môn đệ Chúa Kitô, đôi khi sử dụng mạng xã truyền thông xã hội có “tính thù hận và hủy diệt”. Thế giới liên kết nhưng không có tương giao, vắng xúc cảm, có chẳng chỉ là những biểu tượng emotions. Chúng ta không gặp thấy những “cử chỉ của thân thể, những diễn tả trên nét mặt, những khoảng khắc thầm lặng, ngôn ngữ thân xác và thậm chí không có ‘mùi hương’, không có cái run rẩy của đôi bàn tay, sự đỏ mặt hat toát mồ hôi, là những điều có thể nói với chúng ta một phần của truyền thông con người” (Fratelli tutti 43). Sự liên kết của con người thời đại số, ngay cả chúng ta – những môn đệ Chúa Kitô, có những mối tương quan nhưng không thúc đẩy, vun xới tình thân hữu, không làm nên cộng đoàn. Thay vào đó, chúng có khuynh hướng che đậy và bành trướng cái chủ nghĩa cá nhân.

Cùng với sự bành trướng của chủ nghĩa cá nhân là lợi ích nhóm (mà thực chất là mảnh đất của cá nhân chủ nghĩa) trong đó “một thứ nguyên tắc chọn lựa để nhập cuộc, theo đó tôi có thể phân ra hai loại, Đức Gh nói, “like” or “unlike”, tức là những gì tôi thấy hấp dẫn và những gì tôi thấy ngán ngẩm. Nghĩa là chúng ta chọn những người mà tôi muốn chia sẻ thế giới của mình với họ. Còn những người hay những tình huống mà ta thấy không thích hay không hợp thì đương nhiên bị xóa trong mạng lưới ảo hôm nay” (Fratelli tutti 47). Một thế giới được liên kết nhưng xa rời thực tại, chỉ là ảo và như thế không có “hương vị” của cuộc sống, không “cảm” được mầu nhiệm của hữu thể nhân linh giữa những “âu sầu và lo lắng”, “vui mừng và hy vọng”. Oái ăm thay, tinh thần thế tục này cũng chiếm chỗ trong đời sống môn đệ Chúa. Người ta phân ranh giới, đánh mất tính công giáo của cộng đoàn Giáo hội.

Cộng đoàn Côrintô, nơi xảy ra tình huống kỳ lạ này: có nhiều ân huệ đặc biệt giữa các tín đồ của Hội thánh này, nhưng những ân huệ này không được thông truyền, chúng vẫn được giữ kín riêng tư, với hậu quả là tình huynh đệ vẫn yếu và hầu như không đáng kể. Cha Cencini nói:

Như vẫn thường xẩy ra trong các cộng đoàn của chúng ta: các ân huệ có đó, có tất cả, bởi vì Thiên Chúa ban cho mỗi người những tài năng riêng, nhưng tài năng thường bị chôn giấu dưới lòng đất, vì sợ hãi, vì lười biếng, nó không được lưu truyền, nó không được tạo ra để cho tất cả, nó không sinh hoa kết trái hay kiến tạo được gì, trên thực tế nó “sẽ bị tước đi” từ bất cứ ai nhận được nó. Nghĩa là có những đặc sủng, nhưng điều có lẽ chúng ta có thể coi điều gì đó là quan trọng hơn các đặc sủng, đó không chỉ là tình yêu được hiểu một cách thông thường, mà là tình yêu biết nói và lắng nghe, biết cho và nhận, làm cho ân huệ lưu truyền và nhân chúng lên, và điều đó đảm bảo rằng các ân hệ của Thánh Thần thực sự là của tất cả mọi người và phục vụ cho việc gây dựng của mọi người. Đây là lý do không có tình huynh đệ nào được xây dựng.[9]

Câu hỏi suy niệm: Tôi có bị nhiễm phải thứ virus chủ nghĩa cá nhân không?

 

 

II. TRỞ NÊN NGƯỜI THÂN CẬN CỦA NHAU

 

(x. Lc 10, 29-37; Col 3,12-17)

Trong bài suy niệm trước, chúng ta đã nói tới sự dịu ngọt – tầm quan trọng của cộng đoàn tính trong hành trình của người môn đệ Chúa Kitô và những dòn mỏng của đời sống chung. Câu hỏi đặt ra là làm sao và bằng cách nào để có thể sống chân tính cộng đoàn với niềm vui và sự phong nhiêu? Trong thông điệp Fratelli tutti, Đức Phanxicô dành chương 2 để nói về “tấm gương của người Samaritano nhân hậu là tình yêu bắc cầu”. Trước nhiều bóng tối của thế giới hôm nay, người Samaritano nhân hậu là một tấm gương sáng ngời, đem lại niềm hy vọng. Tất cả chúng ta được mời gọi – như người Samaritano nhân hậu – trở thành người thân cận với tha nhân (81), bằng việc vượt qua những thành kiến, tư lợi, những rào cản lịch sử và văn hoá. Thật vậy, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc xây dựng một cộng đoàn biết lắng nghe, đón nhận, hội nhập và nâng đỡ những ai quỵ ngã và đau khổ (77). ĐTC khẳng định rằng “tình yêu bắc những nhịp cầu và “chúng ta được sinh ra cho tình yêu” (88), ngài khuyến khích cách đặc biệt các tín hữu nhận ra Đức Kitô nơi nhưng ai bị loại trừ (85). Nguyên lý về khả năng yêu thương ở “mức độ phổ quát” (83) mà chúng ta được mời gọi “ra khỏi chính mình” để thấy nơi tha nhân “sự tăng trưởng của hiện hữu” (88), học nơi tha nhân năng động bác ái hầu giúp chúng ta hướng đến “sự hiệp thông phổ quát” (95). Rằng đời sống con người được định nghĩa bởi tình yêu là điều “luôn ở vị trí đầu tiên” và giúp chúng ta nỗ lực hơn vì lợi ích của tha nhân, giúp ta tránh xa mọi hình thức của chủ nghĩa ích kỷ (92-93). Quả thực, nếu chúng ta không phục hồi niềm say mê cùng nhau kiến tạo một cộng đoàn với cảm thức thuộc về và liên đới với nhau, xứng đáng với thời gian, năng lực và tài nguyên của mình. Theo đó, tôi xin gợi ra đây 3 điểm như là phương thế để kiến tạo một tình đệ huynh chân thành – vượt lên chính mìnhmở ra với tha thể trong sự lắng nghe, đón nhận – trong đó, đức ái – môi dây liên két tuyệt hảo.

1. Vượt lên chính mình

Để vươn ra khỏi chính mình, chúng ta hãy để cho âm vang tình huynh đệ đánh thức tâm khảm chúng ta: “Em người đâu?” (St 4,9). Câu hỏi mà Đức Chúa tra vấn Cain cũng đang dụng tới mỗi chúng ta lúc này và hôm nay: Anh em tôi đâu? Ai là người thân cận của tôi? (Lc 10,29). Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta khởi đi từ câu chuyện người Samaritano nhân hậu (Lc 10,29-37) để giúp tự phản tỉnh: nhận diện mình là ai trong những nhân vật của thảm kịch bên về đường Giêrusalem – Giêrico ngày xưa và những nèo đường nhân sinh của chúng ta hôm nay.

Nạn nhân bên vệ đường về Giêrico ngày xưa có thể là người gần tôi lúc này trong cộng đoàn của tôi. Đức Thánh Cha tra vấn chúng ta: “Chúng ta hãy nhìn nhận rằng với tất cả những tiến bộ mà mình đạt được, chúng ta vẫn ‘dốt đặc’ trong việc đồng hành, săn sóc và nâng đỡ những thành viên yếu ớt và mong manh trong cộng đoàn (xã hội) của chúng ta. Chúng ta trở nên quen thuộc với việc tìm con đường khác, bỏ đi qua, phớt lờ những hoàn cảnh cho tới khi chúng ảnh hướng trực tiếp tới mình” (Fratelli tutti 64). Đứng trước quá nhiều đau đớn và thống khổ, con đường duy nhất của chúng ta là bắt chước người Samaritano tốt lành. Bất cứ quyết định nào khác sẽ làm cho chúng ta hoặc trở thành một trong những kẻ cướp hoặc một trong những kẻ bỏ đi qua mà không thể hiện lòng thương cảm trước những khổ đau của nạn nhân bên vệ đường. Để có thể trở nên người thân cận cho người khác, mỗi chúng ta phải vươn ra khỏi chính mình, xả kỷ để có thể tìm thấy mình nơi tha thể.

Vươn ra khỏi chính mình là việc chân nhận “hiện hữu của mỗi người và của mọi cá nhân được gắn chặt với hiện hữu của những người khác. Đời sống không phải duy chỉ thời gian trôi qua. Đời sống là thời gian cho những tương tác” (Fratelli tutti 66). Rằng “Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi. Đâu phải ai xa lạ mà là người đang sống bên tôi. […]. Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với Chúa Kitô. Đâu phải ai xa lạ mà là người đang sống trong tôi” (Không ai là một hòn đào).

“Trong sâu thẳm trái tim mỗi con người, tình yêu tạo ra những gắn kết và mở rộng sự hiện hữu, vì nó kéo người ta ra khỏi chính họ và hướng về người khác” (Sant Thomas). Vì chúng ta được dựng nên cho tình yêu, trong mỗi chúng ta, dường như có “một luật xuất phát” vận hành: ‘người yêu đi ra khỏi mình để tìm thấy một hiện hữu viên mãn hơn nơi một người khác. Vì thế con người luôn phải đảm nhận cái thách đố vượt qua chính mình” (Karl Rahner). Vượt ra khỏi chính mình để tạo lập các mối tương quan thực hữu với tha nhân và “các tương quan của chúng ta nếu lành mạnh và chân thực, sẽ khai mở chúng ta ra với tha nhân, là những người giúp chúng ta triển nở và trở nên phong phú. […] (FT 89). Tình thân hữu – đệ huynh trưởng thành và chân thực chỉ có thể cắm rễ nơi trái tim biết ra khỏi chính mình mở ra và lớn lên xuyên qua các mối tương quan với người khác.

Trong bài thi Oral môn Đào tạo linh mục vừa qua, nhiều thầy trình bày câu 5: tiến trình siêu việt bản thân với 3 bước, trong đó bước đầu tiên là nhận biết chính mình. Để vươn ra khỏi chính mình, khỏi vỏ ốc ái kỷ cần biết chính mình.

2. Mở ra với tha thể trong sự lắng nghe và đón nhận

Với việc mở ra với tha nhân chỉ có thể trong việc cùng nhau tìm kiếm và sống sự thật ơn gọi nhân linh, cách riêng chúng ta những ứng sinh linh mục – điều mà Giáo huấn của Giáo hội gọi đó là mối liên hệ đặc biệt của đức ái tông đồ, tác vụ và tình đệ huynh bí tích (x. Presbytorum Ordinis, 8; PDV 2; LG 28). Vâng phục sự thật căn tính của chúng ta - ứng sinh linh mục để thực thi tình huynh đệ chân thành. Thánh Phêrô khuyên bảo: “Nhờ vâng phục sự thật, anh em đã thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành. Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn” (1Pr 1,22).

Cùng nhau tìm kiếm sự thật trong đối thoại, trong việc trao đổi nhẹ nhàng và ngay cả khi tranh luận sôi nổi. “Cơn lũ thông tin ở các đầu ngón tay của chúng ta không đem lại nhiều không ngoan hơn. Sự khôn ngoan không sinh ra từ những tra cứu nhanh trên internet, nó cũng không phải là một mớ dự liệu không được xác thực. Đó không phải là cách trưởng thành trong việc gặp gỡ với sự thật”. Tiến trình xây dựng tình huynh đệ chỉ đó thể được đảm nhận bởi những tình thần thực sự tự do và mở ra cho những cuộc gặp gỡ chân thực” (FT 50).

“Người kiềm tìm chân lý không nên tập trung vào những khác biệt này với một nốt nhạc và tách rời khỏi những nốt nhạc, như thể cho rằng nốt nhạc được tạo ra cách riêng biệt và tách rời khỏi những nốt nhạc khác, thay vào đó, người ta nên nhận ra rằng chỉ một tác giả duy nhất đã soạn trọn vẹn giai điệu” (Thánh Irenee, cit. Fratelli tutti 58). Mở ra với tha thể trong thái độ lắng nghe, và đón nhận để tìm thấy giai điệu trọn vẹn của cuộc nhân sinh, của ơn gọi mà Thiên Chúa đã đặt để cho chúng ta, là hữu thể nhân linh, là kitô hữu, là chủng sinh linh mục, nơi tình huynh đệ bí tích.

Lắng nghe:

Lắng nghe là tâm thái đầu tiên cần phải có để bước vào cuộc gặp gỡ, đối thoại liên vị, kiến tạo tình huynh đệ. Chỉ trong thinh lặng, khiếm tốn lắng nghe, chúng ta mới cảm thấu được những giai điệu của cuộc sống, của huyền nhiệm nhân sinh, thậm chí ngay cả khi bể dâu, đổ vỡ, tang thương. Đức Thánh Cha nói: “Khả năng ‘ngồi xuống’ và ‘lắng nghe’ người khác là đặc trưng của cuộc gặp gỡ liên vị, là kiểu thức của thái độ nồng nhiệt nơi những người vượt qua qua xu hướng ái kỷ và đón nhận người khác, quan tâm và đón nhận tha nhân vào trong cuộc sống của mình”. Chúng ta không được đánh mất khả năng lắng nghe. Thánh Phanxicô d’Assii dạy: “nghe tiếng nói của Chúa, nghe tiếng nói của người nghèo, tiếng nói của người đau yếu, tiếng nói của thiên nhiên và lấy tất cả làm con đường sống. Là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta tiên vàn cần học cách lắng nghe. Lắng nghe tiếng kêu xin của người hành khát bên về đường, tiếng kêu cứu của người bị cướp đánh trọng thương, tiếng ai oán, ta thán của những người chìm trong bể dâu cuộc sống, và cả tiếng la ó, chống đối đang chỉ trỏ, ném đá chúng ta. Lắng nghe để cảm thấu, để cúi xuống, để trao ban, để tương trợ, để tha thứ, để yêu thương. Mầu nhiêm Giáng Sinh mà chúng ta đang sống trình cho chúng ta một Thiên Chúa âm thầm lắng nghe tiếng đời, tiếng người trong chính thân phận của chúng ta.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin vào ngày 03.01.2021, Lễ Hiển Linh, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh: “Ngôi Lời ‘đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta’ (Ga 1,14). Ngài đã trở thành “xác thịt”: tại sao Thánh Gioan lại sử dụng cách diễn đạt này, “xác thịt”? Thánh Gioan không thể nói một cách thanh nhã hơn rằng Ngài đã trở thành một người nam sao? Không. Thánh Gioan dùng từ xác thịt vì nó biểu thị tình trạng con người chúng ta với tất cả sự yếu đuối của nó, với tất cả sự mong manh của nó. Điều đó nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã tự trở nên yếu đuối để chạm vào sự yếu đuối của chúng ta. Vì vậy, kể từ khi Chúa trở nên xác phàm, không có gì trong cuộc sống của chúng ta lại xa lạ đối với Ngài. Thiên Chúa đã trở nên xác thịt trong sự mong manh của chúng ta. Ngài đi vào nỗi xấu hổ của chúng ta để trở nên người anh em của chúng ta, để chia sẻ cuộc sống chúng ta. Ngài đã trở thành xác thịt và không tháo lui.

Thánh Giacobe khuyên bảo: “Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (Gc 1,19-20). Đức Phanxicô nói: “Khi sự thinh lặng và sự chú ý lắng nghe biết mất, bị thay thế bằng đủ thứ tin nhắn, thì cấu trúc căn bản này trong sự thông truyền của con người khôn ngoan bị lâm nguy” (Fratelli tutti 49). Khi đó, người ta chỉ tìm thấy mình, nhưng thực ra đó là cái tôi sai lệch, cái tôi không được tìm thấy trong tha thể. Vậy nên, khi lắng nghe, chúng ta sẽ có khả năng đón nhận tha nhân.

Đón nhận

Tha thể không phải là hỏa ngục của tôi (như Jean Paul Sartre khẳng định), mà tôi, chúng ta chỉ có thể định nghĩa được chính mình trong tương quan với tha thể, qua việc đón nhận tha thể. “Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi”. Tôi được tìm thấy trong mối liên hệ với tha nhân, và như thế tôi phải đón nhận tha nhân trong việc tìm thấy chính mình. Nói cách khác, tôi là hữu thể độc nhất,vô nhị, là một nhân vị, nhưng chỉ là độc hữu khi tôi ở trong mối liên hệ với tha nhân. Vì thế, tôi cần:

Ñ  Đón nhận tha nhân như một quà tặng. Sự hiện hữu của tha nhân, những tai năng riêng của họ không bao giờ, không bao giờ là chương ngại, là hỏa ngục, là sự khốn cùng cho tôi, mà là ân huệ cho tôi, là sự bổ túc cho những gì còn thiếu nơi tôi. Nếu không có sự khác biệt, cuộc sống thật nhạt nhẽo, buồn nôn. Anh em bên tôi là tặng phẩm của tôi.

Ñ  Đón nhân người khác như một quà tặng trong cái hơn của họ, khi họ là bạn hữu của tôi, thậm chí có lợi cho tôi không có gì là khó. Đón nhận cả những thương tổn, sần sùi, tật nguyền của họ mới thực sự là điều đáng kể, mới là đức ái, là người thân cận của nhau. Chúng ta thường có cái nhìn thiếu cảm thông, thậm chí hạ bệ những “gót chân Asin” của anh em mình.

“Bnh hôi ming”, Đức Phanxicô dùng hình ảnh này để nói về việc nói xấu nhau trong đời sống cộng đoàn. “Chuột chù chê khi hôi”. Căn bệnh trầm kha, món tráng miệng khoái khẩu của chúng ta. Ngài nói: “Bọn cướp” thường tìm thấy những đồng mình bí mật nơi những người ‘bỏ đi qua và tìm lối khác” (FT 75).

=> Chúng ta không nhận ra rằng những tật nguyền, yêu đuối, thậm chí lỗi lầm của anh em cũng là của tôi. Thương đau của anh em làm tôi rỉ máu, thổn thức. Có lẽ, theo tôi, chính trong những thương tổn, những chướng ngại, những tật nguyền chúng ta khám phá và hiểu hơn huyền nhiệm nhân sinh, và đó là lúc chúng ta trở nên thân cận của nhau hơn. Chính nơi đó, chúng ta được mời gọi để “nhìn thấy”, “lại gần”, “cúi xuống”, “chm tới”, “băng bó” và “chữa lành”.

Cách thức sống đức tin chân thật là việc mở lòng với Thiên Chúa đồng thời mở lòng đón nhân tha nhân. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: Anh em chị em mong muốn tôn vinh thân mình Đấng cứu độ phải không? Vậy thì đừng khinh bỉ khi thân mình đó bị trần truồng. Đừng tôn vinh thân mình Chúa trong nhà thờ với các lớp áo lụa, trong khi bên ngoài kia thân mình Chúa bị trần truồng và buốt lạnh”.

Đón nhận chính là việc“gánh nhau trong đời”. Trong bài Gánh mẹ, tác giả Quách Beem đã diễn tả rất ý vị việc con cái được gánh lấy bởi mẹ cha và cần một lần được gánh mẹ: “Cho con gánh mẹ một lần, Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con. Cho con gánh mẹ đầu non, Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời...”. Cuộc sống là hành trình gánh lấy nhau. Cuộc sống chung cần sự tương trợ, gánh nhau: chúng ta mang nợ những người đàn - hát cho những người nghe; chúng ta nợ những người đêm ngày tần tảo ruộng nươn, bếp núc cho chúng ta những bữa ăn, chúng ta nợ con chiên bốn đạo lời kinh chuyển cầu.. Cuộc sống này chúng ta gánh lấy nhau, trở nên tặng phẩm cho nhau.

Thánh Phaolo dạy chúng ta hãy đón nhận, gánh lấy nhau khi Ngài qui chiếu về việc chính Thiên Chúa đã đi bước trước trong việc đón nhận và gánh lấy chúng ta, những kitô hữu, môn đệ của Chúa trong ơn gọi ứng sinh – linh mục:

“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Col 3,12-13).

Khi đón nhận tha nhân như một quà tặng, chúng ta sẽ hội nhập vào hành trình với tha nhân và thân nhân với tôi. Trở nên thân cận của nhau. Dĩ nhiên, chúng ta chỉ có thể thực hiện được bước đi căn bản này trong hiện hữu của chúng ta với đức ái. Quả thực, “tự bản chất, tình yêu đòi hỏi phải lớn lên trong sự cởi mở và trong khả năng đón nhận người khác, như một phần của cuộc phiêu lưu không ngừng làm cho mọi nẻo đường biên giao nhau trong một cảm thức thuộc về nhau rộng lớn hơn”  (FT 95), bởi ‘tất cả anh em đều là anh em với nhau’ (Mt23,8).

3. Đức ái – mối dây liên kết tuyệt hảo cho tình đệ huynh chân thành

“Tình yêu của chúng ta dành cho người khác, vì chính họ, sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những gì tốt nhất cho đời sống của người khác. Chỉ bẳng cách vun đắp con đường liên hệ lẫn nhau, chúng ta mới có thể kiến tạo được một tinh thần thân hữu xã hội, trong đó không ai bị loại trừ và kiến tạo được một tình huynh đệ mở ra cho tất cả” (FT 94).

Thánh Phaolo thao thức nhắn gởi tín hữu Philipphe, mang lấy những tâm tình Chúa Con: “Nếu qu thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho anh em một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi nên trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh ty hay hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác trọng hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô” (Pl 2, 1-5). Hãy có những tâm tình Chúa Con đó là mầu nhiệm tự hủy (Pl 2,6-11) để đón nhận, gánh lấy người khác, để đem lại niềm vui ơn cứu độ cho tất cả chúng ta. 

Sau khi khuyên nhủ các tín hữu Colosse chịu đựng và tha thứ cho nhau, Vị Tông đồ dân ngoại đã khẳng định đức ái là chìa khóa, giềng mối để thực hiện tình đệ huynh đích thực: trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Col 3,14). “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13, 4-8a).

Đức ái – giềng mối cho một tình huynh đệ - bằng hữu đích thực. Đức Phanxicô dạy: “người ta có thể phát triển một số nhân đức trông có vẻ như các giá trị luân lý: dũng cảm, điềm tĩnh, chịu khó, và những đức tính tương tự. Nhưng nếu các hành động của các nhân đức luân lý khác nhau phải được định hướng đúng đắn, thì người ta cũng cần quan tâm tới mức độ mà chúng thúc đẩy sự mở ra và liên kết với người khác. Đức ái mà Thiên Chúa ban cho sẽ làm cho điều đó có thể. Không có đức ái, chúng ta chỉ có những nhân đức mặt ngoài thôi, không có khả năng nâng đỡ đời sống chung” (FT 91). Ngài tiếp: “Tầm vóc đời sống thiêng liêng của một con người được do lường bằng tình yêu, và cuối cùng đó vẫn là tiêu chuẩn để quyết định dứt khoát xem một đời sống con người có hay không có giá trị […]. Tất cả chúng ta, tất cả chúng ta trong tư cách là tín hữu, nhất là môn đệ Chúa Kitô trong ơn gọi linh mục, cần nhận ra ràng TÌNH YÊU CHIẾM CHỖ THỨ NHẤT: không bao giờ được phép liều đánh mất tình yêu, và nguy hiểm lớn nhất nằm ở chỗ không có tình yêu” (FT 93).

Như một bước quyết đinh: Hãy làm hòa, hãy nói với người anh em mà tôi cảm thấy có rào cản – ngay cả chỉ là trong ý nghĩ, trong tâm tường. Hãy đến bên nhau, ngỏ lời với nhau và cùng nhau khám phá sư dịu ngọt, “hương nồng rượu mới của tình đệ huynh”.


[1] GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Novo millennio ineunte, dịp năm thánh 2000, n. 46.

[2] Robert King Merton (1910 - 2003) là một nhà xã hội học người Mỹ, người được coi là cha đẻ của xã hội học hiện đại.

[3] A. CENCINI, Prete e mondo d’oggi, dal post – cristiano al pre – cristiano,  Cinisello Balsamo (Milano)  2010, p. 40.

[4] A. CENCINI, Fraternità in cammino verso l’alterità, Bologna, 2002, p. 48-54.

[5] THÁNH BỘ VỀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIỆN VÀ CÁC HIỆP HỘI ĐỚI SỐNG TÔNG ĐỒ, Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn – Vita fraterna in comunità, 2.2.1994.

[6] Vita fraterna in comunità, n.32.

[7] Vita fraterna in comunità, n.29.

[8] Vita fraterna in comunità, n.32.

[9] A. CENCINI, “Com’è bello”, 201.

Nguồn tin: